Nếu người cha không thể nói được làm được, phá vỡ thương lượng với trẻ, đáp ứng yêu cầu không hợp lí của trẻ, trẻ sẽ nghĩ: Chỉ cần mình khóc, kiên trì yêu cầu của mình, cha sẽ đáp ứng.
Đằng sau những đứa trẻ có tố chất cao, nhất định là những người cha người mẹ có tố chất cao. Những cha mẹ không có tố chất cao, sẽ gặp phải khó khăn và trở ngại khi muốn bồi dưỡng nên những đứa trẻ có tố chất cao. Chúng ta phải nâng cao tố chất của cha mẹ, bởi vì tố chất của cha mẹ quyết định tương lai của trẻ.
Khổng Tử nói: “Cổ giả ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã”. Ý nghĩa của câu này là: “Người xưa không dễ dàng nói ra mọi điều, bởi vì họ cho rằng nói ra mà không làm được là một điều sỉ nhục”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng nên giống như người xưa, trước khi nói ra phải suy nghĩ thận trọng, không thể nghĩ cái gì thì nói cái đó. Hơn nữa những điều nói ra bạn phải làm được. Nếu như bạn không thể làm được, thì không nên tùy tiện nói ra.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên thấy một số người thực hiện được những lời hứa của bản thân mình, nhưng lại có một số người nói lời quên lời. Thực ra, lời nói của những người này đều là giả, họ không thể làm được. Đương nhiên chúng ta nên học tập theo những người thuộc nhóm đầu tiên, học tập họ cách nói được làm được, làm một con người làm tròn bổn phận của mình. Đối với người thân và bạn bè thì nói được phải làm được, đặc biệt là đối với những đứa con chưa trưởng thành của chúng ta.
“Cha ơi, con vẫn muốn ăn kem, cha cho con một cái nữa”. Đứa trẻ bắt đầu vòi vĩnh người cha. “Không được! Nói rồi chỉ được ăn một cái”, người cha cau mày nói. “Con vẫn muốn ăn!”, đứa trẻ ngồi bệt xuống đất, lăn ra ăn vạ. Nếu như người cha không thể nói được làm được, lại cho trẻ một cái kem hoặc dùng đồ chơi, đồ ăn ngon khác để thay thế kem: “Thôi, để ngày mai cha đưa con đi mua chiếc ô tô mà con thích được không?”, phá vỡ thương lượng với trẻ, đáp ứng yêu cầu không hợp lí của trẻ, trẻ sẽ nghĩ: Chỉ cần mình khóc, kiên trì yêu cầu của mình, cha sẽ đáp ứng.
Sau này, trẻ sẽ nắm được nhược điểm nói được nhưng không làm được của cha, càng ngày càng tỏ ra bướng bỉnh.
Ví dụ trên trên thực tế cũng chính là thể hiện hành vi nói được không làm được, là biểu hiện nhu nhược, không có nguyên tắc của người cha. Trẻ sẽ phát hiện ra khóc ăn vạ là một phương pháp tốt để người cha thỏa mãn yêu cầu của trẻ. Sau này, trẻ vẫn sẽ dùng phương pháp này để đòi người cha thỏa mãn mọi yêu cầu của mình. Cách làm thông minh nhất của người cha lúc này là nói rõ đạo lí, làm mọi việc như đã giao hẹn từ trước. Người cha như vậy mới thực sự là người “nói được làm được”.
Bình thường khi đối xử với người khác chúng ta cũng phải như vậy, không hứa thì thôi, nhưng khi đã hứa nhất định phải thực hiện. Trường hợp đối phương có yêu cầu quá cao, chúng ta có thể từ chối một cách khéo léo.
Theo như điều tra, trong giáo dục gia đình, hiện tượng nói được làm được này không phổ biến, những lời hứa của cha mẹ thường thường biến thành “chi phiếu khống”. Có ba nguyên nhân cơ bản: Một là, một số phụ huynh chỉ thuận mồm nói ra cho vui, hoàn toàn không định thực hiện; hai là, một số phụ huynh cảm thấy con mình nhanh chóng quên đi những lời hứa của cha mẹ; ba là, một số phụ huynh thực sự rất bận, không thể dành thời gian đi cùng trẻ, hoặc là vì vấn đề tài chính không có khả năng thực hiện lời hứa của mình. Nhưng cha mẹ phải biết rằng, cách làm kí “chi phiếu khống” tùy tiện này của cha mẹ không hề có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Phải tôn trọng trẻ
“Chỉ cần kết quả thi của con nằm trong tốp 10 của lớp, cha sẽ mua xe mới cho con!”.
“Đợi con thi đỗ vào trường chuyên của thành phố, mẹ sẽ cho con đi du lịch Hàn Quốc!”.
“Con được 100 điểm cha sẽ thưởng con 100 tệ!”.
Trẻ tuy nhỏ nhưng trẻ là một cá thể độc lập hoàn chỉnh. Trẻ có tư tưởng riêng của mình, có thể phân biệt một số điều phải trái. Trẻ thường luôn luôn nhớ những sự việc mà cha mẹ hứa với trẻ. Cha mẹ phải tôn trọng trẻ như một người bạn của mình. Những việc hứa với trẻ thì phải làm được, nếu như không thực hiện được, nên kịp thời giải thích cho trẻ, xin lỗi trẻ, làm cho trẻ có cảm giác được tôn trọng, làm cho tâm hồn bé nhỏ của trẻ không bị tổn thương.
Một hôm con gái Y Y 5 tuổi của tôi muốn đi vườn thú. Vợ tôi đang ngồi trước máy tính bận rộn làm việc, không ngẩng đầu lên và nói: “Hôm nay mẹ bận, cuối tuần sau mẹ đưa con đi”. Con gái ngoan của tôi không nói gì nữa. Đến chủ nhật, vợ tôi vẫn bận không dứt ra được, và đã quên lời hứa với con gái từ tuần trước. Con gái tôi lại nhắc đến việc đi vườn thú một lần nữa, nhìn vào thời gian biểu làm việc kín mít, vợ tôi chỉ có thể nói: “Tuần sau vậy”. Kết quả là lùi lại hết lần này đến lần khác, vẫn không thực hiện được.
Cuối cùng, khi con gái tôi nghe thấy lời hứa “Tuần sau mẹ đưa con đi vườn thú”, liền nói một cách bất mãn: “Mẹ chỉ nói dối thôi, mẹ nói mà không thực hiện, mẹ không phải là người thành thật!”. Vợ tôi nghe xong vô cùng ngạc nhiên, vội vàng bỏ hết mọi công việc, đưa con gái đi vườn thú, thực hiện lời hứa cô ấy đã hứa từ rất lâu. Sau sự việc vợ tôi nói với tôi, vốn dĩ cô ấy không thực sự muốn đưa con đi vườn thú chơi, nói tuần sau đưa con đi chỉ là một cách trì hoãn, trong lòng nghĩ con gái sẽ không nhớ việc này. Không ngờ con gái lại nhớ kĩ lời hứa của cô ấy, luôn luôn đợi cô ấy thực hiện lời hứa. Con gái tôi đã dạy cho vợ tôi một bài học: Sự giao lưu giữa người lớn với nhau coi trọng chữ tín, đối với trẻ cũng phải nói là làm, không thể nuốt lời.
2. Phải là tấm gương của trẻ
Cha mẹ nói đi đôi với làm là nhân tố quan trọng xác lập vị trí chủ đạo và uy quyền của cha mẹ trong lòng trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên nói dối trẻ, lâu dần sẽ làm trẻ mất đi sự tín nhiệm đối với cha mẹ. Hai bên không có sự tín nhiệm, thì nói gì đến tính hiệu quả trong việc giáo dục?
Hiện nay những lời hứa “suông” như vậy giữa cha mẹ và con cái không hề hiếm gặp. Khi trẻ đã thực hiện được nguyện vọng của cha mẹ, cha mẹ lại vì nguyên nhân nào đó không thể thực hiện lời hứa trước đây với trẻ, trẻ sẽ nhìn nhận về sự thành thật và chữ tín như thế nào.
Có một đứa trẻ viết trong bài văn của mình rằng trong bài kiểm tra giữa kì, cậu bé đạt được 100 điểm, người cha hứa mua tặng cậu bé một chiếc xe đạp mới, kết quả là do thiếu tiền nên không mua được cho cậu bé. Lại có một lần thi cuối kì, cậu bé đạt được 95 điểm môn ngữ văn, mẹ cậu bé hứa cho cậu bé đi ăn KFC, kết quả lại không thực hiện. “Cha mẹ ơi, cha mẹ thường giáo dục con không được nói dối nhưng tại sao cha mẹ lại thường xuyên không thực hiện lời hứa của mình với con?”. Đây chính là tiếng lòng của trẻ.
Nghĩ kĩ chúng ta sẽ thấy lời của cậu bé trên có một đạo lí nhất định. Hiện nay rất nhiều cha mẹ vì mong muốn trẻ chăm chỉ học tập, quen với việc thường xuyên cho trẻ những lời hứa. Cũng có thể cha mẹ chỉ buột mồm nói ra, nhưng trẻ thì vô cùng nghiêm túc. Kết quả của việc không thực hiện lời hứa chính là dạy trẻ không giữ chữ tín, khiến trẻ nghĩ rằng có thể không cần thực hiện lời hứa với người khác.
Lời hứa của cha mẹ đối với trẻ phải có chừng mực, những việc không làm được thì không được nói khoác; những việc không nên đáp ứng nhất định không đáp ứng. Ví dụ, những việc nhỏ như ăn cơm mặc quần áo, hoặc một số việc nhà trong khả năng của trẻ thì trẻ nên tự làm, không được hứa với trẻ khi trẻ làm xong sẽ thưởng trẻ cái gì.
Cha mẹ không được dễ dàng đưa ra lời hứa với trẻ, nhưng một khi đã nói thì phải làm được. Nếu không thì, sau này trẻ sẽ không nghe lời bạn nữa. Câu chuyện Sói đến rồi có thể kể cho trẻ nghe nhưng không thể làm với trẻ.