Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 55: CÓ LÍ NÊN HÙNG HỒN



Đối với những yêu cầu không thể đáp ứng của trẻ, tuyệt đối không được đáp ứng. Cho dù trẻ có khát khao đạt được điều đó như thế nào, cho dù trẻ gào khóc ầm ĩ cũng không thể chiều trẻ.
“Lí lẽ hùng hồn” trong từ điển giải thích là: Lí do đầy đủ, vì thế mà nói chuyện có khí thế; cũng chính là nói có lí thì tự nhiên sẽ hùng hồn.
“Lí lẽ hùng hồn” là một cụm từ mọi người đều quen thuộc, trong cuộc sống thỉnh thoảng cũng “lí lẽ hùng hồn” một lần, nhưng rất ít người nghĩ đến việc nó có mối liên hệ như thế nào với giáo dục, với giáo dục gia đình, và với giáo dục bằng hành động. Thực ra nó có mối liên hệ chặt chẽ với giáo dục, đặc biệt là giáo dục bằng hành động.
Tại sao bạn lại “lí lẽ hùng hồn”? Bởi vì có lí, bạn sẽ có khí thế, nếu như hành động của bạn không chân chính, thì có lí không? Cho nên muốn làm trẻ tin phục, muốn trở thành tấm gương tốt của trẻ, muốn bồi dưỡng ra những đứa con xuất sắc, thì nhất định hành động phải chân chính.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Nói “không” với những yêu cầu không hợp lí
Khi con gái tôi 4, 5 tuổi, lúc đó nhà tôi ở Trường Xuân. Một lần con và tôi đi tàu hỏa đến thành phố Cát Lâm. Lúc gần đi, vợ tôi chuẩn bị cho con rất nhiều đồ ăn, đồ uống, dặn dò con lúc lên xe đói thì ăn. Con gái hào hứng đeo chiếc ba lô đầy đồ ăn, như một người lớn, vẫy tay nói với mẹ đang ra sức dặn dò: “Tuân lệnh!”, sau đó vui vẻ ra khỏi nhà cùng tôi.
Tàu hỏa vừa đi được một đoạn, nhân viên phục vụ đẩy xe đồ ăn đi qua. Khi xe đẩy đến chỗ tôi và con gái ngồi, con gái đòi mua ít đồ ăn vặt, nhưng tôi không đồng ý. Tôi nói rõ ràng với nhân viên phục vụ rằng tôi không mua, và bảo cô ấy đi đi. Lúc này, những người xung quanh nói vào bảo tôi mua cho con gái. Có lẽ vì có sự đồng tình to lớn của mọi người cho nên Y Y cứ nắm chặt đồ ăn, thách thức tôi, không chịu để đồ ăn xuống.
Cuối cùng tôi không chịu nổi đã tức giận với con: “Để xuống! Cha nói không mua là không mua!” đồng thời lấy gói đồ ăn trong lòng con ra đặt lại vào xe. Nhân viên phục vụ nói: “Chưa từng gặp người cha nào như anh!” rồi tức giận bỏ đi. Con gái vô cùng thất vọng, òa khóc. Những hành khách ở xung quanh lại đổ thêm dầu vào lửa: “Anh thật nhẫn tâm, làm trẻ đau lòng như vậy?”, “Đây nhất định là bố dượng, con bé thích như vậy, tại sao lại không mua cho con bé?”, “Mua cho con bé một thứ để an ủi con bé cũng được…”. Tiếng khóc của con gái lại càng to hơn, vừa tủi thân lại vừa thấy mất mặt. Tôi không giải thích gì với những người xung quanh, cũng không an ủi con, đợi con trút hết mọi bất mãn ra ngoài.
Khi con gái cuối cùng không khóc nữa, tôi nói: “Chúng ta nói chuyện nhé!”. Con mím môi không nói gì, vẫn còn đang tâm trạng. “Tại sao con nhất định phải mua những món đồ đó?”. Con gái vẫn không nói gì, tôi nghiêm nghị hỏi lại một lần nữa. Con nói: “Con đói và khát”. “Thế tại sao con không ăn đồ ăn đồ uống mang từ nhà đi?”. Con gái im lặng. “Mẹ đã chuẩn bị đồ ăn cho chúng ta, đói chúng ta có thể ăn; còn chuẩn bị cả đồ uống cho chúng ta nữa, chúng ta cũng sẽ không bị khát. Tại sao chúng ta lại phải bỏ tiền ra mua?”. Tôi tiếp tục hỏi con, đồng thời lấy những đồ ăn mà vợ tôi chuẩn bị ra, những đồ này tuyệt đối không thua kém gì đồ nhân viên phục vụ bán. Những vị khách ngồi bên cạnh nhìn thấy những thứ này, có người gật đầu nói: “Đúng vậy, có rồi thì không phải mua nữa!”. Tôi nhìn con gái, đợi phản ứng của con, con bé cúi đầu xuống không nói gì. Một lát sau, con nói: “Cha ơi, con sai rồi”. Tiếng con rất nhẹ nhưng tôi nghe rất rõ.
Tại sao không đáp ứng yêu cầu của con, mà con vẫn phải xin lỗi tôi? Đó là bởi tôi có “lí” cho nên tôi có thể kiên quyết từ chối yêu cầu không hợp lí của con.
Đối với những yêu cầu không thể đáp ứng của trẻ, tuyệt đối không đáp ứng. Cho dù trẻ có mong muốn đạt được yêu cầu như thế nào, cho dù trẻ có gào khóc ầm ĩ cũng không thể chiều trẻ. Luôn luôn thỏa mãn yêu cầu không hợp lí của trẻ tưởng là yêu trẻ, thực tế là thúc đẩy trẻ theo đuổi những yêu cầu không hợp lí, có hại ngầm đến trẻ.
Mong muốn của con người là vô biên.
Rất nhiều cha mẹ có những cảm nhận như vậy. Mỗi lần đưa trẻ đi siêu thị hoặc vào các cửa hàng đồ chơi, trẻ thường không ngớt yêu cầu cha mẹ mua các loại đồ chơi và đồ ăn… Đây là vấn đề khiến rất nhiều cha mẹ cảm thấy đau đầu. Mỗi lần trước khi đưa Y Y đi siêu thị, tôi thường nói với con: “Hôm nay, cha đưa con đi siêu thị chơi, con có thể mua một món đồ mà con muốn mua nhất, giá cả trong vòng… Con phải nghĩ kĩ muốn mua cái gì rồi quyết định mua, nếu như con đòi mua nhiều thứ cha sẽ không đưa con đi nữa”. Sau khi nghe xong điều kiện của tôi con thường vui vẻ đáp: “Vâng, con biết rồi ạ”.
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, chúng ta phải dạy cho trẻ cách khống chế ham muốn của bản thân, phải có lí lẽ hùng hồn nói “không” với trẻ. Tiền đề của việc này là các bậc phụ huynh phải có những hành động chân chính, lí lẽ của bạn phải hợp lí.
2. Phải kiểm điểm bản thân có gây tác động xấu với trẻ hay không
Trong quá trình nghiên cứu về công tác giáo dục gia đình trong nhiều năm, tôi thường xuyên tiếp xúc với một số ví dụ “phản diện”, hay chính là một số phương pháp giáo dục và chi tiết cuộc sống không hợp lí của cha mẹ, sẽ có ảnh hưởng xấu đến phẩm chất tính cách và hành vi của trẻ, nhưng bản thân họ không ý thức được, mà còn luôn mồm giáo dục trẻ nên “thế này, thế kia”.
Ví dụ, có một bé trai học tiểu học luôn mồm nói bậy, thường xuyên bắt nạt bạn nữ, thậm chí còn không lễ phép với giáo viên nữ. Giáo viên chủ nhiệm liên lạc với mẹ cậu bé, không ngờ mẹ cậu bé lại khóc lóc với giáo viên cậu bé này bất lễ với mẹ như thế nào. Giáo viên chủ nhiệm đã lao tâm khổ tứ giáo dục cậu bé này phải lễ phép nhưng không có hiệu quả. Một hôm, giáo viên chủ nhiệm đến thăm nhà cậu bé, người chạy ra mở cửa đón cậu bé chính là cha cậu bé. Nghe cô giáo nói những nhược điểm của cậu bé, người cha liền vừa mắng cậu bé, vừa cầm gậy đuổi cậu bé quát tháo: “Ai bảo mày không chịu học, ai bảo mày chửi người ta, mày học ở đâu những thói đó?”. Cậu bé vừa chạy vừa trả lời: “Đều học cha cả”. Người cha không biết nói gì. Cô giáo chủ nhiệm liền hỏi mẹ cậu bé đâu, người cha liền trợn mắt nói: “Vẫn đang ở trên giường, đúng là một con lợn!”. Cô giáo chủ nhiệm liền hiểu được nguyên nhân căn bản tại sao cậu bé không lễ phép.
Người cha sỉ nhục vợ mình ngay trước mặt con và người lạ, không nề hà việc người ngoài đang ở đó, trẻ làm sao có thể lễ phép được? Trẻ làm sao có thể nghe lời dạy dỗ của cha? Cô giáo chủ nhiệm phê bình người cha, người cha này cũng ý thức được hành vi của bản thân sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Dần dần ông biết cách tôn trọng vợ, không nói lời thô bạo nữa. Cậu bé này cũng càng ngày càng lễ phép, cũng bắt đầu nghe lời dạy dỗ của cha.
Làm cha mẹ phải nêu một tấm gương tốt cho trẻ, khi cha mẹ phát hiện ra những nhược điểm và lỗi lầm của trẻ, phải tìm ra nguồn gốc của nó, phải kiểm điểm xem hành vi của mình có tác dụng xấu đến trẻ hay không, như vậy khi giáo dục trẻ mới có lí lẽ. Người cha phải cố gắng cho trẻ cách xa hoặc ít tiếp xúc với môi trường xấu, đồng thời phải lấy mình làm gương, cùng trẻ xây dựng thói quen hành vi văn minh lịch sự.
Những thói quen hành vi không tốt của trẻ đều có nguồn gốc từ môi trường xung quanh, muốn làm trẻ tôn trọng chúng ta, trở thành một con người văn minh, lịch sự, lễ phép, có giáo dục; thì đầu tiên phải làm sạch môi trường xung quanh trẻ. Giáo dục người khác đầu tiên phải giáo dục bản thân, như vậy bạn mới có thể “hùng hồn và đầy lí lẽ” khi giáo dục trẻ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.