Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 58: CHO TRẺ HỌC CÁCH KIÊN CƯỜNG



Khi trẻ hết lần này đến lần khác chiến thắng mọi khó khăn, trẻ sẽ tăng thêm dũng khí, khơi dậy ước muốn chiến thắng khó khăn, tâm lí sợ hãi sẽ mất đi, lòng tự tin sẽ được tăng cường, lúc này trẻ sẽ nói với bản thân: “Mình làm được”, “Mình có thể”.
Cùng với sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của kinh tế, điều kiện sống của trẻ ngày càng tốt đẹp hơn. Trẻ em hiện nay đều trưởng thành trong sự yêu chiều của người mẹ, trong số đó có rất nhiều trẻ hình thành những nhược điểm như yếu ớt, ích kỉ, tính ỷ lại cao, tính độc lập kém. Những đứa trẻ sống trong “bình mật ong” như vậy, nếu như không khắc phục những nhược điểm trên, nếu như người cha không tiến hành giáo dục trẻ, không kịp thời dạy trẻ đối mặt với khó khăn một cách hợp lí, bồi dưỡng cho trẻ phẩm chất nghị lực kiên cường, thì tương lai trẻ khó có thể đứng vững trong xã hội.
Để khắc phục những nhược điểm nhu nhược, yếu ớt của trẻ, người làm cha phải căn cứ vào sự phát triển tâm sinh lí của trẻ để tạo ra hoặc lợi dụng một tình huống nào đó, đặt ra những vấn đề khó, làm trẻ động não động tay, nỗ lực để khắc phục khó khăn. Bởi cuộc đời của một con người không thể luôn luôn thuận buồm xuôi gió, khó khăn và trắc trở là điều khó tránh khỏi. Giáo dục trẻ vượt qua khó khăn, đối mặt với khó khăn có lợi cho trẻ thích ứng với xã hội một cách tốt hơn.
Sự hình thành phẩm chất tâm lí tốt đẹp cần một quá trình lâu dài và phức tạp, không thể làm được ngay. Làm cha, tôi cho rằng nên căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi của trẻ kết hợp với cuộc sống hàng ngày, kiên trì từng bước, để cuối cùng đạt được mục đích của việc tiến hành giáo dục đối mặt khó khăn cho trẻ.
Khó khăn và trắc trở có thể rèn luyện phẩm chất và ý chí của con người. Chiến thắng khó khăn không phải là việc có thể làm được trong một sớm một chiều, cũng không phải là việc cứ cố gắng theo đuổi là được, điều mấu chốt là thuận theo tự nhiên, thuận theo quy luật phát triển của trẻ.
Trong cuộc sống nên ngầm bồi dưỡng cho trẻ khả năng chịu đựng và khắc phục khó khăn, kiên trì đến cùng. Bất kì hành vi dung túng nào đều tạo nên tư tưởng ỷ lại ở trẻ, phải để trẻ nhận thức được khó khăn trong quá trình tự mình trải nghiệm, học bản lĩnh khắc phục khó khăn, chiến thắng khó khăn. Từ đó, hình thành phẩm chất nhân cách kiên cường, nghị lực.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Để trẻ làm những việc trẻ có thể làm
Nuông chiều trẻ quá mức, thay trẻ làm mọi việc, cuối cùng trẻ sẽ yếu ớt ỷ lại, khi gặp khó khăn thì không biết làm thế nào.
Ví dụ khi trẻ ngã, nếu không nghiêm trọng, chúng ta nên cổ vũ trẻ tự mình đứng lên, chứ không phải là vội vàng chạy đến nâng trẻ dậy; nếu trẻ muốn chơi đồ chơi, nên cổ vũ trẻ tự lấy, quần áo cũng phải động viên trẻ tự mặc, tuyệt đối không được cơm bưng nước rót tận tay trẻ.
Chúng ta nên cho trẻ gặp một số khó khăn trở ngại nhất định, giúp trẻ dần dần học được cách kiên cường đối mặt với mọi thứ trong cuộc sống.
2. Tiến hành rèn luyện sức khỏe của trẻ để nung đúc ý chí kiên cường
Ví dụ, khi mùa đông đến, cổ vũ trẻ dậy sớm tập thể dục, chạy nhảy, rèn luyện cho trẻ ý chí và nghị lực đấu tranh với giá lạnh; ở nhà, có thể cho trẻ làm một số việc nhỏ trong khả năng; tận dụng kì nghỉ hè đưa trẻ đi ngoại ô đi bộ, đi leo núi, đi công viên…, từ đó giúp trẻ cảm nhận được sự mệt mỏi, sự gian khổ, cảm nhận được cuộc sống ngoài vị ngọt, còn có đắng và cay, giúp trẻ được tôi luyện trong khó khăn ở mọi hoàn cảnh.
3. Tận dụng cuộc sống hiện thực, nâng cao khả năng sống tự lập của trẻ
Để bồi dưỡng cho trẻ có khả năng sống độc lập, có thể một mình đối mặt khó khăn giải quyết tốt vấn đề, cách giáo dục của người Mĩ đáng được học tập. Trẻ em Mĩ ngay từ nhỏ đã phải sống một mình trong phòng của mình, tự mình hoạt động, rèn luyện khả năng sống độc lập.
Cho nên Đông Tử cho rằng, trẻ em từ 3 tuổi trở đi có thể cho ngủ một mình, đồng thời cho trẻ học cách tự ăn cơm, tự mặc quần áo, tự gấp chăn màn, tự thu dọn đồ chơi, tự đi vệ sinh; đồng thời, yêu cầu và thái độ giáo dục của cha mẹ đối với trẻ phải thống nhất, hàng ngày nên tiến hành luyện tập nhiều lần, nhắc nhở nhiều lần, yêu cầu nghiêm khắc đối với trẻ. Ngoài ra có thể cho trẻ làm một số việc nhà ngay từ nhỏ, ví dụ như quét dọn phòng, mua đồ giúp cha mẹ.
4. Động viên trẻ khắc phục khó khăn, bồi dưỡng phẩm chất, nghị lực kiên cường
Có trẻ có phản ứng tiêu cực khi gặp nghịch cảnh, thường sẽ ủ rũ buồn rầu, dùng cách rút lui né tránh. Muốn thay đổi hiện tượng này thì khi trẻ gặp khó khăn, phải dạy trẻ dùng thái độ đúng đắn, dũng cảm đối mặt, thách thức với khó khăn.
Ví dụ, khi trẻ leo núi sợ độ cao, sợ bị ngã, chúng ta nên cổ vũ trẻ và nói: “Đừng sợ, con có thể làm được, ngã một cái có đáng gì?”, “Con thật dũng cảm!”.
Rất nhiều bé gái sợ đi trên thanh gỗ thăng bằng, sợ bơi, lúc này chúng ta nên cổ vũ trẻ rằng: “Đừng sợ, nhất định con sẽ làm được!”. Khi trẻ bị ngã, người lớn không chạy đến nâng đỡ hay dỗ dành trẻ, mà hãy để trẻ tự đứng dậy. Như vậy trẻ sẽ dần dần từng bước xây dựng lòng tự tin, nỗ lực chiến thắng khó khăn.
Khi trẻ hết lần này đến lần khác chiến thắng khó khăn, trẻ sẽ tăng thêm dũng khí, khơi dậy ước muốn chiến thắng khó khăn, tâm lí sợ hãi sẽ mất đi, lòng tự tin sẽ được tăng cường, lúc này trẻ sẽ nói với bản thân mình: “Mình làm được”, “Mình có thể”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.