Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 6: SỰ MẠO HIỂM ĐÚNG MỨC CẦN ĐƯỢC CỔ VŨ



Không trải qua vô số lần mạo hiểm, nhân loại không thể từ hình thức sống nguyên thủy ăn tươi nuốt sống tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại, ngồi phòng lạnh, thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê như hiện nay.
Mạo hiểm gắn liền với sự trưởng thành của tôi, thử nghĩ xem nếu không có ba lần mạo hiểm bỏ trốn thì một người chỉ đi học sáu năm như tôi làm sao có được ngày hôm nay?
Mạo hiểm thực chất là một trạng thái tâm lí tích cực, là tinh thần can đảm đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống. Trong cuộc sống, những người dám mạo hiểm chắc chắn là những người tự tin, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Một người có tri thức, chưa chắc có thể đi xa; nhưng một người tự tin và có tinh thần mạo hiểm, thì có thể đi khắp chốn.
Giáo dục gia đình với phương châm là bảo vệ, truyền thụ, dạy bảo khuyên răn có từ rất lâu đời. Biểu hiện cụ thể của phương pháp giáo dục này khác nhau, nhưng nói chung đều có xu hướng chung là bao bọc trẻ quá mức. Có một ví dụ tiêu biểu như sau: Trẻ con Mĩ rất thích trò trượt băng, hình ảnh những đứa trẻ trượt băng va vào nhau trên vỉa hè, trên quảng trường, trên các bậc thềm cao khiến người lớn rất lo ngại về sự an toàn của chúng. Điều thú vị là trong số đó, có rất ít những đứa trẻ mang dòng máu Trung Quốc. Tại sao vậy? Trượt băng đâu thể làm khó những đứa trẻ Trung Quốc, nhưng trò chơi này cần lòng dũng cảm, bởi nó có tính nguy hiểm nhất định. Đối với những đứa trẻ Trung Quốc đây là một thử thách. Suy cho cùng là do ý thức truyền thống, rất nhiều người cha người mẹ Trung Quốc cho rằng trò chơi này quá mạo hiểm, rất dễ ngã gãy chân tay, nên không khuyến khích trẻ tham gia. Tuy trò chơi này là một thử thách để rèn luyện tinh thần dũng cảm của trẻ, nhưng người cha người mẹ Trung Quốc cho rằng nó không đáng, vì không an toàn. Cách nghĩ của họ đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, khiến trẻ chùn bước, không muốn tham gia.
Bảo vệ thân thể quá mức sẽ dẫn đến sự nhút nhát trong tính cách của trẻ. Sự tổn hại đến nhân cách nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những vết thương ngoài da. Vết thương ngoài da sẽ khỏi, nhưng tính cách yếu đuối thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Đương nhiên người lớn không thể tùy tiện khuyến khích trẻ mạo hiểm, mà cần có giới hạn. Các bậc phụ huynh hãy khuyến khích con mình tích cực tham gia vào những môn thể thao có tính thử thách, bồi dưỡng lòng dũng cảm, sự tự tin và tinh thần mạo hiểm, điều này rất có ích cho sự phát triển sau này của trẻ.
Thành công và mạo hiểm luôn đi liền với nhau, những gì đạt được là kết quả của sự dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm.
Đại đa số chúng ta đều không dám mạo hiểm, bởi xã hội vẫn chưa có cái nhìn khoan dung đối với sự thất bại. Mạo hiểm thành công khiến người khác ghen tị, mạo hiểm thất bại khiến người khác chê cười, đây là hiện thực tàn khốc.
Không trải qua vô số lần mạo hiểm, nhân loại không thể từ hình thức sống nguyên thủy ăn tươi nuốt sống tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại, ngồi trong phòng lạnh, thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê như hiện nay.
Tục ngữ có câu: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Những người cẩn thận quá sẽ không làm được việc lớn. Trong sự nghiệp, trong kinh doanh buôn bán, nếu không mạo hiểm thì không thể có thành quả lớn.
Một loạt các phát kiến của nhân loại như: Sự chuyển động quay của các thiên thể của Copernicus(*), mô hình kết cấu nguyên tử của Rutherford(**), sự phát hiện và khai hoang lục địa mới… đều bắt nguồn từ sự mạo hiểm.
___________
(*) Nicolaus Copernicus (1473-1543) là một nhà thiên văn học người Ba Lan. Ông nổi tiếng với sự phát triển thuyết nhật tâm (mặt trời nằm ở trung tâm của vũ trụ) của mình, đây được coi là giả thuyết khoa học quan trọng nhất trong lịch sử. Nó đã đánh dấu bước chuyển sang thiên văn học hiện đại và từ đó là khoa học hiện đại, khuyến khích các nhà thiên văn trẻ, các nhà khoa học và các học giả có thái độ hoài nghi với những giáo điều đã tồn tại từ trước.
(**) Ernest Rutherford (1871-1937) là một nhà vật lí người New Zealand hoạt động trong lĩnh vực phóng xạ và cấu tạo nguyên tử. Ông được coi là “cha đẻ” của ngành vật lí hạt nhân.
Con tôm hùm lột xác là để có một chiếc vỏ bảo vệ vững chắc hơn. Một người cả ngày sống dưới bóng của người khác sẽ bị hạn chế sự phát triển của bản thân mình. Không muốn mạo hiểm và tốn thời gian vào việc đi tìm nơi ẩn náu, thì vĩnh viễn chỉ có thể là một con cua kí sinh mà thôi.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Động viên để trẻ tự tin
Chúng ta nên thường xuyên động viên trẻ: “Con thật cừ; con rất khỏe; con có thể làm được một số việc đấy”. Đặc biệt là khi trẻ thử những thứ mới, dù biết con sẽ không thành công nhưng những người cha cũng đừng quên cổ vũ trẻ.
Cổ vũ trẻ mạo hiểm không đồng nghĩa với việc để trẻ làm liều. Với những người thành công, tiền đề của sự mạo hiểm chính là hiểu rõ khả năng thành công. Trước khi quyết định mạo hiểm, họ không hỏi tỉ lệ thành công, mà luôn hỏi tỉ lệ thất bại. Với họ, không có thứ gọi là mạo hiểm mù quáng, bởi đặt cược càng nhiều, tổn thất càng lớn, khoảng cách đến thành công càng xa.
Trước khi trẻ bước những bước đi đầu tiên, hãy giúp trẻ suy xét kĩ tình hình. Lòng tin là quan trọng, nhưng thành công lại dựa vào kế hoạch. Khi trẻ có kế hoạch mạo hiểm, bạn nên hỏi trẻ: “Tình huống nào sẽ xảy ra sai sót? Cần chuẩn bị những gì để tránh những sai sót? Khi kế hoạch thất bại, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là gì?”. Nếu bạn cho trẻ cơ hội nói với bạn quyết định thực hiện bước đầu tiên của trẻ, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Chờ đợi mù quáng đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội thành công, chỉ cần bạn học được cách mạo hiểm đúng lúc và chịu khó suy nghĩ, thành công sẽ đến với bạn!
2. Để trẻ tự làm
Nửa thế kỉ trước, Đào Hành Tri(*) đã chỉ ra rằng: Sự kì diệu trong giáo dục trẻ nằm ở chỗ tin tưởng và giải phóng trẻ. Chúng ta cũng có thể khái quát câu này thành “tán thưởng và tin tưởng trẻ”. Người làm cha không nên hỏi: “Con làm được không?”, hoặc nói: “Việc này con không làm được, đợi khi nào con lớn đã”. Bởi những câu nói như vậy rất dễ hủy hoại sự tự tin của trẻ, khiến trẻ nghi ngờ về khả năng của mình. Khi trẻ hào hứng làm một việc gì đó, ngoài đảm bảo an toàn, các ông bố bà mẹ hãy cho trẻ một không gian tự do thoải mái để trẻ tự do phát huy, dũng cảm làm những việc mà trẻ muốn.
____________
(*) Đào Hành Tri (1891-1946), người huyện Thiệp tỉnh An Huy. Ông là một chiến sĩ yêu nước vĩ đại, đồng thời là nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn của Trung Quốc.
Tôi luôn có ý thức cho con tôi cơ hội tự lập, nhiều khi còn bị bạn bè cho là “mạo hiểm”. Trong bài văn Chuyến đi bằng tàu hỏa trong tác phẩm Niềm vui của Phạm Khương Quốc Nhất, con tôi đã viết:
Để rèn cho tôi khả năng tự lập, khi tôi 7 tuổi, 8 tuổi và 10 tuổi, cha đã cho tôi cơ hội tự đi xe buýt, xe ô tô đường dài và đi máy bay. Sau 10 tuổi, tôi có thể đi chơi bằng tàu hỏa.
Tiết Thanh minh năm 2009, vì bận việc nên cha không thể về quê cúng tổ, thế là nhiệm vụ vinh quang và khó khăn này được giao cho tôi. Tôi cũng bắt đầu một sự thử nghiệm mới với chuyến đi này.
Buổi sáng ngày 2 tháng 4, tôi bắt xe buýt số 275 đến ga Trường Xuân, rồi cùng đoàn người đi vào nơi soát vé. Sau khi người soát vé cắt cuống vé, cuộc hành trình của tôi bắt đầu.
Kế hoạch ban đầu là tôi tự về nhưng giữa đường tôi lại gặp ông Bảy cũng về quê cúng tổ. Vậy là kế hoạch tự đi tàu hỏa về nội của tôi đã tan vỡ, không còn cách nào khác, đành phải chờ chuyến quay lại.
Sau khi hoàn thành mọi công việc cúng tổ, theo kế hoạch ngày 4 tháng 4 tôi sẽ trở lại Trường Xuân.
Sáng sớm hôm đó, khi tôi vẫn đang chập chờn trong những giấc mơ, thì láng máng nghe thấy bà nội nói với ông Bảy: “Cảnh Tài (tên của ông Bảy), tôi thật sự không yên tâm, ga tàu đông đúc như vậy, loại người nào cũng có, nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Hay là ông đưa cháu ra ga”. Nghe thấy câu này tôi lập tức hiểu ra nội đang nói đến tôi.
“Không cần đưa con ra ga đâu ạ!”. Tôi lơ mơ thét lên. “Cháu còn nhỏ, liệu có đi được không?”, ông Bảy hỏi tôi. Tôi có chút không đồng tình, nói: “Còn nhỏ thì làm sao ạ? Hơn nữa cháu cũng không còn nhỏ nữa!”. “Được! Đứa trẻ này có chí khí”, ông Bảy khen ngợi tôi. Tôi biết nội không vui, không muốn để tôi tự về vì nội sợ tôi gặp nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình.
Sau bữa sáng, khi biết tôi tự về Trường Xuân, mọi người đều không yên tâm, muốn đưa tôi ra ga. Tôi thuyết phục mãi, cuối cùng nội và mọi người cũng đồng ý để tôi tự về.
Từ nhà nội ra phố huyện khoảng 20km, phải đi qua một đoạn đường đất, đường đá và một đoạn đường nhựa; nếu trời không mưa thì hàng ngày đều có xe đi lại. Đến trưa tôi bắt đầu xuất phát dưới sự dặn dò của nội và mọi người.
Hỏi thăm đường từ bến xe ô tô, cuối cùng tôi cũng đến được ga tàu. Ga nhỏ nhưng đông đúc, tôi xếp hàng mua vé, rất nhanh trong tay tôi đã có tấm vé tự mua – chuyến K704, xuất phát từ Cáp Nhĩ Tân đến Thanh Đảo, 13:02 sẽ về đến ga Phù Dư, ba phút sau thì khởi hành.
Vừa đọc tấm vé, thì bên tai vang lên câu nói: “Chuyến tàu 704 đi Thanh Đảo chuẩn bị soát vé”.
Qua cửa soát vé đến trạm đầu tiên. Đoàn tàu ầm ầm tiến lại, tôi bước lên toa số 12. Bởi ga Phù Dư là một ga nhỏ, rất ít hành khách xuất phát từ ga này, nên vé mà tôi mua là vé đứng. Vì không muốn bị mệt nên sau khi lên tàu, tôi lập tức đi tìm chỗ ngồi. May mà đồ đạc mang theo cũng không nhiều, nên tôi có thể dễ dàng di chuyển từ toa 12 lên toa 17, cuối cùng cũng tìm được chỗ.
Tàu chuyển bánh, tôi mở cuốn “Người đọc” mang theo, say mê đọc. Đọc sách trên tàu thật là mệt, đọc được một lát mắt tôi đã cay xè. Tôi cất sách đi, nghe mọi người nói chuyện. Ngồi gần tôi là một chị ngoài 20 tuổi, nghe chị ấy nói hình như chị ấy vừa tốt nghiệp đại học đang tìm việc. Chị ấy kêu ca công việc bây giờ thật khó tìm, mãi mà vẫn chưa tìm được công việc phù hợp, ngày trước chỉ nghe tivi nói tìm việc rất khó, bây giờ tôi mới thật sự cảm nhận được.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Khi giọng nói ngọt ngào của chị nhân viên vang lên: “Đoàn tàu chuẩn bị đến ga Trường Xuân, quý khách vui lòng kiểm tra lại tư trang hành lí mang theo, tránh để quên trên tàu”, tôi mới nghĩ ra: Tôi đã về đến nhà.
Hành khách xuống ở ga Trường Xuân rất đông, nhưng đại đa số đều ra ở cửa Nam, chỉ có tôi và một số ít người ra ở cửa Bắc. Sau đó tôi bắt xe buýt 243 về nhà.
Khi về đến nhà, mở cửa ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Chuyến đi này đã cho tôi biết rất nhiều thứ mang tên “lần đầu tiên” và nó khiến tôi trưởng thành lên rất nhiều.
Trẻ từ lúc cần bao bọc, chở che, chăm sóc cho đến khi có thể sống tự lập là một quá trình rất dài. Trong quá trình này, người làm cha nhất định không được bao bọc và chăm sóc con quá mức, mà phải có ý thức cho con cơ hội độc lập tự chủ. Chỉ có để trẻ tự làm, tự nghĩ, tự nỗ lực thì trẻ mới có thể dần hình thành quan điểm tự lập; có thể dùng kinh nghiệm phong phú và ý chí kiên cường của mình để đối mặt với mọi thử thách trong tương lai.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, khó khăn, thử thách chính là sự kích thích giúp trẻ trưởng thành. Để trẻ “mạo hiểm rèn luyện” sẽ giúp trẻ hình thành tính kiên trì, độ nhanh nhạy, tính linh hoạt, sự hài hòa, sự dẻo dai và năng lực thích nghi với xã hội; giúp trẻ hình thành thói quen khi gặp khó khăn thì phải bình tĩnh nghĩ cách giải quyết. Chính vì vậy, những người cha nên có ý thức để trẻ “mạo hiểm rèn luyện”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.