Rất nhiều trẻ suốt ngày ủ rũ, không thấy thoải mái vì cha mẹ không mua cho một loại đồ chơi nào đó, ngược lại cũng có những trẻ có thể tìm thấy niềm vui trong một loại đồ chơi khác. Những trẻ lạc quan không phải không biết buồn, mà chúng nhanh chóng tìm thấy lối thoát từ trong nỗi buồn đó.
Hiện nay, sự nuông chiều quá mức của người lớn khiến rất nhiều trẻ có những nhược điểm như dựa dẫm, ỷ lại, yếu ớt, ích kỉ. Nếu cha mẹ không kịp thời tiến hành giáo dục để khắc phục những nhược điểm trên cho trẻ, thì tương lai trẻ khó có thể đứng vững trong xã hội.
Giáo dục thử thách nghĩa là dưới sự chỉ đạo của tư tưởng giáo dục đúng đắn, căn cứ vào sự phát triển tâm sinh lí của trẻ và yêu cầu của giáo dục, tạo ra hoặc tận dụng một tình huống nào đó để đặt những câu hỏi khó bắt trẻ phải tự giải quyết; từ đó giúp trẻ dần hình thành khả năng chịu đựng gian khổ, khả năng thích ứng với môi trường, bồi dưỡng ý chí kiên cường vươn lên trong khó khăn. Đây chính là những phẩm chất tính cách và tố chất tốt đẹp, giúp trẻ thích nghi tốt hơn với môi trường xã hội.
Muốn đạt được những mục đích như trên, người cha nên dựa vào đặc điểm lứa tuổi của con, kết hợp với đặc điểm môi trường sống hàng ngày, kiên trì bền bỉ dẫn dắt từng bước trong quá trình tiến hành giáo dục thử thách đối với trẻ. Trong quá trình “giáo dục thử thách”, bạn nên bồi dưỡng cho trẻ khả năng đạt được hạnh phúc từ nhiều phương diện. Rất nhiều trẻ cả ngày ủ rũ, không vui vì cha mẹ không mua cho một loại đồ chơi nào đó, ngược lại cũng có vô số trẻ dễ dàng tìm thấy niềm vui trong một loại đồ chơi khác. Những trẻ lạc quan không phải là không có nỗi buồn, mà chúng nhanh chóng tìm thấy lối thoát từ trong nỗi buồn đó.
“Giáo dục thử thách” cho trẻ năng lực tìm thấy hạnh phúc từ chính nội tâm của trẻ. Như vậy, dù phải đối mặt với bất kì thử thách nào trẻ đều có thể lạc quan, bình tĩnh giải quyết.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Buông tay để trẻ làm những việc trẻ có thể làm
Khi trẻ ngã, nếu không nghiêm trọng, thì chúng ta hãy cổ vũ để trẻ tự đứng dậy, chứ không nên vội vàng chạy đến nâng trẻ dậy; nếu trẻ muốn chơi đồ chơi, bạn nên khuyến khích trẻ tự mình đi lấy, và cũng nên động viên trẻ tự mặc quần áo. Tuyệt đối không để trẻ có cuộc sống cơm bưng nước rót, mà phải để trẻ học cách tự mình đối mặt với tất cả những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
2. Tôi luyện ý chí của trẻ trong giới hạn cho phép
Có thể tôi luyện ý chí của trẻ bằng những cách như sau: động viên trẻ dậy sớm tập thể dục vào mùa đông, để rèn luyện ý chí và nghị lực chống lại cái rét; khuyến khích trẻ làm một số việc nhà trong khả năng của trẻ; tận dụng kì nghỉ đưa trẻ đi dã ngoại, leo núi, đi dạo trong công viên… để trẻ cảm nhận được sự mệt mỏi, sự gian khổ, những đắng cay ngọt bùi của cuộc sống; từ đó giúp trẻ rèn luyện thử thách trong mọi hoàn cảnh.
3. Thực hiện giáo dục thử thách thông qua các phương thức như phê bình, mắng mỏ…
Hiện nay có một số trẻ thông minh lanh lợi, do cha mẹ thường nhường trẻ thắng trong các loại trò chơi, trẻ làm gì cũng khen ngợi trẻ giỏi nhất, dẫn đến trẻ mắc chứng kiêu ngạo hiếu thắng, tự cao tự đại; nếu bị phê bình liền cảm thấy buồn tủi, phiền não hoặc mất đi niềm tin. Vì thế biết cách phê bình, chỉ ra nhược điểm và thiếu sót của trẻ là việc làm cần thiết. Ví dụ, trong các hoạt động, trò chơi không nhất định lần nào cũng để trẻ làm chủ trò; trong các cuộc thi cũng không nhất định phải nghĩ mọi cách để trẻ thắng. Khi trẻ mắc lỗi phải kịp thời có biện pháp trừng phạt hợp lí, giúp trẻ có cảm giác tiếp nhận thử thách, học cách tự điều tiết bản thân.
4. Tận dụng đời sống hiện thực, nâng cao khả năng sống tự lập của trẻ
Chuyên gia giáo dục người Mĩ cho rằng cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng khả năng độc lập giải quyết sự việc và khả năng đối mặt với thử thách của trẻ. Cách giáo dục trẻ của người Mĩ rất đáng để chúng ta học tập. Ngay từ nhỏ trẻ em Mĩ đã phải ở phòng riêng, tự mình hoạt động, rèn luyện năng lực sống tự lập. Tóm lại, chúng ta nên giao cho trẻ làm những công việc nhà như quét dọn nhà cửa, mua đồ giúp cha mẹ… từ khi trẻ còn nhỏ. Nếu trẻ gặp khó khăn trở ngại, cha mẹ nên yêu cầu trẻ tự giải quyết, nhờ đó trẻ sẽ trưởng thành hơn, năng lực tự làm mọi việc cũng được nâng cao hơn.
5. Có ý thức tạo ra khó khăn giúp trẻ bồi dưỡng khả năng đối mặt
Trên con đường trưởng thành, trẻ khó có thể tránh được những khó khăn. Nếu bình thường mọi việc đối với trẻ đều thuận lợi, thì khi gặp khó khăn, trẻ sẽ lúng túng, lo lắng, không biết phải giải quyết thế nào, dễ dẫn đến thất bại. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc học tập, các bậc cha mẹ hãy có ý thức tạo ra một số trở ngại để trẻ đối mặt, nhằm bồi dưỡng khả năng phân tích, giải quyết vấn đề cho trẻ.
Khi tạo ra trở ngại, chúng ta phải chú ý tính dự phòng và tính trọng điểm trong giáo dục thử thách, có thể tổ chức các hoạt động mang tính trở ngại một cách có mục đích. Đồng thời các bậc cha mẹ phải chú ý tới đặc điểm lứa tuổi của trẻ, chú ý tạo ra mức khó khăn để yêu cầu trẻ phải thực sự nỗ lực mới có thể khắc phục được. Ví dụ những vật trẻ muốn nhưng không thể lấy được, thì người lớn không được lấy ngay cho trẻ, mà phải để trẻ động não nghĩ cách trước. Người cha nên có ý thức tạo ra những khó khăn trở ngại trong cuộc sống hàng ngày, trong các trò chơi của trẻ; không nên tìm mọi cách thỏa mãn yêu cầu của trẻ, mà nên học tập phương pháp giáo dục của Nhật Bản, Pháp, nghĩ ra mọi cách như: đưa trẻ đi leo núi dã ngoại, cho trẻ tự mình đi nhặt củi, định kì để trẻ sống ở những nơi khó khăn gian khổ… để rèn luyện bản lĩnh tự lo liệu cuộc sống của trẻ, bồi dưỡng ý thức kiên cường và khả năng khắc phục khó khăn của trẻ.
6. Động viên trẻ khắc phục khó khăn, bồi dưỡng lòng dũng cảm vượt qua mọi thử thách của trẻ
Một số trẻ khi gặp khó khăn thường có những phản ứng rất tiêu cực như chán nản, trốn tránh, rút lui. Muốn thay đổi điều này thì nhất định phải dạy trẻ biết dũng cảm đối mặt với khó khăn. Ví dụ, khi leo núi, trẻ sợ độ cao, sợ trượt ngã thì bạn có thể động viên trẻ: “Đừng sợ! Con có thể leo được! Ngã cũng không sao cả! Con rất dũng cảm cơ mà!”. Rất nhiều bé gái sợ đi thăng bằng trên miếng gỗ, sợ bơi; lúc này bạn nên nói với bé rằng: “Đừng sợ! Nhất định con sẽ làm được”. Mỗi khi vượt qua trở ngại, trẻ sẽ được tăng thêm dũng khí, kích thích nguyện vọng chiến thắng khó khăn của trẻ, tâm lí sợ hãi sẽ biến mất, lòng tự tin được nhân lên, trẻ sẽ nói với bản thân rằng: “Mình có thể làm được”, “Mình có thể”.
Người giỏi dạy con chính là người có phương pháp giáo dục con đúng đắn ngay từ khi con còn nhỏ. Ngay từ khi Y Y bi bô học nói, tôi đã không nuông chiều, không dung túng con. Dù rất thương yêu con, nhưng khi đáng “giận”, tôi quyết không mềm lòng, nhất là trên phương diện bồi dưỡng ý thức tự lập và khả năng ứng phó với khó khăn của con, tôi càng kiên quyết đến cùng.
Khi Y Y chập chững biết đi, không ít lần con bị ngã. Lần nào ngã, con cũng khóc rất to. Tôi hiểu con khóc là vì đau, đồng thời cũng là để thu hút sự chú ý, muốn có người đến nâng dậy. Chính vì vậy, nếu biết con không gặp trở ngại gì lớn, thì tôi thường sẽ không đến đỡ con. Tôi nói với con rằng, những việc mình có thể làm thì phải tự làm, không được hơi một tí là nhờ người khác giúp. Thực ra, khi thấy con nằm sấp trên mặt đất khóc, tôi cũng rất đau lòng, cũng muốn bế con dậy, ôm con vào lòng dỗ dành. Nhưng tôi thường kiềm chế bản thân, khi con khóc, tôi vờ như không nghe thấy. Thấy cha không có ý định đến nâng mình dậy, con cũng chỉ khóc vài tiếng rồi tự mình đứng lên.
Tôi nhớ có lần, Y Y chạy vấp phải một hòn đá, bị ngã rất đau. Tôi định nâng con dậy, nhưng nghĩ lại, tôi kiềm chế cảm xúc của mình, đến bên nhẹ nhàng động viên con: “Công chúa của cha, con tự đứng dậy được mà!”. Cuối cùng con cũng tự đứng lên. Nhìn kĩ thì thấy đầu gối của con bị trầy xước, chảy máu. Lúc đó, tôi rất xót con. Nhưng thấy vẻ mặt đầy nghị lực của con, tôi cảm thấy “sự nhẫn tâm” của tôi cũng đáng. Tôi tin rằng qua việc này, sức chịu đựng thử thách của con sẽ được tăng lên.
Bạn tôi nói tôi quá nhẫn tâm, mọi người nói tôi lập dị. Bởi trong khi các bậc cha mẹ khác luôn nghĩ cách để con mình đi trên con đường bằng phẳng, tránh chông gai; thì tôi lại “đào hố” dưới chân con, nghĩ cách tạo ra trở ngại cho con. Nhưng nhìn thấy Y Y ngày một kiên cường, tự lập và rộng lượng, tôi cảm thấy mình “đào hố” cũng đáng.
Đương nhiên, tiến hành giáo dục thử thách đối với trẻ cũng phải có mức độ, nếu không sẽ rất phản khoa học.
Để trẻ chiến thắng khó khăn không phải chuyện một sớm một chiều có thể làm được, cũng không phải cứ dồn hết tâm sức thì sẽ thành, vấn đề mấu chốt là thuận theo tự nhiên, thuận theo quy luật phát triển của trẻ
Tóm lại: “Anh hùng xưa nay đều trưởng thành trong gian khổ”. Trẻ buộc phải trải qua khó khăn để khôn lớn. Trong cuộc sống, trở ngại khó khăn nào cũng đều có ý nghĩa của nó. “Nghịch cảnh là trường đại học tốt nhất”. Câu nói này đã trở thành sự tổng kết kinh nghiệm chung của những người thành công. Không qua mưa gió thì làm sao thấy được cầu vồng? Nếu muốn trẻ nhìn thấy cầu vồng, thì hãy cho trẻ trải qua mưa gió.