Mỗi người đều có một góc riêng để thuộc về, nơi đó tĩnh lặng, tách biệt với ồn ào bên ngoài, có khi là chỉ để người ta lắng lòng ngồi chờ cafe nhỏ giọt, nhìn ra ngoài đời thấy người cũng y chang ly cafe, tinh túy chịu nóng, chịu ép để chảy xuống đằng bên dưới, còn lại nổi bên trên toàn cặn bọt.
Quán cafe trong hẻm nhỏ, trang trí giản đơn với tranh là tranh, cô chủ hay bật nhạc vàng, giọng người xưa hát nghe đầy hoài niệm. Chiều đi làm về thường ghé quán để mở máy giải quyết công việc cá nhân. Cuối tuần son rỗi cũng ra quán, ngồi cái bàn cạnh ô cửa sổ héo nắng đọc sách hết cả buổi chiều, thấy mệt mỏi tan nhanh hơn uống thuốc. Tới quán cả năm nên thành quen, mỗi khi ghé phục vụ không cần hỏi cũng biết phải dọn lên món gì. Mà yêu cái quán cũng vì gout nhạc riêng của cô chủ.
Cô chủ tìm đâu cái máy hát đĩa kim, mua thêm mấy cái đĩa than xưa. Ngày nào cũng rỉ rả Ngọc Lan, người cũ yêu dòng nhạc này nên kéo tới quán, từ đó cũng thành quen, sau này lúc người thành cũ, bỏ được người chứ không bỏ được cái tật ghé qua quán những buổi chiều muộn.
Ngồi hơn một năm, cũng đã chứng kiến nhiều chuyện vui buồn diễn ra trong quán, mà toàn chuyện của người dưng.
Như góc bàn đối diện, có cặp trai gái yêu nhau, cuối tuần cũng hay dắt nhau tới quán vắng, ôm ấp chút đỉnh cho thỏa nhớ mong. Mà ít khi hai người tới cùng lượt, thường người trước, người sau. Ngày trai tới trước, chờ gần tiếng hơn gái mới tới. Trai không giận, chỉ cần thấy gái cười là cả tiếng đợi chờ nãy giờ chỉ như có vài ba giây, xá chi. Ngày gái tới trước, trai trễ chừng mười phút gái đã lườm nguýt, hằn học. Hình như với gái, đợi chờ là trách nhiệm của trai.
Trai gái yêu nhau thấy cũng mặn nồng, vui vẻ, giỡn hớt nô đùa tinh nghịch. Cũng có lúc ngồi phùng mang trợn má chụp hình cùng nhau. Ngồi bên này nhìn qua, cũng thấy mừng cho hạnh phúc đôi trẻ. Nào ngờ, mới chưa được một tháng hơn thấy trai gái vắng bóng, trai đã đi cùng một gái mới vô ngồi đúng cái bàn đối diện, cũng là nô đùa, tinh nghịch bằng nhiêu đó câu nói, nhiêu đó nụ cười. Chỉ là với một người mới thì những điều xưa cũ sẽ thành mới.
Gái cũ vẫn tới quán, một mình, giờ đi sớm hay trễ cũng không quan trọng, vì biết đâu còn ai chờ mình. Gái cũ canh hay sao mà chưa lần nào cũ mới gặp mặt, chỉ lẳng lặng đến một góc bàn khác, không phải cái bàn từng ngồi với trai, để rồi im lặng nghe nhạc, có khi cầm một cuốn sách đọc, mà không biết chữ có lấn nổi cơn nhớ để chen vô tâm trí không.
Có chiều, quán tự dưng chạy đĩa bài “Người đi qua đời tôi”.
“Người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu.
Mưa mùa lên mấy vai, gió mùa lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt,
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.
Bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ nóng,
Và ai qua đời tôi, chiều âm vang ngàn sóng.
Trên lối về nghĩa trang, nghe những lời linh hồn.
Nghe những lời linh hồn, trong mộ phần lãng quên.
Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người,
Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi đường xưa đầy lá úa.
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.
Anh đi qua đời tôi, không nhớ gì sao em…”
Gái cũ gấp sách, vai run, ngồi thêm một hồi hai vết chì kẻ mắt kéo thành vệt đen, xấu xí vô cùng. Mà thương vô cùng. Lại đưa cho gái cũ tờ khăn giấy, gái cũ chỉ gật gật đầu hàm ý cảm ơn, cũng không cần nói thành lời, hiểu nhau là được. Rồi im lặng quay lại bàn, để gái cũ ngồi đó cho nhạc chảy dọc cơn nhớ, tuôn tràn ra ngoài bớt cơn đau.
Nhạc là vậy, tự bản thân có sức gợi nhớ về những chuyện xưa cũ cực kỳ khủng khiếp.
Có mấy chiều chạy xe một mình, gắn tai nghe mà máy vô tình bật trúng cái bài người cũ hay ca cho nghe lúc còn yêu, là tự dưng lòng chùng một nhịp, tự dưng nghe trống rỗng. Nghe nhạc mà như nghe nhớ nghe thương ùa về theo mùa hiu quạnh.
Mà thường, mấy bài ca não nề, chia tay đớn đau hay để lại dư âm nhiều hơn mấy bài sôi động. Người nào buồn cũng tìm nhạc buồn để nghe, thấy bài hát như viết riêng cho chuyện của mình, tự hỏi sao ông nhạc sĩ hiểu mình đến vậy. Mà nhiều khi đâu biết để viết được một bài ca, cũng là những lần đớn đau của người sáng tác ra nó. Bởi trong nghệ thuật, chỉ khi ở với cái cô đơn, cái khổ hạnh cùng cực thì người sáng tác mới có thể thăng hoa.
Người cũ thích nghe “Không tên”, lúc còn yêu cũng có nghe chung, nhưng không thấm. Sau chia tay, nghe lại mới hiểu vì sao người cũ lại thích, vì chính bản thân họ khi đó còn đang vương vấn hình ảnh một người mới vừa chia tay.
Có đêm nằm cạnh, người cũ hút thuốc, đèn đường vàng hắt bóng loang lổ trên cơ thể, như tranh. Giọng người ca sĩ tan trong đêm.
“Một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng.
Nâng sầu thành hơi ấm, hơ dịu tình đau…
Ngày tàn im ắng, yêu người làm tóc trắng,
Tâm sự rồi đến đắng, như lệ giờ biết nhau.
Đêm, vỗ về nuôi nấng, đêm trao ngọt ngào hương phấn,
Buông lơi dòng tóc mở, trên vùng ngày tháng vật vờ.
Thân em rồi hoang phế, lê theo thời gian giông tố.
Thôi cũng đành cuối xuống, cho mộng đời thoát đi.”
Người cũ im lặng, khi đó không hiểu rằng cảm xúc của người ta chỉ gói gọn trong ba chữ, “chưa thể quên”. Giờ chia tay xong, cũng ngồi lặng im trong quán, để nghe lại cái cảm giác “chưa thể quên” trong chính lòng mình.
Nhạc có sức gợi nhớ và tàn phá cảm xúc ghê gớm…
Như chiều nay, một mình trong quán cafe quen, lật cuốn sách có nhắc đến mấy bài hát trong đó, thử cùng bật nhạc lên nghe, để rồi cảm nhận cái không gian chung quanh sao mà ngập mùi thương cũ, mùi đau cũ. Có khi, chưa từng yêu, chưa từng đau, mà cảm nhận được hết cái đau của người viết.
“Ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu,
Ta tìm một tiếng yêu toàn là sầu đau.
Ước vọng ngày thơ ấu, chưa xin được chút nào.
Suốt đời còn ước cao, khát vọng còn cấu cào.
Ôi thôi, đời ta phung phí trong cơn buồn phiền,
Ta xin tháng ngày rồi bình yên.
Ô hay, tại sao ta sống chống này.
Quay cuồng mãi hoài, có gì vui?
Có một lần mất mát mới thương người đơn độc.
Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu.
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về.
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng…”
Hay có khi, người ta dùng nhạc để nói thay cho cõi lòng, như hôm rồi, người cũ say, gởi cho một đoạn bài hát bằng tin nhắn âm thanh, nghe xong chỉ còn biết trách, đã gần quên, đành đoạn chi nhắc lại vậy nè.
“Nhớ em nhiều, nhưng chẳng nói.
Nói ra nhiều, cũng vậy thôi.
Ôi đớn đau đã nhiều rồi,
Một lời thêm, càng buồn thêm… còn hứa gì.
Biết bao lần, em đã hứa.
Hứa cho nhiều rồi lại quên.
Anh biết tin ai bây giờ
Ngày còn đây, người còn đây… cuộc sống nào chờ?
Này em hỡi, con đường em đi đó,
Con đường em theo đó.
Sẽ đưa em sang đâu.
Mưa bên chồng có làm em khóc,
Có làm em nhớ, những khi mình mặn nồng…”
Chiều nay quán vắng, nghe cô chủ nói, gái cũ đến nhờ cô gởi cho trai một cái phong bì, trai mở ra coi, mặt không còn giọt máu, tay chân lóng ngóng rồi chạy ra đường, rớt luôn cái phong bì ở lại. Cô chủ quán cúi xuống lượm lên mới thấy là giấy viện phí của một lần bỏ đi cái sinh linh bất cẩn trong người.
Nhạc quán cô chủ lại réo rắt, chiều ngoài kia nhuộm úa đời những người đã bước qua nhau vội vã.
“Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người…”