Người Cũ Còn Thương

TAY



Cái rung động, va chạm cơ thể lần đầu tiên của hai người yêu nhau, chắc chắn nằm ở bàn tay.
Trong rạp chiếu phim, người ta thích len lén nắm tay nhau. Nhớ lần đầu tiên, ngồi cả buổi, thấy họ cứ thậm thà thậm thụt bàn tay, muốn nắm tay mình mà không dám, thương lắm. Mãi một lúc điện thoại rung lên, mở ra coi tin nhắn, họ chỉ ghi vài chữ, “Cho nắm tay được không?”
Chạy xe ngoài đường, một tay họ cầm lái, một tay kéo ghì tay mình tới trước, vòng tay nắm tay, vòng tay ôm, cảm nhận được bàn tay họ ấm nóng giữa cái chuyển mùa chớm lạnh của Sài Gòn cuối năm.
Đêm nằm ngủ, bất giác trong mơ họ cũng lấy tay tìm tay, như thể hở nhau ra thì trong mơ cũng lạc lối. Có lần nằm cạnh, nửa đêm bật tỉnh giữa ác mộng mất nhau, ngồi dậy ra phòng ngoài rót ly nước, bên trong đã nghe tiếng cựa mình tỉnh giấc, họ ngồi dậy, lơ ngơ tìm, dặn đừng xa nhau nhé, vì mới vừa rồi thấy cảnh chia ly. Họ nghe đâu đó người ta nói, nếu nằm ngủ cạnh nhau mà nắm chặt tay, hai giấc mơ sẽ trở thành một.
Bởi người ta yêu nhau, cũng yêu từ cái bàn tay mà yêu.
Mấy ngày vắng họ, tay mình cứ lành lạnh. Nhiều khi khó chịu thấy dư thừa mà không biết để vào đâu. Thỉnh thoảng giữa đám đông xa lạ, nhìn ngó chung quanh không biết bấu víu vào gương mặt người quen nào, tay lại cầm điện thoại, nhấn như vô thức, lướt nhìn màn hình mà chẳng biết đang nhìn gì, chợt nhớ nếu còn họ, tay mình đã không thừa thãi đến mức không còn biết để vào đâu.
Mấy ngày vắng họ, tự dưng nhớ lúc còn nằm bên nhau, nắm tay họ mà thấy rất mềm. Họ kể, đàn ông tay mềm khó giữ được người mình yêu thương, nên sau này có lỡ vuột tay, nhớ dành chút thời gian để ngoảnh lại, đi tìm. Vậy mà người mất biệt, tìm hoài cũng không có, còn mỗi bàn tay mình bơ vơ.
Tối ngủ một mình, không biết nắm lấy tay ai để hai giấc mơ hòa thành một?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.