Người Mặt Nạ Đen Ở Nước An Giép
AN-MU-CA-BA-LA!
(Xê-va gửi Số Không)
A di đà Phật, chào đại ca! Bây giờ mình biết nói theo kiểu phương Đông nữa đấy. Sống ở nước An-giép này, chẳng cái gì là không biết!
Hôm nay bọn mình học giải phương trình. Thật ra mới chỉ từ phương trình bậc nhất thôi. Nhưng cũng chẳng phải là xoàng đâu nhé.
Ở đây có cả mọi quảng trường riêng, chuyên dành cho việc giải các phương trình bậc nhất. Và không phải là giải bằng tay đâu, giải bằng cần cẩu đấy. Cơ giới hóa mà lị!
Đến gần quảng trường bọn mình trông thấy toàn là những cần cẩu cao lênh khênh, chẳng khác gì những con hươu cao cổ. Lúc thì đứng vươn cổ lên, lúc lại cúi xuống thấp, lúc thì chuyển dịch ngược chiều nhau. Có điều là chúng không chuyển gạch ngói hay bê tông mà chuyển những chữ, những số và những dấu cộng, dấu trừ. Tóm lại là tất cả những thứ gì cần thiết.
Ta-nhi-a đã thay bộ quần áo lao động và đến quảng trường trong bộ đồng phục nữ sinh. Kính bảo hộ cũng bỏ lại. Như thế là phải, ở đây có ai bắt cô nàng phải làm người thợ hàn đâu.
Điều đập vào mắt bọn mình trước tiên là những chữ x. Nhan nhản chỗ nào cũng có. Chẳng là ở đây giải phương trình mà không có x là không xong.
Chị chữ F không rời bọn mình nửa bước. Chắc chị ấy sợ có đứa bị tai nạn cần cẩu, mặc dầu khắp nơi đều treo biển:
KHÔNG ĐỨNG DƯỚI CẦN CẨU!
TRONG LÚC AN-GIÉP VÀ AN-MU-CA-BA-LA
ĐỪNG ĐẾN GẦN CÁC PHƯƠNG TRÌNH!
Cô công nhân lái cần cẩu nhanh nhẹn là một chữ K ngồi trong buồng máy ở chót vót trên cao. Cô ta đẩy tay gạt và chăm chú theo dõi cô công nhân điều khiển R. Cô này đứng dưới đất, mỗi tay cầm một lá cờ để ra hiệu cho cô lái cần cẩu.
Phía dưới cần cẩu, đứng xếp hàng tề chỉnh một chữ x đeo Mặt Nạ Đen, một Số Hai và một Số Sáu: họ tạo thành phương trình:
x – 2 = 6
Cô điều khiển từ từ phất lá cờ xuống thấp. Chiếc cần cẩu cũng từ từ sà cái cổ dài lêu đêu của nó xuống thấp. Cái móc treo ở đầu cần cẩu nhẹ nhàng móc vào Số Hai. Số Hai vội vàng ôm theo cả dấu trừ của mình. Cô điều khiển phất cờ. Cần cẩu đứng sững lại. Cô điều khiển liền hô to: “An-giép!”, y như ta vẫn hô “Đứng lại, đứng!” hay “Đằng sau quay!” ấy. Số Hai có dấu trừ mang theo được nhấc bổng lên, hai chân nó vung loạn xạ trong không khí, và được đưa qua vế bên phải của phương trình.
Khi Số Hai được đưa xuống ngay với dấu đẳng thức. Cô điều khiển ra lệnh: “Đổi dấu!”. Thế là số Hai nhanh nhẹn bỏ dấu trừ vào túi và rút ra một dấu cộng. Bây giờ nó đã đứng bên cạnh Số Sáu ở vế phải của đẳng thức.
x = 6 + 2
Và trong khoảnh khắc, đẳng thức ấy được thay bằng x = 8
Chiếc Mặt Nạ Đen rơi xuống. Chữ x cúi nhặt rồi nghiêng mình chào chữ K, chữ R, và chạy biến. Bọn mình cũng đi sang một cần cẩu khác. Ở đấy đã có sẵn phương trình:
3x + 6 = 12
đang đứng dưới cần cẩu.
Cô lái cần cẩu lại quay tay gạt, cô điều khiển lại phất cờ và hô “An-giép!” và chỉ một thoáng đã thấy dưới cần cẩu hiện ra đẳng thức
3x = 12 – 6
Bọn mình đưa mắt nhìn nhau. Chị chữ F bèn hỏi:
- Có chuyện gì thế? Các bạn chưa hiểu điều gì chăng? Ô-lếch thú thật:
- Bọn tôi chưa hiểu. Từ trước đến giờ bọn tôi chỉ biết những bài toán trong đó số âm được chuyển từ vế trái của đẳng thức sang vế phải và biến thành số dương. Thao tác đó gọi là “an-giép” có nghĩa là khôi phục. Nhưng lần này ở vế trái của phương trình đang có số dương sáu mà lại chuyển nó sang vế phải với dấu âm. Thế thì “khôi phục” ở chỗ nào mới được chứ?
Chữ F khoát tay, trả lời:
- Thắc mắc của bạn rất chính đáng. Nhưng bạn phải nhớ rằng “an-giép” là một từ cổ xưa truyền lại. Trải qua bao đời, các từ cổ nhiều khi không còn giữ nguyên vẹn ý nghĩa như lúc đầu. Cứ lấy ngay cái từ “mực” thì đủ rõ. Lúc đầu mực chỉ có nghĩa là “mực đen”. Nhưng bây giờ còn có cả mực đỏ, mực xanh lơ, xanh lam, rồi lại cả mực tím nữa. Và dù là màu gì thì ai cũng đều gọi là mực cả. Đối với từ “an-giép” cũng vậy. Xưa kia Mô-ha-mét Íp-nơ Mu-xa dùng từ này lúc các số âm còn chưa được công nhận. Ông chuyển chúng sang vế phải của đẳng thức thành số dương để khôi phục lại quyền của chúng. Nhưng cách nhìn nhận của con người về các số âm đã thay đổi lâu rồi. Và ngày nay khái niệm an- giép được mở rộng ra. Nó không phải chỉ có nghĩa là chuyển một số âm từ vế này sang vế kia của đẳng thức để thành một số dương, mà có nghĩa là sự chuyển vế một số bất kì thành số có dấu ngược lại. Thôi, ta quay lại phương trình ban nãy đi. Chữ F chấm dứt câu chuyện.
Bây giờ 3x = 12 – 6 đã được thay bằng: 3x = 6
- Nhưng lạ chưa kìa! Phương trình đã giải xong mà chữ x vẫn cứ đeo nguyên mặt nạ.
- Các bạn lầm rồi! – chị chữ F nói. – Giải phương trình là phải tính được một x bằng bao nhiêu cơ. Hiện giờ ta mới chỉ biết ba x bằng bao nhiêu thôi.
- Có khó gì đâu, – Ô-lếch nói, – chỉ việc chia sáu cho ba là
Và dường như để hưởng ứng lời Ô-lếch, chiếc cần cẩu nhấc bổng Số Sáu lên và nhẹ những đặt nó lên một xe cút kít hai tầng. Sau đó cái móc lại móc hệ số của chữ x tức là Số Ba lên, chuyển nó sang vế phải của đẳng thức và đặt nằm dưới Số Sáu:
Chiếc xe cút kít lọc cọc lăn đi ngay, và ở chỗ phân số xuất hiện một Số Hai: x = 2
- Khoan, khoan! Làm thế không được đâu! – mình phản đối. – Chuyển một số từ vế trái sang vế phải của phương trình thì phải đổi dấu cơ mà. Sao ở đây lại chuyển Số Ba mà vẫn giữ nguyên dấu?
- Trong phương trình này Số Ba không phải là một số hạng mà là hệ số của x, là hệ số nhân, phải không nào? Nếu ở vế trái, ba là số nhân thì sang vế phải nó biến thành số chia. Thành ra có vi phạm gì qui tắc đâu, bởi vì phép chia và phép nhân là những phép tính nghịch đảo của nhau, cũng như phép cộng và phép trừ vậy.
Thế là cũng chẳng tóm được lỗi của họ. Mình đành ngậm miệng và cả bọn lại kéo nhau sang phương trình bên cạnh. Có những hai cần cẩu cùng giải một phương trình này. Mỗi cần cẩu có một người lái. Nhưng vẫn chỉ có một người điều khiển như trước. Hẳn đây là một cô công nhân đứng nhiều máy.
Phương trình như sau: 6x – 7 = 2x + 8 – x
Lần này cô điều khiển ra lệnh dài hơn “An-giép! An-mu-ca-ba- la!” Một cần cẩu móc tất cả các chữ x ở vế bên phải cùng với các hệ số của chúng và chuyển hết sang về trái với dấu ngược lại. Đồng thời, cần cẩu thứ hai tóm lấy Số Bảy với dấu âm và đưa sang vế phải. Lúc này Số Bảy cũng đổi dấu âm thành dấu dương.
6x – 2x + x = 8 + 7
Sau đó, cô điều khiển ra lệnh y hệt như ông cụ trưởng phòng cân đo: “Các số hạng đồng dạng, ước lược!”. Thế là biểu thức trước lập tức biến thành một biểu thức mới:
5x = 15
Rồi về sau thế nào, chắc cậu cũng đoán được. Dưới cần cẩu xuất hiện
x = 3
và chiếc Mặt Nạ Đen lập tức rơi xuống. Ta-nhi-a thắc mắc:
- Tại sao lần trước chị điều khiển chỉ hô “an-giép”, mà lần này lại thêm – “an-cu-la… an-bu-ma…” gì gì ấy nhỉ?
- An-mu-ca-ba-la, – chị chữ F vội nhắc.
- Phải, phải, an-mu-ca-ba-la!
- Chính chữ ấy có nghĩa là đối lập đấy. Một thao tác mà bữa trước ông cụ Trưởng phòng cân đo chưa kịp giảng cho các bạn ấy mà.
- Thế nhưng ở đây thì đối lập cái gì?
- Đối lập các ẩn số với các số đã biết. Tất cả các chữ x chuyển sang vế trái của phương trình, còn tất cả các số biết rồi chuyển sang vế phải.
Mình sốt ruột quá. Hết khôi phục lại đối lập… Thế còn lập phương trình thì đâu? Đến tết bọn mình mới biết lập phương trình chắc?
Đúng ngay lúc đó chị chữ F đã nói:
- Bây giờ có lẽ ta chuyển sang lập phương trình được rồi đấy…
- Hoan hô! – Mình buột miệng reo ầm lên. Chị chữ F hóm hỉnh nhìn mình:
- Thế nhỡ lại phải giải quyết thêm một vấn đề nữa thì sao?
Mình tức quá, nghiến răng kèn kẹt. Chị ấy lại chế nhạo mình à? Nhưng mình cố nén. Số Không à, nếu muốn học nhẫn nại thì nên đến An-giép. Ở đấy cậu sẽ được rèn luyện nên người.
Và bọn mình lại đi tiếp để giải một phương trình mới. Phương trình này kì quặc thế nào ấy:
4ax – 7c = b + c – 2ax Mình khẽ hỏi Ta-nhi-a:
- Cậu có hiểu không?
Nhưng có hỏi cũng bằng thừa. Đời nào Ta-nhi-a chịu thú thực cơ chứ.
- Chắc các bạn lúng túng vì biểu thức 4ax chứ gì? – chị chữ F biết ý hỏi. – Chẳng có gì đặc biệt đâu. X là ẩn số, còn 4a là hệ số, a có thể hiểu ngầm là bất kì số nào cũng được. Ví dụ a là bảy, thì hệ số bằng số của x là
4.7 = 28
Có thế thôi, thông thái gì đâu!
Cô điều khiển lại hô: “An-giép! An-mu-ca-ba-la!”. Các cần cẩu di động, và bọn mình thấy hiện lên phương trình:
4ax + 2ax = 7c + c + b
Cô điền khiển lại hô tiếp: “Các số hạng đồng dạng, ước lược!”.
Thay cho biểu thức trước, thấy xuất hiện một biểu thức mới: 6ax = b + 8c
Bọn mình chăm chú chờ đợi điều sẽ xảy ra. Không ngờ lại thấy:
Mình nói ngay:
- Chà! Đáp số kiểu gì thế? Không đời nào mặt nạ rơi đâu. Nhưng chiếc mặt nạ vẫn cứ rơi xuống.
Chị chữ F mỉm cười, nói:
- Bạn cứ quen thấy x phải bằng một số cơ. Nhưng chớ quên rằng các bạn đang ở đâu. Thế mà phương châm chính của An- giép chúng tôi…
- Là đơn giản hóa và khái quát hóa! – Bọn mình đồng thanh nói.
- Đúng thế! Trong đáp số này tập trung tất cả các đáp số ứng với bất kì trị số nào của a, b và c. Các bạn thử thay các chữ bằng bất cứ số nào tùy thích thì các bạn sẽ tin lời tôi.
Thế là mình lao vào thay hết số này đến số khác cho thỏa. Mình hăng quá đến nỗi suýt nữa các cậu ấy phải dùng võ lực mới kéo được mình ra khỏi cái trò ấy.
Bọn mình lại đi tiếp. Dọc đường, Ta-nhi-a cứ càu nhàu luôn miệng:
- Cậu chẳng ra sao cả! Khi thì sôi lên sùng sục đòi lập phương trình bằng được. Bây giờ đến lúc có thể lập được rồi thì lại chôn chân ở đây, lôi cũng không chịu đi.
Tất nhiên mình chẳng ngọng gì mà không trả lời được. Nhưng thôi, chấp chi bọn con gái cơ chứ!
Xê-va
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.