Người Mặt Nạ Đen Ở Nước An Giép

VỌT LÊN RỒI LẠI TỤT XUỐNG!



(Ô-lếch gửi Số Không)

Bực mình quá, số Không à! Người ta không cho bọn mình phóng nước rút tới đích.

Ra khỏi phòng cân đo, bọn mình hỏi chữ F:

  • Bao giờ thì bọn tôi lập được phương trình, hả chị? Nhưng chị ấy lại nói:
  • Thoạt tiên hãy tập giải phương trình đã.
  • Sao kì cục thế! Giải trước rồi lập sau ư?
  • Ở An-giép, chúng tôi cho thế là hợp lí đấy.
  • Thôi được, giải thì giải chứ Càng nhanh càng tốt.
  • Ngược lại mới đúng cơ, – chữ F trả lời, – càng nhanh càng tồi. Hôm nay làm việc như thế là đủ rồi. Ngày lao động của các bạn đã hết. Các bạn về nghỉ đi. Mai lại đến.

Thế là bọn mình ra về.

Nói chung, bọn mình nghỉ ngơi không phải là kém thoải mái, nhất là lại nghỉ ngay bên cạnh Vườn hoa Khoa học và Nghỉ ngơi. Vườn hoa vẫn đông như mọi khi.

Bọn mình bàn nhau xem đi đâu. Xê-va cứ nằng nặc đòi xem mọi cái gì mới mẻ. Ta-nhi-a thì nôn nóng muốn đến thăm lại cái lực kế. Mình phải dung hòa ý kiến của cả hai: mình đề nghị đến chỗ cái lực kế mà vẫn xem được cái mới. Chẳng là bữa trước bọn mình chưa kịp ngó xuống cái giếng có các số âm trú ngụ mà!

Lúc bọn mình đến nơi đã thấy một anh chàng kì quặc đang nâng căn bậc hai lên bình phương. Ví dụ, anh ta nghĩ nhẩm căn bậc hai của ba, rồi lại nâng nó lên bình phương. Hiển nhiên kết quả phải là ba chứ không thể là một số nào khác. Bởi vì khai căn và nâng lên lũy thừa là hai phép tính triệt tiêu lẫn nhau.


Cậu cứ tưởng tượng mà xem, cộng thêm năm rồi lại trừ đi năm thì con số vẫn như cũ. Đây cũng vậy, thoạt tiên khai căn bậc hai rồi lại nâng lên bình phương thì con số phải giữ nguyên.

Làm thử với căn bậc hai xong, anh chàng kì quặc ấy chuyển sang nâng căn bậc ba của năm lên lũy thừa ba. Dĩ nhiên anh ta lại được năm.

Anh ta gõ búa mãi, mà lần nào cũng thấy bật đèn xanh.

Xê-va thắc mắc, hỏi anh ta là tại sao lại mất thì giờ làm cái việc vô ích như vậy. Anh chàng kì quặc ừ ào ra vẻ không tán thành:

  • Cứ ở đây ít lâu nữa rồi các bạn sẽ thấy, đôi khi không làm như thế không xong đâu.

Cuối cùng anh ta cũng mệt và đứng sang một bên. Một có bé chữ V xinh xẻo cầm lấy búa. Cô bé nâng 41 lên lũy thừa hai. Con mã vọt lên cao tít đến tận số 1081 và thấy đèn xanh bật sáng. Cô bé sướng quá nhảy cẫng lên: người ta cứ bảo là cô bé tí xíu, thế mà cô đập một cái, con mã đã bay vút lên tít tận trên cao!

Đến lượt Xê-va. Cậu ta nói:

  • Để mình nâng một số âm lên bình phương xem nào. Tính xong mình sẽ nhìn vào giếng. Nhưng chưa chắc đã nhìn thấy con mã đâu. Vì số càng lớn thì nó sẽ tụt xuống càng sâu. Mà mình sẽ lấy một số không nhỏ đâu. Nào, lấy tạm âm bốn mươi mốt. Mình biết thừa bình phương của âm bốn mươi mốt là âm một nghìn sáu trăm tám mươi mốt rồi.

Những người đứng xung quanh thì thào điều gì với nhau. Xê- va đập búa. Con mã tụt sâu vào trong giếng. Bọn mình ngó xuống dưới ấy thì thấy ở tít dưới sâu bật sáng đèn đỏ.

  • Quái lạ! – Xê-va nhớn nhác. – Sao lại không phải nhỉ?
  • Có gì lạ đâu, – cô bé chữ V nói the thé, – anh quên không đổi dấu rồi. Vì một số âm nâng lớn bình phương sẽ thành một số dương.

Xê-va vò đầu bứt trán, nói:

  • Ừ nhỉ, mình độn quá! Nâng lên bình phương tức là nhân nó với nó mà lị. Mà âm nhân với âm thì thành dương chứ.

Cậu ta rút lui, nhường chỗ cho Ta-nhi-a.

Ta-nhi-a nâng âm ba lên bình phương. Được dương chín. Con mã vọt lên đến số chín và đèn xanh bật sáng.

Rồi cô ta lại nâng âm ba lên lũy thừa ba. Được âm hai mươi bảy. Con mã tụt xuống giếng cũng thấy đèn xanh bật sáng.

  • Đưa mình nào!

Mình cầm lấy búa và thử nâng âm ba lên lũy thừa bậc bốn, bậc năm, bậc sáu, bậc bảy…

Con mã cứ lần lượt vọt lớn cao rồi lại tụt sâu xuống giếng. Mỗi lần lại lên cao hơn và tụt xuống sâu hơn trước. Và lần nào cũng thấy bật đèn xanh cả. Qua đó mình mới hiểu rằng khi nâng một số âm lên lũy thừa bậc chẵn thì đáp số có dấu dương, còn khi nâng lên bậc lẻ thì đáp số có dấu âm. Chắc cậu muốn biết tại sao như thế chứ gì? Cậu cứ lấy giấy bút ra và tự mình nghiên cứu cũng được đấy.

Cuối cùng bọn mình thấy, tìm hiểu ở cái giếng này như thế cũng là đủ. Bọn mình liền đi chỗ khác.

Đang đi thì gặp một người quen cũ – cô bé Đơn vị Ảo đến hỏi máy tự động hôm nọ ấy mà. Bọn mình nhận ra ngay nhờ cái dù đỏ xinh xinh của cô ta.

  • Chào bạn, dạo này sinh hoạt của bạn có ổn không?
  • Cám ơn các bạn, ổn lắm, – cô ta đáp. – Bác máy tự động nói đúng lắm: Đơn vị ảo cũng có chỗ dùng mà.
  • Thế cô có tìm được chỗ trên con đường một ray không?
  • Tất nhiên là có chỗ, nhưng không phải ở tuyến đường của các số thực. Đơn vị ảo chúng tôi có tuyến đường riêng. Tuyến đường này cắt con đường một ray kia ở đúng ga Số Không.
  • Tại sao bọn tôi không trông thấy nhỉ? – Xê-va hỏi.
  • Tuyến của chúng tôi là đường ảo cho nên không nhìn thấy ngay được đâu.

  • Tiếc thật, thế mà không nhìn ra ngay! – Xê-va bực tức cắt ngang. – Bây giờ phải quay lại xem mới được.
  • Nhiều khi quay trở lại chỗ cũ cũng hay, – Đơn vị Ảo nhận xét.
  • Nhưng các bạn có thể tìm hiểu một đoạn ngắn của con đường ảo ở ngay gần đây thôi. Trong vườn hoa đang biểu diễn một trò mới gọi là “Đu quay ảo”. Tôi cũng công tác ở đấy. Các bạn có muốn xem không?

Xem đu quay mà lại là đu quay ảo, chẳng lẽ còn phải hỏi nữa ư? Phải thế không cậu?

Ô-lếch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.