NGƯỜI TRONG ẢNH
Chương bốn : PHIÊN TÒA
Phiên tòa được mở vào hôm sau để kết luận về cái chết của ông Alexandre Pritchard. Bác sĩ Thomas là nhân chứng đầu tiên.
– Lúc ấy ông ta chưa chết ư? – ông bác sĩ pháp y hỏi.
– Chưa, ông ấy còn thở. Tuy nhiên chẳng còn hi vọng nào nữa… Ông ấy…
Đến đây ông Thomas dùng những danh từ chuyên môn. Ông chánh án nói với các quan tòa:
– Nói theo nghĩa thông thường, thưa các ông, có nghĩa là xương sống người ấy bị gãy, đúng không?
– Vâng, nếu muốn nói như vậy – Ông Thomas nhân nhượng.
– Bác sĩ Thomas, vụ tai nạn ấy đã xảy ra như thế nào?
– Thiếu những thông tin về trạng thái tinh thần của con người khốn khổ ấy trước khi ngã, nhưng có thể cho rằng ông ấy đã bị rơi từ vách đá xuống. Sương mù từ biển bốc lên và đường đi có chỗ gấp khúc, người ấy không nhận ra.
– Ông có thấy trên người nạn nhân có những thương tích do bạo lực không?
– Những thương tích trên xác người đều do cơ thể đập vào sườn núi khi rơi xuống vực với độ cao khoảng từ mười lăm đến hai mươi mét.
– Còn lại vấn đề tự sát.
– Vâng, cái đó bao giờ cũng có.
Người ta gọi Robert Johnes.
Bobby lên ghế các nhân chứng. Anh nói mình đã chơi gôn như thế nào, anh đã đánh bóng về phía biển. Hình như anh nghe thấy tiếng người kêu và tự hỏi có phải do quả bóng trúng vào người ấy không. Tuy nhiên anh cho rằng quả bóng không thể bay đến đường hẻm được.
– Sau đó anh có tìm thấy quả bóng không?
– Có. Nó nằm cách đường hẻm khoảng một trăm mét.
Bobby nói tiếp, nhưng ông chánh án ngắt lời anh vì chúng trùng với những ý kiến của bác sĩ Thomas. Ông căn vặn về tiếng kêu mà anh nói là anh nghe được.
– Có phải là tiếng kêu cứu không?
– Không. Chỉ là tiếng kêu thông thường thôi.
– Một tiếng kêu ngạc nhiên ư?
– Vâng, đúng thế.
Khi nói thêm người ấy tắt thở chừng năm phút sau khi ông bác sĩ ra về, anh rời khỏi chỗ của những người làm chứng.
Người ta gọi Amelia Cayman.
Bobby cảm thấy thất vọng. Bộ mặt xinh đẹp trên tấm ảnh trong túi người qua đời đâu rồi? Ảnh là cái gian dối nhất trên đời này, anh tự nhủ. Giả thiết là tấm ảnh đã được chụp từ nhiều năm trước đây thì cũng khó tưởng tượng rằng người phụ nữ xinh đẹp ấy nay đã biến thành một người mắt to, tóc phai màu và dáng đi xấc xược như thế này. Thời gian, anh nghĩ – là một kẻ phá hoại độc ác. Anh run rẩy khi nghĩ đến hình dáng của Frankie hai mươi năm sau.
Lúc này Amelia Cayman, cư trú tại số nhà mười bảy, phố Saint-Leonard’s Gardens, quận Paddington, thành phố Londres, đang khai báo.
Người chết, Alexandre Pritchard, chính là người anh ruột duy nhất của bà. Lần cuối cùng bà ta nhìn thấy anh là tối hôm trước ngày xảy ra vụ tai nạn. Ông ấy vừa ở Cận Đông trở về và có ý định đi bộ để dạo quanh vùng Wales.
– Tinh thần của ông ấy vẫn ở trạng thái bình thường chứ?
– Hoàn toàn bình thường. Anh tôi rất thích thú được đi đây, đi đó.
– Ông ấy có khó khăn gì về tiền bạc, về những âu lo không?
– Tôi không rõ về những vấn đề này. Anh tôi đã xa nước Anh từ mười năm nay và thường ít viết thư. Anh tôi đã dẫn tôi đi ăn, đi xem hát và tặng tôi nhiều tặng phẩm, tôi không nghĩ rằng anh ấy thiếu tiền; hơn nữa anh tôi rất vui vẻ, không chút âu lo.
– Anh bà làm nghề gì, bà Cayman?
Người được hỏi có đôi chút bối rối.
– Tôi không biết. Anh tôi nói là mình đi khai thác.
– Bà có thấy những lí do gì khiến ông ấy phải tự sát không?
– Trời! Không! Tôi không tin đây là một vụ tự sát. Theo tôi, đây là tai nạn.
– Bà nghĩ như thế nào về việc ông ấy đi mà không mang theo hành lý, kể cả một chiếc túi xách tay?
– Anh tôi không thích mang theo người những thứ đó. Anh ấy nói đã gửi mọi đồ đạc đến nơi sẽ dừng chân trước rồi. Anh ấy đã gửi bưu điện trước khi đi một ít quần áo thay đổi và một đôi giày nhưng có thể địa chỉ ghi không rõ ràng nên các thứ đó không tới nơi.
– A! Cái đó đã giải thích điều bí mật ấy.
Tiếp đó bà Cayman giải thích việc nhờ vào tấm ảnh, mặt sau có ghi tên, trong người anh mình nên cảnh sát đã liên hệ với bà. Nghe tin bà đã cùng chồng đến ngay quận Marchbolt để nhận diện ông Alexandre.
Nói tới đây bà khóc nức nở.
Ông chánh án nói với bà một vài lời an ủi rồi mời bà về chỗ.
Quay sang các quan tòa, ông yêu cầu mọi người cho ý kiến về cái cách mà ông Alexandre Pritchard qua đời.
Vấn đề rất đơn giản. Không có gì chứng tỏ là ông Pritchard đã tự sát. Có thể tin chắc đây là một vụ tai nạn do sương mù và đường đi khá nguy hiểm.
Ngay lập tức tòa có kết luận. Chúng ta cho rằng người qua đời đã chết vì một tai nạn và chúng ta nói thêm mọi người mong muốn tòa Thị Chính có những biện pháp cần thiết để làm một lan can có tay vịn trên con đường hẻm ở vách đá, chỗ có vực thẳm nguy hiểm.
Mọi người đều đồng ý.
Phiên tòa bế mạc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.