Người tù bé nhỏ
Chương 5
Tôi là đứa trẻ hơi chậm phát triển so với bạn bè cùng trang lứa, người tôi nhỏ xíu và trông tôi vẫn như trẻ con. Tới tận năm mười bốn tuổi, tôi mới có kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên. Tôi còn nhớ rất rõ lúc chuyện này xảy ra bởi vì khi đó tôi đang ở nhà ông ngoại, lau chùi cầu thang giúp ông. Tôi vội vã chạy về nhà tìm mẹ tôi và đâm bổ vào Richard.
– Mày đi đâu đấy? – Ông ta hỏi.
– Con cần nói chuyện với mẹ, – Tôi nói và cố gắng để thoát khỏi ông ta vì tôi không thể nào thổ lộ bất cứ chuyện gì riêng tư của tôi với ông ta cả.
– Mày muốn nói chuyện gì với mẹ mày? – Ông ta vẫn muốn biết cặn kẽ. Tôi không bao giờ được nói chuyện với mẹ cho tới khi tôi nói cho ông ta biết tôi tìm bà vì việc gì. Tôi đoán là ông ta luôn đề phòng nhỡ đâu tôi sẽ buột miệng nói ra những bí mật giữa tôi với ông ta .
– Đây là những chuyện của phụ nữ, – Tôi nói, hy vọng ông ta sẽ chấp nhận và để tôi đi .
– Ồ được rồi, – Ông ta đáp lại, dường như không chỉ đột nhiên đoán ra được tôi đang định nói về vấn đề gì mà còn tỏ ra quan tâm một cách đặc biệt. – Hãy vào trong kia đi, quý cô, – Ông ta nói, đẩy tôi vào phòng khách và hét gọi mẹ tôi xuống.
Họ đặt tôi nằm trên ghế sofa và gọi em trai tôi đi lấy một cái gối để đỡ đầu và chân tôi.
– Đi lấy cho con bé một miếng Doctor White’s.
Mẹ tôi nói và Richard hối hả chạy tới cửa hàng.
– Giờ con đã trở thành phụ nữ rồi, – Họ không ngừng thốt ra câu đó, bắt tôi dù thế nào cũng không được làm việc ráng sức quá.
Họ cho tôi nghỉ học vài ngày khi tôi vẫn “đang trở thành phụ nữ” và tôi nghĩ điều đó thật tuyệt. Giá như tôi biết rằng chu kỳ kinh nguyệt của tôi những tháng tiếp sau đó kinh khủng như thế nào thì tôi đã chẳng háo hức như thế. Đôi khi, kỳ kinh của tôi kéo dài ba tuần liền và chỉ có một tuần sạch kinh. Những chiếc băng vệ sinh của tôi cũng nhanh chóng đầy ứ. Kỳ kinh của tôi cũng phản lại tôi vì chúng cho mẹ tôi và Richard thêm một cái cớ để bắt tôi nghỉ học.
Tôi rất thích tới trường bởi vì điều này cũng có nghĩa là hàng ngày, tôi sẽ có vài giờ để có thể làm hoặc nói bất cứ điều gì mình muốn và tôi không phải chịu những hình phạt kinh khủng . Tôi say sưa với tự do của mình và luôn luôn là chú hề của lớp . Tất cả bạn học và các giáo viên trong trường đều biết tới tôi với tiếng cười giòn giã cùng tâm trạng luôn vui vẻ, phấn khích. Các giáo viên không bao giờ phiền lòng vì thái độ và cách cư xử của tôi bởi vì không giống như rất nhiều những đứa trẻ khác ở trường, tôi không bao giờ thô lỗ và luôn có tinh thần hợp tác. Lúc nào tôi cũng chỉ lâng lâng với niềm vui được thoát khỏi nhà . Tất cả học sinh cũng như giáo viên trong trường, dường như đều yêu mến tôi và điều đó khiến cho tôi cảm thấy bối rối, khó hiểu. Nếu như tôi đúng là một đứa con gái đáng khinh, đê tiện, hèn hạ giống như cha dượng tôi vẫn thường nói thì tại sao mọi người khác không nhận thấy?
Biết rằng ở trường mình được mọi người yêu mến khiến cho tinh thần của tôi phấn chấn lên rất nhiều mỗi khi được tới trường và ngược lại, tôi cảm thấy việc phải trở về nhà vào cuối ngày sau khi tan học quả là một thử thách quá lớn.
Khi mới bắt đầu đi học, chuyện học hành của tôi rất tốt, đôi khi tôi còn xếp thứ nhất trong lớp nhưng càng lên lớp cao hơn, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều bài tập về nhà hơn, thì lực học của tôi bắt đầu giảm. Tôi đoán chắc rằng ở các trường học khác, kết quả học tập yếu của tôi chắc chắn sẽ khiến tôi gặp nhiều khó khăn nhưng ở những vùng như nơi chúng tôi sống, chỉ cần có những học sinh vui vẻ và luôn năng động trong lớp đã khiến cho các giáo viên cảm thấy rất vui rồi. Họ biết rằng tôi đã cố gắng hết sức mình nhưng tôi còn rất nhiều việc phải làm ở nhà.
Chắc hẳn trông tôi phải rất khác so với hầu hết những đứa trẻ bị ngược đãi điển hình. Có lẽ đó là lý do tại sao không một nhân viên xã hội nào tỏ ý quan tâm tới trường hợp của tôi. Thường thì họ sẽ để ý tới những đứa trẻ sống khép mình và có khó khăn trong giao tiếp với những đứa trẻ cùng trang lứa hoặc họ sẽ để ý tới những dấu hiệu có thể nhìn thấy được như những vết bầm tím hay những vết thương trên cơ thể chúng. Nhiều năm sau, Hayley nói với tôi rằng hình như tôi luôn luôn mặc áo dài tay bởi vì trên tay tôi luôn có những vết bầm tím. Nhưng tôi thực sự không hề nhận ra điều đó. Hầu hết những trò tra tấn mà cha dượng tôi gây ra cho tôi đều không để lại những vết thương có thể nhìn thấy được, mà chúng là những vết sẹo đã mãi khắc sâu trong trí óc non nớt của tôi. Và nếu như những cuộc tra tấn, hành hạ, đánh đập đó có để lại dấu vết gì thì họ cũng sẽ bắt tôi phải nghỉ học cho tới khi nào những vết thương lành hẳn.
Tuy nhiên, có một lần, khi tôi còn học năm nhất của trường tiểu học, tôi đến trường với con mắt bầm dập, đỏ ngầu và tôi được gọi lên văn phòng của thầy hiệu trưởng để nói chuyện. Khi tôi tới đó, tôi thấy đã có vài nhân viên xã hội đợi tôi. Chắc là họ đã biết rằng có vấn đề gì đó đang diễn ra bởi vì thầy giáo tôi hỏi:
– Có phải cha em nói rằng ông ấy sẽ giết em không?
Tôi mở miệng định nói “vâng” nhưng đúng lúc đó, “Git ngu ngốc” đã xồng xộc xông vào phòng, mồ hôi chảy ròng ròng như thể ông ta đã chạy bộ cả quãng đường từ nhà tôi đến trường. Tôi đoán là có những quy định pháp lý bắt buộc buộc họ phải thông báo cho ông ta biết về cuộc nói chuyện này, hoặc điều gì đó tương tự như thế.
– Không ạ! – Tôi nói nhanh. – Cha em chỉ nói như thế khi ông ấy đùa thôi, giống như tất cả mọi người vẫn làm vậy.
– Ông ấy có đánh em không? – Họ lại hỏi.
– Không!
Tiếng “không” thốt ra khỏi miệng tôi mà trong đầu tôi mọi nơron như muốn gào lên rằng “có” .
Richard bảo tất cả bọn họ biến đi, kéo tôi ra khỏi chiếc ghế tôi đang ngồi và đưa tôi về thẳng nhà, đánh cho tôi một trận nhừ tử vì đã để cho các nhân viên xã hội can thiệp vào chuyện của gia đình.
Sau đó, tôi không hề được nghe thêm điều gì về họ nữa. Tôi đoán là họ đã hoàn toàn hài lòng với những câu trả lời bề ngoài đơn giản của tôi và cũng chẳng cần kiểm tra thêm làm gì.
Các thầy, cô giáo biết rằng vào tất cả các thứ hai hàng tuần, tôi không thể đến trường vì tôi phải đi xếp hàng lảnh tấm séc cấp tiền trợ cấp an sinh xã hội cho gia đình mình. Tất cả những người gặp khó khăn trong việc kiếm sống mưu sinh ở khu phố tôi đều phải đứng xếp hàng như vậy ở bưu điện vào ngày thứ hai. Số người xếp hàng nhiều khi nối dài qua mấy toà nhà. Ngay cả khi nếu bạn đến đó từ lúc 7h30 sáng, bạn vẫn phải đợi tới tận giờ ăn trưa mới tới được cửa phát séc bởi vì chỉ có hai nhân viên phát séc làm việc với cả một biển người dài vô tận. Chắc chắn mẹ và Richard sẽ chẳng bao giờ tự đi xếp hàng chừng đó thời gian, vì vậy tôi sẽ là người đi thay cho họ. Tôi cũng không phải là đứa trẻ duy nhất trong khu phố bị giao nhiệm vụ đó.
Bất cứ khi nào trong nhà có sự kiện gì, đồng nghĩa với việc mẹ tôi sẽ phải vắng nhà một thời gian, chẳng hạn như nhưng tháng Les bị đưa tới bệnh viện điều trí vì bị bỏng hoặc khi chính mẹ phải đến viện để cắt thận hay để thực hiện các ca phẫu thuật khác, hay khi mẹ đi sinh em bé, tôi sẽ phải nghỉ học ở trường hàng tuần liền, đóng chặt cửa và thực hiện những công việc nhà cho “Git ngu ngốc” và tôi cũng chẳng bao giờ có thời gian để bù lại những kiến thức đã bỏ lỡ ở trường.
Các giáo viên cũng biết rằng tôi không thể làm bài tập ở nhà mà họ giao bởi vì cha mẹ tôi nghĩ rằng thời gian đó cần được tập trung hoàn toàn cho việc nhà chứ không phải cho những thứ liên quan tới trường học. Có thể, họ sẽ nghĩ rằng việc nhà có nghĩa là tôi được ngồi xem ti vi cả buổi tối chứ không phải là phải làm việc như một tên nô lệ, lau chùi cọ rửa nhà cửa chăm sóc lũ em trai. Họ cũng không hề bàn cãi nhiều về điều đó bởi vì mẹ đã nói với họ rất rõ ràng rằng tôi sẽ không chỉ không làm bài tập mà tôi thậm chí sẽ không được ở lại trường, tham gia vào bất cứ hoạt động gì sau khi tan học. Thực tế là các thầy cô của tôi cũng đã có quá đủ những rắc rối trong công việc của họ rồi chứ chưa cần nói đến việc chuốc thêm rắc rối bằng cách đấu tranh với mẹ tôi và Richard vì thế họ chỉ biết động viên tôi bất cứ khi nào có thể. Khi tôi thi lấy được chứng chỉ giáo dục phổ thông trung học, tất cả đều nói với tôi rằng họ rất tự hào về tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên bởi vì tôi biết tôi có thể làm tốt hơn thế rất nhiều nếu như tôi chỉ việc chuyên tâm vào chuyện học hành và tôi cảm thấy hết sức biết ơn lòng tốt của họ đối với tôi.
Trong gia đình tôi, việc học hành dưới bất cứ hình thức nào cũng được coi là dấu hiệu của sự màu mè, trưởng giả học làm sang. Nếu ai bị phát hiện ra đang đọc một cuốn sách người đó sẽ bị quy kết là làm ra vẻ mình là người nho nhã, chữ nghĩa và đang cố gắng để chứng tỏ mình tốt đẹp hơn, vượt trội hơn cha mẹ. Vì thế không ai trong chúng tôi dám làm điều đó cả. Khi nhà trường thông báo rằng em trai của tôi, Pete rất thông minh, sáng dạ và cậu nên nhận học bổng để được gửi tới một trường học tư ở vùng lân cận thì Richard tuyên bố thẳng thừng không được. Lý do mà ông ta đưa ra là ông ta không muốn con trai mình tới học ở “một trường học dành cho những thằng đồng tính”. Nhưng tôi lại cho rằng ông ta sợ nếu Pete đi học xa nhà, ảnh hưởng của ông ta với cậu sẽ giảm dần và như thế đồng nghĩa với việc cậu sẽ được sống trong một môi trưởng vượt ngoài tầm kiểm soát của ông ta.
Tôi không biết liệu các thầy cô giáo ở trường học có bất kỳ nỗ lực nào nhằm thuyết phục các nhà chức trách can thiệp vào trường hợp của tôi hay không, và bởi vì hồ sơ của tôi đã bị thất lạc nên tôi cũng không bao giờ tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi đó. Nhưng tôi biết rằng bản thân họ cũng chẳng thể làm được gì vì họ cũng không muốn mình bị đe doạ hay thậm chí là bị tấn công trong lớp học, trên đường trở về nhà, hoặc trên đường đến trường. Chắc hẳn tim họ cũng sẽ đập loạn nhịp mỗi khi thấy đứa trẻ nào mang cái họ của tôi tới nhập học. Cuối cùng họ cũng xoay sở để có thể cấm không cho Richard đến trường tiểu học mặc dù tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao họ có thể buộc được ông ta làm điều đó.
Giá mà tôi biết rằng người phụ nữ tốt bụng vẫn luôn luôn hỏi han tình hình tôi như thế nào mỗi khi tôi xếp hàng lấy thức ăn chính là một người bạn của cha đẻ tôi thì tôi đã có thể gửi cho ông một mẩu tin nhắn, nói với ông mọi việc đang diễn ra đối với tôi thật tồi tệ và gọi ông tới với tôi. Nhưng thực tế tôi chỉ biết bà là một phụ nữ tốt bụng và rằng cha tôi đã chối bỏ tôi. Người phụ nữ tốt bụng đó chắc hẳn cũng chỉ nhìn thấy một cô bé con luôn luôn vui vẻ, ăn bữa trưa của mình một cách nhiệt tình. Chắc chắn là chẳng có lý do gì để bà có thể thuật lại với cha đẻ tôi bất cứ điều gì ngoài việc tôi trông vẫn ổn và rằng ông không có gì phải lo lắng.
Tôi đoán rằng Richard rất thích nhìn tôi trong bộ đồng phục nhà trường. Tôi cho đó là lý do tại sao ông ta cứ bắt tôi phải đi đôi giày gót cao ngớ ngẩn từ khi tôi còn ở trường tiểu học. Và khi tôi lớn hơn chút nữa, ông ta bộc lộ ngày càng rõ hơn niềm thích thú đó của mình. Khi tôi đã là một thiếu nữ và nếu mẹ tôi đi vắng, ông ta thường bắt tôi mặc chiếc váy thể thao, đi tất dài, vấn tóc cao và trang điểm một chút. Khi đó, ông ta sẽ nằm trên giường tự thủ dâm trong khi tôi phải đi quanh phòng, cúi người xuống, mở tủ quần áo để ông ta có thể nhìn thấy quần lót của tôi. Sau đó, tôi sẽ phải trèo lên giường và cùng ông ta hoàn tất nốt phần còn lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.