Quy luật trí não
Được an toàn, bé thông minh
Khen ngợi nỗ lực, chứ không phải IQ
Vui chơi có hướng dẫn – đều đặn mỗi ngày
Cảm xúc, chứ không phải “biểu tượng cảm xúc”
BÉ THÔNG MINH: ĐẤT TRỒNG
Hồi bé, Teddy Roosevelt ốm yếu đến nỗi cha mẹ cậu phải tự dạy con ở nhà. Đó hóa ra lại là điều may mắn nhất cậu có được. Teddy có nhiều thời gian ở bên người cha trìu mến, yêu thương tuyệt vời đến nỗi nếu có một nơi vinh danh cha của những đứa trẻ yếu ớt, ngài Theodore Sr. ắt hẳn phải là nhân vật đầu tiên được tôn vinh. Trong nhật ký của mình, Teddy Roosevelt viết khi còn bé, ông vẫn thường được cha nhấc bổng lên trên đôi tay vững chãi. Ngài Roosevelt cha sẽ rong ruổi khắp các hành lang, giữ cậu con trai thẳng người suốt hàng tiếng đồng hồ, để cậu bé dễ thở hơn. Hai cha con cùng khám phá thế giới bên ngoài khi trời đẹp, còn không lại miệt mài tìm tòi trong thư viện. Dần dà, sức khỏe của cậu được cải thiện. Cha cũng là người khuyến khích Teddy nỗ lực hết sức ở mỗi thời điểm trọng đại trong đời. Vài thập kỷ sau, vị tổng thống đã viết như thế này trong một trang nhật ký:
Cha không chỉ dành cho tôi sự chăm sóc lớn lao, không mệt mỏi… cha còn vô cùng sáng suốt khi không chiều chuộng tôi thái quá, và làm tôi cảm thấy rằng mình phải tự ép bản thân để bắt kịp chúng bạn và luôn sẵn sàng để gánh vác những trọng trách khó khăn trong thế giới này.
Ngài Roosevelt cha có thể không hay biết, nhưng ông đã thực hành những lý thuyết về khoa học thần kinh nhận thức để nuôi dạy đứa con trứ danh của mình. Đúng là Teddy thông minh bẩm sinh và được sinh ra trong nhung lụa, hai thứ mà không phải cặp cha mẹ nào cũng dành cho con mình được. Nhưng hơn thế, Teddy đã chào đời trong tình yêu thương và sự dìu dắt tận tình, thứ mà mọi cha mẹ đều có thể mang lại cho con mình. Quả vậy, còn vô vàn cách khác giúp bạn, giống như ngài Roosevelt cha – can thiệp được để giúp trẻ thông minh. Bất kể tố chất di truyền ra sao, bạn đều có thể giúp con cái mình phát huy tối đa trí thông minh của chúng như Theodore Roosevelt, Albert Einstein hay những danh nhân thành công khác. Vấn đề chỉ là: làm cách nào?
Hãy coi đây là điều kiện “đất trồng”, như vậy vấn đề sẽ là đưa ra một công thức “phân bón” phù hợp. Có tất cả bốn chất dinh dưỡng bạn sẽ muốn đưa vào công thức ứng xử của mình, điều chỉnh linh hoạt trong quá trình con trẻ lớn dần lên: nuôi con bằng sữa mẹ, trò chuyện với con, vui chơi và khen ngợi nỗ lực của trẻ chứ không phải thành tích. Bên cạnh đó, có một số độc tố phải hạn chế triệt để như: ép con thực hiện những nhiệm vụ mà trí não của bé chưa phát triển đầy đủ để làm được; đẩy con cái bạn đến ngưỡng của trạng thái tâm lý mang tên là “tuyệt vọng do huấn luyện”; và, đối với các bé dưới 2 tuổi – ti vi là chất độc đầu bảng. Còn một số chất “phụ gia” vẫn được các chuyên gia bán hàng tuyên truyền, thì tùy bạn cân nhắc loại bỏ.
CÔNG VIỆC THƯỜNG NGÀY CỦA NÃO BỘ KHÔNG PHẢI LÀ HỌC TẬP
Trước hết, tôi cần phải chấn chỉnh ngay một nhận thức sai lầm. Rất nhiều ông bố bà mẹ đầy thiện chí đinh ninh rằng bộ não của con mình rất hào hứng với việc học hành. Điều đó là không đúng. Bộ não không hề hứng thú với chuyện học hành. Bộ não chỉ hứng thú với việc sinh tồn. Bao nhiêu năng lực của não bộ đều chỉ nhằm phục vụ mục đích duy nhất là tránh bị tiêu diệt. Học hành cũng chỉ là để phục vụ đòi hỏi chính yếu này mà thôi. Quả là may, khi công cụ tư duy này của chúng ta lại có thể thực hiện nhiệm vụ “đúp” trong lớp học, ban cho chúng ta khả năng vừa làm toán lại đồng thời nói tiếng Pháp làu làu nữa. Nhưng đó không phải là việc chính của trí não. Đó chỉ là một sản phẩm phụ tình cờ của một nguồn lực ở tầng sâu hơn nhiều: khao khát gặm nhấm, thôi thúc không ngừng – được sống tiếp những ngày sau đó. Chúng ta muốn tồn tại nên chúng ta buộc phải học. Chúng ta học tập, nhờ thế mà tồn tại.
Hiểu được mục đích chủ đạo này có thể khai sáng rất nhiều điều, và sau đây là điều quan trọng nhất: nếu muốn có một đứa con được dạy dỗ đến nơi đến chốn, bạn buộc phải kiến tạo một môi trường an toàn. Khi đòi hỏi an toàn của trí não được đáp ứng, nó sẽ tạo điều kiện cho các tế bào thần kinh được “làm thêm ngoài giờ” trong các tiết học môn đại số. Ngược lại, khi nhu cầu an toàn không được đảm bảo, thì đại số hay là cái gì thì cũng bay ra ngoài cửa sổ hết. Đây cũng là điều Roosevelt cha đã làm. Trước hết, ông nâng đỡ con trai mình, cho cậu cảm giác an toàn, đồng nghĩa với việc vị tổng thống tương lai có thể toàn tâm toàn ý đắm mình vào học tập.
An toàn là trên hết
Trong các cuộc tấn công, nạn nhân thường bị chứng mất trí nhớ hoặc nhầm lẫn; họ thường không tài nào nhớ nổi khuôn mặt hung thủ, nhưng lại có thể nhớ rõ đến từng chi tiết thứ vũ khí đã uy hiếp mình. Tại sao lại nhớ chi tiết chẳng mấy giúp ích cho cảnh sát, mà không phải là khuôn mặt kẻ thủ ác, thứ tối cần thiết? Lời giải đáp hé lộ mối ưu tiên tuyệt đối của não bộ: sự an toàn. Vũ khí ẩn chứa mối đe dọa tiềm tàng to lớn nhất, và não bộ tập trung vào vũ khí bởi đã được lập trình để tập trung vào sự tồn vong. Não bộ không hề học tập trong những tình huống thù nghịch như thế này (sự căng thẳng có khả năng điều chỉnh tiêu điểm của trí não đến mức phi thường); não chỉ đang tập trung vào nguồn nảy sinh mối đe dọa mà thôi.
Một cựu phi công chiến đấu giảng dạy ở trường đại học hàng không đã khám phá ra hiện tượng này trong lớp học. Một trong số các sinh viên của ông là ngôi sao ở lớp học mặt đất nhưng lại gặp rắc rối trên không. Trong chuyến bay huấn luyện, cô diễn giải sai tất các tín hiệu thiết bị, và ông thầy la mắng cô, chắc mẩm việc này sẽ bắt học trò phải tập trung chú ý hơn. Nhưng không, cô bắt đầu khóc lóc, và dù cố đến mấy, cô vẫn không tập trung nổi. Ông thầy cho máy bay đáp xuống, giờ học kết thúc. Có gì không ổn ở đây? Xét từ góc độ não bộ, không có gì là sai trái. Trí óc cô học trò chỉ tập trung vào mối đe dọa, hệt như những gì đã được lập trình từ hàng triệu năm về trước. Cơn giận dữ của ông thầy không thể giúp cô tập trung vào các thiết bị được, vì thiết bị đó đâu phải nguồn nảy sinh đe dọa. Chính bản thân ông thầy mới là mối đe dọa. Hiện tượng “tập trung vào vũ khí” này chỉ đơn thuần thay thế “khẩu súng ngắn” bằng “gã cựu phi công” mà thôi.
Bạn có thể áp dụng điều này để lên lớp cho sinh viên, hay kèm con học. Hãy nhớ, trí não sẽ không bao giờ vượt lên khỏi mối bận tâm sâu sắc xoay quanh chuyện sinh tồn.
BỐN THÀNH PHẦN CẦN THIẾT
Đến giờ thì chúng ta có thể đào sâu vào hỗn hợp “phân bón”, với bốn thành phần cần có trong lớp đất trồng phát triển của mình.
1. Nuôi con bằng sữa mẹ chính là yếu tố kích thích trí não
Dù đâu đó bạn vẫn có thể nghe thấy nhiều ý kiến về tác dụng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng riêng giới khoa học thì hoàn toàn nhất trí về vấn đề này. Sữa mẹ không khác gì thần dược đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó chứa các muối khoáng và vitamin quan trọng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa các dị tật về tai, hệ hô hấp, dạ dày và ruột. Trong một kết quả gây sửng sốt (chỉ với giới đại chúng), các nghiên cứu trên khắp thế giới đã xác nhận rằng nuôi con bằng sữa mẹ giúp em bé thông minh hơn. Trong các bài kiểm tra nhận thức, những em bé bú sữa mẹ đạt thành tích cao hơn 8 điểm so với những em bé bú bình, và kết quả này vẫn tương tự sau gần một thập kỷ. Các em cũng đạt được điểm số cao hơn, đặc biệt là trong môn đọc và viết.
Sao lại thế? Chưa ai có thể thực sự lý giải chắc chắn, tuy nhiên cũng có một vài cơ sở đáng tin cậy. Sữa mẹ có chứa các chất mà não bộ của bé cần hấp thu để phát triển ở thời điểm sau khi chào đời nhưng không thể tự sản sinh ra được. Một trong số đó là taurine – một amino axit đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển hệ thần kinh. Trong sữa mẹ còn có các axit béo omega-3, giúp ích cho nhận thức ở trẻ, (xem chương Thời kỳ mang thai, phần Ăn những thực phẩm phù hợp). Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên rằng tất cả các bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, tiếp tục cho bú khi trẻ bắt đầu ăn dặm, và giảm dần sau một năm.
2. Trò chuyện với con bạn – thật nhiều
Đến giai đoạn bé tập nói, nạp đầy từ ngữ vào đầu bé chính là một trong những việc lành mạnh nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm để thúc đẩy trí não trẻ. Hãy năng trò chuyện với con mình, càng thường xuyên càng tốt. Đó là một đúc rút có cơ sở khoa học vững vàng nhất trong tất cả các tài liệu liên quan đến phát triển.
Mối liên hệ giữa từ ngữ và trí thông minh đã được phát hiện thông qua một số nghiên cứu mang tính “xâm nhập đời tư”. Theo đó, các nhà điều tra định kỳ lui tới nơi ở của 40 gia đình, mỗi tháng một lần, liên tục suốt ba năm và ghi lại các cuộc giao tiếp ngôn ngữ giữa bố mẹ và con cái. Họ đo lượng từ vựng, sự đa dạng về từ và tỉ lệ tăng trưởng vốn từ, tần suất giao tiếp, và nội dung cảm xúc trong lời nói. Sau ba năm, các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra IQ. Cuộc điều tra với những phân tích thấu đáo, toàn diện này đã rút ra hai kết luận:
Chủng loại và số lượng từ ngữ rất quan trọng
Cha mẹ trò chuyện với con cái càng nhiều, ngay từ khoảng thời gian đầu đời, thì năng lực ngôn ngữ của bé càng phát triển, và bé học nhanh hơn. Tiêu chuẩn vàng là 2.100 từ mỗi tiếng đồng hồ. Chủng loại từ ngữ (danh từ, động từ và tính từ, cũng như độ dài và độ phức tạp của các cụm từ và câu) cũng quan trọng tương đương. Lượng phản hồi tích cực cũng thể hiện đặc điểm tương tự. Bạn có thể tăng cường năng lực ngôn ngữ của trẻ thông qua tương tác: nhìn thẳng vào con; bắt chước giọng điệu, tiếng cười và nét mặt của con; thưởng cho những nỗ lực ngôn ngữ của con bằng cách chú ý tới con hơn. Những em hay được cha mẹ trò chuyện sẽ có lượng từ phong phú gấp đôi những em khác. Đến tuổi đi học, năng lực đọc, đánh vần và viết của chúng cũng trội hơn hẳn những em ít trò chuyện với cha mẹ. Mặc dù cách các bé sơ sinh đáp lại không giống với người lớn, nhưng các em có nghe, và điều đó có tác dụng tốt với chúng.
Trò chuyện giúp nâng cao IQ
Trò chuyện với trẻ từ khi các bé còn rất nhỏ sẽ giúp tăng IQ. Đến tuổi lên 3, trẻ được cha mẹ trò chuyện nhiều (nhóm ham nói) sẽ có điểm số IQ cao hơn 1,5 lần so với những em ít được cha mẹ trò chuyện (nhóm ít nói). IQ cao được cho là một nhân tố nâng cao thành tích học tập của nhóm ham nói.
Có điều cần khắc cốt ghi tâm rằng, cần một người “bằng xương bằng thịt” mới giúp ích cho trí não con bạn, chứ không phải chiếc đầu máy DVD di động, cũng không phải âm thanh của chiếc ti vi, mà phải là giọng của chính bạn. Vậy nên hãy sẵn sàng luyện dây thanh quản của mình đi.
Nói gì và nói như thế nào
2.100 từ mỗi giờ đồng hồ nghe thì có vẻ nhiều, nhưng thực ra, nó chỉ phản ánh một mức độ đối thoại khiêm tốn. Ngoài giờ làm việc, một người điển hình nghe chừng 100.000 từ một ngày. Nên sẽ không cần phải nói sà sã kiểu ròng rã 24/7 với con bạn đâu. Kích thích thái quá cũng nguy hiểm với sự phát triển trí não như là thiếu kích thích vậy (bạn còn nhớ nguyên tắc Vừa vặn chứ?) và quan trọng là phải theo dõi em bé để kịp phát hiện ra các dấu hiệu mệt mỏi. Nhưng không hề giao tiếp với bé lại thậm ngốc. Chỉ cần những câu như “Bây giờ bố mẹ thay tã cho con nhé.” “Trông cái cây đẹp chưa kìa!” “Ô cái gì thế nhỉ?” Hay đơn giản là đếm thật to các bậc cầu thang. Chỉ cốt hình thành thói quen trò chuyện thôi mà.
Cách bạn nói cũng rất quan trọng. Hãy tưởng tượng một cảnh này, trích từ một cuốn DVD hướng dẫn thực hành, được phát triển tại Học viện Nghiên cứu Talaris trong khoảng thời gian tôi nắm giữ vai trò giám đốc:
Một nhóm đàn ông lực lưỡng đang theo dõi một trận bóng đá, chuyền tay nhau một bịch bỏng ngô, mắt dán vào màn hình. Một em bé đang chơi trong một xe đẩy ở một bên, vẻ rất mãn nguyện. Đến một tình huống gay cấn trong trận đấu, một ông chồm hẳn về phía ti vi gào lên: “Nào nào, chú em làm được mà. Cố lên! Cố lên nào!” Đó là một trận đấu lớn, và cả đám nhảy nhót, hò hét điên loạn. Tiếng ồn làm đứa bé bắt đầu khóc thét. Người đàn ông bự con nhất trong đám, cha đứa bé vội chạy ngay đến chỗ thằng bé, đón nó lên và bế trong vòng tay to lớn. “Nào, cậu cả,” anh vỗ về với tông giọng cao vút. “Muốn tiệc tùng cùng bọn bố không?” Đám đàn ông ngồi trên ghế ngó nhau lom lom, lông mày nhướng cả lên. “Coi cậu cả của bố này!” Ông bố tiếp tục với chất giọng như-hát của mình. “Cậu cả của bố-ố-ố-ố-ố thế nào nhỉ? Con có đó-ó-ó-ó-ói không?” Ông bố dường như quên bẵng mất trận đấu. “Bố con mình ăn tẹo mỳ-ỳ-ỳ-ỳ-ỳ nhé,” anh nói tiếp, đi thẳng vào trong bếp. Đám mày râu trên ghế nhìn theo, vẻ không dám tin vào mắt mình. Trận đấu vẫn tiếp tục, còn ông bố thì ở sau bếp, đang cho con trai mình ăn mỳ.
Chúng ta vừa mới chứng kiến những tác động thôi miên mà một đứa bé có thể phủ trùm lên một ông bố tận tâm chăm sóc. Nhưng có điều gì xảy ra với giọng nói của ông bố vậy? Hóa ra tất cả các bậc cha mẹ trên khắp thế giới đều trò chuyện với con mình theo cách này, một kiểu nói được gọi là “nói nựng”. Đó là thứ cực kỳ quyến rũ với tai bé.
Nói nựng được đặc trưng bằng tông giọng cao vút và giọng điệu như hát với các nguyên âm kéo dài. Dù không phải lúc nào các bậc cha mẹ cũng ý thức được là mình đang nói giọng này, nhưng kiểu nói nựng ấy giúp não bé học nhanh hơn. Tại sao? Dù gì, nghe một người nói kiểu nhấn nhá chậm rãi dễ hiểu hơn nhiều, đó là lý do thứ nhất. Nói nựng còn khiến âm thanh của mỗi nguyên âm phát ra rõ rệt hơn; lối khuếch đại này sẽ cho phép em bé của bạn nghe thấy các từ như những thực thể tách bạch và phân biệt các nguyên âm tốt hơn. Chất giọng du dương giúp bé phân biệt âm thanh thành những tập tương phản. Còn tông giọng cao vút có thể hỗ trợ các em bé mô phỏng các đặc điểm của lời nói. Suy cho cùng, với cơ quan phát âm chưa phát triển đầy đủ, em bé chỉ phát ra được rất ít âm thanh, mà đầu tiên, chỉ là các âm thanh với tông cao vút.
Vậy bạn nên bắt đầu trò chuyện với bé từ khi nào? Câu trả lời thực sự là “chẳng ai biết cả”, nhưng chúng ta có những manh mối thuyết phục cho thấy, đáp án sẽ phải là “ngay từ khi bé mới chào đời.” Như chúng ta đã thấy trong thí nghiệm về em bé mới sinh thè lưỡi ra với nhà nghiên cứu Andy Meltzoff, trẻ chắc chắn có khả năng tương tác với người lớn ngay từ phút thứ 42 sau khi chào đời. Và trẻ mẫu giáo còn xử lý rất nhiều thông tin ngôn từ, kể cả khi các em có vẻ như không hề hiểu chúng. Đọc cho một em bé ba tháng tuổi nghe cũng rất tốt, đặc biệt là khi ôm bé vào lòng và để bé tương tác với mình.
Nhà tâm lý học giáo dục William Fowler đã dạy một nhóm phụ huynh trò chuyện với các con mình theo phương pháp đặc biệt sử dụng các chỉ dẫn trên. Kết quả rất đáng kinh ngạc: ngay từ tháng thứ 7 đến thứ 9, các em đã có thể bập bẹ nói từ đầu tiên, vài em thậm chí còn nói hoàn chỉnh thành câu vào tháng thứ 10. Lên 2 tuổi, các em đã nắm được phần lớn quy tắc ngữ pháp cơ bản. trong khi theo chuẩn hiện nay, trẻ 4 tuổi mới cần đạt được các kỹ năng này. Đến khi đi học, những em này cũng đạt thành tích tốt hơn ở cả môn toán và khoa học. Lên trung học, 2/3 số này theo học các chương trình tài năng hay chương trình vượt cấp. Chương trình của Fowler vẫn cần nghiên cứu sâu hơn, nhưng công trình của ông thật xuất chúng. Nó góp thêm một bằng cớ thuyết phục chứng minh rằng trò chuyện giống như thứ phân bón hữu ích cho thần kinh.
Rõ ràng, ngôn ngữ chính là mảnh đất tuyệt vời cho trí não đang kỳ phát triển của con bạn. Thành phần dinh dưỡng tiếp theo trong “phân bón” chính là vui chơi dạng mở, một ví dụ thú vị, một điều chính tôi đã gặp phải khi cả hai cậu con trai đều chưa đầy 4 tuổi.
3. Vui chơi: Tuyệt vời!
Ấy là buổi sáng ngày Giáng sinh. Tôi nóng lòng chờ xem hai nhóc mở món quà bộ đồ chơi đường đua ra. Tôi biết thể nào hai đứa sẽ thốt lên “ố” với “á” lúc khám phá ra món quà đang đợi chúng. Thế mà, tụi nó xé cái hộp ra – và rồi, im lặng khó hiểu. Loáng chốc, hai cậu chàng quẳng bộ đường đua sang một bên và đội cái hộp lên đầu. Cơn cuồng nhiệt của chúng quay trở lại cứ như được bơm phồng lên vậy.
“Em biết rồi!”, một đứa hét lên. “Đấy là cái máy bay!” “Khồnggg!” Đứa kia đáp trả: “Phi thuyền chứ!” “Ờ, là phi thuyền!” Đứa đầu tiên tán đồng, và cả hai đứa tóm lấy mấy cây bút sáp hì hục tô tô vẽ vẽ. Chỉ lát sau, chúng đã vẽ đủ thứ hình thù lên khắp chiếc hộp đựng bộ đường đua, những hình tròn bé xíu kỳ bí, sọc ngang, sọc dọc và những ô vuông, và hoàn toàn tảng lờ bộ đồ chơi rải rác quanh chúng. Tôi thì băn khoăn không hiểu vì sao mình lại phải tốn tiền đến thế.
Cậu cả nhà tôi đi lên gác tìm thêm bút sáp, rồi bỗng reo lên đầy phấn khích. Nó vừa phát hiện ra một cái thùng bằng bìa cứng to đùng bỏ đi, cái hộp đựng chiếc ghế mới mà hai vợ chồng tôi đặt mua sáng nay. “À húuuu!” Nó reo hò, và loay hoay tìm cách mang bằng được cái thùng xuống cầu thang. “Khoang lái của tụi mình đây!” Hai tiếng đồng hồ sau đó trôi qua cái vèo với bút sáp, màu vẽ, băng dính và những hình vẽ điên cuồng. Chúng dán hộp đựng bộ đường đua vào trong cái hộp lớn. “Chỗ để nhốt người ngoài hành tinh đấy,” một đứa trịnh trọng giải thích. Hai đứa thi nhau vẽ bàn điều khiển với những mặt số bấm bé xíu, rồi gấp giấy thành súng laser. Cả ngày hôm ấy, hai cậu mải mê bay trên chiếc phi thuyền, chiến đấu chống lại hết phe Ác nhân Hải ly Núi lại đến Nữ hoàng Tảo biển. Chúng không còn ở Seattle nữa. Chúng đã bay vào không gian Alpha Quadrant , là Thuyền trưởng Đi-lẫm-chẫm với Nhóc Quấn-tã trong Thế giới Tương lai.
Hai vợ chồng tôi cười đến chảy nước mắt khi chứng kiến các con mình vui chơi. Óc sáng tạo của con cái là một niềm vui sướng với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng có một điều còn sâu sắc hơn thế: vui chơi sáng tạo kiểu này khiến trí não trẻ phì nhiêu tươi tốt, tác dụng không thua gì Miracle-Gro với sân vườn.
Vui chơi dạng mở? Chứ không phải là “mua sắm thả phanh mấy món trò chơi điện tử có tác dụng giáo dục” sao? Chứ không phải là các tiết học tiếng Pháp, tiếp theo là hàng tiếng đồng hồ huấn luyện chiến đấu? Thực lòng mà nói, tôi tin tưởng vào kiểu nhắc đi nhắc lại một cách có kỷ luật khi trẻ bắt đầu việc học tập chính thức. Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ sốt sắng cho tương lai của con đến mức đổi xoành xoạch đồ chơi cho con, làm như quá trình phát triển não bộ của con là một kiểu phát triển sản phẩm không bằng, và chùn lại trước ý tưởng “để mặc con chơi tự do”. Từ năm 1981 đến 1997, khoảng thời gian hoạt động tự do mà các bậc cha mẹ dành cho con cái mình đã giảm khoảng ¼. Ngành công nghiệp sản phẩm giúp-bé-thông-minh – tạo ra các món đồ chơi đi ngược lại với kiểu vui chơi bỏ ngỏ (với một đứa trẻ, có thứ gì mang lại không gian “khép kín với thế giới bên ngoài” hơn một chiếc DVD cơ chứ?) – trở thành một ngành công nghiệp sinh lời hàng triệu đô la.
Giờ thì chúng ta đã biết rằng các hoạt động vui chơi sáng tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não em bé như là protein vậy. Quả vậy, chiếc hộp đựng thẻ học thông minh có lẽ còn có lợi cho trí não trẻ hơn chính bản thân những tấm thẻ. Giờ chỉ tùy thuộc xem bạn vận dụng và xử lý thế nào để mang lại lợi ích tốt nhất cho con mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, so với các đối tượng bị kiểm soát, các trẻ được tạo điều kiện vui chơi sáng tạo, tự bày trò sẽ:
• Sáng tạo hơn. Tính trung bình, các bé đưa ra được nhiều cách sử dụng sáng tạo, phi tiêu chuẩn cho các đồ vật đặc thù hơn so với các mẫu chuẩn.
• Sử dụng ngôn ngữ tốt hơn. Trẻ nói năng trôi chảy hơn, có vốn từ vựng phong phú hơn và sử dụng từ ngữ cũng đa dạng hơn.
• Giải quyết vấn đề tốt hơn. Đây chính là trí thông minh “lỏng”, một trong những thành phần cơ bản trong món hầm mang tên “trí thông minh”.
• Ít căng thẳng hơn. Trẻ thường xuyên được chơi kiểu này ít nguy cơ bị căng thẳng đến một nửa so với chuẩn bình thường. Điều này giúp lý giải tại sao trẻ giải quyết vấn đề tốt hơn, bởi căng thẳng rõ ràng ảnh hưởng mạnh đến kỹ năng giải quyết vấn đề.
• Có trí nhớ tốt hơn. Vui chơi giúp tăng cường trí nhớ; lấy ví dụ, các em bé giả vờ mình đang ở siêu thị sẽ nhớ được gấp đôi số từ vựng trong danh sách hàng tạp phẩm so với các đối tượng mẫu chuẩn.
• Khéo léo về mặt xã hội hơn. Lợi ích về mặt xã hội mà vui chơi mang lại phản chiếu qua số liệu về phạm tội của trẻ em nội thành. Trẻ sinh ra trong những gia đình thu nhập thấp nếu được đưa vào các trường mẫu giáo thiên về hoạt động vui chơi trong những năm tuổi đầu tiên, thì đến tuổi thành niên, không đến 7% dính vào vòng lao lý. Trong khi đó, những em học ở các trường thiên về dạy kiến thức, con số này lên tới 33%.
Những câu hỏi theo kiểu con-gà-hay-quả-trứng đầy rẫy trong những số liệu này, vậy nên chúng ta phải luôn đề cao thái độ hoài nghi. Ví dụ, liệu vui chơi là một phương pháp học tập, hay chỉ đơn thuần là một cách thực hành hoặc hợp nhất các kỹ năng đã được phát triển từ trước đó? Thật mừng, những tranh cãi như vậy dẫn đến việc cấp vốn cho những nghiên cứu phụ trợ, như vậy chúng ta có cơ hội tiến lại gần kết quả hơn. Những nghiên cứu mới mẻ lại đặt ra câu hỏi: Liệu có những hành vi đặc thù nào ẩn trong lối vui chơi mở ngỏ sản sinh ra lợi ích hay không? Câu trả lời là CÓ.
Có điều, không phải bất cứ hình thức vui chơi dạng mở nào cũng cho ra kết quả phi thường như thế. Có sự khác biệt tinh tế giữa những trò chơi sáng tạo và chơi phứa đi, chẳng có luật lệ, ai thích làm gì thì làm. Mô hình “chơi sao cũng được” này bắt nguồn từ quan điểm lãng mạn xưa cũ, rằng trẻ em sinh ra với trí tưởng tượng phong phú, hoàn chỉnh, và tạo nên những thế giới hư cấu đã thành bản năng của chúng. Thế nên, họ cho rằng chỉ cần chúng ta tạo điều kiện cho trẻ dẫn dắt người lớn, thì tất thảy mọi sự đều tốt đẹp cả. Cá nhân tôi cũng bày tỏ sự tán thành sâu sắc với nhiều phần của ý niệm này. Trẻ em rất sáng tạo và ham học hỏi, chúng ta học được nhiều về óc tưởng tượng từ trẻ em hơn so với các nguồn khác. Nhưng trẻ em cũng rất non nớt, thiếu kinh nghiệm. Phần lớn các bé không nắm trong tay chìa khóa khai mở tiềm năng của mình; đó là lý do vì sao các bé cần cha mẹ.
Kiểu vui chơi có lợi cho trí tuệ và nhận thức là kiểu hướng trẻ biết cách tự chủ và tự điều chỉnh – những hành vi thuộc chức năng điều hành mà chúng ta đã thảo luận ở chương trước, một thành phần của trí thông minh, được hé lộ trong thí nghiệm về chiếc bánh quy. Các dữ liệu ở đây rất rõ ràng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng để thiết kế nên phòng vui chơi cho gia đình mình.
Công cụ trí não: nhập vai
Một dạng trò chơi này là trò Nhập vai (Mature Dramatic Play). Để phát huy tác dụng, cần để trẻ chơi trò Nhập vai nhiều giờ mỗi ngày. Nó đã được đưa vào thành chương trình trong trường học gọi là Công cụ Trí não, một trong số ít những chương trình đã được nghiên cứu bằng những thử nghiệm ngẫu nhiên.
Ý tưởng về Công cụ Trí não được nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky đưa ra. Ông chính là nguồn cảm hứng cho tất cả những thiên tài tương lai, những người chưa thể quyết được xem mình muốn làm gì khi lớn lên. Lev Vygotsky khởi đầu sự nghiệp bằng công việc phân tích văn học, viết một bản tiểu luận trứ danh về Hamlet khi mới 18 tuổi, nhưng sau đó quyết định tới trường Y thuộc Đại học Moscow để trở thành bác sĩ. Chẳng bao lâu, ông lại đổi ý, chuyển sang học luật, rồi gần như ngay tức thì, nộp đơn xin vào một trường đại học tư để theo đuổi ngành văn chương. Vẫn chưa hài lòng, ông còn giành được một tấm bằng Tiến sĩ Tâm lý. Đáng tiếc là, vài năm sau đó, ở tuổi 38, ông qua đời. Nhưng mười năm tích cực theo đuổi chuyên ngành tâm lý học của ông để lại nhiều cống hiến quan trọng.
Vygotsky là một trong số ít nhà nghiên cứu thời đại ông đi sâu nghiên cứu trò chơi sắm vai ở trẻ em. Ông dự đoán rằng năng lực tham gia vào các hoạt động tưởng tượng ở nhóm tuổi dưới 5 sẽ là một tiêu chuẩn đánh giá thành công về học vấn chính xác hơn những hoạt động khác – hơn cả khả năng ngôn ngữ và định lượng. Vygotsky tin rằng, như vậy giúp trẻ học được cách điều chỉnh ứng xử xã hội của mình.
Không giống như lối diễn kịch nhập vai thoải mái mà chúng ta vẫn thấy ở Mỹ, Vygotsky coi đóng kịch tưởng tượng là một trong những trải nghiệm hành vi có luật lệ, quy định chặt chẽ. Nếu như Sasha bé bỏng muốn trở thành đầu bếp, cậu sẽ phải tuân theo các quy tắc, triển vọng và giới hạn của nghề đầu bếp. Nếu bạn bè em tham gia cùng, các em cũng phải tuân theo luật lệ. Các em sẽ được thoải mái tranh luận cho đến khi thống nhất đưa ra được các quy tắc và cách thi hành. Vygotsky cho rằng làm vậy sẽ giúp trẻ phát triển được khả năng tự chủ. Một nhiệm vụ như thế đòi hỏi năng lực trí não cao, ngay cả với người lớn. Nếu bạn có liên tưởng đến khái niệm hiện đại hơn, là “chức năng điều hành”, vậy thì bạn hoàn toàn chính xác rồi đấy! Những người nối gót Vygotsky chứng minh rằng trẻ sắm vai trong các khung cảnh tưởng tượng kiểm soát các cơn bốc đồng của mình tốt hơn trong những tình huống thực. Dù đến giờ nghiên cứu của Vygotsky tỏ ra có nhiều phần chưa chính xác, nhưng riêng những ý kiến về khả năng tự điều chỉnh vẫn chứng minh được sự đúng đắn.
Hàng loạt những nghiên cứu chứng thực tiếp sau những phát hiện này đã dẫn tới chương trình Công cụ Trí não. Trong đó có ba phần tương ứng với những gì chúng ta thảo luận về việc lên kế hoạch vui chơi, chỉ dẫn trực tiếp đối với việc nhập vai, và kiểu môi trường trong đó xuất hiện các hướng dẫn. Dưới đây là những gì diễn ra trong một lớp học sử dụng phương pháp Công cụ phát triển trí não:
Lên kế hoạch vui chơi
Trước khi để các bé mẫu giáo bắt đầu bước vào một ngày tràn ngập những hoạt động vui chơi tưởng tượng, hãy để các em sẽ lấy bút màu điền vào một mẫu in sẵn gọi là kế hoạch vui chơi. Bản kế hoạch này vạch ra hoạt động của ngày hôm đó: “Tớ sẽ dùng trà với các em búp bê ở sở thú,” hay “Tớ sẽ dựng một lâu đài Lego và giả vờ là một hiệp sĩ.” Lũ trẻ sẽ vác theo một chiếc bảng ghi các hoạt động đã đăng ký và phải tuân thủ chặt chẽ.
Thực hành sắm vai
Tiếp đó, lũ trẻ sẽ được huấn luyện đóng kịch như thật bằng một kỹ thuật gọi là “thực hành đóng kịch tưởng tượng.” Lũ trẻ nhận các chỉ dẫn trực tiếp và gợi mở về các giả thiết. Ví như, có một câu trong tài liệu hướng dẫn là: “Cô giả vờ là em bé của mình đang khóc? Em bé của em có thế không? Chúng ta nên nói thế nào nhỉ?”
Các em bé sau đó sẽ được thỏa sức tưởng tượng. Đến cuối tuần, bọn trẻ sẽ có một “buổi thảo luận học tập” ngắn với người hướng dẫn, liệt kê ra những gì các em đã trải nghiệm và học được trong suốt khoảng thời gian đó. Các em còn có các buổi họp nhóm. Mọi can thiệp mang tính kỷ luật cũng thường trở thành cuộc thảo luận nhóm xoay quanh việc giải quyết vấn đề.
Một phòng chơi lớn
Quang cảnh của các lớp học áp dụng chương trình Công cụ Trí não trông chẳng khác gì phòng khách khi tàn tiệc vậy. Các khối xếp hình Lego vung vãi khắp nơi. Hộp cát ngổn ngang khắp phòng. Đâu cũng thấy miếng ghép hình, và những khối vật liệu để xây nên những thế giới mới. Chỗ này vắt đồ phục trang. Chỗ kia để đồ thủ công. Rồi hộp ở khắp nơi! Vô khối thời gian – và không gian – để tương tác với các bạn nhỏ khác. Vô vàn các tình huống đan xen nhau giúp phát huy trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mỗi cá nhân đến mức gần như vô hạn.
Rất nhiều các hoạt động khác diễn ra trong khuôn khổ một lớp học Công cụ phát triển trí não, và chúng ta vẫn chưa thể biết được xem phương án kết hợp nào có tác dụng tối đa. Chúng ta cũng chưa biết được về tác động về lâu về dài của chương trình này. Tính đến thời điểm tôi viết những dòng này, không có dưới bốn nghiên cứu dài hạn, thực hiện trên diện rộng đang được tiến hành nhằm giải đáp những khúc mắc này. Nhưng chúng ta biết chắc một điều về chương trình này: nó có hiệu quả. Các em nhỏ tham gia chương trình, thường đạt thành tích tốt hơn 30 đến 100% so với chuẩn quy định trong bất cứ bài kiểm tra nào về chức năng điều hành mà bạn đặt ra cho chúng. Điều đó cũng đồng nghĩa với điểm số cao hơn, bởi chức năng điều hành hiệu quả cao chính là một trong hai yếu tố tiên báo chính xác nhất cho thành công về mặt học thuật như các tài liệu nghiên cứu chỉ ra. Và nó cũng đồng nghĩa với rất nhiều lợi ích mà chúng ta đã miêu tả ở các phần trước, phần lớn nảy sinh từ chính những nghiên cứu về chương trình Công cụ Trí não.
Những dữ liệu này tỏa ra một tia sáng có thể khiến những con mắt không quen nhìn phải nhức nhối khó chịu. Chúng thách thức quan niệm truyền thống là học gạo sẽ đạt thành tích cao hơn. Trong khi đó, nghiên cứu mới tuyên bố thẳng thừng rằng biết điều tiết cảm xúc, chế ngự những cơn bốc đồng, có khả năng dự đoán chính xác hơn về hiệu quả nhận thức. Đó không khác gì một quả bom ý tưởng. Nó đã ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa năng lực học tập với quá trình xử lý cảm xúc. Nói thế không có nghĩa là tôi ruồng rẫy lối học thuộc, bởi ghi nhớ dữ liệu kỹ càng là một phần quan trọng trong việc học tập của con người. Nhưng rõ ràng, Vygotsky đang tiến rất gần đến một điều gì đó.
4. Khen ngợi nỗ lực, chứ không phải IQ
Dù hai người này không sống cùng thời, nhưng tôi vẫn tưởng tượng Vygotsky ắt hẳn rất giống Evelyn Elizabeth Ann Glennie . Cô là nghệ sĩ tiên phong nhạc cụ gõ và có lẽ là người toàn diện nhất. Cô thích chơi đàn tưởng tượng, mặc dù bè bạn của cô không thiếu, cô chơi từ dàn nhạc giao hưởng cho tới nhóm nhạc rock và cả nghệ sĩ biểu diễn Björk. Glennie học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia London và giành giải Grammy năm 1989. Tài hoa và thành công với vai trò một nhạc sĩ đến thế, nhưng tài năng âm nhạc lại chưa phải là điều đáng chú ý nhất ở cô.
Glennie khiếm thính. Để được chơi nhạc, nỗ lực cô bỏ ra là không thể tưởng tượng nổi. Sau khi mất toàn bộ năng lực thính giác năm 12 tuổi, cô luôn áp tay mình vào các bức tường lớp học để cảm nhận những rung động khi các giáo viên âm nhạc chơi đàn. Với khả năng xướng âm hoàn hảo, cô có thể “dịch” ra bản nhạc từ những âm thanh thô ráp ấy, thậm chí cảm nhận âm nhạc chảy rõ ràng trong cơ thể mình. Tài năng thiên phú của Glennie đã không bị bỏ phí chính bởi quyết tâm không thể lay chuyển của cô, quyết tâm có thể thấy được qua câu trả lời một kí giả khiếm nhã chỉ xoáy sâu vào sự thiếu hụt thính giác của cô. “Nếu bạn muốn hiểu rõ về khiếm thính,” cô độp lại: “bạn nên phỏng vấn một nhà thính học thì hơn. Chuyên môn của tôi là âm nhạc.”
Chúng ta đều biết một tài năng xuất chúng như vậy phải bắt nguồn từ nỗ lực cao độ, chứ không nhất thiết từ IQ cao chót vót. Như tất cả những bậc cha mẹ từng trải đều hiểu rõ, trí thông minh bẩm sinh của một đứa trẻ không đảm bảo chắc chắn cho nó được học ở trường Harvard, thậm chí còn không thể đảm bảo cho trẻ một điểm tốt trong bài kiểm tra toán. Mặc dù cũng là một yếu tố tiên báo đáng tin cậy cho thành tích cao trong học tập, IQ vẫn có một mối quan hệ thất thường với điểm trung bình của mỗi học sinh, và thậm chí còn chẳng tạo lợi thế nào trong những trò đòi hòi trí tuệ khác (như cờ vua chẳng hạn.)
Yếu tố phân biệt kết quả cao với kết quả thấp không phải là yếu tố siêu phàm gì. Theo những phát hiện mới nhất, đó hóa ra là một nhân tố khá buồn tẻ – những thứ có thể kiểm soát được. Khi tất cả những yếu tố khác là như nhau, thì sự khác biệt nằm ở nỗ lực – thứ nỗ lực trí não theo phong cách truyền thống. Rèn luyện chủ động. Nhìn từ khía cạnh tâm lý học, nỗ lực là thái độ toàn tâm toàn ý tập trung vào một mục tiêu và theo đuổi đến cùng mục tiêu đó. Nỗ lực còn đòi hỏi khả năng kiềm chế và không sớm thỏa mãn về bản thân. Nghe lại có vẻ như là chức năng điều hành, có gia giảm thêm một số nguyên liệu độc đáo khác.
Làm thế nào bạn giúp con mình nỗ lực được như vậy? Thật đáng ngạc nhiên, chỉ nhờ cách bạn khen ngợi con trẻ mà thôi. Cách bạn khen con sẽ quyết định cách con bạn nhận thức về thành công. Đây chính là điểm mà các bậc cha mẹ hay mắc sai lầm – một điều thường gây ra viễn cảnh đáng buồn: một đứa trẻ thông minh chán ghét học hành. Giống trường hợp của Ethan, cậu con trai sáng dạ của một giảng viên uyên thâm ở Seattle.
Cha mẹ Ethan không ngớt tán tụng chuyện cậu bé thông tuệ tới nhường nào. “Con là thiên tài! Con có thể làm bất cứ thứ gì Ethan ạ. Bố mẹ rất tự hào về con,” họ nói thế bất cứ lần nào cậu bé vượt qua một bài kiểm tra toán, bài kiểm tra đánh vần hay bài kiểm tra môn nào đó. Với những chủ đích hoàn toàn tốt đẹp, họ luôn luôn gắn thành tích của Ethan với năng lực của cậu. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là “bị cuốn vào lối tư duy cố định”. Các bậc cha mẹ đâu có ngờ kiểu khen này vô cùng độc hại.
Ethan bé bỏng nhanh chóng bị tiêm nhiễm ý tưởng rằng bất cứ thành tích học hành nào không đòi hỏi nỗ lực lại chính là thứ hình thành nên khả năng của cậu. Khi học đến cấp II, cậu đụng ngay phải những môn học đòi hỏi phải nỗ lực. Cậu không thể vượt qua, và, lần đầu tiên trong đời, cậu làm sai. Nhưng cậu không thể coi sai sót này là cơ hội để tiến bộ. Suy cho cùng, cậu tưởng mình thông minh là bởi có khả năng nắm bắt mọi thứ nhanh chóng đến thần diệu. Và nếu cậu không còn có thể nắm bắt mọi thứ thật nhanh nữa, thì điều đó ngụ ý gì? Rằng cậu không còn thông minh nữa. Bởi cậu không hề biết điều gì tạo nên thành công cho mình, thì cậu cũng chẳng biết phải làm gì khi thất bại. Bạn không cần phải húc vào tường quá nhiều lần mới cảm thấy nản lòng thoái chí, và rồi u uất chán chường. Không khó tưởng tượng, Ethan ngừng cố gắng. Điểm của cậu tuột dốc.
Điều gì xảy ra khi bạn nói: “Con thông minh quá!”
Các nghiên cứu chỉ ra rằng câu chuyện bất hạnh của Ethan chính là điển hình của những em bé thường xuyên được tán thưởng vì một phẩm chất cố định nào đó. Nếu bạn khen ngợi con mình theo kiểu này, thì theo thống kê, có ba khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, con bạn sẽ bắt đầu coi sai lầm là thất bại. Vì bạn nói với con rằng thành công tùy thuộc vào một năng lực bất biến nào đó mà bé không thể kiểm soát, bé sẽ bắt đầu coi thất bại (ví như một điểm thấp) cũng là một thứ bất biến – và đến giờ, nó đã bị nhìn nhận như một sự thiếu hụt năng lực. Với những trẻ em kiểu này, thành công được coi là năng lực thiên bẩm nhiều hơn là sản phẩm có thể chi phối, sinh ra từ nỗ lực tự thân.
Điều thứ hai, có lẽ là cách đối phó của trẻ, con bạn càng lúc càng lo nghĩ tới việc “cố làm ra vẻ thông minh” hơn là việc học được điều gì đó thực chất. (Mặc dù Ethan thông minh thực sự, nhưng cậu lại phải bận tâm với chuyện tỏ ra thông minh trước những người có vai trò quan trọng với cậu. Cậu không để ý nhiều đến việc học hành.)
Thứ ba, trẻ dễ lẩn tránh, không dám đối mặt mổ xẻ tìm ra những nguyên do thật sự dẫn đến thất bại này, cũng như không tự nguyện bỏ công bỏ sức nỗ lực. Những trẻ kiểu này sẽ khó chấp nhận lỗi lầm. Cứ buông xuôi cho thất bại thì dễ hơn nhiều.
Thay vào đó, hãy nói: “Con đã rất cố gắng.”
Vậy cha mẹ Ethan phải làm gì? Các nghiên cứu chỉ ra một giải pháp thật giản đơn. Thay vì tán dương cậu thông minh, họ nên khen ngợi vì cậu đã chăm chỉ và cố gắng. Khi con đạt điểm cao một bài kiểm tra, họ không nên nói: “Con thông minh quá. Bố mẹ rất tự hào vì con!” Mà nên nói: “Bố mẹ tự hào vì con lắm. Chắc chắn là con đã học cực kỳ chăm chỉ.” Câu này lôi kéo nỗ lực có thể điều khiển được hơn là năng lực bất biến. Nó được gọi là khen ngợi kiểu “tư duy phát triển”.
Một nghiên cứu ròng rã suốt 30 năm đã chứng minh rằng trẻ em được nuôi dưỡng trong các gia đình có tư duy phát triển đạt được thành tích học tập cao hơn các bạn đồng trang lứa theo tư duy cố định. Khi trưởng thành, các em cũng sống tốt hơn. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Trẻ có lối tư duy phát triển thường nhìn thất bại với thái độ “thoáng” hơn. Các em không dằn vặt khổ sở về sai lầm của mình. Các em chỉ đơn thuần coi lỗi lầm như những vấn đề cần giải quyết, rồi xắn tay vào giải quyết vấn đề. Dù trong thí nghiệm hay thực tế ở trường học, các em đều tỏ ra kiên nhẫn hơn, dành nhiều thời gian hơn để xử lý những nhiệm vụ khó khăn so với những em có lối tư duy cố định. Và thường thành công hơn. Tỉ lệ giải thành công những đề toán hóc búa của những em được khen vì nỗ lực cao gấp đôi những em được khen vì trí óc thông minh. Carol Dweck, một nhà nghiên cứu danh tiếng trong lĩnh vực này, đã kiểm nghiệm điều này dựa trên phản hồi từ các sinh viên thực hiện bài kiểm tra của bà. Những bình luận kiểu như “Em nên làm chậm lại và gắng tìm cách giải chỗ này” cũng rất thường gặp, hệt như một câu hào hứng kiểu “Em thích thử thách.” Vì tin rằng sai lầm là do thiếu nỗ lực, chứ không phải thiếu năng lực, các em biết rằng sai lầm hoàn toàn có thể khắc phục được, chỉ cần nỗ lực hơn nữa.
Nếu như bạn đã đi quá xa trên con đường tán dương theo lối tư duy cố định, vậy có phải đã quá muộn để thay đổi? Vấn đề cụ thể này đòi hỏi dụng công nghiên cứu thêm, nhưng cho đến giờ, các công trình đều chỉ ra rằng được khen ngợi theo lối tư duy phát triển, dù ít dù nhiều, cũng có tác động tích cực đến trẻ.
Đương nhiên, khen ngợi không phải tác nhân duy nhất quyết định đến nỗ lực của trẻ. Di truyền cũng đóng vai trò nhất định. Một nhóm các nhà khoa học ở London đã tiến hành nghiên cứu về chỉ số tự nhận thức khả năng bản thân – SPA (self-perceived abilities) của gần 4.000 cặp song sinh. (SPA thể hiện nhận thức về năng lực bản thân của trẻ đối phó với những khó khăn trong học tập.) Kết quả cho thấy môi trường gia đình tương đồng của những cặp song sinh này, đều chung lối ứng xử kiểu tư duy phát triển, chỉ đóng góp 2% vào sự khác biệt về SPA. Các nhà nghiên cứu đưa ra suy đoán rằng có khả năng tồn tại một gene quy định SPA được khu biệt. Nhận định này còn cần được nghiên cứu thêm nữa. Tuy nhiên dù khoa học chứng minh được là có một gene như vậy đi chăng nữa, các bậc cha mẹ cũng không rũ bỏ được trách nhiệm giáo dưỡng của mình. Việc này đơn thuần chỉ làm thay đổi chiến lược nuôi dạy từng đứa trẻ cụ thể. Có những em không cần phải chỉ dạy nhiều; có những em cần chỉ bảo từng li từng tí, điều này chúng ta hẳn đã biết từ lâu.
Có thể nỗ lực chỉ đơn thuần giúp các em phát huy triệt để và hiệu quả hơn trí thông minh thiên bẩm của mình. Nhưng bất kể thế nào, chắc chắn bạn cũng sẽ muốn nỗ lực là chất dinh dưỡng thứ tư trong công thức “phân bón” của mình.
Bên cạnh đó, có những thứ bạn nên hạn chế.
THỜI ĐẠI SỐ HÓA: TI VI, TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ VÀ INTERNET
Tôi vừa có bài giảng cho một nhóm các nhà giáo và phụ huynh về chủ đề quy trình xử lý thị giác và mức ưu tiên cao độ mà trí não dành cho quá trình này. Đến phần hỏi đáp, một bà mẹ trung tuổi dè dặt hỏi: “Thế hóa ra ti vi lại tốt cho trí não ạ?” Khán phòng lập tức xôn xao. Và một đấng mày râu đứng tuổi chêm thêm. “Thế mấy cái trò chơi điện tử mới-cứng-cựa vô bổ thì thế nào? Còn Internet nữa?” Lập tức một thanh niên đứng dậy, vẻ thủ thế: “Trò chơi điện tử chẳng sao hết, thưa các vị. Internet cũng thế.” Càng lúc càng như một màn đấu khẩu gay cấn, phái già hùa về một phe, phái trẻ một phe. Cuối cùng, một người nói to: “Thế thử hỏi chuyên gia về não bộ xem thế nào.” Quay sang tôi, anh ta bảo: “Thế bác sĩ nghĩ thế nào ạ?”
“Tôi muốn trích dẫn một câu từ ông bạn vong niên sống hồi thế kỷ XIX của tôi, James Watson,” tôi mào đầu, vẻ trù trừ không muốn bước vào cuộc tranh cãi. Đó là một câu trích tôi luôn luôn dẫn ra khi các ý kiến trái chiều nổi lên. “Ông là một thành viên Quốc hội, và ông có kiểu cách một nhà ngoại giao. Một lần Watson được hỏi sẽ bỏ phiếu ra sao cho một điều luật gây tranh cãi. Câu trả lời của ông cực kỳ khôn ngoan: ‘Tôi có bằng hữu ở cả hai phe, và tôi muốn đứng về phía các bạn của mình.’” Mọi người cười rộ lên, và việc ấy có vẻ đã làm lắng dịu không khí căng thẳng trong phòng. Nó cũng làm câu hỏi còn đang bỏ ngỏ “chìm nghỉm” luôn.
Tuy vậy, đó không phải một vấn đề nên bị lãng quên. Từ những chiếc ti vi thông minh cho đến những chiếc điện thoại di động còn thông minh hơn, thời đại số hóa đã tác động rõ rệt lên tất cả mọi học sinh trên hành tinh này, và thời gian tiếp cận với màn hình giờ đây là phần tất yếu trong trải nghiệm phát triển của các em. Liệu các bậc cha mẹ có phải bận tâm về ti vi? Trò chơi điện tử? Internet? Thẳng thắn mà nói, ngoại trừ một số chương trình truyền hình mà chúng ta sẽ thảo luận ngay trong phút chốc đây thôi, còn lại thì từ cổ chí kim, tôi chưa từng thấy nghiên cứu nào lộn xộn hơn các công trình dính dáng đến chủ đề này, nhất là liên quan đến trí não, hành vi và trò chơi điện tử. Nghiên cứu thì đầy rẫy, nhưng không chất lượng và không đáng tin: các chương trình nghị sự thiên lệch, thiếu kiểm soát, đối tượng nghiên cứu không ngẫu nhiên, ít mẫu, quá ít thực nghiệm trong khi quá nhiều những ý kiến cá nhân gay gắt, thậm chí là giận dữ. Những công trình nghiên cứu hứa hẹn về tác dụng của trò chơi điện tử và Internet vẫn còn đang trong quá trình thực hiện, thế nhưng, như bất cứ nỗ lực nghiên cứu “nhanh nhảu” nào, những phát hiện mới mẻ này vẫn còn thể hiện những kết quả rất hỗn tạp.
Em bé ở trong thùng cát
Khi bạn nghĩ đến việc “phơi” con mình ra với Thế giới Màn hình Số, cần cân nhắc kỹ nội dung chương trình, vì hai lý do sau:
Trước hết, trẻ rất giỏi bắt chước. (Bạn vẫn nhớ cái hộp phát sáng và em bé chạm đầu vào hộp chứ?) Khả năng tái hiện lại một hành vi sau một lần chứng kiến được gọi là mô phỏng chậm. Mô phỏng chậm là kỹ năng đáng kinh ngạc phát triển cực nhanh. Một em bé 13 tháng tuổi có thể nhớ được sự kiện gần một tuần sau. Đến lúc một tuổi rưỡi, em có thể mô phỏng một hành động nào đó sau lần chứng kiến duy nhất tới bốn tháng. Kỹ năng này sẽ không bao giờ rời bỏ các em. Và ngành công nghiệp quảng cáo đã tận dụng triệt để điều này. Nếu như các bé tuổi chập chững biết đi có thể khắc sâu vào trí nhớ một loạt sự kiện phức tạp chỉ sau một lần chứng kiến, vậy hãy thử tưởng tượng xem các em hấp thu những gì trong suốt nhiều tiếng đồng hồ “mọc rễ” trước màn hình ti vi và lang thang trên mạng. (Đấy là còn chưa kể những gì trẻ học hỏi được khi quan sát lối hành xử của cha mẹ mình suốt 24 giờ một ngày và 365 ngày một năm. Mô phỏng chậm cũng giúp lý giải nguyên do tại sao chúng ta vẫn có xu hướng bắt chước lối cư xử của cha mẹ mình, kể cả sau nhiều năm rời tổ ấm gia đình (như những gì tôi đã làm với vợ mình và chùm chìa khóa xe hơi.)
Với trẻ em, mô phỏng chậm có thể hiển lộ theo những cách thức ít ngờ, như những gì mà câu chuyện của người mẹ trẻ này kể.
Cả nhà đã có một lễ Giáng sinh tuyệt vời. Bỗng tôi thấy đứa con gái 3 tuổi của mình biến đâu mất. Tôi đi tìm và phát hiện ra bé ở trong phòng tắm chính. Tôi hỏi con gái xem sao lại dùng nhà tắm của chúng tôi chứ không phải phòng tắm riêng, nó đáp là con đang “tập làm em mèo bé”. Tôi nhìn vào hộp cát, và, ôi trời, con bé đã ị vào hộp cát! Tôi không thốt nên lời…
Câu chuyện này hé lộ rất nhiều điều về cách trẻ em thu nhặt thông tin. Cô bé đã nắm lấy ý tưởng chung về “chỗ để ị” và tạo ra một dự định, một kế hoạch cho hành vi của mình.
Lý do thứ hai khiến nội dung cực kỳ quan trọng, ấy là bởi những mong đợi và nhìn nhận của chúng ta ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức thực tế của chúng ta. Đó là bởi thái độ tình nguyện đầy hồ hởi của não bộ đối với việc gắn ý kiến chủ quan của mình trực tiếp vào những gì bạn đang trải nghiệm – sau đó đánh lừa bạn vào chỗ nghĩ rằng thứ lai tạp này chính là hiện thực trăm phần trăm. Có thể bạn sẽ phiền lòng khi biết điều này, nhưng cách nhận thức thực tiễn của bạn không giống như một chiếc máy quay ghi lại thông tin đúng-từng-li-từng-tí vào ổ cứng tế bào nào đó. Nhận thức thực tiễn của bạn giống như một đồng thuận giữa những gì các giác quan truyền về não bộ và những gì não bộ nghĩ rằng “ngoài đó phải vậy”. Và những gì bạn kỳ vọng hiện hữu ngoài kia trực tiếp gắn với những gì bạn cho phép truyền về não bộ, ngay từ ban đầu.
Những trải nghiệm biến hình thành kỳ vọng, và đến phần mình, những kỳ vọng lại ảnh hưởng lên hành vi của bạn. Nhà tâm lý học trường Yale John Bargh đã thực hiện một thí nghiệm minh họa cho sự nhạy cảm phi thường này. Ông nói với một nhóm sinh viên khỏe mạnh rằng sẽ có bài kiểm tra năng lực ngôn ngữ. Ông đưa ra danh sách các từ bị xáo trộn và yêu cầu họ sắp xếp lại trật tự câu. Bạn cũng có thể thử.
XUỐNG/ NGỒI/ CÔ ĐƠN/ ÔNG GIÀ/ NHĂN NHÚM/ ĐAU ĐỚN/ GƯƠNG MẶT/ VỚI/ VẺ
Dễ chứ hả? Chắc rồi. “Ông già cô độc với gương mặt nhăn nhúm ngồi xuống, vẻ đau đớn” là một gợi ý nhanh. Nhưng đây không phải bài kiểm tra ngôn ngữ. Hãy chú ý xem có bao nhiêu từ trong đó có liên quan đến tuổi già. Bargh không mấy để tâm đến khả năng sáng tạo ngôn ngữ của các đối tượng. Ông chỉ quan tâm xem các sinh viên mất bao lâu mới ra khỏi phòng thí nghiệm, đi xuống hành lang sau khi được “phơi” ra trước những từ ngữ này.
Những gì ông phát hiện ra thật phi thường. Tính trung bình, khoảng thời gian đi hết hành lang của những sinh viên bị “phơi” ra trước những nhóm từ “cao tuổi” nhiều hơn 40% so với những em chỉ bị “phơi” trước những nhóm từ “ngẫu nhiên”. Một số sinh viên thậm chí còn khom người và lê bước khi rời đi, cứ như thế họ đã già đi tới 50 năm so với tuổi thực của mình. Dẫn theo những quan sát lâm sàng của Bargh thì, những từ này “kích hoạt mẫu bản đúc cao tuổi trong bộ nhớ, và những người tham dự đã hành động theo lối thống nhất với mẫu bản đúc được kích hoạt đó.”
Kết quả mà Bargh thu được chỉ là một trong vô vàn dữ liệu cho thấy những tác động ngoại vi tức thời có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ra sao với hành vi nội tại. Những gì bạn tạo điều kiện xâm nhập vào trí não của con mình sẽ ảnh hưởng đến những kỳ vọng của các em về thế giới, ngược lại, những kỳ vọng này lại ảnh hưởng không chỉ tới những gì các em có thể nhận thức được, mà ngay đến cả hành vi của các em. Điều này hoàn toàn có thực, bất kể bạn quan sát ở những bé sơ sinh mới một tháng tuổi hay ở các sinh viên, tận 20 năm sau đó.
Vậy cơ chế mô phỏng chậm và những kỳ vọng nội tại này thể hiện ra sao trong thế giới số hóa? Ti vi là đối tượng được nghiên cứu cặn kẽ và chính xác nhất.
TRƯỚC 2 TUỔI? KHÔNG TI VI!
Chủ đề “trẻ em xem ti vi” không còn gay cấn như xưa nữa. Giờ đây, người ta đã đạt được sự đồng thuận chung, rằng cần việc trẻ em “phơi” ra trước ti vi dưới bất cứ hình thức nào đều phải bị hạn chế. Cũng tồn tại cả ý kiến đồng thuận, rằng chúng ta đang hoàn toàn tảng lờ lời khuyên này.
Tôi vẫn còn nhớ hồi bé thường háo hức mong đến tối Chủ nhật, để xem chương trình Wonderful World of Color của Walt Disney và mê mẩn. Tôi cũng nhớ bố mẹ luôn tắt ngay ti vi khi hết chương trình. Giờ đây chúng ta không còn làm thế nữa. Ngày nay, trẻ em Mỹ 2 tuổi trở lên trung bình dành tới 4 giờ 49 phút mỗi ngày trước ti vi – nhiều hơn 20% so với cách đây 10 năm. Và độ tuổi bắt đầu “phơi” trước màn hình ti vi càng lúc càng thấp hơn. Và sự tình càng lúc càng thêm rối rắm bởi đủ thứ trải nghiệm kiểu màn hình số nhan nhản khắp nơi. Vào năm 2003, 77% trẻ em dưới 6 tuổi xem ti vi hằng ngày. Còn trẻ em dưới 2 tuổi chỉ có 2 giờ 5 phút thời gian tiếp xúc với màn hình ti vi và máy tính mỗi ngày. Ở phần trước, tôi có đề cập tới thông tin: một người Mỹ trung bình được “phơi” ra trước khoảng 100 nghìn từ mỗi ngày (ngoài công việc). Toàn bộ 45% trong số đó xuất phát từ ti vi.
Thực tế là, thời lượng dành cho ti vi mà một em bé nên xem trước tuổi lên 2 chỉ là… con số 0 tròn trĩnh.
Ti vi có thể dẫn tới thói hung hãn, mất tập trung
Trải qua nhiều thập kỷ, chúng ta đã nhận ra mối liên hệ giữa hành vi bạo lực giữa trẻ đồng trang lứa với thời gian “phơi” ra trước ti vi của trẻ. Mối liên hệ này đã từng là chủ đề gây tranh cãi (chẳng lẽ những người hằn học lại xem ti vi nhiều hơn người khác?), nhưng giờ đây chúng ta đã nhìn nhận nó như một vấn đề của cơ chế mô phỏng chậm kết hợp với sự thiếu hụt khả năng kiểm soát bản thân. Một ví dụ của cá nhân tôi:
Hồi còn học nhà trẻ, tôi và cậu bạn thân cùng xem The Three Stooges, một bộ phim truyền hình thập niên 1950. Trong phim có rất nhiều màn gây cười dựa trên hình thể, có cả chuyện nhân vật chọc ngón tay vào mắt người khác nữa. Lúc phim hết, đứa bạn tôi giơ ngón tay thành hình chữ V rồi nhanh như cắt chọc vào cả hai mắt tôi. Cả một tiếng sau đó, tôi không nhìn thấy gì cả và phải đưa đi cấp cứu. Chẩn đoán: giác mạc bị trầy xước và rách một cơ mắt.
Một ví dụ khác nữa xuất phát từ một nghiên cứu xem xét hiện tượng “bắt nạt”. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, mỗi tiếng đồng hồ xem ti vi mỗi ngày lại đồng nghĩa với nguy cơ các em có hành vi bắt nạt khi đến tuổi đi học sẽ tăng thêm 9%. Đây chính là biểu hiện của khả năng điều tiết cảm xúc yếu kém. Kể cả tính đến những yếu tố bất định kiểu “con-gà-hay-quả-trứng” thì Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ vẫn đưa ra ước tính rằng 10 đến 20% bạo lực trong đời sống thực tế có thể truy nguyên về việc bị “phơi” ra trước tình trạng bạo lực trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ti vi cũng đầu độc cả quãng chú ý và khả năng tập trung – một dấu hiệu xác nhận tiêu chuẩn kinh điển của chức năng điều hành. Đối với mỗi tiếng đồng hồ phụ trội xem ti vi của một em bé dưới 3 tuổi, khả năng mắc phải vấn đề suy giảm khả năng chú ý vào tuổi lên 7 lại tăng thêm chừng 10%. Vậy nên, một em bé mẫu giáo xem ti vi tới 3 tiếng mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc phải vấn đề suy giảm khả năng chú ý cao hơn 30% so với những em không xem ti vi.
Việc mở ti vi thoải mái khi không có người xem cũng có hại, có lẽ là do gây mất tập trung. Theo kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm, hình ảnh chớp lóe và âm thanh ầm ĩ liên tục khiến trẻ em xao lãng khỏi các hành động đang tham gia, kể cả hoạt động vui chơi tưởng tượng có tác dụng tăng cường trí não mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Những tác động này độc hại với nhóm trẻ em tuổi “quấn tã” đến mức Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã công bố một bản kiến nghị vẫn còn giá trị đến tận ngày nay:
Các chuyên gia nhi khoa nên yêu cầu các bậc phụ huynh cấm trẻ em dưới 2 tuổi xem ti vi. Mặc dù một số chương trình truyền hình nhất định có thể có tác dụng tích cực đối với nhóm tuổi này, tuy vậy, các nghiên cứu về sự phát triển não bộ giai đoạn tuổi nhỏ đã chứng minh rằng trẻ sơ sinh và trẻ ở tuổi tập đi có nhu cầu thiết yếu tương tác trực tiếp với cha mẹ và những người chăm sóc đặc biệt khác (ví dụ: bảo mẫu) để có được sự phát triển trí não lành mạnh và phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức phù hợp.
Các công trình nghiên cứu hiện nay cũng đang xác định tác động tiềm tàng của ti vi lên thành tích học tập, kết quả sơ bộ đề xuất ý kiến rằng nó có ảnh hưởng đến cả điểm số môn đọc và khả năng tiếp nhận ngôn ngữ. Nhưng sau 2 tuổi, những ảnh hưởng tiêu cực nhất lên trí não trẻ cũng vẫn xuất hiện, vì ti vi dụ dỗ trẻ em xa rời việc rèn luyện thân thể – một chủ đề chúng ta sẽ kiểm nghiệm lại khi chuyển sang xem xét trò chơi điện tử.
Ti vi dành cho trẻ? Không bổ ích thế đâu!
Thế còn những kệ giá xếp đầy những băng hình và đĩa DVD có tính giáo dục trong các cửa tiệm? Những sản phẩm này hẳn nhiên cam đoan mình có tác dụng tăng cường hiệu quả nhận thức ở đối tượng trẻ mẫu giáo. Những lời khoa trương ấy đã khiến một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington thực hiện riêng một công trình nghiên cứu nhằm kiểm nghiệm độ chính xác của tuyên bố này. Tôi vẫn còn nhớ mình đã đọc một loạt các thông cáo báo chí về công trình của họ vào một ngày nắng đẹp – chuyện lạ thường ở Seattle. Ngài giám đốc trường đại học của chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ một nhân vật đình đám – không ai khác, là Robert Iger, giám đốc Tập đoàn Disney. Ông ta không hài lòng. Các nhà khoa học của Đại học Washington vừa mới công bố nghiên cứu kiểm nghiệm một sản phẩm do Disney sản xuất – bộ DVD Baby Einstein, và kết quả thật tệ hại.
Với tất cả những gì chúng ta đã thảo luận trong những trang sách vừa qua, chắc thông tin trên chẳng làm bạn ngạc nhiên. Sản phẩm không hề có tác dụng gì. Chúng không có tác động tích cực nào lên vốn từ vựng của đối tượng mục tiêu – trẻ em từ 17 đến 24 tháng tuổi. Một số thậm chí còn gây hại. Tính trên mỗi tiếng đồng hồ trẻ em dành ra để xem các DVD và băng hình nhất định dành cho lứa tuổi mình, thì trung bình, các em hiểu được ít hơn 6 đến 8 từ so với những em không hề xem các chương trình này.
Tập đoàn Disney yêu cầu trường tôi rút lại công bố này, và chỉ ra những khiếm khuyết trong kết quả nghiên cứu. Sau những cuộc tham vấn cùng các nhà nghiên cứu ban đầu của công trình, nhà trường giữ vững quan điểm và đưa ra một thông cáo báo chí tuyên bố lập trường của mình. Chuyện dấy lên một hồi rồi cũng chìm xuống. Và hai năm sau đó, vào tháng Mười năm 2009, Disney thực hiện một hành động tương đương với thu hồi sản phẩm, đó là trả lại tiền cho bất cứ ai đã mua các sản phẩm Baby Einstein. Một cách đầy trách nhiệm, công ty đã loại từ “có tính chất giáo dục” ra khỏi bao bì sản phẩm.
Sau 5 tuổi, phải xem xét lại
Ngay từ nghiên cứu đầu tiên về ti vi, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng không phải tất cả mọi thứ dính dáng đến ti vi đều tiêu cực cả. Nó tùy thuộc vào nội dung của chương trình truyền hình, độ tuổi đứa trẻ và có lẽ, thậm chí là cả yếu tố di truyền của em nữa.
Trước 2 tuổi, tốt nhất là ti vi bị cấm hoàn toàn. Nhưng sau 5 tuổi, đã có hẳn một ban bồi thẩm xem xét lại phán quyết gay gắt này – và tỏ ý bảo vệ hẳn hoi. Một số chương trình truyền hình được chứng minh là có tác dụng tăng cường hiệu quả hoạt động trí não ở độ tuổi này. Không có gì đáng ngạc nhiên, các chương trình ấy thường thuộc hạng mục tương tác (ví dụ, theo một số nghiên cứu nhất định, thì Dora the Explorer tốt; còn Barney and Friends – tồi). Vậy nên, mặc dù trong trường hợp này, ý kiến áp đảo là thời lượng “phơi” trước ti vi cần phải được hạn chế, thì ti vi vẫn không thể bị xóa sổ được. Dưới đây là một số đề xuất đối với việc theo dõi ti vi mà các số liệu gợi ra:
1. Thời điểm trẻ dưới 2 tuổi – luôn tắt ti vi. Tôi biết điều này nghe có vẻ khó khăn với các bậc phụ huynh cần thư giãn. Nếu bạn không thể tắt hẳn – nếu bạn vẫn chưa thể tạo ra các mạng lưới xã hội mang đến những hình thức thư giãn cho mình – thì chí ít cũng hạn chế thời lượng con cái mình “phơi” trước ti vi. Suy cho cùng, chúng ta sống trong một thế giới thực, và một ông bố, bà mẹ quảng giao quá mức hay cáu kỉnh khó chịu cũng có thể gây hại tới sự phát triển của trẻ .
2. Sau 2 tuổi, hãy giúp con bạn lựa chọn chương trình (và cả những hình thức “phơi” trước màn hình số khác) mà trẻ sẽ trải nghiệm. Hãy chú ý đặc biệt tới bất cứ kiểu truyền thông nào tạo điều kiện cho tương tác thông minh.
3. Theo dõi các chương trình ti vi đã lựa chọn cùng các con, liên hệ với đơn vị truyền thông để giúp họ đánh giá và suy nghĩ thật nghiêm túc về những gì các bé đã trải nghiệm. Và hãy nghĩ lại về ý định đặt một chiếc ti vi trong phòng trẻ: Những trẻ có ti vi riêng đạt điểm trung bình các bài kiểm tra môn toán và ngôn ngữ, nghệ thuật thấp hơn 8 điểm so với những em sống trong các gia đình chỉ có ti vi trong phòng sinh hoạt chung của cả nhà.
TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ: ĐỪNG NGỒI ĐÓ
Cũng giống như ti vi, chơi điện tử thì không cần vận động, chỉ việc ngồi yên một chỗ. Bảng điều khiển của các trò chơi hướng vận động như là Wii (ra mắt vào năm 2006) đưa ra một ngoại lệ, nhưng dù gì cân nặng của trẻ vẫn không có xu hướng giảm. Lời tuyên bố tiếp theo là: Chính vì xu hướng tăng cân này mà con cái của chúng ta đang bắt đầu mắc các tật bệnh thường chỉ có ở người trung và cao niên – bao gồm cả tự kỷ! Chứng béo phì trẻ em ở những game thủ phổ biến hơn gấp 3 lần so với ở những em không chơi game.
Trí não ưa tập luyện
Đối với giới khoa học não bộ, thật đau lòng khi biết số lượng trẻ bị béo phì này ngày càng gia tăng, bởi chúng tôi biết quá rõ mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và sự sắc bén của trí não. Luyện tập – nhất là tập aerobic – vô cùng hiệu quả với trí não, giúp tăng hoạt động của chức năng điều hành từ 50 đến 100%. Điều này không chỉ đúng với trí não trẻ mà đúng với trí não ở mọi lứa tuổi. Các bài tập tăng cường thể chất không hề mang lại cho bạn những con số đáng mơ ước này (mặc dù có rất nhiều lý do để bạn thực hiện những bài tập ấy).
Nếu cha mẹ chịu khó cho con tập luyện ngay từ nhỏ, nhiều khả năng đứa trẻ sẽ coi tập luyện là một thói quen tự nhiên và duy trì trong suốt cuộc đời. Những em bé chăm vận động thường đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra chức năng điều hành so với những em chỉ thích vui chơi tại chỗ. Tiện đây cũng phải nói luôn, nếu bạn cùng tập luyện với con, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Bạn vẫn nhớ cơ chế mô phỏng chậm đó chứ? Khuyến khích lối sống tích cực chính là một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể tặng cho con mình. Có thể nó đồng nghĩa với việc phải quẳng trò chơi điện tử yêu thích đi, nhấc người dậy và làm một tấm gương tốt để trẻ noi theo. Điều này đâu có làm cho trò chơi điện tử kém hay đi chút nào. Nó chỉ đơn thuần mang lại cho trò chơi điện tử một góc nhìn đa sắc diện hơn mà thôi. Tôi vẫn yêu thể loại này, luôn luôn vậy, nhưng càng lúc tôi càng chắc chắn hơn rằng trò chơi điện tử phải có ghi nhãn cảnh báo.
MỘT CÂU CHUYỆN CẢNH TỈNH VỀ NHẮN TIN
Thế còn Internet và những tín đồ của nó thì sao? Dữ liệu thực tế vẫn còn ít ỏi và khá mơ hồ. Có rất ít nghiên cứu đưa ra được những nguyên cớ đáng lưu tâm, như câu chuyện dưới đây gợi ra:
Một cô bé 9 tuổi quyết định mời năm hay sáu cô bạn thân nhất tới buổi tiệc ngủ đầu tiên của em. Mẹ em, một nhà xã hội học qua đào tạo hẳn hoi – nhiệt liệt tán thành. Cô nhớ lại những bữa tiệc ngủ thời ấu thơ, và hồi tưởng về những cuộc tâm sự liên miên không dứt, những trận chiến bằng gối, rồi tiếng thì thầm bí mật trong đêm tối và cứ rúc rích cười đến cả 2 giờ đêm. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như vậy. Khi các bạn thân của con gái đã góp mặt đông đủ, bản năng của bà mẹ lập tức mách bảo có điều gì đó không ổn. Kiểu nói năng giữa các cô bé không giống những em nhỏ 9 tuổi điển hình, lẽ ra ở độ tuổi này các em đã có thể giao tiếp xã hội tinh tế đến ngỡ ngàng, nhưng những cô bé này lại non nớt và ngây thơ hệt như những em bé lên 4 tuổi. Nguyên do là các cô gái nhỏ đọc chệch và diễn giải sai tín hiệu phi ngôn từ của nhau. Bà mẹ cũng phát hiện thấy, chỉ 30 phút sau khi khai tiệc, năm trong sáu cô bé đã lôi điện thoại di động ra, và hí hoáy nhắn tin, bám riết lấy cái điện thoại suốt cả ngày. Đến khuya, cũng chẳng có tiếng rúc rích nào, im lặng đến ngạc nhiên. Bà mẹ bèn lên cầu thang xem mọi sự có ổn thỏa không. Phân nửa các cô bé đã ngủ. Số còn lại tíu tít với chiếc điện thoại của mình, những khung màn hình nho nhỏ sáng lấp lóe dưới lớp chăn.
Liệu nhắn tin có liên đới gì tới sự kém trưởng thành về mặt xã hội? Không phải chuyện tào lao đâu. Con số rất đáng suy ngẫm: năm 2008, mỗi tháng một người trẻ tuổi trung bình gửi và nhận 2.272 tin nhắn, tức là chừng 80 tin nhắn một ngày. Đến năm 2009, 27% số từ ngữ các em có được là qua máy tính.
Có gì không ổn ở đây? Chưa ai biết chắc được. Những gì chúng ta có thể khẳng định chỉ liên quan đến phương tiện trung gian. Internet và hình thức truyền thông đi kèm với nó khuyến khích việc tiêu dùng. Chính điều này dẫn tới hiện tượng lạ thường, như bữa tiệc ngủ của cô bé 9 tuổi, dù có ở ngay cạnh nhau, chúng ta vẫn cảm thấy xa cách. Trừ phi tất cả những tương tác số hóa của các em được thực hiện qua máy quay phim, còn thì lũ trẻ sẽ không có cơ hội thực hành mấy việc diễn giải tín hiệu phi ngôn từ. Đó chính là thế giới của trẻ tự kỷ, một điều phải nói thêm để bạn biết.
Việc hoàn thiện những kỹ năng giao tiếp phi ngôn từ đòi hỏi nhiều năm trời luyện tập, và, như chúng ta đã thảo luận ở chương trước, trẻ thực hiện được điều này là cực kỳ quan trọng. Những trải nghiệm đời thực đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều so với cuộc sống trên Internet – và nhất là, nó không theo kiểu “nặc danh”. Những con người bằng-xương-bằng-thịt đụng vào nhau, tình cờ va phải nhau, liên tục truyền đạt thông tin đến nhau bằng một cách thức không thể dễ dàng tái định dạng thành các biểu tượng cảm xúc và những cụm viết tắt. Hãy nhớ lại, dù trong hôn nhân hay ở nơi làm việc, nguồn xung đột lớn nhất nảy sinh chính từ sự bất cân xứng giữa thông tin nội quan và ngoại quan. Rất nhiều tình huống bất cân xứng có thể được đẩy lui chỉ nhờ vào việc diễn giải chính xác các tín hiệu phi ngôn từ. Con người càng ít luyện tập bao nhiêu, thì khả năng tương tác xã hội sẽ càng kém bấy nhiêu, và điều đó tiên báo rất nhiều điều, từ tỉ lệ ly hôn cho đến sự xói mòn hiệu quả của nguồn nhân lực.
Những quan sát chính xác của bà mẹ – chuyên gia xã hội học kia có lẽ đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Nó cũng là một mảnh đất màu mỡ cho công tác nghiên cứu. Đặt lên bàn cân những được mất, thì có lẽ lựa chọn tốt nhất là giữ thái độ hoài nghi với thế giới chỉ-toàn-kỹ-thuật-số. Lời khuyên hay nhất hiện nay có lẽ là: hãy để những máy móc ấy ở trạng thái “TẮT” càng lâu càng tốt.
Dù hay hay dở, chúng ta vẫn cứ là loài động vật có tính xã hội. Có lẽ điều đó đã được mắc nối sẵn trong DNA rồi. Bạn không cần phải xem xét gì sâu xa hơn ví dụ về Theodore Roosevelt mới thấy rằng các mối quan hệ giữa người với người chính là thứ nguyên liệu hàng đầu cho thành công tương lai của một đứa trẻ. Một nền văn hóa ngập trong công nghệ có lẽ sẽ kết tội các nhà khoa học quay lưng lại với lịch sử phát triển. Về phần mình, các nhà nghiên cứu cũng có cơ sở để kết tội nền văn hóa đã quay lưng lại với nhân loại.
CON TÔI GIỎI HƠN CON CHỊ
Gần đây tôi có nghe lỏm được cuộc trò chuyện điện thoại trong lúc chờ máy bay cất cánh. “Thế Stephanie biết đi chưa? Chưa á? Brandon đi được từ hồi mới 9 tháng tuổi đấy!” Và rồi tiếp sau: “Stephanie vẫn còn phải đóng bỉm á? Brandon ngồi bô từ lúc chưa 2 tuổi cơ!” Cuộc đối thoại cứ thế và cứ thế về đủ thứ cột mốc mà Brandon Siêu-đẳng đã hoàn thành, vượt mặt Stephanie Kém-cỏi.
Tôi nghe thấy đủ loại phiên bản của kiểu so bì nhóc tì này khắp mọi nơi tôi có mặt. Đó chính là một nhân tố của dạy-dỗ-cực-đoan – chính là một loại nguyên liệu khác mà bạn sẽ muốn hạn chế trong công thức phân bón cho trẻ-thông-minh của mình. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, tôi thử tưởng tượng xem mẹ Stephenie sẽ cảm thấy ra sao? Tức tối? Xấu hổ? Có lẽ cô sẽ phải chạy ngay ra ngoài hàng và nháo nhào vơ về tất cả những loại đồ chơi phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển của con gái bé bỏng. Hoặc giả, cô chỉ khóc hu hu. Tất cả, chẳng vì lý do gì chính đáng.
So sánh như vậy không chỉ phản tác dụng mà còn đi chệch với những kiến thức khoa học thần kinh hiện đại. Nó còn đặt thêm áp lực lên một đứa trẻ – và gây hại tới não bộ của bé.
Hai bộ não không phát triển cùng một nhịp độ
Giờ đây thì bạn đã biết, bộ não tuân theo một lộ trình phát triển về thời gian mang tính đặc trưng cá thể, hệt như tính cách của chủ sở hữu vậy. Trẻ em không trải qua những cột mốc phát triển y hệt nhau theo kiểu “bước đều bước”, cứ thế một-hai-một như những anh-lính-não-bộ nhỏ bé trên con đường đi tới tương lai. Một đứa trẻ là thần đồng toán học ở tuổi lên 4 không chắc đã còn là thần đồng vào tuổi lên 9. Einstein, thông minh sáng láng là thế, mà theo lời đồn đại, thì không thể nói thành câu hoàn chỉnh cho đến tận khi 3 tuổi. Tính cá thể này một phần do yếu tố di truyền quyết định, nhưng nó cũng xảy ra bởi các tế bào thần kinh luôn phản ứng liên tục với môi trường bên ngoài. Chúng dễ dàng hình thành những mối liên hệ mới và phá bỏ những mối liên hệ đã tồn tại, một hoạt động được gọi là “tạo hình thần kinh”.
Có vẻ như các bộ não đều trải qua một số giai đoạn phát triển thành thục như nhau. Nhưng rất ít người trong cộng đồng nghiên cứu đạt được đồng thuận xem những giai đoạn ấy gì. Nhà tâm lý học phát triển Jean Piaget đưa ra bốn giai đoạn phát triển nhận thức ở trẻ em, mà ông gọi tên là giác quan vận động, tiền-vận động, vận động cụ thể và vận động chính thức. Bắt đầu gây ảnh hưởng rộng rãi từ đó, khái niệm về các giai đoạn phát triển giờ đây vẫn là một ý kiến gây tranh cãi. Các nhà nghiên cứu bắt đầu đặt dấu hỏi về ý niệm này từ hồi cuối thế kỷ XX, khi họ chứng minh rằng trẻ em có được các kỹ năng và khái niệm ở những mốc thời gian sớm hơn nhiều so với những gì Piaget đã khẳng định. Những công trình tiếp sau đó đã hé lộ rằng, kể cả trong một nhóm phân loại cụ thể, các trẻ trong đó vẫn cứ trải qua những giai đoạn phát triển với nhịp độ riêng. Rất nhiều em không hề tuân theo trật tự mà Piaget đã trình bày; đôi khi các em bỏ qua một, hai bước nào đó và lặp lại một giai đoạn nào đó tới vài lần liên tiếp. Một số em không hề trải qua một giai đoạn phát triển có thể xác định nào cả.
Trí não của con trẻ chúng ta không có vấn đề gì cả. Chỉ là có gì đó không ổn với các loại lý thuyết của chúng ta.
Đây không phải là một cuộc đua
Nhưng một số bậc cha mẹ cho rằng sự phát triển trí não giống như góp mặt trong một cuộc đua Olympic vậy. Họ muốn con cái mình phải giành chiến thắng ở mọi bước, bằng mọi giá. Bạn vẫn còn có thể thấy được tác động của lối suy nghĩ này khi con cái của những bậc phụ huynh này bước vào trường đại học. Mặc dù tôi chủ yếu giảng dạy cho sinh viên sau đại học, nhưng thi thoảng tôi vẫn hướng dẫn cho các em sinh viên đại học muốn theo trường Y, và các em chẳng mấy quan tâm đến những thứ khác. Rất nhiều em miêu tả mình theo kiểu bị các bậc phụ huynh huênh hoang, những người cơ hồ coi con mình cao quý hơn tất thảy thiên hạ, nuôi trong lồng kính.
Hiện tượng này được gọi là dạy dỗ cực đoan, và đã được các nhà khoa học nghiên cứu. Nhà tâm lý học phát triển David Elkind, giáo sư danh dự chuyên về sự phát triển trẻ em tại Đại học Tufts, đã chia các kiểu cha mẹ quá ham mê thành tích vào các nhóm khác nhau. Bốn nhóm trong đó là:
• Cha mẹ “hoàn hảo”. Những bậc cha mẹ này là những người đã công thành danh toại, muốn con cái cũng ăn to làm lớn như mình.
• Cha mẹ ham bằng cấp. Chính là những nhân vật “dạy con trong lồng kính” kinh điển, những bậc cha mẹ này cũng dính dáng tới nhóm “hoàn hảo” ở trên, nhưng họ tin rằng việc học hành chính quy càng bắt đầu sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
• Cha mẹ hướng ngoại. Mong muốn trang bị cho con cái mình các kỹ năng sinh tồn về thể chất vì thế giới ngoài kia là một chốn đầy rẫy hiểm nguy, những bậc cha mẹ này thường làm trong khối quân đội hay thi hành luật.
• Cha mẹ thần đồng. Thành đạt về tài chính và hoài nghi sâu sắc về hệ thống giáo dục, những bậc cha mẹ này muốn bảo vệ con cái mình khỏi những tác động tiêu cực nảy sinh từ chuyện học hành trường lớp.
Có một điểm chung giữa các bậc mẹ cha cực đoan này: họ chạy theo thành tích, ép con cái mình học hành bằng mọi giá, thậm chí đánh đổi cả hạnh phúc của chúng. Có thể lấy bài học của Hàn Quốc để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Ở quốc gia này, cha mẹ gây áp lực nặng nề lên con cái, ép chúng phải đạt thành tích cao trong các bài kiểm tra. Không ngạc nhiên, tự tử chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở lứa tuổi 15-19, chỉ sau tai nạn giao thông.
TÁC HẠI CỦA KIỂU DẠY DỖ CỰC ĐOAN
Tôi biết những bậc cha mẹ kiểu này xuất phát từ đâu. Trong một thế giới cạnh tranh gay gắt mà người chiến thắng phải là người thông minh nhất, dễ hiểu là tại sao các bậc cha mẹ yêu kính lại bận tâm về trí thông minh của con cái mình đến thế. Tuy thế, điều cha mẹ không biết chính là, áp lực học hành thái quá lại thường phản hiệu quả. Thực tế, lối dạy dỗ cực đoan lại làm tổn hại đến sự phát triển trí óc của con bạn ở những giai đoạn này.
1. Kỳ vọng thái quá kéo chậm tư duy
Trẻ luôn phản ứng cực mạnh trước những kỳ vọng của mẹ cha, chúng khao khát làm đẹp lòng và đáp ứng mong mỏi của cha mẹ khi còn nhỏ; rồi khao khát cự tuyệt và nổi loạn lúc lớn hơn. Nếu như trẻ nhỏ cảm nhận được rằng bố mẹ muốn chúng thực hiện một kỳ công trí não nào đó trong khi đầu óc của chúng chưa thật sẵn sàng, chúng sẽ bị dồn vào thế bí, không biết xoay xở ra sao. Chính tình cảnh này ép buộc trí não của trẻ quay trở lại với các chiến lược tư duy “ở cấp thấp hơn”, tạo nên thói quen đối phó rất khó loại bỏ sau này.
Tôi đã chứng kiến hiện tượng này diễn ra trong một buổi họp vào tối nọ. Một vị phụ huynh đầy tự hào tuyên bố với tôi rằng đứa con 2 tuổi của anh ta đã biết làm cả phép nhân. Anh ta bảo cậu chàng bé nhỏ biểu diễn bằng cách đọc thuộc bảng cửu chương. Nhưng chỉ bằng vài câu dò hỏi ý nhị, mọi chuyện hoàn toàn sáng tỏ, cậu bé chẳng hiểu tí nào về phép nhân mà chỉ đơn thuần đọc vẹt một vài con số đã được ghi nhớ mà thôi. Những kỹ năng tư duy thấp hơn đã được đem ra thay thế cho những thiết bị xử lý cấp độ cao hơn. Elkind đã gọi những kiểu thể hiện này một cách đầy miệt thị, là “tiểu xảo”, ông tin rằng không nên để bất cứ em nhỏ nào trở thành nạn nhân của nó. Tôi hoàn toàn đồng ý.
2. Áp lực dập tắt óc tò mò
Trẻ em chính là những nhà thám hiểm bẩm sinh. Nhưng nếu các bậc cha mẹ chỉ đưa ra những kỳ vọng giáo dục cứng nhắc, hứng thú của trẻ sẽ bị biến đổi thành kiểu thỏa hiệp không hợp lý. Trẻ sẽ không còn đặt ra những câu hỏi đầy uy lực như: “Mình có tò mò về cái này không nhỉ?” mà bắt đầu hỏi “Cái gì sẽ khiến người lớn hài lòng?” Hành vi khám phá không được tưởng thưởng, nên nó sẽ nhanh chóng bị loại bỏ. Hãy nhớ rằng, não bộ là một cơ quan phục vụ sinh tồn, và với một đứa trẻ, không có gì quan trọng hơn “sự an toàn” (trong trường hợp này, là sự tán thành) mà các bậc cha mẹ đem lại.
3. Tức giận hay thất vọng liên tục sẽ biến thành stress độc hại
Còn một tác hại nữa nảy sinh khi các bậc cha mẹ ép con cái mình thực hiện những nhiệm vụ mà những bộ não nhỏ bé chưa đủ khả năng thi hành. Những vị phụ huynh kiêu căng thường dễ thất vọng, phật lòng hay tức tối khi con mình không chịu làm theo – đó là những phản ứng mà trẻ có thể nhận thấy từ lúc tuổi còn rất nhỏ và cực kỳ mong muốn tránh khỏi.
Kiểu mất kiểm soát này rất độc hại. Nó có thể tạo ra một trạng thái tâm lý gọi là “tuyệt vọng do huấn luyện”, có thể gây thương tổn cơ học tới trí não của trẻ. Trẻ nhận ra rằng em không thể chế ngự được những kích thích tiêu cực (cơn giận dữ hay thất vọng của bố mẹ mình) xảy ra với mình hay những tình huống gây ra kích thích ấy. Hãy thử tưởng tượng một cậu trò lớp 3 sau giờ học mỗi tối, phải về nhà, nơi có một ông bố say xỉn đánh đập em. Cậu chàng bé bỏng bắt buộc phải có một ngôi nhà, nhưng có một ngôi nhà như thế thật kinh khủng. Em sẽ nhận được một thông điệp rằng không có lối thoát nào đâu, và cuối cùng em cũng sẽ không gắng sức thoát ra, kể cả khi có một phương cách nào hiển hiện đi chăng nữa. Đó là nguyên do tại sao tình trạng này được gọi là tuyệt vọng do huấn luyện. Và không cần phải lạm dụng thể chất mới gây nên tình trạng này.
Tuyệt vọng do huấn luyện chính là cánh cửa nhanh nhất dẫn tới trầm uất, ngay từ tuổi ấu thơ. Tôi có quen biết cha mẹ của một sinh viên tự sát; có cha mẹ thuộc mẫu người cao ngạo, chuyên hạch sách. Mặc dù trầm uất là một chủ đề rất phức tạp, thì lời nhắn để lại khi tự sát của em đã gợi ra cho thấy những hành động quyết liệt này phần nào đó chính là phản ứng trước việc em nhận thấy mình không thể đáp ứng được kỳ vọng của mẹ cha. Đây chính là một bằng chứng mạnh mẽ thể hiện rằng trí não không mấy hào hứng với việc học hành; nó chỉ say mê với chuyện sinh tồn.
Hãy khắc cốt khi tâm điều này trước khi con cái bạn chào đời: dạy dỗ con cái không phải là một cuộc đua. Trẻ càng không phải là thước đo thành công của người lớn. Ganh đua có thể truyền cảm hứng, nhưng những gánh nặng lỗi lầm sinh ra từ nó lại có thể mắc nối não bộ con bạn theo một phương cách độc hại. So bì con mình với con cái người khác sẽ không thể đưa chúng, hay là chính bạn, đến được cái đích mong muốn.
Có những phương cách tuyệt vời để tối đa hóa sức mạnh trí não của con bạn. Hãy tập trung vào các hoạt động vui chơi cởi mở, tương tác phi ngôn từ thật nhiều, và tán thưởng nỗ lực của trẻ – những loại “phân bón”, theo số liệu thống kê, có tác dụng tăng cường năng lực trí não của trẻ, gần như ở bất cứ xuất phát điểm nào cũng vậy. Những thứ này không hề khó thực hiện. Mà suy cho cùng, lớp vỏ hoạt động của trí não đã được rèn đúc từ một thế giới rất xa xưa, không chỉ là thời tiền Internet, mà còn là kỷ tiền Băng Hà.
Những điểm cốt yếu
• Những yếu tố có tác dụng tốt với học tập là: Nuôi con bằng sữa mẹ, trò chuyện với con cái bạn, vui chơi có hướng dẫn và tán thưởng nỗ lực thay vì khen ngợi trí thông minh của trẻ.
• Não bộ hứng thú với việc tồn tại hơn là kiếm được điểm tốt ở trường học.
• Ép buộc trẻ học một môn nào đó trước khi trí não sẵn sàng chỉ gây hại mà thôi.
• Những hoạt động nhiều khả năng gây tổn thương việc học tập giai đoạn đầu của trẻ bao gồm: tiếp xúc quá nhiều với ti vi, tình trạng tuyệt vọng do huấn luyện và trì trệ một chỗ không vận động.