Quy luật trí não
Trẻ phát triển đời sống tinh thần chủ động ngay từ trong bào thai
Mẹ căng thẳng, bé sẽ căng thẳng theo
Ăn uống ngon lành, giữ thân hình vừa vặn và đi sửa móng thật nhiều
THỜI KỲ MANG THAI
Một ngày nọ, tôi đứng lớp cho một nhóm các bậc cha mẹ đang sắp sửa đón con chào đời. Cuối buổi, một phụ nữ cùng chồng lên gặp tôi, vẻ âu lo. “Bố tôi là một phát thanh viên nghiệp dư,” cô vợ nói. “Ông bảo chồng tôi nên gõ nhịp lên bụng tôi. Làm vậy có ích gì không?” Trông cô rất nghi hoặc. Tôi cũng vậy. “Tại sao lại gõ?” Tôi hỏi. Anh chồng đáp: “Không phải gõ linh tinh đâu. Ông muốn tôi gõ mã Morse hẳn hoi. Ông muốn tôi tập gõ các thông điệp gửi vào não đứa trẻ, để thằng bé thông minh từ trong trứng nước. Khéo chúng tôi còn dạy được cho cháu gõ trả lời nữa kia!” Chị vợ xen vào: “Làm vậy có khiến em bé sáng dạ hơn không? Bụng tôi đau lắm, tôi chả thích vậy chút nào.”
Tôi vẫn nhớ lúc ấy là một khoảnh khắc thật ngộ nghĩnh; chúng tôi phá lên cười. Nhưng nó cũng rất thành thực. Tôi có thể nhìn thấy vẻ hồ nghi trong mắt hai vợ chồng.
Lần nào thuyết trình về đời sống tinh thần phi phàm của phôi thai, tôi hầu như đều có thể cảm nhận làn sóng kinh ngạc rì rầm lan khắp căn phòng. Các thính giả sắp làm cha mẹ tỏ ra rất quan tâm, vội vàng ghi chép, và thì thào hào hứng với những người ngồi cạnh. Các bậc cha mẹ có con đã lớn đôi khi tỏ vẻ hài lòng, lúc lại tiếc nuối; vài người trông còn có vẻ hối lỗi. Có cả sự hoài nghi, băn khoăn, và hàng loạt câu hỏi. Liệu một thai nhi trong bụng mẹ có thể học mã Morse không? Và nếu có học được, thì việc đó có tác dụng gì với trẻ không?
Các nhà khoa học đã hé mở phần nào đời sống tinh thần của thai nhi trong tử cung. Trong chương này, chúng ta sẽ đi sâu khám phá bí ẩn vĩ đại về việc não bộ phát triển ra sao – tất cả khởi đầu từ một nhóm tế bào tí hon. Chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi về mã Morse, sau khi đi vào chi tiết những yếu tố góp phần hỗ trợ cho quá trình phát triển não bộ trong tử cung. Gợi ý: chỉ có bốn thôi. Và chúng ta sẽ dẹp bỏ những ảo tưởng phổ biến; ví dụ, bạn có thể quẳng cái đĩa nhạc Mozart đi được rồi.
LÀM ƠN IM LẶNG: ĐỨA TRẺ ĐANG THÀNH HÌNH
Nếu phải đưa ra một lời khuyên dựa trên cơ sở khoa học về sự phát triển của thai nhi trong nửa đầu thai kỳ, thì đó sẽ là: Em bé muốn được yên thân.
Chí ít là giai đoạn đầu. Với thai nhi, điều tuyệt nhất trong quãng đời trú ngụ trong tử cung chính là tình trạng tương đối không bị kích thích. Tử cung tối, ẩm ướt, ấm áp và kiên cố như một căn hầm trú ẩn, yên tĩnh hơn nhiều thế giới bên ngoài. Và đây chính là điều kiện lý tưởng để trẻ phát triển. Đến thời điểm, phần “tiền-não-bộ” của phôi thai bé bỏng trong bụng bạn sẽ bung ra các nơ-ron thần kinh với tốc độ chóng mặt là 500 nghìn tế bào/phút. Tức là hơn 8 nghìn tế bào/giây, nhịp độ ấy sẽ duy trì ổn định suốt nhiều tuần liên tục. Quá trình này có thể quan sát được ngay từ tuần thứ ba của thai kỳ, và tiếp diễn đến giữa thai kỳ. Em bé có bộn bề công việc phải hoàn thành chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi! Một không gian thanh bình, không có sự can thiệp từ các bậc cha mẹ bỡ ngỡ chính là những gì trẻ cần.
Trên thực tế, một số nhà sinh học tiến hóa tin rằng đây chính là lý do tình trạng ốm nghén của loài người. Ốm nghén, có thể kéo dài cả tháng trời (thậm chí là hết cả thai kỳ đối với một số phụ nữ), khiến cho thai phụ phải gắn chặt với một chế độ ăn uống đơn điệu, nhạt nhẽo – kể cả cô ấy có ăn được nhiều đi chăng nữa. Ắt hẳn chính những cơn ốm nghén này đã giúp các thai phụ tiền bối tránh được các độc tố tự nhiên trong thức ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên hoang dã, một thứ thực đơn ăn uống không qua kiểm soát của kỷ Pleistocene. Trạng thái mỏi mệt đi kèm cũng sẽ ngăn thai phụ tham gia các vận động có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến thai nhi. Các nhà nghiên cứu giờ đây cũng cho rằng việc đó giúp cho em bé thông minh hơn.
Một nghiên cứu đã theo sát nhóm trẻ có bà mẹ phải chịu các cơn buồn nôn và ói mửa trong thai kỳ. Khi bọn trẻ đến tuổi tới trường, 21% trong số đó đạt 130 điểm IQ, mức được coi là tài năng. Còn với trường hợp các bà mẹ không bị ốm nghén, chỉ 7% trẻ đạt thành tích cao như vậy. Các nhà nghiên cứu có hẳn một lý thuyết – vẫn còn đang trong giai đoạn chứng minh – xung quanh nguyên do tại sao. Hai hóc môn kích thích thai phụ ói mửa có thể đóng vai trò như chất dưỡng thần kinh cho não bộ đang kỳ phát triển. Càng ói mửa nhiều, chất dưỡng càng nhiều; và qua đó, tác dụng lớn hơn với IQ. Bất kể lý do gì, dường như đứa trẻ sẽ làm mọi cách để bắt bạn phải để chúng được yên thân.
Chúng ta giỏi việc “để cho trẻ được yên thân” tới đâu – thời kỳ này hoặc bất cứ giai đoạn nào khác trong bụng mẹ? Không giỏi cho lắm. Hầu hết các bậc cha mẹ đều sôi sục quyết tâm làm gì đó để giúp trẻ, đặc biệt là luyện trí não. Ngành công nghiệp đồ chơi rất thính nhạy và đánh trúng tâm lý của các ông bố bà mẹ sốt ruột này với chiến lược duy nhất – tôi cam đoan – là trục lợi từ nỗi sợ hãi của những bậc cha mẹ thiện chí. Chú ý này, tôi sắp sửa giúp bạn tiết kiệm cả đống tiền đây.
THẦN KỲ: “ĐIỆN ĐÀM VỚI THAI NHI”
Vài năm trước, khi dạo trong một cửa hàng đồ chơi, tôi tình cờ bắt gặp tờ quảng cáo DVD thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, gọi là Thần đồng (Baby Prodigy). Tờ rơi này nói: “Bạn có biết bạn hoàn toàn có thể giúp tăng cường quá trình phát triển trí não bé con? Ba mươi tuần đầu tiên của sự sống là giai đoạn mà não trẻ trải qua những giai đoạn tiến hóa then chốt nhất… Cùng chung sức, ta có thể giúp cho con yêu của bạn trở thành Thần đồng!” Đọc xong tôi giận sôi lên và giật phắt tờ rơi ấy ném ngay vào sọt rác.
Mớ lý thuyết lệch lạc này đã có cả một lịch sử lâu đời. Cuối thập niên 1970, Viện đại học Tiền sinh nở đã được lập ra tự xưng là sẽ đẩy mạnh khả năng chú ý, hiệu quả nhận thức và vốn từ vựng của trẻ, tất cả, trước khi trẻ chào đời. Đứa trẻ còn nhận được hẳn một tấm bằng tuyên bố em là “Trẻ em Siêu việt” sau khi ra đời nữa kia. Đến thập niên 1980 lại là thời hoàng kim của Pregaphone, một hệ thống phễu và loa được ca tụng rầm rĩ, được thiết kế để ấn vào bụng của thai phụ giọng nói của bà mẹ, nhạc cổ điển hay bất cứ thứ âm thanh thời thượng nào hòng nâng cao IQ của trẻ. Hàng loạt sản phẩm tương tự cũng thi nhau nối gót ra đời, với những chiêu quảng cáo cường điệu như là: “Hãy dạy bé đánh vần từ trong bụng mẹ!”, “Hãy dạy con ngôn ngữ thứ hai trước khi chào đời!”, “Nâng cao điểm số môn toán của trẻ nhờ vào nhạc cổ điển!” Nhạc Mozart thậm chí đã tạo nên cơn sốt, đến nỗi cho đến giờ bạn vẫn có thể còn nghe nói đến Hiệu ứng Mozart. Mọi thứ cũng chẳng sáng sủa hơn chút nào vào thập niên 1990. Các cuốn sách xuất bản trong thập kỷ này tích cực liệt kê những hoạt động hằng ngày dành cho các cặp vợ chồng sắp chào đón đứa con, với lời tuyên bố sẽ “nâng cao IQ của trẻ thêm 20 đến 30 điểm” và tăng cường khả năng chú ý của trẻ thêm “từ 10 đến 45 phút”.
Ngày nay, chỉ cần bước vào một cửa hàng đồ chơi bất kỳ, bạn chắc chắn sẽ tìm ra ngay những sản phẩm đưa ra những tuyên bố tương tự. Hầu như không một lời khẳng định nào trong số này được kiểm nghiệm qua kinh nghiệm bản thân, nói gì đến các nghiên cứu khoa học của các chuyên gia trong ngành.
Cho nên hãy cho ngay tờ rơi ấy vào thùng rác.
Tin hay không, thì thực tế là không một thương phẩm nào từng được trưng ra theo cung cách đầy trách nhiệm kiểu có cơ sở khoa học (hay thậm chí là cung cách vô trách nhiệm kiểu có cơ sở khoa học) được chứng thực là giúp cải thiện hoạt động trí não của thai nhi. Không hề có kiểm nghiệm kiểu ngẫu nhiên trong đó biến số độc lập chính là ưu điểm hay khuyết thiếu trên chính đồ vật ấy. Chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào chứng minh rằng dạy trẻ từ trong bụng mẹ sẽ giúp trẻ học tốt hơn sau này. Chưa một nghiên cứu các cặp song sinh bị chia tách ngay sau khi chào đời nào thử đưa ra phân tích riêng rẽ tác động của từng yếu tố bản chất và môi trường dưỡng dục tới sự hình thành nhân cách. Tương tự đối với sản phẩm “viện đại học trong tử cung”, thậm chí nhạc Mozart trong bụng mẹ nữa.
Đáng buồn thay, những chuyện hoang đường tới tấp ùa vào khi thông tin thực tế quá ư ít ỏi, và đã lòe được không ít người. Sau từng ấy năm, những sản phẩm kiểu vậy vẫn cứ nhan nhản trên thị trường bủa vây các vị phụ huynh cả tin, dụ dỗ họ phải móc hầu bao ra mua về.
Thành thực mà nói, việc đổ xô vào sản xuất những sản phẩm mang tính thị trường làm giới nghiên cứu chúng tôi thất kinh. Nhất là khi chúng được mượn danh khoa học. Quả là tai hại. Các sản phẩm này gây chú ý rất lớn, chúng có thể làm lu mờ những khám phá thực sự có ý nghĩa. Bởi đúng là có những hoạt động mà các bậc sắp làm cha mẹ có thể làm để hỗ trợ quá trình phát triển nhận thức của đứa con đang thành hình trong tử cung. Chúng đã được kiểm nghiệm và đánh giá, với những kết quả được thảo luận trên các tập san khoa học uy tín. Để hiểu được giá trị của chúng, bạn cần biết ít nhiều thông tin xoay quanh quá trình phát triển não bộ bào thai. Khi đã có những kiến thức nhất định xem điều gì thực sự diễn ra ở đó, bạn sẽ dễ dàng tự đánh giá được sản phẩm nào đã được quảng cáo thổi phồng thái quá.
BẮT ĐẦU NÀO!
Vai chính trong vở kịch nặn-thành-em-bé là một tinh trùng và một trứng cùng một bản tình ca. Khi hai tế bào này hợp lại với nhau, chúng bắt đầu sản sinh ra rất nhiều tế bào trong một khoảng không gian nhỏ hẹp. Bào thai người nhanh chóng có dạng hình của một trái dâu bé xíu. (Chính xác là như vậy, có một giai đoạn phát triển ban đầu được gọi là morula, tiếng La tinh, nghĩa là mulberry – quả dâu.) Quyết định đầu tiên mà trái dâu nhỏ của bạn đưa ra rất thực tế: quyết xem phần nào phát triển thành cơ thể, còn phần nào sẽ trở thành vỏ bọc che chở cho bé. Việc này diễn ra chớp nhoáng. Một số tế bào nhất định sẽ được giao nhiệm vụ xây dựng nơi ở, tạo nhau thai và màng ối – một bong bóng nước để bào thai ngụp lặn trong đó. Một số tế bào khác lại được giao nhiệm vụ tạo bào thai, tạo ra một nút của các mô bên trong, gọi là “khối nội bào”.
Chúng ta nên dừng lại và chiêm ngưỡng kỹ hơn giai đoạn này: khối nội bào ở giai đoạn này có chứa một tế bào về sau sẽ hình thành nên bộ não người. Thiết bị xử lý thông tin phức tạp bậc nhất đang trong quá trình hình thành. Và nó khởi đầu chỉ bằng một phần nhỏ so với kích cỡ ở giai đoạn nhắc tới ở cuối câu này.
Tôi đã nghiên cứu não bộ suốt hơn 20 năm trời, và vẫn chưa bao giờ hết ngạc nhiên về nó. Như nhà khoa học Lewis Thomas từng diễn tả trong cuốn Đời sống của một Tế bào: “Chỉ riêng sự tồn tại thuần túy của một tế bào như vậy thôi đã là một trong những điều gây rúng động nhất trên trái đất này rồi. Nó xứng đáng để người ta dành cả ngày trời, và chừng nào còn thức, tíu tít gọi cho nhau với vẻ trầm trồ vô biên, và không nói chuyện gì khác ngoài chuyện cái tế bào nhỏ bé ấy.”
Điều kỳ diệu chưa dừng lại đó. Nếu bạn được nhìn thấy cảnh tượng thực khi bào thai này bơi trong khối nước ối, bạn sẽ để ý thấy rằng khối nội bào thực sự đầy tế bào, chạy nhốn nháo xung quanh bào thai. Các tế bào tự sắp xếp vào ba tầng, hệt như một chiếc bánh kẹp pho mát. Phần vỏ bánh ở dưới cùng, gọi là nội bì, sẽ hình thành nên phần lớn các hệ thống tế bào lót cho các cơ quan và mạch của đứa trẻ. Tầng nhân bánh ở giữa – trung bì, hình thành nên các cơ, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và xương của trẻ. Lớp vỏ bánh ở trên cùng là ngoại bì. Nó sẽ tạo thành da, lông tóc, móng chân móng tay và hệ thần kinh. Chính trong lớp ngoại bì này, tế bào tiền-não-bộ bé bỏng diệu kỳ của trẻ trú ngụ.
Quan sát gần hơn, bạn sẽ thấy một hàng tế bào tí hon hình thành ở phía trên của trung tâm vỏ bánh. Dưới đó, một ống hình trụ bắt đầu thành hình, dần dần sẽ phát triển dài ra nhờ sử dụng chính hàng tế bào phía trên làm hoa tiêu. Đây chính là ống thần kinh. Nó sẽ phát triển thành cột sống – cuối ống sẽ hình thành mông của trẻ, đầu kia sẽ trở thành não của trẻ.
Trường hợp có trục trặc
Ống thần kinh này phát triển đầy đủ hay không có ý nghĩa sống còn. Nếu không, trẻ có thể sẽ mắc tật lồi cột sống hay thậm chí là một khối u gần phần lưng dưới, chứng bệnh “nứt đốt sống”. Tệ hơn, trẻ sẽ phát triển với chiếc đầu không hoàn chỉnh, một chứng hiếm hoi có tên gọi “thiếu một phần não”.
Đây chính là lý do tại sao tất cả các cuốn sách về thời kỳ mang thai đều tích cực khuyến khích việc uống axít folic vitamin B tổng hợp: nó giúp định hình ống thần kinh hoàn chỉnh – ở cả phần đầu mút trên và đầu mút dưới. Những thai phụ nghe theo lời khuyên này và uống trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ, thì khả năng phôi thai bị dị tật ống thần kinh so với những người không uống chất bổ sung này sẽ giảm tới 76%. Đây là việc đầu tiên bạn có thể làm để hỗ trợ cho sự phát triển trí não thai nhi.
Từ xưa đến nay, tất thảy những người sắp-làm-cha-làm-mẹ đều lo lắng không biết mọi thứ có phát triển đầy đủ hay không. Vào năm 1573, bác sĩ phẫu thuật người Pháp – Ambroise Paré đã liệt kê các yếu tố có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ. “Có vài yếu tố sẽ gây ra những quái thai,” Paré viết trong cuốn Quái thai và Dị dạng. “Trước tiên là nhờ ơn Chúa lòng lành. Thứ hai, cơn thịnh nộ của Người. Thứ ba, lượng tinh trùng quá lớn. Thứ tư, lượng tinh trùng quá nhỏ.” Paré đưa ra giả thuyết rằng có một thứ dị tật bẩm sinh có thể nảy sinh từ chính dáng điệu kém tề chỉnh của bà mẹ (nàng ngồi bắt chéo chân quá lâu). Hay có thể gây ra bởi kích thước chật hẹp của tử cung; do quỷ quái yêu ma; hay do bãi nước bọt độc địa của một đám hành khất.
Những hiểu lầm tiền-khoa-học của Paré về sự phát triển của trí não trong tử cung là có thể tha thứ được. Đến ngay cả những đầu óc hiện đại ngày nay, đây vẫn là một thử thách phức tạp vô cùng và gần như bí hiểm.
Các nhà nghiên cứu ngày nay cũng rơi vào cảnh “không biết đằng nào mà lần” khi giải thích gần hai phần ba các loại dị tật bẩm sinh. Đúng là như vậy, chỉ một phần tư số dị tật sơ sinh được xác định là do trục trặc DNA riêng biệt. Một trong những lý do chúng ta chỉ biết quá ít như vậy là vì cơ thể của bà mẹ hóa ra lại có một bộ phận bảo đảm an toàn. Nếu xảy ra trục trặc trong quá trình phát triển thai nhi, cơ thể người mẹ thường cảm nhận được và chủ động gây sảy thai. Khoảng 20% số ca có thai có kết cục là hiện tượng sảy thai tự nhiên. Những độc tố từ môi trường mà chúng ta đã biết – những yếu tố mà con người có thể giám sát được – chỉ chiếm 10% các ca dị tật bẩm sinh quan sát được trong phòng thí nghiệm.
Một mạng lưới tế bào tinh vi, với điện xẹt
lách ta lách tách
Thật may, phần lớn não bộ em bé đều thành hình ổn thỏa. Đầu mút “não bộ” trên ống thần kinh tiếp tục công trình kiến thiết của mình bằng việc tạo ra những chỗ phình tế bào trông giống như những hệ san hô phức hợp. Những chỗ phình này cuối cùng sẽ hình thành nên những khối cấu trúc lớn của não bộ. Trước tháng thứ nhất, tế bào tiền-não-bộ tí hon của trẻ đã phát triển thành một lực lượng hùng hậu, với quân số lên tới hàng triệu.
Đương nhiên, não bộ không hề phát triển một cách tách biệt. Vào khoảng tuần thứ tư, bào thai tạm thời trưng ra các khung mang, rất giống với khung mang cá. Những khung mang này nhanh chóng chuyển đổi thành các cơ mặt và kết cấu họng, cho phép em bé của bạn nói được. Tiếp theo, bào thai của bạn sẽ nhú ra một cái đuôi nhưng rất nhanh chóng, sẽ đảo ngược trình tự và tái hấp thu bộ phận này. Sự phát triển của con người chúng ta cũng có căn cội tiến hóa rất sâu xa, và chúng ta chia sẻ điều kỳ diệu này với tất cả các loài động vật có vú khác trên hành tinh này. Chỉ trừ một thứ.
Những chỗ phình ở đầu mút cuối ống thần kinh bào thai sẽ trở thành một bộ não to lớn và siêu thông minh – có thể là bộ não nặng nhất tính theo tỉ trọng với cơ thể – từng tồn tại trên hành tinh này. Bộ phận khổng lồ này được tạo thành từ một “mạng nhện” tế bào tinh vi, với những tia chớp điện lách ta lách tách. Ở đây, có hai loại tế bào đóng vai trò quan trọng. Loại thứ nhất – tế bào thần kinh đệm (glial cell) tạo thành 90% tế bào não bên trong đầu của trẻ. Chúng tạo thành hình cho não bộ và giúp các nơ-ron thần kinh xử lý thông tin chính xác. Ấy là một cái tên rất hay; glial là một từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là glue (keo dính). Loại tế bào thứ hai chính là tế bào thần kinh, vốn rất quen thuộc. Mặc dù gánh vác phần rất lớn trong việc tư duy của trẻ, các nơ-ron lại chỉ chiếm chừng 10% trong tổng số tế bào não của trẻ. Có lẽ từ đây, ta mới có một thứ suy nghĩ hoang đường, đó là con người chỉ sử dụng có 10% trí não của mình thôi.
Một tế bào thần kinh, 15 nghìn kết nối
Vậy làm thế nào các tế bào trở thành não bộ? Các tế bào của bào thai được sản xuất thành các nơ-ron thông qua một quy trình được gọi là phát sinh thần kinh (neurogenesis). Đây chính là thời điểm mà trẻ sẽ muốn được để yên thân, nửa đầu của thai kỳ. Và rồi, ở nửa sau của thai kỳ, các nơ-ron sẽ di chuyển đến một khu vực trú ẩn cố định và bắt đầu mắc nối với nhau. Quá trình này được gọi là quá trình hình thành khớp thần kinh (sypnatogenesis).
Sự di trú của tế bào luôn gợi cho tôi nghĩ đến cảnh những con chó săn đột nhiên được thả xuống từ thùng xe của vị cảnh sát trưởng để đánh hơi hiện trường vụ án. Các nơ-ron thần kinh xổ ra khỏi chiếc lồng là lớp ngoại bì, trườn bò lên nhau, khụt khịt đánh hơi các tín hiệu tế bào, ngưng lại, thử những đường khác, trượt đi, rồi chạy tán loạn trong bộ não đang phát triển. Cuối cùng chúng dừng lại, chúng đã đến được điểm đích có thể đã được lập trình từ trước trong những cái đầu tế bào của mình. Chúng quan sát chung quanh các hố tế bào mới và gắng móc nối với các láng giềng mới mẻ. Khi chúng kết nối, những khoảng trống tí xíu, sống động giữa các tế bào thần kinh được tạo ra, gọi là khớp thần kinh (synapse, xuất phát từ thuật ngữ sypnatogenesis). Các tín hiệu điện nhảy giữa những khoảng trống trơn này, cho phép liên lạc thần kinh. Bước cuối cùng này chính là phần công việc thực sự trong quá trình phát triển não bộ.
Hình thành khớp thần kinh là một quá trình kéo dài, vì một nguyên cớ rất dễ hiểu: nó cực kỳ phức tạp. Một nơ-ron thần kinh đơn lẻ trung bình phải tạo ra 15 nghìn liên lạc với “dân bản địa” trước khi công việc kết nối xong xuôi. Một số nơ-ron còn phải tạo ra hơn 100 nghìn kết nối. Điều đó đồng nghĩa với việc não bộ của trẻ phải buộc vào tới 1,8 triệu mối nối mới mỗi giây để tạo thành não bộ hoàn chỉnh. Rất nhiều nơ-ron không bao giờ hoàn thành cả quá trình này. Cũng giống loài cá hồi sau khi giao hợp, chúng chỉ đơn giản là chết đi.
Kể cả với tốc độ kinh hồn như thế này, não bộ của thai nhi cũng chưa thể hoàn thiện khi đến thời hạn chào đời. Khoảng 83% quá trình hình thành khớp thần kinh vẫn tiếp tục sau khi bé ra đời. Thật đáng ngạc nhiên, bộ não của con gái bạn sẽ chưa kết thúc công việc mắc nối cho tới khi cô nàng bước vào ngưỡng 20 tuổi. Bộ não của các cậu con trai còn mất nhiều thời gian hơn thế. Ở người, bộ não chính là cơ quan cuối cùng hoàn thiện quá trình phát triển.
KHI NÀO BÉ NGHE THẤY VÀ NGỬI THẤY BẠN?
Mục đích của quá trình sản xuất thần tốc này chính là xây dựng một bộ não đầy đủ chức năng, bộ não có thể tiếp nhận và phản ứng với các tín hiệu đầu vào. Vậy nên với các ông bố bà mẹ tò mò, câu hỏi lúc này sẽ là: Thế thì bào thai nhận biết được gì, và khi nào chúng biết được? Khi nào thì bé cưng của bạn có thể cảm nhận, nói được hay gõ lên bụng bạn?
Nguyên tắc phải ghi nhớ ở đây là: Bộ não dành nửa đầu thai kỳ để gây dựng cơ sở giải phẫu thần kinh của mình, nó vui sướng tảng lờ hầu hết sự can thiệp của cha mẹ. (Tôi chỉ đang nói đến những kiểu can thiệp với dụng ý tốt thôi. Các chất gây nghiện, bao gồm cả thức uống có cồn và nicotine, rõ ràng có thể ảnh hưởng xấu tới não của bé trong thai kỳ.) Nửa sau của thai kỳ lại là chuyện khác. Quá trình phát triển não bộ chuyển từ phát sinh thần kinh là chủ yếu sang tập trung tạo các khớp thần kinh. Giai đoạn này, bào thai bắt đầu nhạy cảm hơn với thế giới bên ngoài. Việc mắc nối giữa các tế bào lúc này chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài – trong đó có cả chính bạn – hơn hẳn quá trình sáng tạo chính bản thân nó trước đó.
Các giác quan phát triển một cách có chiến lược
Vậy bé xây dựng hệ thống giác quan của não như thế nào? Cứ hỏi các vị chỉ huy lính dù là biết ngay. Họ sẽ kể cho bạn biết là muốn đánh trận thắng lợi cần trải qua ba bước: nhảy dù vào địa hạt quân thù, chiếm cứ những vị trí trọng yếu, sau đó liên lạc về căn cứ. Quy trình này sẽ giúp đài chỉ huy trung tâm theo sát được thông tin về quá trình chiếm đánh lẫn nhận định tình huống để có cơ sở đưa ra quyết định hành động tiếp theo. Quá trình hình thành hệ thống giác quan của não bộ cũng diễn ra tương tự.
Giống như lính dù chiếm cứ lãnh địa của quân địch, các tế bào thần kinh cũng chiếm cứ một khu vực nhất định trong não bộ và xác lập các căn cứ giác quan, tai để nghe, mũi để ngửi. Một khi đã chiếm được căn cứ, các tế bào này sẽ thiết lập những mối nối kết giúp chúng liên hệ được với các cấu trúc chỉ huy và kiểm soát nhận thức cũng đang lớn lên dần trong não bộ. (Trong thế giới thực bên trong não bộ, có rất nhiều đài chỉ huy trung tâm.) Những cấu trúc đóng vai trò như các CEO này – những bộ phận đem lại cho con người khả năng nhận thức, đang mải mê chiếm cứ các địa hạt, hệt như những anh lính dù. Và đó là một vài trong số những khu vực mắc nối hoàn thiện cuối cùng trong tử cung. Điều này đồng nghĩa với việc các tế bào thần kinh nối với mắt, tai hoặc mũi có thể nhận được tín hiệu báo bận khi chúng báo cáo lại về căn cứ trung tâm. Do độ trễ này, một vài phần trong não trẻ có thể phản ứng với các kích thích giác quan trước khi em bé thực sự nhận biết được kích thích.
Nhưng khi đã bắt được các tín hiệu đầu vào như âm thanh và mùi, tức là vào thời điểm bắt đầu giai đoạn sau của thai kỳ, trẻ sẽ phối hợp nhịp nhàng chuẩn xác với những kích thích này. Và trẻ nhớ được, trong tiềm thức. Đôi khi, việc ấy gây khiếp sợ, giống như những gì nhạc trưởng Boris Brott đã khám phá ra vào một ngày nọ.
Bào thai có thể nhớ được
“Con biết trước từng nốt nhạc!” Brott thốt lên với mẹ. Khi ấy, Brott đứng trên bục chỉ huy một dàn giao hưởng, điều khiển dàn nhạc chơi một tác phẩm lần đầu tiên, và nghệ sĩ cello bắt đầu kéo đàn. Ông lập tức biết rằng mình đã từng nghe tác phẩm này. Không phải là kiểu nhớ lại một tác phẩm nào đó đã bị quên lãng: Brott có thể dự đoán chính xác xem tiếp theo sẽ là tiết nhạc nào. Ông còn tiên liệu được toàn bộ tác phẩm trong suốt phiên tập dượt; biết phải chỉ huy ra sao kể cả khi bỗng nhiên bị lỡ mất một chỗ nào đó trong tác phẩm.
Sợ run người, ông gọi ngay cho mẹ mình, một nghệ sĩ cello chuyên nghiệp. Bà hỏi tên tác phẩm, rồi phá lên cười. Đó chính là tác phẩm bà đã tập khi đang mang thai Boris Brott. Cây đàn cello tì vào phần giữa bụng bầu của bà ở cuối thai kỳ, chiếc bụng bầu khi đó là một khối cấu trúc chứa đầy những dòng chảy dẫn thanh, hoàn toàn đủ khả năng tiếp nhận các thông tin âm nhạc cho cậu con trai sắp chào đời của bà. Còn não bộ đang phát triển của cậu bé thì đủ tinh nhạy để ghi nhớ những ký ức âm nhạc. “Tất cả những bản nhạc mà tôi quen thuộc ấy đều là những tác phẩm mà mẹ chơi khi đang mang bầu tôi,” về sau Brott đã giãi bày trong một cuộc phỏng vấn. Một điều phi thường xảy ra với một cơ quan còn chưa được 0 tuổi.
Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ chứng minh rằng ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, em bé đã có thể tiếp nhận các thông tin từ thế giới bên ngoài. Thậm chí, những gì bạn ăn và ngửi cũng có thể gây tác động đến nhận thức của trẻ sơ sinh (chúng ta sẽ thấy dưới đây). Đối với một em bé mới chào đời, những thứ như vậy chẳng khác gì những tiện nghi gia đình quen thuộc.
Các giác quan của trẻ – xúc giác, thị giác, thính giác, khứu giác, thăng bằng, vị giác – bắt đầu thực hiện chức năng từ trong bụng mẹ, cụ thể như sau:
Xúc giác: 4 tuần
Một trong những giác quan đầu tiên chính thức đi vào kết nối là xúc giác. Bào thai chừng 1 tháng tuổi đã cảm nhận được những động chạm lên mũi và môi. Khả năng này nhanh chóng lan rộng; gần như toàn bộ bề mặt da bắt đầu mẫn cảm với các động chạm khi bước vào 12 tuần tuổi.
Tôi đã chứng kiến điều này khi vợ tôi trong giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ lúc mang bầu cậu con trai út. Thằng bé hiếu động lắm, và nhiều lần tôi chính mắt trông thấy thứ gì đó như là một cái vây cá mập gồ lên di chuyển dọc theo bụng vợ tôi, vồng lên, rồi lặn xuống. Tôi dựng cả tóc gáy, nhưng thấy thú vị kinh khủng. Nghĩ là đấy có thể là chân của anh chàng bé bỏng, tôi thử chạm vào chỗ gồ lên khi nó xuất hiện vào một buổi sáng nọ. Chỗ gồ đó lập tức “đá” lại (!), làm cả hai vợ chồng phải la lên phấn khích.
Nếu thử làm việc này trong nửa đầu thai kỳ, bạn sẽ chẳng thu được kết quả gì đâu. Phải đến tháng thứ năm kể từ thời điểm thụ thai, trẻ mới có thể thực sự trải nghiệm những động chạm này giống như cách tôi hay bạn vẫn nhận biết. Đó là khi não của trẻ đã phát triển “bản đồ cơ thể” – những đại diện thần kinh tí hon cho toàn bộ cơ thể của bé.
Thời điểm bắt đầu ba tháng cuối, một bào thai đã sẵn sàng thể hiện những hành vi né tránh (ví dụ, cố bơi đi khi có đầu kim tới gần để làm sinh thiết). Từ hiện tượng này, ta có thể kết luận rằng trẻ có thể cảm nhận được cảm giác đau, mặc dù không thể nào đo đạc chính xác được.
Đến thời điểm này, bào thai có vẻ cũng nhạy cảm với nhiệt độ. Nhưng các biểu đồ nối mạch chuyên trách về cảm nhận nhiệt độ vẫn chưa hoàn thiện khi trẻ chào đời, và chỉ phát triển đầy đủ nhờ những trải nghiệm thực tế với thế giới bên ngoài. Trong hai trường hợp lạm dụng trẻ em không có liên quan gì đến nhau, một cậu bé người Pháp và một cô bé người Mỹ đã bị giam kín suốt nhiều năm trời. Cả hai đứa trẻ đều thiếu hụt khả năng phân biệt giữa nóng và lạnh đến mức kỳ dị. Cô bé không bao giờ ăn mặc cho thích hợp với thời tiết, kể cả lúc bên ngoài trời lạnh cóng. Còn cậu bé thì vẫn thường lôi khoai tây ra khỏi bếp lửa đang cháy phừng phừng chỉ bằng bàn tay trần, không hề hay biết gì sự sai biệt về nhiệt độ. Chúng ta không biết chính xác tại sao. Nhưng chúng ta biết rằng xúc giác luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển của trẻ sau khi sinh.
Thị giác: 4 tuần
Liệu em bé có nhìn thấy gì trong tử cung không? Câu này thật khó trả lời, bởi thị giác vốn là giác quan phức tạp nhất của con người.
Thị giác bắt đầu phát triển từ khoảng tuần thứ tư sau thời điểm thụ thai, thai nhi hình thành hai chấm mắt tí hon trên hai phía của đầu. Những khối dạng hình cốc trong hai chấm này sẽ nổi lên rất nhanh, trong đó một phần sẽ hình thành thấu kính của mắt. Sau đó, các dây thần kinh thị giác sẽ trườn lên từ phía sau những con mắt nguyên thủy này, gắng sức chạm tới phía sau đầu và kết nối với các khu vực về sau sẽ hình thành nên vỏ não thị giác. Các tế bào ở phần vỏ não cũng rất tất bật hoạt động, chuẩn bị sẵn sàng để chào đón những kẻ lữ hành mang tên tế bào thần kinh và kết mối thuyền hội. Tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba tràn ngập những cuộc đón rước tế bào thần kinh đông đúc trong các khu vực này, một khối lượng tương đối những cuộc tử vong của tế bào, và rất nhiều những ghép nối phát tiếng kêu lách tách. Đến thời điểm này, bộ não hình thành khoảng 10 triệu khớp nối thần kinh mới mỗi ngày. Chắc bạn sẽ nghĩ ngay là hẳn em bé phải mắc chứng đau nửa đầu mất!
Kết quả sau tất cả các hoạt động này là hình thành hệ mạch thần kinh cần thiết để khống chế việc chớp mắt, co giãn đồng tử hay dõi theo các vật thể chuyển động đã xuất hiện từ trước khi bé chào đời. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng bào thai bước vào tam cá nguyệt thứ ba sẽ chuyển động hoặc thay đổi nhịp tim, hoặc cả hai, để phản ứng lại một luồng sáng mạnh chiếu vào tử cung. Nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thiết lập được đầy đủ các hệ mạch thực hiện chức năng, vậy nên bé cần tới hơn chín tháng để hoàn thành công việc. Trong một năm sau khi bé ra đời, mỗi ngày, bộ não vẫn sẽ tiếp tục hình thành tới 10 triệu khớp nối thần kinh mới. Trong khoảng thời gian đó, bộ não sử dụng chính các trải nghiệm thị giác ngoại vi để giúp bộ não hoàn thành các kế hoạch xây dựng bên trong.
Thính giác: 4 tuần
Nếu bây giờ bạn bảo với tôi rằng một thông tin khoa học quan trọng sắp được phát hiện, nhờ vào sự kết hợp của số lần mút núm vú cao su của trẻ khi nghe đọc cuốn Con mèo trong chiếc mũ (The Cat in the Hat), tôi sẽ gợi ý ngay là có khi bạn phải xem lại đầu óc của mình cũng nên. Nhưng đây chính xác là những gì đã diễn ra hồi đầu thập niên 1980. Trong suốt sáu tuần cuối của thai kỳ, các thai phụ trong một nghiên cứu nọ được đề nghị đọc cuốn sách của tác giả Dr. Seuss thật lớn, hai lần một ngày. Như vậy, sau sáu tuần, tổng thời gian bào thai nghe câu chuyện là 5 tiếng đồng hồ. Sau khi chào đời, trẻ được cấp cho chiếc núm vú giả nối với một cỗ máy đo cường độ và số lần mút. Cường độ và tần suất có thể được sử dụng để đánh giá xem bé sơ sinh có nhận ra thứ gì đó không (một dạng đối sánh mẫu). Sau đó, các bé được nghe các băng ghi âm giọng mẹ đọc cuốn Con mèo trong chiếc mũ, hoặc một câu chuyện khác, hoặc không được nghe truyện nào cả. Tần suất và kiểu mút được đo đạc tại mọi thời điểm. Những gì các nhà nghiên cứu tìm ra thật đáng kinh ngạc. Những em bé đã từng nghe truyện của Dr. Seuss từ trong bụng mẹ có vẻ đã nhận ra, và tỏ ra thích thú với băng có giọng mẹ mình đọc cuốn Con mèo trong chiếc mũ. Các bé mút núm vú giả theo một dạng nhất định, bắt nguồn từ cách bà mẹ đọc cuốn Con mèo trong chiếc mũ, điều này không xảy ra khi đọc cuốn sách khác hay không đọc cuốn truyện nào cả. Trẻ nhận ra những trải nghiệm thính giác trong bụng mẹ trước đây.
Giờ đây chúng ta đã biết rằng nhận thức thính giác của trẻ bắt đầu từ sớm hơn rất nhiều so với kết quả từ thí nghiệm này. Các lớp mô liên quan đến việc nghe có thể được quan sát chỉ bốn tuần sau thời điểm thụ thai. Thính giác khởi đầu với sự nhú lên của hai khối cấu trúc, trông giống như hai cụm xương rồng sa mạc nảy ra từ hai bên đầu của trẻ. Chúng được gọi là túi thính giác nguyên thủy và sẽ hình thành nên phần lớn dụng cụ thính giác của bé. Khi địa hạt này đã được thiết lập, các tuần tiếp sau đó sẽ được dành vào việc “gây dựng nhà cửa”, từ những sợi lông trông giống các sợi râu tí hon cho đến các ống mà chúng bám vào, nom hệt như là vỏ ốc sên vậy.
Vậy đến lúc nào những khối cấu trúc này mới móc nối vào phần còn lại của não, để trẻ có thể nghe thấy được? Đến giờ thì câu trả lời đã rất quen thuộc: tận đến thời điểm bắt đầu tam cá nguyệt thứ ba. Bước vào tháng thứ sáu, bạn có thể đem đến một âm thanh nào đó cho bào thai trong tử cung (chủ yếu là tiếng lách cách) và ngỡ ngàng lắng nghe não bộ tí hon kia yếu ớt gửi lại những phản ứng kiểu tia điện lẹt xẹt! Đến tháng sau đó, kiểu gọi-và-trả-lời bằng tiếng lách tách này không chỉ gia tăng về mật độ, mà còn cả về tốc độ phản ứng nữa. Thêm một tháng nữa hoặc hơn, mọi thứ đã thay đổi. Giờ thì bạn đã có hẳn một em bé tiền sơ sinh không chỉ nghe được, hồi đáp được, mà còn có thể phân biệt được giữa rất nhiều âm thanh giọng nói, như là “a” khác với “e”, hay “ba” khác với “bi”. Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến chiến lược của lính dù: trước tiên là thiết lập địa hạt, sau đó là kết nối mọi thứ về đài chỉ huy trung tâm.
Bé có thể nghe thấy giọng của mẹ trong tử cung từ cuối tam cá nguyệt thứ hai, và đến thời điểm chào đời, bé thích giọng nói ấy hơn những giọng nói khác. Và khi ra đời, bé phản ứng đặc biệt mạnh mẽ nếu giọng mẹ được làm nghẹt, tái tạo môi trường siêu thanh trong tử cung. Bé thậm chí còn phản ứng trước các chương trình truyền hình mà mẹ thường xem khi bé còn là một bào thai. Trong một thí nghiệm vui nhộn nọ, người ta cho các bé trong bụng mẹ nghe đoạn điệp khúc quảng cáo trước một bộ phim tình cảm trên truyền hình. Khi những em bé này ra đời, chúng thôi khóc ngay giây phút được nghe thấy điệp khúc ấy. Các bé sơ sinh có ký ức mạnh mẽ về những âm thanh mà chúng từng nghe thấy khi nằm trong bụng mẹ vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Cho các bé tiếp xúc với những âm thanh vỗ về quen thuộc sau khi chào đời chính là một cách xoa dịu việc bước vào cuộc sống trên hành tinh lạnh lẽo và xa lạ này của bé.
Khứu giác: 5 tuần
Điều tương tự cũng chính xác với khứu giác. Chỉ năm tuần sau thời điểm thụ thai, bạn đã có thể thấy được quá trình mắc nối khứu giác phức tạp trong não bộ. Nhưng, cũng giống với các giác quan khác, tuy bộ máy đã có ở đó, việc nhận thức cũng không thể sẵn sàng ngay. Trong khoảng giữa tháng thứ hai đến tháng thứ sáu trong tử cung, bé bị cản trở bởi một cái mũi bị nghẽn đặc. Các khoang mũi bị lấp đầy bằng một cái nút mô khổng lồ, nhiều khả năng sẽ ngăn trở nhận thức khứu giác dù là dạng nào đi chăng nữa. Tất cả những điều đó sẽ biến đổi trong tam cá nguyệt thứ ba. Nút mô được thay thế bằng nước nhầy ở mũi (màng nhầy) – và rất nhiều tế bào thần kinh đã mắc nối chính xác với các khu vực nhận thức trên não bộ. Nhau thai của bà mẹ lúc này cũng bớt đỏng đảnh kén chọn, cho phép thêm nhiều mùi vị đi vào tử cung. Do những biến đổi về mặt sinh học này, thế giới khứu giác của trẻ sau tháng thứ sáu của thai kỳ bỗng trở nên phong phú và phức tạp hơn. Em bé của bạn có thể ngửi thấy mùi nước hoa bạn dùng, bé còn phát hiện ra cả mùi tỏi trên bánh pizza bạn vừa mới ăn.
Khi mới chào đời, trẻ thực sự thích những mùi này hơn. Hiện tượng “ưu ái” ấy được gọi là “gán nhãn khứu giác”. Đây chính là cơ sở dẫn tới một lời khuyên kỳ quặc: Ngay sau khi trẻ ra khỏi bụng mẹ, phải xoa trẻ bằng chính dịch thể màng ối trước khi tắm cho trẻ bằng xà phòng và nước. Làm vậy sẽ xoa dịu, khiến trẻ bình tâm hơn, các nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Tại sao? Cũng giống như âm thanh, mùi vị nhắc trẻ nhớ về một tổ ấm thư thái mà bé vừa mới trú ngụ trong suốt chín tháng vừa qua. Đó là bởi mùi và một số dạng hồi ức khác hình thành nên những liên kết thần kinh mạnh mẽ trong não bộ con người. (Đúng là như vậy, rất nhiều bà mẹ có thể xác định được ngay bé sơ sinh của mình chỉ dựa vào mùi.)
Thăng bằng: 6 tuần
Bạn có thể thử một thí nghiệm nhỏ này ở nhà với trẻ sơ sinh dưới năm tháng tuổi. Đặt bé nằm ngửa. Sau đó nhẹ nhàng nâng hai chân, hoặc hai tay, sau đó thả tay/chân bé ra. Tay bé sẽ vung ra hai bên, ngón tay cái gập lại, lòng bàn tay giơ lên, vẻ mặt kinh ngạc. Đây được gọi là Phản xạ Moro.
Bạn cũng có thể thường xuyên quan sát được Phản xạ Moro trong tử cung khi thai ở tháng thứ tám. Nếu bạn đang đọc sách trên chiếc giường êm ái của mình, nào, thử lăn mình một cái; nếu bạn đang ngồi, thử đứng lên. Bạn cảm thấy thứ gì đó đột ngột chưa? Một bào thai đã có thể thực hiện một phản xạ Moro đầy đủ khi còn nằm trong bụng mẹ. Những hành động kiểu này thường kích thích trẻ.
Phản xạ Moro là bình thường và vẫn hay xảy ra khi một em bé kinh ngạc, đặc biệt là khi bé cảm nhận được rằng nó đang ngã xuống. Người ta tin rằng đây chính là một phản ứng tự nhiên trước nỗi sợ mà con người có được. Và việc một đứa trẻ có được phản xạ này là rất quan trọng. Sự thiếu hụt một phản xạ Moro đầy đủ có thể là dấu hiệu của một chứng rối loạn thần kinh nào đó. Các bé cần phải thực hiện được phản xạ này trong vòng năm tháng đầu tiên sau khi chào đời. Tuy vậy, nếu sau tháng thứ năm, bé vẫn duy trì phản xạ này thì cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn thần kinh.
Phản xạ Moro chứng minh rằng phần lớn khả năng của các dây thần kinh vận động (quán xuyến vận động) và tiền đình (giúp giữ thăng bằng) đã được xác lập từ khi thai nhi được tám tháng. Năng lực tiền đình cho phép các cơ kết nối liên tục với đôi tai, và tất cả được điều động dưới sự chỉ huy của não bộ. Bạn sẽ cần đến dạng thức tương đối tinh vi của liên lạc này mới có thể thực hiện được phản xạ Moro.
Tất nhiên, không có chuyện ngay từ đầu em bé trong bào thai đã đủ sức thực hiện cả một bài thể dục hết tốc lực. Nhưng bé có thể “đẩy nhanh”, thể hiện bằng việc rung các chi trong bào thai, vào thời điểm sáu tuần sau khi thụ thai (mặc dù thường thì bà mẹ vẫn chưa cảm thấy gì, cho tới năm tuần sau đó). Vận động này là hết sức quan trọng. Nó phải diễn ra, nếu không, các khớp của em bé sẽ không thể phát triển đầy đủ. Đến khoảng giữa tam cá nguyệt thứ ba, em bé đã hoàn toàn có khả năng chủ động điều khiển cơ thể mình thực hiện một loạt các động tác phối hợp.
Vị giác: 8 tuần
Các mô trung chuyển vị (“cảm thụ vị giác”) vẫn chưa nổi lên khỏi chiếc lưỡi bé xíu của bào thai, cho tới tận tuần thứ tám sau thời điểm thụ thai. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là bé đã có được khả năng nếm một vị gì đó ở thời điểm này. Việc ấy phải chờ tới tam cá nguyệt thứ ba. Một lần nữa, chúng ta lại thấy mô hình tiếp-thu-trước-khi-nhận-biết của quá trình phát triển giác quan xuất hiện ở đây.
Vào thời điểm đó, bạn có thể quan sát thấy một số hành vi tương tự như người lớn chúng ta. Bé con ở tam cá nguyệt thứ ba thay đổi kiểu nuốt mỗi khi mẹ bé ăn thứ gì đó ngọt: bé nuốt nhiều hơn. Các thành phần dậy mùi thơm trong chế độ ăn của bà mẹ đi qua nhau thai và truyền vào nước ối, dung dịch mà bé ở tam cá nguyệt thứ ba nuốt vào với lượng một lít mỗi ngày. Tác động này mạnh mẽ tới mức những gì bạn ăn vào giai đoạn cuối của thai kỳ có thể ảnh hưởng tới sở thích thực phẩm của con bạn.
Trong một công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm nước táo ép vào tử cung của chuột đang mang thai. Khi chuột con ra đời, chúng thể hiện hứng thú ghê gớm đối với nước táo ép. Sự ưu ái vị giác tương tự cũng xảy ra với con người. Các bà mẹ uống nhiều nước cà rốt ép ở những giai đoạn sau của thai kỳ cũng sinh ra những đứa con thích nước cà rốt ép. Việc này được gọi là “lập trình vị giác”, bạn có thể thực hiện điều này thật sớm, ngay khi trẻ mới chào đời. Các bà mẹ cho con bú ăn nhiều đậu xanh và lê trong khi nuôi con cũng sản sinh ra những đứa trẻ sau khi cai sữa có cùng sở thích như vậy.
Rất có thể, bất cứ thứ gì đi qua nhau thai cũng kích thích một sở thích nào đó.
QUY LUẬT CÂN BẰNG
Từ xúc giác cho tới khứu giác, thính giác và thị giác, trẻ có đời sống tinh thần mỗi lúc càng thêm chủ động hơn ngay trong tử cung. Việc đó nói lên điều gì với những bậc cha mẹ quá ư háo hức được góp phần hỗ trợ vào sự phát triển đó? Nếu như các kỹ năng vận động quan trọng đến thế, liệu các bà mẹ tương lai có nên nhào lộn cứ 10 phút một lần để thúc đẩy Phản xạ Moro của đứa trẻ nhỏ bé còn đang nằm trong tử cung? Nếu như sở thích ăn uống được thiết lập ngay trong dạ con, liệu các bà mẹ tương lai có nên theo chế độ ăn chay ở nửa cuối thai kỳ nếu họ muốn con mình sẽ ăn hoa quả và rau xanh? Và liệu có hiệu quả nào, vượt trên cả việc hình thành những sở thích tiềm tàng, nằm trong việc nhồi nhạc Mozart và truyện Con mèo trong cái mũ vào não bộ của đứa trẻ sắp sửa chào đời?
Quá dễ để đưa ra suy đoán này nọ. Thế nên, đây là một lời cảnh tỉnh của tôi: Những nghiên cứu này chỉ thể hiện một khía cạnh kiến thức đã được biết rõ, và chuyện diễn dịch thái quá ý nghĩa của những số liệu này rất dễ xảy ra. Tất cả những gì đã đề cập ở trên đều là các vấn đề nghiên cứu lý thú. Nhưng các số liệu ngày nay vẫn chưa đủ thuyết phục để giải quyết toàn bộ bí ẩn xung quanh đời sống tinh thần thuở sơ khởi. Chúng chỉ mới đủ để hé lộ mà thôi.
Vừa vặn
Đặc tính sinh học của quá trình phát triển não bộ của trẻ sơ sinh khiến tôi nhớ đến truyện cổ tích Cô bé tóc vàng Goldilocks và Ba con gấu. Câu chuyện kể về một cô bé tóc vàng lẻn vào và chủ định phá hoại căn lều vắng chủ của gia đình gấu. Cô bé thử hết thứ này đến thứ nọ và bình phẩm về mọi thứ từ bát ăn cháo, ghế đến giường của các con gấu. Goldilocks không thích đồ của Gấu Bố hay Gấu Mẹ; vì chúng đều quá khổ. Nhưng đồ của Gấu Con thì “vừa vặn”, từ nhiệt độ, sự chắc chắn cho đến sự ấm áp, thoải mái của chiếc giường. Như các câu chuyện cổ tích khác, truyện cổ này có rất nhiều dị bản, trong đó nhân vật chính thay đổi liên tục. Lúc là một con cáo (phiên bản cũ của Goldilocks), lúc lại hóa một bà già cáu bẳn, đột nhập vào căn lều của đàn gấu và dùng thử đồ vật của ba con gấu đực (phiên bản in đầu tiên, tác giả là nhà thơ Robert Southey hồi thế kỷ XIX); thậm chí một số nhà nghiên cứu văn học sử cho rằng Southey đã vay mượn từ câu chuyện về nàng Bạch Tuyết, người đã lén trốn vào căn nhà của các chú lùn, nếm thức ăn của họ, ngồi trên ghế của họ và rồi ngủ thiếp đi ngay trên giường của họ. Ngay cả với phiên bản cô bé tóc vàng, tên của cô gái cũng mỗi bản một khác, nào là Tóc Bạc, Khóa Bạc và Tóc Vàng. Chỉ duy nguyên tắc “vừa vặn” là được bảo lưu xuyên suốt.
Rất nhiều sinh vật sở hữu đặc tính “vừa vặn”, khắc sâu trong đặc tính sinh học của mình, đến nỗi các nhà khoa học đã đặt cho hiện tượng này một cái tên tương đối phi khoa học: Hiệu ứng Goldilocks. Sở dĩ hiện tượng này phổ biến là do sự sinh tồn sinh học trong thế giới khắc nghiệt đòi hỏi quy luật cân bằng giữa các nguồn lực đối nghịch. Quá ít hoặc quá nhiều một yếu tố nào đó, ví như nhiệt lượng hoặc nước, đều làm tổn thương hệ thống sinh học, trong khi chúng nhất thiết phải duy trì tình trạng “cân bằng nội môi ”. Một bản miêu tả được coi là đầy đủ về quy trình sinh học đều bao gồm nguyên tắc “vừa vặn” này.
BỐN YẾU TỐ ĐÃ ĐƯỢC MINH CHỨNG CÓ HỖ TRỢ CHO TRÍ NÃO CỦA TRẺ
Các hành vi đã được chứng minh có hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển não bộ trong tử cung – và đặc biệt quan trọng trong nửa sau của thai kỳ – đều tuân thủ nguyên tắc Goldilocks. Chúng ta sẽ xem xét bốn quy luật cân bằng sau:
• Cân nặng
• Dinh dưỡng
• Tâm trạng căng thẳng
• Luyện tập
Và không hề có cái gì gọi là “điện đàm với thai nhi” cả.
1. Tăng cân vừa đủ
Bạn đang mang bầu, vậy nên bạn phải ăn nhiều lên. Và nếu không ăn uống thái quá, bạn sẽ nuôi dạy được một đứa trẻ thông minh hơn. Tại sao như thế? Chỉ số thông minh của em bé là một hàm số liên quan đến thể tích não. Kích thước não bộ quyết định tới 20% điểm số IQ của bé (đặc biệt là phần vỏ não trước, ngay phía sau trán). Thể tích não bộ còn liên quan đến cân nặng của trẻ lúc chào đời, đồng nghĩa với việc, xét ở mức độ nào đó, em bé to hơn là em bé thông minh hơn.
Nguồn nhiên liệu thức ăn giúp tạo ra một em bé lớn hơn. Trong khoảng giữa tháng thứ tư và thời điểm lâm bồn, bào thai trở nên nhạy cảm đến kỳ lạ với lượng và chủng loại thức ăn mà bạn tiêu thụ. Đây là kết quả của các nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Theo đó, các em bé suy dinh dưỡng nặng có ít tế bào thần kinh hơn, các mối liên kết giữa những tế bào thần kinh cũng ít và ngắn hơn, và ít điều kiện biệt lập với xung quanh trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ. Đến lúc lớn, các bé này gặp nhiều vấn đề về hành vi hơn, phát triển ngôn ngữ chậm hơn, chỉ số IQ thấp hơn, học kém hơn và thông thường chức năng vận động cũng kém hơn.
IQ tăng tương ứng với cân nặng khi chào đời,
trong khoảng dưới 3,6 kg
Em bé sơ sinh nên nặng bao nhiêu là vừa? Ở đây lại có một quy luật cân bằng khác. Chỉ số thông minh của một em bé tăng tương ứng với cân nặng khi chào đời, trong khoảng dưới 3,6 kg. Trước ngưỡng này, công việc đã gần như hoàn tất: IQ chỉ sai khác 1 điểm giữa em bé nặng 2,9 kg với em bé nặng 3,4 kg. Trên 4,1 kg, IQ thực sự giảm xuống ít nhiều, trung bình khoảng 1 điểm. Hiện tượng hụt điểm IQ này có lẽ xảy ra do các em bé quá to nhiều khả năng sẽ gặp phải chứng thiếu oxy trong máu hay những thương tổn khác lúc chào đời.
Bạn phải ăn bao nhiêu mới là đủ? Việc ấy tùy thuộc vào cơ thể của bạn khi bắt đầu mang bầu, căn cứ vào chỉ số Khối Cơ thể (BMI). Nếu chỉ số này dao động từ 25 đến 29,9 bạn đang bị “thừa cân” và chỉ được tăng từ 7 đến 11,3 kg để em bé khỏe mạnh. Trong hai giai đoạn then chốt là tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ, bạn sẽ phải tăng chừng 0,2 kg mỗi tuần. Còn nếu bạn đang thiếu cân với BMI dưới 18,5, bạn sẽ cần tăng từ 12,5 đến 18 kg để tối ưu hóa sự phát triển não bộ của em bé. Như vậy tương đương với tăng chừng 0,45 kg mỗi tuần trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Tương tự với phụ nữ có cân nặng bình thường.
Vậy thì, lượng nhiên liệu cung cấp đóng vai trò quan trọng. Có minh chứng ngày càng rõ rệt rằng loại thức ăn bạn tiêu thụ trong giai đoạn then chốt của thai kỳ cũng quan trọng không kém. Quy luật cân bằng tiếp theo là tương quan giữa loại thực phẩm mà bà mẹ muốn ăn và loại thực phẩm tối ưu đối với quá trình phát triển não bộ của trẻ. Bất hạnh thay, không phải lúc nào chúng cũng giống nhau.
2. Ăn những thực phẩm phù hợp
Bà bầu thường có những trải nghiệm kỳ lạ về sở thích hay việc ghét đồ ăn thức uống khi bước vào thai kỳ, ví như, đột nhiên thích những món bình thường vẫn kinh hãi và ghê sợ những món bình thường vẫn mê mẩn. Đó không chỉ là mấy món dưa muối hay kem như những gì các bà bầu vẫn hay kể bạn nghe. Có người đột nhiên yêu thích điên cuồng phở cuốn với nước chanh – liền tù tì suốt ba tháng trời. Có người đâm nghiện món củ cải muối chua. Và đông đảo các bà mẹ mê đá nghiền. Các bà bầu thậm chí còn khao khát những thứ không phải là đồ ăn thức uống. Một món vẫn thường đứng trong Danh sách 10 món ăn yêu thích kỳ quặc của các bà bầu là phấn rôm trẻ em. Than cũng trong danh sách này. Một số phụ nữ khác thì thích ăn đất. Dị thực chính là một chứng rối loạn phổ biến: cảm giác thèm thuồng những thứ không phải là thực phẩm, ví dụ như gạch hay đất.
Có bằng chứng nào cho thấy bạn nên chú ý tới những nỗi thèm muốn này không? Liệu đó có phải là tín hiệu của em bé thông báo nhu cầu dinh dưỡng của mình không? Câu trả lời là không. Cũng có ít nhiều manh mối cho thấy hiện tượng nghén của bà mẹ liên quan đến việc cơ thể thiếu sắt, nhưng dữ liệu còn rất mỏng manh ít ỏi. Còn chủ yếu đều là do thói quen sử dụng thực phẩm trong đời sống hằng ngày. Một người hay viện đến sô-cô-la để xoa dịu những cơn âu lo, sẽ hình thành nỗi thèm sô-cô-la mỗi khi cảm thấy căng thẳng. Mà khi mang thai, phụ nữ lại rất hay rơi vào trạng thái căng thẳng. (Nỗi thèm sô-cô-la này là một phản xạ có điều kiện, chứ không phải nhu cầu sinh học). Cho đến giờ, khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao thai phụ lại hay có những ham thích điên rồ đến thế.
Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là cơ thể không hề có nhu cầu nào về dinh dưỡng. Một bà mẹ mang thai giống như một con tàu với hai hành khách mà chỉ có một căn bếp. Mà chúng ta lại mong đợi gian bếp này dự trữ đầy đủ mọi đồ ăn thức uống có lợi cho sự phát triển não bộ. Trong số 45 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, có tới 38 loại được chứng minh là thiết yếu với sự phát triển hệ thần kinh. Bạn có thể xem đằng sau bao bì các loại thực phẩm bổ sung vitamin với công thức dành cho thai kỳ để thấy toàn bộ danh sách này. Chúng ta có thể nhìn lại lịch sử tiến hóa của con người nhằm có được ít nhiều chỉ dẫn xem nên ăn gì để bổ sung các chất dinh dưỡng này. Vì chúng ta đã biết ít nhiều về điều kiện khí hậu, bối cảnh con người phát triển qua hàng triệu năm – một yếu tố hỗ trợ cho chu vi ngày càng tăng mãi lên của não bộ – ta có thể suy đoán về những loại thực phẩm có tác dụng tốt trong quá trình đó.
Chế độ ẩm thực của người nguyên thủy
Một bộ phim cũ có tên gọi Hành trình tìm lửa mở ra với cảnh tổ tiên chúng ta đang ngồi bên ngọn lửa, tóp tép nhai đủ loại thức ăn. Những con côn trùng to đùng bay vo ve quanh ngọn lửa. Đột nhiên, một trong những người họ hàng xa xưa của chúng ta vung tay ra, tóm lấy một con côn trùng đang bay, cho vào mồm ăn ngon lành, rồi lại tiếp tục nhìn vào ngọn lửa. Còn có cảnh mọi người đào xới đất tìm rau củ và hái quả trên cây. Chào mừng bạn đến với chế độ ẩm thực thượng hạng của kỷ Pleistocene. Các nhà nghiên cứu tin rằng suốt hàng trăm nghìn năm, thực đơn hằng ngày của loài người chủ yếu bao gồm các cây thân cỏ, trái cây, rau, các loài động vật có vú nhỏ và côn trùng. Năm thì mười họa mới hạ được một con voi ma mút, thế là sẽ ngốn thịt liền cả hai, ba ngày sau để món thịt không bị hỏng. May mắn đôi lần mỗi năm, chúng ta mới được biết vị đường, lấy từ tổ ong nào đó, nhưng cũng chỉ dưới dạng glucose và fructose dễ hấp thụ. Chính vì đường chưa bao giờ là một thành phần thường xuyên trong trải nghiệm tiến hóa của chúng ta, chúng ta chưa bao giờ hình thành cơ chế bảo vệ chống lại nó. Một số nhà sinh học tin đây chính là lý do con người giờ đây dễ bị sâu răng. Chế độ ăn uống kiểu này (à dĩ nhiên, trừ chuyện ăn côn trùng) ngày nay vẫn được một số nhóm ăn kiêng duy trì với tên gọi là chế độ ăn uống cổ sinh.
Là vậy, hơi buồn tẻ. Và hẳn quen đến nhàm tai. Một bữa ăn cân bằng, chú trọng hoa quả và rau củ, vẫn luôn là lời khuyên tốt nhất cho thai phụ. Với những đối tượng không-phải-người-ăn-chay, nguồn chất sắt dưới dạng thịt đỏ là phù hợp. Chất sắt rất cần thiết cho sự phát triển đầy đủ và thực hiện chức năng bình thường của não bộ, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, người ăn chay hay người thường.
Thần dược diệu kỳ
Có rất nhiều ảo tưởng quanh chuyện nên hay không nên ăn thứ gì – không chỉ trong thai kỳ đâu, mà cả đời bạn kia. Tôi có một cậu sinh viên chăm chỉ, một cậu chàng sâu sắc. Một ngày nọ, cậu chàng lên gặp tôi sau giờ học, hào hển khoe một loại thần dược “diệu kỳ”. “Thuốc bổ thần kinh thầy ạ!”, cậu reo lên. “Nó tăng cường trí nhớ, giúp tư duy tốt hơn. Em có nên uống không thầy?” Cậu đẩy mạnh ra trước mặt tôi một tờ quảng cáo rễ cây bạch quả.
Được chiết xuất từ cây bạch quả, ginkgo biloba đã được quảng cáo suốt nhiều thập niên như một loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ ở cả người già và người trẻ, thậm chí là một thần dược điều trị chứng Alzheimer. Những tuyên bố này đã được kiểm nghiệm. Một số nhà nghiên cứu đã bắt tay nghiên cứu tính dụng của bạch quả. “Thầy rất tiếc – tôi nói với cậu học sinh. Ginkgo biloba không hề tăng cường nhận thức ở bất cứ nhóm người lớn khỏe mạnh nào – bất kể là trí nhớ, hay xây dựng thị giác – không gian, hay ngôn ngữ hay tốc độ thần kinh vận động hay chức năng giám sát.” “Thế với người già thì sao ạ?” Cậu chàng cố vớt vát. “Không hề. Nó không ngăn ngừa, cũng không làm chậm quá trình Alzheimer hay sa sút trí tuệ. Ngay với chứng suy giảm nhận thức vì tuổi tác thông thường, cũng không có tác dụng gì. Các loại thực vật khác, ví như cây lĩnh (được quảng cáo là trị chứng trầm uất) cũng không khả quan hơn.” Cậu trò của tôi ra về, ủ ê thất vọng. “Việc tốt nhất em có thể làm là đánh một giấc thật say!” Tôi la với theo cậu bé.
Vì đâu những chuyện hoang đường về dinh dưỡng này lừa phỉnh được cả những đứa trẻ thông minh sáng suốt như học trò của tôi kia chứ? Thứ nhất, các nghiên cứu dinh dưỡng thực sự rất khó thực hiện, và thường thiếu vốn trầm trọng. Nhất là khi để chứng minh hiệu quả của thực phẩm cần những thử nghiệm lâu dài, chặt chẽ, mà thường không thể hoàn thành. Thứ hai, phần lớn thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ đều rất phức tạp xét ở cấp độ tế bào (rượu vang chẳng hạn, có thể gồm tới 300 thành phần). Thường rất khó để phân biệt xem phần nào của sản phẩm ấy thực sự mang lại lợi ích – hay là gây hại.
Cách cơ thể chúng ta xử lý thực phẩm thậm chí còn phức tạp hơn nữa. Chúng ta không biến đổi thức ăn theo lối giống hệt nhau. Một số người lấy được calo từ một mẩu giấy; có người lại không thể tăng cân dù đã uống cả sữa cho người gầy. Một số người sử dụng bơ lạc như là nguồn cung cấp protein chủ yếu; người khác có thể sẽ chết vì bị dị ứng dù chỉ thoáng ngửi thấy mùi bơ lạc. Với những thất bại liên miên không dứt của hầu như tất cả các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, không một chế độ ăn uống riêng lẻ nào có tác dụng như nhau với tất cả mọi người, và đó là bởi tính cá thể siêu phàm này. Điều này càng đúng hơn khi bạn đang mang bầu.
Tế bào thần kinh cần các loại omega-3
Vậy thì, bạn đã hiểu tại sao, đến thời điểm này, mới có hai loại thực phẩm được khoa học kiểm nghiệm và chứng minh là có góp phần hỗ trợ quá trình phát triển não bộ của trẻ từ thời còn ở trong bụng mẹ. Một là axit folic uống trong giai đoạn thụ thai, hai là các axit béo omega-3. Omega-3 chính là thành tố căn cốt của các lớp cấu tạo nên tế bào thần kinh; không có chúng, tế bào thần kinh không thể thực hiện chức năng đầy đủ được. Cơ thể con người không tự sản sinh ra omega-3, vậy nên chúng ta phải “nhập” loại axit béo này theo đường ăn uống. Ăn cá, đặc biệt là các loại có dầu chính là một cách hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, nếu không đủ omega-3, bạn sẽ có nguy cơ lớn mắc phải các chứng khó đọc, suy giảm chú ý, trầm uất, rối loạn lưỡng cực , thậm chí tâm thần phân liệt. Phần lớn chúng ta đều lấy đủ lượng axit béo trong chế độ ăn uống thông thường, nên nói chung đây không phải vấn đề nghiêm trọng. Nhưng vẫn cần nhắc lại: não bộ cần các loại axit béo omega-3 để tế bào thần kinh thực hiện chức năng đầy đủ. Thật ra, điều này dường như đã biết đến từ cả thập kỷ trước, trong chương trình hài tạp kỹ của Three Stooges những năm đầu thế kỷ XX, trong đó có màn đối thoại hài hước giữa Larry và Moe. Larry: Này Moe, ăn cá rất tốt cho não đấy. Moe đáp: Này Larry, thế thì cậu phải ăn cả con cá voi ý nhỉ.
Vậy, nếu một lượng omega-3 vừa phải giúp bạn tránh các rối loạn về tâm thần, thì liệu một lượng to-bằng-con-cá-voi có giúp gia tăng sức mạnh trí não không, nhất là đối với em bé? Chưa có gì là rõ ràng cả và hẳn chúng ta còn phải đợi kết quả từ những công trình nghiên cứu sâu xa hơn, nhưng vài nghiên cứu đã nêu ra được vấn đề cần xác thực. Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã xem xét 135 trẻ sơ sinh và thói quen ăn uống của các bà mẹ trong thời gian mang thai. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng các bà mẹ ăn nhiều cá hơn từ thời điểm bước vào tam cá nguyệt thứ ba sinh ra những đứa con thông minh hơn. Nói “thông minh hơn”, ý của tôi là những em bé đạt được thành tích tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, đo trí nhớ, nhận biết và sức chú ý ở trẻ sơ sinh sáu tháng tuổi. Khác biệt không lớn cho lắm, nhưng có tồn tại. Kết quả là, các nhà nghiên cứu khuyên các thai phụ nên ăn ít nhất 340g cá mỗi tuần.
Thế còn thủy ngân trong cá – một nguyên tố có thể làm tổn thương não bộ thì sao? Có vẻ lợi ích vẫn vượt trội so với tác hại. Các nhà nghiên cứu cũng nói thêm rằng thai phụ nên ăn 340g cá từ những nguồn ít tập trung thủy ngân (ví như: cá hồi, cá tuyết, cá mòi và cá ngừ vân đóng hộp), hơn là những loại cá săn mồi có vòng đời dài (cá kiếm, cá thu và cá ngừ).
Hẳn nhiên, tôi cũng biết rằng ăn uống sao cho đúng khó vô cùng, bất kể bạn đang gắng kiểm soát xem ăn bao nhiêu, ăn những gì, hay cả hai. Ở đây, lại là quy tắc Goldilocks: bạn cần vừa đủ lượng thực phẩm cần thiết, chứ không phải quá nhiều.
3. Tránh căng thẳng quá thường xuyên
Sống ở Quebec và mang bầu trong khoảng đầu tháng một năm 1998 không phải một ý hay. Mưa xối xả suốt 80 tiếng đồng hồ, trời lạnh cóng, rồi lại đến những trận mưa phùn lê thê trải khắp miền đông Canada – kéo theo nền nhiệt sụt giảm đột ngột. Chuỗi hiện tượng khí hậu này đã biến miền đông Canada trở thành một địa ngục lạnh lẽo. Dưới sức nặng của băng giá, hơn một nghìn trụ điện cao thế đã ngã rạp như những quân cờ domino. Các đường hầm đổ sập. Ba mươi người chết. Tình trạng khẩn cấp được ban bố; quân đội được huy động. Kể cả như vậy, dân cư vẫn phải chịu cảnh thiếu điện suốt nhiều tuần trời, trong điều kiện thời tiết lạnh cóng. Nếu khi đó bạn đang có bầu và không thể đến bệnh viện để thực hiện kiểm tra định kỳ – và tệ hơn nữa, nếu đến lúc lâm bồn – bạn sẽ căng thẳng đến phát điên mất. Và em bé sơ sinh của bạn cũng vậy. Những tác động của cơn bão này có thể được quan sát trên não bộ cả nhiều năm sau đó.
Làm thế nào chúng ta biết được điều đó? Một nhóm nghiên cứu đã quyết định tìm hiểu xem thảm họa tự nhiên này đã tác động lên bào thai như thế nào bằng cách theo sát các em bé “sinh ra trong bão” đến giai đoạn trưởng thành và bước vào hệ thống giáo dục Canada. Kết quả thật đáng sợ. Ngay từ khi lên 5, hành vi của nhóm trẻ này đã bộc lộ sự khác biệt rõ rệt với những em bé có mẹ không phải trải qua cơn bão này. Điểm số IQ ngôn ngữ và khả năng phát triển ngôn ngữ của các em đều thấp hơn, dù đã tính đến cả trình độ giáo dục, nghề nghiệp và thu nhập của cha mẹ các em. Liệu có phải trạng thái căng thẳng của các bà mẹ chính là thủ phạm? Câu trả lời, hóa ra là ĐÚNG.
Tình trạng căng thẳng của các bà mẹ có thể ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của thai nhi trước khi sinh. Chúng ta đã không lường trước được điều này. Suốt một thời gian, chúng ta thậm chí còn không dám chắc là liệu các hóc môn căng thẳng của bà mẹ có truyền tới em bé hay không. Nhưng chúng CÓ, và gây ra những hệ quả hành vi rất lâu dài, đặc biệt trong trường hợp bà mẹ mắc phải tâm trạng căng thẳng, cấp tính hoặc mãn tính, hoặc cả hai, trong những tháng cuối cùng, rất thần diệu nhưng quá ư nhạy cảm, của thai kỳ. Những hệ quả ấy như thế nào?
Nếu bạn bị căng thẳng nghiêm trọng trong thai kỳ, trẻ dễ:
• Thay đổi tính khí: trở nên dễ cáu kỉnh, khó dỗ dành hơn.
• Giảm IQ: trong năm đầu tiên, chỉ số IQ trung bình giảm khoảng 8 điểm, sai khác hẳn giữa “trung bình” và “khá thông minh” (căn cứ trên giản đồ năm 1944 của David Wechsler).
• Bị kìm hãm các kỹ năng vận động, giảm khả năng chú ý và năng lực tập trung. Tình trạng này vẫn còn quan sát thấy ở tuổi lên 6. Nó có thể gây tổn hại đến hệ thống phản xạ trước áp lực của con bạn.
• Căng thẳng còn có thể làm cho kích thước não của con bạn co lại.
Hơn 100 nghiên cứu tại nhiều nước phát triển đều ghi nhận tác động tiêu cực mạnh mẽ của tình trạng căng thẳng lên sự phát triển não bộ của trẻ. David Laplante, tác giả chính trong nghiên cứu về bão tuyết (bạn vừa đọc ở trên), đã phát ngôn theo lối tương đối giảm tránh: “Chúng tôi có đặt ra hoài nghi rằng việc đối mặt với căng thẳng ở những mức độ cao có thể tác động đến sự phát triển thần kinh thai nhi, từ đó ảnh hưởng tới biểu hiện của năng lực hành vi thần kinh của trẻ trong những năm đầu đời.”
Điều này có khiến bạn lo lắng bồn chồn không? Thật may, không phải căng thẳng nào cũng hại. Căng thẳng ở mức khiêm tốn, loại mà các bà mẹ rất hay gặp phải trong suốt thai kỳ, thực ra lại có vẻ hữu ích với các bé. (Cảm giác căng thẳng có xu hướng khiến con người phải vận động, mà chúng ta vẫn nghĩ là việc đó sẽ làm phong phú thêm môi trường của trẻ.) Tử cung là một kết cấu chắc khỏe đến đáng ngạc nhiên, cả tử cung lẫn hành khách tí hon trong đó đều được trang bị đầy đủ để vượt qua những tác nhân gây căng thẳng điển hình. Nó chỉ không sẵn sàng cho những cuộc tấn công dai dẳng liên tục mà thôi. Vậy thì, làm thế nào để có thể phân biệt được giữa kiểu căng thẳng gây tổn hại não bộ với kiểu căng thẳng lành tính, thậm chí tích cực?
Ba kiểu căng thẳng độc hại
Các nhà nghiên cứu phân biệt ba loại căng thẳng độc hại. Đặc điểm chung của chúng là: bạn cảm thấy mất kiểm soát khi thứ gì đó tồi tệ xảy đến với mình. Khi cơn căng thẳng chuyển dịch từ vừa phải sang nghiêm trọng và từ cấp tính sang mãn tính, tình trạng mất kiểm soát này trở nên thảm khốc và bắt đầu tác động lên em bé. Các loại căng thẳng độc hại bao gồm:
• Quá thường xuyên. Những cơn căng thẳng mãn tính, dai dẳng suốt thai kỳ gây tổn thương cho sự phát triển não bộ của bé. Không nhất thiết phải là những căng thẳng cam go khốc liệt. Độc tính sẽ ngấm dần, và bộc phát khi bạn phải đối diện trong thời gian dài với các tác nhân gây stress mà bạn nhận thức được là thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Những tác nhân đó có thể là công việc đòi hỏi quá cao, một chứng bệnh mãn tính nào đó, thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng hay cảnh túng thiếu.
• Quá khốc liệt. Một sự kiện dữ dội, khó khăn xảy ra trong thai kỳ có thể làm tổn thương sự phát triển não bộ của trẻ. Không nhất thiết phải là một trận bão tuyết, chỉ cần một sự kiện nào đó có dính dáng đến một mối quan hệ, ví như: ly thân, ly hôn, cái chết của người thân yêu (đặc biệt là người chồng) cũng gây hậu quả tương tự. Hay như bị mất việc đột ngột hay bị tấn công hình sự, ví như hãm hiếp. Vấn đề mấu chốt ở đây, một lần nữa, lại là mất kiểm soát.
• Quá sức chịu đựng. Qua nhiều thập niên, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đã rút ra kết luận rằng có một số người nhạy cảm với các sự kiện gây căng thẳng hơn những người khác. Nếu bạn dễ bị căng thẳng, thì bào thai của bạn cũng vậy. Chúng ta ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định rằng tình trạng nhạy cảm với căng thẳng có yếu tố di truyền. Thế nên ai vốn là tạng người dễ căng thẳng cần cố gắng duy trì những cơn căng thẳng ở mức tối thiểu trong suốt thai kỳ.
Chuột kìa! Lại tuột tay mất rồi!
Rất nhiều công trình nghiên cứu đã gắng lý giải xem làm cách nào tình trạng căng thẳng ở mẹ lại ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Và chúng ta đã bắt tay vào trả lời câu hỏi này ở cấp độ gần gũi nhất có thể: cấp độ tế bào và phân tử. Và chúng ta phải cảm ơn Hans Selye, một nhà nghiên cứu lập dị vì những tiến bộ có được trong lĩnh vực này. Hans Selye chính là cha đẻ của thuật ngữ stress. Từ khi là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi, Selye đã tán nhỏ “các chiết xuất nội tiết”, đoán chừng trong đó có chứa các hóc môn stress chủ động, và tiêm chúng vào cơ thể chuột, để xem chuột sẽ làm gì. Ông không thạo việc đó cho lắm.
Các máy móc thí nghiệm của ông, dù nói tránh nói giảm đến mấy, vẫn cứ là kinh hoàng. Ông thường làm rơi những con vật thí nghiệm tội nghiệp khi gắng tìm cách tiêm cho chúng. Ông phải vác chổi đuổi theo chúng vòng quanh, gắng nhốt chúng vào lại trong chuồng. Chẳng có gì ngạc nhiên, đám chuột trở nên căng thẳng khi Selye xuất hiện. Ông quan sát thấy rằng chỉ cần chường mặt ra trước lũ chuột là đã có thể tạo ra phản xạ sinh lý này. Công việc chủ yếu của ông là tiêm cho các con vật ấy chiết xuất nội tiết và với một nhóm nhỏ khác, là dung dịch nước muối. Nhưng ông lúng túng khi thấy rằng cả hai nhóm này đều nổi ung nhọt, mất ngủ và trở nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Sau nhiều lần quan sát, Selye kết luận rằng căng thẳng chính là thủ phạm. Một khái niệm mới mẻ đến bất ngờ vào thời bấy giờ. Selye cũng phát hiện ra rằng nếu lũ chuột không thể loại bỏ căn nguyên gây căng thẳng, hoặc không thể đương đầu với nó, thì chúng dễ mắc các loại bệnh tật và nhiều hệ quả khác. Để miêu tả hiện tượng này, Selye đã dùng thuật ngữ “stress.”
Phát hiện này của Selye đã đề cập đến một vấn đề xưa nay hiếm được quan tâm: mối liên kết giữa các hành vi hữu hình và các quy trình phân tử vô hình. Công trình của Selye đã cho phép giới nghiên cứu tìm hiểu xem căng thẳng có thể ảnh hưởng ra sao tới các mô sinh học, bao gồm cả quá trình phát triển não bộ. Nhờ vào những phát kiến tiên phong này, chúng ta đã hiểu phần nào tác động của các hóc môn stress tới các mô thần kinh đang sinh trưởng, bao gồm cả mô thần kinh ở em bé. Dù phần lớn công trình được thí nghiệm trên cơ thể chuột, các quy trình cơ bản ở người không có gì khác biệt.
Một hóc môn stress quan trọng là cortisol. Nó chính là tuyển thủ ngôi sao trong một đội gồm toàn những phân tử ngỗ ngược có tên gọi chung là glucocorticoid Những hóc môn này kiểm soát các phản xạ với stress quen thuộc nhất với chúng ta, từ việc làm cho tim ta đập thình thịch như xe đua giải NASCAR cho tới cơn buồn tiểu tiện, đại tiện thôi thúc. Glucocorticoid mạnh mẽ tới mức não bộ đã phải phát triển một hệ thống “phanh” tự nhiên để tắt hóc môn này ngay khi cơn căng thẳng đã qua đi. Một khu thần kinh nhỏ cỡ một hạt đậu ở ngay giữa bộ não, gọi là vùng dưới đồi chịu trách nhiệm giải phóng và kìm hãm những hóc môn này.
Hồng tâm: Hệ thống phản ứng với stress ở trẻ
Các hóc môn stress ở người mẹ sẽ tác động tới em bé nhờ chuyển vận qua nhau thai và đi vào não bé, giống như tên lửa hành trình được lập trình để bắn vào hai mục tiêu. Đây chính là nền tảng của Quy luật trí não: Mẹ căng thẳng, bé sẽ căng thẳng theo.
Mục tiêu tấn công đầu tiên chính là hệ viền của em bé, khu vực điều tiết cảm xúc và trí nhớ. Vùng này phát triển chậm hơn khi có sự xuất hiện của các hóc môn dư thừa. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta nghĩ rằng nhận thức của trẻ bị tổn hại nếu người mẹ bị căng thẳng cao độ hoặc căng thẳng triền miên.
Mục tiêu thứ hai là hệ thống phanh mà tôi vừa nhắc tới ở trên, hệ thống vốn có chức năng kiềm chế mức độ glucocorticoid sau khi cơn stress đã qua đi. Hóc môn dư thừa từ người mẹ có thể đồng nghĩa với việc bé sẽ gặp khó khăn trong việc tắt hệ thống hóc môn stress của chính mình. Bộ não của bé sẽ bị “ướp” trong glucocorticoid mà giờ đây không thể kiểm soát được nữa. Bé có thể mang theo hệ thống phản ứng với stress đã bị tổn hại này tới tuổi trưởng thành, sẽ phải vất vả mỗi lúc phải vận hành hệ thống phanh khi gặp tình trạng căng thẳng. Mức glucocorticoid tăng dần trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống của bé. Đến khi mang bầu, người mẹ tương lai này sẽ lại “tắm” cho em bé đang phát triển trong tử cung kia thứ dung dịch độc hại thừa mứa này. Bào thai hình thành nên một vùng đồi căng thẳng cục bộ, tiết ra nhiều glucocorticoid, và não bộ của thế hệ tiếp theo teo nhỏ thêm một chút. Vòng tuần hoàn ác tính cứ thế tiếp tục. Stress thừa mứa là thứ dễ lây truyền: bạn có thể lây từ con mình, và bạn có thể truyền cho trẻ.
Lấy lại quyền kiểm soát
Rõ ràng căng thẳng không hề tốt cho thai phụ hay em bé. Để trí não của bé phát triển tối ưu, bạn cần duy trì môi trường lành mạnh, ít căng thẳng nhất, đặc biệt là trong vài tháng cuối thai kỳ. Bạn không thể đảo ngược hoàn toàn cuộc sống của mình, hẳn nhiên là thế. Nhưng bạn có thể giảm nhẹ cơn căng thẳng của mình, với sự quan tâm âu yếm dịu dàng của người bạn đời. Chúng ta sẽ đi sâu về vấn đề này hơn trong chương tiếp theo. Còn trước tiên, bạn nên xác định những khu vực bạn cảm thấy mất kiểm soát nhất, sau đó chủ động vạch ra các chiến lược lấy lại quyền kiểm soát. Trong một số trường hợp, điều này đồng nghĩa với việc phải thoát khỏi tình huống là nguồn cơn gây ra căng thẳng. Một sự trợ giúp tạm thời mang lại sự khuyến khích có thể chuyển đổi thành lợi ích cả đời cho não bộ của trẻ.
Có rất nhiều cách chủ động rèn luyện để giải phóng stress. Biện pháp hiệu quả hạng nhất phải kể đến luyện tập thể dục. Nó có rất nhiều lợi ích đến mức chính là chủ đề của quy luật cân bằng thứ tư và thứ năm.
4. Luyện tập ở mức vừa đủ
Tôi không lúc nào hết sửng sốt với vòng đời của loài linh dương đầu bò. Chúng nổi tiếng bởi tập tính di trú hằng năm trên những bình nguyên Tanzania và Kenya. Hàng ngàn, hàng ngàn con rùng rùng kéo nhau đi như bị thôi miên. Chúng di chuyển bởi hai nguyên cớ. Đầu tiên và trên hết, để kiếm tìm những đồng cỏ mới. Nhưng chúng còn có tới 240 kg thịt dự trữ trên cơ thể; lý do sâu xa khiến chúng phải di chuyển không ngơi nghỉ bởi đã quá quen với cuộc rượt đuổi của các động vật săn mồi.
Do nhu cầu cấp bách này, phần thú vị nhất trong vòng đời của linh dương đầu bò chính là phần hoài thai và sinh nở. Giai đoạn hoài thai cũng dài gần như ở con người, khoảng chừng 260 ngày, nhưng những nét tương đồng nhanh chóng kết thúc khi kỳ sinh nở bắt đầu. Linh dương mẹ đẻ rất chóng vánh. Nếu không có biến chứng gì, con mẹ sẽ phục hồi rất nhanh. Con non cũng vậy, chúng sẽ đứng lên ngay trên bốn cẳng chân của mình – à, đúng hơn là cái bụng trướng to đùng – chỉ một giờ sau khi chào đời. Chúng buộc phải thế. Những con non này đại diện cho tương lai của cả đàn, nhưng chúng cũng là phần dân số non nớt nhất của đàn, có nhiều khả năng trở thành mồi ngon cho lũ báo đốm khát máu.
Cũng như vậy, con người chúng ta đã trải qua cả thời thanh xuân của quá trình tiến hóa trên những đồng cỏ ấy, chúng ta chia sẻ những vấn đề thú săn mồi/ con mồi tương tự với linh dương đầu bò. Bạn có thể tưởng tượng thấy ngay, có những khác biệt chủ yếu trong sinh nở và nuôi dưỡng con non giữa linh dương đầu bò với con người. Phụ nữ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục sau kỳ sinh nở (lại là bởi bộ não rất to và quá nặng, thứ vũ khí bí mật của tiến hóa, đã tự đẩy mình ra, thông qua một khe âm đạo nhỏ hẹp), và phải mất gần một năm, con non của loài người mới đi lại được. Dù gì đi chăng nữa, những tiếng vọng tiến hóa ám chỉ rằng việc rèn luyện sức khỏe rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta, kể cả trong thai kỳ. Các nhà nhân chủng học cho rằng con người đi lại khoảng 19,2 km mỗi ngày.
Bà mẹ thon gọn phải rặn đẻ ít hơn
Thế có phải là thể dục nên trở thành một hoạt động thường xuyên trong thai kỳ của con người? Khoa học đã chứng minh rằng ĐÚNG THẾ. Lợi ích đầu tiên rất thiết thực, liên quan trực tiếp đến sinh nở. Rất nhiều thai phụ đồng tình rằng sinh nở vừa là trải nghiệm gây phấn chấn nhất, nhưng cũng là đau đớn nhất đời mình. Nhưng những thai phụ luyện tập thường xuyên sẽ sinh nở dễ dàng hơn những người thừa cân. Với những bà mẹ thon gọn, giai đoạn thứ hai trong khi lâm bồn – phần đau đớn nhất, phải rặn đẻ rất nhiều – chỉ kéo dài 27 phút. Còn những bà mẹ không được thon gọn về mặt hình thể phải rặn dẻ chừng 1 tiếng đồng hồ, lâu hơn tương đối. Không có gì ngạc nhiên, các bà mẹ thon gọn cũng ít phải chịu đau đớn hơn.
Và, bởi giai đoạn rặn đẻ ngắn hơn rất nhiều, bé sơ sinh của các bà mẹ thon gọn cũng ít khả năng gặp phải tình trạng tổn thương não bộ do thiếu oxy. Nếu bạn sợ chuyện sinh nở, bản thân bạn rất nên thon gọn hết mức. Và các nguyên cớ đơn thuần đầy sức thuyết phục, xét về lịch sử tiến hóa từ đồng cỏ Serengeti.
Luyện tập giúp “làm đệm” chống lại stress
Các bà mẹ thon gọn cũng có xu hướng sinh ra những em bé thông minh hơn các bà mẹ béo phì. Có hai lý do giải thích cho điều này. Lý do thứ nhất liên quan đến những tác động trực tiếp từ luyện tập lên quá trình phát triển não bộ của trẻ – đặc biệt là luyện tập aerobic. Quan điểm này vẫn cần nghiên cứu thêm. Phần thuyết phục hơn ở đây chính là các dữ liệu liên hệ giữa bài tập aerobic với việc giảm thiểu stress.
Một số loại hình tập luyện thực tế có thể làm đệm cho một thai phụ chống lại ảnh hưởng tiêu cực của stress. Bạn có còn nhớ những glucocorticoid độc hại, những hóc môn xâm chiếm mô thần kinh và gây ra tổn thương não bộ? Tập aerobic sẽ giúp gia tăng một loại phân tử trong não bạn – loại có thể vô hiệu những tác động nguy hại của những glucocorticoid khó chịu này. Loại phân tử oai hùng này được gọi là nhân tố dinh dưỡng thần kinh phái sinh từ não bộ (BDNF – brain-derived neurotrophic factor). Nhiều BDNF hơn tức là bớt stress, đồng nghĩa với ít glucocorticoid trong tử cung của mẹ, đồng nghĩa với quá trình phát triển não bộ tốt hơn cho bé.
Nghe thì có vẻ lạ lùng, nhưng một bà mẹ thon gọn có cơ may lớn hơn nhiều để có được một đứa con thông minh – hay chí ít, là có nhiều khả năng nhất để huy động được tối đa IQ của bé – so với một bà mẹ kém phần thon gọn.
Hăm hở quá mức, bé cũng nôn nóng theo
Tuy vậy, như thường lệ, cũng có quy luật cân bằng ở đây. Một em bé có thể cảm nhận và phản ứng lại với hoạt động của mẹ. Khi nhịp tim của mẹ tăng lên, nhịp tim của bé cũng vậy. Khi nhịp thở của mẹ tăng lên, bé cũng vậy. Nhưng nó chỉ hiệu quả khi luyện tập vừa phải. Nếu luyện tập quá sức, đặc biệt là trong các giai đoạn cuối thai kỳ, nhịp tim của bé bắt đầu suy giảm, nhịp thở cũng vậy. Việc luyện tập hăm hở quá mức bắt đầu ngưng máu truyền tới tử cung, chặn nguồn cung oxy của bé – tác động không tốt tới não bộ. Tử cung cũng có thể bị nóng quá mức. Việc tăng thêm 20C làm tăng nguy cơ sẩy thai và có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển não và mắt. Thực tế là, đến tam cá nguyệt thứ ba, mức dự trữ oxy của bạn cũng khá thấp, vậy nên đây là thời điểm thích đáng để giảm cường độ luyện tập, chuẩn bị cho lúc lâm bồn. Bơi là một trong những hình thức tập luyện tốt nhất trong các giai đoạn cuối; nước giúp xua tan nhiệt lượng dư thừa tỏa ra từ tử cung.
Vậy mức cân bằng thích hợp ở đây là gì? Chỉ vài từ: tập aerobic thường xuyên, vừa phải. Với đa phần phụ nữ, điều đó đồng nghĩa với duy trì nhịp tim dưới 70% so với nhịp độ tối đa (tức là 220 nhịp/phút trừ đi số tuổi của bạn), sau đó là chậm dần đều khi ngày lâm bồn cận kề. Nhưng bạn nên luyện tập. Miễn là bạn không gặp phải các biến chứng thai sản hoặc những biến chứng y học khác, Trường Sản khoa Hoa Kỳ vẫn khuyên bạn nên luyện tập vừa phải, chừng 30 phút mỗi ngày.
MỖI MỘT CHÚT ĐỀU CÓ GIÁ TRỊ
Có thể bạn chưa có thói quen luyện tập hằng ngày. Có thể bạn đã bắt đầu cảm thấy tội lỗi vì uống đến tách café thứ hai trong lúc mang bầu. Nếu vậy, có lẽ bạn sẽ coi trọng những lời cam đoan từ giới nghiên cứu: là một giống loài trong tự nhiên, người tinh khôn đã sinh con đẻ cái thành công suốt 250 nghìn năm qua. Thiếu đủ thứ kiến thức, chúng ta vẫn cứ truyền đời nối dõi êm xuôi, và với thành công ấy, chúng ta chinh phục cả thế giới này. Những mục đích tốt đẹp nhất của bạn – bao gồm trong đó cả việc gõ mã Morse lên bụng bà bầu – là một bước tiến xa trong việc tạo dựng một môi trường tuyệt vời cho em bé đang lớn lên mỗi ngày của bạn.
Những điểm cốt yếu
• Trong nửa đầu thai kỳ, bé muốn được yên thân.
• Chớ có tiêu phí tiền bạc của bạn vào những thứ sản phẩm thương mại tự xưng có khả năng tăng cường điểm IQ, khí chất hay tính cách của bé đang trong bụng mẹ. Chưa một sản phẩm nào trong số đó từng được chứng minh có công dụng.
• Trong nửa sau của thai kỳ, bé bắt đầu nhận thức và xử lý một lượng lớn thông tin giác quan. Bé có thể ngửi thấy nước hoa bạn xức và cả mùi tỏi trên món bạn vừa mới ăn.
• Bà mẹ tương lai có thể thúc đẩy sự phát triển não bộ của bé nhờ bốn cách: tăng cân vừa đủ, ăn với chế độ cân bằng, luyện tập vừa phải và giảm căng thẳng.