Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN II. QUY TẮC VỀ THÁI ĐỘ



Một phần lớn của việc làm một phụ huynh nắm vững quy tắc là có được thái độ đúng đắn. Khi bạn học được cách suy nghĩ đúng đắn về con trẻ và những việc mình làm, thì những việc còn lại sẽ ổn cả.

Phần II này nói về việc làm thế nào để có được thái độ của một bậc phụ huynh hiểu rõ quy tắc, bao gồm thái độ của bạn đối với con cái và thái độ của bạn đối với trách nhiệm làm cha mẹ. Bạn cần coi con cái là tài sản quý giá nhất để có thể yêu thương, chăm sóc các cháu hết mình và trao cho cháu sự dạy dỗ cần thiết. Nếu trong mắt bạn, các cháu là lũ trẻ tinh quái, là những thiên thần, hay bất kỳ điều gì tiêu cực hoặc phi thực tế, bạn sẽ thấy những năm tiếp theo của một người làm cha, làm mẹ thật gian khó.

Phần này sẽ đề cập đến tất cả những gì liên quan tới việc xây dựng những mối quan hệ đúng đắn ngay từ ban đầu để các con bạn có thể trưởng thành và ngày càng độc lập hơn, và đó quả là một thành quả tuyệt vời. 

QUY TẮC 11

CHỈ YÊU THƯƠNG THÔI CHƯA ĐỦ

Bạn đã bao giờ nghe câu nói mang tính công thức: “Điều quan trọng nhất mà bạn có thể dành cho các con mình là tình yêu thương”? Vâng, hiển nhiên tình yêu thương là cần thiết. Tôi cho là tất cả chúng ta đều làm tốt điều này. Nhưng nếu đó là tất cả những gì bạn dành cho con mình, thì các cháu quả là thiệt thòi.

Các bậc phụ huynh theo phong cách híp-pi cho rằng con trẻ cần được chạy nhảy tự do thoải mái. Bạn không nên cấm cản (điều khiển) hay hạn chế các cháu (đặt ra những rào chắn vô hình).

Khi ở Glastonbury, tôi đã có cơ hội được chứng kiến những cháu bé được nuôi dạy theo phong cách híp-pi lớn lên như thế nào. Khi tới tuổi trưởng thành, các cháu gặp khó khăn khi bước vào thế giới thực, gây dựng các mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp. Thậm chí, có hai cháu đã chuyển hẳn ra nước ngoài sinh sống để thoát khỏi cha mẹ.

Vâng, đúng là bạn cần dành cho con tình yêu thương. Nhưng bạn còn cần dành cho con những điều khác nữa: tính kỷ luật, tự giác, các giá trị, khả năng thiết lập các mối quan hệ tốt, phong cách sống lành mạnh, các sở thích, một nền giáo dục tốt, trí tuệ khoáng đạt, khả năng biết tự lập, hiểu được giá trị đồng tiền, các kỹ năng trở nên quyết đoán, khả năng học hỏi.

Chẳng ai dám nói đó là việc dễ dàng. Khi có con, tức là bạn đã đảm nhận một công việc đầy khó khăn và trọng trách đeo đuổi suốt cuộc đời bạn. Thật không nên chút nào khi nghĩ rằng tất cả những gì bạn cần làm chỉ là yêu thương con cái và thế là có thể đánh dấu vào ô “tôi là một phụ huynh tuyệt vời”. Để con trẻ làm bất cứ điều gì các cháu muốn không có lợi cho các cháu, bạn cần tham gia cùng các cháu, hay nói cách khác, bạn cần dồn vào đó cả máu, mồ hôi và nước mắt. Hãy nhìn xung quanh bạn, biết bao bậc cha mẹ đã làm được việc đó, do vậy mọi chuyện sẽ không quá khó khăn. Điều quan trọng là bạn cần nhận thức được bạn có một nhiệm vụ lớn lao ở phía trước. Thật may là bạn có hẳn 18 năm để hoàn tất mọi việc.

 KHI CÓ CON, BẠN ĐÃ ĐẢM NHẬN MỘT CÔNG VIỆC LỚN ĐẦY KHÓ KHĂN ĐEO ĐUỔI SUỐT CUỘC ĐỜI BẠN.

 QUY TẮC 12

MỖI CÔNG THỨC LẠI CẦN NHỮNG THÀNH PHẦN KHÁC NHAU

Quy tắc 11 cho rằng bạn phải làm nhiều điều khác nữa ngoài việc chỉ yêu thương con. Vậy bạn sẽ phải làm những gì? Thật ra, chẳng có câu trả lời đơn giản nào cho câu hỏi này, nó phụ thuộc vào tính cách của con bạn và hoàn cảnh của bạn. Đây chính là điều mà quy tắc này đề cập đến.

Bạn không thể chỉ tuân theo một loạt các chỉ dẫn rồi áp dụng cho các con mình mà không suy nghĩ. Con trẻ không đơn giản như vậy. Tôi có người bạn đã áp dụng cùng một phương pháp cơ bản khi nuôi dạy ba cháu đầu và mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng đến cháu thứ tư thì lại hoàn toàn khác. Cháu nhìn nhận thế giới theo một cách khác hẳn. Cháu không chấp nhận sự áp đặt từ phía bố mẹ và cháu không chịu hiểu người khác. Tính cháu khá thú vị nhưng cháu lại rất giỏi ngụy biện. Ví dụ, cháu khăng khăng đi ngủ mà vẫn mặc quần áo bình thường với lập luận, cởi ra để làm gì khi mà ngay khi tỉnh dậy cháu sẽ phải mặc quần áo vào.

Đôi bạn tôi thường xuyên xung đột với cậu con trai này bởi cháu không cư xử như mong muốn của họ (ngoan như ba cháu đầu). Họ đã cùng trao đổi xem điều gì có tác dụng với con trai họ, điều gì không và tại sao, rồi cùng nghĩ xem liệu có công bằng hoặc hữu ích không khi đặt ra cho cháu cùng chuẩn mực như đối với các anh chị của cháu. Họ điều chỉnh một số quy tắc và giữ nguyên các quy tắc khác. Không quan trọng là quy tắc nào mà điều quan trọng là họ thật sự suy nghĩ về việc họ đang làm và tại sao họ lại làm như vậy.

Và các bạn biết không? Họ bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ cả về việc họ đối xử với ba cháu đầu như thế nào. Họ nhận ra việc đó thậm chí còn giúp cho mối quan hệ của họ với các cháu trở nên tốt đẹp hơn. 

Bí quyết ở đây là phải chú ý tới tất cả các khía cạnh có mâu thuẫn hoặc điều gì làm cho các con của mình có vẻ buồn rầu hay lo lắng, hãy tự hỏi tại sao và có thể giúp đỡ con thế nào. 

Vấn đề là nếu bạn không nghĩ về việc bạn sẽ làm, thì nhiều khả năng bạn sẽ không làm việc đó đúng cách. Nếu bạn không nghĩ trước cần mua gì trước khi mua sắm, rất có thể bạn sẽ trở về từ siêu thị với nhiều món đồ không cần thiết. Tương tự, nếu bạn không suy nghĩ kỹ về cách dạy dỗ con, có thể bạn vẫn sẽ xoay sở ổn thôi, nhưng bạn sẽ không nuôi dạy được các con mình theo cách tốt nhất có thể.

 NẾU BẠN KHÔNG NGHĨ TRƯỚC CẦN MUA GÌ TRƯỚC KHI MUA SẮM, RẤT CÓ THỂ BẠN SẼ TRỞ VỀ VỚI NHIỀU MÓN ĐỒ KHÔNG CẦN THIẾT. 

 QUY TẮC 13

HÃY VUI VẺ KHI NHÌN THẤY CON

Có những điều tôi không thể hiểu tại sao nhiều bậc cha mẹ lại nỡ làm đối với con trẻ. Khi đi học về hoặc trở về nhà sau một buổi chiều đi chơi, vừa bước vào cửa, đứa trẻ đã được đón chào thế này: “Bỏ đôi giày đầy bùn kia ra!” hoặc “Học bài ngay đi nhé! Học xong rồi mới được làm gì thì làm.”

Hồi còn đi học, tôi có một người bạn. Hôm đó, bạn tôi phải về nhà giữa buổi vì bị ngã ở phòng tập thể dục, sưng u cả đầu. Khi bạn tôi về tới nhà thì mẹ bạn đang lau sàn bếp. Bà ngẩng lên, nhíu mày rồi nói: “Con chưa được vào nhà đâu. Sàn đang ướt đấy.”

Làm sao để những đứa trẻ như vậy biết được rằng cha mẹ yêu mình? Các cháu sẽ nghĩ, cha mẹ chào đón ông bà, con của bạn bè, thậm chí cả bác đưa thư còn nồng nhiệt hơn là đối với mình.

Nhiều bậc cha mẹ cứ lờ con mình đi khi các cháu về tới nhà, cứ như thể các cháu là đồ vật vô tri vô giác. Điều này thật tệ, vì thái độ lạnh nhạt này không khác gì việc la mắng các cháu.

Ai cũng tất tả bận rộn vào giờ điểm tâm của những ngày các cháu phải đi học. Nhưng bạn sẽ không mất nhiều thời gian để tỏ ra thân thiện với các cháu và hãy thành thật một chút, bất cứ việc gì để làm các cháu bớt cáu kỉnh khi bạn chải đầu cho các cháu, hoặc làm bữa sáng đều xứng đáng phải không?

Có khó lắm không khi bạn dành cho con một nụ cười và một vòng tay âu yếm? Đó chỉ là một hành động nhỏ thôi, nhưng lại rất ý nghĩa với con trẻ. Điều các cháu muốn biết là bạn hạnh phúc khi được gặp các cháu.

Và nếu các cháu về nhà với đôi giày bẩn, trong khi bạn mới lau sàn bếp, bạn vẫn có thể dùng một câu nói đùa vui vẻ để ngăn cháu không bước vào nhà trước khi cởi giày ra, rồi ôm và hôn các cháu vì sự hợp tác của các cháu.

 CÓ KHÓ KHÔNG KHI BẠN DÀNH CHO CON MỘT NỤ CƯỜI VÀ MỘT VÒNG TAY ÂU YẾM?

 QUY TẮC 14

HÃY TÔN TRỌNG CON MÌNH

Tôi biết một người mẹ luôn ra lệnh cho các con mình: “Ăn đi!”, “Vào xe đi!”, “Đi đánh răng đi!”. Một lần, tôi nghe thấy cô phàn nàn rằng cô không biết làm cách nào để các con ăn nói lễ phép hơn hoặc biết nói lời cảm ơn. Bạn và tôi đều biết chính xác vấn đề của người mẹ này nằm ở đâu, nhưng cô thì không thể nhận ra.

Ra lệnh cho con trẻ rất dễ. Các cháu phải làm theo những gì bạn bảo, còn người lớn thì không. Do vậy, bạn nói với người lớn một cách lịch sự, nhưng lại hay ra lệnh cho các con mình. Vấn đề là các cháu không nhìn nhận sự việc như vậy. Các cháu không để ý cách bạn nói với những người khác như thế nào. Các cháu sẽ nói với bạn theo cách mà bạn nói với các cháu.

Nếu các con bạn biết nhận thức hơn một chút, các cháu sẽ để ý những gì bạn làm hơn là bạn nói. Vì thế, không những bạn không thể mắng các cháu vì đã bỏ qua các phép lịch sự, nếu chính bạn làm như vậy, mà bạn còn nên khen ngợi các cháu vì các cháu đã biết làm theo bạn.

Các con của bạn xứng đáng được tôn trọng, bởi các cháu cũng là con người. Nhưng trên tất cả, bạn sẽ không nhận được sự tôn trọng từ con mình nếu bạn không tôn trọng các cháu. Bạn không thể xem nhẹ uy quyền của mình. Các con bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những câu như: “Con đi đánh răng đi” hoặc “Con có thể giúp mẹ dọn bàn được không?” có thể nghe như một lời thỉnh cầu, nhưng các cháu không thể không làm theo. Bạn cần dạy các cháu ứng xử theo những cách tốt nhất có thể thông qua việc làm gương các cháu.

Các cháu không chỉ cần học ứng xử thông qua tấm gương là bạn. Bạn không bao giờ được thất hứa với các cháu, không bao giờ được nói dối các cháu (trừ trường hợp nói dối về Ông già Noel) và không bao giờ được chửi thề trước mặt các cháu, nếu bạn không muốn các cháu bắt chước bạn. Nếu bạn làm ngược lại, có nghĩa là bạn đang tuyên bố với các cháu rằng các cháu không quan trọng bằng những người khác và làm như thế là hoàn toàn bình thường. Điều đó không đúng và các con bạn rất cần hiểu điều đó.

Nếu bạn yêu các con mình hơn bất kỳ ai khác, thì các cháu xứng đáng được bạn tôn trọng. Có như vậy, các cháu mới học được cách cư xử lễ phép và lịch sự với mọi người xung quanh. Khi đó, câu hỏi “liệu thế hệ trẻ sẽ đi về đâu” sẽ được giải quyết.

 CÁC CON CỦA BẠN XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN TRỌNG, BỞI CÁC CHÁU CŨNG LÀ CON NGƯỜI. 

 QUY TẮC 15

HÃY TẬN HƯỞNG KHOẢNG THỜI GIAN Ở BÊN CON

Tôi hiểu bạn có chút do dự khi đọc quy tắc này. Thực tế, tôi là người đầu tiên phải công nhận là có những lúc rất khó để thực hiện quy tắc này.

Bạn đừng lo. Quy tắc này không có nghĩa là bạn phải luôn có hứng thú khi ở bên con. Tất cả những gì tôi muốn nói là, khi có dịp thư giãn cùng các con – vào cuối tuần, kỳ nghỉ hoặc khi đọc truyện cho con nghe trước khi đi ngủ – bạn hãy tận hưởng những giờ phút đó vì điều đó rất quan trọng.

Tại sao bạn không thể tận hưởng? Tất cả chỉ vì bạn luôn nghĩ tới những việc mà bạn có thể làm vào lúc đó – một danh sách dài những việc nhà, món rau trên bếp, hoặc bài báo cáo công việc vào ngày mai.

Bạn phải dừng ngay lại! Bạn đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất trong danh sách việc cần làm, đó là tận hưởng thời gian bên con. Hãy thôi nghĩ tới những điều khác và hãy thật sự tập trung vào con, tập trung vào những gì các bé nói và làm. Hãy nhận ra rằng việc này quan trọng ngang với những việc như: thay tã cho con, chuẩn bị bữa ăn chiều hoặc chuẩn bị bài báo cáo. Vậy nên bạn hãy trò chuyện với con mình thật thoải mái. Ví dụ, khi con bạn khoe: “Mẹ có tưởng tượng được không? Con vừa giết được 17 con thủy quái đấy”, thì bạn đừng chỉ ậm ừ qua loa “Thế à”. Thay vào đó, bạn hãy nói: “Thế nghĩa là con trai mẹ đã dùng hết các mũi tên rồi sao?”

Một mẹo nhỏ để cảm thấy hứng thú khi ở bên con là tập trung vào việc đó như thể đó là mục tiêu cuối cùng. Vâng, có thể là bạn không thật sự thích thú với việc thay các loại váy áo cho búp bê, nói chuyện về các điểm mạnh của từng đội bóng, nghe về trận chiến tưởng tượng hết sức chi tiết giữa thế lực ánh sáng và những người ngoài hành tinh. Bạn không phải làm tất cả những việc đó. Tất cả chỉ là phương tiện để đi tới đích. Mục đích cuối cùng là dành thời gian bên con trẻ, tìm hiểu cách các cháu nhìn nhận về thế giới và những điều làm các cháu ngạc nhiên, buồn bã, tổn thương, vui vẻ, thích thú, chán ghét hoặc kích thích trí tò mò của các cháu.

Khi bạn học được cách thôi nghĩ tới các việc khác và tận hưởng thời gian ở bên con, bạn sẽ thấy niềm vui khi ở bên con sẽ tăng lên đáng kể và bạn sẽ thật sự bắt đầu học hỏi từ con mình. 

 HÃY TẬP TRUNG VÀO VIỆC ĐÓ NHƯ THỂ ĐÓ LÀ MỤC TIÊU CUỐI CÙNG.

 QUY TẮC 16

GIỮ SẠCH SẼ, NGĂN NẮP KHÔNG QUÁ QUAN TRỌNG NHƯ BẠN NGHĨ

Khi tôi mới gặp vợ tôi bây giờ, tôi cảm thấy hơi sợ khi tới nhà cô ấy. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những chiếc bàn sạch bóng, sàn nhà gần như không có một hạt bụi. Bạn hỏi bất cứ đồ vật gì trong nhà và cô ấy có thể cho bạn biết chúng ở đâu (ý tôi là tất cả mọi thứ đều có chỗ riêng của chúng).

Tôi có thể nói với bạn rằng đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi thuộc týp người không mảy may để ý gì đến việc tổ chức sắp xếp nhà cửa. Tôi phải thú nhận rằng, khi chúng tôi quyết định có con, tôi đã rất lo lắng, không biết liệu vợ tôi sẽ đối mặt với mọi thứ thế nào. Tôi biết cách chăm sóc nhà cửa của cô ấy sẽ không thích hợp với kiểu nuôi dạy con một cách thoải mái và không nặng nề như cả hai chúng tôi đều muốn.

Vậy mà cô ấy lại thích nghi rất nhanh. Nhiều bậc cha mẹ khác cũng nhanh chóng thay đổi, tuy nhiên đó không phải là tất cả. Một số vẫn khăng khăng không chịu được những thứ như bùn, bụi bẩn, rác, sách vở, đồ chơi, sự ồn ào và vô tổ chức vốn được coi là vấn đề đương nhiên đối với con trẻ. 

Ở đây có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là bạn phải gồng mình lên, cố gắng làm những điều không thể và giữ cho nhà cửa gọn gàng, trong khi khiến các con luôn căng thẳng và cảm thấy gò bó vì không được phép hành xử một cách tự nhiên. Lựa chọn thứ hai là mặc kệ hết thảy, thoải mái cho các cháu nô đùa, nghịch ngợm để gia đình vui vẻ dù nhà cửa có bừa bộn. Tôi nghĩ chúng ta đều biết lựa chọn nào tốt hơn.

Tôi không có ý nói là con trẻ không cần sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng trước tiên hãy để các cháu được vui chơi thoải mái, sau đó cả gia đình có thể cùng dọn dẹp. Không vấn đề gì nếu khăn trải bàn dính đầy màu vẽ hoặc quần áo các cháu bị lấm bùn. Bởi tất cả đều có thể giặt sạch. Vấn đề sẽ chỉ xảy ra khi các cháu không được phép sống thoải mái và vui vẻ.

 TÔI KHÔNG CÓ Ý NÓI LÀ CON TRẺ KHÔNG CẦN SẠCH SẼ, GỌN GÀNG, NHƯNG TRƯỚC TIÊN HÃY ĐỂ CÁC CHÁU ĐƯỢC VUI CHƠI THOẢI MÁI.

 QUY TẮC 17

BIẾT CHẤP NHẬN RỦI RO ĐÃ LƯỜNG TRƯỚC

Khi tôi còn nhỏ, có một chuyện đã xảy ra với cậu em trai 8 tuổi của tôi. Cậu ấy quyết định leo lên một cái cây cao ở trong vườn. Khi nó leo được gần bằng mái nhà thì cành cây bị gãy. Nó hét thất thanh và bám vội vào cành cây cao hơn ở phía trên và lơ lửng cách mặt đất gần 8m.

Mẹ tôi chạy vội ra vườn. Chắc hẳn mẹ đã vô cùng lo lắng khi nhìn thấy em tôi đu người lơ lửng như vậy, nhưng mẹ không để lộ ra. Mẹ chỉ nhẹ nhàng trấn an: “Không sao đâu con, có một cành cây nhỏ cách chân trái của con khoảng 10cm. Đấy, đúng rồi. Giờ thì con chuyển tay phải xuống bám vào cành thấp hơn…” và cứ thế, mẹ đã hướng dẫn em xuống tới đất.

Rất có thể bạn sẽ nghĩ rằng từ sau vụ đó, mẹ tôi sẽ cấm em tôi leo cây, ít nhất là vài năm. Thế nhưng, mẹ tôi không làm thế. Mẹ hiểu rằng em tôi đã học được một bài học hữu ích và đúng là như vậy.

Quan điểm của tôi ở đây là gì? Vâng, con trẻ cần được tự rút ra những bài học cho riêng mình, mắc lỗi và tìm cách vượt qua. Nếu không bao giờ gặp rủi ro, các cháu sẽ chẳng bao giờ học được điều gì. Điều này cũng có nghĩa là bạn phải chấp nhận rủi ro. Hãy cho phép các cháu trèo cây, để các cháu một lần được đăng ký tất cả những môn học ở nếu cháu muốn, hay đồng ý cho các cháu đi chơi xa. Tất nhiên, bạn sẽ là người phải lường trước được rủi ro. Đôi khi, nếu độ rủi ro quá cao, bạn có thể nói “không” với các cháu. Nhưng bạn không thể luôn theo quy tắc “khả năng xấu nhất có thể xảy ra”. Vì nếu bạn làm vậy, có lẽ bạn luôn phải nói “không”, bởi chẳng có gì là đảm bảo an toàn tuyệt đối cả. Và khi đó, các con bạn sẽ chẳng học được điều gì, các cháu sẽ không được trang bị đủ để có thể tự quyết định mọi việc cho cuộc sống độc lập sau này. Trong trường hợp như vậy, bạn đã không hoàn thành tốt vai trò của mình.

Vì vậy, bạn nên chấp nhận rủi ro. Tất nhiên, có thể, có lúc, điều không hay sẽ xảy ra. Con bạn có thể sẽ bị gãy tay, bị điểm kém trong kỳ thi ở trường. Nhưng qua các việc đó, cũng như bạn, cháu đã học được nhiều điều. Nếu lựa chọn không chấp nhận rủi ro nào, thì mọi việc có thể còn nguy hiểm hơn và gây nhiều bất lợi cho cháu về sau này.

 BẠN KHÔNG THỂ NHẤT NHẤT THEO QUY TẮC “KHẢ NĂNG XẤU NHẤT CÓ THỂ XẢY RA”.

 QUY TẮC 18

HÃY GIỮ NỖI LO LẮNG CHO RIÊNG MÌNH

Nếu con bạn từng gặp rủi ro, chắc hẳn bạn sẽ rất lo lắng. Luôn là như thế. Bạn lo lắng khi các cháu trèo cây, lo lắng khi cháu tập đi xe đạp và lo lắng cả khi cháu tham gia một kỳ nghỉ mà không có bạn đi cùng. Ngay cả khi không có rủi ro, nỗi lo lắng trong bạn vẫn thường trực. Bạn lo lắng khi lần đầu cháu xa bạn, khi cháu bắt đầu đi học, khi lần đầu tiên cháu đi ngủ qua đêm nhà bạn, khi cháu bị ốm và lo lắng cả khi cháu đi thi nữa.

Nhưng hãy nhớ bạn không phải là người duy nhất lo lắng. Con bạn cũng lo lắng như bạn. Các cháu có thể thấy sợ sệt khi bắt đầu phải đi học, khi lớn hơn cháu lại phải lo lắng về những kỳ nghỉ, nhưng các cháu vẫn kiên quyết làm những việc đó.

Trách nhiệm của bạn là trấn an các cháu. Hãy giúp các cháu tự tin tiến về phía trước. Hãy làm cho các cháu cảm thấy mọi việc đều ổn. Thật khó mỉm cười và tỏ ra như không hề có chuyện gì xảy ra khi trong lòng bạn đầy lo lắng. Nhưng là một người làm cha, làm mẹ, bạn cần làm điều đó.

Nguồn an ủi duy nhất mà bạn có thể tìm tới, đó là một người lớn khác. Đó có thể là người bạn đời của bạn. Hoặc, tốt hơn là cha mẹ bạn. Bởi cho dù bạn đã có gia đình, nhưng trách nhiệm của cha mẹ bạn vẫn là an ủi trấn an bạn mỗi khi bạn lo lắng.

Hãy cố đừng nói câu: “Cẩn thận con nhé” mỗi khi con bạn bước ra khỏi nhà. Điều này thể hiện sự thiếu tin tưởng. Hơn nữa, nếu các cháu được dặn dò “Cẩn thận con nhé” khi đang cầm một vật dễ vỡ thì cháu rất dễ làm rơi vật đó hơn so với khi không được dặn dò. Việc dặn dò như vậy có thể còn làm cho các cháu nghĩ rằng sắp có điều gì không hay xảy ra. Một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc sẽ nói những câu như: “Chúc con một ngày vui vẻ” hoặc “Vui vẻ con nhé”. Và tất nhiên, bây giờ bạn cũng đã nắm vững quy tắc.

 HÃY NHỚ BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT LO LẮNG. 

 QUY TẮC 19

HÃY NHÌN NHẬN MỌI VIỆC THEO CÁCH CỦA CON TRẺ

Tất cả trẻ em đều có chung một sự khó chịu. Các cháu tin rằng chúng ta không để ý tới việc các cháu cảm thấy thế nào chỉ bởi các cháu là trẻ con. Các cháu nghĩ rằng chúng ta phớt lờ các cháu, coi thường cảm xúc của các cháu, không quan tâm đến việc các quyết định của chúng ta khiến các cháu buồn. Và bạn biết điều gì không? Các cháu hoàn toàn đúng.

Tất cả chúng ta đều làm vậy. Tất nhiên, không phải mọi lúc, nhưng rất nhiều lần. Tôi cũng vậy, và tôi chưa từng gặp một bậc cha mẹ nào cư xử khác thế. Chúng ta tự nhủ rằng chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho các cháu, còn các cháu thì không. Điều đó đúng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Ở một mức độ nào đó thì việc này là không thể tránh khỏi. Như việc đứa trẻ nào cũng muốn đi ngủ muộn hơn bình thường, chỉ muốn ăn kem hoặc sô-cô-la, và muốn không phải đi học. Chúng ta biết đó là những ý tưởng không hay ho gì và chúng ta phải hướng các cháu suy nghĩ đúng đắn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể nhìn nhận mọi việc theo cách của các cháu. Thật ra, tôi cảm thấy nếu để các cháu tự xoay xở, thì các cháu sẽ sớm biết cư xử hợp lý hơn nhiều so với những gì chúng ta mong muốn.

Các nhìn nhận thế giới của con trẻ thường khác chúng ta. Đôi khi các cháu cũng nhìn nhận thế giới theo cách giống chúng ta, nhưng chúng ta lại không đặt mình vào hoàn cảnh của các cháu. Cả hai cách này đều làm các cháu trở nên khó chịu vì nghĩ rằng chúng ta không đoái hoài gì tới các cháu. Ở đây, bạn có thể vận dụng Quy tắc 14 – hãy tôn trọng các cháu. Hãy chứng tỏ cho các cháu  biết bạn có thể nhìn nhận mọi việc theo cách của các cháu. (Nếu bạn không thể, tôi chắc chắn rằng các cháu sẽ sẵn lòng giúp nếu bạn hỏi).

Có một hôm, tôi đang chuẩn bị cùng các cháu ra ngoài và có một cháu vẫn còn đang xem tivi. Tôi bảo cháu tắt tivi và ra xe. Cháu không nghe. Tôi nói với cháu rằng chúng tôi phải đi ra ga đón khách, và việc đó quan trọng hơn việc xem tivi. Chúng tôi đã to tiếng về chuyện đó. Cả hai bố con đều nổi nóng và không ai muốn chiều theo ý người kia. Lúc đó, tôi thấy phân vân không biết liệu có cách nào tốt hơn không.

Và tôi nhớ tới quy tắc này. Vì vậy tôi đã hỏi con tôi xem vấn đề của cháu là gì. Cháu giải thích đó là chương trình yêu thích của cháu và cháu đã không được xem hai tuần liền. Tôi thông cảm với cháu và hứa sẽ thu băng lại chương trình này. Vậy là vấn đề được giải quyết. Thật ra, chuyện chẳng có gì đáng bàn. Tất cả được giải quyết chỉ bởi vì cháu cảm thấy tôi có quan tâm tới cảm giác của cháu. Giá mà tôi nhớ tới quy tắc này sớm hơn, nhưng tất nhiên lúc đó tôi đang bận rộn với Quy tắc 2 (không có ai hoàn hảo cả). Dù sao, đó cũng là lỗi của tôi.

 CON TRẺ SẼ TRỞ NÊN CÁU KỈNH KHI NGHĨ RẰNG CHÚNG TA KHÔNG ĐOÁI HOÀI GÌ TỚI CÁC CHÁU. 

 QUY TẮC 20

LÀM CHA MẸ KHÔNG PHẢI LÀ TRÒ CHƠI CÓ TÍNH GANH ĐUA

Một lần, tôi nói chuyện với một phụ huynh về thói quen ăn uống của bọn trẻ. Khi tôi kể các con tôi suốt ngày chỉ thích ăn khoai tây chiên giòn và bánh quy, cô ấy đáp: “Ồ, thế thì tôi thật là may mắn, các con tôi lại chỉ ăn hoa quả và rau tươi thôi.” Đến khi nhìn các con cô thi nhau đánh chén gói bánh quy mà các cháu được cho, tôi tự hỏi không biết cô ấy có nói thật không. Thật ra, đó là một kiểu ganh đua đã lỗi thời. Cô ấy muốn hạ thấp tôi và các con tôi xuống, để tự nâng mình và các con mình lên.

Một trong những chuyện mà các bậc cha mẹ hay ganh đua là huấn luyện con mình ngồi bô. Tôi biết có những bậc cha mẹ đã bắt đầu cho con ngồi bô từ khi các cháu được vài tháng tuổi, chỉ đơn giản là để con họ có thể hơn con của bạn bè. Hoặc là họ rất nóng lòng muốn con mình sớm biết đứng và đi. Hoặc có người còn khoe khoang về việc con họ chơi thể thao hoặc chơi nhạc giỏi như thế nào, đạt thành tích cao trong các kỳ thi ra sao. Và phần lớn các bậc cha mẹ ganh đua không trung thực là những người không thể tự hào một cách công khai, mà tìm cách nguỵ trang điều đó bằng cách này hay cách khác như kiểu “Tôi thật may mắn vì con tôi thích ăn hoa quả chứ không ăn khoai tây chiên giòn” mà chẳng mảy may nghĩ xem điều đó có liên quan tới may mắn không.

Các bậc cha mẹ nắm vững quy tắc không thích ganh đua. Chúng ta đủ tự tin về các kỹ năng của mình và chúng ta cũng thoải mái để mọi thứ diễn ra tự nhiên và không tạo áp lực lên con trẻ. Bạn thấy đấy, các bậc cha mẹ hay ganh đua không chỉ hiếm khi có bạn tốt, mà còn tạo áp lực lên chính con cái mình. Các cháu buộc phải thể hiện tốt mọi việc để cha mẹ tiếp tục có cái để khoe khoang. Các cháu tội nghiệp này tin rằng các cháu chỉ có thể làm hài lòng cha mẹ nếu các cháu giỏi hơn bạn bè. Rồi dần dần, các cháu lớn lên cùng tính ganh đua, làm bạn bè xa lánh. Có nhiều cách để các cháu thi đua lành mạnh với bạn bè mà không cần áp đặt tính ganh đua .

Vấn đề của các bậc cha mẹ hay ganh đua là họ thấy không an tâm, lo lắng và không chắc chắn về kỹ năng làm cha mẹ của mình. Chính vì vậy, họ cố hạ thấp bạn xuống để tự nâng mình lên. Vì thế, bạn đừng lấy làm khó chịu mà hãy thương hại họ. Việc đó sẽ làm họ thật sự tức tối.

 CÓ NHIỀU CÁCH ĐỂ CÁC CHÁU THI ĐUA LÀNH MẠNH VỚI BẠN BÈ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.