Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN III. CÁC QUY TẮC HÀNG NGÀY



Tất nhiên, để nuôi dạy con cái, bạn cần rất nhiều các quy tắc lớn, nhưng phần lớn việc làm cha mẹ lại diễn ra hàng ngày với những công việc vất vả như đánh thức con dậy, mặc quần áo cho con, thay bỉm, đưa con đến trường đúng giờ, thuyết phục con ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe, cho con đi ngủ đúng giờ, v.v…

Do vậy, những gì bạn thật sự cần lúc này là những quy tắc hữu ích khiến các công việc hàng ngày trở nên dễ dàng hơn, mang lại kết quả cao hơn, và các con bạn được vui vẻ như bạn luôn mong muốn.

 QUY TẮC 21

HÃY ĐỂ CON BẠN TỰ XOAY SỞ

Tôi không muốn làm bạn hoảng sợ. Nhưng rồi đến khi con bạn 18 tuổi, cháu sẽ phải trở thành một người lớn đủ khôn ngoan và có khả năng tự quyết định mọi việc, tự kết bạn, tự sinh sống, tự làm mọi việc và tự đi trên mọi nẻo đường. Vâng, bạn phải giảm bớt việc của mình đi thôi.

Nếu bạn vẫn còn xúc cho con ăn khi cháu đã 4 tuổi, soạn sách vở giúp khi cháu đã 14 tuổi, thì các cháu sẽ gặp khó khăn khi phải tự chăm sóc mình. Vì vậy, bạn đừng làm giúp các cháu bất cứ việc gì nếu các cháu có thể tự làm. Hãy để các cháu nấu ăn, dù chỉ đơn giản là giúp bạn nhặt rau; hướng dẫn cháu cách sử dụng máy giặt; đánh thức các cháu vào sáng thứ bảy để cùng làm việc nhà; để các cháu tự chuẩn bị hành lý trước khi đi nghỉ.

Nhưng đó vẫn chưa phải là việc quan trọng nhất. Còn hai kỹ năng thiết yếu nữa mà bạn phải dạy các cháu càng sớm càng tốt. Đó là khả năng quản lý tiền bạc và khả năng tự ra quyết định.

Bạn thấy đấy, nếu bạn kiểm soát tất cả tiền bạc của cháu, và chỉ đưa cháu một chút tiền để tiêu vặt, cháu sẽ không học được điều gì. Tốt hơn hết, khi cháu đã lớn, hàng tháng bạn hãy cho các cháu một khoản tiền để các cháu tự trang trải, mua sắm những thứ cần thiết như quần áo, quà sinh nhật, sách vở… Tôi có một người bạn, đã đóng vai trò là một “ngân hàng” của các con mình, anh đưa ra mức lãi suất rất hậu hĩnh đối với các khoản tiết kiệm của các cháu. Vì thế, các cháu thích tiết kiệm hơn là tiêu tiền. Có rất nhiều cách để dạy các cháu học cách sử dụng đồng tiền. Điều quan trọng là tìm ra những cách có tác dụng với bạn và các con bạn.

Và tất nhiên, bạn phải dạy con mình biết cách tự ra quyết định. Từ việc hôm nay mặc quần áo gì khi cháu 2 tuổi, cho đến việc chọn học ngoại ngữ nào… Các cháu cần học cách lên kế hoạch cho cuộc sống của mình. Điều đó cũng có nghĩa là học từ những lần ra quyết định sai lầm. Do vậy, bạn đừng xen vào việc của con khi cháu sắp sửa mắc một lỗi lớn. Tất nhiên, bạn có thể gợi ý hoặc khuyên cháu nhưng khi cháu đã lớn, bạn cần chờ cho tới khi cháu hỏi ý kiến. Đó là cuộc sống của cháu. Và bạn hãy nhớ là chỉ còn ít thời gian nữa thôi cháu sẽ tới tuổi trưởng thành, và từ đó trở đi, cháu sẽ tự sống trên đôi chân của mình…

 CÁC CHÁU CẦN HỌC CÁCH LÊN KẾ HOẠCH CHO CUỘC SỐNG. 

ĐIỀU ĐÓ CŨNG CÓ NGHĨA LÀ HỌC TỪ NHỮNG LẦN RA QUYẾT ĐỊNH SAI.

 QUY TẮC 22

HÃY DẠY CON BIẾT CÁCH TỰ SUY NGHĨ

Không những con trẻ cần biết cách tự ra quyết định, mà các cháu còn cần biết cách tự suy nghĩ. Tranh luận với cha mẹ cũng là một cách thể hiện sự độc lập trong suy nghĩ. Và đó chính là điều bạn muốn (dù có thể, ngay lúc này bạn chưa cảm thấy điều đó).

Có lần tôi ngồi cùng một người bạn và cô con gái 5 tuổi của cô ấy. Cháu bé hôm ấy rất nghịch làm cô bạn tôi phát cáu. Khi bị mẹ mắng, cháu bé buồn, mếu máo. Tôi đã rất ấn tượng khi nghe bạn tôi hỏi con gái mình như sau: “Thế con có biết tại sao mẹ lại bực mình với con không?” Cháu bé nghĩ một lát, rồi lí nhí trả lời: “Tại vì con đã không nghe lời mẹ.” Nếu không được hỏi, chắc cháu bé cũng chẳng thắc mắc tại sao mẹ cháu lại giận dữ. Nhưng mẹ cháu đã dạy cháu biết suy nghĩ.

Cô bạn tôi đã nắm vững phương pháp cơ bản nhất khi dạy trẻ em biết suy nghĩ: đó là đặt câu hỏi. Bạn hỏi cháu điều gì không quan trọng, quan trọng là bạn buộc các cháu phải tư duy.

Và hãy thử thách khả năng tư duy của các cháu. Hãy đặt ra các câu hỏi “Tại sao?”. Khi cháu 2 tuổi, bạn có thể hỏi xem cháu có biết tại sao con chó lại sủa. Khi cháu 12 tuổi, bạn có thể hỏi tại sao cháu lại muốn tăng số tiền tiêu vặt hàng tháng.

Bạn hãy đặt các câu hỏi. Hãy để các cháu tranh luận và thắc mắc. Và khi các cháu có thể tự suy nghĩ mà không cần bạn phải đặt câu hỏi khuyến khích, thì lúc đó bạn đã thuần thục Quy tắc 22 rồi đấy.

 HÃY ĐẶT CÁC CÂU HỎI ĐỂ DẠY CỌN BIẾT SUY NGHĨ.

 QUY TẮC 23

HÃY SỬ DỤNG LỜI KHEN MỘT CÁCH KHÔN NGOAN

Xin chúc mừng bạn! Bạn đã tới Quy tắc 23. Bạn đã đi được gần 1/4 chặng đường để trở thành bậc cha mẹ nắm vững quy tắc rồi đấy.

Hy vọng câu nói trên sẽ làm bạn cảm thấy được khuyến khích, đó cũng chính là mục đích của lời khen. Các bậc cha mẹ nắm vững quy tắc biết rằng lời khen của chúng ta sẽ là một trong động lực lớn nhất đối với con cái. Bạn đừng bao giờ quên tặng quà sinh nhật cho con, và cũng đừng bỏ qua các thành tích mà không dành cho con lời khen nào.

Nhưng khen ngợi không hề đơn giản. Bạn có biết có bao nhiêu bậc cha mẹ đã không sử dụng lời khen một cách khôn ngoan và hiệu quả? Bạn cần sử dụng lời khen theo đúng cách và đúng lúc.

Thành ngữ “Cái gì nhiều quá cũng không tốt” tất nhiên cũng đúng với lời khen. Bạn không nên kiệm lời khen, nhưng bạn cần sử dụng lời khen một cách hợp lý. Nếu bạn quá khen ngợi con mình, giá trị của lời khen sẽ giảm đi đáng kể. Nếu bạn khen các cháu xuất sắc khi các cháu chỉ đạt mức khá, bạn sẽ nói gì khi cháu chỉ đạt mức khá? Hoặc bạn sẽ nói gì khi cháu thật sự đạt mức xuất sắc? Và nếu bất cứ điều nhỏ bé nào mà các cháu đạt được cũng dễ dàng nhận được những lời khen, các cháu sẽ sợ nếu làm bạn không hài lòng. Các cháu không cần những áp lực như vậy.

Bạn đã bao giờ thử nghĩ xem bạn hay khen con mình vì điều gì chưa? Nếu bạn luôn khen con đã học tốt ở trường mà chưa bao giờ khen vì cháu biết cư xử ngoan ngoãn, thì điều đó nói lên điều gì về các chuẩn mực của bạn? Và bạn có hay khen cháu vì cháu đã đạt thành tích tốt hơn là vì cháu đã rất cố gắng không? Không, tất nhiên là không, vì bạn là một bậc phụ huynh nắm vững quy tắc. Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ khác lại như vậy đấy.

Có rất nhiều bậc cha mẹ quên khen con mình khi các cháu cư xử ngoan ngoãn, bởi họ coi đó là điều hiển nhiên. Nhưng con trẻ lại muốn biết bạn nhận thấy các cháu ngoan như thế nào: “Con rất ngoan vì đã không ngoáy mũi trước mặt dì Myrtle đấy”, hoặc “Chắc hẳn là con đang mệt lắm, nhưng con vẫn cố gắng không kêu ca gì cả. Con thật là giỏi.” Những lời này sẽ làm cho các cháu luôn muốn cư xử ngoan ngoãn.

Bây giờ sẽ là điểm cuối cùng về lời khen trước khi bạn thuần thục quy tắc này. Bạn nghĩ rằng con bạn sẽ thích nghe câu nào nhất trong những câu sau đây: “Bức tranh mới đẹp làm sao!” hoặc “Bức tranh thật đẹp. Chú ngựa con vẽ trông như đang chuyển động thật vậy. Làm thế nào mà con vẽ được như thế?” Vâng, bạn hãy cụ thể lời khen của mình hơn nếu có thể, và đừng quên đặt các câu hỏi cho con. Điều đó sẽ làm cho các cháu rất hào hứng.

 HÃY CỤ THỂ LỜI KHEN CCỦA MÌNH NẾU CÓ THỂ.

QUY TẮC 24

HÃY HIỂU GIÁ TRỊ CỦA RANH GIỚI

Tôi đã có lần quan sát một người hàng xóm khi cậu con trai 4 tuổi của cô ấy leo lên bức tường rào xung quanh vườn và chạy trên đó. Nghe qua thì việc này cũng không có gì tệ lắm. Nhưng vấn đề là bức tường đó cao 4m và bên kia là một bãi đỗ xe. Chắc trông tôi có vẻ hốt hoảng lắm, nên chưa cần tôi phản ứng gì thì cô ấy đã giải thích: “Tôi biết. Tôi đã nói với cháu là không được làm vậy nhưng cháu không nghe tôi. Tôi còn biết làm gì hơn?” Lúc ấy, tôi không thể nói điều gì (mà thật ra, nếu tôi có nói thì có lẽ cô ấy cũng lờ đi thôi).

Bạn cũng như tôi đều biết câu trả lời, đó là “Nói không và kiên quyết”. Con trẻ rất cần các ranh giới – trong trường hợp này là giới hạn an toàn cho cháu bé. Câu chuyện trên là một ví dụ điển hình về những gì có thể xảy ra nếu bạn không đưa ra các ranh giới rõ ràng đối với con trẻ. Cháu bé trong ví dụ thường được gọi là “đứa trẻ nghịch ngợm” bởi cháu rất nghịch. Cháu liên tục cố xem mình có thể đi xa tới đâu và dường như chẳng hề có một giới hạn nào đặt ra cho cháu.

Cháu thường xuyên cư xử rất tệ, cháu có rất ít bạn bè và nghĩ rằng cha mẹ không quan tâm tới mình. Nếu họ có quan tâm, họ có để cháu chạy trên bức tường cao như vậy? Họ đã để mặc cháu làm bất kỳ điều gì cháu thích mà không bao giờ để ý đến cháu?

Có rất nhiều mối nguy hiểm rình rập con trẻ. Các quy tắc và hướng dẫn sẽ giúp các cháu ở trong giới hạn an toàn. Khi còn nhỏ, các cháu luôn muốn thử vượt qua các ranh giới không phải là để nới rộng các ranh giới đó, mà bởi các cháu muốn chắc chắn mình vẫn ở trong giới hạn an toàn. Trách nhiệm của bạn là chỉ rõ các ranh giới này và đảm bảo các cháu không vượt ra khỏi đó. Vì vậy, bạn hãy nói không mỗi khi các cháu trèo tường. Nếu cần thiết, bạn hãy lôi cháu xuống. Bằng cách này, bạn sẽ có một đứa con hạnh phúc, tự tin, an toàn. Điều này giúp bạn luôn biết cháu đang ở đâu, giúp cháu tìm hiểu về thế giới xung quanh, và biết rằng bạn yêu cháu.

Ngoài ra, còn một lưu ý nhỏ là việc áp dụng quy tắc giới hạn phải đạt được sự đồng thuận của cả hai bạn (nếu bạn không phải là cha mẹ đơn thân). Trẻ sẽ rất bối rối nếu bố mẹ, mỗi người lại đề ra một giới hạn riêng. Bạn cần chia sẻ vai trò này với người bạn đời của mình. (Chi tiết hơn xem Quy tắc 31), Bạn cũng không cần phải lo ngại khi cả hai có quan điểm khác nhau về một số việc (ví dụ, bố luôn để các bé ngồi trên đùi khi đọc truyện, còn mẹ thì lại muốn các cháu nằm trong chăn ấm nghe truyện). Đó là điều bình thường. Nhưng cả hai phải cùng tạo ra các ranh giới đối với các vấn đề quan trọng nếu bạn thật sự muốn nuôi dạy nên những người con tự tin và hạnh phúc.

 CẢ HAI PHẢI CÙNG TẠO RA CÁC RANH GIỚI NẾU BẠN MUỐN NUÔI DẠY NÊN NHỮNG ĐỨA CON TỰ TIN VÀ HẠNH PHÚC.

 QUY TẮC 25

MUA CHUỘC KHÔNG HẲN LÀ XẤU

Mua chuộc có phải là một việc làm xấu đối với các bậc cha mẹ không? Nó được coi là một trong những điều tệ nhất mà bạn có thể làm. Nhưng trước tiên chúng ta hãy thử định nghĩa lại từ mua chuộc xem nhé? Giả sử con bạn đang cư xử rất hư và bạn nói với cháu rằng nếu cháu thôi khóc và biết cư xử ngoan ngoãn hơn, bạn sẽ cho cháu 10 bảng. Vâng, đó chính là hành động mua chuộc. Và tất nhiên là chúng ta không làm điều đó.

Thế còn trường hợp này thì sao? Con bạn lúc này đang cư xử rất ngoan nhưng bạn đoán là điều này sẽ không kéo dài lâu. Có thể là bạn sắp cho cháu đi mua sắm, hoặc bắt con làm bài tập ở nhà, dọn dẹp phòng, uống sữa, tắt tivi, đi ngủ hoặc điều gì đó mà sẽ làm cháu dễ có phản ứng tiêu cực. Bạn nói với cháu là bạn sẽ thưởng cho cháu cái gì đó nếu cháu cư xử ngoan ngoãn như vậy. Liệu bạn có cho việc này là mua chuộc không?

Tôi không cho là như vậy. Và tôi sẽ giải thích với bạn tại sao. Khi tôi còn làm ở các tổ chức lớn, họ thường nói với tôi rằng nếu tôi đương đầu được với trách nhiệm nào đó thì tôi sẽ được thăng chức, hoặc nếu tôi hoàn thành công việc theo mục tiêu đặt ra, tôi sẽ được thưởng. Tôi không thấy việc này khác việc kể trên. Họ không gọi đó là mua chuộc. Họ gọi đó là sự khích lệ. Và việc đó được coi là một VIỆC TỐT.

Do vậy, đừng cho rằng đó là một hình thức mua chuộc. Nếu bạn áp dụng cách này trước khi con bạn có hành vi không hay nào, đó sẽ là một cách rất hợp lý.

Tất nhiên, bạn cần phải cân nhắc cẩn thận khi sử dụng các hình thức khích lệ đối với con trẻ. Nếu bạn luôn sử dụng tiền, bạn sẽ dễ đưa ra một thông điệp không tốt đối với các cháu. Bạn phải cân nhắc làm sao để sự khích lệ phải cân xứng với mức độ bạn kỳ vọng. Đừng mua cả một chiếc tủ quần áo để thưởng khi cháu giúp bạn phơi được vài chiếc quần áo.

Lý tưởng nhất, là bạn thưởng cho cháu tương xứng với yêu cầu. Nếu cháu ngoan ngoãn trong suốt lúc đi mua sắm, hãy cho cháu đi chơi công viên. Nếu cháu tự dậy đúng giờ mà không cần bạn phải gọi dậy, hãy cho cháu được ngủ thêm 15 phút. Nếu cháu giữ được phòng sạch sẽ, gọn gàng trong hai tháng liền, hãy thưởng cho cháu bộ quần áo mới.

Và hãy nhớ phần thưởng tuyệt vời nhất với các cháu. Con bạn có thể làm tất cả mọi việc nếu cháu biết việc đó làm bạn vui. Vì vậy, bạn chẳng cần phải có hàng chục các loại phần thưởng mỗi ngày. Hầu như bất kỳ lúc nào, chỉ cần được nghe bạn nói: “Mẹ thật sự hài lòng/ấn tượng/hạnh phúc nếu con có thể làm việc này… việc kia…”, các cháu đã hạnh phúc lắm rồi. 

 LÝ TƯỞNG NHẤT, LÀ BẠN THƯỞNG CHO CHÁU TƯƠNG XỨNG VỚI YÊU CẦU.

 QUY TẮC 26

TÂM TRẠNG CÓ THỂ LÂY LAN

Khi các bạn có con, các bạn không còn là một đôi uyên ương tự do thoải mái nữa. Các bạn là một gia đình. Và mọi người trong gia đình phải gắn kết với nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc tâm trạng của mỗi người sẽ ảnh hưởng tới những người còn lại. Có một số người vẫn có thể vui vẻ trong một bầu không khí căng thẳng. Nhưng đa phần chúng ta đều thấy rằng tâm trạng của chúng ta thường bị tác động bởi những người xung quanh.

Là cha mẹ, bạn cần hiểu rằng bạn có trách nhiệm về tâm trạng của những người thân trong gia đình. Tôi không có ý nói bạn có lỗi mỗi khi trong nhà có ai đó không vui. Nếu tất cả mọi người trong nhà luôn buồn rầu, hoặc quát mắng nhau, thì chúng ta đừng hy vọng những thành viên còn lại sẽ ngừng than vãn, kêu ca, hờn dỗi, hoặc trách móc nhau. Khi đó, cần có người rút khỏi tình trạng đó và tìm cách xoa dịu mọi người, và người đó chính là bạn.

Con trẻ không hiểu được rằng tâm trạng có thể lây lan. Các cháu không biết rằng bạn cáu kỉnh với cháu vì cháu cứ quấn lấy bạn suốt ngày. Tất nhiên, bạn có thể từ từ dạy cho cháu, nhưng phải mất rất lâu, cháu mới có thể hiểu được điều đó và thay đổi. Ngay khi cảm thấy chán nản, các cháu liền cư xử rất tồi tệ nhằm trừng phạt bạn, dù các cháu biết điều đó sẽ làm bạn buồn. Các cháu nghĩ: “Thế cho cha mẹ biết.” Điều này đòi hỏi người lớn phải bỏ ngay cung cách cư xử kia. Và người đó là bạn, như tôi đã nói.

Cậu con trai tôi trước đây thường xung khắc với tôi. Điều làm tôi thật sự tức điên lên là cháu rất bướng, không bao giờ chịu lùi bước, dù tôi có bực cháu đến mấy. Cuối cùng, vợ tôi, lựa lúc phù hợp, đã chỉ cho tôi rằng có lẽ chính tại tôi không bao giờ lùi bước. Tấm gương mà tôi tạo ra cho cháu đã dạy cho cháu cách giải quyết xung đột thật tệ.

Có thể sự thật này không vui chút nào, nhưng đúng là các bậc cha mẹ hay la hét dễ có những đứa con hay la hét; các bậc cha mẹ hay hờn dỗi sẽ sinh ra những đứa con hay hờn dỗi; các bậc cha mẹ hay than vãn sẽ có những đứa con hay than vãn. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng việc này xảy ra khá thường xuyên hơn. Hoặc tuỳ theo tính cách từng cháu, các cháu sẽ có hành vi ngược lại. Thay vì giận dữ lại bạn, các cháu sẽ trở nên rất buồn khi ai đó giận dữ, hoặc ít nhất sẽ “có vấn đề” với người giận dữ. Nếu bạn muốn con biết cách kiềm chế hơn và cư xử đúng mực hơn, trước tiên, bạn phải làm gương. Tất nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề. Bạn hoàn toàn có thể tác động tới tâm trạng và cách cư xử của con theo hướng tốt hơn. Và điều đó sẽ tạo tâm trạng tốt cho tất cả mọi người.

 CÓ THỂ SỰ THẬT NÀY KHÔNG VUI CHÚT NÀO, NHƯNG ĐÚNG LÀ CÁC BẬC CHA MẸ HAY LA HÉT DỄ CÓ NHỮNG ĐỨA CON HAY LA HÉT.

 QUY TẮC 27

BẠN ĐANG THIẾT LẬP THÓI QUEN ĂN UỐNG SUỐT ĐỜI CHO CON MÌNH

Ở quy tắc này, tôi không định khuyên bạn nên cho con ăn đồ ăn gì. Tôi không có ý niệm gì về việc này. Bạn có thể là một người ăn chay, bạn có thể nghiện món bánh rán hoặc sợ lá đinh lăng. Bạn có thể tuỳ ý quyết định cho con mình ăn món gì và theo chế độ ra sao.

Nhưng dù bạn cho các cháu ăn đồ ăn gì, thì cách các cháu ăn uống sẽ tạo ra những thói quen rất khó thay đổi. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo tạo cho con những thói quen tốt – tức, những thói quen sẽ giúp các cháu trở thành những người trưởng thành mạnh khỏe.

Tôi lớn lên trong thời kỳ các thói quen ăn uống có nhiều thay đổi. Thế hệ của mẹ tôi đã trải qua chiến tranh, thực phẩm được chia theo khẩu phần, và hiếm có ai béo phì. Do vậy, rất nhiều thói quen mà mẹ tạo cho tôi chỉ có ý nghĩa với bà.

Ví dụ, tôi phải ăn hết thức ăn trên đĩa. Tôi sẽ không được phép rời bàn ăn cho tới khi ăn xong. Khi tôi còn nhỏ, việc đó chẳng có gì đáng nói vì khẩu phần dành cho trẻ nhỏ không đáng kể. Nhưng khi tôi lớn hơn, điều đó chẳng có lợi chút nào cho cân nặng của tôi cả. Thậm chí kể cả khi tôi thật sự muốn giảm cân, tôi vẫn không được bỏ lại thức ăn trong đĩa của mình. Bây giờ thì các con tôi vẫn được yêu cầu ăn các thức ăn có lợi cho các cháu, nhưng nếu hôm nào phần ăn của các cháu quá nhiều, các cháu được phép bỏ lại.

Còn đây là một ví dụ khác. Khi còn nhỏ, tôi không được phép ăn bánh pudding nếu tôi chưa ăn hết món chính. Việc đó dạy tôi điều gì? Đó là các loại bánh kẹo ngọt luôn chờ ở đó, còn thức ăn mặn chỉ là một cửa ải mà tôi cần vượt qua trước khi tới được cái đích ngọt ngào hấp dẫn kia. Và tôi có thể nói rằng kiểu ăn như vậy không giúp tôi có được mức cân nặng vừa phải. Tôi đã làm thế nào với các con tôi? Chúng tôi không bao giờ dùng món bánh pudding, trừ khi có khách, và tất nhiên các con tôi cũng không nhất thiết phải ăn bằng hết suất ăn của các cháu.

Khi còn nhỏ, tôi cũng thường được cho kẹo mỗi khi bị ngã, hoặc được thưởng kẹo mỗi khi tôi ngoan. Thói quen này theo tôi đến tận bây giờ. Cứ mỗi khi thấy tâm trạng không tốt, tôi lại tự thưởng cho mình một thanh kẹo Mars.

Vậy bạn đang tạo cho con mình những thói quen ăn uống nào? Có thể do đặc tính di truyền, các cháu sẽ không bao giờ gặp phải những vấn đề liên quan đến cân nặng hoặc sức khỏe gắn với chế độ ăn uống không tốt. Có thể các cháu cần những thói quen ăn uống khác với các con tôi. Có thể bạn có những cách để tránh được các thói quen không tốt mà tôi vừa kể. Tôi không có tất cả các câu trả lời ở đây. Tất cả những gì tôi muốn nói là bạn hãy để ý tới các thói quen mà bạn tạo ra cho con, và đảm bảo đó là những thói quen mà bạn muốn các cháu có.

 CÁCH CON BẠN ĂN SẼ TẠO RA NHỮNG THÓI QUEN RẤT KHÓ THAY ĐỔI.

 QUY TẮC 28

GIAO TIẾP

Các bậc cha mẹ thường bỏ qua ý kiến của con trẻ trong mọi việc. Có thể, họ nghĩ các cháu còn quá nhỏ, không hiểu được việc người lớn. Và khi các cháu lớn bạn sẽ phải bỏ thói quen đó. Nhưng, lúc đó, mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. 

Vấn đề tôi muốn nói tới ở đây là gì? Giao tiếp ở đây là kiểu giao tiếp nào? Vâng, để tôi nêu ra cho bạn vài ví dụ. Bạn có nhớ cho các con biết mỗi khi nhà sắp có khách không? Có thể bạn sẽ nói khi người khách sắp tới nhà là người các cháu rất muốn gặp. Nhưng nếu đó là người mà các cháu chưa hề biết thì sao? Mỗi khi đặt đứa con đang chập chững tập đi vào xe, bạn có nói cho cháu biết bạn và cháu sắp đi đâu không? Điều đó quá rõ ràng với bạn, nhưng với cháu thì không.

Và bạn cũng đừng quên là giao tiếp có tác dụng hai chiều. Bạn cần nói với mọi người trong nhà về những gì sẽ xảy ra (và tại sao nữa thì càng tốt), nhưng bạn cũng cần hỏi ý kiến mọi người và thật sự lắng nghe đóng góp của họ. Bạn có bàn bạc với con về nơi mà cả nhà sẽ đi nghỉ không? Khi cháu đã lớn, cháu có thể đưa ra ý kiến mà không cần chờ bạn hỏi, nhưng khi cháu mới 6 hoặc 7 tuổi thì sao?

Khi bạn đổi xe thì thế nào? Bạn có hỏi ý kiến các cháu không? Tất nhiên, bạn sẽ không mua một chiếc Lamborghini chỉ bởi vì các cháu muốn có nó, nhưng bạn có thể hỏi về những vấn đề mà các cháu quan tâm như xe có nhiều chỗ ở khoang sau, có khung chở hàng trên nóc xe để chở xe đạp, có mái che. Các cháu sẽ vui vẻ hơn với lựa chọn cuối cùng của bạn nếu các cháu có tiếng nói trong đó.

Nếu lúc nào bạn cũng làm được tất cả những điều trên, bạn rất xứng đáng nhận điểm 10. Con trẻ luôn có rất nhiều ý tưởng. Tất nhiên các ý tưởng này cần được chọn lọc. Nhưng quả thật các cháu có rất nhiều gợi ý hữu ích mà nếu không, có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ ra.

 MỖI KHI ĐẶT CHÁU BÉ MỚI BIẾT ĐI VÀO XE, BẠN CÓ NÓI CHO CHÁU BIẾT LÀ BẠN VÀ CHÁU SẮP ĐI ĐÂU KHÔNG? 

 QUY TẮC 29

HÃY ĐẶT RA CÁC MỤC TIÊU RÕ RÀNG

Đây là một quy tắc mà tôi đã rút ra từ công việc kinh doanh, và là một quy tắc rất hay. Những người quản lý tốt luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể và cố gắng để đạt được các mục tiêu đó. Và họ hoàn toàn đúng. Bạn sẽ rất dễ nản lòng nếu sếp bạn nói: “Hãy cố đẩy doanh số lên!” Bạn không biết doanh số bán hàng tháng này tăng thêm 10% sẽ làm sếp hài lòng hay thất vọng. Và bạn suy luận chính sếp cũng không biết mức tăng nào là hợp lý, vì nếu có, sếp đã nói: “Hãy đẩy doanh số tăng thêm 10% nữa!”

Khi đi làm, tất cả chúng ta đều biết, các mục tiêu cụ thể sẽ làm công việc của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Khi đó, bạn biết bạn được kỳ vọng làm điều gì và sếp quan tâm tới kết quả làm việc của bạn. Vậy thì, tại sao chúng ta lại nói với các con mình những câu như: “Con hãy giữ phòng gọn gàng hơn đi nhé” hoặc “Hãy tắm cho chó thường xuyên hơn nhé” hoặc “Đừng có ngồi máy tính lâu thế?”

Bạn có thấy kiểu hỏi như thế thể hiện rằng bạn không thật sự quan tâm tới kết quả? Trong hai cách nói sau, cách nào dễ thuyết phục bạn hơn và sẽ dễ được con bạn tiếp thu hơn: “Đừng có ngồi máy tính lâu thế” hay “Con chỉ được dùng máy tính 2 giờ mỗi ngày thôi đấy nhé!”? Khi nói với con, bạn đã bao giờ tự hỏi liệu con mình có hiểu ý mình không. “Hãy tắm cho con chó của con thường xuyên hơn nhé” hoàn toàn rõ ràng đối với bạn, nhưng các con bạn thì không hiểu được là bạn thật sự muốn gì. Liệu như thế là cháu phải tắm cho con chó mỗi tuần một lần hay mỗi tháng một lần? Hay là chỉ phải dọn chỗ nó nằm hai lần một tuần và thay cát hay xỉ than cho nó mỗi tối? Bạn phải cụ thể hơn nếu bạn muốn con mình cảm thấy có động lực làm những việc bạn yêu cầu và để các cháu cảm thấy được bạn quan tâm. Và, điều quan trọng nhất, là để các cháu thật sự làm những gì bạn yêu cầu.

Tôi đã hiểu ra quy tắc này cách đây vài năm, khi tôi yêu cầu con gái tôi dọn phòng. Một lát sau, khi tôi lên phòng cháu, tôi thấy phòng cháu vẫn bừa bộn như cũ. Khi tôi chuẩn bị phạt cháu, thì cháu nói: “Nhưng con đã dọn phòng rồi mà. Bố nhìn mà xem!” Thực tế, cháu đã nhặt hết các thứ ở dưới sàn lên… và chỉ có thế. Nhưng cháu đã t nghĩ rằng đó là điều tôi muốn. Chỉ đến lúc đó, tôi mới nhận ra đó là lỗi của tôi, và kết quả không chỉ là căn phòng chưa được gọn gàng mà tôi còn không công bằng với cháu.

 KHI NÓI VỚI CON, BẠN ĐÃ BAO GIỜ TỰ HỎI LIỆU CON MÌNH CÓ HIỂU Ý MÌNH KHÔNG.

 QUY TẮC 30

ĐỪNG CẰN NHẰN SUỐT NGÀY

Gần đây, tôi có đọc một bài báo rất thú vị liên quan tới một nghiên cứu về thói hay cằn nhằn. Nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu bạn hay cằn nhằn người khác, thì họ lại càng không muốn làm những gì bạn muốn.

Vậy bạn làm thế nào để các con bạn làm mọi thứ nếu bạn không cằn nhằn đây? Việc cằn nhằn đã tự mang trong nó một giọng điệu thể hiện sự bực bội và đó chính là lí do tại sao nó gây khó chịu. Khi việc cằn nhằn trở nên thật sự tồi tệ là lúc bạn cằn nhằn về con người của cháu chứ không phải là vì việc cháu làm nữa. Do vậy, “Con chẳng đóng cửa vào gì cả” là một câu cằn nhằn, nhưng sẽ tệ hơn khi chỉ trích tính cách của cháu: “Con chẳng bao giờ nghĩ tới người khác” hoặc “Con thật là vụng về”. Những câu nói đó chỉ làm các cháu thêm ngang bướng.

Bạn không nhất thiết phải dùng đến giọng điệu khó chịu hoặc các từ ngữ chỉ trích cá nhân. Tất cả những gì bạn cần làm là nói một cách dứt khoát, và rõ ràng về những điều sẽ xảy ra nếu cháu không nghe lời. Ví dụ, bạn nói: “Con làm bài tập đi nhé. Nếu đến 6 giờ con vẫn chưa làm xong, mẹ sẽ tắt máy tính cho tới khi con làm xong bài tập đấy.” Sau đó, bạn cứ giữ yên lặng cho đến 6 giờ. Và nếu cần thiết, bạn hãy tắt máy tính đi. Đây là phương pháp chuẩn mực và bạn sẽ không mất nhiều thời gian để các cháu nhận ra ý định nghiêm túc của bạn.

Có một lần, tôi đến nhà một cô bạn ăn trưa. Trên bàn ăn lúc đó có rất nhiều đồ chơi, giấy vẽ, kẹo, các tấm xếp hình Lego, bộ bài và đủ thứ linh tinh khác. Tôi tỏ ý muốn giúp cô ấy dọn bàn, nhưng cô ấy nói “Ồ, không, không cần đâu. Bọn trẻ sẽ làm việc đó.” Tôi phân vân không hiểu cô ấy sẽ làm cách nào để các con cô dọn kịp bàn khi mà rau luộc đã sắp sôi còn các cháu thì đang mải mê với những trò khác. Nhưng cô ấy đi ra cửa bếp và vui vẻ nói: “Nếu 10 phút nữa mà bàn bếp chưa được dọn sạch là mẹ sẽ vứt hết các thứ vào thùng rác đấy nhé!” Có vẻ như đã quen với việc này và biết mẹ không nói đùa, nên các cháu xuất hiện ngay lập tức và chỉ 5 phút sau, bàn bếp đã sẵn sàng cho bữa trưa. Không hề cằn nhằn, cô ấy chỉ nói đúng một lần và chắc chắn các con cô biết biết điều gì sẽ xảy ra nếu các cháu không nghe lời mẹ.

Còn một số điều cần lưu ý về việc cằn nhằn. Con trẻ sẽ phải mất một thời gian để làm những việc nhất định, nhưng bạn đừng mong các cháu sẽ tự nhớ tất cả những việc đó. Do vậy, thay vì bực mình và cằn nhằn tính đãng trí của cháu, hãy chỉ đơn giản nhắc cháu làm việc đó. 

 KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI DÙNG ĐẾN GIỌNG ĐIỆU KHÓ CHỊU HOẶC CÁC TỪ NGỮ CHỈ TRÍCH CÁ NHÂN.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.