Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN IX. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ KHỦNG HOẢNG



Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể cùng con đi qua thời thơ ấu của cháu mà không phải trải qua đợt khủng hoảng nào. Nhưng rất ít các bậc cha mẹ có thể làm được điều này. Rất nhiều việc có thể xảy ra như ly hôn, ốm đau, khó khăn tài chính, sự ra đi của một người thân, v.v… Các tình huống này thường đặt ra những thử thách rất lớn đối với vai trò làm cha mẹ của bạn và khiến bạn lo lắng không yên.

Bạn có thể có tất cả các chiến lược, kỹ thuật, quy tắc gia đình, và các chính sách thông thái giúp bạn giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề hàng ngày đối với các con. Nhưng khi những khủng hoảng kể trên xảy đến, bạn thường hoàn toàn không được chuẩn bị trước, và các quy chuẩn bình thường dường như là không đủ. Có thể bạn sẽ bị sốc, hoảng sợ hoặc trầm cảm, và khi đó bạn cần sự giúp đỡ để đứng vững.

Do vậy, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, thì dưới đây là một số quy tắc bao quát giúp bạn xử lý tình huống, và trấn an bạn. Bạn sẽ vượt qua, bởi không còn lựa chọn nào khác, và các con bạn sẽ học được từ đó. Các cháu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và thấu hiểu hơn với những khó khăn, áp lực của người khác sau khi đã tự trải qua bằng kinh nghiệm của chính mình.

 QUY TẮC 81

ĐỪNG COI CON LÀ MỘT LOẠI VŨ KHÍ

Quy tắc này tất nhiên chủ yếu áp dụng với các bậc cha mẹ sắp ly hôn, nhưng các bạn cũng dễ rơi vào tình huống này nếu quan hệ giữa các bạn đang căng thẳng khi có các loại khủng hoảng khác. Khi cảm xúc của bạn lên đến cao trào, thì tất cả mọi thứ thường có xu hướng bị đẩy lên đến cao trào theo. Do vậy, dù bạn đang buồn sâu sắc hoặc lo lắng vô cùng, hoặc thất vọng hay đau khổ hết mức, thì dường như khi bạn tức giận cũng là lúc bạn cảm thấy không kiểm soát nổi nỗi tức giận đó. Có thể lúc nào cũng như vậy hoặc chỉ đôi khi thôi, nhưng khi tức giận bạn sẽ thấy chỉ muốn cãi nhau hoặc làm bất cứ thủ đoạn nào mà bạn có thể.

Thật không may là một trong những thủ đoạn mạnh mẽ nhất mà bạn có thể sử dụng để đánh vào tình yêu con cái của người bạn đời của bạn (hay người bạn đời trước đây của bạn) là các con chung của các bạn. Có thể bạn sẽ giới hạn việc gặp gỡ các con của họ. Hoặc chỉ cho phép gặp gỡ vào những lúc mà bạn biết là sẽ bất tiện cho họ. Hoặc thông báo cho họ biết về những kế hoạch của bạn trước một thời gian rất ngắn. Thậm chí là cho các con bạn biết những nhận xét không hay về bố hoặc mẹ của các cháu. Hoặc khôn khéo để các con bạn biết rằng hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào các cháu.

Cũng có thể là người bạn đời của bạn cũng thực hiện một số hoặc tất cả các thủ đoạn trên đối với bạn. Điều đó làm bạn chỉ muốn trả thù lại họ như vậy. Chính họ là người khởi xướng mà.

Liệu việc ai là người bắt đầu trước có nghĩa lý gì không? Tôi không có ý là có nghĩa lý với bạn hay không, mà ý tôi là liệu các cháu có quan tâm ai là người khởi xướng không? Tất cả những gì các cháu quan tâm là các trò này dừng lại. Các cháu không phải là những kẻ ngốc và các cháu biết điều gì đang xảy ra, ít nhất là một phần sự việc. Các cháu biết rằng mình đang bị kẹt ở giữa hai người mà mình yêu thương. Khi chưa có những trò này xảy ra thì tình huống đã tệ lắm rồi. Điều các cháu không biết là làm sao để giải quyết xung đột, nhưng các cháu sẽ học rất nhanh bằng cách quan sát bạn và người bạn đời của bạn. Bạn có chắc là bạn đang dạy con bạn những gì bạn muốn cháu học không?

Thật khó để tránh không chơi các trò này khi mà người bạn đời hoặc bạn đời cũ của bạn làm như vậy. Nhưng bạn phải tránh được cám dỗ. Điều thiết yếu là bạn cần giữ được nền tảng đạo đức. Vâng, tôi biết điều này tuy quan trọng nhưng rất khó để thực hiện. Nhưng bạn là người có quy tắc nên bạn sẽ làm được. Bạn phải làm được. Bạn hãy phản ứng lại mỗi thủ đoạn gây chiến và khó chịu với tinh thần bình tĩnh, đứng đắn, trung thực và chính trực. Hãy để bạn tự hào về chính mình.

Một người bạn của tôi, một người hoàn toàn có quy tắc, đã phải trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn với người chồng của cô ấy. Một hôm, cậu con trai của cô ấy đột ngột tuyên bố rằng cha của cháu nói rằng cháu có thể có một chiếc xe đạp đua vào sinh nhật thứ 14 của cháu, trong khi cả hai vợ chồng đã thống nhất là cháu sẽ chỉ có chiếc xe đó khi cháu 18 tuổi. Đó đúng là một thủ đoạn chọc tức cô ấy, và để gây thiện cảm với con trai bằng cách mua tình cảm của cháu. Dù thất vọng hoàn toàn, bạn tôi đã cố gắng không nói với cháu bé những điều không hay cô ấy nghĩ về người cha của cháu. Thay vào đó, cô ấy không nói gì với cháu bé cả và đã phải rất kiềm chế, cô gặp riêng chồng mình. Cô ấy đã rất đúng mực, và cố gắng cắn răng để kiềm chế, và giải quyết tình huống đó bằng cách thỏa hiệp rằng cháu sẽ có chiếc xe đó vào sinh nhật thứ 16 của cháu, nhưng từ nay tới lúc đó chồng của cô ấy có thể dẫn cháu tới các sự kiện đua xe mỗi tháng một lần vào cuối tuần.

Và điều thu được là gì? Và một ngày nào đó, nếu chưa phải là bây giờ, các cháu sẽ hiểu được – bạn làm việc đó là vì cháu. Điều này sẽ củng cố mối quan hệ giữa bạn và cháu, và điều hay nhất là nó sẽ làm cháu hạnh phúc hơn rất rất nhiều so với lựa chọn đó. Chắc chắn đó là cảm giác tốt hơn so với bất kỳ sự thỏa mãn tầm thường nào mà bạn đạt được khi trả thù lại cha cháu.

 CÁC CHÁU BIẾT RẰNG MÌNH ĐANG BỊ KẸT GIỮA HAI NGƯỜI MÀ MÌNH YÊU THƯƠNG.

 QUY TẮC 82

NÊN ĐỂ CON BẠN GIẢI QUYẾT MỌI VIỆC THEO CÁCH CỦA CHÁU

Nhiều năm trước đây, khi ly hôn với người vợ đầu, tôi trở thành người cha đơn thân và hầu như không có gì trong tay. Các cháu và tôi ở trong một ngôi nhà thuê với rất ít đồ đạc. Một buổi tối, với cảm giác tội lỗi là đã để các cháu phải trải qua những điều như vậy, tôi nói với con trai: “Bố thật sự xin lỗi, con yêu. Bố rất tiếc là con lại phải trải qua những điều như thế này.” Bạn biết cháu đã trả lời thế nào không? Cháu đã nói: “Không đâu bố. Như thế này thật vui!”

Tất nhiên, cháu không có ý rằng cháu muốn cha mẹ mình chia tay. Nhưng tôi thì lo lắng về điều kiện sống, còn cháu lại cảm thấy như là đang trong kỳ nghỉ cắm trại vậy. Tôi đã cho rằng cháu cảm thấy những gì tôi cảm thấy, nhưng tôi đã sai.

Cũng có khi mọi thứ lại ngược lại. Đôi khi con trẻ cảm nhận mọi việc sâu sắc hơn người lớn chúng ta. Bạn có thể nhớ lại hồi bạn còn đi học mỗi khi bạn được gọi tên bạn lại lờ đi. Nhưng điều đó không có nghĩa là con bạn có thể làm giống như vậy. Có thể bạn không thấy phiền phức gì khi bạn phải thay đổi chỗ ở với công việc mới, nhưng con gái đang tuổi mới lớn của bạn lại có thể trở nên phá phách. Và chấn thương về cảm xúc của cháu là thật và cần được chú ý. Sẽ không đủ nếu chỉ khuyên cháu nên cứng rắn lên, rồi cháu sẽ có các bạn mới, hoặc vẫn có thể email, nhắn tin, v.v… cho các bạn cũ.

Khi bạn phải giải quyết các cảm xúc của con mình, và đặc biệt là trong giai đoạn có bất kỳ loại khủng hoảng nào, thì việc đó hoàn toàn không liên quan tới việc bạn cảm thấy như thế nào. Cảm giác của các cháu mới là điều đáng quan tâm. Hãy tập trung vào con bạn và quên bản thân mình đi. Tôi có một cô bạn thân có chồng bị qua đời đột ngột. Khi cô ấy nói cho các con mình biết thì các cháu có các phản ứng đau buồn ở các mức độ khác nhau, nhưng sau đó cùng trong ngày hôm ấy tất cả các cháu đã có lúc cười và chơi đùa. Cô ấy đã nói với tôi rằng lúc đầu thật là đau lòng khi chứng kiến các cháu vui vẻ hơn là chứng kiến các cháu không vui vẻ. Nhưng con trẻ đối mặt với sự đau buồn theo cách khác và không tốt chút nào khi cố đánh đồng phản ứng của các cháu với phản ứng của bạn đối với những đau buồn.

Khi có những sự việc lớn trong đời, bạn đừng giả định về những gì mà các con bạn phải đối mặt. Bạn hãy tin vào những gì mà các cháu nói cho bạn biết về cảm giác của các cháu, đừng cho là các cháu sẽ cần sự hỗ trợ giống như bạn cần. Các cháu có thể muốn được bạn bè vây quanh, trong khi bạn lại muốn ở một mình hơn. Các cháu có thể muốn có kỳ nghỉ mà bạn không thể đối mặt, hoặc hoãn lại bữa tiệc mà bạn lại muốn có. Nếu bạn có nhiều hơn một con, thì các cháu có thể không có cùng cảm giác giống nhau. Tất cả những điều này có thể dẫn tới các lựa chọn và thỏa hiệp khó khăn và chỉ có bạn mới có thể quyết định xem làm mọi việc theo cách các cháu muốn hay theo cách bạn muốn khi có mâu thuẫn. Điều quan trọng là hãy coi trọng các cảm xúc của các cháu và xử lý một cách nghiêm túc như đó là của bạn hoặc của bất kỳ ai khác.

 CẢM GIÁC CỦA CÁC CHÁU MỚI LÀ ĐIỀU ĐÁNG QUAN TÂM. HÃY TẬP TRUNG VÀO CON BẠN VÀ QUÊN BẢN THÂN ĐI.

 QUY TẮC 83

TRẺ HƠN KHÔNG NHẤT THIẾT LÀ PHẢI LÀM CÁC THỨ NHANH HƠN

Có nhiều người tôi từng gặp có chung quan điểm cho rằng con trẻ vượt qua mọi thứ nhanh hơn người lớn. Tôi không hình dung được quan điểm đó xuất phát từ đâu nhưng tôi có thể nói với bạn rằng điều đó thật là ngớ ngẩn.

Tất nhiên, một số cháu có thể vượt qua một số thứ nhanh hơn người lớn nhưng sẽ dễ bị tổn thương khi các cháu lớn lên. Rốt cuộc, các cháu phát triển theo thời gian và các sự kiện trong quá khứ của các cháu cũng biến chuyển theo. Một cháu bé có thể lúc ban đầu vượt qua được tình huống khi gia đình có người thân qua đời, nhưng có thể sẽ phải trải qua nỗi đau buồn lớn liên quan tới việc đó sau vài năm. Những điều được nói với con bạn 5 năm trước đây có thể vẫn còn ám ảnh cháu. Hoặc cháu có thể vẫn âm thầm hy vọng rằng cha mẹ cháu sẽ quay lại với nhau và có thể phá phách mỗi khi có điều gì đó xảy ra mà dường như làm tiêu tan hy vọng này của cháu.

Người lớn chúng ta không hoàn hảo, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều đối mặt với mọi việc một lần, và vượt qua được mọi chuyện. Nỗi đau hoặc buồn rầu có thể không bao giờ rời khỏi hẳn chúng ta, nhưng chúng ta học được cách sống cùng chúng. Nhưng với các cháu nhỏ thì khó hơn. Khi các cháu thay đổi, thì các sự kiện trong quá khứ lại làm gợi lại các cảm xúc của các cháu. Các cháu có thể vượt qua cú sốc lúc ban đầu nhanh hơn chúng ta (hoặc có thể không), nhưng các cháu có rất ít kinh nghiệm để đối mặt với những xúc cảm và điều này có thể làm các cháu mất nhiều thời gian hơn chúng ta để tìm hiểu xem các cháu cảm thấy thế nào và các cháu định làm gì tiếp theo.

Vì vậy, bạn đừng nghe thêm bất kỳ ai nói rằng con trẻ vượt qua mọi thứ nhanh hơn người lớn chúng ta nữa. Các bậc cha mẹ nắm vững quy tắc biết nhiều hơn thế, vì vậy đừng để bất kỳ ai nói những điều tẻ nhạt và vô lý như vậy.

Các con bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bạn. Ví dụ, nếu bạn gặp một sự tổn thất đột ngột về tình trạng tài chính, thì việc này có thể ảnh hưởng lớn tới các con của bạn. Các cháu sẽ không còn theo kịp được với các bạn về các kỳ nghỉ, các thầy huấn luyện, điện thoại di động, xe hơi đưa đón – đối với một số cháu thì điều này thật là mất mát lớn. Bạn đang gặp khó khăn khi phải cố gắng thiết lập một ngân sách hạn hẹp hơn, trong khi các cháu thì mất đến nửa số bạn bè, sự tự tin, vị thế, lòng tự trọng và kỳ nghỉ nữa. Điều này đòi hỏi phải có thời gian để vượt qua, kể cả nếu gia đình trở lại được tình trạng ổn định về tài chính.

Hãy để cho các con bạn biết rằng bạn hiểu được các cảm giác và vấn đề của các cháu có thể khác với của bạn, và bạn quan tâm tới những điều đó như là của chính bạn vậy. Bạn không thể lấy lại được cho cháu ngân sách mà cháu từng có, gia đình hạnh phúc của cháu, anh chị em hoặc người cha hoặc người mẹ đã mất của cháu, sức khỏe của cháu, hoặc bất cứ thứ gì mà cháu đã mất, nhưng bạn có thể cho cháu biết rằng bạn thật sự quan tâm tới cháu và không kỳ vọng cháu phải vượt qua mọi chuyện nhanh hơn là cháu có thể.

 THẬT SỰ QUAN TÂM TỚI CHÁU VÀ KHÔNG KỲ VọNG CHÁU PHẢI VƯỢT QUA MỌI CHUYỆN NHANH HƠN LÀ CHÁU CÓ THỂ.

 QUY TẮC 84

DƯ CHẤN CÓ THỂ KÉO DÀI MÃI MÃI

Tất nhiên, dần dần các con bạn sẽ vượt qua các khủng hoảng của mình hoặc ít nhất cũng sẽ quen với mọi thứ. Rồi các cháu sẽ biết chấp nhận – giống như tất cả chúng ta – rằng cha mẹ cháu đã ly hôn, hoặc ai đó đã qua đời. Nếu cháu bị ốm hoặc bị thương, cháu sẽ học được cách đối mặt với thực tế là cháu đã bị tàn phế hoặc không ăn được tất cả những thứ mà các bạn cháu có thể ăn. Nếu cháu phải chuyển chỗ ở theo bạn, thì rồi sớm hay muộn cháu cũng sẽ có bạn mới, sẽ ổn định với ngôi trường mới.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi thứ đã qua. Một số khủng hoảng có thể trôi qua và bạn lại trở về trạng thái ban đầu, nhưng đa phần chúng sẽ làm bạn khác đi một chút. Đôi khi khác đi nhiều. Một đứa trẻ có thể quen với mọi việc – như bạn có thể – khi có cha hoặc mẹ qua đời, nhưng cháu sẽ mãi mãi là một cháu bé lớn lên thiếu cha hoặc mẹ. Điều đó làm cho cháu vẫn khác biệt, và sẽ luôn mang theo những điều bất lợi cùng với tổn thương ban đầu. Các ngày thể thao của trường học hoặc ngày trao giải đối với các cháu giờ đây sẽ khác đi, mỗi sinh nhật, ngày lễ hoặc các sự kiện gia đình sẽ thiếu đi điều gì đó.

Điều tương tự cũng xảy ra với việc ly dị. Cho dù con bạn chấp nhận rằng hai bạn không còn ở cùng nhau nữa, và thậm chí có thể vượt qua được giai đoạn phải chia sẻ tình cảm, nhưng cháu vẫn phải trải qua thời gian thơ ấu còn lại với việc cha mẹ đã xa nhau và không còn liên lạc với nhau nữa. Các kỳ nghỉ sẽ không còn được như trước. Các cuộc vui chơi ở trường sẽ khó khăn hơn để sắp xếp nhằm đảm bảo rằng cha mẹ không đụng mặt nhau, hoặc sẽ ngượng ngùng khi họ gặp nhau. Và con bạn sẽ phải học cách chấp nhận những người bạn tình mới của cha mẹ, thậm chí là cha mẹ kế.

Có thể con bạn phải trải qua bệnh tật hoặc bị thương. Tôi biết một cháu bé 3 tuổi, cháu bị cắt bỏ một chân sau một vụ tai nạn ô tô. Cháu đối mặt với chuyện này một cách rất giỏi và dũng cảm, nhưng cháu sẽ luôn luôn là một đứa trẻ bị tật nguyền. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động mà cháu có thể tham gia – có thể cháu sẽ không thể tham gia hoặc nếu tham gia cháu trở nên phải cố gắng chứng tỏ mình với mọi người xung quanh – và điều đó có thể làm cho cháu bị trêu chọc khi cháu lớn lên, hoặc phải đi len lén. Bất kể các ảnh hưởng là như thế nào, có lợi hay bất lợi, thì sẽ khác so với việc lớn lên có đủ hai chân.

Là cha mẹ, bạn sẽ nhận thức được là những thay đổi dài hạn sẽ gây tổn thương thế nào cho các con của mình. Nhưng không phải bất kỳ ai khác cũng vậy nên điều này rất khó thể hiện. Đôi khi bạn cần nêu hẳn ra (có thể cả khi bạn cảm thấy bạn không nên), đôi khi bạn cần hỗ trợ thêm cho con mình và cho cháu biết rằng bạn biết. Các khủng hoảng lớn sẽ ảnh hưởng con bạn suốt cả cuộc đời, nhưng bạn hãy an tâm là có một số thay đổi có thể là tích cực, kể cả trong một tình huống tồi tệ. Con bạn có thể trở nên độc lập hơn, hoặc biết thông cảm hơn, hoặc cứng rắn hơn, và những điều này là vô cùng quý giá.

 MỘT SỐ KHỦNG HOẢNG TRÔI QUA VÀ BẠN LẠI TRỞ LẠI TRẠNG THÁI BAN ĐẦU, NHƯNG ĐA PHẦN CHÚNG SẼ LÀM BẠN KHÁC ĐI MỘT CHÚT.

 QUY TẮC 85

NÊN NÓI CHO CON BẠN BIẾT ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA

Con trẻ có thể rất ngây thơ. Các cháu có thể không hiểu hoặc thậm chí không biết ly hôn, phá sản hay qua đời là gì. Tuy nhiên, các cháu thường cảm nhận được rất rõ những gì diễn ra xung quanh. Các cháu biết khi có điều gì đó xảy ra, cho dù các cháu không hiểu điều đó là gì.

Dù là có ai đó đang ốm rất nặng, hoặc bạn và bạn đời của bạn đang cãi nhau (cho dù các bạn đã cố hạ thấp giọng hoặc khi các con bạn không có ở đó), hoặc bạn vô cùng lo lắng về chuyện tiền bạc hay công việc, thì các cháu sẽ biết hết. Tất nhiên các cháu sẽ không biết được các chi tiết – trừ khi bạn nói cho cháu biết – nhưng các cháu biết được những điểm chính.

Đó là lý do tại sao bạn nên nói cho các cháu biết. Nếu không các cháu sẽ không sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự lý giải, thường là sẽ tệ hơn so với thực tế. Các cháu đang trong độ tuổi mới lớn của bạn rất có thể sẽ cho rằng sự cãi cọ giữa cha mẹ và bầu không khí nặng nề chứng tỏ là sắp xảy ra việc ly hôn – trong khi thật sự là hai bạn có thể chỉ đang cãi nhau về tiền bạc và không hề có ý nghĩ gì về chuyện ly hôn cả. Các cháu có thể suy diễn là người nào đó đang ốm nặng chính là bạn, khi thực tế là ông hoặc bà cháu đang bị ốm. Cho dù là tệ, nhưng theo quan điểm của các cháu thì điều đó vẫn tốt hơn nhiều so với việc bạn là người phải đối mặt với tử thần.

Bạn hãy chú ý, việc không nói cho con bạn biết khi có điều gì đó không hay xảy ra, sẽ chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Bạn không thể giấu giếm được các cháu, nên tốt nhất là bạn đừng làm vậy. Tất nhiên, bạn không phải cho cháu biết thực chất của vấn đề nếu việc đó là không thích hợp, nhưng ít nhất bạn hãy cho cháu biết bức tranh tổng thể của vấn đề.

Bạn sẽ phải tự phán đoán xem chính xác khi nào và điều gì nên nói cho các cháu biết và tuổi của các cháu cũng sẽ làm nên sự khác biệt lớn. Bạn không thể nói cho cháu bé 2 tuổi của bạn nhiều thứ như cháu bé 15 tuổi của bạn. Một cách chung nhất, bạn hãy nói cho cháu những điều tối thiểu và sau đó trả lời các câu hỏi của cháu. Các cháu càng lớn, các cháu sẽ càng có nhiều câu hỏi. Nếu tình huống thật sự tác động và làm cháu tổn thương, thì bạn đừng cho cháu biết nhiều thông tin hơn là những gì các cháu hỏi bạn – có thể là các cháu không hỏi bởi vì các cháu không muốn biết. Các cháu sẽ hỏi khi các cháu thấy sẵn sàng nghe câu trả lời.

Khi bạn nói với cháu, bạn cần nói ngay khi cháu nhận thấy có điều gì xảy ra. Bạn đừng tự mình cho rằng cháu chưa để ý thấy chỉ bởi vì bạn không muốn đề cập tới điều đó – hãy thật sự trung thực với bản thân mình. Các cháu lớn tuổi hơn dù sao cũng sẽ có rất nhiều manh mối, từ các nhận định (“Con luôn là người sau cùng biết mọi chuyện”) cho tới các câu hỏi thẳng (“Mọi việc ổn chứ ạ?”). Và nếu tin xấu là điều không thể tránh được – ví dụ như ai đó trong gia đình bị ốm sắp qua đời – thì hãy cho cháu có đủ thời gian để quen với việc đó chứ đừng để đến phút cuối cùng mới nói cho cháu biết.

Tất cả các bậc cha mẹ tốt nhất mà tôi biết đều thực hiện một quy tắc là không giấu con trẻ điều gì, mà thay vào đó để cho các cháu biết và luôn trung thực về những gì đang diễn ra. Tất nhiên điều đó là tuỳ thuộc vào bạn, và bạn có thể lựa chọn cách cố gắng để cuộc sống của các cháu không bị ảnh hưởng, nhưng khả năng nhiều là bạn sẽ gặp khó khăn và rồi cháu cũng sẽ phát hiện ra, đến lúc đó thì mọi việc sẽ còn khó hơn vì đó là một cú sốc đột ngột chứ không phải là điều mà cháu đã có thời gian để thích nghi. Các con bạn là một phần của gia đình, và bất cứ điều gì ảnh hưởng tới gia đình đều sẽ ảnh hưởng tới các cháu. Vì vậy tôi có thể nói rằng các cháu có quyền được biết. 

 VIỆC KHÔNG NÓI CHO CÁC CON BẠN BIẾT KHI CÓ ĐIỀU KHÔNG HAY XẢY RA SẼ CHỈ KHIẾN MỌI VIỆC TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN.

 QUY TẮC 86

DẠY CON BẠN BIẾT CÁCH THẤT BẠI

Không ai muốn thất bại. Với con trẻ thì việc thất bại đôi khi tệ hơn so với chúng ta nghĩ. Có một thực tế đáng buồn là một số cháu thậm chí còn tự tử vì sợ thi trượt, trong khi người lớn chúng ta biết rằng việc thi trượt không đến nỗi khủng khiếp lắm. Trong cuộc sống chắc chắn sẽ có lúc con bạn thất bại trong việc gì đó. Có thể cháu rất giỏi làm bài thi ở lớp, nhưng lại trượt thi bằng lái xe, hoặc không được tuyển chọn vào đội bóng, hoặc không được tham gia ban nhạc cùng các bạn vì giọng không chuẩn (tôi đã từng bị như vậy).

Như tôi đã nói, có thể là bạn nhìn thấy được là những việc đó chẳng phải là điều gì ghê gớm lắm. Nhưng lý do mà quy tắc này nằm trong phần “khủng hoảng” là bởi vì đối với con bạn, những việc đó rất có thể là một sự khủng hoảng. Và nếu cháu vừa trượt hết các môn học bậc phổ thông thì đó cũng rất có thể là một sự khủng hoảng đối với bạn. Nhưng kể cả nếu bạn thấy thanh thản khi con bạn không được chọn vào đội bóng, thì bạn vẫn phải đểm ý xem cảm giác của cháu thế nào nếu bạn định giúp cháu vượt qua.

Nếu bạn nói với cháu rằng việc đó chẳng quan trọng, việc đó chẳng làm sao cả, cháu vẫn có thể thử lại, và còn nhiều thứ khác mà cháu có thể làm … là bạn đã đang gián tiếp nói với cháu rằng các cảm giác của cháu là sai và cháu không nên buồn như vậy. Việc coi nhẹ các cảm giác của cháu sẽ làm cháu cảm thấy tổn thương và cô đơn. Điều này không làm cho cháu nghĩ rằng, “Ừ nhỉ, mình thật là ngốc nghếch. Việc chẳng có gì cả mà.”

Vậy thì bạn nên làm gì? Hãy nói với cháu rằng cháu đã đúng khi có cảm giác mất mát như vậy và liệu đó đã phải là tận cùng thế giới chưa? Không hẳn, nhưng gần như vậy. Bạn phải cho phép cháu được có cảm giác tồi tệ như cháu đang cảm thấy bằng cách nói với cháu rằng bạn có thể thấy được cháu cảm thấy tồi tệ thế nào, và bạn không ngạc nhiên khi cháu cảm thấy như vậy. Bạn hãy tỏ ra cảm thông và thấu hiểu. Bạn biết điều gì có tác dụng rồi đấy – một vài cái ôm và những tách trà. Và một chiếc bánh sô-cô-la nếu trong nhà có. Có thể là nấu món ăn ưa thích của cháu cho bữa tối để cho cháu biết rằng bạn quan tâm tới cháu. Khi bạn đã để cho cháu buồn rầu trong một khoảng thời gian, thì rồi cháu sẽ lại thoát ra được khỏi nỗi thất vọng của mình và khi đó bạn sẽ lại ở bên cháu động viên cháu và chỉ ra cho cháu thấy những cái được – nhưng chỉ trong chừng mực mà cháu muốn nghe thôi nhé.

Cho dù đứa con 5 tuổi của bạn không dành được giải nhất trong ngày hội thể thao ở trường học hoặc đứa con 17 tuổi của bạn không vào được trường đại học mà cháu muốn và các cháu cho đó là một sự khủng hoảng thì bạn cũng phải nghĩ như vậy.

 VIỆC XEM NHẸ CẢM GIÁC CỦA CÁC CHÁU SẼ LÀM CÁC CHÁU CẢM THẤY TỔN THƯƠNG VÀ CÔ ĐƠN.

 QUY TẮC 87

TÌM SỰ THỐNG NHẤT CHỨ ĐỪNG TRANH CÃI ĐÚNG SAI

Ở bất kỳ đâu, ly hôn có lẽ luôn là nỗi khủng hoảng lớn nhất mà những đứa con phải trải qua. Và quy tắc này là dành cho các bậc cha mẹ đang trải qua giai đoạn ly hôn. Rất dễ thấy rằng ly hôn là điều xảy ra giữa hai người đã từng gắn bó và nay không như thế nữa. Tất nhiên, bạn biết rằng các con bạn là một thành tố quan trọng của gia đình, nhưng các cháu dường như không có chỗ trong sự kiện chính.

Sẽ thực tế hơn khi nhìn nhận rằng ly hôn là điều xảy ra với cả gia đình, và con trẻ là trung tâm của sự kiện đó cũng như bất kỳ ai khác. Các cháu có thể không phải là người ra các quyết định, nhưng các cháu có liên quan. Hơn nữa, cho dù việc ly hôn là tệ như thế nào, đa phần các bậc cha mẹ đều lựa chọn giải pháp đó bởi vì ít nhất thì việc đó cũng tốt hơn là lựa chọn chung sống cùng nhau. Tuy nhiên, đối với con trẻ, thì các cháu chẳng được lợi thêm điều gì từ việc chia tay của cha mẹ mình cả. Đó rất có thể là sự lựa chọn tồi nhất đối với các cháu.

Vì vậy việc các bạn thực hiện việc ly hôn làm sao để các cháu có thể chịu đựng được là điều quan trọng nhất. Và việc quan trọng nhất bạn có thể làm cho các cháu là hãy thống nhất được càng nhiều càng tốt với người bạn đời của bạn. Cho dù đó là thảo luận xem ai sẽ được chia cái gì, điều gì sẽ xảy ra đối với ngôi nhà, việc chăm nom các cháu hoặc bất kỳ thứ gì khác, các bạn hãy cố gắng hết sức để đạt được sự thống nhất. Và điều đó có nghĩa là kể cả khi mà bạn thấy điều đó không công bằng.

Bạn có thể có lý hoàn toàn khi làm cháy túi người bạn đời cũ của bạn, tranh đấu để dành được từng xu mà họ có, đòi hỏi được giữ lại ngôi nhà, yêu cầu hỗ trợ về tài chính nhiều hơn… nhưng thật sự thì không có việc nào trong đó quan trọng hơn là việc hãy thống nhất với họ, tìm cách và hợp tác để thỏa thuận được với họ, và để cho bọn trẻ quen được với cuộc sống mới.

Quy tắc này có thể thật sự là khó, đặc biệt là khi bạn cảm thấy – tôi biết đa phần mọi người đều thế – rằng hình như bạn bị ngược đãi và quấy rầy bởi người bạn đời cũ. Tôi hiểu là công lý và sự trả thù có thể là rất dễ chịu, nhưng có đáng không khi con bạn sẽ phải chịu hậu quả? Tất nhiên là không. Đây là một trong những điều mà thật sự phân biệt giữa các bậc cha mẹ nắm vững quy tắc và không có quy tắc. Trước khi bạn nói hoặc làm điều gì thiếu suy nghĩ, bạn hãy ngừng lại và nghĩ liệu xem điều đó có giúp ích gì cho các con của bạn không. Và nếu bạn không thể trung thực trả lời rằng có, thì bạn đừng làm điều đó.

 CÔNG LÝ VÀ SỰ TRẢ THÙ CÓ THỂ LÀ RẤT DỄ CHỊU, NHƯNG CÓ ĐÁNG KHÔNG KHI CON BẠN SẼ PHẢI CHỊU HẬU QUẢ?

 QUY TẮC 88

HÀNH ĐỘNG THỂ HIỆN NHIỀU ĐIỀU HƠN LỜI NÓI

Đây là quy tắc không chỉ áp dụng khi xảy ra khủng hoảng, mà còn cả khi sự khủng hoảng đó trở nên vô cùng quan trọng. Bạn biết mọi người hay nói rằng trẻ em không bao giờ lắng nghe? Không phải vậy, nhưng đúng là các cháu ít để ý tới những gì bạn nói hơn là những gì bạn làm. Con trẻ có thể nhanh chóng phát hiện ra sự giả tạo, và các cháu sẽ không quên điều đó. Các cháu sẽ đánh giá bạn qua các hành động của bạn.

Tôi không chỉ nói về các lời nói hoặc hành động tiêu cực. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Giả sử bạn hiểu được rằng việc để các cảm xúc của bạn được bộc lộ và khóc nức nở là có lợi. Bạn có thể nói với các con bạn điều đó một cách thường xuyên. Nhưng nếu các cháu thấy bạn trải qua những tổn thương tương tự mà chẳng bao giờ khóc, thì các cháu sẽ thấy rất khó để làm theo những gì bạn nói với các cháu so với khi bạn làm theo đúng những gì bạn nói. Nếu việc khóc lóc là không có vấn đề gì (và tất nhiên, đúng là như vậy) thì bạn hãy thể hiện cho các cháu thấy. Hãy để cho các cháu thấy bạn đầm đìa nước mắt mà không ngượng ngùng gì về điều đó cả.

Tôi có bạn từng trải qua những thời khắc khó khăn cách đây vài năm khi người chồng bị mất việc làm. Họ luôn nói với hai đứa con trong độ tuổi mới lớn của mình rằng không có gì phải ngượng khi mình có ít tiền hơn những người khác cả, và chẳng việc gì phải thấy không thoải mái khi mình không thể mua một số thứ mà bạn bè các cháu có. Một lần, cả gia đình họ đi ăn trưa tại nhà những người bạn rất giàu có của họ, và đôi bạn tôi đã phải đỗ xe khuất vào trong góc để những người chủ nhà không nhìn thấy chiếc xe cũ và xấu mà họ đang đi. Và bọn trẻ nhận ra điều đó ngay lập tức. Tôi biết, bởi vì chính các cháu đã kể với tôi điều đó.

Đó là một ví dụ về kiểu cha mẹ cổ điển: “Hãy làm như những gì cha mẹ bảo, chứ không phải như những gì cha mẹ làm.” Không có gì có thể biện minh cho cách nói này. Nếu bạn có thể làm điều đó thì bạn hãy làm đi. Còn nếu bạn không thể, thì tại sao bạn lại kỳ vọng con mình làm được?

Các con bạn sẽ quan sát xem bạn đối đầu với những tình huống khó khăn như thế nào, và các cháu sẽ làm theo như thế. Cho dù là bạn ghen tị, giận giữ, nhỏ nhen, hay cãi nhau, hổ thẹn hoặc bỏ cuộc, thì các cháu sẽ lớn lên và cho rằng đó là cách cư xử có thể chấp nhận, cho dù bạn có thể nói với cháu điều ngược lại. Mặt khác, nếu bạn cư xử có lòng tự trọng, chính trực, nhân đạo, có cân nhắc, và dũng cảm thì điều này sẽ ảnh hưởng tới các cháu nhiều hơn bất kỳ thứ gì bạn có thể nói.

 CÁC CON BẠN SẼ QUAN SÁT CÁCH BẠN ĐỐI ĐẦU VỚI NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÓ KHĂN, VÀ SẼ LÀM THEO NHƯ THẾ.

QUY TẮC 89

ĐỂ CON BẠN BIẾT RẰNG CHÁU LÀ ƯU TIÊN SỐ 1

Bạn biết rằng các con bạn là nhất, và tất nhiên là như vậy. Nhưng các cháu có biết điều đó không? Thường thì việc dành tình yêu thương và sự chú ý cho con dường như đã là bản năng của bạn, nhưng đôi khi việc này có thể rất khó khi đầu óc và tâm trạng của bạn đang bị phân tán. Khi bạn đang phải đối mặt với sự lo lắng, căng thẳng hoặc nỗi buồn, thì không dễ chút nào để nhớ là phải đặt con bạn lên hàng đầu.

Trong những thời khắc tối tăm nhất ấy, thì mức độ chú ý và kiên nhẫn của bạn sẽ bị lung lay. Đột nhiên thật khó để dành thời gian đọc chuyện cho cháu nghe trước khi đi ngủ, hoặc ôm ấp cháu, chứ chưa nói đến việc cho cháu đi mua sắm hoặc đá bóng cùng cháu. Khi có điều gì đó tồi tệ nhất xảy ra, thì đột nhiên các con bạn sẽ ít được bạn quan tâm hơn thường lệ. Có thể các cháu phải chịu sự gắt gỏng hoặc mất kiên nhẫn của bạn nhiều hơn khi bạn cảm thấy căng thẳng, nhưng các cháu còn nhận được ít thời gian và sự chú ý của bạn hơn.

Tôi biết có thể bạn cũng không biết làm gì hơn. Có những thứ trong cuộc sống mà có thể lấy hết thời gian của bạn và làm bạn trở nên nóng tính và chẳng ai muốn lại gần bạn. Nếu nhà bạn bị xiết, hoặc mẹ bạn bị ốm sắp mất, hoặc sếp của bạn sắp sa thải bạn, hoặc một cháu trong các con bạn bị ốm nằm viện, thì tất nhiên bạn không thể vui vẻ như bình thường được. Và chẳng ai kỳ vọng bạn làm được như vậy cả.

Một số loại khủng hoảng có thể qua nhanh, trong khi một số loại khác lại có thể âm ỉ ngày này qua tháng khác, thậm chí là hàng năm. Thường là chỉ riêng việc quan tâm đến bản thân bạn đã đủ mệt rồi. Nhưng việc đặt các con lên hàng đầu cũng có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm cho mình – việc này làm bạn bớt tập trung vào mình, làm bạn ngừng việc tự đắm mình trong suy nghĩ, và là lý do để bạn tiếp tục chiến đấu.

Và trên thực tế, cách tốt nhất để các con bạn biết được rằng các cháu được ưu tiên hàng đầu là hãy đảm bảo rằng điều đó thật sự được thực hiện. Nếu bạn cứ tự giam mình với những than vãn và luôn nghĩ về bản thân thì điều này sẽ thể hiện ra ngoài. Cho dù lý do bạn cảm thấy tồi tệ là như thế nào, thì các con bạn sẽ tự hiểu là bạn đặt bạn lên trước cháu. Nếu đó không phải là điều bạn muốn, và bạn muốn các cháu biết rằng các cháu được đặt lên hàng đầu thì bạn hãy đảm bảo rằng các cháu được như thế, và các cháu sẽ hiểu được điều đó ở một mức độ nào đó. Các cháu có thể kêu ca than vãn lúc này hay lúc khác rằng bạn không làm thế này thế kia như bạn thường hay làm, nhưng trong lòng các cháu biết rằng các cháu vẫn là số 1.

Tất nhiên điều đó là sự thật. Không có ích gì khi bạn cứ đắm mình với những suy nghĩ riêng rồi đôi khi tự nhủ rằng: “Tất nhiên bọn trẻ được đặt lên hàng đầu.” Việc đó chẳng có ích gì cả. Nhưng nếu các cháu vẫn là ưu tiên hàng đầu của bạn trong mọi quyết định, nếu bạn đảm bảo là các cháu luôn có những thứ các cháu cần hầu hết mọi lúc kể cả khi việc đó rất khó với bạn, thì các cháu sẽ có được sự tự tin khi biết được rằng bạn yêu các cháu nhiều biết bao nhiêu.

 Việc đặt các con lên hàng đầu cũng có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm cho mình.

 QUY TẮC 90

BẠN KHÔNG THỂ SỬA CHỮA MỌI THỨ

Mong muốn lớn nhất của bất kỳ người cha, người mẹ nào là mọi thứ tốt đẹp đến với các con mình. Nếu các cháu bị đau, chúng ta sẽ hôn cháu nhiều hơn. Nếu cháu gặp vấn đề, chúng ta sẽ giúp cháu giải quyết. Nếu cháu buồn, chúng ta sẽ ôm cháu. Nếu ai đó xấu tính với cháu, chúng ta sẽ can thiệp.

Nhưng đôi khi các cháu phải đối mặt với những thứ thật sự lớn mà chúng ta không thể giải quyết hộ cháu. Và cảm giác bất lực không giúp được con mình thật là kinh khủng làm sao. Có một số điều trong cuộc sống còn tồi tệ hơn cả việc phải chứng kiến con bạn phải chịu đựng hoặc không vượt qua được nỗi đau. Nhưng điều đó có thể xảy ra. Khi có ai đó qua đời, bạn không thể mang người đó lại cho con bạn được cho dù cháu có nhớ và yêu người đó nhiều như thế nào. Đôi khi con bạn bị ốm mà bạn không thể làm gì được. Hoặc người cha hoặc mẹ của cháu bỏ đi và không ở đó khi cháu cần.

Đó là bài học quan trọng mà mỗi cháu đều cần học được: có những thứ diễn ra mà đôi khi không có ai làm gì khác được. Đó là bài học thật khó để học khi các cháu còn nhỏ. Và việc chứng kiến các cháu phải học bài học đó thật là đau lòng biết chừng nào. Nhưng dù sớm hay muộn, thì các cháu cũng đều phải học, và bạn không thể kiểm soát được việc cuộc đời sẽ dạy cho cháu những gì. Tất cả những gì bạn có thể làm là hãy an ủi con mình vượt qua chuyện đó, nhưng bạn không thể ngừng những tổn thương lại được.

Vì vậy quy tắc này đề cập tới việc phải chấp nhận rằng bạn chẳng thể làm điều gì cả. Đó không phải là lỗi của bạn và không ai khác có thể làm điều gì tốt hơn bạn. Đó chỉ là giọt nước tràn ly và kết thúc câu chuyện thôi mà. Bạn đừng dằn vặt bản thân, bởi vì bạn không đáng phải như vậy. Mọi thứ đã đang khó khăn đối với bạn lắm rồi. Bạn có thể cũng đang có nỗi đau của riêng mình, cộng thêm với việc phải chứng kiến con bạn phải chịu đựng mọi thứ, cho nên bạn thật sự không cần phải chất chứa thêm điều gì cho mình để phải chịu đựng thêm nữa. Bạn hãy dành cho mình một chiếc ôm và sự thông cảm nữa.

Và bạn hãy nhớ rằng con bạn không kỳ vọng bạn tạo ra những phép màu. Các cháu không phải là kẻ ngốc và các cháu biết là bạn cũng chẳng thể làm gì hơn. Tất cả những gì mà lúc này bạn có thể làm cho cháu là hãy dành cho cháu tình yêu thương của bạn và hãy ôm cháu thật nhiều, vì vậy bạn hãy làm như thế đi. Điều đó có thể sẽ giúp cả bạn và con mình thấy dễ chịu hơn phần nào.

 BẠN KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC VIỆC CUỘC ĐỜI SẼ DẠY CHO CHÁU NHỮNG GÌ.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.