Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN V. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH CÁCH



Hãy thử hỏi bất kỳ ai có hơn ít nhất là hai con trở lên và họ sẽ cho bạn biết các cháu khác hẳn nhau. Các cháu có thể có cùng cha mẹ đẻ, lớn lên trong cùng một nhà, đi học cùng trường, cùng đi nghỉ, nhưng các cháu lại là những người hoàn toàn khác nhau.

Và điều đó liên quan đến cách bạn nuôi dạy các cháu. Mục tiêu của bạn là để cho các cháu có cá tính riêng, chứ không ép các cháu thành người mà bạn muốn. Và bạn biết điều này, vì bạn là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc. Nhưng bạn thực hiện điều đó như thế nào? Đó là những gì mà phần  này muốn nói tới. Hãy tuân theo các quy tắc sắp được kể ra đây và bạn sẽ có thể giúp con mình lớn lên thành những người tuyệt vời, độc lập, tự tin, suy nghĩ khoáng đạt như bạn kỳ vọng.

 QUY TẮC 41

TÌM CÁC CÁCH KHÍCH LỆ PHÙ HỢP VỚI CON 

Tôi có một cậu con trai luôn muốn làm bất kỳ điều gì để làm vừa lòng tôi. Điều này rất tốt, nhưng tôi vẫn luôn cẩn thận và không bao giờ lạm dụng. Cháu thật sự muốn làm vừa lòng người khác và tôi có thể sử dụng yếu tố đó để khích lệ cháu. Tất nhiên, sau khi cháu làm bất kỳ điều gì, tôi đều nhớ thể hiện cho cháu biết tôi đã hài lòng, ấn tượng, vui mừng và cảm động như thế nào.

Tôi cũng có một cậu con trai khác. Cháu lại không quan tâm lắm tới sự đồng ý hay phản đối của tôi. Vì theo cháu, đó là chuyện của tôi. Nói cách khác, cháu quan tâm nhiều hơn tới việc được xem như người lớn và được cho là người có trách nhiệm. Do vậy, tôi đã dùng đòn bẩy này để khích lệ cháu.

Mỗi đứa con của tôi có động cơ thúc đẩy hành động khác nhau, và không nhất thiết phải giống với động cơ của tôi. Có một số cách khích lệ mang tính cảm xúc – sự đồng ý, được xem như người lớn, được đánh giá cao. Một số cách khích lệ khác thì cụ thể hơn nhằm khuyến khích con bạn đúng những điều bạn muốn – được giao nhiều trách nhiệm, vị thế, tiền bạc, sự tự do hơn. Nói cách khác, các cháu có thể được thưởng bằng việc được nấu một bữa ăn cho cả nhà hoặc được mua các loại quần áo mà các cháu nghĩ sẽ giúp nâng vị thế của các cháu đối với bạn bè, hay được cho phép đi ngủ muộn hơn vào buổi tối.

Điểm mấu chốt ở đây là bạn không thể sử dụng cùng một cách khích lệ cho các con, bởi việc đó sẽ không có tác dụng. Việc này không chỉ làm bạn không thể khai thác được hết khả năng của con, mà còn làm các cháu không đạt được những gì các cháu thật sự mong muốn. Những phần thưởng bạn dành cho con có thể giữ nguyên hoặc thay đổi theo thời gian khi con bạn lớn lên. Vì vậy, bạn cần suy nghĩ thấu đáo về các cách khích lệ có tác dụng với từng đứa, và các cách sử dụng chúng. 

Nhân đây phải nói thêm rằng, trong những trường hợp hiếm hoi mà bạn phải sử dụng sự đe dọa hơn là nói ngọt, thì mỗi con bạn sẽ phản ứng với các lời đe dọa theo những cách khác nhau. Có cháu sẽ không quan tâm nếu bạn ngừng cho cháu tiền tiêu vặt trong vòng một tuần, có cháu lại không chịu nổi điều đó. Cũng tương tự như vậy đối với các cách cơ bản mà bạn áp dụng – sự tự do, tiền bạc, vị thế, sự đồng ý.

Do đó, bạn đừng giả định rằng các con bạn đều giống nhau, hoặc giống bạn. Đôi khi phải mất một thời gian dài, bạn mới tìm ra được cách khích lệ nào có tác dụng, nhưng nếu bạn suy nghĩ thấu đáo và trải nghiệm một thời gian, bạn sẽ luôn tìm ra được cách phù hợp.

 BẠN KHÔNG THỂ SỬ DỤNG MỘT CÁCH KHÍCH LỆ CHO CÁC CON, BỞI VIỆC ĐÓ SẼ KHÔNG CÓ TÁC DỤNG.

 QUY TẮC 42 

MỖI ĐỨA TRẺ ĐỀU CẦN BIẾT KHẢ NĂNG CỦA MÌNH

Dan là anh họ tôi. Anh bị thiểu năng và cơ thể anh không thể vận động như người bình thường. Do vậy, anh rất khó tham gia các hoạt động nghệ thuật hoặc thể thao. Thú thực là trong nhiều năm, không ai tìm ra được năng khiếu nào của anh. Anh trai của anh lại là một nhạc công giỏi. Rồi dần dần, mọi người phát hiện ra rằng mặc dù Dan không thể chơi một loại nhạc cụ nào, nhưng anh lại là người rất biết thưởng thức âm nhạc. Nếu bạn bật một băng nhạc, thì chỉ cần sau hai nhịp là anh có thể hát lại câu đầu tiên của bài hát. Vậy là, anh đã có cái để tự hào với mọi người.

Ngày nay, hầu hết các cháu đều may mắn hơn – các cháu không còn phải chịu sự so sánh nặng nề. Kể cả những cháu kém năng lực nhất cũng vẫn có thể giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Con bạn cần biết rằng cháu có khả năng. Nếu bạn muốn con mình lớn lên với cảm giác cháu có thể đóng góp điều gì đó cho xã hội và luôn ngẩng cao đầu, thì đây chính là điểm xuất phát. Với thời gian, điều đó sẽ mang lại cho cháu sự tự tin để tìm ra nhiều khả năng khác, với một số cháu thì chỉ có một hoặc hai khả năng thật sự quan trọng. Trách nhiệm của bạn là nỗ lực tìm kiếm cho tới khi thấy được sở trường của các cháu và đảm bảo là các cháu cũng biết điều đó.

Khả năng của các cháu không nhất thiết phải liên quan tới học tập hoặc năng khiếu (như nhạc, họa, thể thao), cho dù những thứ này đều tốt. Nó có thể là trí nhớ tuyệt vời của cháu và cháu có thể nhắc bạn về tất cả những thứ mà bạn quên chưa đưa vào danh sách cần mua trước khi đi chợ. Hoặc có thể cháu là người có đầu óc tổ chức nhất trong gia đình và có thể giữ ngăn nắp các đĩa DVD. Hoặc có thể cháu nấu được món mỳ ống với pho-mát rất ngon, hoặc cháu biết cách hiểu được động vật. Hãy đảm bảo rằng các cháu biết các cháu giỏi – và quan trọng hơn – là các cháu biết bạn biết điều đó.

Điều đó thậm chí còn quan trọng hơn đối với các cháu nhỏ hơn trong gia đình. Thường thì trong một thời gian dài, cháu lớn nhất sẽ giỏi hơn các em mình về hầu như tất cả các lĩnh vực. Nếu bạn có nhiều con, thì các cháu nhỏ hơn thật khó để tỏa sáng. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo các cháu nhỏ cũng tìm được khả năng của riêng mình.

 HÃY TÌM RA THẾ MẠNH CỦA CÁC CHÁU.

 QUY TẮC 43

HÃY ĐỀ CAO NHỮNG PHẨM CHẤT KHIẾN BẠN NHỚ TỚI NGƯỜI KHÁC Ở CON TRẺ

Khi còn bé, con gái tôi có tính cách giống cả bà nội và bà ngoại của cháu. Tôi không có ý chỉ trích mang tính cá nhân, nhưng nếu được lựa chọn, tôi đã không chọn như vậy. Khi con gái tôi lớn lên, cháu lại càng giống các bà hơn. Tất nhiên, cháu cũng mang một số phẩm chất của hai bà, nhưng tôi đã không thật sự chú ý tới điều đó. Trong mắt tôi, ở cháu chỉ có những điểm không hay của các bà.

Vấn đề là, đó là con gái của tôi. Và tôi yêu cháu vô điều kiện. Vì vậy, tôi đã học cách yêu tất cả những tính cách ở cháu. Điều đó không hề dễ thực hiện, nhưng là việc phải làm bởi vì bạn không thể trách các con vì các cháu mang những đặc điểm di truyền. Có chăng, các đặc tính đó làm tôi thông cảm với các bà của cháu hơn. 

Điều khó nhất là chúng ta phải học cách yêu bất kỳ đặc điểm nào giống người bạn đời trước đây ở con trẻ. Nếu các bạn đã ly dị hoặc ly thân, thì con chung của các bạn vẫn luôn gợi cho bạn nhớ tới người bạn đời cũ của mình và bạn phải học cách yêu nửa đó ở con mình, cho dù bạn có ghét bố hoặc mẹ cháu đi chăng nữa.

Tôi vẫn chưa có câu trả lời cho tất cả và điều này thật sự là khó. Nhưng tôi có thể kể với bạn điều gì đã giúp tôi. Tôi đã nhận ra rằng không có đặc điểm nào là xấu; quan trọng là mọi người sử dụng các tính cách tự nhiên của mình như thế nào mà thôi. Tôi biết một cháu gái khi còn nhỏ vô cùng bướng bỉnh. Nhưng khi lớn lên, cháu đã trở thành một nhà hoạt động chính trị rất cương quyết. Vậy liệu tính bướng bỉnh có phải là tính xấu không? Trong trường hợp của cháu gái tôi kể thì không.

Việc con bạn có những đặc điểm của mẹ hay cha bạn, không có nghĩa là các cháu sẽ xử sự như thế hệ trước. Do vậy bạn không cần bực bội với các đặc điểm đó. Bạn biết điều bạn cần làm: hãy để các cháu thấm nhuần những giá trị đảm bảo cho các cháu sử dụng các đặc điểm tự nhiên của mình một cách khôn ngoan nhất.

 KHÔNG CÓ TÍNH CÁCH NÀO LÀ XẤU.

 QUY TẮC 44

TÌM NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA BẠN VÀ CON

Với một số trẻ, bạn có thể bỏ qua quy tắc này. Đôi khi bạn thấy cả hai rất giống nhau, tuy nhiên cái khó là làm sao để luôn nhớ rằng các cháu không phải lúc nào cũng nghĩ giống bạn.

Nhưng còn một số cháu khác thì ngược lại. Bạn nhìn cháu và phân vân không biết tại sao cháu lại là con bạn. Bạn và cháu chẳng có điểm chung gì và bạn cũng chẳng hiểu được trong đầu cháu nghĩ gì. Cách cháu cư xử làm bạn thấy ghét cay ghét đắng. Bạn tự hỏi tại sao cháu lại luôn mếu máo khi bạn cáu gắt? Làm sao cháu có thể chơi với ốc sên và nhện trong khi bạn thậm chí chẳng hề muốn nghĩ tới loài côn trùng này?

Tất nhiên, chẳng hề có lý do cấm bạn không được có cái nhìn thiên vị giữa các con. Nhưng đôi khi, có thể bạn cảm thấy như một người quan sát bên ngoài. Bạn không biết phải làm gì khi con bạn thể hiện những cảm xúc chẳng có nghĩa lý gì với bạn. Con bạn sẽ nhận ra điều đó và có thể sẽ giữ khoảng cách với bạn. Có thể người bạn đời của bạn gần gũi với con bạn hơn vì giữa hai người có nhiều điểm chung, nhưng điều đó chỉ nhấn mạnh sự khác biệt mà thôi.

Giờ thì bạn hãy nghe nhé. Tôi biết cảm giác của bạn thế nào, vì tôi cũng từng ở trong tình huống như vậy. Nhưng con bạn mang trong người 50 % gen của bạn, nên nhất định phải có điểm tương đồng nào đó giữa cả hai. Bạn cần tìm ra điểm đó, bởi nếu không, con bạn sẽ hiểu lầm sự thiếu thông cảm của bạn là sự thiếu tình yêu thương. Đặc biệt nếu cháu có anh chị em ruột, cháu sẽ vô thức nhận ra rằng dường như bạn gần gũi với anh chị em của cháu hơn. Và càng khó hơn nữa nếu bạn khác giới tính với cháu.

Bất cứ ai từng nhận con nuôi đều có thể nói với bạn điều này quan trọng như thế nào. Nhiều bậc cha mẹ nuôi đã rất cố gắng thực hiện điều này bởi vì họ đủ thông minh để biết việc tìm ra điểm tương đồng với con nuôi là rất quan trọng. Nhưng một số bậc cha mẹ lại có thể cảm thấy khác biệt giữa mình và con, do đó chúng ta cần có những nỗ lực tương tự để thắt chặt quan hệ.

Bạn hãy cố gắng cho tới khi tìm được những điểm tương đồng với con. Tất nhiên, con trẻ sẽ thay đổi, đôi khi một đứa con mà bạn thấy khó tương đồng sẽ lại giống bạn nhiều hơn khi cháu lớn lên. Nhưng bạn không thể cứ ngồi đó chờ đợi. Hãy tìm ra những sở thích chung. Bạn hãy cố gắng tìm ra những khoảng thời gian chỉ có bạn và cháu với nhau, và hãy thử để ý, quan sát thật kỹ thói quen của cháu.

Nếu bạn làm tất cả những điều trên, con bạn sẽ cảm thấy được yêu thương và quan tâm như các anh chị em của cháu. Và phần thưởng dành cho bạn là, cháu nào khác bạn nhiều nhất lại là cháu mà bạn có thể học hỏi được nhiều nhất.

 CON BẠN MANG TRONG NGƯỜI 50 % GEN CỦA BẠN NÊN NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA CẢ HAI.

 QUY TẮC 45

TÌM RA NHỮNG ĐỨC TÍNH ĐÁNG KHÂM PHỤC Ở CON TRẺ

Cuộc sống là luôn học hỏi. Và bạn đừng bất ngờ khi tôi nói, một trong những điều tuyệt vời nhất khi có con là bạn có thể học hỏi rất nhiều từ con mình.

Nếu con bạn giống y hệt bạn thì còn gì là thú vị? Bạn đừng mong con sẽ giống mình bởi các cháu sẽ không như thế. Và các cháu cũng sẽ không thích những gì mà bạn thích. Bạn thích bóng chày, còn cháu lại say mê bóng đá. Bạn thích mua sắm quần áo mới, còn cháu lúc nào cũng chỉ thích mặc chiếc quần bò cũ, bẩn đi chơi. Đó là chuyện của các cháu. Các cháu được lập trình để tách xa và càng lớn các cháu lại càng tách khỏi bạn hơn, bằng cách hành động khác và sử dụng thời gian khác với bạn.

Cách để xử lý điều này là hãy chung sống với nó. Thay vì việc cảm thấy buồn khi các cháu đi khác hướng, bạn hãy tận hưởng điều đó vì có thể đó là những gì bạn có thể học hỏi. Con bạn có thể chỉ cho bạn những thứ mà bạn chưa từng nghe thấy, chưa từng nghĩ đến – và thật tuyệt làm sao khi các cháu có thể dạy bạn điều gì đó mà bạn chưa biết hoặc chưa làm. Các cháu có thể dạy bạn các kỹ năng mà nếu không học bạn sẽ không thể biết được và có thể là thách thức đối với bạn (đặc biệt là về công nghệ). Và, điều tuyệt vời nhất là, các cháu có thể cư xử theo cách mà bạn cũng muốn mình làm được. Vâng, các cháu có thể dễ dàng xử lý các tình huống mà bạn luôn thấy khó khăn.

Có rất nhiều điều đáng khâm phục ở một đứa trẻ. Và sự khâm phục của bạn sẽ có ý nghĩa với cháu hơn nhiều so với những người khác (cho dù cháu không thừa nhận điều này). Một cháu bé con trai tôi có thể nói với mọi người một cách cởi mở và thẳng thắn về những gì cháu nghĩ mà không quan tâm tới việc người nghe có thích hay tán thành cháu không. Giờ thì đối với tôi, việc đó là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng mẹ của cháu, một người luôn thiếu quyết đoán và đáng phê phán (theo lời cô ấy), luôn muốn tất cả mọi người, kể cả những người cô ấy không quan tâm hài lòng, lại khâm phục con trai vì khả năng quyết đoán và rõ ràng của cháu. 

Một cháu bé khác con tôi lại là một người có tài ngoại giao. Tôi chỉ có thể cố gắng ngoại giao khéo kéo khi bắt buộc phải như thế và không cảm thấy thoải mái. Trái lại, con trai tôi lại rất tự nhiên và tôi thường ngạc nhiên vì các mẹo mà cháu nghĩ ra để làm dịu đi những vụ tranh cãi. Và tôi đã học được rất nhiều điều từ cháu.

 NẾU CON BẠN GIỐNG Y HỆT BẠN THÌ CÒN GÌ LÀ THÚ VỊ?

 QUY TẮC 46

ĐỂ CON BẠN GIỎI HƠN BẠN

Tôi còn nhớ, trong một lần đi nghỉ tôi đã chứng kiến có hai cha con chơi tennis với nhau, người cha thì cố gắng thật lực để thắng cậu con trai mới lớn của mình. Cậu con trai cũng thật sự cố gắng để thắng, nhưng người bố vẫn kiên quyết giữ thế trận. Ông đỏ hết cả mặt, thở hổn hển, mệt đứt hơi, nhưng ông vẫn cố gắng đánh bóng qua lưới bất kể thế nào. Cuối cùng, ông đã thắng và hai cha con cùng rời khỏi sân. Người cha mồ hôi chảy ròng ròng nhưng đầy tự mãn. Còn cậu con trai trông có vẻ cam chịu. Tôi đoán rằng cháu đã quen với việc đó.

Tôi đã cảm thấy buồn thay cho người cha. Sự thỏa mãn trong chốc lát vì chiến thắng không thể sánh được với sự thỏa mãn lâu dài khi được thấy niềm vui sướng của con khi cháu thắng bạn. Tôi đã tự an ủi mình rằng vấn đề chỉ còn là thời gian. Cậu bé là một tay vợt tốt và chẳng bao lâu nữa cháu sẽ khỏe hơn và cha cháu rồi sẽ già đi, lúc đó thời cơ của cháu sẽ tới.

Giờ thì cả bạn và tôi đều biết rằng người cha này rõ ràng không phải là người nắm vững quy tắc. Và điều tôi chưa kể với bạn là ông ấy thậm chí còn không hề động viên con trai mình – vì quá lo lắng rằng mình có thể bị thua, tôi đoán vậy. Tất nhiên, bạn không thể để cho con bạn thắng bạn trong mọi hoạt động – vì điều đó có vẻ hơi phi lý. Bạn có thể làm như thế khi con bạn 2 tuổi, nhưng bạn không thể đánh lừa cháu khi cháu đã 12 tuổi. Nhưng đôi khi, cháu có thể thắng bạn; tất cả những gì bạn cần làm là đừng quá cố gắng một cách lố bịch như người cha chơi tennis trên đã làm. Bạn cũng có thể động viên con ngay cả khi cháu bị thua: “Khi nào con đánh tay trái tốt như tay phải, bố sẽ không còn cơ hội nào nữa đâu.”

Nếu cháu đánh tennis chưa tốt bằng bạn, hãy cùng cháu thực hiện những hoạt động khác như đi bơi, chạy bộ, khiêu vũ, v.v… Hoặc bạn có thể chơi trò PlayStation yêu thích của cháu. Bạn hãy tìm ra trò gì đó mà cháu có thể làm tốt hơn bạn, và cùng làm với cháu. Điều đó sẽ thú vị hơn nhiều so với việc thắng cuộc (ít nhất là khi đó là con của bạn).

Và còn một điều nữa. Theo bạn, người cha tennis đó đã dạy cho con trai mình điều gì khi biến cháu thành người thua cuộc? Không gì cả. Tất cả những gì ông ấy dạy con trai mình là làm thế nào để điều đó không bao giờ xảy ra với mình. Người cha này đã không cho mình một cơ hội để trở thành một người thua cuộc hòa nhã. Làm một người thua cuộc không có gì là quá tệ, miễn là bạn không phải là một người thua cuộc cay cú.

 LÀM MỘT NGƯỜI THUA CUỘC KHÔNG CÓ GÌ LÀ QUÁ TỆ, MIỄN LÀ BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI THUA CUỘC CAY CÚ.

 QUY TẮC 47

THÁI ĐỘ CỦA CON BẠN CŨNG QUAN TRỌNG NHƯ NHỮNG THÀNH TÍCH MÀ CHÁU ĐẠT ĐƯỢC

Bạn thường khen ngợi con vì điều gì nhất? Thành tích tốt ở trường? Làm bài thi tốt? Thành tích cao trong các môn thể thao? 

Nếu bạn là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc, bạn sẽ nhận ra rằng đó là một câu hỏi mẹo và câu trả lời là: không có điều nào kể trên. Tất nhiên, việc chúc mừng con khi các cháu đạt được những kết quả đáng khích lệ là rất quan trọng. Điều đó rất có ý nghĩa với cháu và là bằng chứng cho sự quan tâm của bạn. Nhưng điều mà cháu đáng được khen nhất là thái độ và cách cư xử, chứ không phải là các thành tích mà cháu đạt được.

Tôi biết một cháu gái nhỏ thật sự cố gắng để cư xử ngoan ngoãn. Cháu muốn làm được như vậy, nhưng cháu lại là người dễ tức giận và thất vọng nên chưa bao giờ cư xử ngoan ngoãn được. Và không may cho cháu là cháu lại có một người chị gái rất ngoan. Thỉnh thoảng, mọi người lại so sánh hai cháu và nhận xét rằng bé chị ngoan hơn nhiều (rất may, đây không phải là câu nói của cha mẹ cháu). Tôi cảm thấy tội nghiệp cho cháu bé vì tôi có thể thấy rằng cháu rất cố gắng để ngoan ngoãn. Còn chị cháu lại không phải cố gắng gì cả. Vậy cháu nào xứng đáng được khen ngợi hơn? (Nhân đây, quay lại Quy tắc 32, đây là một ví dụ tuyệt vời về việc khích lệ có tác dụng hơn là răn đe. Cháu bé đã cố gắng rất nhiều để cư xử ngoan ngoãn).

Những lời khen ngợi hay món quà dành cho con sẽ giúp cháu hiểu rõ, với bạn, đâu là điều quan trọng trong cuộc sống. Điều đó giúp cháu tự tạo nên những giá trị cho mình. Vì vậy, nếu bạn luôn khen cháu vì đạt thành tích cao, học giỏi, chiến thắng, thành công, cháu sẽ coi đó là những điều quan trọng với bạn (và các cháu sẽ phải tiếp tục chịu áp lực để đạt được chúng). Trong khi nếu bạn khen cháu vì sự nỗ lực, tính kiên trì, sự tiến bộ, sự khéo léo trong giao tiếp, tính trung thực, thật thà – thì cháu sẽ tin đó là những điều tốt, cần làm.

Rõ ràng là bạn cần có sự kết hợp. Tôi không nói rằng bạn nên bỏ qua các thành tích mà con đạt được. Hãy đảm bảo rằng bạn ý thức được tất cả những gì mà bạn muốn con mình thấy quan trọng và suy nghĩ về mức cân bằng mà bạn sẽ áp dụng.

 NHỮNG LỜI KHEN NGỢI HAY MÓN QUÀ DÀNH CHO CON SẼ GIÚP CHÁU HIỂU RÕ, VỚI BẠN, ĐÂU LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG TRONG CUỘC SỐNG.

 QUY TẮC 48

GIỮ NỖI LO SỢ VÀ SỰ BẤT AN CHO RIÊNG MÌNH

Khi đi vườn bách thú, tôi thường chứng kiến một cảnh khá quen thuộc. Tại khu dành cho các loài bò sát, một gia đình đang xem những chú rắn tuyệt đẹp, màu da óng ánh đang trườn uyển chuyển dọc theo cành cây. Bà mẹ nói: “Eo ôi! Khiếp quá!” như thể bà đang nhìn thấy một thứ gì kinh khủng.

Hầu hết trẻ con đều rất nhạy cảm với những lời nói như vậy và thường bắt chước kiểu nói “Eo ôi!” của người lớn với các loài bò sát và côn trùng. Thật ra các loài sinh vật đó rất đẹp, các cháu cần được khuyến khích để đánh giá đúng về chúng hoặc ít nhất cũng tự mình rút ra những nhận xét không hay về chúng hơn là bắt chước theo người khác.

Con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ. Và nếu không cẩn thận, bạn có thể tạo nên nhiều mối lo lắng cho các cháu. Không cần có thêm nỗi lo của bạn, các cháu cũng đã có đủ nỗi lo riêng rồi. Vì vậy, bạn hãy giữ nỗi lo này cho riêng mình.

Tôi có biết một người mẹ rất sợ nhện. Chị gần như bị ám ảnh. Nhưng vì chị không muốn cô con gái nhỏ của mình cũng cảm thấy như vậy, nên nếu có một con nhện trong phòng ngủ của cháu bé là chị liền cầm giẻ lau bụi tóm lấy loài sinh vật khó chịu này và vứt nó ra ngoài cửa sổ. Chị có thể sợ run lên, nhưng con gái chị không hề biết điều đó. 

Tất nhiên, điều tôi muốn nói không chỉ là về nhện và rắn. Tôi nói về các nỗi sợ tương tự, ví dụ như nỗi sợ bị bắt cóc chẳng hạn. Tất nhiên, bạn muốn con mình phát triển được tính cảnh giác, chứ không phải là nỗi lo sợ thái quá với các rủi ro, vì việc lo sợ thái quá đó sẽ gây ra những hạn chế không cần thiết đối với đời sống xã hội của các cháu. Hay nỗi lo sợ thất bại chẳng hạn. Tôi có biết một người cha không khuyến khích con nộp đơn xin vào trường đại học chỉ vì sợ con mình sẽ buồn nếu không được nhận vào trường.

Thật khó để giấu nỗi lo sợ của mình. Một lúc nào đó, các con bạn sẽ phát hiện ra. Nhưng bạn càng cố giấu những nỗi lo sợ đó đi bao nhiêu, các con bạn sẽ càng thoải mái tận hưởng cuộc sống và tự mình khám phá thế giới xung quanh bấy nhiêu. Các cháu sẽ tự biết những gì là không an toàn mà không cần phải có sự trợ giúp của bạn.

 KHÔNG CẦN THÊM NỖI LO CỦA BẠN THÌ CÁC CHÁU CŨNG ĐÃ CÓ ĐỦ NỖI LO RIÊNG RỒI.

 QUY TẮC 49

THẬN TRỌNG KHI NHẬN XÉT VỀ MÌNH

Khi tôi còn nhỏ, một người bạn cùng lớp tôi có cha bị bạc tóc sớm khi mới 30 tuổi. Bác ấy rất ngại ngùng và luôn than vãn về điều đó. Bạn có đoán được điều gì đã xảy ra không? Vâng, con trai của bác ấy cũng bị bạc tóc khi mới 30 tuổi. Vì đã trải qua những năm tháng ấu thơ suốt ngày nghe cha mình than thở về cảm giác khủng khiếp khi bị bạc tóc sớm, nên cậu bạn tôi cũng cảm thấy như vậy. Cha cậu đã cố gắng trấn an cậu nhưng tất nhiên là không có tác dụng. Bạn không thể nói với ai đó về một điều thật khủng khiếp trong suốt 25 năm rồi lại đột nhiên thay đổi suy nghĩ của mình và mong người ta sẽ nghĩ giống bạn.

Bạn không thích điều gì ở bản thân? Bạn béo? Bị hói? Có chiếc mũi to? Đi khập khiễng? Nói lắp? Nếu đúng vậy, bạn hãy giữ điều đó cho riêng mình. Nếu bạn không đề cập đến điều đó, các con bạn sẽ không có lý do nào để có suy nghĩ không hay về điều đó cả. Rất có thể, các cháu sẽ thừa hưởng những điều đó từ bạn. Bất cứ điều gì bạn nói về mình bây giờ, các cháu sẽ vẫn nhớ mãi trong đầu từ nay tới 20 hoặc 30 năm nữa.

Giả sử người cha của bạn tôi vẫn rất tự hào về mái tóc bạc của mình (hoặc ít nhất giả vờ như vậy) thì sao? Giả sử bác ấy nói đùa với con trai mình rằng: “Bố nghĩ tóc bố thế này lại làm bố trông càng đạo mạo, con có thấy thế không?” Chắc hẳn cậu bạn tôi đã có cách nhìn khác hẳn về mình khi bị bạc tóc sớm.

Chúng ta không nên chỉ trích nhau trước mặt con cái. Bạn đừng trêu chọc ông xã của mình vì anh ấy đeo kính, hoặc gọi anh ấy là “ông hói”  cho dù là gọi yêu, hoặc phê bình anh ấy vì đã tăng cân. Như thế là bạn đang ngầm lập trình sẵn cho con mình và bạn sẽ không thể phát hiện ra những việc trên sẽ có hại thế nào cho tới khi quá muộn. Các con bạn sẽ không còn tin tưởng khi bạn thay đổi kiểu nói của mình sau 30 năm: “Con yêu à, trước đây bố nói thế là không có ý nói con. Con trông đẹp hơn bố nhiều.”

Nếu bạn biết các con mình thừa hưởng nét gì đó ở các bạn, tốt hơn hết là bạn nên nhấn mạnh vào mặt tốt của nét đó trước mặt các cháu. Bạn hãy nói với người bạn đời của mình rằng trông anh ấy thật trí thức khi đeo kính; hoặc nói tới các mặt có ích, hơn là những mặt bất lợi. Rất có thể, điều đó cũng có lợi cho bạn.

 BẤT CỨ ĐIỀU GÌ BẠN NÓI VỀ MÌNH BÂY GIỜ, SẼ ĐƯỢC CÁC CHÁU GHI NHỚ RẤT LÂU.

 QUY TẮC 50

ĐỪNG CỐ GẮNG ĐỂ CÓ MỘT ĐỨA CON HOÀN HẢO

Quy tắc 2 đã khẳng định bạn không hoàn hảo. Giờ thì đến lượt con bạn. Nếu bạn cố gắng nuôi dạy con mình trở thành người hoàn hảo, thì hiển nhiên là bạn sẽ thất bại. Làm như thế là bạn tạo cho con một áp lực mà cháu không đáng phải chịu. Các bậc cha mẹ nắm vững quy tắc đều hiểu được việc đó là hoàn toàn KHÔNG NÊN.

Tôi không thể tưởng tượng được một đứa trẻ hoàn hảo là như thế nào. Những đứa trẻ tôi gặp cư xử không chê vào đâu được và không bao giờ mắc lỗi gì, luôn cố gắng làm hài lòng cha mẹ và thầy cô giáo, học hành chăm chỉ và luôn nộp bài đúng hạn thì lại thường là những đứa trẻ nhạt nhẽo nhất.

Tất cả các cháu bé mà tôi thích, những cháu có tính cách nồng hậu và phóng khoáng nhất, lại thường hay mắc lỗi. Các cháu có xu hướng rất giận dữ khi bị chọc tức, có tính hài hước nhiều khi hơi quá đà, hoặc có tính lười biếng (mà các cháu thường nguỵ biện rất khéo léo). Qua nhiều năm, tôi đã được chứng kiến không biết bao nhiêu cháu bé tuyệt vời đã lớn lên thành những người tuyệt vời, nhưng tôi không thể nói rằng ai trong số đó là người hoàn hảo cả.

Con trẻ không phải là những người lớn thu nhỏ. Các cháu vẫn có những điều không hoàn hảo mà khi lớn lên các cháu sẽ thay đổi. Nếu con bạn đã hoàn hảo khi mới lên 10 tuổi thì tốt hơn hết là bạn nên cho con mình đi làm giám đốc ngân hàng thương mại ngay lúc đó. Rồi bạn sẽ phá hỏng cuộc sống của cháu vài năm sau đó. Thời thơ ấu là để được làm một đứa trẻ, cá nhân tôi luôn nghĩ rằng các cháu sẽ lớn lên theo cách tốt nhất mà không cần những điều không hoàn hảo trên biến mất. Nếu là bạn, bạn có muốn con mình không bao giờ biết nháy một ánh mắt tinh nghịch, không có chút cá tính nào, không có khiếu hài hước hoặc không có một chút tính phiêu lưu mạo hiểm nào không?

Kiểu trẻ đáng nuôi nhất là một đứa trẻ có thể tự tin sống với tính cách riêng của mình và nhận thức được rằng, tính cách đó không làm tổn thương tới ai cả. Tôi rất mừng khi có thể nói là có rất nhiều cháu bé như vậy. Và tôi chắc chắn không có cháu nào trong đó hoàn hảo cả.

 NHỮNG ĐỨA TRẺ TÍNH CÁCH NỒNG HẬU VÀ PHÓNG KHOÁNG NHẤT LẠI THƯỜNG HAY MẮC LỖI NHẤT.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.