Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN IV. CÁC QUY TẮC VỀ KỶ LUẬT



Tôi không biết bạn thế nào, riêng tôi, tôi không thích hai từ “kỷ luật”. Nghe có vẻ như nó thể hiện sự cấm đoán, thậm chí cả trừng phạt. Con trẻ cần được nhìn, chứ không phải được nghe.

Dù vậy, khi bạn đã quen với kỷ luật, thì đó lại là một kỹ năng thiết yếu cần cho các bậc cha mẹ. Nếu bạn thực hiện vấn đề kỷ luật một cách đúng đắn, trách nhiệm làm cha mẹ của bạn cũng như trách nhiệm làm con của con trẻ sẽ dễ dàng hơn. Vâng, các con bạn được lợi rất nhiều từ kỷ luật đúng đắn. Chúng ta đã thấy được giá trị của các ranh giới (Quy tắc 24), và kỷ luật là sự cụ thể hỏa các ranh giới đó. Nếu vận dụng tốt, bạn sẽ không bao giờ phải sử dụng đến sự cấm đoán, trừng phạt, hay đánh đòn. Và khi đó tất cả mọi người đều vui vẻ.

QUY TẮC 31

HÃY THỂ HIỆN SỰ THỐNG NHẤT

Nếu bạn xin sếp nghỉ phép một ngày, sếp bạn không đồng ý, bạn sẽ thất vọng nhưng bạn sẽ làm theo. Bởi xét cho cùng, bạn không có quyền. Nhưng giả sử sau đó bạn lại đi xin phép sếp của sếp bạn và nhận được câu: “Ồ, tất nhiên là được, không có vấn đề gì.” Vậy, bạn sẽ nghĩ thế nào?

Bạn không biết bạn có được nghỉ phép không. Nhưng bạn biết chắc một điều là ý kiến của sếp bạn không có giá trị lắm. Và nếu sếp bạn còn nói không với bạn, bạn biết bạn cần tới gặp ai. Mà rất có thể lần tới, bạn sẽ phớt lờ sếp của bạn luôn. Trong khi đó, sếp của bạn cảm thấy bị coi thường và thất vọng, có thể còn giận dữ với vị sếp cao hơn vì biết rằng ông ấy đã không còn được bạn tôn trọng nữa. Còn sếp của sếp bạn thì phát hiện ra là ông ấy đã làm mất lòng cấp dưới nên sẽ thận trọng hơn đối với các đề nghị và mong sẽ lấy lại được tình cảm của cấp dưới.

Thật phức tạp đúng không? Đó là điều hoàn toàn bình thường. Tương tự như vậy, việc áp dụng kỷ luật không đồng nhất từ cha mẹ sẽ dẫn tới sự bối rối, thất vọng và thiếu tôn trọng ở con trẻ. Nếu trong ví dụ trên, vị sếp cao hơn có cách nói dự phòng cho sếp của bạn, thì mọi thứ đã đơn giản hơn nhiều.

Bạn cần hiểu rằng khi bạn xem nhẹ người bạn đời, thì điều đó không có nghĩa là bạn tốt với các con bạn và cháu sẽ yêu bạn hơn. Bạn chỉ làm cho cháu bối rối hơn, thiếu tôn trọng đối với cả hai và ảnh hưởng tới niềm tin của các cháu đối với tất cả các ranh giới quan trọng.

Nếu bạn là bậc cha mẹ đơn thân, quy tắc này đúng khi có ai đó cùng chia sẻ trách nhiệm với bạn trong việc trông nom các cháu. Ví dụ như cha mẹ bạn, người trông trẻ hoặc bạn của bạn.

Nếu muốn con cảm thấy an tâm, thì hai bạn phải thống nhất với nhau, chia sẻ vai trò khó khăn nữa. Việc này rất có lợi. Các cháu sẽ cảm thấy vui hơn, hiểu rõ hơn các ranh giới, và sẽ tôn trọng (yêu quý) cả hai bạn vì điều đó. 

Tất nhiên, hai bạn không cần phải thống nhất trước với nhau từng quy tắc nhỏ một. Mỗi khi có một việc nhỏ, một trong hai bạn chỉ cần đồng ý với điều mà người kia nói và người còn lại có thể dự phòng cho người kia nếu được hỏi ý kiến: “Nếu bố nói là không được, thì câu trả lời là không.” Một điều rất quan trọng là, ngoài các vấn đề lớn mà hai bạn cần thống nhất trước với nhau (Quy tắc 12), thì việc các bạn thống nhất với nhau quan trọng hơn việc các bạn thống nhất về điều gì.

 VIỆC CÁC BẠN THỐNG NHẤT VỚI NHAU QUAN TRỌNG HƠN VIỆC CÁC BẠN THỐNG NHẤT VỀ ĐIỀU GÌ.

 QUY TẮC 32

KHÍCH LỆ TỐT HƠN LÀ DỌA DẪM

Bạn có nhớ khi bạn còn bé không? Khi cô giáo của bạn nói rằng bạn sẽ được thưởng phiếu bé ngoan (giấy khen, kẹo hoặc được ghi tên lên bảng khen nếu bạn làm tốt bài thi ghép vần). Giả sử, thay bằng nói như vậy, cô giáo lại cảnh báo nếu bạn làm bài ghép vần không tốt, bạn sẽ bị phạt/không được ra ngoài/không được tham gia trò chơi. Vậy cách nói nào sẽ giúp bạn đạt kết quả tốt hơn?

Có thể, bạn và tôi đều không may mắn trong các bài thi ghép vần. Nhưng chắc chắn, chúng ta sẽ cố gắng hơn để đạt được phần thưởng. Theo các nhà nghiên cứu hiện đại và các nhà tâm lý học về trẻ em, sự khích lệ có hiệu quả cao hơn nhiều trong việc khuyến khích trẻ em cùng hợp tác.

Điều này không có nghĩa là bạn phải thưởng cho các cháu mỗi lần các cháu nói năng lễ phép, hoặc cho các cháu tiền vì các cháu đã dọn phòng. Đa phần các cháu sẽ vui vẻ khi biết rằng bạn đã chú ý tới nỗ lực của các cháu và ghi nhận những nỗ lực đó. Vì vậy, bạn hãy cho các cháu biết: “Ồ, con đã dọn dẹp phòng trước cả khi mẹ nhắc con cơ đấy. Con giỏi quá!” Hoặc, “Mẹ cảm ơn vì con đã quét nhà.” Chắc chắn, lần sau các cháu sẽ làm tiếp những việc đó để lại được bạn khen. Để các cháu biết đến sự chú ý của bạn rất quan trọng. Hãy luôn nhớ nói cho các cháu, nếu không, mọi cố gắng của bạn sẽ trở thành vô tác dụng. 

Khi có những vấn đề lớn hơn mà bạn cần phải thỏa thuận với cháu trước, thì việc sử dụng những lời khích lệ thay vì răn đe cũng rất có ích. Bạn hãy nói với cháu rằng cháu sẽ được ăn bữa tối với món yêu thích nếu cháu chơi ngoan trong công viên hoặc hứa mua quần áo cho cháu nếu cháu biết giữ phòng sạch sẽ gọn gàng trong một tháng liền.

Răn đe không phải không có tác dụng, nhưng trong một thế giới lý tưởng thì cách đó chỉ là để đề phòng và không bao giờ nên sử dụng. Bạn chỉ nên răn đe đối với những hành vi mắc lỗi nghiêm trọng, nhưng kể cả như vậy, bạn vẫn nên áp dụng kết hợp với việc khích lệ. Bạn có thể cảnh báo nếu cháu cứ đi chơi về muộn thì cuối tuần cháu không được đi đâu nữa, và kèm thêm điều kiện: nếu cháu về nhà đúng giờ trong vòng một tháng liền, bạn sẽ tăng thêm 15 phút cho lệnh giới nghiêm.

Có một lưu ý nhỏ ở đây. Bạn hãy cẩn thận bởi nếu không, bạn sẽ tạo áp lực cho con khi đưa ra các phần thưởng lớn, và rồi cháu không làm được như bạn kỳ vọng. Nếu bạn hứa thưởng cho cháu một chiếc xe đạp mới nếu cháu đạt một số lượng điểm A nhất định, thì bạn đang tạo thêm áp lực cho cháu rồi đấy. Và nếu cuối cùng, cháu không đạt được mục tiêu đề ra thì cháu đã bị phạt tới hai lần: một là cảm giác thất bại, hai là không có xe để đi.

 ĐỂ CÁC CHÁU BIẾT ĐẾN SỰ CHÚ Ý CỦA BẠN RẤT QUAN TRỌNG.

 QUY TẮC 33

LUÔN NHẤT QUÁN

Khi còn bé, có lần tôi đã cãi lại mẹ nhưng mẹ chỉ cười và nói mẹ vui vì tôi biết bảo vệ chính kiến của mình. Nhưng hôm sau, tôi lại bị mẹ đánh đòn khi nói một câu tương tự. Hồi đó, lúc nào, tôi cũng như đi trên băng mỏng, vì trong hầu hết mọi chuyện, tôi không bao giờ đoán nổi mẹ sẽ xử sự theo chiều hướng nào. 

Tôi không biết việc gì thì được phép, việc gì không. Dường như điều đó được quyết định bằng một chương trình xổ số bí mật nào đó. Do vậy, gần như cách cư xử của tôi chẳng theo quy tắc nào cả. Tôi có thể gặp rắc rối, hoặc không. Đối với tôi, mọi thứ giống hệt như một trò may rủi.

Các con của bạn cũng vậy. Các cháu cần biết việc gì được phép, việc gì không. Và các cháu xét đoán điều đó thông qua những gì đã diễn ra. Nếu các cháu nhận thấy không có sự nhất quán, các cháu sẽ không biết mình phải cư xử thế nào cho đúng, và tất cả các ranh giới quan trọng (Quy tắc 24) sẽ không được duy trì một cách đúng đắn nữa. Điều đó khiến các cháu cảm thấy bối rối, bất an và thậm chí còn cảm thấy không được yêu thương nữa.

Điều khó nhất của quy tắc này là sẽ có nhiều lúc bạn không thể phá vỡ các quy tắc cho dù rất muốn vì việc đó là không công bằng với các con bạn. Nếu bạn quyết định các cháu không được ngủ chung giường với bạn, thì bạn cần kiên định với quyết định đó (trừ khi bạn sắp thay đổi quy tắc đó mãi mãi). Nhưng nếu hôm nay cháu út nhà bạn có chuyện buồn và cháu thật đáng yêu… Không, không, không! Bạn phải dừng lại ngay! Nếu bạn cho cháu ngủ cùng bạn chỉ một lần này thôi, thì lần sau sẽ khó gấp 10 lần để nói không với con bạn, và quan trọng là, cháu sẽ không hiểu được tại sao. Bạn hãy nói không bây giờ (một cách nhẹ nhàng và kèm theo một chiếc ôm) vì điều đó sẽ tốt cho cả bạn và cháu.

Bạn có để ý một chi tiết tôi nói ở trên không: “Trừ khi bạn sắp thay đổi quy tắc đó mãi mãi”. Tất nhiên, việc thay đổi các quy tắc luôn là một lựa chọn. Bạn có thể chợt nhận ra rằng cuộc đời sẽ ngọt ngào hơn biết bao nhiêu nếu cháu cùng ngủ chung giường với bạn mỗi tối và bạn không thể hiểu được tại sao trước đó bạn lại không cho con ngủ chung với mình. Vâng, bạn có thể thay đổi quy tắc (bạn có trao đổi với người bạn đời của bạn trước), nhưng một khi bạn đã thay đổi quy tắc, bạn phải thực hiện quy tắc đó trong một thời gian dài. Con bạn sẽ bị bối rối nếu các quy tắc thay đổi hàng tháng thì nay lại thay đổi mỗi tối. Vậy mỗi quy tắc mới nên thực hiện trong bao lâu? Nếu không phải là mãi mãi, thì ít nhất cũng phải cho tới khi các con bạn quên đi rằng các quy tắc đó có khác nhau. Và nếu các cháu càng lớn, thì thời gian thực hiện mỗi quy tắc mới càng phải lâu hơn.

 ĐIỀU KHÓ NHẤT CỦA QUY TẮC NÀY LÀ SẼ CÓ  NHIỀU LÚC BẠN KHÔNG THỂ PHÁ VỠ CÁC QUY TẮC DÙ RẤT MUỐN.

 QUY TẮC 34

LUÔN NHẸ NHÀNG TRONG MỌI CHUYỆN

Khi còn bé, có lần tôi giúp mẹ chuẩn bị nấu ăn. Mẹ tôi nấu là chính, còn tôi chỉ giúp mẹ lấy các hạt đỗ đông lạnh. Không hiểu sao, tôi lại cầm góc trên của hộp đỗ và dùng kéo cắt cái góc đó đi, và thế là cả hộp đỗ rơi xuống đất và những hạt đỗ lăn tung tóe khắp nơi trên sàn nhà, gầm tủ lạnh, gầm bếp, gầm máy giặt và cả dưới chân chúng tôi.

Tôi sợ hãi liếc về phía mẹ. Mẹ đang bận thái thịt, canh chừng để nồi nước sốt không bị cháy, và nấu rau. Tôi chờ nghe mẹ cho một bài diễn thuyết không thể tránh khỏi. Nhưng thay vào đó, mẹ tôi lại phá lên cười.

Và bạn biết không? Từ đó trở đi tôi không bao giờ mắc lại lỗi đó nữa (vâng, tôi biết đa phần mọi người sống cả đời mà không mắc phải lỗi đó bao giờ). Điều quan trọng ở đây là tôi đã không cần phải bị nhắc nhở mới học được từ lỗi lầm của mình. Việc mẹ cười thay vì mắng tôi ngu ngốc (mà đúng là ngốc thật) đã làm cho cách nhìn của tôi về mẹ và mối quan hệ giữa hai mẹ con có lợi hơn nhiều.

Tất nhiên, đó hoàn toàn là một việc không may, tuy rằng có ngốc thật. Từ chuyện này, bạn thử liên tưởng đến những lúc con bạn làm cho bạn phát bực hoặc cãi lại bạn. Ngay cả những lúc như vậy, bạn vẫn có thể pha trò để mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn có thể nói đùa một câu hoặc trêu các cháu một cách nhẹ nhàng và trìu mến vào đúng lúc, bạn có thể phá tan ý định muốn làm cho bạn mệt mỏi trong vòng 5 phút tới của các cháu. Và kết quả là bạn và các con sẽ vui vẻ hơn và tình cảm ngày càng khăng khít hơn.

Có một cuốn sách dành cho trẻ em rất hay của tác giả John Burningham có tên là Would you like rather…? (Con có muốn…?). Cuốn sách đặt ra các câu hỏi cho các cháu, ví dụ như các cháu có muốn bị bôi đầy mứt, bị ngâm vào nước, hoặc bị chú cún kéo qua vũng bùn hay không? Các con tôi rất thích cuốn sách đó và đôi lúc, khi các cháu sắp sửa cư xử không đúng mực, tôi lại xoa dịu bằng cách hỏi các cháu: “Con có muốn … [ngừng lại một chút] bị nhốt vào phòng 5 phút liền, hay là bị cù thật lực trong 30 giây không?” Việc này làm các cháu cười khúc khích và khiến các cháu quên đi việc không hay mà các cháu định làm, và các cháu dường như biết ơn vì đã không bị mắng. Giờ thì, tôi thường xuyên sử dụng quy tắc này và tôi biết tôi có thể áp dụng nó cho cả một số người lớn nữa.

 HÃY NHẸ NHÀNG TRONG MỌI CHUYỆN… 

BẠN VÀ CÁC CON SẼ VUI VẺ HƠN VÀ TÌNH CẢM NGÀY CÀNG KHĂNG KHÍT HƠN.

 QUY TẮC 35

TẬP TRUNG VÀO VẤN ĐỀ, CHỨ KHÔNG PHẢI VÀO CON NGƯỜI

Có lần, một người bạn của tôi nói cô đã học được một quy tắc rất quan trọng sau khóa học về hành vi trẻ em mà cô vừa tham dự: “Không có đứa trẻ hư, chỉ có những đứa trẻ ngoan làm điều hư.” Khi ấy, tôi đã nghĩ rằng đó là một trong những ví dụ khôi hài nhất về nghiên cứu tâm lý mà tôi từng nghe, và tôi cũng chưa có dịp nào thực hiện lời khuyên ngộ nghĩnh đó.

Tuy vậy, sau đó, khá xấu hổ là, tôi lại phải công nhận rằng cô ấy hoàn toàn đúng. Tất nhiên là tôi vẫn chưa hết buồn cười vì cách nói đó (nghe nó chẳng khác gì câu: “Đó không phải là một cái máy tính tồi, mà là một cái máy tính tốt hoạt động tồi”), nhưng tôi phải thừa nhận nội dung của quy tắc đó hoàn toàn chính xác.

Một khi bạn nói với con mình rằng các cháu thật hư, ích kỷ, lười biếng, béo, ngốc nghếch, bất lịch sự, tự cao, vô tâm hoặc bất kỳ điều gì khác, nghĩa là bạn đã gán cho cháu những tính xấu đó. Và nếu các cháu tin vào điều đó (và tại sao lại không khi các cháu vẫn được dạy là phải nghe lời bạn nói đấy thôi), thì các cháu sẽ sống với điều đó. Các cháu sẽ nghĩ: “Chẳng ích gì nếu mình cố gắng nữa, mình biết mình lười mà,” hoặc “Mình có gì để mất nữa đâu? Đằng nào thì cha mẹ cũng cho là mình hư rồi.” Tất nhiên, đây không phải là quá trình suy nghĩ có ý thức, ít nhất là khi các cháu còn nhỏ. Nhưng nếu bạn cứ gán cho con mình những điều đó, các cháu sẽ sống chung với chúng.

Điều bạn cần làm là nhắm vào hành vi của các cháu, chứ không phải là chỉ trích con người các cháu. Bạn có thể nói với các cháu: “Như thế là ích kỷ”, hoặc “Đẩy người khác như vậy là bất lịch sự, con ạ.” Bằng cách này, bạn không phê bình các cháu, mà chỉ phê bình hành vi của các cháu. Nếu đến đây, bạn muốn kêu lên: “Nhưng mà nó lười thật!”, tôi sẽ không nói là bạn sai, mặc dù rất khó để công nhận là bạn đúng. Tôi chỉ muốn nói rằng bạn không nên nói như vậy trước mặt con, và cũng không nên nói với ai khác điều đó phòng khi tới tai con bạn. Bạn hãy giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình, kể cả khi đó là lần thứ ba cháu đi chơi mà không hề giúp bạn dọn dẹp bàn ăn, để mặc bạn với đống bát đĩa.

Việc gán cho các cháu những đức tính tốt lại là một việc hoàn toàn khác. Nếu các đức tính đó là đúng (bạn đừng tạo áp lực cho con mình bằng cách bắt cháu phải cố những điều cháu không thể), thì việc làm đó sẽ khích lệ các cháu có hành vi cư xử tương tự – chu đáo, cẩn thận, dũng cảm, v.v…

Và có thể đôi khi bạn vẫn cần gán cho các cháu đức tính tốt để củng cố hành vi của các cháu. Khi các cháu làm điều gì không hay, hãy nói: “Mẹ thật sự ngạc nhiên thấy con cư xử bất lịch sự như vậy đấy. Vì mẹ luôn nghĩ con là một người lịch sự.” Điều đó khẳng định một điều là bạn chưa từ bỏ hình ảnh tốt đẹp về các cháu, vì vậy chưa quá muộn để các cháu giữ lại danh hiệu “lịch sự” kia.

 ĐIỀU BẠN CẦN LÀM LÀ NHẮM VÀO HÀNH VI CỦA CÁC CHÁU, CHỨ KHÔNG PHẢI CHỈ TRÍCH CÁC CHÁU.

 QUY TẮC 36

ĐỪNG TỰ DỒN MÌNH VÀO CHÂN TƯỜNG

Trước khi biết đến quy tắc này, tôi đã từng đưa ra những lời răn đe thiếu khôn ngoan. Cách đây không lâu, tôi đã cấm con trai không được xem tivi trong một năm. Rõ ràng đó là một mệnh lệnh không thể thực hiện được và không ai thích thú với nó cả. Vậy tôi phải làm gì để thoát khỏi tình huống đó? 

Tôi không ở đây để khuyên bạn làm giống tôi. Tôi chỉ muốn chia sẻ những gì tôi học được từ các bậc cha mẹ khác, những người thành công hơn tôi. Tôi biết khi nào tôi sai và tôi cũng tiến bộ hơn nhiều so với trước đây. Và, như bạn biết đấy, đó cũng là chìa khóa thành công của một bậc cha mẹ tốt – biết được khi nào cần học hỏi thêm, và kiên trì với việc đó.

Rắc rối lớn của lệnh cấm xem tivi trong một năm chính là ở chỗ quy tắc thật sự của những lời răn đe là bạn phải thực hiện chúng. Nếu bạn nói với con rằng cháu chỉ được chơi xếp hình sau khi dọn sạch những viên bi thì bạn phải đảm bảo điều đó sẽ được thực hiện. Nếu không, cháu sẽ không bao giờ để ý tới những lời răn đe của bạn nữa.

Một người bạn của tôi trước đây không bao giờ răn đe con cái và do đó, cuối cùng, anh không thể kiểm soát được các con mình. Sau một cuộc trò chuyện với một người bạn, anh quyết định thử một phương pháp khác. Vào kỳ nghỉ, anh dọa cậu con trai: “Nếu con không thôi trò đó đi, thì ngày mai con không được đi lướt ván đâu đấy.” Cậu con trai nghĩ: “Ha, tất nhiên là mình sẽ vẫn được đi vì bố có bao giờ làm những gì bố nói đâu. Mà nếu mình không đi lướt ván thì sẽ phải có ai ở nhà trông mình.”

Điều mà cậu bé đã không nhận ra là bố cậu đã kiên quyết thực hiện đến cùng lời dọa đó. Vì vậy, khi cậu bé không nghe lời, bố cậu đã làm đúng như đã dọa và bỏ buổi lướt ván để thể hiện sự cương quyết của mình. Không chỉ cậu bé lỡ buổi lướt ván, mà cậu còn phải ở nhà cả ngày cùng người bố đang rất bực mình vì cũng bị lỡ buổi lướt ván chỉ vì hành vi của con trai. Hành động đó đã giúp bạn tôi lấy lại uy quyền của người cha và cậu con trai của bạn tôi hiểu rằng đó không phải là lời dọa xuông nữa.

Vì vậy, bạn hãy thực hiện những lời răn đe của mình, và đừng tự dồn mình vào chân tường với những lời dọa mà bạn không thể hoặc sẽ không thực hiện được đến cùng. Hãy nghĩ trước khi nói (và chính tôi cũng tự phải nhắc bản thân điều này).

  CÁC CHÁU SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐỂ Ý TỚI NHỮNG LỜI RĂN ĐE CỦA BẠN NẾU PHÁT HIỆN RA ĐÓ CHỈ LÀ NHỮNG LỜI DỌA XUÔNG.

QUY TẮC 37

NẾU MẤT BÌNH TĨNH, BẠN SẼ LÀ NGƯỜI THUA CUỘC

Trẻ em học cách cư xử thông qua việc quan sát người lớn. Nếu chúng ta nói làm ơn hoặc cảm ơn, trước sau gì các cháu cũng sẽ nói như vậy. Nếu chúng ta đối xử lịch sự với người khác, các cháu cũng sẽ làm như thế. Nếu chúng ta mất bình tĩnh khi người khác không làm những điều ta muốn, các cháu sẽ nghĩ rằng đó là hành vi đúng đắn.

Những lúc bình tĩnh, bạn sẽ dễ dàng định hướng hành vi cư xử của các cháu. Nhưng khi bạn tức giận cũng là lúc khó nhất để làm một tấm gương tốt. Vậy bạn sẽ xử sự thế nào khi con bạn cãi lại bạn? Bạn có cố gắng giữ bình tĩnh, không to tiếng với cháu và lắng nghe xem cháu nói gì không? Ai cũng biết việc đó không dễ chút nào, nhưng đó là cách duy nhất để con bạn cũng cư xử như vậy.

Vì lý do nào đó, mà trong hầu hết các cặp cha mẹ, luôn có một người dễ mất bình tĩnh trước con trẻ hơn người kia. Nếu đó là bạn, thì bạn đừng coi đó là thất bại, vì đó là việc rất bình thường. Nhưng bạn cần hiểu rằng mỗi lần bạn mất bình tĩnh với con, bạn đã mặc nhiên thừa nhận phản ứng đó của các cháu. Và điều đó làm bạn thành người thua cuộc. Các mối quan hệ trong tương lai của các cháu sẽ bị ảnh hưởng nếu các cháu lớn lên với suy nghĩ rằng to tiếng sẽ giúp cháu có thứ mình muốn và đó là một cách thông thường để giải quyết mâu thuẫn.

Điều tương tự cũng đúng với việc đánh con. Bất kể bạn có ý kiến thế nào, thì hành động đó vẫn phản tác dụng. Hành động đó khiến các con bạn nghĩ rằng, đôi khi đánh người cũng là một cách để đạt được điều mình muốn. Nếu bạn làm điều đó trong lúc nóng nảy, nghĩa là bạn đã để cháu biết bạn đang mất kiểm soát. Điều đó thật đáng sợ đối với con trẻ. Nếu bạn làm điều đó một cách lạnh lùng, điều đó thể hiện rằng bạn đã suy nghĩ thấu đáo và thái độ gây gổ đó chính là câu trả lời của bạn.

Nếu bạn thường xuyên đánh con, bạn sẽ làm tổn thương cháu về mặt cảm xúc và có thể biến cháu trở thành những người hay bắt nạt người khác. Nếu bạn không định đánh con, vậy tại sao lại phải làm vậy? Quan điểm của tôi, ít nhất là đối với một số cháu nhất định, là nếu bạn định đánh cháu, thì liệu đến lúc nào bạn sẽ dừng lại? Nếu con bạn thi thoảng mới bị đánh, thì các cháu hoàn toàn không nên bị đánh chút nào. Các bậc cha mẹ nắm vững quy tắc không cần phải đánh con.

Vậy nếu bạn thấy mình đang phát cáu lên và sắp cho con bạn một trận đòn thì sao? Bạn hãy học cách nhận ra các dấu hiệu đó càng sớm càng tốt, khi bạn vẫn còn thời gian để chọn một cách phản ứng khác. Nếu không thể, bạn hãy bỏ đi chỗ khác. Bỏ đi thật nhanh nếu có thể. Bạn hãy tạm lánh khỏi tình huống đó cho tới khi có thể đương đầu với nó – hãy gọi đó là khoảng “thời gian cách ly” dành cho các bậc cha mẹ. Nếu bạn có con nhỏ, hãy đảm bảo là cháu sẽ an toàn trong khoảng thời gian đó (nếu cần thì bế cháu lên và đặt cháu vào chỗ nào đó an toàn) sau đó ra khỏi nhà với một khoảng cách an toàn – ngoài tầm nghe của bạn – cho tới khi bạn bình tĩnh trở lại và có thể tự tin ở mình khi quay lại với con. Có lẽ lúc đó con bạn cũng đã qua lúc muốn nổi loạn rồi.

 NẾU CON BẠN THI THOẢNG MỚI BỊ ĐÁNH, THÌ CÁC CHÁU HOÀN TOÀN KHÔNG NÊN BỊ ĐÁNH CHÚT NÀO.

 QUY TẮC 38

NÓI XIN LỖI NẾU BẠN SAI

Như bạn đã biết, cách chúng ta cư xử sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cách cư xử của các cháu. Chúng ta đã nói rằng nếu bạn không muốn con mất bình tĩnh, thì chính bạn cũng không được mất bình tĩnh; nếu bạn muốn các cháu biết nói năng lễ phép và biết nói lời cảm ơn, thì bạn cũng phải lịch sự với các cháu. Quy tắc này cùng là một trong những điều mà bạn cần làm và thật lạ là dường như có nhiều bậc cha mẹ lại gặp khó khăn với nó.

Có phải bạn cảm thấy nếu thừa nhận bạn sai, là bạn đã làm giảm lòng tin của con đối với uy quyền của bạn? Nếu bạn nói lời xin lỗi, các cháu sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào bạn cũng hoàn hảo. Bọn trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra điều này. Vậy tốt hơn hết là bạn cứ để các cháu tin rằng, bạn không phải là Chúa toàn năng .

Bạn càng sẵn sàng xin lỗi khi sai bao nhiêu, các con bạn sẽ càng thấy rằng việc thừa nhận sai sót không hề làm giảm đi giá trị của các cháu – vì những người lớn mà các cháu ngưỡng mộ cũng sẵn sàng làm điều đó. Và các cháu cũng sẽ nhận thấy rằng ai cũng có thể mắc lỗi và không có gì đáng phải ngượng vì điều đó cả. Vâng, chỉ cần nhận thức được là mình sai và sửa sai, chứ không phải ngượng. Bạn cần dạy con biết tự giác nói lời xin lỗi mỗi khi làm người khác tổn thương, khó chịu, phiền phức hoặc đau khổ.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, nhiều người lớn rất ngại nói lời xin lỗi, chứ chưa nói gì tới con họ. Nếu bạn ngại thừa nhận mình sai, bạn cần thay đổi ngay. Quãng thời gian làm cha mẹ chính là lúc thích hợp nhất để sửa đổi khuyết điểm trước khi con bạn bị nhiễm những tính xấu đó.

Bạn còn nhớ Quy tắc 36 khi tôi cấm con trai tôi không được xem tivi trong vòng một năm? Cách duy nhất để rút lại lệnh cấm là nói thẳng với cháu: “Bố xin lỗi, bố đã sai. Bố đã mất bình tĩnh nên cấm đoán vô lý. Điều đáng ra bố nên nói là con không được xem tivi trong vòng một tuần nếu con tiếp tục hỗn như thế.” Có lẽ cũng bẽ mặt thật đấy, nhưng tôi đã nhận lỗi về mình.

 BẠN CẦN DẠY CON BIẾT TỰ GIÁC NÓI LỜI XIN LỖI.

 QUY TẮC 39

HỌC CÁCH THA THỨ

Bạn và con bạn vừa có một cuộc khẩu chiến. Có thể bạn xử lý được tình huống, cũng có thể không. Nhưng dù sao bạn cũng là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc, nên hãy đảm bảo mọi việc không đến nỗi quá tệ. Còn con bạn, vì rất hư nên cháu đã bị phạt nhốt trong phòng.

Rồi điều gì xảy ra tiếp theo? Điểm này rất quan trọng và tôi đã phải viết riêng thành một quy tắc, bởi vì tôi từng chứng kiến có những bậc cha mẹ xử sự không đúng cách. Khi cháu bé trở lại, tỏ vẻ hối lỗi, thậm chí cả xin lỗi, thì cha mẹ cháu lại tiếp tục trách móc. Và thế là cháu lại phản ứng và cãi lại cha mẹ, và lại bị phạt nhốt vào phòng lần nữa. Hoặc nếu không cha mẹ cháu sẽ không thèm nói chuyện với cháu, coi đó như một hình thức trừng phạt.

Trong cả hai cách trên, bạn đã không cho con mình cơ hội thoát khỏi cảm giác tồi tệ mà cháu đang cố gắng kết thúc. Mới đây, tôi còn nghe được một bậc cha mẹ nói với con mình như thế này khi cháu xin lỗi họ: “Điều quan trọng không phải là xin lỗi, mà quan trọng là đừng có mắc lại lỗi.” Tất nhiên, điều đó đúng, nhưng đó không phải là lúc thích hợp để nói như vậy. Cháu bé tội nghiệp rõ ràng đã cảm thấy cháu vẫn mắc lỗi và chưa được tha thứ và tôi có thể thấy mặt cháu nhăn cả lại.

Điều quan trọng nhất đối với con trẻ là biết được bạn vẫn yêu thương cháu. Các cháu cũng cần biết rằng việc xin lỗi là có tác dụng và quyết tâm sửa đổi cách cư xử của mình. Nếu bạn vẫn tức giận, khi cháu nói lời xin lỗi thì phỏng có ích gì? Vì vậy, khi cuộc chiến đã tạm lắng, bạn hãy thể hiện cho cháu biết bạn vẫn thương yêu cháu và luôn muốn có cháu ở bên. Và bạn đánh giá cao hành động xin lỗi và khả năng nhận ra lỗi của cháu.

Tất nhiên, có thể bạn cảm thấy bạn vẫn cần phải nói tiếp về vấn đề đó với con mình  kể cả vấn đề về cuộc tranh cãi vừa rồi, hay là về cách con bạn xử sự khi đó. Nhưng bạn đừng làm việc đó ngay lúc này. Bạn hãy chờ tới lúc khác, khi mối quan hệ giữa bạn và cháu đã được thiết lập lại một cách vững chắc hoặc bạn có thể chờ tới một lúc thích hợp hơn – ví dụ lúc đang cùng cháu đi trong xe ô tô chẳng hạn (vì lúc đó cháu sẽ không bỏ đi chỗ khác được) hoặc trước lúc đi ngủ. Nhưng bạn đừng làm điều đó trước mặt bất kỳ người nào khác không có liên quan như anh chị em hoặc bạn bè của cháu.

Nếu bạn muốn mọi chuyện phải được nói tới cùng, thì bạn hãy cố gắng kìm lại trừ phi việc đó thật sự cần thiết, đặc biệt là đối với các cháu đang ở độ tuổi mới lớn. Hầu hết các cháu đều biết rõ các cháu đã làm sai và việc cứ nhắc lại những lỗi đó mỗi khi có tranh luận, sẽ chỉ làm các cháu càng thêm khó chịu mà thôi. Điều đó chẳng dễ dàng gì với các cháu, cho nên bạn đừng để các cháu phải rơi vào tình huống đó trừ khi thật cần thiết. Tất nhiên, có thể bạn vẫn cần giải quyết vấn đề ban đầu, nhưng hãy chờ tới lúc cả bạn và cháu vui vẻ hơn.

 ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT ĐỐI VỚI CON BẠN LÀ BIẾT ĐƯỢC BẠN VẪN YÊU THƯƠNG CHÁU.

 QUY TẮC 40

QUYỀN BIỂU LỘ CẢM XÚC

Bạn có thể cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn khi các con bạn có tâm trạng tốt. Không cãi cọ, không khóc lóc, không giận dữ. Bạn đã đúng, quả là dễ chịu hơn. Nhưng nếu lúc nào các cháu cũng thế thì lại không tốt. Các cháu có rất nhiều cảm xúc và cần được thể hiện các cảm xúc đó. Khi các cháu tức giận, các cháu phải được nói ra điều đó. Trách nhiệm của bạn là dạy cháu nói ra điều đó theo cách chấp nhận được và không che giấu cảm xúc bất kể đó là cảm xúc gì.

Tôi biết có những gia đình không cho các cháu nhỏ được tỏ ra giận dữ, dù là dưới hình thức nào. Tất nhiên, các cháu phải học cách tức giận mà không gây gổ, không chửi rủa hoặc đe dọa, nhưng các cháu vẫn cần được phép cảm thấy tức giận và được nói ra điều đó. Dù sao, sự tức giận cũng có lý do chính đáng và con bạn phải biết rằng các cháu có thể thể hiện sự tức giận chính đáng mà không bị cấm. Các cháu cần nghe những câu như: “Mẹ biết tại sao con lại tức giận, nhưng con cũng không được nói hỗn với chị.”

Một đứa trẻ không được phép thể hiện cảm xúc sẽ không thể thoát khỏi cảm xúc đó – kể cả người lớn cũng gặp tình trạng này. Giữ tất cả trong lòng sẽ gây ra những vấn đề về cảm xúc, thậm chí cả sức khỏe. Hơn nữa, khi lớn lên, các cháu sẽ trở thành người không biết diễn đạt cảm xúc, và điều này có thể phá hỏng các mối quan hệ sau này của các cháu, đặc biệt là các mối quan hệ thân thiết.

Những người từ bé đến lớn không cãi cọ bao giờ có thể không hiểu được rằng tranh luận suy cho cùng không phải là điều quá nghiêm trọng. Vì vậy, họ rất ngại tranh luận với người bạn đời vì lo rằng người đó sẽ bỏ đi. Điều đó có nghĩa là các vấn đề không được giải quyết, sự oán giận gia tăng, cảm xúc bị kìm nén trong lòng. Và tất cả những điều này đều không có lợi cho sức khỏe.

Vì đang nói tới việc thể hiện cảm xúc, nên tôi cũng muốn nhấn mạnh, việc con trẻ khóc là có lợi. Kể cả người lớn cũng vậy. Không nhiều bậc cha mẹ cấm con mình khóc, nhưng tôi từng nghe quá nhiều những câu kiểu như: “Con lớn rồi”, hoặc “Thôi nào, mọi việc có tệ đến mức đấy đâu nào.” Vậy đấy, rõ ràng là nếu cháu không cảm thấy quá tệ, thì cháu không được khóc, có phải vậy không? Khi tới trường, các cháu sẽ sớm được học quy tắc không được khóc những lúc không thích hợp, vì vậy bạn không cần phải lo lắng. Cách đây nhiều năm, tôi đã học được từ một người bạn thân rằng phản ứng đúng đắn với ai đó đang khóc (kể cả người lớn) không phải là: “Nào, nào, thôi đừng khóc nữa”, mà là “Cứ khóc đi. Khóc cho nhẹ lòng đi.”

 MỘT ĐỨA TRẺ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THỂ HIỆN CẢM GIÁC SẼ KHÔNG THỂ THOÁT KHỎI CẢM GIÁC ĐÓ.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.