Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN VI. CÁC QUY TẮC VỀ ANH CHỊ EM RUỘT



Nếu có hơn một con trở lên, bạn sẽ thấy có những điều mới mẻ cần những quy tắc riêng cho chúng. Sự thật là càng có nhiều con, bạn càng khó giữ mọi thứ yên ổn. Không phải chỉ vì số lượng, mà còn do mối quan hệ giữa các cháu. Do vậy, trong phần này, tôi sẽ đưa ra những quy tắc quan trọng nhất, giúp bạn có thể xoay sở mọi việc khi bạn có từ hai con trở lên. Các quy tắc này cũng có tác dụng cả với các cháu là anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc bất kỳ mối quan hệ anh chị em nào khác.

 QUY TẮC 51

GIÚP CÁC CON BẠN CÓ MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP

Tôi nghĩ đây là quy tắc quan trọng nhất cũng như là quy tắc chỉ dẫn cho tất cả các quy tắc về anh chị em ruột. Vì vậy, bạn hãy đọc thật kỹ nhé. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho các con mình là vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa các cháu.

Có rất nhiều cách để nuôi dạy các cháu là anh chị em ruột của nhau, từ việc chủ tâm chia tách các cháu, hoặc chủ ý gắn bó các cháu với nhau. Và nếu bạn có ý định làm theo cách thứ hai, thì các con bạn sẽ trở thành những người bạn thân nhất của nhau suốt cuộc đời. Khi các cháu trưởng thành, chúng vẫn cần anh chị em ruột của mình như cần cha mẹ. Hơn nữa, rất có thể và hy vọng là các anh chị em của cháu sẽ vẫn ở bên cháu một thời gian dài nữa sau khi bạn qua đời.

Tôi biết có những gia đình mà anh chị em ruột mỗi người ở một nơi trên khắp thế giới, nhưng khi có một người trong số họ gặp phải chuyện gì, thì họ vẫn tìm mọi cách để có thể chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau dù ít dù nhiều, dù họ có cách xa nhau đến cả lục địa. Nếu đó là những gì bạn muốn làm cho các con mình, thì nên bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Có rất nhiều cách bạn có thể giúp các con mình gắn bó với nhau. Để bắt đầu, bạn có thể từ chối đồng tình với việc mách lẻo (“Đúng là em có thể để vòi nước chảy, nhưng con không nên mách lẻo về em như thế. Làm như thế là không tốt con ạ”). Điều đó đưa ra một thông điệp là bạn coi trọng việc các con của mình có thiện chí với nhau.

Rồi bạn có thể khuyến khích các con mình giúp đỡ nhau: “Mẹ không giỏi môn toán lắm, nhưng mẹ chắc chắn là anh Sam có thể giúp con giải bài tập này đấy.” Nếu các cháu cư xử ngoan, bạn có thể thưởng chung cho các cháu như cho các cháu được cùng đi chơi công viên hoặc cùng được mua một món đồ chơi mới. Bạn hãy cùng nói chuyện với tất cả các cháu, vào các bữa ăn về những gì sắp diễn ra: “Cuối tuần này ông bà ngoại sẽ tới nhà mình chơi đấy các con ạ…” Khi các cháu lớn hơn, bạn hãy để các cháu bàn nhau rồi cùng ra quyết định về việc sẽ đi nghỉ mát ở đâu, sơn lại nhà màu gì. Việc bạn loại bỏ đi bất kỳ ý định ganh đua hoặc ghen tị nào giữa các con mình cũng rất quan trọng. Phần sau sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này, đặc biệt là trong quy tắc 56.

Còn một việc nữa sẽ đảm bảo gắn kết bất kỳ nhóm người nào với nhau, dù đó có phải anh chị em ruột hay là không: hãy để họ cùng nhau chống lại một kẻ thù chung. Kẻ thù nào vậy? Chính là bạn đấy, sao lại không nhỉ. Không có điều gì ràng buộc hay gắn kết các anh chị em ruột hơn là việc cùng nhau than vãn về cha mẹ mình. Tất cả các nỗi bực tức vặt vãnh với nhau sẽ bị lãng quên hết, lúc này các cháu sẽ hoàn toàn đồng tình với nhau. Vì thế, nếu bạn có quyết định điều gì đó mà tất cả các cháu đều không thích, thì hãy nghĩ rằng bạn đang giúp chúng tiến tới có được những mối ràng buộc với nhau trọn đời.

 KHÔNG ĐIỀU GÌ RÀNG BUỘC HAY GẮN KẾT CÁC ANH CHỊ EM RUỘT VỚI NHAU DỄ HƠN VIỆC CÙNG THAN VÃN VỀ CHA MẸ MÌNH.

 QUY TẮC 52

NHẬN RA VIỆC CÃI NHAU LÀ CÓ LỢI (TRONG PHẠM VI HỢP LÝ)

Nếu bạn có nhiều hơn một con, chắc hẳn bạn không còn lạ lẫm gì với những tiếng cãi nhau. Tất cả các cháu đều có lúc cãi nhau và thường các cuộc cãi nhau đó rất vô nghĩa.

Có nghĩa lý gì không khi chúng cãi nhau xem ai được chơi game trước? Hay giày của ai đẹp nhất? Hay khi đi chơi, ai được đi ra cửa trước (các con tôi đã từng cãi nhau gay gắt về việc này)?

Nhưng việc đó lại có ý nghĩa với các con bạn vì qua đó các cháu sẽ học được cách cãi nhau. Tại sao? Bởi vì chỉ khi mà các cháu biết cách cãi nhau một cách đúng đắn, thì các cháu mới học được cách không cãi nhau. Và chúng ta thật sự muốn các cháu lớn lên biết cách không cãi nhau. Bạn có từng để ý thấy các cháu bé là con một thường gặp khó khăn hơn khi phải đương đầu với xung đột khi đã trưởng thành không? Lúc đó, họ có thể quá hung hăng hoặc ngược lại  thiếu quả quyết, trong khi phần lớn những người có tài ngoại giao thường lớn lên cùng các anh chị em ruột của mình.

Cách dễ nhất để biết giao tiếp khéo léo, biết thỏa hiệp và biết tất cả các kỹ năng khác liên quan đến việc giao tiếp là thông qua việc cãi nhau. Việc cãi nhau sẽ dạy bạn cách có thể hoặc không thể làm người khác hợp tác với mình. Càng lớn, con bạn càng hiểu được rằng, anh hay em trai của cháu sẽ không còn dễ tính nữa nếu bị cháu đấm vào mặt; hoặc chị gái cháu sẽ không cho cháu vào phòng chị ấy trừ phi cháu cho chị vào phòng cháu. Rất khó cho các cháu nếu muốn thực hành những điều này với bạn bè, bởi vì điều đó dễ dẫn đến kết cục là cháu chẳng còn bạn bè nào nữa. Nhưng với anh chị em ruột thì khác, vì họ không thể nói: “Em sẽ không làm em của anh nữa nếu anh không chơi với em.” Cuối cùng, anh chị em ruột sẽ tha thứ cho nhau, vì các cháu không có sự lựa chọn nào khác.

Việc cãi cọ giữa anh chị em ruột thường liên quan đến quyền lực. Các cháu thiết lập một vị thế, lãnh địa hoặc sự độc lập. Bạn phải áp dụng một quy tắc là không xen vào các vấn đề cơ bản đó (kể cả khi bạn nhờ người hòa giải khi có việc đánh nhau xảy ra), vì bạn không thể thay đổi được các đặc tính cố hữu của các con mình bằng cách cố gắng thực hiện sự công bằng. Hãy xem tình hình chiến sự ở khu vực Ban-căng hay vùng Trung Đông – chẳng tác dụng gì khi bạn cố gắng lựa chọn thay cho họ. Các con bạn có lúc cũng gặp phải nhiều vấn đề như các quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh vậy.

Vì vậy, lần tới nếu các con bạn cãi nhau, bạn hãy đánh giá đúng việc đó. Tôi biết việc này hơi khó, nhưng ít nhất bạn đừng nghĩ rằng bạn đang làm điều gì sai, hoặc bạn nên can ngăn không để các cháu cãi nhau nữa. Thực tế, các cháu cãi nhau như thế cũng không phải là quá nhiều so với việc các cháu học được những kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống.

 VIỆC CÃI NHAU SẼ DẠY BẠN CÁCH CÓ THỂ HOẶC KHÔNG THỂ LÀM NGƯỜI KHÁC HỢP TÁC VỚI MÌNH.

 QUY TẮC 53

DẠY CÁC CON CÁCH TỰ GIẢI QUYẾT CÁC CUỘC TRANH CÃI

Với quy tắc trước, bạn hầu như không phải làm gì cả, chỉ việc ngồi và thư giãn thôi. Còn quy tắc này tuy khó hơn một chút, nhưng cũng là một quy tắc rất cần thiết.

Khi bạn chấp nhận rằng việc cãi nhau là một phần để học cách thỏa hiệp và hợp tác thì bạn cũng phải chấp nhận rằng việc cãi nhau sẽ không có tác dụng trừ khi bạn để bọn trẻ tự giải quyết với nhau. Nếu không, các cháu sẽ không học được điều gì, ngoài việc là sẽ có người lớn đến giải quyết mọi thứ khi chúng hét to hay đấm đá nhau. Nhưng khi ra bên ngoài, cháu sẽ rất thất vọng khi không có người lớn xuất hiện để giúp cháu giải quyết các vụ tranh cãi.

Nhiều năm trước đây, tôi đã tham gia một lớp đào tạo. Trong một buổi học, giáo viên yêu cầu các học viên tìm cách xây một tòa tháp bằng những viên gạch có hình thù kỳ quặc. Chẳng mấy chốc, buổi học đã biến thành một trận khẩu chiến. Thật ra, ý đồ của giáo viên là để tìm hiểu xem chúng tôi có thể hợp tác với nhau như thế nào, còn việc xây được tòa tháp hay không chẳng ảnh hưởng đến ai cả.

Nếu bạn muốn các con mình lớn lên và có thể thành công trong các tình huống giống như vậy (chưa nói đến thành công trong cuộc sống), thì bạn cần phải biết kiềm chế và kiên nhẫn với những tiếng cãi cọ nhau của chúng. Các con bạn có thể tự giải quyết hầu hết các vụ cãi cọ mà không cần tới bạn.

Tất nhiên, sẽ có những lúc, chúng ta không có đủ kiên nhẫn hoặc thời gian để chờ cho bọn trẻ tự giải quyết với nhau. Trong trường hợp như vậy, bạn cần sáng tạo một chút trong cách can thiệp để cho các cháu vẫn phải tự tìm ra giải pháp của mình. Ví dụ, bạn có thể tịch thu thứ đồ chơi mà các cháu đang tranh giành với nhau, tắt máy tính hoặc tivi đi và nói với các cháu: “Bố/mẹ sẽ trả lại các con món đồ chơi này nếu cả hai (hoặc tất cả các) con thống nhất được một giải pháp.”

Tôi biết có một cặp vợ chồng đã áp dụng một mẹo rất hay với các con của họ. Mẹo này đặc biệt có tác dụng với họ vì con họ đều là con trai (các cháu rất hay đua tranh). Họ tổ chức một cuộc thi gọi là “thi nói thật”. Cách này có tác dụng với các vụ cãi lộn mà bạn không thể tìm ra được cháu nào khởi xướng. Họ nói với các con rằng: “Chúng ta sẽ có một cuộc thi xem ai là người trung thực nhất nhé.” Sau đó, lần lượt hỏi từng cháu: “Con đã làm điều gì mà đáng lẽ ra con không nên làm?”. Quy tắc ở đây là các cháu không được kể điều gì liên quan tới việc cháu khác đã làm. Tôi được biết là các con của họ đã thú thật tất cả mọi thứ, thậm chí còn kể ra hàng chục tội khác chỉ để thắng cuộc trong cuộc thi nói thật. Khi các cháu kết thúc việc thú tội, bạn hãy yêu cầu các cháu xin lỗi vì những việc làm sai của mình, sau đó hãy tha thứ cho chúng. Việc này giúp cho chúng hiểu được là cả hai bên đều có lỗi khi cãi nhau và làm cho bạn thấy thật thoải mái.

 KHI BẠN CHẤP NHẬN RẰNG VIỆC CÃI NHAU LÀ CẦN THIẾT, BẠN CŨNG PHẢI CHẤP NHẬN RẰNG VIỆC CÃI NHAU SẼ KHÔNG CÓ TÁC DỤNG TRỪ KHI BẠN ĐỂ LŨ TRẺ TỰ GIẢI QUYẾT.

 QUY TẮC 54

CÙNG LÀM VIỆC THEO NHÓM

Quy tắc này không nói về bạn và người bạn đời của bạn, cho dù rõ ràng là vợ chồng bạn cũng cần phải trở thành một nhóm khăng khít. Quy tắc này nói về việc cả nhà làm thành một nhóm, tạo cho các con bạn có mối quan hệ tốt với nhau.

Cùng làm mọi việc theo nhóm có thể là tất cả cùng làm một việc gì đó, hoặc cũng có thể là mỗi người sẽ làm những phần việc của mình để cùng nhau hoàn thành một việc chung nào đó. Không quan trọng là bạn làm việc gì, mà quan trọng là các con bạn hiểu được đó là nỗ lực của cả nhóm.

Trong gia đình tôi có một quy tắc là vào sau khi ăn, tất cả sẽ cùng nhau dọn dẹp, đến khi nào phòng bếp sạch sẽ thì mọi người có thể nghỉ. Các con tôi đã quen với việc này và các cháu thường cùng làm với nhau. Cháu thì rửa bát đĩa, cháu thì đi đổ thức ăn thừa. Cùng chia sẻ công việc nghĩa là nếu mỗi cháu làm càng nhanh, thì các cháu sẽ càng được nghỉ sớm và các cháu có thể thấy được điều đó. Các cháu thường hay nói với nhau như thế này: “Trong lúc anh xếp bát đĩa, thể nào em cũng làm xong cái này trước anh cho mà xem”. Làm như vậy sẽ giúp các cháu thấy được lợi ích của mình trong đó.

Có rất nhiều cơ hội để khai thác kiểu làm việc theo nhóm như vậy. Tất nhiên, bạn có thể giao cho các con mình thay phiên nhau dọn dẹp phòng bếp, nhưng như vậy bạn sẽ để lỡ mất cơ hội cho các cháu cùng làm việc với tinh thần đồng đội.

Chúng tôi đã học được một cách làm việc theo nhóm khác từ một vài người bạn. Khi họ đi nghỉ mát, các con họ sẽ giúp tập hợp tất cả các thứ cần mang theo. Cháu thì chuẩn bị khăn tắm, cháu khác thì chuẩn bị đồ ăn mang đi. Mỗi cháu làm những phần việc riêng, nhưng các cháu đều nhận thức được là tất cả đang cùng hướng tới cùng một mục đích, ví dụ như cố gắng càng ra được biển sớm càng tốt.

Các tình huống khó khăn chính là cơ hội tốt nhất để xây dựng nhóm. Hồi nhỏ, nhà tôi có một cái cống dẫn nước mà lần nào cũng bị ngập mỗi khi trời mưa to. Thậm chí trào cả vào ga-ra. Khi mỗi lần như thế, cả gia đình tôi tập trung lại để tát nước ra khỏi ga-ra, trong lúc đó sẽ có một người tống hết đống lá rụng ra khỏi cống. Chúng tôi cùng làm cùng cười vui vẻ trong khoảng nửa giờ, mọi thứ lại ổn thỏa. Xong việc, chúng tôi cùng vào nhà và uống trà nóng. Chúng tôi thấy đó thật sự đúng là tinh thần đồng đội.

 CÁC TÌNH HUỐNG KHÓ KHĂN CHÍNH LÀ CÁC CƠ HỘI TỐT NHẤT ĐỂ XÂY DỰNG NHÓM.

 QUY TẮC 55

ĐỂ CÁC CON BẠN VUI CHƠI VỚI NHAU

Bất kỳ bậc cha mẹ nào chỉ có một con đều hiểu rằng việc này rất vất vả. Bạn vừa phải là người làm cho con vui, là người bạn thân nhất của con, là người chơi cùng con, lại vừa phải là cha mẹ, bởi vì không ai khác làm thay bạn những việc đó cả.

Tuy nhiên, khi bạn có hai con trở lên, thì các cháu có thể đóng các vai trò đó thay bạn, và bạn chỉ phải lo việc làm cha mẹ của các cháu. Bạn không phải đương đầu với quá nhiều việc nữa. 

Để các con của bạn vui chơi với nhau sẽ tốt hơn là bạn suốt ngày chơi với cháu. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không bao giờ được chơi với các cháu, nhưng tần suất sẽ thưa hơn. Thường là bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn các cháu, nếu không bạn cũng nên chỉ đạo các ý tưởng của các cháu. Nếu bạn không làm thế, thì bạn để con mình muốn làm gì thì làm mà không cần học cách thỏa hiệp. 

Các cháu là anh chị em ruột với nhau có thể chơi với nhau một cách ngang bằng. Chắc chắn sẽ có một cháu chi phối các cháu khác, trong khi cháu kia thường hay nhượng bộ hơn (các cháu càng có nhiều anh chị em ruột, thì các mối tương tác càng phức tạp), nhưng bạn hãy kệ các cháu. Bạn không thể thay đổi đặc tính cố hữu của các con và khi chúng lớn lên, có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng cháu mà luôn nhượng bộ sẽ là cháu có khả năng giao tiếp tốt hơn cả và là một người biết làm việc theo nhóm. Vậy nên bạn đừng can thiệp vào để cân bằng các cháu. Đó là việc của các cháu. Tự các cháu sẽ tìm ra cách giải quyết của riêng mình, cãi nhau hoặc tất cả các cách có thể khác.

Nhiều cháu là con một luôn muốn có anh chị em ruột để chơi cùng, trong khi các cháu có anh chị em ruột nhiều khi lại chỉ muốn được chơi một mình. Điều bạn nên làm là để các cháu tự giải quyết với nhau. Vì vậy, bạn đừng cảm thấy tội lỗi khi ngồi uống trà đọc báo , bởi vì bạn đang làm điều tốt nhất cho các con mình rồi  đó là tự tách mình ra và để các cháu vui chơi với nhau.

 ĐÓ LÀ VIỆC CỦA CÁC CHÁU. 

TỰ CÁC CHÁU SẼ TÌM RA CÁCH GIẢI QUYẾT CỦA RIÊNG MÌNH, CÃI NHAU HOẶC TẤT CẢ CÁC CÁCH CÓ THỂ KHÁC.

 QUY TẮC 56

ĐỪNG BAO GIỜ SO SÁNH CÁC CON MÌNH VỚI NHAU

Tôi biết một cặp vợ chồng có hai con. Một cháu rất ngoan ngoãn, còn cháu kia thì thường xuyên nghịch ngợm. Về mặt nào đó thì đó chính là lỗi của cha mẹ các cháu. Bởi họ thường nói với cháu hay nghịch ngợm là: “Sao con không thể ngoan ngoãn như chị của con thế?” Làm như vậy liệu có giúp ích gì cho cháu?

Các con bạn sẽ không thể có được mối quan hệ thoải mái với nhau nếu có sự ghen tị và ganh đua giữa các cháu. Vì vậy bạn đừng bao giờ để cho một trong các cháu biết là bạn nghĩ cháu giỏi thể thao hơn các cháu khác, hoặc cháu không thông minh, vui tính hoặc giỏi giang bằng các cháu khác. Điều đó không có nghĩa là bạn phải giả vờ là các cháu giỏi như nhau trong tất cả mọi việc. Nhưng bạn không cần phải chỉ ra các điểm không bằng nhau mà các cháu có thể chưa từng nghĩ tới, bạn cũng không phải nhận xét về bất kỳ khả năng nào của các cháu liên quan tới các cháu khác.

Đó là điều then chốt. Bạn có thể nói với cháu: “Con thật sự có năng khiếu về nghệ thuật đấy”, mà không cần phải nói: “Con giỏi hơn anh con về môn nghệ thuật đấy.” Tại sao lại phải động tới anh trai tội nghiệp của cháu chứ? Cũng chẳng khác gì so với sự thật là cháu giỏi hơn anh cháu về môn nghệ thuật, phải không bạn? Việc so sánh với anh trai cháu như vậy sẽ gây ấn tượng là bạn đã nhận xét con mình trong một tập hợp chứ không phải là cá nhân cháu. Trong trường hợp này, người anh trai cháu sẽ nghĩ rằng mình là người kém cỏi. 

Đến quy tắc 60 chúng ta sẽ thấy nên để cho các con bạn biết các cháu giỏi về điều gì. Tất cả những gì tôi muốn nói là bạn nên coi các tài năng và khiếm khuyết của các cháu riêng rẽ với các anh chị em của cháu. Cũng chẳng có gì quan trọng khi các cháu có thể nấu ăn, hát hò, làm phép tính cộng, ghi lại lời nhắn, nói tiếng Pháp, kể chuyện cười, chải đầu hoặc làm bất kỳ việc nào khác giỏi hơn các anh chị em của mình. Điều quan trọng là các cháu có thể làm những việc đó.

Tất nhiên, các con bạn có thể không nhìn nhận như vậy. Các cháu trai thường hay đua tranh nhất, nhưng các cháu gái cũng không kém phần cạnh tranh nếu có treo giải thưởng. Rắc rối là khi các con bạn có thể làm khó bạn với những câu hỏi kiểu như: “Tranh con vẽ đẹp hơn em vẽ, đúng không mẹ?” hoặc “Con có thể chạy nhanh hơn em, đúng không bố?” Vậy bạn sẽ trả lời thế nào đây?

Câu trả lời là bạn hãy làm điều gì mà khi còn bé bạn luôn tự nhủ với mình là khi trở thành người lớn, bạn sẽ không bao giờ làm như vậy, và né tránh vấn đề. Bạn có thể nói: “Thật khó để đánh giá con ạ. Con vẽ những cái cây này thật là đẹp. Các chi tiết trên lá cây thật tuyệt vời. Còn em thì lại dùng những màu đáng yêu, và em phối màu rất giỏi.” Hoặc: “Con chạy nhanh hơn em là phải thôi vì con lớn hơn em những hai tuổi mà.”

 CÁC CON BẠN SẼ KHÔNG THỂ CÓ ĐƯỢC MỐI QUAN HỆ THOẢI MÁI VỚI NHAU NẾU GIỮA CHÚNG CÓ SỰ GHEN TỊ VÀ GANH ĐUA.

 QUY TẮC 57

NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC NHAU CẦN NHỮNG QUY TẮC KHÁC NHAU

Tôi không viết cuốn sách này để gây tranh cãi. Mục đích của tôi là nêu bật lên một số quy tắc chủ chốt, mà đa phần trong đó đều dễ hiểu và dễ thực hiện hơn khi được viết ra thành lời, và có lẽ trước đây bạn chưa từng nghĩ tới. Như tôi đã nói ở phần đầu cuốn sách, đây không phải là một sự khám phá mới mẻ nào, mà chỉ là đôi lời nhắc nhở. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có ai đó muốn tranh cãi với tôi, thì họ sẽ chọn quy tắc này để bàn cãi. Nó có vẻ mâu thuẫn với các quy tắc 24, 33, 54 và có lẽ là một vài quy tắc khác nữa mà chúng ta chưa nói tới. Nhưng chỉ có vẻ thôi.

Quy tắc 12 liên quan tới việc điều chỉnh các kỳ vọng của bạn đối với các con mình cho phù hợp với thực tế tính cách của các cháu. Quy tắc này đi xa thêm một bước nữa. Đó là đôi khi bạn phải có các quy tắc khác nhau cho từng đứa con của mình.

Các con của bạn không giống nhau, do vậy việc cho rằng có thể áp dụng các quy tắc chung cho tất cả là không đúng. Bạn hãy gọi đây là các quy tắc trong nhà nếu bạn muốn. Thật công bằng khi ai cũng phải lên giường đi ngủ hoặc dọn dẹp sau bữa ăn khi được yêu cầu. Nhưng các quy tắc khác sẽ cần được điều chỉnh cho hợp với tính cách của con bạn.

Khi tôi mới bắt đầu làm bố, tôi đã nghĩ thật không công bằng nếu áp dụng các quy tắc này với cháu này mà không áp dụng với cháu khác. Dường như đối với tôi, rõ ràng là bạn phải áp dụng cùng các quy tắc như nhau cho tất cả các cháu. Sau này, khi các con tôi lớn hơn lên, tôi nhận ra rằng có một số quy tắc nhất định sẽ khó áp dụng hơn đối với cháu này so với cháu khác.

Đây là một ví dụ. Tôi có một cậu con trai tính rất lôi thôi. Cháu bừa bộn một cách có hệ thống. Cháu không biết được rằng cháu bừa bộn như vậy, vì cháu ở trong một tình trạng không thể nhận ra được đống lộn xộn cháu đã tạo ra xung quanh mình như thế nào. Việc giục cháu dọn dẹp không hề đơn giản như việc yêu cầu các anh chị em cháu. Nếu những cháu khác tôi chỉ cần nhắc một lần, thì với cháu này, tôi phải nhắc đến 20 lần vì: a) cháu không thể nhận ra được đống lộn xộn, b) cháu không thể hiểu được tại sao điều đó lại có vấn đề (vì nó chẳng làm phiền gì tới cháu cả) và c) nếu làm việc đó thì sẽ tốn của cháu vài giờ đồng hồ mỗi ngày. Vì vậy, nếu áp dụng cùng quy tắc cho tất cả thì sẽ rất không công bằng đối với cháu.

Tất nhiên, chúng tôi không bỏ qua cho cháu dễ dàng như thế. Nhưng chúng tôi không yêu cầu cháu nhiều như các cháu khác. Cháu phải thực hiện việc dọn dẹp cái gì đó, và chúng tôi dành thời gian giúp cháu làm việc đó một cách thật sự. Khi cháu lớn hơn, dần dần đó trở thành nhiệm vụ của cháu.

Tôi có thể nói rằng, con trai tôi có khả năng tập trung rất giỏi. Cháu có thể ngồi làm bài tập liền nửa tiếng không nghỉ mà không vấn đề gì. Tuy nhiên, một trong số các anh chị em của cháu lại không thể làm gì tập trung quá 10 phút, do vậy cháu được tôi cho phép làm bài tập trong cả tuần và chia thành những khoảng thời gian ngắn.

Nói cách khác, đôi lúc việc áp dụng những quy tắc giống nhau cho tất cả các con là cách làm công bằng, nhưng có những lúc việc này lại không công bằng và bạn cần để ý điều đó. Việc quan trọng là bạn đòi hỏi ở con mình nhiều như thế nào.

Các con của bạn không giống nhau, do vậy việc cho rằng có thể áp dụng các quy tắc chung cho tất cả là không đúng.

 QUY TẮC 58

KHÔNG NÊN THIÊN VỊ TÌNH CẢM

Việc thừa nhận rằng bạn yêu một đứa con hơn hẳn những đứa khác thật sự là điều tối kỵ. Rất nhiều người sẽ nói với bạn rằng “không nên thiên vị tình cảm”. Và điều đó hoàn toàn đúng, dù rằng có thể bạn không làm theo được. Một số bậc cha mẹ không cảm thấy con nào đáng yêu hơn con nào và nếu có thì họ cũng không nói ra miệng. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không thể làm được như vậy, và nếu họ nói rằng không yêu con nào hơn thì chắc hẳn là họ đang nói dối.

Nếu đúng là bạn có sự thiên vị giữa các con, thì nói dối là cách tốt nhất. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn đừng bao giờ tiết lộ cho ai khác biết đứa con nào là đứa con bạn yêu hơn cả, trừ người bạn đời của bạn. Và để tránh việc tiết lộ điều đó, bạn có thể phải nói dối và khẳng định rằng bạn không có con yêu con ghét. Tôi còn nhớ, có một lần bà tôi kể với tôi rằng tôi là đứa cháu ưa thích của dì tôi. Tất nhiên là tôi sung sướng, nhưng dì tôi thì hoàn toàn không hề có ý nói cho tôi biết. Bạn thấy đấy, rất khó để tin rằng mọi người sẽ không nói điều gì đó trong một phút ngẫu hứng nào đó.

Một người đã làm bố nói với tôi rằng, anh ấy có đứa con mà anh ấy yêu hơn cả – anh ấy không thể đừng được – nhưng không phải lúc nào cũng là một cháu. Tất cả các con của anh ấy đều là đứa con mà anh ấy yêu hơn cả trong những khoảng thời gian nhất định, và lần lượt các cháu thay nhau vào vị trí đó mà các cháu không hề hay biết. Anh ấy cũng nói với tôi rằng, thật sự thì anh ấy luôn yêu các con bằng nhau. 

Vậy bạn có thể làm gì nếu bạn có một đứa con mà bạn yêu hơn cả (ngoài việc nói dối về điều đó)? Vâng, trước hết bạn có thể xem lại xem liệu có phải bạn thật sự yêu một cháu nào đó nhất không, hay là thực tế là bạn chỉ thích cháu nhất thôi. Có lẽ chỉ là vì bạn cảm thấy gần gũi với cháu nhất, chứ không phải là yêu cháu nhất. Cũng có thể thật sự là bạn yêu tất cả các cháu như nhau, chỉ có điều là bạn không nhận ra mà thôi. 

Cách trên có thể có tác dụng đối với một số người, nhưng không có tác dụng với tất cả. Nếu bạn vẫn cảm thấy rằng bạn thật sự yêu một cháu nhất, bạn cần chăm chút hơn cho mối quan hệ của bạn với các cháu khác. Bạn hãy nhìn vào những điểm đáng yêu của các cháu một cách có chủ ý, dành nhiều thời gian cho các cháu hơn, hoặc tìm một sở thích chung và cùng thực hiện với các cháu – cùng đi công viên, đi câu cá, mua sắm quần áo, xem phim kinh dị (tất nhiên là với các cháu lớn), đi dạo, ăn uống, chơi bóng đá với nhau hoặc cùng làm bất kỳ việc gì khác.

Ngoài ra, các con bạn luôn để ý xem có bất cứ dấu hiệu nào thể hiện rằng cháu là đứa con ưa thích nhất của bạn hay không. Cháu có thể hỏi thẳng bạn, thậm chí cháu sẽ tự chọn lấy một dấu hiệu nhỏ nhất và thường cố ý diễn giải sai ý bạn nhằm tìm được thông tin đáng giá đó. Nói chung, nếu tất cả các cháu đều cho rằng chính các cháu là đứa con ưa thích của bạn, cho dù là các cháu đúng hay sai, thì chứng tỏ bạn đã không làm điều gì sai cả. Nhưng nếu tất cả các cháu cùng nghĩ rằng bạn có một đứa con ưa thích duy nhất, thì đó là khi bạn cần lo ngại về các dấu hiệu mà bạn đã để các cháu thấy.

 TRONG BẤT CỨ TRƯỜNG HỢP NÀO, BẠN ĐỪNG BAO GIỜ TIẾT LỘ  BẠN YÊU ĐỨA CON NÀO NHẤT.

 QUY TẮC 59

KẾT HỢP VÀ HOÁN ĐỔI

Quy tắc này giúp bạn xây dựng mối quan hệ với các con mình và quan hệ giữa các cháu với nhau. Quy tắc này cũng sẽ hữu ích nếu bạn có nguy cơ thiên vị tình cảm hay, không ưa tính cách nào đó ở con, hoặc cảm thấy mình không có điểm tương đồng với các cháu. 

Nhiều gia đình truyền thống (đặc biệt là những gia đình gồm có cha mẹ và hai con) có xu hướng đi chơi cùng nhau. Điều đó vừa đúng… lại vừa không đúng. Cái gì quá cũng thành không tốt. Việc đảm bảo rằng bạn sử dụng thời gian theo nhiều cách kết hợp và hoán đổi khác nhau cũng rất quan trọng. Nó giúp bạn:

• Đảm bảo rằng mỗi cháu sẽ có những khoảng thời gian riêng với bố hoặc mẹ;

• Tất cả các cháu đều được đi chơi riêng với bố hoặc mẹ (mỗi lần một cháu khác nhau);

• Một cháu sẽ được ở bên cha mẹ trong khi các cháu khác ở chỗ khác;

• Đối với những gia đình có từ ba con trở lên, thì hai cháu này sẽ có thời gian riêng với bố hoặc mẹ, và hai cháu khác thì đi với người còn lại. Đừng bao giờ sắp xếp các lần giống nhau.

Việc này cũng giúp bạn có cơ hội phát triển các mối quan hệ đặc biệt với từng cháu. Có thể cháu thứ nhất sẽ nấu ăn cùng mẹ và đi dạo cùng bố. Trong khi đó, cháu thứ hai sẽ cùng đọc sách với bố và chơi ngoài công viên cùng mẹ. Nếu mỗi cháu có những thứ mà các cháu có thể làm riêng với bố hoặc mẹ, thì tất cả các cháu sẽ đều cảm thấy thật sự đặc biệt.

Đó sẽ là một hệ thống đặc biệt có giá trị nếu gia đình bạn có cả con cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Phương pháp này sẽ đem lại cho mọi người cơ hội củng cố các mối quan hệ cá nhân với nhau, hơn là chỉ gặp bố dượng hoặc mẹ kế của mình, ví dụ như khi có cả các anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha của cháu ở đó.

Nếu bạn là một bậc cha mẹ đơn thân, thì tất nhiên việc này sẽ khó hơn nhiều. Nhưng vẫn đáng làm như vậy mỗi khi bạn có dịp nhờ được ai khác trông một hoặc hai cháu để bạn dành riêng thời gian cho các cháu khác. Và khi bạn có được thời gian riêng với một cháu nào đó – có thể các cháu khác đang đi chơi với bạn – thì bạn hãy cùng cháu làm điều gì đó đặc biệt, hơn là chỉ chăm chú hoàn tất việc nhà vì không còn tiếng cãi cọ nhau của các cháu nữa. 

 HÃY LUÔN SỬ DỤNG THỜI GIAN THEO CÀNG NHIỀU CÁCH KẾT HỢP VÀ HOÁN ĐỔI CÀNG TỐT.

 QUY TẮC 60

TÌM RA ĐIỂM MẠNH CỦA TỪNG CHÁU 

Quy tắc 42 nói về việc giúp con bạn hiểu rõ điểm mạnh của mình. Điều đó rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn có nhiều hơn một con. Có một điều chắc chắn rằng các cháu có các điểm mạnh rất khác nhau.

Năng khiếu và tài năng thường có tính di truyền. Nếu một cháu trong các con bạn có năng khiếu về âm nhạc, hoặc giỏi về điền kinh, có năng khiếu về nghệ thuật, học giỏi, thì thường là các anh chị em của cháu cũng vậy. Dù vậy, thật khó cho bé em trở thành một nghệ sỹ kèn xắc-xô-phôn khi mà chị của cháu đã là một nghệ sỹ kèn xắc-xô-phôn rồi. Có thể cháu bé nhà bạn sẽ cảm thấy thành công hơn khi là một nghệ sỹ đàn vi-ô-lông hoặc là một nghệ sỹ thổi sáo. Bạn cần khích lệ các điểm khác biệt nhỏ bé đó để tất cả các cháu đều có thể tỏa sáng.

Tuy nhiên, khi liên quan tới cá tính, thì lại có những sự khác biệt lớn. Cho dù có chung gen di truyền, nhưng các cháu là anh chị em ruột của nhau lại có thể có những điểm mạnh rất khác nhau, bạn cần khích lệ những điểm đó (với điều kiện là không quên quy tắc 56 – Không bao giờ so sánh các con mình với nhau). Khi các cháu lớn hơn, các cháu cần phát triển riêng biệt với nhau để tìm ra được bản ngã riêng của mình. Các cháu không muốn lớn lên thành những bản sao của các anh hay chị mình, các cháu muốn là chính mình. Bạn có thể giúp các cháu bằng cách khích lệ các cháu có những điểm mạnh riêng.

Điều này đặc biệt đúng với các cháu làm em. Các cháu thường phải mất cả năm để cố gắng giỏi hơn anh chị mình điểm gì đó. Tuy nhiên, sẽ dễ hơn cho các cháu khi phát triển các điểm mạnh về tính cách hơn là về kỹ năng. Nói cách khác, khi cháu 3 tuổi, cháu dễ là người dũng cảm nhất hơn là người đánh vần giỏi nhất. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo rằng cháu bé 3 tuổi của bạn biết rằng cháu rất dũng cảm, tốt bụng hoặc nhớ được nhiều thứ (một cháu trong các con tôi thường nhớ hộ tôi danh sách các thứ cần mua khi cháu mới 3 tuổi cháu có trí nhớ rất tốt về các thứ như vậy).

Con bạn có tự tin và ý thức được vai trò của mình trong gia đình hay không phụ thuộc phần lớn vào việc các cháu biết mình có những điểm mạnh thật sự. Vì vậy, bạn cần tìm ra được các điểm mạnh của cháu là gì, đặc biệt là các điểm mạnh có lợi cho cả gia đình – như khả năng tìm đường khi cả nhà đi chơi xa, nấu ăn giỏi, biết làm cho mọi người cười khi gặp phải chuyện tồi tệ, biết giải quyết vấn đề một cách hợp lý, hòa giải được các vụ cãi vã, có thể bình tĩnh khi gặp rắc rối, có khả năng làm theo các chỉ dẫn (tôi luôn đánh giá cao khả năng này, vì tôi không có khả năng đọc các chỉ dẫn).

Thêm một điều nữa: hãy đảm bảo rằng không phải lúc nào bạn cũng chọn cùng một cháu làm “người tìm đường/đầu bếp/người giải quyết vấn đề cho gia đình” nếu có một cháu khác muốn đảm nhận vai trò đó. Nếu bạn nghĩ mình là một người tìm đường giỏi, nhưng mọi người lại cứ hỏi anh của bạn và không ai cho bạn cơ hội nào để thể hiện là bạn cũng làm được việc đó, thì thật là nản lòng làm sao. Vì vậy, bạn hãy nhớ điều này để không lặp lại và bỏ qua cháu nào.

 SỰ TỰ TIN CỦA CON BẠN PHỤ THUỘC RẤT NHIỀU VÀO VIỆC CHÁU BIẾT ĐƯỢC MÌNH CÓ NHỮNG ĐIỂM MẠNH RIÊNG.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.