Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN VII. CÁC QUY TẮC VỀ TRƯỜNG HỌC



Cho dù thích hay không, con bạn vẫn phải đến trường. Và mặc dù bạn không ở bên khi cháu đi học, nhưng thái độ của bạn sẽ vẫn tác động lớn đến thành công của các cháu ở trường – ở đây, tôi không chỉ nói về thành tích học tập.

Trong thời gian đi học, con bạn sẽ ở trường nhiều hơn là ở bên bạn. Vì vậy, khoảng thời gian đó rất quan trọng với các cháu, và các cháu cần cảm thấy sự quan tâm, chú ý và tham gia của bạn.

Từ khi cháu mới 4 hoặc 5 tuổi, cho tới khi cháu 16 hoặc 18 tuổi, sẽ có những quy tắc cơ bản nhất định giúp cả bạn và cháu trải qua thời gian tới trường tuyệt vời hơn.

QUY TẮC 61

ĐI HỌC KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI GIÁO DỤC

Tôi biết những người rời trường học lúc 16 hoặc 18 tuổi và có lẽ chẳng biết gì, ngoài thời khóa biểu của họ hay kênh đào Xuy-ê ở đâu hay luật thuế thu nhập cá nhân có ý nghĩa gì. Nói cách khác, đó chỉ là các thông tin. Đây là những gì trường học mang lại cho bạn: thông tin và một số kỹ năng phân tích (như: thực hiện phép chia và ngữ pháp), mà đa phần có thể bạn chẳng bao giờ phải dùng đến nữa. Một số kỹ năng trong đó cũng hữu ích, ví dụ như kỹ năng ngoại ngữ, nhưng phần nhiều không có mấy giá trị.

Bạn đừng hiểu sai ý tôi nhé, tôi không có ý chỉ trích trường học. Trường học dạy bạn cách học – đây là một kỹ năng hữu ích cho cả cuộc đời của bạn – nhưng mất những 10 đến 12 năm hoặc lâu hơn thế để học. Và bạn hãy thử nghĩ về tất cả những gì mà trường học không dạy các con bạn trong suốt những năm tháng đó: cách biết tự suy nghĩ, cách thay bóng đèn, cách trở nên quyết đoán, cách không dính vào nợ nần, cách nhận biết khi sắp xảy ra cãi cọ, cách giải quyết các tranh cãi một cách thân thiện, cách đối xử tôn trọng mọi người, cách xử trí khi xe máy chết máy, cách đối mặt với nỗi sợ hãi, cách là người thua cuộc nhưng vẫn vui vẻ, cách là người thắng cuộc khéo léo, v.v…

Bạn có thể phản bác lại rằng: “Nhưng trường học có dạy tôi cách thắng và thua”, hoặc “Thế còn những ngày hội thể thao ở trường thì sao?” Vâng, tôi biết là trường học cho bạn nhiều cơ hội để thực hành một số điều, nhưng trường học không dạy bạn cách làm thế nào cho tốt. Nếu bạn xuống dốc, họ sẽ để bạn thua thậm tệ. Trong bất kỳ trường hợp nào, những thứ mà các con bạn được thực hành nhiều ở trường là những thứ các cháu có thể thực hành bên ngoài trường học. Bởi vì khi ở trong một nhóm, các cháu sẽ học được hành vi nào sẽ được hoặc không được xã hội chấp nhận. Điều đó không cần đến thầy cô giáo. Các cháu có thể học được điều đó trong bất kỳ nhóm trẻ nào – như trong nhóm trẻ hàng xóm, hoặc câu lạc bộ bóng đá hoặc các nhóm khác chẳng hạn.

Tất cả những điều đó nói lên rằng việc cho con bạn đi học không đồng nghĩa với việc giáo dục các cháu. Việc đi học là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc giáo dục tốt. Việc dạy học là của nhà trường, còn việc của bạn là giáo dục các cháu. Bạn đừng mong nhà trường sẽ làm thay bạn việc đó.

Tôi biết có những cháu được giáo dục tại nhà, và khi lớn lên các cháu có vẻ giỏi giang, tháo vát và trưởng thành hơn những cháu mà được cho đi học ở trường. Điều đó chứng minh thêm rằng không nhất thiết cứ phải đến trường học mới có được một sự giáo dục tốt. Tôi không có ý khuyên bạn tự dạy học con mình ở nhà (trừ khi bạn muốn làm như vậy). Tôi chỉ muốn nói rằng, bạn không nên dựa dẫm vào trường học, đừng kỳ vọng rằng trường học sẽ mang lại cho con bạn bất kỳ điều gì hữu ích trừ thông tin, và một số kỹ năng thực hành như cách sử dụng máy ghi âm hoặc giải phẫu ếch. Tất cả là phụ thuộc vào bạn.

 ĐÂY LÀ NHỮNG GÌ TRƯỜNG HỌC MANG LẠI CHO BẠN: THÔNG TIN VÀ MỘT SỐ KỸ NĂNG PHÂN TÍCH MÀ ĐA PHẦN CÓ THỂ BẠN CHẲNG BAO GIỜ PHẢI DÙNG ĐẾN NỮA.

 QUY TẮC 62

TRƯỜNG HỌC LÀ MỘT TỔNG THỂ KẾT HỢP

Không có trường học nào là hoàn hảo cả. Trường học của các con bạn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bậc phụ huynh. Và không có cách nào có được sự đồng thuận của 100% phụ huynh đối với các chính sách của nhà trường. Nếu mỗi chính sách lại phải được tất cả các bậc phụ huynh thông qua, thì e rằng họ không thể thống nhất được ngay từ việc nên vào học lúc mấy giờ.

Vì vậy, tất nhiên bạn sẽ không đồng ý với tất cả mọi thứ ở trường học của con mình. Chẳng hạn như, khối lượng bài tập về nhà con bạn được giao, tính nghiêm khắc hoặc việc thiếu nghiêm khắc của các hình phạt, bộ đồng phục ngớ ngẩn mà con bạn phải mặc, việc họ bắt con bạn phải chơi bóng đá trong khi cháu ghét môn đó, các buổi họp hàng năm, rồi cho học sinh học tiếng Nga thay vì tiếng Anh, bắt các cháu phải chơi trong phòng mỗi khi trời mưa,… và còn nhiều nhiều điều khác nữa.

Bạn không thể làm điều gì khác cả. Tất nhiên, bạn có thể chuyển trường cho con mình. Nhưng rồi trường học mới sẽ lại có nhiều điều khác làm bạn thấy dị ứng. Và hơn nữa, con bạn cũng chẳng thể làm gì khác được. Như vậy nếu bạn khuyến khích con mình coi thường các hoạt động ở trường học, nghĩa là bạn đang làm cho quãng thời gian đi học của con trở thành một sự đày ải. Các cháu sẽ có vấn đề với các thầy cô giáo và rất có thể sẽ bị các bạn cùng lớp chê cười. Không, các cháu không cần đến những thông điệp mâu thuẫn giữa gia đình và nhà trường.

Điều cần hiểu ở đây là mỗi trường học là một tổng thể kết hợp. Có những điều bạn thấy thích và có những điều bạn không thích. Nếu những điều bạn không thích vượt quá số còn lại, có thể bạn cần nghĩ tới việc chuyển trường cho con – đó lại là một vấn đề khác. Nhưng một khi bạn còn để con mình học ở trường học đó, bạn phải coi đó là một tổng thể kết hợp. Và điều đó có nghĩa là bạn phải hỗ trợ trường học, kể cả đối với những việc mà bạn chẳng quan tâm. Bạn phải khuyến khích con mình làm bài tập, kể cả khi bạn nghĩ rằng các cháu bị giao quá nhiều bài tập về nhà. Và bạn phải để con bạn mặc bộ đồng phục của trường, để con chơi bóng đá, và nhắc cháu phải cư xử tôn trọng với thầy cô giáo.

Có thể bạn sẽ phân vân không biết trả lời thế nào khi con bạn hỏi: “Bố có thấy công bằng không khi mà bọn con bị giao quá nhiều bài tập như vậy?” Liệu bạn có nên nói dối con mình không? Vâng, bạn có thể nói với các cháu điều mà tôi vừa nói với bạn: nhà trường là một tổng thể con ạ, khi con còn học ở trường nghĩa là con nên đón nhận tất cả những gì nhà trường mang đến cho con. Bằng cách đó, bạn đã giáo dục con mình (xem quy tắc 61) về việc làm thế nào để thực hiện vai trò là một phần của một nhóm xã hội. Việc hợp tác với hệ thống quan trọng hơn việc nhất trí với hệ thống đó.

Nếu bạn muốn tranh luận với tôi, hãy đọc quy tắc tiếp theo trước khi bắt đầu việc đó nhé.

  MỖI TRƯỜNG HỌC LÀ MỘT TỔNG THỂ KẾT HỢP. 

 QUY TẮC 63

HÃY ĐẤU TRANH CHO CON BẠN

Quy tắc 62 liên quan tới việc hỗ trợ nhà trường, kể cả khi bạn không nhất trí với tất cả những gì họ làm. Nhưng bạn cũng không nên làm việc đó một cách vô điều kiện. Bạn phải hỗ trợ họ về các chính sách và hệ thống nói chung, nhưng có nhiều điều khác nảy sinh liên quan tới con bạn, và bạn không thể để nhà trường giải quyết hết được.

Con bạn cần hiểu được là bạn luôn đứng về phía cháu. Và khi có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra, bạn là người duy nhất bênh vực cháu. Nếu nhà trường hay đe nẹt cháu một cách vô lý hoặc họ không nhận ra con bạn mắc chứng nói ngọng hoặc có một giáo viên nào đó trù dập con bạn, thì tất nhiên bạn cần can thiệp vào. Con bạn cần biết được rằng bạn luôn ở bên cháu khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của cháu. Đó là lúc cháu cần tới cha mẹ. Và con bạn cũng thấy được rằng cháu được phép tiếp tục đương đầu với những thử thách khi có sự trợ giúp của cha mẹ.

Thường thì chúng ta khó nhớ lại được cảm giác bất lực khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Các tình huống mà bây giờ chúng ta có thể dễ dàng đối mặt thì khi còn nhỏ, chúng ta lại không thể. Nếu bây giờ, bạn có thể chịu đựng được điều gì đó trong vài tháng, thì khi bạn mới 5 hoặc thậm chí 15 tuổi thì một vài tháng đó có thể làm bạn đau hết cả đầu. Tôi có thể nhớ được cái cảm giác thật đáng sợ đó mà tôi phải trải qua (nhiều lần) trước mỗi bài học, khi tôi sắp phải thú tội là tôi (lại) chưa làm bài tập về nhà. Nếu hôm nay, tôi bị bắt phải đứng trước ông thầy hồi đó và nếu ông ấy mắng nhiếc tôi gay gắt, tôi biết tôi sẽ dám làm gì. Nhưng còn hồi đó thì tôi không thể. Con trẻ được huấn luyện là phải chấp nhận uy quyền của giáo viên và các cháu thật sự không có các kỹ năng hoặc can đảm chống lại hệ thống để tự bảo vệ mình. Đó là khi bạn phải tham gia vào.

Tôi phân vân không biết có nên dùng từ “đấu tranh” cho quy tắc này không. Bởi sự khéo léo trong giao thiệp tất nhiên là luôn tốt hơn cách giao chiến, và tôi không tán thành việc bạn nhảy bổ vào văn phòng hiệu trưởng và tức giận đưa ra các yêu cầu. Sẽ luôn hiệu quả hơn khi bạn để cho họ biết rằng, bạn có thể đặt bạn vào địa vị của họ, sau đó hướng họ dần đến cách nghĩ của bạn. Đây là lúc việc làm một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc phát huy tác dụng. Bởi vì, là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc, bạn biết cần xử lý tình huống thật cẩn thận để đảm bảo rằng bạn sẽ không bị họ phản đối.

Và quy tắc 63 sẽ có tác dụng hơn nhiều nếu bạn đã tuân theo quy tắc 62. Nói cách khác, nếu nhà trường thấy rằng từ trước đến nay, bạn không phải là một phụ huynh hay kêu ca phàn nàn, thì họ sẽ chú ý tới bạn hơn khi mà bạn có điều gì đó không hài lòng. Nếu từ khi con bạn đi học đến nay, lúc nào bạn cũng kêu ca và chỉ trích thì bạn sẽ bị coi là không có thiện chí với nhà trường và nhà trường sẽ gần như không muốn nghe bạn nói nữa khi có điều gì thật sự quan trọng nảy sinh.

 CON BẠN CẦN BIẾT RẰNG BẠN LUÔN Ở BÊN CHÁU KHI MỌI THỨ VƯỢT QUÁ TẦM KIỂM SOÁT CỦA CHÁU.

 QUY TẮC 64

VIỆC BẮT NẠT LUÔN NGHIÊM TRỌNG

Tôi biết một cháu bé tên là Ned. Cháu ghét cái tên này vì âm điệu của nó rất dễ ăn vần với nhiều từ khác và các bạn cùng lớp rất hay trêu cháu, ví dụ như: “Ned, Ned, sợ bọ chét, mặt tái mét.” Về mặt nào đó, thì điều đó khá thú vị, nhưng Ned lại không nghĩ vậy.

Các bậc cha mẹ rất dễ bỏ qua điều này. Họ nói với con mình rằng: “Nếu bị đánh hoặc ném đá, thì con mới bị đau, còn nếu chỉ là lời nói thì không sao cả.” Tất nhiên là việc bị trêu đùa nhẹ nhàng sẽ dễ chịu hơn là việc bị đánh hàng ngày. Nhưng không phải tất cả những lời chế giễu đều thuộc danh mục trêu đùa nhẹ nhàng. Những lời chế giễu này có thể gây hại và tổn thương sâu sắc đối với con trẻ.

Điều duy nhất đáng quan tâm là con bạn cảm thấy thế nào. Vấn đề không phải ở chỗ tên của con bạn bị bạn bè chế giễu hoặc trêu đùa hay có bạn nào đá vào chân cháu ngày hôm qua hoặc có nhóm nào đó bắt nạt cháu hàng ngày. Vấn đề cũng không phải ở chỗ bạn cho rằng đó là trêu đùa, hay là chế giễu, hay là bắt nạt. Cách duy nhất bạn có thể đánh giá được tính nghiêm trọng của vấn đề là liệu con bạn cảm giác về việc đó như thế nào.

Nếu con bạn thấy bị tổn thương hoặc buồn phiền, thì bạn cần làm điều gì đó. Tùy từng tình huống, bạn có thể thảo luận với cháu xem cháu định xử lý việc đó như thế nào (xem quy tắc 65), hoặc bạn có thể muốn nói chuyện với nhà trường. Bạn có thể có kế hoạch khác (tuy nhiên, nếu bạn định đổi tên cho con bạn thì hơi rắc rối đấy). Nhưng bạn phải để con bạn hiểu được rằng, nếu cháu thấy việc đó là nghiêm trọng, thì bạn cũng thấy như vậy.

Tôi cũng cần nhắc bạn nên cẩn thận nếu bạn định gặp trực tiếp phụ huynh của những đứa trẻ trêu chọc con bạn. Nếu có ai đó nói với bạn rằng con bạn bắt nạt cháu khác, thì bạn sẽ rất dễ bênh vực con mình, ít nhất là khi ở trước mặt mọi người, bất kể bạn sẽ nói riêng với cháu điều gì. Hầu hết các cuộc chạm trán giữa các bậc phụ huynh trong tình huống này sẽ kết thúc với sự tức giận và các bên sẽ ở các vị trí cố thủ. Vì vậy, bạn đừng cố gặp phụ huynh khác trừ khi bạn chắc chắn rằng, việc này sẽ làm mọi thứ tốt lên chứ không phải là xấu đi.

 BẠN PHẢI ĐỂ CON MÌNH HIỂU ĐƯỢC, NẾU CHÁU THẤY VIỆC ĐÓ LÀ NGHIÊM TRỌNG, THÌ BẠN CŨNG THẤY NHƯ VẬY.

 QUY TẮC 65

DẠY CON BIẾT CÁCH TỰ BẢO VỆ

Tôi không định gợi ý bạn nên dặn con mình hãy đấm vào mặt người nào bắt nạt cháu. Nhưng bắt nạt là một đặc tính tự nhiên của con người, và trường học nào cũng xảy ra điều này cho nên bạn cần phải chuẩn bị. 

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là dạy cháu xử lý điều đó trước khi mọi việc đi xa hơn. Bạn có biết tại sao các cháu lại bị bắt nạt không? Vì những điều khác biệt. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 75% trẻ em buồn bã vì bị trêu hoặc bắt nạt về diện mạo của mình. Thực tế, cứ trong 5 cháu lại có một cháu đã từng lẩn tránh, trốn học, xin nghỉ ốm nhằm tránh bị trêu chọc về diện mạo của mình. Thật là một con số đáng sợ, phải không bạn?

Có hai phương pháp tự vệ truyền thống khi bị bắt nạt trái ngược nhau. Một mặt, bạn nghĩ nên bảo con mình đánh lại bạn. Mặc dầu cách này có tác dụng, nhưng thường sẽ dẫn tới vấn đề lớn hơn. Mặt khác, bạn sẽ khuyên con hãy lờ đi và rồi việc bắt nạt sẽ chấm dứt. Đây là lời khuyên mà một số bậc cha mẹ dành cho con mình vì họ muốn điều đó trở thành sự thật. Nhưng sự thật lại không như thế. Tất cả các bằng chứng cho thấy điều ngược lại mới là sự thật.

Vậy thì câu trả lời là gì? Khả năng thành công nhất là khi con bạn trông tự tin, nhìn thẳng vào mắt đối phương, và làm sao lãng việc bắt nạt bằng cách thay đổi chủ đề. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng có tác dụng. Nhưng nếu con bạn vốn sẵn tự tin, tự trọng và quan tâm tới diện mạo của cháu, thì gần như cháu đã không bị bắt nạt. Và bạn có thể trang bị cho cháu tất cả những yếu tố đó trước khi cháu bị bắt nạt lần đầu tiên.

Tôi không nói rằng nếu cháu bị bắt nạt thì đó là lỗi tại bạn hay tại cháu. Và đó cũng không phải là lỗi của cháu khi cháu phải đeo kính hoặc bị khuyết tật nào đó. Nhưng tôi có biết những cháu bé phải đeo kính và bị khuyết tật hoặc dị dạng ,nhưng không bao giờ bị bắt nạt. Điều đáng nói ở đây là đừng để cho những đứa trẻ khác có lý lẽ nào để cô lập con bạn. Tất nhiên, nếu chỉ thi thoảng đầu tóc cháu chỉ được chải qua loa, thì không ai để ý. Nhưng nếu hôm nào trông cháu cũng lôi thôi hoặc hôi hám hoặc đầu bù tóc rối, thì nhất định bạn cháu sẽ để ý thấy. Hồi bé, tôi từng học cùng trường với một bạn mà cả trường gọi là bạn “Nặng mùi”. Tôi không thể nhớ nổi tên thật của bạn đó là gì nữa, nhưng tôi có thể nhớ bạn ấy có mùi như thế nào, và không ai có thể không trêu chọc bạn ấy.

Bạn có thể giúp con mình tránh bị bắt nạt bằng cách đảm bảo rằng các cháu:

• tự tin và đĩnh đạc;

• không bị béo phì;

• diện mạo gọn gàng sạch sẽ (quần áo sạch sẽ, móng tay cắt ngắn, tóc chải gọn gàng…).

Đó là sự chuẩn bị rất chu đáo rồi, hơn nữa, bạn hãy làm cho cháu hiểu được tầm quan trọng của việc nhìn thẳng vào mắt một cách không sợ sệt. Như vậy là bạn đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ con bạn ngay từ đầu.

 NẾU CHÁU BỊ BẮT NẠT THÌ ĐÓ KHÔNG PHẢI LỖI TẠI BẠN HAY TẠI CHÁU.

 QUY TẮC 66

CHỊU ĐỰNG NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA CON MÀ BẠN KHÔNG THÍCH

Con bạn có chơi với ai mà bạn thấy không thích không? Có phải cháu bé cùng nhà trẻ với con bạn, cứ rình lúc không có ai để ý là giật tóc con bạn không? Hay cháu bé 5 tuổi ở nhà bên cạnh hôm nay thì chơi thân với con bạn, ngày mai lại không thèm nói chuyện với cháu nữa? Hay cậu bé 15 tuổi học cùng lớp con bạn luôn trốn học (bạn biết chắc rằng cậu bé này còn hút thuốc nữa)?

Đúng là trong suốt quãng thời gian con bạn đến trường, cháu sẽ có những người bạn mà bạn ước gì cháu không có. Có thể vì bạn cảm thấy các cháu này làm con bạn buồn, hoặc có “ảnh hưởng xấu” tới con bạn, làm con bạn cư xử hỗn láo với thầy cô giáo hoặc trốn đi chơi. Mẹ tôi trước đây từng ghét bất kỳ người bạn nào của tôi nói năng không “lễ phép”. Nhưng, ít nhất mẹ cũng không bao giờ phát hiện ra rằng có một người bạn còn dạy tôi làm pháo tự tạo ở trong kho nhà cậu ấy.

Vậy bạn có thể làm gì đây? Vâng, giả định là bạn đã đọc tiêu đề của quy tắc này, thì bạn biết tôi định nói gì. Đúng vậy – bạn chỉ có thể chịu đựng mà thôi! Con bạn sẽ phải tự học cách chọn bạn cho mình, kể cả khi bạn không thích các lựa chọn của cháu. Cháu phải tự quyết định khi cháu thấy chán chơi với bạn A rồi vì cứ suốt ngày dỗi với giận, hoặc quyết định xem việc trốn giờ học môn toán cùng bạn B có phải là một ý kiến hay hay không.

Và cuối cùng, các quyết định của cháu sẽ hướng tới các giá trị mà bạn muốn truyền đạt. Điều này đòi hỏi phải có thời gian – cháu sẽ phải trải nghiệm thời gian chơi với bạn xấu để nhận ra được các bạn tốt. Do vậy, bạn đừng tự dằn vặt khi thấy cháu đi chơi với một nhóm bạn lang thang lúc cháu 6 tuổi. Điều quan trọng là bạn phải biết lựa lời khuyên cháu xem việc gì nên, việc gì không nên.

Ngoài ra, các cháu sẽ học được nhiều thứ từ bạn bè, kể cả bạn xấu hay bạn tốt. Phải thi lại môn toán vì con bạn thường xuyên trốn tiết sẽ dạy cháu nhiều điều hơn là đến lớp đều đặn và qua được các bài thi. Bạn xấu sẽ dạy con bạn nhiều thứ, đặc biệt cho tới khi cháu trở nên khôn ngoan.

Dù sao đi nữa, làm thế nào bạn biết được bạn bè của con mình là xấu? Có thể con bạn có tính nết hoang dại nào đó cần được thỏa mãn thì sao, kể cả khi bạn không chia sẻ hoặc không thích tính đó. Và có thể cậu bé hay hút thuốc đó lại là người cực kỳ trung thành. Cháu bé hay giận dỗi con bạn, lại có thể là người bênh vực con bạn khi cả lớp bắt nạt cháu. Hoặc cháu bé này có thể làm con bạn cười được mỗi khi buồn. Tất nhiên là bạn không phải chịu đựng khi con bạn hút thuốc hoặc phá hoại đồ đạc trong nhà, nhưng các bạn cháu nếu có làm những điều đó thì có thể vẫn là những người bạn tốt của cháu.

Cá nhân tôi, mặc dù có những cháu trong số bạn bè của con tôi mà tôi không có tình cảm, nhưng tôi vẫn vui vẻ với tất cả các bạn của cháu. Kể cả những cháu mà tôi không thích nhất cũng vẫn mang lại cho con tôi điều gì đó đáng có. Tôi chỉ có vấn đề với một số phụ huynh mà thôi.

Bạn xấu sẽ dạy con bạn nhiều thứ, đặc biệt cho tới khi cháu trở nên khôn ngoan.

QUY TẮC 67

LUÔN NHỚ BẠN LÀ CHA MẸ, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ THẦY CÔ GIÁO

Hiển nhiên là bạn muốn con mình đạt thành tích tốt ở trường, được điểm caovà thậm chí bạn đã nghĩ về việc sau này, các cháu sẽ vào được những trường đại học danh tiếng. Vì vậy, bạn sẽ rất dễ trở nên tham gia quá mức vào việc học của con, chẳng hạn như kiểm tra bài tập về nhà hoặc muốn bổ sung thêm kiến thức cho các cháu.

Tôi biết một người cha thường xuyên hỏi các con mình về các chủ đề mà các cháu được học ở trường trong tuần, sau đó anh ấy dành cả nửa kỳ nghỉ cuối tuần để nói cho các cháu biết tất cả những gì anh ấy biết về chủ đề đó (mà anh ấy biết chắc là mình biết nhiều hơn cả giáo viên). Liệu có phải khôn ngoan không khi bắt bọn trẻ phải nhồi nhét quá nhiều vào đầu và trở nên quá tải như vậy?

Chúng ta hãy cùng làm rõ điều này. Việc của giáo viên là truyền tải thông tin cho các con bạn, và hướng dẫn các cháu để có thể làm bài thi tốt, vì đây là thước đo cả học sinh lẫn giáo viên. Còn bạn, bạn không phải là giáo viên của con mình. Bạn có thể để con mắc lỗi và tự học hỏi chứ đừng chỉnh sửa. Bạn có thể nhấn mạnh tất cả các kỹ năng sống quan trọng mà mà trường học không dạy các cháu (chúng ta đã nói tới trong quy tắc 11). Việc này thật sự quan trọng hơn nhiều so với thành tích học tập. Bạn có thể khuyến khích các cháu thử những điều mới mẻ (học nấu ăn, tham gia lớp võ karate, đi bơi thuyền), khám phá những sở thích mới, gặp gỡ những người mới. Bạn có thể khích lệ cháu đọc nhiều sách hơn và quan tâm tới thế giới, đặt câu hỏi và hình thành quan điểm riêng của mình.

Đôi khi trường học có thể dễ dàng chi phối cuộc sống của con bạn và các cháu cần bạn tạo cho các cháu không gian riêng. Nếu bạn cứ nhằm thời gian cháu ở nhà để giục cháu làm bài tập hoặc hỏi xem cháu làm các bài kiểm tra thế nào hoặc cứ khăng khăng giảng giải cho cháu về vua Henry đời thứ tám, thì việc học hành sẽ chiếm hết thời gian trong cuộc sống của cháu. Nếu thầy cô giáo đã dặn dò con bạn làm điều gì đó rồi, thì không cần bạn phải nhắc lại nữa. Một lần là đủ rồi. Bạn không nên đánh giá thấp nhà trường (quy tắc 62), đánh giá thấp thầy cô giáo của cháu. Bạn nên nói với con rằng: “Con nên làm theo những gì mà nhà trường yêu cầu kể cả khi con không đồng ý với những việc đó. Vì con đã được dặn dò ở lớp rồi cho nên mẹ sẽ không lặp lại nữa”, và sau đó chuyển sang đề tài khác.

Hãy để các cháu thoát được chuyện trường học càng nhiều càng tốt. Các cháu càng lớn, thì nhà trường càng chi phối thời gian của cháu nhiều hơn. Các cháu sẽ phải học nhiều giờ hơn, làm nhiều bài tập về nhà hơn, chịu nhiều áp lực thi cử hơn, do vậy càng quan trọng hơn khi bạn để cho cháu có cơ hội thoát khỏi những điều đó khi đã hết giờ học.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể thể hiện sự quan tâm lành mạnh về những gì đang diễn ra với cháu ở trường, hoặc cùng thảo luận với cháu các chủ đề mà cháu thấy thích. Những gì tôi đề cập ở trên chỉ có nghĩa là bạn hãy cho cháu có nhiều không gian và sự yên tĩnh hơn, đồng thời giúp cháu mở rộng phạm vi hiểu biết thông qua việc nghĩ đến và làm những thứ khác.

 NHIỀU KHI TRƯỜNG HỌC CÓ THỂ DỄ DÀNG CHI PHỐI CUỘC SỐNG CỦA CON BẠN VÀ CÁC CHÁU CẦN BẠN TẠO CHO CÁC CHÁU KHÔNG GIAN RIÊNG. 

 QUY TẮC 68

ĐỪNG CHIỀU CON THÁI QUÁ

Tôi có thể khẳng định rằng có một số cháu trong lớp học của con bạn hầu như chẳng bao giờ đến lớp. Đặc biệt là vào mùa đông. Các cháu này luôn nghỉ học vì bị ho hoặc cảm lạnh hoặc vì chứng dị ứng tưởng tượng nào đó và được bố mẹ ủ kín trong chăn len. Và khi đến trường, các cháu không tham gia các trò chơi hoặc bơi lội vì đang bị đau tay hoặc mới bị cảm cúm. Hồi nhỏ, tôi học cùng lớp với cậu bạn luôn nghỉ ở nhà mỗi khi bị bệnh sốt vào mùa hè. Vì đã bỏ lỡ nhiều bài học quan trọng và các bạn đã quen với việc không có cậu ấy trong suốt cả mùa hè, nên mùa thu khi cậu quay lại lớp học thì cậu không thể hòa nhập với các bạn được nữa. Điều đáng nói ở đây là gì? Nhà cậu ấy có một cái vườn rất rộng – vì vậy, nếu cậu bé ở nhà có lẽ bệnh sốt mùa hè của cậu bé còn nặng hơn là tới trường.

Tôi sẽ nói cho bạn biết điều mà tôi đã quan sát thấy trong nhiều năm. Những bậc cha mẹ hay cho con nghỉ học một cách dễ dàng thường là những người hay xin nghỉ việc vì lý do bị nhức đầu, hoặc cảm lạnh. Các con của họ sẽ dàn trở thành những cháu bé hay than vãn và muốn được mọi người chăm sóc mỗi khi bị nghẹt mũi, Khi lớn lên, họ sẽ nghĩ mình không nên đi làm khi cảm thấy trong người không được khỏe lắm.

Tôi thấy là, nếu bạn bị cảm lạnh một chút, thì đi làm cũng không sao. Do vậy, tốt hơn là bạn vẫn nên đi làm. Cũng tương tự như vậy đối với các con bạn. Bạn sẽ không giúp ích gì cho con mình khi huấn luyện cháu mong mỏi rằng, cả thế giới sẽ tạm ngừng lại để chờ đợi cháu mỗi khi cháu hơi bị trái nắng trở trời một chút. Và các ông sếp của cháu trong tương lai cũng sẽ không thể thăng chức cho con bạn, bởi vì dù kết quả làm việc của con bạn rất tốt nhưng con bạn lại hay nghỉ làm quá.

Các bậc làm cha làm mẹ nào cũng muốn các con mình là những người cứng cáp, vững vàng, chứ không phải là những người hay ốm yếu. Tôi đã từng làm việc cùng những người luôn đi làm đầy đủ kể cả khi họ thấy trong người không được khỏe và cả những nguời sẵn sàng nghỉ làm ngay khi mới hơi có dấu hiệu hắt hơi xổ mũi. Và bạn biết không? Những người vẫn lạc quan mỗi khi bị ốm thường là những người lại ít bị ốm hơn nhiều so với những người lúc nào cũng cảm thấy thương thân trách phận.

Tất nhiên, bạn nên để con nghỉ ở nhà nếu cháu bị ốm nặng, nhưng nếu chỉ ốm nhẹ thì không cần. Nếu cháu vẫn chơi đùa hoạt động bình thường được, thì cháu sẽ ổn khi đến lớp. Nếu không cháu sẽ bị lỡ các bài học và không theo kịp các bạn, và điều này không tốt cho cháu chút nào. Chúng ta cũng nên gạt bỏ tranh luận về việc không nên làm lây lan vi trùng gây bệnh ở trường học. Bạn nghĩ con bạn nhiễm thứ vi trùng đó ở đâu ra? Nếu loại vi trùng đó chỉ làm cháu ốm nhẹ và vẫn tới lớp được, thì nó cũng sẽ không làm hại gì được cả lớp đâu.

Vì vậy, bạn đừng nuông chiều con mình thái quá. Bạn có thể thông cảm với con, vì tất nhiên sẽ chẳng dễ chịu gì khi bị cảm lạnh cả, nhưng bạn đừng để cháu nghĩ rằng đó có thể là một lý do để xin nghỉ học cả ngày.

 BẬC LÀM CHA LÀM MẸ NÀO CŨNG MUỐN CÁC CON MÌNH CỨNG CÁP, VỮNG VÀNG CHỨ KHÔNG PHẢI SUỐT NGÀY ỐM YẾU.

 QUY TẮC 69

GIẢM BỚT ÁP LỰC CHO CON

Với tất cả các bài thi ở trường, con bạn luôn mong muốn đạt được những điểm số nhất định. Dù chỉ cần qua được bài kiểm tra hay phải đủ điểm tiếp tục môn học hoặc tham gia khóa học yêu thích thì các cháu đều phải vượt qua và có thể là vượt qua với thành tích đặc biệt.

Các con bạn biết điều đó. Các thầy cô giáo cũng luôn nhắc nhở các cháu như vậy. Bạn bè các cháu cũng nói với nhau như vậy. Và các cháu cũng tự nhắc mình. Các cháu thật sự không cần cha mẹ phải nhắc nhở thêm nữa. Quá nhiều áp lực có thể sẽ thành phản tác dụng và điều này có thể gây nên các vấn đề về tâm lý đôi khi ảnh hưởng nghiêm trọng đối với con trẻ.

Vậy thì việc của bạn là gì? Bạn cần hiểu hoàn cảnh của cháu. Ví dụ, khi bạn 16 tuổi, trường học tạo cho bạn ấn tượng rằng cả cuộc đời của bạn sẽ phụ thuộc vào kết quả những bài thi của bạn. Thật sự thì không hẳn như vậy (trừ khi bạn khao khát trở thành bác sỹ). Tôi đã thi trượt rất nhiều lần khi còn học phổ thông nhưng điều đó cũng chẳng gây hại gì cho tôi cả. Einstein cũng đã từng bị trượt các bài thi hết môn đấy thôi.

Bạn cần nghĩ về việc con mình đã căng thẳng thế nào với chuyện thi cử. Rất có thể là bạn chưa tạo thêm áp lực cho cháu thì cháu đã cảm thấy bị áp lực quá rồi. Vì vậy, thay vì tạo thêm áp lực cho cháu, bạn cần hiểu cháu hơn. Bạn thấy đấy, khi bạn còn nhỏ thì thật khó để hình dung được cuộc sống sau khi ra trường. Vì vậy, việc của bạn là hãy trấn an cháu rằng còn nhiều điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống ngoài các thành tích về học tập, và những người thi trượt vẫn có thể tiếp tục cuộc sống và trở thành những trưởng thành hạnh phúc. Vâng, nếu cháu đạt kết quả tốt trong các bài thi thì điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu cháu không đạt được như vậy, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới cả. Nếu đứa con tội nghiệp của bạn đang phải chịu quá nhiều căng thẳng, bạn cần nói điều gì đó để giảm bớt áp lực đi, và hãy tạo cho cháu một cơ hội tốt hơn để thành công, thay vì suy sụp tinh thần. Và nếu điều đó có nghĩa là an ủi con bạn rằng dù mọi thứ có thế nào thì cũng không sao cả, thì đó chính là việc bạn cần làm.

Nhưng giả sử bạn nghĩ rằng cháu chưa biết lo lắng, chưa xem trọng mọi việc và chưa ý thức được các kết quả thì sao? Trong trường hợp đó, bạn có thể nhấn mạnh đến ý nghĩa của các kết quả học tập mà không cần nhắc nhở cháu phải chăm chỉ hơn, hoặc hỏi cháu tại sao cháu vẫn còn có thời gian xem tivi hoặc đi chơi với bạn bè. Thay vào đó, bạn hãy đặt các câu hỏi như: Con đoán khả năng con sẽ qua được kỳ thi này như thế nào? Con có từng nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu con không qua được kỳ thi này chưa?

Cuối cùng thì con bạn vẫn là người quyết định việc cháu sẽ chăm chỉ như thế nào. Bạn không thể bắt ép cháu được. Kể cả bạn có nhốt con trong phòng thì không có điều gì đảm bảo là cháu sẽ chăm chỉ cả. Vì vậy, thay vì tạo thêm gánh nặng áp lực cho cháu, tại sao bạn không cứu cháu ra khỏi điều đó? Khi cháu nhận ra rằng bạn không ép buộc cháu, cháu sẽ tự giác hơn.

 CON BẠN VẪN LÀ NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG VỀ VIỆC CHÁU SẼ CHĂM CHỈ NHƯ THẾ NÀO.

 QUY TẮC 70

CON BẠN CẦN SỐNG VỚI NHỮNG LỰA CHỌN CỦA MÌNH

Khi tôi 16 tuổi, tôi đã quyết định xin vào học ở Viện lâm nghiệp. Tôi đã được nhận vào đó nhưng khi chuẩn bị vào năm học, tôi lại đột ngột thông báo với bố mẹ là tôi muốn vào học trường mỹ thuật hơn. Thật là một thay đổi ngược đời. Chắc hẳn lúc đó mẹ nghĩ rất nhiều, nhưng mẹ không hề nói ra và vẫn ủng hộ lựa chọn của tôi. Tới giờ tôi vẫn không biết được mẹ đã nhìn nhận quyết định đó thế nào.

Nếu bạn quan tâm tới con mình, bạn không thể không có ý kiến về phần lớn các lựa chọn của cháu. Bạn lo lắng rằng cháu đang chọn một môn học quá khó với cháu hoặc cháu sẽ ân hận vì đã bỏ lớp tiếng Nhật hay cháu đã chọn môn thể dục chỉ vì cháu thích giáo viên môn đó. Nhưng bạn không thể làm được điều gì đối với những lựa chọn đó cả. Bạn có thể giúp cháu (một cách nhẹ nhàng mà không gây áp lực hoặc thể hiện một sự thiên vị nào) lựa chọn được quyết định tốt nhất mà cháu có thể. Sau đó, bạn cần ủng hộ quyết định của cháu, kể cả khi bạn lo lắng rằng đó chưa phải là sự lựa chọn tốt nhất.

Bạn cũng hãy tự hỏi mình một số câu như: Điều gì sẽ xảy ra nếu con không lựa chọn theo những điều mình nghĩ con nên làm? Mình muốn con chọn lựa chọn này vì con hay vì mình? Bạn có thể nghĩ rằng sự lựa chọn của bạn dựa trên những gì tốt nhất cho con mình, nhưng kể cả như vậy thì bạn vẫn có thể sai.

Nhiệm vụ của người làm cha mẹ có phạm vi rộng hơn nhiều so với vai trò của nhà trường. Bạn không chỉ dạy con về hóa học, âm nhạc hoặc ngữ văn, bạn còn phải dạy con các kỹ năng cho cuộc sống trong đó bao gồm cả kỹ năng ra quyết định. Nếu bạn không để con bạn tự ra quyết định, thì bạn đang không thật sự giúp cháu.

Còn tôi, tôi đã không trở thành một nhà lâm nghiệp hay một họa sỹ. Tôi đã từng kinh qua rất nhiều nghề cho đến khi tôi xác định trở thành một nhà văn. Tôi có một người bạn khi đi học còn băn khoăn không biết nên học tiếng Latinh hay tiếng Nga, bây giờ lại đang làm chủ một công ty về tuyển dụng. Còn một người bạn khác của tôi trước đây đã từng không quyết định được là nên theo học ngành tâm lý học hay xã hội học khi vào đại học, giờ thì cô ấy làm cho một tổ chức tư vấn từ thiện. Tôi biết hai người có bằng cấp về ngành hóa học, nhưng một người lại trở thành chủ ngân hàng thương mại rất thành đạt, còn một người thì là một diễn viên hài rất thành công. Thậm chí, tôi còn biết một người 72 tuổi đã từng bỏ học năm 15 tuổi để trở thành nhân viên hải quan và khi hơn 60 tuổi đã tự học luật và trở thành một luật sư.

Bạn thấy đấy, các lựa chọn của chúng ta có thể có ảnh hưởng tới những khóa học mà ta tham dự, nhưng không nhất thiết sẽ ảnh hưởng tới những gì chúng ta kỳ vọng. Vì vậy, con bạn cũng nên học những môn học mà cháu muốn. Và nếu bạn tạo cho cháu sự tự tin và những kỹ năng cháu cần đến khi cháu lớn lên, cháu sẽ có thể biến bất cứ sự lựa chọn và kết quả thi cử nào của các cháu thành một nghề nghiệp sẽ mang lại hạnh phúc cho cháu sau này.

 BẠN CẦN ỦNG HỘ CON MÌNH, NGAY CẢ KHI LO LẮNG RẰNG ĐÓ CHƯA PHẢI LÀ LỰA CHỌN TỐT NHẤT.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.