Những Quy Tắc Làm Cha Mẹ

PHẦN VIII. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ TUỔI MỚI LỚN



Khi đã tới được giai đoạn này, bạn đã là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc rồi và bạn gần như luôn biết bạn cần làm gì. Nhưng các cháu tuổi mới lớn lại có cách tạo ra những thử thách mới và khiến bạn bối rối, không biết xử lý thế nào.

Khi con bạn tới tuổi mới lớn, bạn đã hoàn thành được hơn một nửa chẳng đường nuôi dạy cháu, và bạn chỉ còn vài năm nữa thôi để khắc sâu tất cả những giá trị và quy tắc mà bạn muốn cháu có khi bước vào cuộc sống của một người trưởng thành. Và đột nhiên, cứ như thể các cháu đang vứt bỏ tất thảy những gì bạn đã cố gắng dạy dỗ các cháu.

Nhưng thực ra, nếu bạn cứ vững vàng và tuân theo các quy tắc thiết yếu về tuổi mới lớn, bạn sẽ tới được đích và giúp con trở thành một người lớn tuyệt vời mà bạn thật sự có thể tự hào.

 QUY TẮC 71

ĐỪNG HOẢNG SỢ KHI CON BẠN ĐẾN TUỔI DẬY THÌ

Tôi đã từng trải qua giai đoạn này cùng con mình, và tôi thấy tự nó đúng là một giai đoạn đáng sợ. Bỗng dưng đứa con bé bỏng đáng yêu của bạn lại trở thành một người nào đó mà bạn không thể nhận ra. 

Tôi khuyên bạn đừng hoảng sợ vì điều đó là lẽ thường. Bạn không phải là bậc cha mẹ duy nhất phải trải qua giai đoạn này, mà phần lớn chúng ta đều như vậy. Một số người thì trải qua một cách nhẹ nhàng, nhưng nếu ai có từ hai con trở lên, thì đa phần là không thể trải qua giai đoạn này mà không gặp khó khăn.

Khi 2 tuổi, con bạn bắt đầu muốn vượt qua các ranh giới để tìm hiểu xem cháu có thể và không thể làm những gì. Và các cháu tuổi mới lớn chính là phiên bản mới so với hồi các cháu 2 tuổi. Cháu cần đi trên con đường riêng của mình trong cuộc sống, và phải có khả năng tự làm điều đó. Vì vậy, đây là lúc cháu đòi hỏi sự tự do. Cháu không phải lúc nào cũng đồng ý với bạn về việc cháu có thể đi xa tới đâu.

Thêm vào đó là sự gia tăng và biến đổi về hooc-môn có thể ảnh hưởng tới chức năng não bộ và các kỹ năng giao tiếp của các cháu (nếu không tin bạn có thể tìm hiểu thêm qua mạng Internet) và không chừng bạn chính là người đang làm phiền các cháu.

Tôi biết có những đứa trẻ trải qua các cảm xúc tuổi mới lớn khi mới 16 hoặc 17 tuổi (một số cháu thì tới 20 tuổi mới trải qua giai đoạn này), nhưng hầu hết các cháu đều trải qua ở một mức độ nào đó. Nói rộng hơn, những cháu thích làm trẻ con, có thể thường là con út trong gia đình, thường trải qua giai đoạn này muộn hơn so với các cháu đã khao khát được trở thành người lớn từ khi mới 2 tuổi. Nhưng tất cả bọn trẻ sẽ đều như vậy nếu các cháu muốn tách khỏi bạn.

Tôi có một người bạn đã từng nghĩ rằng cô ấy không còn phải lo nữa, vì con gái cô ấy đã bước sang tuổi 18 mà không hề có dấu hiệu cáu kỉnh hay giận giữ nào của tuổi mới lớn. Thế nhưng chỉ 6 tháng sau, cháu bé trở nên trầm lặng, ủ rũ và làm tất cả những trò mà các bạn cùng lứa với cháu đã trải qua. Bạn thấy đấy, không hề an toàn chút nào nếu bạn lơ là với các con dù chỉ trong chốc lát.

Tuy nhiên khi con bạn đã vượt qua giai đoạn đó, cháu sẽ trở lại là người quen thuộc với bạn bấy lâu nay. Tất nhiên, cháu có thay đổi – già dặn và khôn ngoan hơn – nhưng vẫn giữ được các giá trị và tư tưởng mà bạn đã mất rất nhiều thời gian để nuôi dạy cho con. Bạn chỉ cần có niềm tin và để ý thêm trong vài năm nữa là tất cả mọi thứ sẽ ổn.

 Bạn chỉ cần có niềm tin và để ý thêm trong vài năm nữa là tất cả mọi thứ sẽ ổn.

  QUY TẮC 72

HÃY NHỚ ĐỊNH LUẬT 3 NEWTON

Cha mẹ nào cũng yêu các con mình vô cùng. Vì vậy, thật là khó khi chứng kiến chúng  mắc những sai lầm mà bạn biết trước hậu quả sau này. Trải qua năm tháng, bạn quen dần với việc để cho các cháu mắc những lỗi nhỏ, như ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc tự lái xe đạp lao nhanh xuống dốc. Và cùng với thời gian, các sai lầm cũng ngày càng lớn hơn.

Giờ thì bạn phải chứng kiến cháu uống quá nhiều rượu tại bữa tiệc của bạn thân, mặc các loại quần áo quá ngắn (hoặc quá dài). Có lẽ bạn phải chịu thua khi cháu quyết định sẽ thôi học khi mới 16 tuổi, trong khi bạn hy vọng cháu sẽ vào đại học; hoặc cháu quyết định bỏ công việc tốt các ngày thứ bảy. Việc này khó hơn nhiều so với việc để cho đứa con 2 tuổi của bạn ăn quá nhiều đồ ngọt. Mức độ rủi ro đã trở nên cao hơn.

Và tồi tệ nhất là bạn phải chứng kiến con mình lặp lại các lỗi. Bỏ lớp khoa học chỉ vì cháu ghét giáo viên bộ môn đó trong khi cháu có thể có một sự nghiệp sáng lạn trước mắt. Hoặc cháu đã tiết kiệm được một số tiền dành đủ để chi dùng trong một năm thế mà trong một phút điên rồ cháu đã dùng để mua một chiếc xe hơi chẳng ra gì. Bạn có thể đã ngăn cháu. Có thể bạn đã nói to và đầy uy lực… Nhưng liệu trước đây bạn có nghe lời cha mẹ bạn khi họ nói với bạn tất cả những điều đó không?

Trừ khi con bạn đang dấn thân và điều gì vô cùng nguy hiểm, thì bạn thật sự cần làm điều gì đó để ngăn lại. Đôi khi, kể cả nếu điều đó có nguy hiểm thì bạn cũng chẳng có lựa chọn nào cả. Bạn càng cố nói nhiều với cháu, thì cháu làm điều ngược lại. Cháu đang muốn tìm điều gì đó để phản bác lại, để nổi loạn… Bạn càng dùng nhiều uy lực, thì các cháu lại càng làm điều cháu muốn làm. Bạn còn nhớ Định luật 3 Newton về chuyển động chứ? Mọi hành động đều có hai hướng bằng và ngược nhau. Có thể cháu cũng sẽ gọi đó là Định luật đầu tiên của tuôi mới lớn.

Vậy bạn có thể làm gì khi bạn nhìn thấy cháu mắc sai lầm? Bạn có thể nói cho cháu biết bạn đang nghĩ gì, nhưng bạn đừng nói với cháu là cháu nên làm gì. Bạn hãy nói với cháu như đang nói chuyện với một người trưởng thành và nói một cách bình đẳng. Bạn đừng nói những câu như: “Bố sẽ nói cho con biết bố nghĩ gì! Bố nghĩ rằng con là đồ ngốc!” Mà bạn nên nói thế này, “Đó là quyết định của con, nhưng con đã bao giờ nghĩ xem trong một năm trống đó con sẽ chi tiêu bằng cái gì nếu con dùng hết số tiền con có cho cái xe hơi đó chưa?” Bạn hãy nói chuyện với con mình như nói với người lớn và có thể cháu cư xử lại như một người lớn. Và nếu lần này chưa như vậy, thì có thể lần tới cháu sẽ như vậy. Cháu sẽ sẵn sàng xin lời khuyên của bạn nếu biết bạn đối xử bình đẳng với cháu.

 Cháu sẽ sẵn sàng xin lời khuyên của bạn nếu biết bạn đối xử bình đẳng với cháu.

  QUY TẮC 73

ĐỂ CON BẠN CÓ TIẾNG NÓI TRONG GIA ĐÌNH

Con bạn cần phải học cách ra quyết định, cách thỏa hiệp, cách làm việc nhóm và cách thương lượng. Liệu có cách nào để dạy con bạn những điều đó tốt hơn là để cháu tham gia vào các quyết định của gia đình? Cháu cần được tham gia ý kiến với các quyết định có ảnh hưởng tới cháu, cũng như bạn vậy.

Tất nhiên, không phải lúc nào các cháu cũng được tham gia biểu quyết. Các cháu cần hiểu là nếu đó là nhà của bạn, tiền của bạn, thì bạn có toàn quyền quyết định. Nhưng điều này không phải luôn luôn áp dụng được. Các con bạn không thể bắt bạn xây thêm ba phòng ngủ nữa chỉ bởi các cháu thích có phòng riêng. Nhưng bạn vẫn có thể tư vấn cho các cháu thay đổi chỗ cho nhau để có thể tận dụng được tối đa phòng đang có.

Khi con trẻ lớn lên, các cháu cần thực hành việc ra quyết định, cần được tư vấn, và cần được đối xử như người lớn. Tại sao cháu không tự chọn màu sơn tường phòng ngủ của mình, đặc biệt là nếu cháu tự làm việc đó? Tôi còn nhớ, một trong những đứa con trong độ tuổi mới lớn của tôi đã cố lấp đi một cái lỗ nhỏ trong phòng ngủ – khi cháu kết thúc công việc đó, thì tường trở nên gồ ghề, lỗ chỗ và vẫn bị hở. Nhưng tôi đã không sửa lại cho phẳng. Tôi giữ nguyên như vậy để làm kỷ niệm về cố gắng đầu tiên của cháu trong việc trang hoàng nhà cửa. Cháu rời khỏi nhà đã lâu rồi nhưng chỗ tường gồ ghề đó vẫn còn. Bây giờ cháu đã rất thành thạo việc sơn tường và trang hoàng nhà cửa, nhưng chỗ tường ấy nhắc nhở tôi rằng bạn cần để cho con mình bắt đầu với điều gì đó.

Và còn những kỳ nghỉ gia đình thì sao, nếu gia đình bạn vẫn còn đi nghỉ cùng nhau? Bạn sẽ phải chuẩn bị ngân sách, nhưng khi con bạn đã đến tuổi mới lớn, thì tất cả các thành viên gia đình đều có thể quyết định nên đi nghỉ ở đâu. Bạn có thể có quyền biểu quyết nếu bạn muốn, nhưng các con bạn cũng có thể làm vậy.

Tất nhiên, điều đó không chỉ liên quan đến việc ra quyết định, mặc dù việc ra quyết định cũng rất quan trọng. Mà điều đó còn liên quan tới việc để cho con bạn cảm thấy được tham gia cùng gia đình, được tham gia vào các lựa chọn mà có ảnh hưởng tới tất cả các thành viên. Do vậy bạn cũng có thể áp dụng điều này trong việc thiết lập các quy tắc. Nó giống như việc cả đội bóng sẽ cùng ngồi thống nhất về các quy tắc mà sẽ giúp đội mình thành công. Và cả đội sẽ hăng hái thực hiện các quy tắc này vì chính bản thân họ đã cùng thiết lập nên các quy tắc đó.

Và, tất nhiên, bạn càng đối xử với các con đang trong tuổi mới lớn của bạn theo kiểu với người lớn bao nhiêu, thì mối quan hệ giữa bạn và con sẽ tốt hơn bấy nhiêu và các cháu sẽ càng được khích lệ cư xử như những người lớn có trách nhiệm. Điều đó sẽ làm cho tất cả mọi người thấy nhẹ nhõm hơn.

 Con bạn cần phải học cách ra quyết định, cách thỏa hiệp, cách làm việc nhóm và cách thương lượng.

 QUY TẮC 74

ĐỪNG BỚI LÔNG TÌM VẾT

Các cháu tuổi mới lớn sẽ làm những điều mà bạn chỉ ước sao mình không hề biết. Nhưng tất nhiên, bạn biết tất cả những điều đó nên bạn mới lo lắng. Nếu hoàn toàn không biết chút gì, thì bạn đã có thể hạnh phúc hơn nhiều.

Rồi bạn xem, con gái bạn có lẽ đã tiến xa với cậu bạn trai của cháu hơn là bạn tưởng. Còn con trai bạn có khi còn đọc sách báo khiêu dâm rồi đấy. Các cháu có thể đã thử hút thuốc rồi. Và có lẽ cháu còn được rủ dùng ma tuý rồi nhưng vì không có bằng chứng nào trong phòng của cháu cho nên không cần phải để ý. Bạn hạnh phúc chứ? Tốt. Giờ thì bạn không cần phải bới lông tìm vết hoặc đọc trộm nhật ký của các cháu nữa.

Bạn sẽ không tìm được bất kỳ điều gì mà hàng nghìn bậc cha mẹ khác trước bạn không thể tìm thấy. Và liệu bạn sẽ làm gì – đối chất với các con đang trong tuổi mới lớn của bạn? Tôi không nghĩ như vậy. Bạn sẽ phá hoại trầm trọng mối quan hệ giữa bạn và các cháu và rồi các cháu sẽ giấu giếm các thứ vào chỗ khác.

Có lẽ bạn nên nghĩ lại về những điều mà bạn đã làm hồi mới lớn mà bạn không muốn cho cha mẹ bạn biết. Có thể có nhiều điều ngay cả bây giờ bạn cũng chẳng muốn nói cho cha mẹ mình biết. Bạn thấy chưa? Các con bạn cũng chỉ là các cháu tuổi mới lớn hoàn toàn bình thường thôi. Và nếu bạn không coi những điều các cháu làm là nghiêm trọng, thì có thể các cháu sẽ cởi mở và tìm đến để nói cho bạn biết nếu các cháu gặp phải chuyện gì hoặc vấn đề gì. Và điều này là thật sự quan trọng. Nếu bạn coi như những điều bí mật cháu làm là bình thường, thì các cháu sẽ cảm thấy có thể nói chuyện với bạn mà không sợ bị phản ứng lại một cách vô lý.

Không có điều gì bạn phải lo lắng cả. Đến lúc này bạn cần dựa vào những gì mà bạn đã dạy dỗ các cháu trong suốt chục năm qua. Và theo quy tắc 72 – bạn càng cứng rắn bao nhiều thì con bạn càng dễ làm ngược lại bấy nhiêu. Vì vậy bạn đừng nên như thế với cháu.

Mặt khác, nếu bạn không bới lông tìm vết hoặc đọc trộm nhật ký của các cháu, thì bạn sẽ củng cố được mối quan hệ với các cháu. Các cháu sẽ tôn trọng bạn vì bạn đã tôn trọng sự riêng tư của các cháu (tất nhiên là các cháu sẽ không nói ra điều này) vì bạn đã thực tế và hiện đại đủ để cho các cháu được trải qua giai đoạn tuổi mới lớn này mà không bị làm phiền.

 Các cháu sẽ tôn trọng bạn vì bạn đã tôn trọng sự riêng tư của các cháu. 

 QUY TẮC 75

ĐỪNG LÀM THAY CON MỌI VIỆC

Bạn có 18 năm nuôi con và bạn thử tính xem bạn còn lại bao nhiêu năm nữa. Bởi khi mà con số này bằng không, thì các cháu sẽ phải tự lập. Điều này có nghĩa là các cháu sẽ phải biết cách đi chợ, nấu ăn, lau chùi và dọn dẹp, tự giặt quần áo của mình, tự trang trải các chi phí cá nhân và làm bất cứ điều gì các cháu muốn.

Tôi biết những bậc cha mẹ – và không có ý phân biệt giới tính ở đây, nhưng thường là các bà mẹ – vẫn còn lo lắng từng li từng tý cho con mình khi cháu đã 18 tuổi. Hãy để các cháu tự làm những việc của các cháu. Tôi có một người bạn mà đã 35 tuổi rồi mà vẫn mang quần áo của mình sang nhà mẹ giặt. Ý tôi không phải là cậu ấy dùng nhờ máy giặt nhà mẹ, vì điều ấy thì có thể hiểu được, nhưng mà đây là cậu ấy đưa quần áo của mình để mẹ cậu ấy giặt cho. Trong việc này thì phải có hai người mới thực hiện được.

Bạn đang đếm ngược những năm còn lại cho tới khi con mình trở nên độc lập. Và nếu con bạn đã bước sang tuổi 18 mà cháu chưa bao giờ sử dụng máy giặt hoặc tự nấu một bữa cơm tươm tất, thì liệu điều đó có thật sự công bằng với cháu không? Các cháu có thể không nhận ra được điều đó bất lợi như thế nào. Nhưng là một bậc cha mẹ nắm vững quy tắc, bạn biết rõ một điều là việc nuông chiều con quá mức sẽ không chuẩn bị cho cháu khả năng sống tự lập khi ra ngoài đời (xem quy tắc 68).

Bạn biết các con mình cũng có những thế mạnh và điểm yếu như bất kỳ ai khác. Vậy bạn hãy nghĩ xem các cháu còn cần phải học điều gì và hãy đảm bảo các cháu học được điều đó. Nếu các cháu không biết cách quản lý tiền bạc, hãy dạy cháu cách lập ngân sách. Hãy để cháu đảm trách việc mua sắm cho gia đình trong một tuần với ngân sách bạn thường dùng, hoặc kiên quyết không chi trả cho khoản điện thoại di động của cháu mà vượt quá số tiền đã thống nhất.

Hãy giao cho cháu chịu trách nhiệm việc giặt giũ cho cả nhà trong một tuần (có thể giải phóng cháu khỏi việc giặt quần áo trong vòng một tuần sau đó để bù lại) để các cháu học được cách sử dụng máy giặt và để cháu biết được sẽ mất thời gian thế nào để phơi rồi rút rồi gấp hết chỗ quần áo đó (và điều này có thể làm các cháu nghĩ lại mỗi khi định bỏ những chiếc quần áo mới mặc một chút vào rỏ quần áo để giặt).

Bạn thậm chí có thể để những cháu lớn trông coi nhà cửa khi bạn đi vắng vài ngày. Vâng, tôi biết bạn đang nghĩ gì rồi. Và đúng, bạn sẽ phải có cách để làm cho các cháu không định mời tất cả các bạn bè qua nhà rồi cùng tổ chức một bữa tiệc hoang dại. Và hãy cho các cháu biết là sẽ có một người hàng xóm hoặc một người bạn của bạn sẽ để mắt tới các cháu.

Cố gắng lên, bạn có thể sáng tạo ra các cách thú vị để dạy các cháu các kỹ năng quan trọng mà các cháu thấy thích thú – ít nhất là cho đến khi hết lạ lẫm, thì lúc này các cháu cũng đã học được điều gì đó rồi.

 Nuông chiều con quá mức sẽ không chuẩn bị cho cháu khả năng sống tự lập khi ra ngoài đời.

 QUY TẮC 76

ĐỪNG CỐ CẢN MỘT CHIẾC TÀU ĐANG LAO TỚI

Bạn đã biết rằng con bạn cần được phép mắc lỗi (quy tắc 72). Cho đến giờ, mọi việc đều ổn. Giờ thử xem có bao nhiêu việc mà bạn để cho cháu tự quyết:

• Lái xe máy?

• Trốn học?

• Chửi thề?

• Dùng ma tuý?

• Hút thuốc?

• Quan hệ tình dục khi chưa đến 16 tuổi?

Bạn có định để cho cháu làm những việc trên thật không? Nào, giờ ta hãy nhìn theo cách khác: bạn định ngăn các cháu như thế nào? Các lựa chọn của bạn giờ đã bị hạn chế rồi. Bạn có thể la mắng cháu (xem quy tắc 77), nhưng điều đó cũng chẳng có tác dụng với cháu như hồi cháu còn 5 tuổi. Và dù sao đi nữa, giờ đây các cháu cũng có thể cãi lại to hơn. Bạn có thể nhốt cháu, nhưng bất kỳ cháu nào trong độ tuổi mới lớn cũng có thể sẵn sàng trèo ra ngoài theo đường cửa sổ, hoặc giả vờ tỏ ra ngoan ngoãn cho tới khi bạn cho cháu ra ngoài lại và lúc này các cháu sẽ cẩn thận hơn để không bị bắt được. Bạn có thể không chu cấp cho cháu nữa, nhưng giờ thì cháu cũng đủ tuổi để tự kiếm tiền rồi.

Tôi còn biết có người còn bị cha mình tước quyền thừa kế (đó là một gia đình rất giàu có) chỉ vì cậu ấy đã cạo trọc đầu. Cho dù như vậy, thì điều đó cũng chẳng khích lệ cậu ấy nuôi lại tóc. Đó chính là các cháu tuổi mới lớn – nếu việc bị tước đi một khoản tiền lên tới bảy con số vẫn không ảnh hưởng tới các cháu, thì sẽ chẳng có việc gì ảnh hưởng được các cháu cả. (Cuối cùng người cha đã qua đời đột ngột trước khi kịp bình tĩnh lại để viết lại tên con trai mình trong bản di chúc và người con trai đã thật sự mất só tiền đó.)

Vì vậy, về cơ bản, bạn không có sự lựa chọn nào. Cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa thì đứa con đang trong độ tuổi mới lớn của bạn sẽ vẫn cư xử như một đứa trẻ mới lớn. Bạn có thể chấp nhận hoặc phản đối, trong trường hợp bạn phản đối thì con bạn lại càng ra những quyết định mà bạn không hề mong muốn.

Và tất nhiên, có một điều mà bạn có thể làm: hãy tin tưởng con bạn. Tất cả bọn trẻ đều được rủ rê làm những điều mà cha mẹ các cháu không muốn cháu làm – tình dục, ma tuý, quan hệ đồng tính. Nhưng nếu bạn tin tưởng rằng con bạn sẽ có những quyết định có trách nhiệm với bản thân, thì nhiều khả năng là các cháu sẽ như vậy. Và nếu các cháu có không như vậy, thì cũng chẳng có điều gì khác có thể có tác dụng cả. Bạn hãy tin tôi đi.

 CHO DÙ BẠN CÓ LÀM GÌ ĐI NỮA, THÌ ĐỨA CON ĐANG TRONG ĐỘ TUỔI MỚI LỚN CỦA BẠN SẼ VẪN CƯ XỬ NHƯ MỘT ĐỨA TRẺ MỚI LỚN

 QUY TẮC 77

LA MẮNG KHÔNG PHẢI LÀ GIẢI PHÁP

Giả sử con bạn đã làm hết những thứ nêu trong Quy tắc 76. Chà, thật quá kinh khủng khi nghĩ tới điều đó. Giả sử rằng cháu chỉ làm một hoặc hai thứ trong số đó thôi. Và vấn đề gì sẽ xảy ra. Cháu có thể quan hệ đồng giới và bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, hoặc cháu sắp bị đuổi học. Liệu bạn muốn con bạn tìm đến bạn nhờ giúp đỡ, hay là không?

Tất nhiên là có. Không cần phải hỏi gì cả, bạn muốn giúp con mình. Nhưng bạn có chắc là cháu sẽ kể với bạn không? Cháu sẽ quyết định xem có hay không nên kể với bạn ra sao? Câu trả lời là, cháu sẽ dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ khi bạn phát hiện ra điều gì đó. Có thể chỉ là những điều nhỏ thôi – lần mà cháu làm vấy đổ sơn ra khắp phòng ngủ, hay lần mà cháu hữa sẽ đi cùng ai đó từ buổi tiệc về nhà, nhưng rồi bạn lại phát hiện ra là cháu đã vẫy xe dọc đường.

Khi đó bạn đã phản ứng như thế nào? Bạn có hét lên và la mắng cháu và nói với cháu rằng cháu đã làm bạn thất vọng và cháu không còn đáng tin cậy không? Hay là bạn bình tĩnh và nghiêm túc trao đổi với cháu và giải thích tại sao bạn lại lo lắng đến vậy?

Sự thật là việc mắng mỏ và la hét và nói với cháu rằng cháu đã làm bạn thất vọng thế nào có thể hoàn toàn là chính đáng NHƯNG việc này cũng có tác động ngược tới điều bạn muốn. Nếu bạn muốn cháu tìm tới bạn khi cháu gặp vấn đề gì đó, thì cháu phải biết được rằng bạn sẽ nghiêm túc xem xét mọi chuyện mà không la mắng cháu. Có thể bạn không thích điều đó, nhưng thực tế là như vậy. Chắc hẳn bạn cũng cảm thấy giống như vậy hồi bạn mới lớn. Nếu cha mẹ là những người hay la mắng, tôi cá rằng bạn đã không nói cho họ biết tới một nửa những gì mà các bạn kể cho những người cha mẹ bình tĩnh của họ nghe.

Rồi bạn xem, khả năng nhiều là cháu biết rằng cháu đã sai hoặc ngốc nghếch, cháu có thể thấy hổ thẹn về việc đó. Cháu thật sự không cần bạn phải hét vào mặt cháu và làm cháu bẽ mặt thêm. Nếu phản ứng của bạn là bình tĩnh và không xem thường cháu, thì thậm chí có thể cháu sẽ rất cảm động và biết ơn bạn. Điều này thật sự sẽ có lợi cho bạn nếu lần tới có điều gì không hay xảy ra.

Bạn hãy nhớ rằng các cháu sẽ phán đoán phản ứng của bạn thông qua việc bạn phản ứng với những vấn đề nhỏ hôm nay và ngày mai và tháng tới như thế nào. Về cơ bản, khi mà các cháu đạt tới một độ tuổi nhất định, thì bạn sẽ phải thay đổi cả phong cách làm cha mẹ của mình. Ban không thể cứ nói với cháu rằng cháu phải làm gì hoặc không làm gì. Bạn phải trở thành một người hướng dẫn hoặc cố vấn. Do vậy, đến khi cháu 18 tuổi, bạn có thể đối xử khá bình đẳng với cháu. Tất nhiên, khi cháu còn ở trong nhà của bạn, thì các quy tắc trong nhà sẽ được áp dụng. Nhưng các quy tắc đó cũng phải được áp dụng đối với bạn bè của bạn và thậm chí cả với cha mẹ của bạn. Bạn không thể kiểm soát được việc các con bạn làm gì trong cuộc đời các cháu, vì vậy không có ích gì khi bạn giả vờ như là bạn có thể làm vậy. Và điều này lại càng đúng khi các cháu tới giai đoạn giữa của tuổi mới lớn. Vì vậy, bạn hãy thôi la mắng và bắt đầu trò chuyện với các cháu như với những người lớn. Việc này có thể thật sự là khó, nhưng đó là cách duy nhất có tác dụng. 

 VỀ CƠ BẢN, KHI CÁC CHÁU ĐẾN ĐỘ TUỔI NHẤT ĐỊNH, BẠN SẼ PHẢI THAY ĐỔI CẢ PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ CỦA MÌNH.

 QUY TẮC 78

ĐIỀU GÌ CŨNG CÓ ĐIỀU KIỆN KÈM THEO

Một trong những điều thiết yếu nhất mà các con bạn cần phải học trong cuộc sống là các quyền và trách nhiệm luôn liên hệ chặt chẽ với nhau. Và việc – đúng hơn là trách nhiệm – của bạn là dạy cho các cháu điều đó.

Ví dụ, các con bạn đòi hỏi quyền được đối xử như người lớn. Nhưng các cháu cần hiểu được rằng quyền này đi kèm với trách nhiệm cư xử như người lớn. Nếu các cháu né tránh trách nhiệm này, thì các cháu cũng mất quyền kèm theo.

Khi các con bạn trở thành các thanh thiếu niên, thì quy tắc này có thể thật sự phát huy tác dụng. Đối với mỗi quyền mà các cháu đòi hỏi (và các cháu ở độ tuổi này luôn thích đòi hỏi các quyền), bạn có thể chỉ ra cho cháu trách nhiệm đi kèm với quyền đó. Tôi có những người bạn đã áp dụng quy tắc này đối với tiền tiêu vặt cho các cháu. Các cháu con họ có quyền nhận được một khoản trợ cấp hàng tuần nhất định, nhưng cha mẹ các cháu giải thích với các cháu rằng các cháu cũng phải có trách nhiệu đối với gia đình. Điều này có nghĩa là có những công việc cơ bản nhất định cần thực hiện để hoạt động trong gia đình được trơn chu – lau dọn bếp sau các bữa ăn, giảm thiểu việc bừa bãi và nhiều điều khác. Nếu các cháu né tránh trách nhiệm đó, thì các cháu sẽ mất số tiền trợ cấp tiêu vặt.

Cũng tương tự như vậy đối với quyền được tôn trọng. Quyền này đi kèm theo trách nhiệm tôn trọng người khác. Nếu các con bạn nói bậy hoặc to tiếng với bạn, thì cac cháu sẽ mất quyền được bạn tôn trọng. Bạn có thể thôi không nghe các cháu nói (hoặc ít nhất cố gắng như không nghe thấy gì) cho tới khi các cháu có thể lễ phép.

Khi con bạn bước ra ngoài thế giới rộng lớn, các cháu cần biết những điều như vậy. Các cháu không thể kỳ vọng điều gì mà không phải trả giá. Và giai đoạn ở tuổi mới lớn là lúc thích hợp nhất cho các cháu học về mối liên hệ giữa quyền và trách nhiệm. Mọi thứ con bạn muốn đều có sự ràng buộc kèm theo: sự tôn trọng, tiền bạc, sự độc lập, tự do, vị thế. Ngay cả trách nhiệm cũng đi kèm theo các trách nhiệm khác.

Và thật sự thì con trẻ thích những điều này. Các cháu thật sự thích. Vì điều này thể hiện rằng bạn có quan tâm. Khi bạn nói với các cháu rằng các cháu không thể đi chơi về muộn trừ khi cháu có trách nhiệm báo cho bạn biết cháu ở đâu và khi nào cháu sẽ về, các cháu sẽ vui mừng rằng bạn đã quan tâm tới các cháu. Dù là các cháu không nói với bạn điều đó. Nhưng các cháu sẽ báo cho bạn biết khi nào cháu sẽ về, bởi vì các cháu nhận ra rằng các cháu sẽ mất quyền về muốn nếu các cháu không thực hiện điều đó.

Vì vậy bạn hãy ủng hộ các cháu nhưng không để các cháu đạt được mọi thứ một cách dễ dàng. Mỗi khi các cháu muốn điều gì, bạn hãy cho các cháu biết bạn kỳ vọng lại điều gì. Việc này sẽ dạy cho các cháu biết giá trị của các quyền, và chuẩn bị cho tương lai của các cháu. Và điều đó cũng làm cho cuộc sống của bạn được dễ dàng hơn nhiều.

 ĐỘ TUỔI THANH THIẾU NIÊN LÀ KHOẢNG THỜI GIAN THÍCH HỢP NHẤT ĐỂ HỌC VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM.

 QUY TẮC 79

TÔN TRỌNG NHỮNG MỐI QUAN TÂM CỦA CON

Tôi biết một người đàn ông bắt đầu có vấn đề về tâm lý từ khi bước vào tuổi mới lớn. Anh ấy thường dành nhiều thời gian ở lỳ trong phòng ngủ nghe nhạc, vì đó là điều duy nhất mang lại niềm vui cho anh ấy. Cùng với thời gian, mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí cả sau khi anh ấy sống riêng thì các vấn đề vẫn tiếp diễn. Nhiều năm sau, anh ấy giải thích rằng một trong những điều khiến anh mất tự tin là cách cha mẹ anh ấy dành hàng giờ để chỉ trích cái thứ nhạc anh ấy nghe kinh khủng như thế nào.

Bạn thấy đấy, khi chỉ trích những lựa chọn của đứa con đang trong tuổi mới lớn của bạn, nghĩa là bạn đã chỉ trích cháu. Đó là lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất và dễ bị động chạm tới lòng tự trọng và bạn dễ làm cho các cháu cảm thấy bạn không đồng tình với cháu, thậm chí bạn không thích cháu. Cho dù loại nhạc cháu nghe hoặc quan điểm chính trị của cháu như thế nào, cách cháu ăn mặc ra sao hoặc cháu quyết định trở thành người ăn chay, thì cháu cần biết được là bạn thấy không vấn đề gì đối với những điều đó.

Đó là một trong nhiều những nghịch lý của tuổi mới lớn. Một mặt, các cháu muốn nổi loạn, muốn làm cho bạn sốc, làm những điều mà để bạn phải quan tâm, nhưng mặt khác, các cháu lại muốn có được sự đồng ý và thiện chí của bạn. Tôi biết điều này làm bạn bối rối, nhưng các cháu còn bối rối hơn. Các cháu bị mắc kẹt giữa tâm trí và cơ thể khi đang trong quá trình chuyển đổi từ một đứa trẻ độc lập thành một người lớn độc lập. Có lúc thì các cháu muốn lớn thật nhanh, nhưng có lúc các cháu lại cảm thấy sợ hãi và muốn chậm lại. Bạn cần phải chấp nhận điều đó và để mọi thứ tự nhiên thôi.

Đồng thời, bạn cần quan tâm tới những thứ mà các cháu thích. Các cháu có thể không thể hiện ra ngoài, nhưng các cháu sẽ thấy việc làm đó của bạn thật là tuyệt. Bạn không cần phải tham gia vào những thứ cháu thích – thật sự thì không nên thế chút nào. Vì chẳng có gì tệ hơn là việc một người cha đã ngoài tứ tuần lại giả vờ như đang đắm đuối trong dòng nhạc khiêu vũ hiện đại nhất. Bạn đừng quá cố gắng – mà hãy chỉ tỏ ra có quan tâm thôi. Bạn không cần phải giả vờ là một người hâm mộ thứ nhạc hoặc kiểu quần áo mà các cháu thích, nhưng cũng không được xem thường các thứ đó. Và thật sự là bạn thậm chí có thể khám phá ra nhiều thứ mới mẻ để thích thú. Đó là một trong những mặt tích cực khi có con trong độ tuổi mới lớn: các cháu gần với tuổi trưởng thành khi có các mối quan tâm khá phức tạp, và bạn có thể học được rất nhiều từ các cháu nếu bạn là người sẵn sàng tiếp thu những cái mới. Và tất nhiên bạn là người như vậy.

 KHI CHỈ TRÍCH NHỮNG LỰA CHỌN CỦA ĐỨA CON ĐANG TRONG ĐỘ TUỔI MỚI LỚN, NGHĨA LÀ BẠN ĐANG CHỈ TRÍCH CHÁU.

 QUY TẮC 80

NÊN CÓ THÁI ĐỘ LÀNH MẠNH VỀ TÌNH DỤC

Tôi không nói về cuộc sống tình dục của bạn. Tôi hy vọng là nó đang đủ lành mạnh rồi. Tôi đang có ý nói tới tình dục nói chung, cụ thể là cuộc sống tình dục của đứa con đang trong độ tuổi mới lớn của bạn. Các cháu có thể chưa có quan hệ tình dục nhưng rồi các cháu sẽ có. Và bạn muốn chắc chắn là khi cháu có quan hệ tình dục, thì quan hệ đó sẽ hạnh phúc, an toàn. 

Yếu tố duy nhất có thể giúp con bạn có được một kinh nghiệm tốt về việc này và có được sự tự tin để trì hoãn lần đầu tiên cho tới khi cháu đủ sẵn sàng là gì? Đúng là điều đó: thoải mái với chủ đề này. Con bạn càng biết nhiều về tình dục và càng có thể dễ dàng nói về vấn đề này bao nhiêu, thì cháu càng có thể nói không hoặc nhất định dùng bao cao su hoặc tôn trọng cảm giác của đối tác bấy nhiêu.

Rồi bạn sẽ thấy là bạn càng nói nhiều về tình dục (và ma tuý, rượu, thuốc lá và các thứ khác) khi ở nhà bao nhiêu, thì con bạn sẽ càng tự tin hơn bấy nhiêu khi tự ra các quyết định trưởng thành cho mình khi cần thiết. Thậm chí ngay cả các bậc cha mẹ cởi mở nhất, có những mối quan hệ khăng khít với con mình, cũng thường nói rằng đây là chủ đề khó nhất để có thể trao đổi một cách thoải mái, và cả các cháu tuổi mới lớn cũng thấy khó khi làm việc này. Nhưng trách nhiệm của bạn là phải thể hiện rằng đó là việc hoàn toàn có thể chấp nhận và là một điều bình thường khi nói đến.

Tất nhiên, nhà trường sẽ dạy con bạn về tính cơ học của tình dục, có thể cả những điều cơ bản về HIV, những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và cách sử dụng bao cao su. Nhưng các con bạn sẽ khúc khích cười với bạn bè các cháu về những điều này và nhà trường không nói với cháu bất kỳ điều gì về thực tế là tình dục là một điều bình thường trong cuộc sống của người lớn, nó liên quan tới các cảm xúc. Bạn sẽ phải nói với các cháu điều đó – đừng ỷ lại nhà trường.

Điều đó không có nghĩa là bạn phải bảo con ngồi xuống để nói về tình dục với con một cách chính thức. Tôi thật sự đã cố gắng đề cập đến chủ đề này một cách chính thức với một trong số các con tôi – có thể là hơi muộn – và cuối cùng tôi hỏi cháu rằng còn điều gì mà cháu muốn biết không. Cháu đã trả lời: “Không ạ, con cảm ơn bố. Và dù sao thì mọi thứ cũng đã thay đổi so với thời của bố rồi.” Tôi đã rất ngạc nhiên và tò mò khi nghe thấy cháu trả lời như vậy, nhưng cháu đã từ chối nói tiếp về vấn đề đó.

Không có gì sai khi trò chuyện về chủ đề này một cách chính thức nếu bạn có thể thực hiện việc đó mà không ngại ngần gì, nhưng tình dục vẫn cần là một phần của các câu chuyện hàng ngày khi có dịp, như thảo luận về một bộ phim hoặc một câu chuyện hoặc những hành động của bạn bè. Thay vì vội vàng thay đổi chủ đề khi có mặt cháu, bạn hãy cứ tiếp tục và thậm chí hỏi cả ý kiến của cháu. Chỉ cần bạn đảm bảo rằng bạn luôn đưa ra một quan điểm mang tính trách nhiệm. Tôi không hẳn có ý cho rằng bạn không nên quan hệ tình dục cho tới khi cưới, tôi chỉ có ý rằng không đúng đắn khi đùa giỡn với cảm xúc của người khác, hoặc gặp rủi ro về sức khỏe.

 CHỈ CẦN ĐẢM BẢO RẰNG BẠN LUÔN ĐƯA RA MỘT QUAN ĐIỂM MANG TÍNH TRÁCH NHIỆM

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.