Nửa Kia Của Hitler
2.
Hắn lang thang trên đường phố thành Viên. Cạn kiệt mọi ham muốn, mắt dán chặt vào hai mũi giày, hắn chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì và hầu như không ăn uống gì. Khi thấy mình lả đi, hắn gặm vội vài hạt dẻ nóng mua của người bán rong, đôi khi mua bia uống kèm. Khuya muộn, hắn mới về nhà trọ. Ngay cả khi hắn khẽ khàng mở cửa và cởi giày để đi qua hành lang thì mụ Zakreys vẫn nhảy xổ ra và chì chiết đòi tiền nhà. Hắn thoát thân bằng cách vừa hứa hẹn, giọng đều đều không ngữ điệu, vừa lùi dần về cửa phòng. Nhưng mụ Zakreys không còn tin hắn nữa và đe dọa sẽ gọi đám anh em họ, mấy tay lực lưỡng làm việc ở chợ, để nhồi những điều mụ nói vào đầu hắn.
Tất nhiên, hắn hoàn toàn có thể viết thư năn nỉ dì Johanna để thoát khỏi tình trạng này. Nhưng điều đó cũng không giúp hắn ra khỏi ngõ cụt. Ngay cả khi hắn có tiền trả thêm một tháng, hai tháng, ba tháng, sáu tháng, hắn sẽ trở thành cái gì?
Nỗi đau lớn nhất của hắn là ở chỗ hắn không biết nghĩ về mình thế nào nữa. Cho đến thời điểm này, chưa bao giờ hắn nghi ngờ khả năng của chính mình. Hắn đã từng bị phản đối, quát mắng. Những lời chửi rủa, những chỉ trích cay nghiệt, hắn cũng từng biết tới. Nhưng không gì có thể lay chuyển được lòng tin trong hắn. Hắn luôn nghĩ mình là người độc đáo, đặc biệt, xuất chúng, có tương lai xán lạn và vinh quang hơn bất kỳ ai và thương hại những kẻ chưa nhận ra được điều ấy. Trước bố mình, một viên chức quèn dốt nát, thô bạo và hay lý sự, sau đó khi bố chết, trước người giám hộ không cá tính, Hitler vẫn tiếp tục nhìn mình bằng đôi mắt của mẹ, đôi mắt chan chứa yêu thương và đầy những giấc mơ huyền diệu. Hắn tự yêu mình, thấy mình thuần
khiết, là người lý tưởng, nghệ sĩ, xuất chúng, luôn được đặt dưới ánh sáng chói lọi của ngôi sao bản mệnh tốt đẹp nhất. Tóm lại trong một từ: hơn người.
Nhưng mẹ hắn đã mất hồi mùa đông năm ngoái và bây giờ, sau khi biết kết quả thi vào trường Mỹ thuật rồi kết quả xổ số, cái nhìn của hắn vừa tắt rụi.
Giờ đây, Hitler để sự nghi ngờ gặm nhấm mình. Nếu quả hắn đã dành nhiều thời gian để tự thuyết phục mình rằng hắn là một họa sĩ hơn là tập luyện để làm được điều ấy một cách thực sự, thì sao nhỉ? Đúng là hắn đã gần như không vẽ gì trong suốt mấy tháng qua… Và nếu quả hắn đã dành nhiều năng lượng vào việc nghĩ mình tài cao hơn người khác hơn là chứng minh điều ấy một cách thực sự, thì sao nhỉ?
Cuộc tự vấn này tàn phá trí óc hắn.
Nếu như trí thông minh của một số người được mài sắc bởi sự nghi ngờ thì ở Hitler, nó lại cùn mòn sau bài tập ấy. Không hứng thú, không đam mê, hắn thậm chí không nối nổi ba ý nghĩ lại với nhau. Đầu óc hắn chỉ hoạt động trong cơn hưng phấn. Nhận cái tát của thực tế phũ phàng, bị tước đoạt giấc mơ và tham vọng, trí óc đờ đẫn của hắn giờ chỉ còn hoạt động như một động vật bậc thấp.
Sáng ra, mụ Zakreys, ngực rung rinh trong bộ váy ngủ màu đỏ tía, đột nhập vào phòng Hitler, vi phạm tất cả những thỏa thuận ngầm rằng đây là lãnh địa bất khả xâm phạm của hắn.
Cậu Hitler, hai ngày nữa mà cậu không trả tiền, tôi sẽ cho người tống cổ cậu đi. Tôi không muốn có lời hứa hẹn nào nữa, tôi muốn được trả tiền.
Nói rồi mụ sập cửa đi ra, trút giận vào đống xoong nồi làm chúng xô loảng xoảng. Vụ xâm nhập này lại có tác dụng tốt với Hitler. Thay vì lại chìm vào mộng mơ mụ mị về mình một lần nữa, hắn tập trung vào vấn đề cụ thể: trả tiền thuê nhà cho mụ
Zakreys.
Hắn ra phố và lần này thì chú ý nhìn xung quanh. Hắn cần phải tìm được việc. Tháng Mười một, trời xấu, thành Viên im lìm bất động. Cái rét u ám và dai dẳng
làm không gian đông cứng lại như xi măng. Chỉ có một vài rặng cây hiếm hoi còn chút lá, còn lại cây cối đều trơ trụi, cành và thân sẫm đi. Những con đường mới đây hãy còn rợp lá và hoa nay giống như lối đi trong nghĩa địa. Những tán cây trơ trọi vươn những ngón tay gầy guộc lên trời cao xám xịt và tường đá của các ngôi nhà bên đường hóa thành đá lát mộ.
Hitler chăm chú nhìn biển hiệu của những người bán hàng hai bên đường: người ta đang tuyển nhân viên bán hàng, thu ngân, giao hàng. Chỉ nghĩ đến hàng tá mối quan hệ xã hội phải chịu đựng, đến vẻ thân thiện buộc phải trưng ra, hắn đã cảm thấy kiệt sức trước khi bắt đầu.
Hắn cũng không muốn làm việc bàn giấy, cho dù nó có vẻ yên bình hơn, bởi nếu làm vậy hắn sẽ thỏa hiệp với cái hắn luôn phản đối ở bố hắn. Không bao giờ! Dù sao thì hắn cũng không định học một cái nghề cho đến nơi đến chốn hay tạo dựng một sự
nghiệp nào cả, hắn chỉ muốn kiếm một chút tiền để trả nợ mụ Zakreys.
Hắn nhìn thấy một công trường, một lỗ hổng toang hoác giữa mặt tiền phố xá, như một cái răng nanh đã rụng khỏi hàm răng khỏe mạnh của thành phố này.
Đứng thăng bằng trên một tấm ván, một người đàn ông tóc nâu vừa xây vừa vui vẻ hát. Chất giọng hay, mềm mại, mang âm hưởng vùng Địa Trung Hải, mang đến luồng không khí vô ưu của nước Ý, vang vang giữa những vách tường. Những người lao động khác mang đủ loại quốc tịch: Séc, Slovakia, Ba Lan, Serbia, Rumania và Ucraina đang vận chuyển ván, gạch, bao và đinh, họ nói với nhau bằng tiếng Đức bồi.
Bị thu hút bởi tiếng hát của người thợ xây, Hitler tiến lại gần.
– Có việc gì cho tôi làm ở đây không?
Anh chàng người Ý ngưng hát và tươi cười với Hitler.
– Thế cậu biết làm gì?
Hitler thấy dường như nụ cười của anh chàng người Ý thậm chí làm cho không khí lạnh ấm lên.
– Chủ yếu là vẽ.
Anh chàng người Ý lộ vẻ đôi chút thất vọng. Hitler nói chữa lại:
Nhưng tôi có thể làm được việc khác. Tôi cần phải kiếm sống, hắn cúi đầu nói thêm.
Đám công nhân phá lên cười. Từ đầu, họ đã ngờ rằng cậu thanh niên mặt bủng, gầy gò này ăn không đủ no đã lâu rồi.
Một bàn tay ấm nóng đặt lên vai Hitler và kéo hắn vào một thân thể cường tráng: Guido đã choàng tay qua cổ hắn.
Đi nào chàng trai, kiểu gì cũng có việc gì đó cho cậu làm.
Đầu của Hitler trong một lúc đã áp vào ngực anh chàng người Ý. Hắn ngạc nhiên thấy người anh chàng này có mùi thơm, mùi oải hương thơm mát gợi cho hắn nhớ tới chiếc tủ của mẹ. Hắn để mặc cho người ta vừa thân mật phát vào lưng hắn vừa cầm tay kéo đi gặp người quản đốc.
Dù vốn kinh khiếp những đụng chạm thân thể, hắn vẫn để anh chàng người Ý chạm vào người. Quan trọng gì vì đó là một người nước ngoài. Thêm nữa – may mắn làm sao! – những người làm việc cùng hắn ở đây toàn là người nước ngoài: không những không ai ở Viên nhận ra hắn mà việc hắn là người Áo còn làm hắn hơn hẳn những người này. Hitler được nhận và trở thành phụ vữa cho Guido.
Tất nhiên, hắn không nói gì với bà Zakreys về tình hình mới của mình, chỉ lẳng lặng trả tiền và làm bà ta xấu hổ về cách cư xử trước đấy. Bà góa người Séc lúng búng vài câu xin lỗi lãng xẹt và ngay lập tức nóng người lên khi tiếp xúc với những đồng tiền lạnh.
Hitler không hề ghét những ngày làm việc ở công trường. Ngược lại, hắn có cảm giác rằng không phải hắn đang trộn nước với xi măng mà gần như đang đi nghỉ, như
thể được giải thoát khỏi chính mình.
Dù không biết vì sao nhưng hắn rất quý Guido. Niềm vui bất tận của anh chàng người Ý, nụ cười thân thiện, cặp mắt biết cười, bộ ngực lông lá mà anh ta phô ra không ngại ngùng, sức mạnh nam tính hừng hực trong anh điều khiển từng cử chỉ, giọng nói, tiếng Ý căng rền, cánh tay và cặp đùi săn chắc, tất cả những điều ấy đổ ào vào Hitler như mặt trời trong mùa đông băng giá. Hắn thấy ấm áp khi ở gần Guido; hắn khôi phục lại sự mạnh mẽ; hắn uống lấy tính khí vui vẻ của Guido; thậm chí đôi khi hắn còn cười.
Guido có vẻ quý mến “tay người Áo bé nhỏ” nhưng chỉ thế thôi, không hơn không kém, như đối với mọi người. Còn Hitler lại thích cách đối xử ân cần ai cũng như ai của anh bạn người Ý, một sự hiền từ không ràng buộc hắn bao nhiêu. Thật thoải mái khi sống trong bầu không khí mà Guido hít thở và khuấy động.
Đôi khi sau buổi làm việc, họ cùng nhau đi uống vài vại bia. Hitler sửa tiếng Đức cho Guido. Hắn thích sự đổi vai này: khác với ban ngày, vào buổi tối, Guido lại là người phải nghe lời. Hắn thích thấy đôi môi của anh chàng người Ý phải nhắc lại những từ hắn đã đọc rành rọt, thích thấy anh ta đặt mục tiêu phải bắt chước hắn, thích những tràng cười của anh chàng này mỗi khi nói sai, hắn cũng thích tiếng thở dài bực tức cuối mỗi buổi học của Guido khi anh này bập bẹ bằng một thứ tiếng Đức vui vẻ, bị màu sắc và những gia vị của vùng Venice quê anh làm biến dạng, rằng anh ta không bao giờ nói được ngôn ngữ của Goethe. Khi đó, Hitler có được vai trò vượt trội tuyệt đối và được công nhận. Vì điều ấy, hắn cảm thấy mình nợ Guido nhiều đến nỗi hắn tìm được cách động viên anh chàng này tiếp tục học tiếng Đức vào lần tới.
Khi chia tay sau buổi học, Guido lúc nào cũng hỏi Hitler ở đâu. Hitler tìm cách lảng tránh, hắn đặc biệt không muốn Guido, với cái tính dân dã vô sản của anh ta, sẽ tồng tộc đi vào phòng hắn nơi hắn còn có thể tự coi mình là một nghệ sĩ-sinh viên. Khi Guido rủ đi chơi gái, Hitler phải bịa ra rằng mình đã có gia đình và buổi tối chỉ muốn về với vợ thôi.
Mỗi lần như thế, Guido lại đưa mắt nhìn trộm bàn tay mảnh dẻ không đeo nhẫn cưới của Hitler nhưng cũng không bóc trần lời nói dối ấy.
Anh ta chỉ nháy mắt đồng lõa với hắn và nói nhỏ:
Chẳng làm sao đâu. Nếu tối nào đó cậu muốn, tôi sẽ đưa cậu đi. Tôi chắc rằng cậu không biết cái chỗ đó ở đâu.
Hitler sửng sốt. Hắn vốn luôn phản kháng chuyện mại dâm và không muốn gặp những người đàn bà mà người ta có thể trả tiền để ngủ cùng, nhưng Guido quả tinh tường: hắn thậm chí không hề biết khu phố ”nóng” ở đâu cả. Hắn cảm thấy đang bị bắt quả tang là một thằng thiếu nam tính.
Mùa đông đã đến. Không gì có thể làm giảm sức sống của Guido. Hitler và anh ta gần như không rời nhau.
Một ngày thứ Sáu, Hitler nói với Guido điều quan trọng mà hắn ấp ủ bấy lâu, rằng anh ta có một giọng nam trung Verdi rất tuyệt và rằng chỗ của anh không phải ở công trường mà là ở nhà hát opera.
Ôi dào, trong gia đình tôi, tất cả mọi người đều có giọng hát như tôi, Guido nhún vai, thế mà chúng tôi vẫn làm thợ nề hết đời này đến đời khác đấy thôi.
Thế nhưng tôi là người đã đi xem opera nhiều lần rồi, tôi đảm bảo với anh là…
Thôi bỏ đi. Không phải những người như chúng ta có thể trở thành nghệ sĩ. Phải có tài năng thiên bẩm. Phải được sinh ra trong giới ấy cơ.
Câu nói đã chẹn họng Hitler. Sau khi đã khen Guido như thế, hắn định bụng nói với Guido về tài năng họa sĩ của mình. Hắn muốn làm Guido hiểu rằng cả hai đứa bọn hắn đều khác với những người xung quanh, nhưng Guido đã khép lại những lời tâm sự của Hitler bằng câu tóm tắt không cãi được: “Không phải những người như chúng ta có thể trở thành nghệ sĩ.”
Mỗi tối, Guido lại kéo Hitler đến gần khu gái điếm hơn một chút. Anh ta ngoác miệng cười và nói:
Không phải vì đã có vợ mà cậu không có quyền vui vẻ một chút đâu.
Ban đầu, Hitler cực lực chống lại những gợi ý của bạn, rồi nhượng bộ dần và cuối cùng đã bước qua ngưỡng cửa nhà chứa.
Trong căn phòng mù mịt khói, giữa những cô gái lả lơi mời gọi, những cọ xát ve vuốt, những bộ mông ngúng ngoáy, những chiếc áo xẻ ngực đến mức tối đa, những cặp chân chỉ chực giạng ra, ngay lập tức, Hitler cảm thấy không thoải mái.
Guido bảo các cô gái để bạn anh ta yên và rằng anh bạn chỉ đi cùng vì lịch sự chứ không muốn làm gì cả.
Điều đó cũng làm các cô gái e dè đôi chút nhưng không vì thế mà Hitler thấy thoải mái hơn. Nhìn chỗ nào để không bị bẩn mắt? Nhìn ra đâu để không đồng lõa với cảnh tượng đồi bại này? Làm thế nào để hít thở mà không hút đầy sự xấu hổ vào trong phổi?
Guido ôm ba cô gái trên đùi và cả ba thỉnh thoảng lại ré lên, tranh nhau ân huệ được lên gác với anh ta.
Hitler không còn nhận ra bạn mình nữa. Cái hắn yêu ở Guido chính là nước Ý. Nước Ý xa hoa và đơn giản, tràn trề sự sống và suy đồi, vừa hiện hữu vừa vắng mặt, đất nước trong giọng hát của một người lao động chân tay cũng có chất vàng ròng của opera. Nhưng tối hôm đó, hắn không còn yêu quý Guido nữa, cũng hết yêu nước Ý, hắn chỉ còn thấy ở đó một sự thô tục, thô tục nặng nề, xác thịt, ám khói, dễ dãi. Hắn thì hoàn toàn ngược lại, hắn thấy mình thanh khiết, cưỡng lại cám dỗ, thấy dòng máu Giéc-manh rần rật trong người.
Để chống lại nỗi thất vọng và để khỏi quá lố, hắn quơ lấy cây bút chì và vẽ Guido, như hắn đang nhìn thấy vào lúc này, trên tờ khăn trải bàn bằng giấy: quỷ Satăng sặc
mùi dâm dật.
Hắn vẽ một cách giận dữ, khoanh một lọn tóc quăn, lượn đường viền chỗ cái miệng, tô đen mắt, đánh bóng những nét trồi ra trên khuôn mặt của anh chàng người Venice, khạc ra giấy sự căm thù đối với vẻ đẹp đồi bạinày.
Đột nhiên, hắn thấy xung quanh mình tất cả đã thay đổi. Mọi người im bặt và tiến lại gần hắn. Họ đang nhìn chàng trai trẻ vẽ chân dung anh chàng người Ý, trong một cơn lên đồng hừng hực.
Hitler giật nảy mình và ngượng ngùng nhìn họ, đồng thời cũng giận điên lên vì đã để người khác thấy mình đang nghĩ gì. Người ta sẽ trách hắn vì sự khinh miệt mà hắn để lộ ra.
Tuyệt vời! Một cô gái thốt lên.
Còn đẹp hơn cả người mẫu nữa, một cô khác thầm thì.
Thật khó tin, Adolfo à. Cậu là một họa sĩ thực thụ.
Guido nhìn bạn với ánh mắt ngưỡng mộ. Anh ta chắc hẳn không ngạc nhiên hơn nếu ai đó nói rằng Hitler là một tỷ phú.
Anh ta liên tục lắc đầu thán phục và hoàn toàn bị chinh phục.
– Cậu là một họa sĩ thực thụ, Adolfo, một họa sĩ thực thụ!
Hitler đứng phắt dậy. Mọi người e sợ nhìn hắn. Hắn cảm thấy thật đẹp lòng. – Tất nhiên tôi là một họa sĩ thực thụ!
Hắn xé góc khăn trải bàn có hình vẽ và chìa nó về phía Guido.
– Cầm lấy đi! Tôi cho anh đấy.
Rồi hắn quay gót và rời khỏi nhà chứa. Hắn biết rằng từ nay hắn sẽ không bao giờ gặp lại Guido nữa.
***
Hắn lại ngất.
Ấy vậy mà ban đầu, hắn đã giữ được hơi thở đều đặn khi chiếc áo choàng bằng lụa trượt ra, rơi xuống đất, y như một lời chửi thề. Người đàn bà duyên dáng đưa tay giữ búi tóc đang chực xõa xuống theo chiếc áo choàng, và rồi, với vẻ tinh nghịch, khuỷu tay nâng cao, trông vừa táo bạo vừa e thẹn, nàng hiến dâng trọn tấm lưng và bộ mông trần cho lớp học.
Adolf đã vẽ những nét đầu tiên một cách lo lắng, thận trọng như thò chân vào nước lạnh. Hắn nghe ngóng cơn khó ở trong mình. Hắn khẽ khơi khơi bằng đầu bút và tin chắc rằng một bản vẽ phác đậm hơn sẽ làm hắn quỵ ngã. Nhưng chẳng có gì ghê gớm xảy ra trong hắn cả. Tự bắt mạch, nghe ngóng cơ thể mình vô ích, hắn không hề cảm thấy khó ở. Vậy là hắn lấy lại sự tự tin và bắt đầu phác những đường nét rắn rỏi.
Với nét vẽ to, đậm hắn vẽ những đường nét chính trên cơ thể rồi vẽ phác đôi mông và lượn nét, đánh bóng cho cặp đùi; cuối cùng, hắn say mê vẽ mái tóc. Phút thứ
mười, hắn đã định hình được một phác thảo trên giá vẽ của mình. Một bức vẽ làm hắn nhớ đến bức Léda và thiên nga do Leonard khắc(3).
Thầy giáo lắc quả chuông nhỏ. Đám sinh viên thay giấy mới, cô người mẫu xoay người lại.
Adolf không có thời gian để làm chủ những gì xảy ra sau đó. Người đàn bà, trong lúc tìm một thế đứng mới, bỏ tay khỏi ngực và bụng. Adolf dõi theo từng cử chỉ của nàng và chợt bị rúng động bởi một sức mạnh hung bạo, xây xẩm mặt mày và đổ gục xuống.
Buổi học tiếp theo được cả trường hồi hộp chờ đợi. Giáo viên, thỉnh giảng và sinh viên tất cả các khóa đều biết chuyện gã trai tơ, sinh viên năm thứ nhất, bị ngất mỗi khi đứng trước người đàn bà khỏa thân.
Adolf leo lên cầu thang dẫn đến lớp học định mệnh như kẻ tử tù ra pháp trường. Tâm trí hắn chưa gì đã rối bời: một phần trong hắn muốn chống lại cơn khó ở lần này, phần khác muốn chuyện đó xảy ra càng nhanh càng tốt.
Dù có xảy ra điều gì đi nữa thì nó hãy đến nhanh lên! Nhanh lên cho xong chuyện!
Hắn ngồi trước tấm giấy vẽ của mình, đầu cúi gằm.
Người đàn bà đứng lên, một sự im lặng hoàn toàn, ngột ngạt đè nặng lên căn phòng. Người ta cứ ngỡ như vang lên một hồi trống thúc.
Người đàn bà đến bên cạnh chiếc bục. Nàng đứng im trước Hitler và nhìn xoáy vào hắn, chậm rãi cởi chiếc thắt lưng của áo choàng, gần như để điều chỉnh cử chỉ của mình, sau đó kéo nó ra đúng lúc.
Đột nhiên tất cả bắt đầu, tấm áo lụa trượt xuống, tấm thân trần ngọc ngà vụt xuất hiện trong một vụ nổ lấp lánh sắc xà cừ. Adolf đổ sụp. Hắn ngất nhanh đến mức không kịp nghe tiếng reo vang dội “Hu ra!” thoát ra từ lồng ngực đám sinh viên hăng hái nhất.
Tối hôm đó, trong cái cô đơn mù mịt khói của phòng trọ bé nhỏ, Adolf suy ngẫm. Hắn không thể cứ tiếp tục như thế này mãi. Hắn sẽ không mất toi ba năm để ngất và để làm trò cười cho thiên hạ. Hắn cần được chữa khỏi bệnh.
Chữa khỏi bệnh ư? Ý nghĩ đó vừa vụt qua trong đầu hắn. Hắn vội lao về phía bàn học và ngay lập tức viết thư cho bác sĩ Bloch.
Adolf thực sự tin tưởng người đã chăm sóc mẹ mình. Lòng tin đó đặt vào con người của ông ta hơn là vào tư cách bác sĩ của ông. Adolf không ảo tưởng vào khả năng chữa bệnh của ông ta, tuy nhiên, cho đến nay, đã có ai có thể chữa được bệnh ung thư? Nhưng hắn trân trọng và biết ơn bác sĩ Bloch, người đã chữa trị và xoa dịu những đau đớn cho người mẹ thân yêu của hắn trước khi bà lìa đời.
Trong bức thư ngắn gửi đi, hắn không đề cập đến bất cứ chi tiết nào, chỉ thể hiện nỗi hốt hoảng, lo âu vừa đủ và mong muốn nhanh chóng được khám bệnh.
Tuần sau đó, Adolf quyết định không mạo hiểm đến lớp vẽ khỏa thân nữa. Lấy cớ đau bụng, hắn trốn học ngay ngày hôm trước và nhờ bà góa Zakreys đến trường xin nghỉ học hộ mình.
Ngay ngày hôm đó, đang ngồi ngẫm nghĩ trên giường, hắn không hề ngạc nhiên khi nghe thấy giọng nói vui vẻ của bác sĩ Bloch vang lên trong hành lang.
– Adolf! Nhận được thư của cháu là tôi lên đường đi Viên ngay.
Bác sĩ Bloch là một người đàn ông cao lớn, duyên dáng với cái mũi rất nét, cặp lông mày đẹp màu xanh đen, đám ria rậm rạp và bộ râu quai nón ngắn được cắt tỉa gọn ghẽ kéo lên tới tận mai, tất cả như được vẽ bằng mực tàu. Mở rộng cái miệng tròn trịa màu đỏ sậm đã làm xiêu lòng mọi khách hàng nữ ở Linz, ông bác sĩ mỉm cười với Adolf. Hắn xúc động: người ta đã chạy đến bên hắn, đã nghĩ đến hắn, hắn có cảm giác như vừa gặp lại một người thân.
Bác sĩ Bloch bước vào phòng cậu thanh niên và bắt đầu bằng những chuyện vặt vãnh. Adolf thích cái giọng nói trầm ấm, sang sảng làm người nghe ngay lập tức cảm thấy gần gũi của ông.
Thế nào Adolf, cháu ốm đau làm sao?
Không sao ạ, hắn trả lời như thế bởi đột nhiên hắn thấy trong người sảng khoái.
Đọc thư của cháu, tôi không nghĩ là như thế.
Bác sĩ Bloch ngồi xuống và chăm chú nhìn chàng thanh niên.
– Nói tôi xem đã xảy ra chuyện gì.
Adolf đã nghĩ là mình sẽ không bao giờ có thể kể câu chuyện đáng xấu hổ đó ra, nhưng dưới ánh mắt hiền từ của người đàn ông trạc tứ tuần này, hắn cũng lúng búng kể hết được câu chuyện. Dần dần, Adolf có cảm giác nhẹ nhõm vì đã trút bỏ được gánh nặng của mình. Bây giờ, nó thuộc về bác sĩ Bloch.
Sau khi nghe hết đầu đuôi, ông bác sĩ gãi đầu hồi lâu. Ông hỏi vài câu để xác minh xem Adolf có ăn uống đầy đủ trước khi bị ngất không và sau khi có được câu trả lời, ông lại trầm ngâm.
Giờ đây, Adolf H. cảm thấy khỏe khoắn, tràn trề tin tưởng. Hắn thậm chí còn nóng lòng muốn được nghe chẩn đoán và sau đó là đơn kê của bác sĩ Bloch.
Vị bác sĩ ngập ngừng bước quanh giường.
Adolf, hãy trả lời tôi như trả lời một người anh thương yêu cháu: cháu đã bao giờ ngủ với một cô gái chưa?
Chưa ạ.
Cháu có ham muốn làm điều ấy không?
Không!
Cháu có biết tại sao không?
Cháu sợ.
Bác sĩ Bloch đi thêm bốn năm vòng nữa quanh giường.
Adolf vui vẻ hỏi:
Vậy là cháu bị làm sao ạ? Bác sĩ Bloch chậm rãi:
Cháu mắc một chứng bệnh có thể chữa khỏi, chớ nên lo lắng. Tôi muốn cháu đi với tôi tới gặp một bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ chuyên khoa ư? Adolf lo lắng thốt lên.
Nếu cháu bị gẫy chân, tôi sẽ đưa cháu đến chỗ bác sĩ giải phẫu. Nếu cháu ho quá nhiều, tôi sẽ đưa cháu đến chỗ bác sĩ hô hấp. Còn giờ tôi muốn đưa cháu đến chỗ một chuyên gia về căn bệnh của cháu.
Đồng ý ạ!
Adolf đã cảm thấy yên tâm. Khoa học có thể chữa được bệnh của hắn. Đó là tất cả những gì hắn muốn biết.
Bác sĩ Bloch đi ra ngoài chừng một tiếng rồi quay lại báo với Adolf rằng cuộc hẹn được định vào lúc mười tám giờ.
Cả buổi chiều, Adolf chỉ đọc sách và hút thuốc đợi đến lúc đi gặp bác sĩ Bloch ở cuối phố vào lúc mười bảy giờ ba mươi như đã hẹn.
Họ bắt một chuyến xe điện, rồi một chuyến khác, chuyển xe nhiều lần và dừng lại ở đầu một con phố vừa khi trời sẩm tối.
Họ đi xuống vài mét rồi đi vào nhà số 18, lên một tầng rồi bấm chuông.
Cánh cửa hé mở, một cái đầu thò ra.
Bác sĩ Bloch, tay đặt trên vai chàng thanh niên, lễ độ giới thiệu với vị chuyên gia:
Bác sĩ Freud, giới thiệu với ông, đây là Adolf Hitler.
***
Hitler không bao giờ quay trở lại công trường nữa.
Buổi tối ở nhà chứa hôm đó đã cứu hắn: nó đã nhắc hắn rằng hắn không giống
những người khác. Không một điểm nào. Hắn cười vào việc phải kiếm kế sinh nhai, hắn không ham ngủ với đàn bà, không muốn đi vào khuôn khổ.
Làm thế nào mà hắn lại có thể lơ là bản thân mình đến mức ấy nhỉ? Sức mạnh lạ kỳ nào toát ra từ Guido? Hấp lực trí trá và độc hại nào đã khiến hắn, một nghệ sĩ, họa sĩ, một kẻ sống ngoài rìa xã hội, lại có thể gần như cập vào cái bến tầm thường của cuộc sống, vắt kiệt sức mình trong một công việc ngớ ngẩn, ăn và ngủ để tái tạo sức lao động một cách ngu ngốc, uống bia và nói những chuyện tầm phào trong những quán cà phê đông nghẹt, lảng vảng tới phố nhà chứa để có thể chứng minh một cách thô tục vào một đêm nào đó rằng mình đúng là một thằng đàn ông? Hitler suýt biến mất trong một cuộc tồn tại tầm thường như một viên đường tan trong nước. Hắn đã được cứu thoát vào phút cuối là nhờ bức ký họavà phản ứng ngưỡng mộ của đám sinh vật hai chân nọ.
– Ta là họa sĩ! Ta là họa sĩ! Ta không được quên điều đó nữa, hắn cả quyết nhắc lại
với mình.
Hắn lặp đi lặp lại đến phát cuồng.
Sau khi vừa sượt qua nỗi hiểm nguy lớn lao – sống một cuộc sống tầm thường – hắn hồi phục nhanh chóng. Hắn lại tiếp tục tiêu những buổi tối dài trong khói thuốc, ngồi khoanh chân trên giường để suy ngẫm hoặc mơ màng với quyển sách mở trước mặt. Ban ngày, hắn lang thang khắp thành phố hoặc đến sưởi ấm trong thư viện để lừa bà Zakreys, người vẫn tin rằng hắn đang học ở trường Mỹ thuật.
Tuy chẳng còn bao nhiêu tiền nhưng hắn không hề có ý tiết kiệm. “Không bao giờ như thế nữa! hắn nghĩ. Không bao giờ sống như những người khác! Không bao giờ suy nghĩ và quan niệm giống người khác!”
Hitler lần lượt tự thưởng cho mình ba đêm xem opera. Như thường lệ, các vở opera của Wagner bao giờ cũng làm hắn thỏa mãn hơn cả mong đợi. Với loại âm nhạc này Hitler không nghe; hắn hít lấy nó, uống lấy nó, bơi trong nó. Những làn sóng âm nhạc du dương của bộ dây, bộ gỗ dìm hắn trong những đợt sóng nối tiếp nhau, hắn lăn lộn trong đó, lạc lối trong đó nhưng những giọng hát cảnh giác, dai dẳng, lấp lóa như ngọn hải đăng từ xa luôn chỉ đường cho những con tàu đang lạc lối. Hitler thuộc lòng từng câu hát, hắn chếnh choáng vì sự thanh cao, oai hùng ấy, hắn nạp sức mạnh từ thứ âm nhạc sung mãn này. Sau buổi biểu diễn, hắn ra về với “phong độ như xưa”.
Tối thứ ba, đáng tiếc là nhà hát opera Viên giới thiệu vởCarmen của Bizet. Hitler chưa bao giờ xem vở này và hắn bỏ về ngay khi hết màn một. Hitler thấy chán ngắt,thậm chí kinh tởm thứ âm nhạc ầm ĩ, lòe loẹt, uốn éo này, ghê tởm ả diễn viên tóc nâu khêu gợi, vừa cuốn xì gà trên cặp đùi trần vừa cất cái giọng khàn khàn gầm gừ những câu hát ngu xuẩn. Một cảnh tượng không khỏi làm hắn nhớ đến cái quán bia với đám gái điếm hôm nào. Hắn phẫn nộ rời nhà hát và không hiểu nổi tại sao nhà triết học yêu quý Nietzsche của mình lại có thể ngợi ca không tiếc lời thứ nhạc điệu ầm ĩ của nhà thổ Paris này, nhưng chẳng phải là Nietzsche cũng đã nói xấu về nhà soạn nhạc mà hắn còn yêu quý hơn – Wagner – hay sao, điều này như muốn chứng minh trong lĩnh vực âm nhạc, nhà triết học này có đôi tai trâu, hẳn là vậy.
Nhưng có hề gì! Nếu trong buổi tối thứ ba, hắn không cảm thấy sung sướng thì dù sao hắn cũng thấy thỏa mãn khi đã tiêu những đồng tiền cuối cùng một cách hoang phí vô ích.
Đương nhiên, bà Zakreys lại bắt đầu léo nhéo sau lưng hắn đòi tiền nhà.
Một tối, Hitler nói, giọng hung hăng:
Bà hãy kiên nhẫn một chút bà Zakreys! Một tuần nữa tôi sẽ có học bổng của trường.
Phải trả tôi ngay tất cả số tiền cậu nợ đấy.
Tất nhiên rồi. Tôi còn định sẽ trả bà tiền nhà trước vài tháng nữa cơ.
Bà Zakreys sững sờ như vừa nuốt chửng cả quả trứng sống. Bà ta không bao giờ
tưởng tượng rằng một điều tốt đẹp nào đó có thể đến từ gã Hitler nhút nhát này. Sau đó, bà ta mừng quýnh và ngay lập tức muốn đãi Hitler một chầu trà và bánh ngọt nhà làm.
Vậy là hắn chỉ còn một tuần. Sau đó… hắn sẽ làm gì đây?
Có hề gì! Ta là một nghệ sĩ. Ta là một họa sĩ. Ta không phải bận tâm về những thứ ngu ngốc đến vậy.
Hắn quyết định dùng tuần cuối cùng để luyện vẽ. Hắn bắt đầu vẽ phác một số thứ nhưng chẳng mấy chốc đã chán ngấy: không đủ, hắn muốn cái gì đó chắc hơn thỏi chì vẽ. Hắn đặt tập giấy xuống và bắt đầu mơ về một tấm toan lớn, rất lớn, một tấm toan mà hắn sẽ vẽ sơn dầu lên đó, một bức tranh hoành tráng.
Hắn cảm thấy thỏa mãn. Cuối cùng cũng tìm được một dự định xứng để hắn phải bận tâm.
Hitler châm thuốc và mơ màng tưởng tượng kích thước của bộ khung. Hắn nghĩ đến những con số, những số đo. Hắn đẩy tham vọng của mình đi xa hơn nữa. Mỗi lần, kích thước của cái khung lại tăng thêm một tí.
Sáng ra, dù chưa vẽ được nét nào, cũng chưa xác định được chủ đề nhưng hắn đã thấy thỏa mãn cao độ vì đã thiết kế được bức tranh tường vẽ bằng sơn dầu lớn nhất thế giới.
Lòng hứng khởi, hắn đi lang thang trong thành Viên. Hắn tự hào về mình. Hắn vừa thêm vào kho tàng nghệ thuật của nhân loại một tuyệt tác. Hắn nghênh ngang dạo qua những khu phố đẹp nhất; cảm thấy hạnh phúc vì được sống ở một thành phố đẹp như thế và không hề nghi ngờ rằng một ngày nào đó, thành phố cũng thế, cũng hạnh phúc vì có trong tay tác phẩm của hắn.
Những ngày sau đó, hắn chỉ quanh quẩn trong bảo tàng. Không phải để nghiên cứu những tác phẩm của các danh họa mà để giao lưu với họ vì một ngày nào đó, hắn cũng sẽ ở đây. Hắn khinh khỉnh nhìn những bức tranh lớn nhất, bố cục tham vọng nhất. Tác phẩm của hắn sẽ nghiền nát những tác phẩm ở đây, sẽ biến chúng thành những cái tem thư.
Thỉnh thoảng, hắn chơi một trò mà hắn vừa nghĩ ra. Luật chơi rất đơn giản: đứng ở giữa phòng trưng bày rộng mênh mông với những bức tranh phủ kín từ chân tường đến trần nhà, nhắm mắt lại và quay tròn cho đến lúc không biết mình đang ở đâu, đưa tay và ngón tay chỉ thẳng ra trước mặt rồi mở mắt ra, tay chỉ vào bức tranh nào thì giá trị nghệ thuật của bức tranh hắn sắp vẽ sẽ tương đương với bức tranh ấy. Hitler thích đoán định tương lai của mình như vậy. Thế nên hắn thấy rằng mình vẽ cũng tốt như Bosch, Cranach và Vermeer, điều này làm hắn đỏ mặt vì sung sướng. Đương nhiên, hắn bỏ qua những lần tay hắn chỉ vào cái ghế băng, lò sưởi hay người gác bảo tàng đang tròn mắt ngạc nhiên.
Một tối, khi trở về quán trọ, hắn ngửi thấy một mùi thơm ngào ngạt bốc ra từ phía
bếp. Bà Zakreys mặc váy màu hoa cà, trang điểm công phu, tóc búi kiểu, tươi cười mời hắn vào phòng ăn cùng thưởng thức món đùi cừu. Hitler sa sầm nét mặt. Hắn hiểu rằng bà ta đang đợi được trả tiền vào sáng mai.
Hắn nuốt vội phần ăn rồi lấy cớ mệt cáo lui. Khi đã vào phòng, hắn cẩn thận, lặng lẽ nhét đồ vào một chiếc túi đay to, đợi đến khi bên kia vách vang lên những tiếng ụt ịt, chóp chép cho thấy mụ Zakreys đã ngủ say, hắn rón rén đi khỏi căn nhà.
Cả cơ thể lẫn tâm trí hắn căng lên để đạt được mục đích cuối cùng: ra khỏi nhà Zakreys làm sao để mụ người Séc khỏi nghi ngờ.
Khi ra đến ngoài đường, hắn vẫn chưa hết căng thẳng. Hắn còn phải chuồn ra đến đầu phố, qua cây đèn đường màu vàng bẩn thỉu, rẽ sang phố Mengel, đi trong bóng tối của phố Packen.
Hắn thở sâu và cuối cùng cũng thấy nhẹ nhõm. Thoát rồi!
Chính vào lúc đó, hắn nhận ra rằng ngoài trời lạnh thấu xương, mặt đường đóng băng và lũ ngựa đang rống lên vì bị tra tấn bởi những đợt gió buốt giá.
Hắn sẽ ngủ ở đâu đêm nay? Hắn không biết nữa.
***
Adolf H. tò mò nhìn bác sĩ Freud vì hắn chưa bao giờ gặp một “bác sĩ chuyên khoa” nào cả.
Nếu gặp ông ta ngoài đời, liệu con người chân tay ngắn ngủn, nồng nặc mùi thuốc lá, bơi trong bộ quần áo bằng vải tuýt màu ghi xám có xứng để bác sĩ Bloch kính nể và không tiếc lời khen ngợi không? Làm thế nào để nhận ra đó là một bác sĩ chuyên khoa? Qua cặp kính ư? Có thể lắm. Đó là một cặp kính kỳ quặc với cái gọng đồi mồi viền quanh cặp mắt sắc và làm cho nó giống với một cái kính viễn vọng… Phải rồi, qua cặp kính… Có thể kết luận thế này: bác sĩ Freud có cặp kính của chuyên gia.
– Ông là bác sĩ chuyên khoa gì ạ?
Hai ông bác sĩ quay lại. Ngạc nhiên vì câu nói rành mạch của cậu thanh niên nãy giờ đang nhốt mình trong một sự im lặng ủ dột.
Tôi là chuyên gia về chứng rối loạn hành vi.
Thế à?
Tôi chuyên về phân tâm học.
À vâng, phải rồi…
Nghe đến cụm từ “phân tâm học”, Adolf gật đầu với vẻ chán chường, kiểu như “biết-rồi-khổ-lắm-nói-mãi”, hắn thường làm như vậy khi người ta nói với hắn một từ có quá nhiều âm tiết. Điều đó giúp hắn có thêm thời gian suy nghĩ. Phân tâm học ư? Liệu hắn có buộc phải biết từ này không nhỉ? Hắn mở các cánh cửa trong trí nhớ của mình và lang thang trong mớ những từ gốc Hy Lạp mà hắn biết: thuyết mục đích, phép biện chứng, tâm lý học, chứng viễn thị, khoa học luận, dịch tễ học… chỉ rặt một mớ những từ ngữ man rợ đội mũ đinh, mang kiếm sắc, giáo nhọn không để hắn đến gần.
Có thể trong cái đám từ ngữ hung tợn đầy gai ngạnh ấy đã từng có “phân tâm học” rồi… đó có phải là môn nghiên cứu nước tiểu không nhỉ? Hay là chứng bất tỉnh?
Liệu cháu có phiền không, Adolf, nếu tôi tham dự vào buổi điều trị đầu tiên của cháu? Bác sĩ Bloch hỏi.
Adolf ngạc nhiên trước vẻ cầu khẩn trong lời đề nghị của ông bác sĩ. Trên thực tế, bác sĩ Bloch tỏ ra nhún nhường như vậy thực ra không phải với Adolf mà là với bác sĩ Freud, người mà ông tỏ ra rất ngưỡng mộ.
Không. Cháu không thấy phiền gì cả.
Bác sĩ Freud chỉ ra phía chiếc đi văng phủ một tấm thảm len phương Đông.
– Hãy nằm ra đây, chàng trai.
Adolf tiến lại gần chiếc đi văng và bằng vài động tác đã cởi bỏ chiếc áo khoác, sơ mi và quần dài ra.
Tay đặt trên chiếc quần đùi, hắn đã suýt cởi hết quần áo trước cái nhìn trân trân khiếp sợ của hai ông bác sĩ.
Không, không, Freud vừa nói vừa quơ vội đống quần áo trên sàn nhà. Cậu có thể mặc nguyên quần áo.
Ông chìa đống quần áo cho Adolf và dường như đỏ mặt vì xấu hổ trước cậu thanh niên đã bỏ cả giày ra.
Adolf tự hỏi làm thế nào có thể khám bệnh mà vẫn để nguyên cả quần áo nhưng vẫn làm theo yêu cầu, mặc lại quần áo và nằm dài trên chiếc đi văng. Dù gì như thế cũng thoải mái hơn.
Bác sĩ Freud ngồi xuống một chiếc phô tơi cạnh đi văng.
Cháu không nhìn thấy bác sĩ!
Thế là tốt. Hãy nhìn lên trần nhà.
Adolf đưa mắt tìm cái mà hắn phải đọc trên trần nhưng chỉ thấy một cái trần bình thường, màu trắng, không có gì đặc biệt, không có những tấm áp phích nhỏ đầy những chữ cái kích cỡ từ to đùng đến nhỏ xíu mà các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân phải đọc to lên.
Hãy kể cho tôi nghe về rắc rối mà cậu gặp phải. Không, đừng nhìn tôi. Tôi nghe cậu đây.
Chừng ấy thứ nhiêu khê đã bắt đầu làm Adolf bực bội nhưng hắn tận dụng việc không phải nhìn ai cả để kể chuyện hắn bị ngất ra sao ở trường Mỹ thuật một cách thoải mái hơn.
Hắn nghe thấy tiếng bác sĩ Freud ghi sột soạt trong quyển sổ tay của ông ta và cảm thấy khá hãnh diện vì điều ấy. Vậy là những cái hắn nói đáng được ghi lại, người đàn ông này quan tâm đến hắn.
Cậu có yêu mẹ cậu không, chàng trai?
Hắn ngạc nhiên vì câu hỏi đến mức ngồi bật dậy và bắt đầu run cả người.
– Yêu rất nhiều.
Hắn cứng cả người. Không được để nước mắt trào ra. Không được khóc trước hai người đàn ông này.
– Thế còn cha cậu?
Chính nó! Đó là câu hỏi thích hợp nhất buộc người ta ngừng khóc. Mặt hắn thoáng đanh lại như phủ một lớp băng. Những chiếc móc leo núi đang bổ phập vào má hắn. Adolf im lặng.
Cậu có yêu cha cậu không?
Cháu không hiểu tại sao bác sĩ lại đặt câu hỏi này.
Và điều đó ngăn cản cậu trả lời?
Đúng vậy.
Vậy tôi kết luận rằng cậu không yêu cha cậu lắm. Adolf đứng bật dậy, giận điên người.
Nhưng cháu đến đây đâu phải vì điều ấy!
Hắn đứng sừng sững trước người tự cho mình là bác sĩ ấy, những muốn được bóp cổ ông ta.
Ngồi thu lu trong chiếc phô tơi màu xanh lá cây, Freud lộ vẻ hối tiếc, mắt nhìn xuống.
Xin cậu bỏ qua cho tôi. Tôi nghĩ rằng những điều ấy có thể có mối liên hệ nào đó với nhau. Có thể tôi đã nhầm. Xin lỗi cậu. Tôi rất lấy làm tiếc. Thật đấy.
Một cảm giác chiến thắng làm ngực Adolf như nổ tung. Ông người lớn này đã xin lỗi! Hắn đã chỉnh cho ông ta một trận! Hơn nữa đó lại là một bác sĩ chuyên khoa! Niềm hãnh diện đã làm hắn nguôi giận.
Bác sĩ Freud chầm chậm ngước mắt nhìn Adolf H., hỏi giọng ôn tồn hơn nhưng vẫn tiếp tục xoáy vào nỗi đau:
Chính vì thế, hãy kể cho tôi nghe tất cả những kỷ niệm đẹp về cha cậu và nếu không phiền, hãy tả cho tôi những phút giây mà cậu cảm thấy hạnh phúc khi ở bên ông ấy, vậy có được không?
Adolf H. thoáng có cảm giác mình bị rơi vào một cái bẫy nhưng rồi hắn nuốt nước bọt, lí nhí:
Được.
Hắn lại nằm dài trên ghế và lặn ngụp trong ký ức. Kỷ niệm ùa tới, từng đám, từng bó, không ngừng nghỉ, dạt dào nhưng hắn phải lựa trong số đó: để có được một kỷ niệm đẹp, hắn phải bỏ qua cả nghìn kỷ niệm đau buồn. Cha hắn, sáng nào cũng gục xuống bên ly rượu vang trắng, chỉ để lại trong hắn những nỗi đau, sự căm thù và những vết thương. Phía trên hắn, cái đầu già cỗi đáng ghét, khó ưa và đầy đe dọa của cha hắn, to hơn một cái khinh khí cầu có thể ép sát hắn vào chiếc đi văng, lại xuất hiện. Cái mặt đỏ gay với cặp lông mày thấp và dữ dằn, bộ ria quá khổ vừa dài vừa
thưa chạy theo hình kim tự tháp từ mũi cho đến động mạch cổ, lúc nào cũng nhăn nhó, cau có. Hắn lại nghe thấy tiếng quát tháo, cảm thấy những nhát quất bằng thắt lưng, hắn lại thấy cơ thể bé bỏng của mình cô độc, gập người lại dưới đòn roi, bên cạnh một cánh cửa khép kín mà phía sau đó, mẹ hắn đang khóc van xin chồng hãy dừng tay. Hắn lại cầm cái rìu, vật hắn định dùng để giết cha hắn khi ông ta, lại thêm một lần nữa, đánh mẹ hắn. Một lần nữa, hắn lại đẩy cái con người quá nặng nề, quá rắn chắc, đang say mèm ấy ra, người sau khi đã gào thét, quát tháo, chửi bới, lại ôm đứa con trai yêu quý vào lồng ngực vâm váp để nóivới nó, nước mắt ròng ròng vì hạnh phúc, về tương lai gần của nó trong ngạch hành chính. Hắn còn run lên dưới những câu nhận xét như quất vào người: “Nghệ sĩ gì hử? Chừng nào tao còn sống thì mày đừng có mơ!” Hắn lại nhìn thấy hắn, Adolf, đang chui trong cái kho thóc lạnh cóng với ý nghĩ sẽ treo cổ tự tử. Hắn tìm lại được cảm giác vui sướng hung bạo mà hắn đã trải qua khi nhìn cỗ quan tài tồi tàn, cái hộp làm bằng gỗ gụ ấy cuối cùng cũng phải ngậm miệng lại. Trong khi hắn, Adolf, ôm lấy mẹ, người mẹ khốn khổ vẫn còn tiếc nuối tên đao phủ của đời bà, bất chấp mọi chuyện đã xảy ra. Người mẹ nức nở không hiểu rằng cuối cùng đây là lúc bà được giải thoát. Adolf phải chống chọi với đợt sóng xúc cảm dạt dào ấy – tuy đã qua nhưng vẫn còn gần lắm – để sàng lọc lấy một, hai hình ảnh hạnh phúc với chahắn: một chuyến đi tàu trên sông, một chiều đi lấy mật ong do ông nuôi.
Cậu có biết tại sao mẹ cậu chết không? Vị bác sĩ điềm nhiên hỏi tiếp.
Có. Vì bệnh ung thư.
Hắn thấy họng nghẹn lại. Chỉ duy nhất thói kiêu ngạo của một người đàn ông mới cho phép hắn trả lời kẻ thóc mách khó chịu này. Đứa trẻ trong hắn lại bắt đầu đau đớn. Hắn sợ rằng nước mắt sẽ giày vò hắn.
– Ung thư bộ phận nào?
Adolf không trả lời. Có muốn trả lời, hắn cũng không thể nói thành tiếng. Khuôn mặt hắn đầm đìa nước mắt mằn mặn, môi tê dại, miệng hụt hơi.
– Cậu có biết không?
Thái độ điềm nhiên của ông bác sĩ làm hắn bấn loạn hơn nữa. Hắn cố gắng trả lời nhưng không tài nào nói được rõ ràng, hắn thấy mình đang kêu như tiếng quạ.
Bác sĩ Bloch chạy đến chỗ Adolf và ân cần cầm tay hắn. Hoảng sợ khi nhìn thấy cậu thanh niên co giật, ông quyết định trả lời thay.
Bà Hitler mất vì bị ung thư vú.
Tôi không muốn ông là người trả lời mà là cậu ấy. Ông hãy quay về chỗ của mình.
Giọng nói của ông ta lạnh lùng, chính xác như đang rạch vào người hắn. Một cái
ranh.
Bác sĩ Bloch lùi lại và cất giọng hỏi:
– Vì sao mẹ cháu mất?
Người Adolf rung lên bần bật cứ như thể chiếc ghế đi văng là cái chảo đang nướng hắn. Hắn muốn trả lời vị bác sĩ chuyên khoa, hắn quyết định như vậy, hắn sẽ làm được điều đó, khó nhưng hắn không thể lùi được nữa rồi.
Ung… ung thư ng… ngư… ngực. Điều gì đã xảy ra vậy?
Hắn thấy người dịu lại. Sảng khoái đến mức cơ thể như tan thành chất lỏng. Hắn
cảm thấy rã rời, nhẹ nhõm. Cơ thể hắn đem lại cảm giác thoải mái đến từng khớp xương, đến từng ngóc ngách.
Bác sĩ Freud xuất hiện, tươi cười nhìn xuống hắn. Một vẻ hiền từ nào đó dường như đang làm khuôn mặt khắc khổ của ông sáng lên.
Phải thế chứ! Tôi rất hài lòng. Ít nhất cậu đã nói thật với tôi vào những phút
cuối.
Một cái gì đó dường như đã kết thúc. Hai vị bác sĩ đã đi sang phòng bên, khoan thai thảo luận.
Adolf hiểu rằng hắn có thể đứng lên được rồi. Dù mặc nguyên quần áo, hắn vẫn cảm tưởng như mình đang mặc lại quần áo, chân buông thõng đung đưa, hơi choáng váng.
Hắn đi ra chỗ hai người bác sĩ.
Thế nào bác sĩ, cháu sẽ phải dùng thuốc gì ạ?
Hai người đàn ông cùng cười nhưng bác sĩ Freud là người ngừng cười đầu tiên và nhíu mày nói:
Giờ còn quá sớm để nói đến điều đó. Chúng ta còn phải trò chuyện vài lần nữa.
Vậy ư?
Tôi không nghĩ là cậu phải khám nhiều lần quá đâu.
Vậy ạ…
Nhìn vào nét mặt hoan hỉ của bác sĩ Bloch, đó phải là một tin tốt. Nhưng chưa gì Adolf đã cảm thấy kiệt sức, ngay cả khi chưa bắt đầu.
Này anh bạn trẻ, anh định trả công tôi thế nào đây?
Thực ra thì… cháu không có nhiều tiền.
Tôi biết thế, bác sĩ Freud cười. Tôi biết sự thể ra sao chứ. Tôi cũng từng là sinh viên mà.
Cặp mắt đầy nghi hoặc của Adolf chợt ánh lên nét vui mừng. Hắn phải khó khăn lắm khi hình dung cái con người bé nhỏ trong bộ đồ vải tuýt và mái tóc hoa râm này đã từng trải qua đời sinh viên…
Thế cậu biết làm gì?
Vẽ ạ. Cháu đang theo học trường Mỹ thuật.
Rất tốt. Rất thú vị.
Nếu bác sĩ muốn, cháu có thể vẽ một cái biển hiệu: “Bác sĩ Freud, nhà phân tích học”.
Phân tâm học.
Vâng “Freud, nhà phân tâm học”. Ở dưới, nếu bác sĩ muốn, cháu sẽ vẽ một cảnh hấp dẫn trong thần thoại.
Rất tốt! Thế cậu định vẽ cảnh nào?
Một cảnh trong opera của Wagner.
Tôi thích thần thoại Hy Lạp hơn. Œdipe và Nhân sư chẳng hạn.
Cũng được. Cháu sẽ vẽ theo yêu cầu. Nhưng cháu không thích thần thoại Hy Lạp lắm vì trong đó rất nhiều cảnh nuy. Mà như cháu đã kể, khi vẽ cảnh nuy thì…
Cậu đừng lo. Œdipe không phải là một người đàn bà mà là đàn ông…
Thế thì không sao.
Adolf chìa tay ra, Freud tủm tỉm bắt tay cậu thanh niên và thỏa thuận được thống nhất: nếu Hitler được chữa khỏi thì bác sĩ Freud sẽ có một biển hiệu mới.
Lần tới, Adolf thân mến, hãy chuẩn bị tinh thần kể tôi nghe một giấc mơ của cậu.
Một giấc mơ? Adolf kêu lên hoảng sợ. Không thể được, cháu có mơ bao giờ đâu!
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.