Nửa Kia Của Hitler
2.
Mười một giờ rưỡi, dù có chuyện gì đi nữa, sáng hay chưa sáng, em đều tỉnh giấc.
Nàng nhảy xuống giường và Adolf H. chìa cho nàng một bát trà bột rễ diếp xoăn để nàng ghé mặt vào sưởi ấm.
Giờ đây hắn đã biết nguồn gốc biệt danh của nàng: ngày nào cũng vậy, Mười-một-giờ-rưỡi tỉnh giấc vào mười một giờ rưỡi. Sớm hơn, nàng không thể dậy. Muộn hơn, nàng không thể chịu nổi.
Adolf không đủ khả năng tài chính để vẽ dưới ánh sáng nhân tạo nên tiếp tục sáng sáng dứt mình ra khỏi chăn ấm và làm việc khi Mười-một-giờ-rưỡi còn ngủ. Những hôm đầu, hắn còn rón rén đi lại như một tên trộm, như một người lạ trong căn nhà của chính mình, cố gắng không gây ra tiếng động nào dù là nhỏ nhất; nhưng, do thiếu cẩn thận, hắn làm rơi mấy cây cọ, làm đổ giá vẽ, hắn chửi thề, thế rồi hắn phát hiện ra rằng không gì có thể kéo Mười-một-giờ-rưỡi khỏi những bến bờ tuyệt diệu nơi nàng đang vùng vẫy. Hơn thế nữa, khi nàng kể lại với hắn những chuyện đó, hắn nhận thấy rằng những giấc mơ của nàng, những người canh gác trung thành cho giấc ngủ của nàng, đã bảo vệ nàng khỏi thức giấc khi đưa những nhiễu loạn về âm thanh ấy vào trong câu chuyện của chúng. Adolf biết rằng từ nay hắn có thể đi lại thoải mái mà không sợ làm ảnh hưởng tới nàng.
Để thoát khỏi sức ép của công việc nặng nhọc, hắn thường tiến đến gần nàng và nhìn nàng ngủ. Nàng đang ở đâu khi cơ thể nàng nghỉ ngơi, cuộn vào trong chăn gối, cặp má biến mất trong cái gối lông chim êm ái kia? Nàng đang tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú nào? Chẳng phải mặt nàng đang phác một nụ cười đó sao? Chẳng phải vừa có một thoáng tà dâm vừa chạy qua môi nàng ư? Đúng, nàng cười. Cười với ai? Về cái gì? Nhiều lần, hắn muốn đánh thức nàng dậy, đấy, ngay lúc ấy, lay nàng dậy để nàng kể hắn nghe nội dung những giấc mơ của nàng, để tát cạn chúng khỏi tâm trí nàng.Em có đang bên tôi không? Có phải em đang bên ai đó? Em trốn đi với ai trong giấc ngủ của mình?Nhưng chừng ấy lần, khuôn mặt của nàng lại trở nên nhẵn nhụi, da thịt đầy đặn nhưng vô hồn, tỏa sáng sự trẻ trung hoàn toàn vật chất. Những lúc ấy, Adolf thấy lòng mình se lại. Nàng sẽ già đi ư? Đúng, nhưng già thế nào? Làm thế nào mà sắc da này, một thứ ánh sáng thuần khiết, lại có thể mờ nhạt đi? Một sắc đẹp hiển hiện đến thế bị tháng năm hủy hoại chẳng phải là một tai họa hay sao? Viện lấy quyền gì? Khi hắn không còn e sợ những người tình tưởng tượng, hắn thấy lo lắng trước đối thủ khó chơi nhất – thời gian, kẻ sẽ cướp đi Mười-một-giờ-rưỡi mà hắn yêu. Và ở đó, không còn là sự ghen tuông mà là sự tuyệt vọng, nó làm hắn muốn gọi nàng dậy để
siết chặt lấy nàng vào người hắn và nói: “Anh yêu em”.
Hắn nói chuyện với Mười-một-giờ-rưỡi say ngủ nhiều hơn là với Mười-một-giờ-rưỡi thức. Những khi không nằm trong tầm mắt nàng, hắn cảm nhận những tình cảm thuần khiết nhất và thầm lặng gửi tới nàng những tình cảm ấy. Tự do, không phải chịu sức ép, thoát khỏi sự chế nhạo, không phải sợ những lời châm chọc chết người hoặc những câu nói đùa mà cứ hễ có dịp là nàng tuôn ra, hắn thể hiện niềm vui, sự gắn bó, sự ái mộ của mình, nỗi sợ hãi bị nàng phản bội, sự hoảng sợ mà hắn nhận thấy mỗi khi nàng để ý tới một người đàn ông khác, mong muốn cao độ được giữ nàng làm tù binh trong tình yêu của hắn, sự chắc chắn rằng mình sẽ không thiết sống nếu nàng không còn đó nữa. Buổi sáng trôi qua như vậy, giữa những đường cọ vẽ và những lời khen có cánh, lặng lẽ gửi đến người đẹp say ngủ.
Khoảng mười một giờ mười, một bên mắt mở ra một cách máy móc. Một cái đồng tử đen, sợ sệt, ngạc nhiên, bồng bềnh vô định trong làn nước trắng của nhãn cầu, cố gắng phân tích và tập trung vào những cái nhìn thấy. Khi con ngươi đặt vào Adolf, có một ánh sáng lóe lên nhưng không trụ được lâu trước sức nặng của mí mắt. Tất cả các cố gắng sau đó đều thất bại. Đành rằng con mắt cử động ngày càng nhiều nhưng mí mắt xử sự như một kẻ thù của nó và kéo tấm ri đô sắt sập xuống.
Khoảng mười một giờ hai mươi, đôi môi mọng lên vì tinh chất của những giấc mơ khe khẽ động đậy và Adolf có thể nói chuyện ít nhiều với Mười-một-giờ-rưỡi bằng vài từ rời rạc, như thể người ta nói chuyện với một đứa bé mười tám tháng tuổi. Hắn thích thấy nàng mộc mạc như thế lúc vừa ngủ dậy, nó hé lộ một sự dịu dàng mà nàng tìm cách che giấu nhiều hơn khi đã tỉnh; hắn thích bắt gặp nàng cởi bỏ tất cả các sắc thái tình cảm, như khi nàng tắm, trước khi khoác bộ áo ngôn ngữ mỉa mai, nhạo báng lên mình.
Sắp mười một giờ rưỡi rồi con chim bé bỏng ơi.
E iết.
Hai âm này có nghĩa là “em biết”, nhưng trước mười một rưỡi, Mười-một-giờ-rưỡi không bao giờ phát âm các phụ âm.
Cuối cùng giờ khắc ấy cũng đến và lúc đó, dù chuông có reo hay không, người đàn bà trẻ ấy vẫn nhỏm dậy, thư thái, nóng lòng được bắt đầu ngày mới.
Adolf đã kiểm tra nhiều lần tính chính xác của thời điểm nàng tỉnh dậy. Hắn đã giấu đồng hồ đi, vặn nhanh lên, chậm đi, không có tác dụng gì: theo đúng cái đồng hồ trong cơ thể, Mười-một-giờ-rưỡi tỉnh giấc vào mười một giờ rưỡi đúng.
Thật đáng kinh ngạc, em chẳng bao giờ dậy sai giờ.
Thế tại sao anh lại muốn điều đó? Người ta luôn luôn giả định rằng những người thức dậy muộn không có chút khái niệm nào về giờ giấc… điều đó chẳng quan hệ gì với nhau.
Để đùa, Adolf thường ôm nàng vào giờ khắc định mệnh ấy và ghì nàng vào người
mình để ru nàng ngủ. Chẳng có tác dụng gì. Nàng chống trả. Trườn mình ra khỏi hắn.
Nàng ghét nằm lại trên giường sau cái phút ấy.
Buông em ra, anh sẽ làm hỏng ngày hôm nay của em mất. Một ngày bắt đầu từ mười hai giờ trưa là một ngày vứt đi.
Nàng có những nguyên tắc chỉ của riêng mình nhưng nàng tôn trọng chúng một cách nghiêm ngặt.
Làm như thế em có cảm giác mình là một ả giang hồ, một đứa chả ra gì, một thứ bỏ đi, một cục thịt. Vả lại, em cần phải làm việc nữa.
Nàng vẽ trên quạt giấy.
Chỉ sử dụng các màu cơ bản, nàng vẽ đầy trên mặt lụa những mô típ hình học – các tia, hình bán nguyệt, hình tròn, hình thoi và hình vuông – mà nàng chủ ý xử lý phá cách. Tác phẩm cuối cùng có màu rực rỡ, bắt mắt, mới mẻ và Mười-một-giờ-rưỡi bán chúng còn chạy hơn Adolf bán các bức tranh của mình.
Bình thường thôi mà, chàng Boche của em, ít ra thì cái quạt còn dùng vào được việc gì đấy.
Với cửa hàng nho nhỏ của mình, nàng còn kiếm được nhiều tiền hơn Adolf, nhưng nàng làm tất cả để hắn quên điều đó đi và không lấy đó làm hổ thẹn.
Em bán được vì em làm việc cho những kẻ đua đòi.
Đua đòi?
Đua đòi là những kẻ lười nhác không biết suy nghĩ hay đưa ra chính kiến. Để những kẻ đua đòi không ngồi rỗi người ta nghĩ ra thời trang, cái gọi là đời mới nhất, hàng mốt mới. Em ấy à, em làm những cái quạt hiện đại.
Hiện đại?
Chứ còn gì nữa! Hiện đại. Cái mà người ta chưa từng thấy trước đó! Hoặc không nhìn thấy đã lâu. Chính vì thế người ta tin rằng nó thuộc về thời đại của chúng ta.
Chính thế. Như nghệ thuật của người da đen chẳng hạn. Picasso và những người khác đã làm cho người ta tin rằng đó là cái mới trong khi nó đã tồn tại hàng bao thế kỷ nay.
Vậy đó. Còn em, em làm quạt lập thể. Những đứa con gái ngu ngốc, muốn khác mẹ mình, khác bà mình và bà hàng xóm của mình sẽ mua quạt lập thể của em.
Đừng phê phán mình nhiều quá. Quạt em làm rất đẹp.
Em không nói là quạt em làm xấu. Em giải thích cho anh tại sao người ta mua quạt của em.
Adolf vẫn chưa tạo dựng được chút tên tuổi nào trong giới nghệ thuật.
Từ khi đến Paris, bằng tranh vẽ của mình, có tháng hắn sống được có tháng sống lay lắt. Hắn thường xuyên phải trả tiền bữa ăn của mình bằng tranh vẽ hoặc hình vẽ – khi người ta chấp nhận – và hắn có thể chịu được sự nghiệt ngã này vào thời gian đầu là bởi hắn nghĩ rằng đó chỉ là chuyện tình thế, với hắn, chuyện này trở nên không thể
tha thứ được từ khi hắn thấy những họa sĩ khác thành công, tức là từ khi hắn thấy mình thất bại.
– Anh không phải là một họa sĩ bỏ đi mà là một họa sĩ bị nguyền rủa, Mười-một-giờ-rưỡi nói với hắn.
Ừa, có gì khác nhau?
Hãy xem trường hợp của cái ông người Ý điển trai tuyệt vời ấy, cái nhà ông Mobidi gì đó.
Modigliani.
Đấy. Ông ta chết trong nghèo khó nhưng bây giờ tranh của ông ta quý như vàng.
Thế thì ích gì?
Em sẽ là một bà góa giàu có.
Không, anh thích nổi tiếng khi còn sống hơn là tên tuổi được lưu truyền hậu thế… và anh còn muốn sống. Sống sung sướng. Cuối cùng cũng được như thế. Picasso đã trở thành triệu phú, Derain đi xe Bugatti, Man Ray đi xe Voisin, Picabia đi Delage và Kisling đi xe do Mỹ sản xuất.
Coi nào, chàng Boche của em, có những tay già hơn anh, Picasso chẳng hạn, ông
ta…
Tám năm khác biệt! Chỉ tám năm thôi! Liệu điều đó có quan trọng không?
Tám năm nữa có thể anh sẽ giàu. Coi nào, chàng Boche của em, anh không có quyền chán nản.
Adolf đau khổ vì sống trong nghèo khó nhưng nỗi đau ấy, thể hiện ra được, tầm thường, hiểu được, với hắn là cách để bộc lộ một nỗi đau khác, sâu thẳm hơn mà hắn giữ riêng cho mình: hắn nghi ngờ tài năng của mình.
Vẽ những tác phẩm mà mình không nhất thiết phải thích, đó chính là cái nghiệp của những người cầm cọ. Người nghệ sĩ luôn thích cái mình đang làm chứ không phải cái mình đã làm. Đứng ở vị trí diễn viên hơn là khán giả, anh ta không được chỉ định để tận hưởng kết quả làm ra. Hiếm khi một người ca sĩ thích giọng hát của chính mình, không bao giờ một nhà văn lại đọc tác phẩm của mình, cái chính yếu còn lại là người thứ nhất thì thích hát và người thứ hai thích viết. Về điểm này, Adolf không lo ngại gì vì hắn biết rõ rằng hắn sẽ không bao giờ đánh giá cao tranh vẽ của mình. Nhưng, nghiêm trọng hơn, hắn nghi ngờ rằng đó chỉ là những thứ phỉnh phờ. Bức tranh độc đáo thực sự đầu tiên, hắn đã vẽ nênmột cách tình cờ, giữa sự bực bội, bải hoải và hưng phấn. Lẽ ra hắn đã hủy tác phẩm ấy một cách nhanh chóng nếu Neumann đã không mê mẩn nó. Trong khi đó, chưa bao giờ Adolf thấy Neumann sai khi nói về tranh của người khác. Tại sao không tin anh ấy thêm một lần này nữa? Để bóp nghẹt sự bi quan của mình, hắn đã cân nhắc tất cả sự tin tưởng mang tính phê phán của mình đối với Neumann. Hắn đã đặt số phận của mình vào sự đánh giá của người khác.
Thiếu thốn vật chất, giới buôn tranh lạnh nhạt, người yêu tranh hờ hững, tất cả những cái đó giờ đây càng mài sắc lưỡi dao nghi ngờ trong hắn. Hắn đã nhầm chăng? Hắn cảm thấy mình chẳng hợp thời mấy. Hắn biết rõ rằng, trong sâu thẳm, hắn chẳng giống một chút nào các họa sĩ ở Montparnasse mà hắn quen: chủ nghĩa lập thể đối với hắn dường như là một ngõ cụt, cả trường phái dã thú nữa, trừu tượng còn tệ hơn thế nữa; Hắn ghét cay ghét đắng cái dấu ấn hoang dã, đậm đặc, dày cộp mà thế kỷ này đã biến thành mốt; hắn khinh bỉ việc làm biến dạng các đường nét – kỹ thuật “ghi chú bên lề” – đang xâmchiếm hình họa nhằm làm cho nó hiện đại hơn. Hắn tiếp tục đến Louvre, ngưỡng mộ Ingres, David và thậm chí là cả Winterhalter; hắn yêu thích những bức tranh hoàn chỉnh, không nhìn thấy nét cọ, không còn thấy hành động của họa sĩ trong bức họa; hắn chỉ đánh giá cao các giá trị truyền thống và trong sâu thẳm, gần như bí mật, hắn tôn trọng các tác phẩm của các họa sĩ kinh viện vốn bị ghét bỏ và chỉ trích nặng nề, những người vẫn bị gọi là “đám khoa trương” với lý do là họ không bao giờ bỏ sót một tia phản chiếu, một ánh sáng lóe lên hay một đường gân nổi trên những chiếc mũ mà họ dùng để phục trang cho các nhân vật trong thần thoại La Mã. Điêu luyện làm sao! Hắn chẳng tôn thờ gì ngoài sự điêu luyện, trong khi đó, hội họa hiện đại tôn vinh sự táo bạo, hành động đoạn tuyệt, trò diễn của những thứ chẳng ra gì.
– Chú ý! Có khách!
Mười-một-giờ-rưỡi đã nghe thấy tín hiệu của bà gác cổng mỗi khi nhà có khách. Bà Salomon đã gõ mộttiếng vào cái ống nước. Nếu bà tiếp tục gõ hai tiếng nữa, khách sẽ là một người mua; ba tiếng là nhân viên tòa án, bốn tiếng là cảnh sát.
Hai tiếng gõ vang lên trong ống nước. Mười-một-giờ-rưỡi ra mở cửa khi nghe tiếng chân nặng nề vang lên trong cầu thang.
– Slawomir! Bất ngờ quá!
Cao, to, béo như mỡ tảng, nhà buôn tranh Slawomir đưa tay lên quệt mồ hôi, không trả lời Mười-một-giờ-rưỡi vì ông ta có thói quen không cần biết đến sự có mặt của người tình của các nghệ sĩ của mình, hoặc là vì họ bị thay quá nhiều không nhớ nổi tên, hoặc vì nếu họ có ở lại thì cũng sẽ kêu ca với ông ta về sự nghèo khó không thể chấp nhận được của người tình của họ.
Adolf, cậu cần phải cứu tôi. Có một vị khách quan tâm đến cậu.
Thế thì sao? Cứ bán cho ông ấy tranh của tôi.
Ông ta say mê tác phẩm của cậu!
Ông ngạc nhiên vì điều ấy hả? Hãy bán thật đắt vào!
Đúng, chắc rồi, nhưng ông ta cũng muốn gặp cậu.
Adolf nhăn mặt vì hắn có những cảm nhận trái ngược đối với những người mua tranh của mình: hắn biết ơn họ vì đã đánh giá cao hắn đồng thời cũng giận vì họ trả rẻ thế và đặc biệt vì đã mang đi các tác phẩm mà hắn còn muốn giữ lại với mình.
– Ôi Adolf, đừng có thế một lần nữa, đừng có trái tính trái nết như bà mẹ vợ thế đi.
Đó là cách Slawomir gọi phản ứng của các họa sĩ xem các tác phẩm bị bán đi của mình là một cô con gái bị cậu con rể cướp mất.
– Nào, mời ông ngồi, ông Slawomir-người-không-thể-nhớ-nổi-tên-tôi-từ-mười-tám-tháng-nay, Mười-một-giờ-rưỡi nói và kéo một chiếc ghế lại phía Slawomir.
Slawomir nhìn nàng kinh ngạc như thể ông ta ngạc nhiên vì nàng biết nói rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế duy nhất trong xưởng.
Ông ta thật tuyệt vời, cái nhà ông Slawo này, Mười-một-giờ-rưỡi rúc rích cười. Tuần thì tóc hung, tuần thì hói, tuần để ria tròn quanh miệng, tuần cắt tóc dựng bàn chải. Một sự tưởng tượng về râu tóc mới phong phú làm sao! Một nghệ sĩ râu tóc! Thật không thể hình dung nổi, cứ như ông đã cưới một cô thợ làm đầu vậy…
Như thường lệ, Slawomir làm bộ như không nghe thấy gì và quay lại phía Adolf.
Tôi đã đi xuyên qua cả Paris còn khách hàng thì đang đợi, cậu nhanh lên đi.
Đối với Slawomir, “cả Paris” có nghĩa là “tám trăm mét”, nhưng với thân hình đồ sộ của ông, tám trăm mét là cả một hành trình dài.
Không, tôi không đi đâu cả, tôi làm việc. Ai có việc của người ấy.
Tôi xin cậu đấy…
Không. Tôi vẽ. Ông bán.
Van cậu!
Không…
Đó là một trận đấu cốt tử giữa hai người đàn ông: bằng sự từ chối của mình, Adolf đang giải thích với Slawomir rằng hắn là một họa sĩ giỏi còn ông ta là một chủ gallery tồi.
Mười-một-giờ-rưỡi chen vào:
Đi đi, chàng Boche của em. Anh biết rõ là Slawomir là một nhà buôn giỏi mua hơn bán mà.
Hai người đàn ông sững người khi nghe câu nói này. Mười-một-giờ-rưỡi đã đúng. Nhạy bén, có gu, đam mê và dũng cảm, Slawomir luôn luôn biết cách phát hiện các họa sĩ triển vọng, ký hợp đồng với họ khi không ai muốn làm như vậy rồi để họ chìm trong đói khổ vì không biết cách thuyết phục khách hàng tiềm năng, tin tưởng chắc chắn rằng bức tranh tự thân nó nói lên là đủ. Nhiều người trong số các họa sĩ này đã trở nên giàu và nổi tiếng sau khi rời bỏ Slawomir, điều đó khẳng định sự nhạy bén trong cảm nhận cũng như vô duyên trong buôn bán của ông ta.
Được rồi, tôi mặc quần áo để đi đây, Adolf nói.
Đừng chỉn chu quá, nhất quyết không được chỉn chu quá, Mười-một-giờ-rưỡi cười khẩy nói, đừng quên là anh là một họa sĩ bị nguyền rủa đấy.
Nàng quay lại phía lò sưởi để lấy cà phê cho Slawomir uống nhưng trước khi nàng kịp đưa thì ông ta đã ngủ mất rồi.
Bất hạnh làm sao. Giờ này còn ngủ được! Thật đáng xấu hổ! Ông này bạ lúc nào
cũng ngủ.
Người lái tranh này nổi tiếng với những vụ ngủ quên bất thình lình, ngắn và thường xuyên. Người ta còn đồn rằng có lần ông ta đã ngủ quên ngay trong lúc đang tranh luận căng thẳng với nhân viên thuế vụ.
– Tệ hơn nữa, nước bọt còn phồng lên thành bong bóng nữa!
Một dải nước dãi đang chảy ra từ đôi môi nhỏ và phồng lên vì hơi thở, dường như muốn bay lên dưới dạng một bong bóng nhỏ.
Đúng là một hiện tượng. Cần phải làm như thế này trong một rạp xiếc. Ngay sau tiết mục của lũ voi để bọn trẻ con không quá sợ hãi.
Tôi xong rồi, Adolf nói.
Ông quay lại mặt đất rồi ông bạn to béo ạ, Mười-một-giờ-rưỡi nói nhỏ vào tai Slawomir, ông đã trở thành vợ thứ một trăm mười bốn của Sultan Ali Baba. Đó là người duy nhất đủ sức nuôi ông.
Nàng quay lại phía Adolf.
Đúng vậy, một người như thế này thì phải hốc cái gì nhỉ?
Slawomir đứng dậy, giả điếc và thản nhiên, cầm tay Adolf kéo đi.
Mười-một-giờ-rưỡi chạy theo ông ta tới tận cầu thang.
Cứ quay lại bất cứ lúc nào ông muốn, ông Slawomir ạ. Chúng ta đã đùa thật vui. Lần này, tôi đã cho ông xem ngực tôi, lần tới tôi sẽ chìa mông trái cho ông xem.
Xuống cầu thang bệ vệ như một thượng nghị sĩ, Slawomir quay lại nói với Adolf:
Thật không? Cô ta đã cởi quần áo trước mặt tôi?
Đúng, nhưng điều đó có quan trọng gì? Ông ngủ mà.
Thật tình! Slawomir sốc nặng, nói. Vậy ra người ta không thể ngủ yên ở bất cứ nơi đâu. Nếu bà mẹ tội nghiệp của tôi biết điều đó…
Xúc động như thể vừa bị hãm hiếp, ông ta chấm chấm mồ hôi trên trán bằng chiếc khăn mùi soa ướt nhẹp.
Họ đi qua đoạn đường tám trăm mét đến gallery một cách khó nhọc, Slawomir phải dừng lại nhiều lần để lấy hơi. Một người đàn ông đang đợi họ ở đó.
Đây, xin giới thiệu với ông Adolf H., Slawomir nói, như bị xuất huyết não, ngồi phịch xuống chiếc phô tơi và ngủ ngay lập tức.
Mắt xanh, tóc dài xõa sang hai bên, mặt chữ điền, mũi thẳng, khá đẹp trai, một vẻ đẹp gần như được tạc từ da thịt, người đàn ông nhìn Adolf với một sức mạnh như nam châm. Người họa sĩ trẻ nghĩ rằng ông ta phải là một trong ba vị vua đỡ đầu của Chúa hài đồng mới phải.
Chúc mừng ông thưa ông, ông đã là người trong nhóm chúng tôi.
Xin lỗi, tôi không hiểu, Adolf hỏi, sợ là một sự tinh tế nào đó trong tiếng Pháp đã ngăn không cho mình hiểu đúng câu nói.
Ông đã là người trong nhóm chúng tôi. Ông là một nhân vật lớn. Cái lô gích thoát khỏi mọi quy ước của lý tính, sự phá cách không ổn định tuân theo những xung năng trái ngược nhất, sự đứt đoạn trong diễn ngôn mặc dù ông dùng những phương tiện hội họa cổ điển nhất, tính hiện đại hỗn hào, pha trộn giữa chủ nghĩa kinh viện và sự đoạn tuyệt bạo liệt làm nên tính tiền phong, tóm lại, tôi thừa nhận ông là một người trong nhóm chúng tôi.
Adolf choáng váng, cảm thấy như bị thôi miên bởi con mắt xanh ấy. Nhà hiền triết
chưa gì hắn đã gọi ông ta như thế – tỏa ra một tia sáng đen làm hắn run lên, giữa sự hấp dẫn cứu thế và sự cuốn hút nhục dục bản năng. Cái nhìn dường như chuyển tải những thế giới xa xăm huyền bí, trong khi môi dưới, quá to, quá cong, hé lộ một sự hấp dẫn nhục dục mạnh mẽ. Nhà hiền triết cười mà không một nét đẹp nào bị ảnh hưởng, bằng một thứ ánh sáng bên trong, như kiểu cười của một người đàn bà rất chăm chút cho sắc đẹp của mình.
Xin lỗi, Adolf ấp úng, nhưng lúc nãy, Slawomir đã phát âm rất tồi tên ông và tôi e là…
Tôi là André Breton, nhà hiền triết nói, người đứng đầu nhóm nghệ sĩ siêu thực. Hãy đi theo tôi.
***
Thư cho ông, ông Hitler.
Hoa cho ông, ông Hitler.
Một giỏ hoa quả cho ông, ông Hitler.
Có một phu nhân và một nhà báo ở phòng tiếp khách xin được gặp ông, ông Hitler.
Người ta đã mang những quyển sách mà ông đặt đến, ông Hitler; người thủ thư sẽ đích thân mang lên cho ông.
Suốt cả ngày, những viên gác tù gõ cửa nhà giam một cách cung kính. Không còn biết để đâu cho hết những quà cáp, thư từ của những người hâm mộ ào ào gửi đến. Người ta chưa bao giờ thấy có nhiều người thăm viếng đến thế. Đám nhân viên trại giam Landsberg thầm hãnh diện được trông coi một vị khách được chúc mừng nhiều đến thế, một trung tâm thu hút giới thượng lưu; từ vài tháng nay, có người thậm chí còn ngây ngất tưởng như mình đang phục vụ trong một khách sạn sang trọng hơn là trong một nhà tù.
Người ta đã dời ngôi sao trước đó – Arco, kẻ đã ám sát thủ tướng xứ Bavaria Eisner
đi chỗ khác, để đưa Hitler vào ở trong xà lim số 7 rộng thênh thang, căn phòng đồ đạc đầy đủ nhất, phòng duy nhất nhìn ra phía ruộng đồng cây cỏ tuyệt đẹp. Mặc áo ngủ sang trọng màu trắng hay vận một chiếc quần cụt truyền thống bằng da, hắn được tự do tiếp đón những tù nhân khác, Rodolf Hess chẳng hạn, người đã vào đây cùng hắn.
Sau khi đứng im hồi lâu, hối hận vì đã không tự tử, Hitler bình tĩnh lại. Tin tốt thứ nhất là đã có mười sáu đảng viên Quốc xã chết trong cuộc đảo chính: hắn kết luận từ đó là: Định mệnh, như thường lệ, đã một lần nữa che chở cho hắn. Tin tốt thứ hai là Lenin đã chết vào tháng Giêng; hắn không chỉ hài lòng với cái chết của người Do Thái Bôn sê vich này mà còn đọc được trong đó một thông điệp tinh tế của số mệnh, giống như việc số mệnh đã cứu Frédéric Đại đế bằng cái chết của nữ hoàng Nga Elisabeth, đã cứu cơ đồ của hắn bằng cách loại bỏ một trở ngại và khẳng định với hắn, qua sự trùng hợp này, vai trò số một của hắn; tin tốt thứ ba là chính vụ xét xử: Hitler đã nói ở đó suốt nhiều tiếng đồng hồ và ra khỏi tòa án với mức án năm năm, án phạt nực cười nếu như người ta tính đến bốn cảnh sát đã chết và hàng triệu mác bị cướp khi trụ sở tờ Tin điện Munich bị phá hủy và việc bắt cóc những nhà chính trị và các ủy viên Hội đồng thành phố, một hình phạt chắc chắn sẽ được rút ngắn khi hắn cải tạo tốt.
Munich, người ta không còn nghe nói đến Hitler, không còn nhìn thấy những chữ thập ngoặc trên đường phố, cũng không thấy các cuộc họp chính trị nữa; một số người thậm chí đã tin là Hitler và đảng Quốc xã đã biến mất vĩnh viễn khỏi bản đồ thế giới. Nhưng trong xà lim số 7 ở Landsberg đang diễn ra một thứ khác hẳn: Hitler hoàn tất việc sáng tạo ra Hitler.
Thâm tâm hắn luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh gã hề trong chiếc áo măng tô ký giả sợ hình ảnh khẩu súng của mình phản chiếu trong tấm gương xanh nhạt mạ crôm cũ kỹ. Hắn liên tục xóa bỏ hình ảnh đó song song với việc tạo dựng một hình ảnh của Hitler mà hắn tự hào, một Hitler không thất bại, một Hitler sẽ thành công trong cuộc tiến chiếm quyền lực mà không hề chùn tay.
Chẳng bao lâu người ta sẽ quên đi cuộc đảo chính thất bại và không rút ra được điều gì. Còn hắn, Hitler, hắn rút ra được những kinh nghiệm từ đó. Và chỉ có hắn mà thôi.
Đầu tiên, hắn quyết định phải học chữ nhẫn. Có thử thách nào gai góc hơn với một người không kiên nhẫn khi buộc mình phải kiên nhẫn? Hắn đã làm được điều đó khi sắp xếp các ý tưởng của mình theo trật tự: nếu mục tiêu là chiếm được quyền lực thì chỉ có cái đó là cái duy nhất được quyết định thời gian sẽ là bao lâu. Hắn chấp nhận ngay lập tức thời gian mà tham vọng của mình đòi hỏi.
Tiếp đó, hắn sẽ nắm quyền lực bằng con đường hợp pháp. Vì đã từng là cán bộ tuyên truyền hạng nhất, hắn sẽ tham gia vào chiến dịch tranh cử và thu hút phiếu bầu của cử tri. Các kẻ thù của hắn sẽ không ngờ tới sự ngạc nhiên khó chịu này.
Cuối cùng, hắn đang viết về cuộc đời và tư tưởng của mình, hay đúng ra là đọc cho người khác chép vì cảm hứng bạo liệt mà hắn có khi nói sẽ lại tắt ngấm ngay khi hắn ngồi một mình trước trang giấy trắng. Hắn đặt tên cho quyển sách là Cuộc chiến đấu của tôi, hắn khoái trá khám phá trong đó con đường của hắn mạch lạc đến mức nào và làm thế nào mà con đường ấy không có cách nào khác sẽ đưa hắn thành con
người vĩ đại mà nước Đức đang chờ đợi. Chính hắn cũng ngạc nhiên về điều đó.
“Một sự tiền định may mắn cho tôi sinh ra ở Braunau am Inn, một thị trấn nằm chính xác ở biên giới giữa hai quốc gia của người Đức mà sự tái hợp nhất là bổn phận chính yếu của đời chúng ta, một sự nghiệp phải theo đuổi bằng bất cứ phương tiện nào.” Hắn ngây ngất khi thấy cuộc đời mình ngay lập tức đã có dáng vẻ của một truyền thuyết, báo hiệu ngay từ ngày đầu tiên sự hợp nhất giữa nước Đức và nước Áo mà hắn xếp vào trong chương trình hành động của mình. Trên thực tế, hắn không kể lại đời mình như vốn có mà như nó cần phải có. Hắn không ngần ngại xóa mờ những điều không phù hợp với một vị lãnh tụ của nước Đức, cũng như không ngần ngại thêm vào những chi tiết còn thiếu. Vì thế, về chuyện học hành, không phải hắn bị trượt mà đã chủ động bỏ vì thấy mình phải thực hiện những trọng trách cốt yếu hơn. Hắn bỏ qua sự hung bạo của người cha, chỉ ghi lại việc ông ta phản bác việc hắn muốn trở thành nghệ sĩ, chủ yếu là để nhấn mạnh ý chí mạnh mẽ của nhà lãnh tụ ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Hắn biến những năm tháng dài sống trong các nhà tế bần và nhà cứu trợ cho người nghèo thành cuộc sống lang bạt của một chàng sinh viên. Hắn giải thích sự thất bại của mình trong việc trở thành họa sĩ bằng cách gán cho mình có khiếu kiến trúc sư hơn là một họa sĩ. Hắn khai man ngày tháng cốt khỏi để lộ rằng hắn đã tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự. Hắn nói rằng từ thời còn rất trẻ đã có quan điểm bài Do Thái – trong khi trên thực tế là mới đây – và ý thức trí tuệ sâu sắc mà hắn cho là mình đang có hiệnnay trên nhiều lĩnh vực. Một thiên tài chính trị. Hắn tạc mình vào đá hoa cương. Hắn khăng khăng khẳng định rằng mình không hề thay đổi. Nếu có thể được, chắc hắn đã vẽ cho mình một bộ ria khi còn nằm nôi.
Trong những chương khác, ít mang tính lý lịch hơn, hắn làm rõ tư tưởng của mình. Rudolf Hess, viên thư lại tận tụy của hắn, giúp đỡ hắn trong việc này ngay cả khi Hess làm Hitler lúng túng với lối suy nghĩ kinh viện của mình.
Ôi trời, Hess, đừng quấy rầy tôi nữa với mớ kiến thức viện dẫn của anh! Tư tưởng này là của ai, không quan trọng! Tư tưởng thì phải hoặc là tốt, hoặc là xấu, thế thôi. Tôi không biết khái niệm về chủng tộc mình lấy của Chamberlain, Go.. Go gì ấy nhỉ?
Gobineau.
Của Gobineau hay của…
Bôlsche.
… hay của Bôlsche. Dù gì thì tôi chẳng bao giờ nhớ tên các tác giả cả. Tư tưởng thì không thuộc về ai cả. Hoặc nếu có, chúng thuộc về những người suy nghĩ, làm cho chúng sống động bằng lời nói của mình và truyền đạt chúng cho người khác. Trong trường hợp này là tôi: Adolf Hitler.
Trong thời gian nghỉ ngơi bắt buộc này mà hắn gọi mỉa mai là “chuyến thực tập của tôi ở trường đại học do nhà nước trả tiền”, cuối cùng hắn đã có thời gian để nối
kết những bình luận rải rác.
Hess, anh thấy không, tôi cho là tôi đã hiểu hết về con người khi quan sát loài chó. Người ta không thể luyện cho chó Pug những phẩm chất của chó săn thỏ hay của chó xù. Huấn luyện chẳng ích gì. Tốc độ của chó săn hay khả năng nắm bắt của chó xù là cái thiên bẩm gắn liền với giống nòi. Người ta chỉ có thể chấn hưng nước Đức bằng cách coi sóc nước Đức với tâm thế của người dạy chó, có tính đến sự thuần chủng của giống. Điều này dẫn đến hai chương trình song song: chăm sóc sự tái sinh sản nội tại của giống đó, loại bỏ những yếu tố ngoại lai mà không mềm lòng bởi chủ nghĩa tình cảm vốn rất nguy hiểm. Không nên giữ lại những con người khốn khổ, tật nguyền, tàn phế hay ngu xuẩn bằng cách này hay cách khác. Với những con người như thế đang sống, cần phải khẩn cấp triệt sản. Với những con người như thế đang sắp ra đời thì cần phải loại bỏ trước khi bố mẹ chúng nhìn thấy. Tiến bộ thực thụ của ngành y sẽ là quyền lực thực sự để phân tách sức mạnh sinh tồn với sự yếu ớt ngu xuẩn, chứ không phải sự cứng đầu đáng nghi ngờ cố giữ cho sống những cá nhân làm suy thoái dòng giống. Đó là một nền y tế nhân đạo. Phần thứ hai của chương trình sẽ là loại bỏ dân Do Thái.
Sao ạ?
Trước tiên, cần phải gom nhốt chúng lại để tránh việc chúng tiếp tục làm suy thoái dòng máu của chúng ta. Vả lại, cần phải nhốt chung tất cả các đối tượng bị bệnh không chữa được để chúng không lây nhiễm sang những người khỏe mạnh; cần phải ngay lập tức cách ly những người bị bệnh giang mai và những người bệnh lao. Tôi tán đồng việc cách ly không thương tiếc những kẻ bị bệnh không chữa được.
Gom nhốt bọn Do Thái. Sau đó thì sao ạ?
Tống cổ chúng khỏi lãnh thổ Đức.
Sau đó?
Tôi biết là mình có vẻ thái quá nhưng cần phải dùng đến những phương pháp vệ sinh. Nếu vào đầu cuộc chiến này, một lần nào đó, người ta cho mười hai hoặc mười lăm nghìn đứa trong lũ dân Do Thái hủ hóa này vào hơi độc mà chúng ta đã hít phải sau đó trong chiến hào thì chúng ta đã có thể tránh được cái chết của cả hàng triệu người Đức dũng cảm đầy tương lai.
Ngài định nói là…
Hiện tại, hãy nói về những giải pháp liên quan đến lãnh thổ. Tống cổ chúng đi. Thế là đủ.
Nhưng đồng thời, ngài nói rằng nước Đức cần phải được mở rộng.
Đúng, chúng ta cần một không gian sinh tồn!
Khái niệm “không gian sinh tồn” đến với hắn trong sự giam cầm, chắc hẳn nhờ vào sự chán nản bị giam giữ, chắc hẳn cũng vì hắn đánh đồng nước Đức với bản thân mình.
Chúng ta cần phải khẩn cấp sử dụng lại những lời lẽ của bọn Do Thái để áp dụng cho chúng ta. Chúng ta là Dân tộc được lựa chọn. Chúng ta là dân tộc Aryen. Không thể nào có hai dân tộc được chọn. Hoặc nếu như có hai dân tộc như thế, hẳn một dân tộc do Thượng đế, một do quỷ Satăng lựa chọn. Sự xung đột giữa thế giới Aryen và thế giới Do Thái, đó là sự xung đột giữa Thượng đế và quỷ Satăng. Một gã Do Thái là sự cười nhạo con người, khác xa với chúng ta cũng như động vật với loài người. Đó là một sinh vật xa lạ với trật tự tự nhiên, một sinh vật không nằm trong thiên nhiên.
Tuy nhiên, không dễ xác định Aryen chính xác là như thế nào. Chỉ nội trong nước Đức đã có biết bao sự pha trộn mà ngài, tôi, chúng ta…
Không quan trọng. Cái quan trọng là vạch mặt chỉ tên kẻ thù. Và ở đây, đó là điều rõ ràng: chính là dân Do Thái. Vậy thì, nước Đức, dân tộc duy nhất được Thượng đế lựa chọn, phải mở rộng lãnh thổ. Đó là một sự cần thiết. Chúng ta sẽ tiến hành chiến tranh vì thanh gươm đi trước lưỡi cày là chuyện bình thường. Chiến tranh là quyền chính yếu của dân tộc, quyền được nuôi sống những đứa con của mình. Với tôi, hai lãnh thổ sẽ mang lại ruộng đồng, nguyên liệu và những thị trường hấp dẫn cho nước Đức chính là Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết. Chúng ta sẽ bắt đầu từ phía Đông vì chúng ta cần vựa thóc lớn của châu Âu trước khi tấn công sang phía Tây.
Thật vĩ đại. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với bọn Do Thái, nếu nước Đức làm chủ thế giới?
Chúng ta sẽ sửa lại đường lối vào lúc đó Hess à, chúng ta sẽ sửa lại.
Vĩ đại!
Hitler khó khăn lắm mới ngủ được sau những buổi làm việc dài như vậy. Những điều táo bạo trong ý nghĩ của hắn làm hắn kiệt sức. Những câu nói tiếp tục được hình thành trong trí óc hắn và không hiếm khi hắn thức giấc và để mặc mình diễn thuyết vào lúc bình minh hé rạng.
Ta bị thần nhập, hắn lẩm bẩm khi nhìn trân vào mặt trời mới ló dạng với những tia sáng yếu ớt đang chầm chậm đánh thức lũ gà trống. Ta liên tục bị choáng ngợp bởi những tư tưởng chạy qua đầu mình. Sứ mệnh của ta không cho phép ta nghỉ. Đúng, thực vậy, ta bị thần nhập.
Vị thần mang thiện ý. Không một giây phút nào hắn nghĩ rằng cái nhập vào hắn thực ra là tà ý.
Ngày 20 tháng Chạp năm 1924, giám đốc trại giam đến đọc thông báo thả tự do cho hắn trong khi hắn còn bốn năm nữa mới mãn hạn.
“Nhanh thế ư? Tiếc thật! Hitler mơ màng. Ta sắp hoàn thành quyển sách của mình rồi.”
***
Không đội mũ, không quần lót thì không có nhân cách! Có phải thế không? Mười-một-giờ-rưỡi hét vào mặt tay bồi bàn đang sợ tái mặt, bỏ chỗ bàn ngoài tiệm
cà phê để rút lui vào phía trong.
Adolf và Neumann bật cười khi thấy người phụ nữ trẻ nổi cơn thịnh nộ.
Không thể tha thứ được! Từ chối phục vụ vì tôi không đội mũ à! Coi tôi là một con điếm vì tôi để tóc trần à! Cái lũ ngốc này nghĩ cái gì cơ chứ? Rằng cái để ụp trên đầu thì tốt hơn một cây thánh giá để chứng nhận ai đó là người tôn trọng thuần phong mỹ tục ư? Thế cái mũ rộng vành thì dùng để che đùi đàn bà cho nó không hở à? Tôi ấy à, tôi biết cả tá con điếm lúc nào cũng cài lông vũ trên đầu, tôi có thể liệt kê cho hắn nghe. Cả một danh sách! Tôi nghĩ rằng nếu bây giờ hắn mang cốcchambéry-fraisette cho tôi, tôi sẽ ném thẳng vào cái mặt hắn! Thằng ngu đạo! Đồ bán nước giải khát! Hắn câu cơm câu gạo bằng cách đầu độc những người khốn khổ với cái thứ rượu pha của hắn, đã thế lại còn lên mặt dạy đời? Đúng là tôi đang mê ngủ rồi…
Sự tức giận là một cách thể hiện tâm trạng vui vẻ ở Mười-một-giờ-rưỡi. Qua những câu chửi, sự tức giận, những câu nhiếc mắng màu mè, nàng thể hiện niềm vui được ở đó, niềm ham sống, ham muốn không để người khác cướp mất phần bánh của mình hoặc để nó rơi vào hư không.
Thưa bà, nước của bà đây. Hai rượu anít và một chambéry-fraisette.
Người bồi bàn, mặt tái nhợt, đặt những chiếc cốc lên mặt bàn và sợ rằng sẽ có một cơn lôi đình nữa. Nhưng Mười-một-giờ-rưỡi đã thay đổi mối quan tâm của mình.
Đến xem ông thầy bói này với em đi. Hình như ông ta bói rất tuyệt.
Không, cảm ơn, Neumann nói, anh không có đủ tiền để ném qua cửa sổ.
Anh không tin à?
Anh chỉ tin vào sự ngẫu nhiên giữa những mảnh vật chất. Anh là người duy vật. Vì thế anh không hiểu tại sao một người lại có thể cho rằng mình đọc được tương lai.
Thế mà người ta đã khuyên em đến gặp ông thầy này.
Chuyện các nạn nhân tình nguyện truyền miệng cho nhau thông tin là chuyện bình thường.
Ôi, chán các anh quá, mấy anh Bôn sê vich này. Anh không thấy à Adolf, rằng những kẻ điệu đà như anh Neumann đã biến thành điềm gở, kiểu như biến thành cha cố khoác áo đỏ, thấy không? Thay vì bốc mùi nến tắt họ lại sặc mùi lưỡi liềm rỉ. Đúng là chẳng tốt đẹp gì hơn.
Mười-một, em phải tôn trọng Neumann chứ, Adolf âu yếm nói.
Nhưng em tôn trọng anh ấy đấy chứ. Em tôn trọng vì anh ấy đẹp trai ngay cả khi anh ấy buồn. Em tôn trọng vì anh ấy là bạn anh ngay cả khi anh ấy tắc lẻm tiền của anh. Em tôn trọng vì anh ấy là bạn thân của em ngay cả khi chúng em chẳng đồng quan điểm về bất cứ chuyện gì. Ngh-i-ê-m, đồng chí Neumann, tôi lúc nào cũng tôn trọng đồng chí nhưng dẫu sao tôi cũng đi gặp ông ta đây.
Nàng chào kiểu nhà binh rồi để hai người đàn ông lại ở quán cà phê trên vỉa hè để đi đến cái sân nơi ông thầy bói hành nghề.
Trong một quán hàng tí hon kẹp giữa hai tòa nhà và một cái kho chứa thùng rác, người đàn ông tiếp khách, bên cạnh là một quyển sổ lớn đặt trên bốn viên gạch, một cái rương đầy văn tự, hai cái ghế cập kênh đặt quanh một cái bàn cũ tận dụng lại dưới cái nhìn của chúa Jesus được vẽ bằng phấn trên tường. Đầu ông thầy tròn nhỏ bóng như quả cầu pha lê của ông ta, ông thầy chỉ tiếp khách vào thứ Hai và tự cho mình là một nhà thơ dù rằng không ai coi điều đó là nghiêm túc.
Chào ông Jacob, Mười-một-giờ-rưỡi nói.
Hãy gọi tôi là Max, ông thầy bói tí hon trả lời. Họ đóng kín cửa để nói về tương lai.
Ngồi lười sưởi nắng, phấn chấn vì đã uống rượu anít, Adolf và Neumann nhìn
ngắm những cô gái Paris đi ngang quán.
Tớ sẽ đi Moskva, Neumann nói.
Tớ biết.
Tớ đã được mời tới làm việc ở Nhà văn hóa nhân dân. Tớ sẽ ở lại đó ba tháng.
Cậu sẽ vẽ gì?
Tớ không biết.
Neumann, tớ hiểu rất rõ rằng cậu muốn làm chính trị nhưng thật là đáng tiếc nếu điều đó làm cậu từ bỏ hội họa.
Hội họa đã bỏ qua tớ.
Đúng, nhưng cậu, liệu cậu có bỏ qua hội họa được không?
Cậu có tài năng. Cậu phải có trách nhiệm với tài năng ấy. Cậu phải dùng nó vào một việc gì đó.
Neumann há miệng ngáp không cần che.
Tớ chẳng thấy việc vẽ có lợi ích gì trong thế giới mà chúng ta cần phải xây dựng. Bao nhiêu người không có việc làm, không có cái ăn thế mà cậu lại nghĩ đến vẽ vời.
Đúng thế. Tớ đói, không ai muốn mua các tác phẩm của tớ thế mà bất chấp tất cả, tớ vẫn nghĩ đến việc cầm cọ. Và tớ mong muốn rằng những kẻ giàu có, những tên tư bản bẩn thỉu như cậu nói, những kẻ lợi dụng, sẽ mê đắm các tác phẩm của tớ. Đúng thế.
Thời ấy qua rồi. Tớ không còn đồng ý với điều ấy, Neumann nói.
Chiến tranh đã ăn cắp mất cuộc đời chúng ta, thế vẫn còn chưa đủ hay sao? Cậu lại còn muốn để chính trị cướp đi cuộc đời cậu một lần nữa ư?
Không, Adolf à, cậu chẳng hiểu gì về chiến tranh. Cậu thấy đó là một cái lò sát sinh đã giết chết tài năng của Bernstein, làm chậm lại sự nở rộ tài năng của cậu. Một trở ngại cá nhân. Còn tớ, tớ thấy đó là một sự khủng khiếp về mặt chính trị. Cuộc chiến mà chúng ta trải qua, đó là do quốc gia đã yêu cầu chúng ta phải hy sinh. Đổi lại
cái gì? Chẳng gì cả. Quốc gia, cái đó có nghĩa là gì? Làm người Đức, người Pháp, người Bỉ, người Thụy Điển có nghĩa gì? Chẳng nghĩa gì. Đó chính là cái tớ đã rút ra được trong cuộc chiến: cần phải thay Nhà nước vào chỗ quốc gia. Mà không phải là bất cứ loại Nhànước nào. Đó phải là một nhà nước đảm bảo được hạnh phúc, ấm no và sự công bằng cho mỗi người.
Đừng mang cái món chủ nghĩa cộng sản ấy ra nói với tớ nữa, tớ biết rồi Neumann, tớ đã nghe cả trăm lần rồi.
Cậu nghe thấy tớ nói chứ cậu không lắng nghe tớ…
Các cậu muốn thay đổi cái xã hội đã đòi hỏi hàng triệu cái chết trong cuộc hiến sinh. Nhưng thay vì đòi hỏi xã hội ấy ít đi các cậu lại đòi hỏi nhiều hơn. Nó đã yêu cầu các cậu phải chết đi, bây giờ các cậu lại đòi hỏi nó phải sống, phải tổ chức cuộc sống của các cậu đến chân tơ kẽ tóc. Theo tớ, các cậu bị nhầm lẫn chính ở điểm này. Tớ ấy à, tớ không muốn nhiều tính tập thể hơn mà là muốn ít hơn. Sau cuộc chiến, tớ không còn muốn cống hiến cho cộng đồng bất cứ cái gì nữa, nó hãy cứ để cho tớ được yên, tớ chẳng nợ nần gì nó cả.
Hoan hô! Chủ nghĩa vô chính phủ cánh hữu! Câu trả lời mới hay làm sao! Đó không phải cái sẽ làm thay đổi thế giới đâu.
Nhưng tớ nào muốn thay đổi thế giới, Neumann, tớ chỉ muốn thành công trong cuộc đời mình.
Mười-một-giờ-rưỡi đến ngồi lại trên chiếc ghế gần chỗ hai người và lặng lẽ đưa chiếc ly đã cạn lên môi. Adolf nhận thấy mũi nàng sưng lên và mắt mọng đỏ.
Chuyện gì xảy ra vậy? Em khóc à?
Em ấy à?
Nàng dường như giật mình nhận ra sự có mặt của họ. Nàng trìu mến cười với Adolf.
Không. Thực ra là… có.
Thằng cha thầy bói ấy nói gì với em à?
Không. Thực ra là… có.
Điều gì làm em khóc vậy?
Không. Chẳng có liên can gì. Em sụt sịt là vì em bị sổ mũi theo mùa. Bây giờ đang là mùa em bị sổ mũi.
Anh không hề biết là em bị sổ mũi theo mùa đấy, Adolf nói vẻ nghi ngờ.
Vậy thì bây giờ anh biết, thế thôi!
Dù gì Adolf cũng không còn thời gian để cật vấn Mười-một-giờ-rưỡi thêm nữa vì họ cần phải đến tham dự cuộc họp của nhóm siêu thực ở khán phòng Gaveau nơi vụ xử Anatole France(24) sắp diễn ra.
Khi họ đến gần nhà hát thì những người đeo bảng quảng cáo một trước, một sau đang đi lại trên vỉa hè và thông báo vụ xử.
Những người qua đường bị sốc buông lời nhiếc mắng:
Các ông giở cái trò gì thế, Anatole France đã chết rồi mà. Người ta đã tổ chức quốc tang, làm sao ai lại dám xử ông ấy?
Ông ấy phạm tội gì?
Một vụ lăng nhăng tình ái chăng?
Một vụ đạo văn?
Hãy để cho người chết được yên, đúng là một vụ xì căng đan!
Adolf, Neumann và Mười-một-giờ-rưỡi xoa tay khi nhận thấy không khí trong phòng đã rất căng thẳng.
– Sắp có trò vui đây, Mười-một-giờ-rưỡi nói.
Những người rao tin thông báo Charlie Chaplin, Buster Keaton và hoàng tử Monaco sẽ có mặt tại phiên xử. Không ai trong số họ có mặt ở đó nhưng nhiều kẻ hiếu kỳ ngờ ngệch đã đổ xô vào trong phòng.
Nhanh lên quý vị, một nhà thơ trẻ hét lên, tất cả những ai đến muộn sẽ bị cạo
đầu!
Nhiều người do lo lắng nên lần chần đã bị đẩy vào phòng.
Trên sân khấu, người ta đã kê bàn và ghế băng để gợi nên một cách mơ hồ khung cảnh một tòa án. Nhà hiền triết, André Breton, ngồi ở ghế chủ tọa. Bên luận tội có Benjamin Péret. Bên bào chữa là Louis Aragon.
Cái ông Aragon này lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao, Mười-một-giờ-rưỡi ngưỡng mộ thì thầm. Nếu người ta không nói ông ta là nhà thơ, em sẽ nghĩ ông ấy là thợ cắt tóc.
Nhà hiền triết lên tiếng:
Thưa quý bà, quý ông, bị cáo Anatole France thậm chí không thèm tự giới thiệu mình trước tòa dù rằng ông ta được triệu tới đây. Ông ta đã vội vã rời Paris bằng xe đòn mà không nói một lời xin lỗi, trong khi ông ta là người viết nhiều đến vậy.
Thật đáng xấu hổ! Nói về người chết như vậy ư! Một bà trong cử tọa phẫn nộ
nói.
Thưa bà, ông ta đã chết từ hồi vẫn còn sống cơ. Lúc nào ông ta cũng bốc mùi tử thi. Chỉ có ông ta với bà mới không nhận thấy điều ấy.
Người đàn bà vung cây ô của mình về phía sân khấu, chồng bà ta cũng bị sốc và đám thanh niên xung quanh trêu chọc họ. Ẩu đả nổ ra.
Vui quá thôi, Mười-một-giờ-rưỡi tán thưởng.
Như vậy bị cáo sẽ được thay bằng một con ma nơ canh vải tin tưởng tuyệt đối rằng mình chính là Anatole France, điều này hoàn toàn phù hợp với chúng ta vì một trong những điều cáo buộc trong vụ này là việc cướp đoạt căn cước. Bị cáo Anatole, hãy đứng lên.
Con ma nơ canh không động đậy.
Chúng tôi kết tội anh đã ăn cắp tên của một dân tộc u mê đã ngu ngốc yêu quý anh quá đỗi: nước Pháp(25).
Đả đảo nước Pháp! Một nhà siêu thực trẻ hét lên.
Nước Pháp và khoai tây chiên muôn năm! Nhà hiền triết phấn khích.
Nước Đức và lát thịt bê muôn năm! Adolf hét lên.
Dì tôi và món bò xốt vang của bà muôn năm! Mười-một-giờ-rưỡi chêm vào.
Hãy làm bọn họ im mồm đi! Người đàn bà cầm ô lúc nãy hét lên. Các người báng bổ tất cả những gì thiêng liêng.
Thưa bà, nhà hiền triết gào lên, anh chỉ thể hiện hết khả năng của mình khi tình hình đã trở nên hỗn loạn, chúng tôi không tôn trọng bất cứ cái gì mà mọi người tôn trọng. Anatole France làm cho mọi người nhất trí khi nói về tài năng và con người của ông ta, thu được phiếu bầu của cả cánh tả và cánh hữu, vinh dự và thói hợm hĩnh thối rữa trên con người ông ta.
Thưa ông, tôi lúc nào cũng đặc biệt yêu thích Anatole France.
Tôi coi tất cả những kẻ ngưỡng mộ Anatole France là những sinh vật đồi bại! Aragon hào hứng hô, quên mất rằng mình đang đóng vai luật sư biện hộ.
Dừng ngay cái trò lố lăng này lại, một người đàn ông có chòm râu dê trắng phau lịch lãm, mặc quần áo màu xanh nước biển cất tiếng sang sảng. Các ông chỉ là một lũ khốn nạn nhỏ mọn.
Đúng thưa ông, tất cả chúng tôi ở đây là một lũ khốn nạn, sự khác biệt duy nhất là có những kẻ khốn nạn nặng và khốn nạn nhẹ. Ông thuộc loại nào?
Loại những người có phẩm giá!
Tôi ỉa vào phẩm giá!
Ông chỉ là một thằng ngu.
Đúng thưa ông, tôi là một thằng ngu hoàn hảo, tôi không giấu giếm điều đó và tôi không tìm cách thoát ra khỏi nhà thương điên nơi tôi đang sống. Ngược lại, tôi khai thác nó. Chính cái đó là chủ nghĩa siêu thực, thưa ông.
Tôi mặc xác cái chủ nghĩa siêu thực.
A, cuối cùng cũng có một câu nói thông minh.
Vui quá đi thôi, Mười-một-giờ-rưỡi nhắc lại.
Vì các ông tự cho mình là nghệ sĩ, cái ông mặc đồ xanh nước biển lại cất lời, hãy cho chúng tôi xem những cái các ông làm. Thay vì phá hủy thì hãy sáng tác đi.
Không, trước tiên chúng tôi muốn phá hủy đã. Từ của chúng tôi là đạn, câu của chúng tôi là súng tiểu liên, văn bản của chúng tôi là đội hành quyết. Người nghệ sĩ mới phản kháng, anh ta không vẽ nữa, anh ta tiến hành chiến tranh. Quét sạch! Rửa sạch! Đó là một thái độ siêu hình. Chúng tôi tin vào sức mạnh của hư vô.
Tầm phào!
– Dada! Dada! Dadadadada!
Để thể hiện sự gắn kết, những thành viên siêu thực trẻ bắt đầu đọc lên cụm từ vô nghĩa này như những đứa trẻ loa loa vào miệng cái bô. Những người muốn giữ vẹn lương tri muốn đứng lên ra về; người ta chửi rủa họ; các cú đấm đá văng ra và cuộc họp biến thành cuộc ẩu đả.
Một cái túi bay đến tận chỗ Adolf và đập vào trán Neumann. Máu nhỏ thành giọt.
Hôm nay văn chương thế là đủ rồi đấy nhỉ? Mười-một-giờ-rưỡi hỏi khi chìa chiếc khăn mùi soa sạch ra.
Đúng thế, lý thuyết cũng hòm hòm rồi đấy, Neumann nói.
Cả ba rời khỏi phòng và đi đến một tiệm thuốc gần Champs-Elysées để băng bó cho Neumann.
Tớ ngạc nhiên là cậu lại quan tâm đến những người bạn mới của tớ, Adolf nói với Neumann. Những cuộc tranh luận nghệ thuật này về mặt nguyên tắc đúng ra phải có vẻ hoàn toàn phù phiếm với cậu chứ nhỉ.
Breton là đảng viên đảng Cộng sản, Neumann ngần ngại nói, và nhiều nghệ sĩ siêu thực khác nữa.
Thế à? Adolf nói, đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Đúng vậy, hình như có một sự liên hệ giữa sự giải phóng trí tưởng tượng với việc giải phóng các giai cấp bị bóc lột.
À thế à? Adolf nói vẻ nghi hoặc.
Dù sao chúng ta cũng đã vui đùa thoải mái, Mười-một-giờ-rưỡi kết luận. Neumann chia tay hai bạn để đến nhà nhân tình nơi anh ở từ khi Mười-một-giờ-
rưỡi xuất hiện trong cuộc đời Adolf và từ khi anh ít nhiều từ bỏ hội họa để đến với chính trị.
Mười-một-giờ-rưỡi và Adolf quyết định đi bộ về nhà ở Montparnasse.
Thật là, Mười-một, em thấy họ có nghiêm túc không?
Ai cơ?
Những người siêu thực ấy.
Cẩn thận đấy. Em nhắc lại là anh cũng nằm trong số họ. Thuộc dòng hội họa trong chủ nghĩa siêu thực. Với Max Ernst, Chirico, Dali và những người khác. Vả lại, từ khi trào lưu ấy được biết đến, anh bán được nhiều hơn trước một chút.
Mười-một, anh đang nói chuyện nghiêm túc với em. Em nghĩ sao về chuyện đó?
Sống động, ồn ào, trẻ trung.
Ngu ngốc.
Đúng. Và chúng ta đã vui vẻ
“Chúng ta đã vui vẻ”, chỉ thế là đủ với em sao?
Hắn xẵng giọng, to tiếng. Khi quay lại, hắn nhận ra nàng đang khóc.
– Đúng vậy, chúng ta đã vui vẻ, thế là đủ với em, đó là điều quan trọng.
Nàng không kìm được nữa, khóc òa lên.
Mười-một-giờ-rưỡi, có chuyện gì vậy? Không phải em bị sổ mũi theo mùa. Cái tay thầy bói ấy nói gì với em?
Nàng ngoảnh mặt đi.
Ồ, ông ta nói với em điều em đã biết từ lâu. Nhưng em chỉ cần một lời khẳng
định.
Cái gì cơ?
Rằng em sẽ không sống lâu. Rằng em sẽ không sống qua tuổi ba mươi.
Xem nào, nhảm nhí quá. Làm sao em lại có thể tin…
Ừ thì em đã biết điều đó từ khi em còn bé tí. Một bà người Digan đã nói vậy khi xem tay cho em. Sau đó, em tự xem cho mình qua bói bài. Ông Jacob, ông ấy đã đọc thấy điều ấy qua cặn cốc cà phê(26).
Còn anh, cái đế giày của anh mách bảo rằng anh sẽ đá vào đít cái tay Jacob này! Hắn ôm Mười-một-giờ-rưỡi trong tay, nhấc bổng nàng lên như nhấc một đứa trẻ và
áp sát mặt mình vào mặt nàng. Hắn cọ mũi vào mũi nàng.
Anh không muốn em để mình phiền muộn bởi những kẻ mồm miệng ác độc. Em có một sức khỏe tuyệt vờivà em sẽ sống rất rất rất lâu.
Thật không? Mười-một-giờ-rưỡi hỏi, mắt mở to vì hy vọng.
Thật đấy.
Và em sẽ già đi bên anh, Adolf nói thêm.
Thật chứ?
Thật.
Mười-một-giờ-rưỡi choàng tay qua vai và áp đầu vào cổ Adolf, để mặc nước mắt tuôn trào vì nhẹ nhõm.
Ôi… em thấy mình hạnh phúc… em đã ngu ngốc… anh đã an ủi em… em biết là anh nói đúng.
Adolf rùng mình. Trong khi vừa khẳng định như đinh đóng cột sự lạc quan của mình, cũng với một sự chắc chắn như thế, vậy mà theo một cách không thể hiểu được, hắn linh tính rằng cái tay Jacob loắt choắt ấy chắc chắn đã nói đúng.
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.