Nửa Kia Của Hitler

4.



Bom. Đạn. Pháo. Đêm rách vụn bởi muôn ngàn mảnh đạn.

Hitler chạy. Hắn truyền đi các mệnh lệnh, bắn súng. Hắn sung sướng vì được trở lại chiến trường. Trận đánh là nhà hắn, quân đội là gia đình thực sự của hắn.

Bom. Đạn. Pháo. Đêm rách vụn bởi muôn ngàn mảnh đạn.

Hitler yêu chiến tranh vì nó cởi bỏ cho hắn mọi vấn đề. Nó cho hắn ăn, uống, hút, ngủ, nghĩ, tin, yêu, ghét. Nó đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách trong hắn, tâm hồn và thân thể. Nó đã giúp hắn cởi bỏ chính hắn, những hạn chế và những điều nghi ngờ. Nó đã cho hắn lý do để sống và thậm chí lý do để chết. Vì thế Hitler vô cùng thích chiến tranh. Nó đã trở thành tôn giáo của hắn.

Bom. Đạn. Pháo. Đêm rách vụn bởi muôn ngàn mảnh đạn.

Khả năng chiến đấu của hắn là vô tận vì nỗi căm thù quân địch của hắn là vô tận.

Hắn dũng cảm bởi hắn nghĩ rằng chính người bên cạnh sẽ chết chứ không phải hắn.

Bom. Đạn. Pháo. Đêm rách vụn bởi muôn ngàn mảnh đạn.

Hitler yêu chiến tranh vì nó đã giúp hắn giác ngộ được chính mình. Hắn hạnh phúc, từ sau kỳ nghỉ phép, vì giờ đây hắn đã có lòng tin. Đúng vậy. Đêm đầu tiên, trong chiến hào, hắn đã được nhận thần khải. Một sự thần khải thật sự. Lần đầu tiên trong lịch sử ngắn ngủi của đời hắn. Hắn đã phát hiện ra rằng chiến tranh chính là bản chất của sự tồn tại trên đời.

***

– Chúa ư? Đúng… chắc chắn rồi… Nhưng có nên gọi cái đó như thế không?

Adolf H. tư lự ngắm mặt trời đang bắt đầu xuống dần phía chân trời. Hắn thích cái lúc thiên nhiên trở thành một nghệ sĩ đầy cảm hứng, táo bạo dùng những màu pha lệch lạc, táo bạo tô trời màu xanh vỏ táo, màu cam, màu than hồng, mạo hiểm dùng tất cả các sắc độ trên bảng màu của mình chỉ trong khoảng nửa giờ.

– Lúc nào cũng vậy, vấn đề của Chúa là…

Xơ Lucie trả lời Adolf một cách hào hứng nhưng nàng biết thừa là hắn chỉ nghe cho phải phép và chỉ suy nghĩ một cách lười nhác, quá chú tâm quan sát những hình thù kỳ dị nguệch ngoạc trên vòm trời, như bao lần họ đi dạo lần cuối cùng trước khi trời tối. Liệu nàng có thể giận hắn được không? Hắn vừa trở lại từ một nơi xa đến thế. Tình yêu nàng dành cho người thương binh này – ở nơi bí mật trong tim mình nàng gọi hắn là người thương binh “của nàng” – chứa đựng mọi sự bao dung.

– Xong rồi. Bây giờ, ông ta dùng mực tàu tô cho mặt đất đây, Adolf nói.

Quả vậy, người ta chỉ nhìn thấy cây cối, nhà cửa và tường bao ngược sáng, được rút gọn lại thành những cái bóng nhảy múa. Trời xanh đậm và đặc tạo thành một màn phông mờ mờ. Tả màu xanh này như thế nào nhỉ? Màu xanh lơ Nattier? Màu xanh của vua nước Pháp? Thật kỳ lạ khi nghĩ thế đúng không? Bầu trời không phải của Pháp mà màu xanh này thì có. Một màu xanh của Pháp thế kỷ mười bảy hay mười tám.

Không, xơ ơi, tôi không biết điều gì đã xảy ra đêm hôm đó. Đúng là tôi đã cầu Chúa như xơ đã yêu cầu nhưng đó chẳng phải là cách để huy động mọi sức lực trong tôi để chiến đấu ư? Đó chẳng phải chỉ đơn giản là một cuộc nổi loạn của tất cả sức lực con người tôi ư? Chẳng phải là một trận chiến chống lại tử thần do ý thức và cái xác này của tôi chỉ huy ư?

Có cả cái đó nữa.

Và xơ gọi cái đó là Chúa ư? Đó chỉ có thể là của con người. Chỉ con người mà

thôi.

Thế còn lời cầu nguyện của tôi? Cùng lúc với lời cầu nguyện của anh? Ở bên trên lời cầu nguyện của anh?

Có thể một nguồn năng lượng sống đã chuyển từ người này sang người kia? Xơ đã cho tôi năng lượngsống của xơ.

Tóm lại, anh tìm cách giải thích chuyện đêm ấy là chỉ nhờ vào hành động của chúng ta, của anh và của tôi?
Đúng vậy thưa xơ, trong mắt tôi chúng mình như một đôi.

Đừng bông lơn nữa. Tôi chỉ thấy mỗi điều là anh là người bội ơn, đang dùng hàng tràng “có thể” với giả thiết và lý giải có điều kiện để cố tránh đối diện với Chúa và tránh thể hiện lòng biết ơn với Người.

Xơ Lucie nói điều đó không hề tức giận hay cay đắng. Nàng tin chắc tuyệt đối, trong cái đêm nguy kịch ấy, phép lạ đã xảy ra song nàng không hề nóng lòng buộc hắn phải thừa nhận điều ấy. Nàng đã biết trước rằng một ngày nào đó chân lý sẽ trở thành hiển nhiên, nhưng nó cần có thời gian để mở đường trong một cái đầu ương ngạnh như của Adolf H.

Tuy nhiên, Adolf à, nếu mọi chuyện xảy ra chỉ nhờ vào nỗ lực của con người trong cái đêm ấy thì anh sẽ giải thích thế nào về sự thành công của nó? Nói thế thì đêm nào cũng vậy, cái ham muốn được sống và cái năng lượng ấy lẽ ra đã phải giành phần thắng trên tất cả các giường bệnh ở đây chứ.

Xơ Lucie, với xơ thì tất cả các thành công là nhờ thần thánh còn thất bại là do con người.

Xơ Lucie cười. Trong sâu thẳm, nàng thích sự chống đối này của Adolf, điều đó làm nên sức mạnh vô hạn của các cuộc đối thoại giữa họ. Liệu họ có nói với nhau nhiều điều như thế không nếu hai người đồng ý với nhau?

Anh không muốn tin vào Chúa vì anh quá kiêu ngạo để có thể cảm thấy biết ơn.

Tôi mà kiêu ngạo? Ngược lại. Tôi không nghĩ là tôi đủ quan trọng để Chúa phải đi lại vì tôi.

Trong mắt Người ai cũng quan trọng như ai. Người chăm sóc tất cả mọi sinh linh.

Thế ư? Vậy thì ông ta phải đến chiến trường thường xuyên hơn một chút. Đôi khi những người lính hấp hối cả mấy ngày trước khi cái chết hay một anh tải thương thu lượm họ. Chúa của xơ, xơ Lucie ạ, tôi khó có thể tin vào ông ta trong cuộc chiến này. Trong trí tưởng tượng của tôi, ông ta không phải là người thích cảnh tàn sát đến thế.
Chính con người đã làm nên chiến tranh giữa họ. Chỉ có họ mà thôi. Xin anh đừng lôi Chúa vào chuyện này.

Nàng có lý, Adolf biết điều đó và không ngừng nghĩ đến việc này.

Các con vật ăn thịt nhau nhưng không gây chiến tranh với nhau. Từ đầu cuộc chiến, hắn đã thống kê những cái làm con người khác con vật; hiện tại hắn thấy có thuốc lá, rượu và chiến tranh. Ba cách tự sát nhanh nhất. Xét cho cùng, con người khác con vật ở chỗ con người nóng lòng muốn chết. Một hôm, xơ Lucie đã nhắc lại cho hắn một đặc điểm khác nữa của con người: tiếng cười. Đây là lần đầu tiên Adolf đồng ý với nàng. Chỉ con người mới cảm nhận được cái nhu cầu không gì cưỡng lại được là chế giễu lẫn nhau.

Anh đi tốt hơn rồi đấy.

Đúng vậy. Sắp tới tôi sẽ khỏe đến mức được người ta gửi lại ra chiến trường. Nhờ có xơ, xơ Lucie, tôi sẽ lại có thể dùng được và sẽ chết một cách tươm tất.

Xơ Lucie cắn tay mình.

Anh đừng nói thế. Tôi muốn được giữ anh lại biết bao.

Adolf trìu mến nhìn nàng.

– Hãy đẩy tôi xuống cầu thang… quẳng tôi từ trên tháp cao xuống.

Nàng cười, như thể đã được những đề nghị phi lý của Adolf làm cho yên tâm.

Anh đừng có thách. Hắn cười. Nàng cũng thế.
Hắn dựa mạnh hơn vào tay nàng.

Xơ có biết là khi ra đi, tôi sẽ buồn vì phải ra chiến trường, nhưng trước hết là buồn vì phải xa xơ không?

Đó là số phận của những người y tá và bệnh nhân hồi sức. Sống những giờ phút tươi đẹp bên nhau để rồi không bao giờ gặp lại, nàng nói và gượng gạo tỏ ra bình thường.

Sống những giờ phút tươi đẹp bên nhau để rồi không bao giờ quên, Adolf sửa

lại.

Mắt xơ Lucie nhòe đi. Môi nàng run lên.

Không bao giờ. Tôi cũng thế, tôi sẽ không bao giờ quên, Adolf.

Chúa, đó là vấn đề tên gọi mà thôi. Liệu đó có phải là cái tên cần đặt cho việc được chữa khỏi? Tôi nghi ngờ điều này. Ngược lại, tôi biết rất rõ phải gọi thế nào cái mà xơ đã trao cho tôi, từ ngày đầu đến ngày cuối, và trong cái đêm khủng khiếp ấy: đó là tình yêu.

Xơ Lucie quay mặt đi để giấu nỗi xúc động.

Nghĩa vụ của tôi là phải yêu.

Cái đó thì tôi đã hiểu rõ và ghi tạc trong lòng. Tôi yêu xơ, xơ Lucie ạ.

Xơ Lucie giật nảy mình.

– Tôi yêu anh, Adolf.

Họ để cho những lời nói đó đi vào lòng mình. Họ cảm thấy bớt cô độc trên cõi đời này. Màn đêm dường như ít bao la hơn với họ và ít dày đặc hơn quanh họ.

Tiếng chuông phòng ăn vang lên lanh lảnh.

– Ta về thôi. Hãy dựa vào tôi.

Họ bước đi người tựa vào nhau, gắn kết, hòa hợp đến mức họ ngỡ là trong giây phút này đây, như trong sự im lặng trước đó, thân thể của họ đã nhập vào thành một.

Khi qua bậc tam cấp, gặp lại cái ánh sáng màu vàng làm họ trở lại với mình và chia rẽ họ, xơ Lucie thì thầm vào tai Adolf, trước khi biến mất:

– May quá, lúc nãy anh nói “Tôi yêu xơ, xơ Lucie ạ,” nếu không có chữ “xơ” em

không biết là mình sẽ làm gìnữa.

***

Cuộc chiến đang sa lầy.

Hàng đêm, nó tiếp tục sản xuất ra vẫn chừng ấy tử thi, nhưng tất cả những cái chết này chẳng để làm gì cả. Mặt trận xê dịch được vài mét rồi một tuần sau lại giật lùi, những người lính kiệt sức để bảo vệ dải đất mà họ chưa biết đến trước cuộc chiến và giờ đây họ phải giao nộp mạng sống của mình cho nó. Tình trạng phi lý này đè nặng thêm vào sự chán nản và dưới bầu trời thấp tịt, u ám nơi ánh sáng ủ dột của miền Bắc đang rỉ ra, tất cả sự hăng hái đã biến mất. Chỉ còn lại nỗi khủng khiếp thường trực.

Về phần mình, sự hăng hái của Hitler và Foxl không hề suy giảm. Chúng đã phát hiện ra một niềm đam mê mới của cả hai: săn chuột.

Không chỉ một lần, giữa đêm, chúng đã bị một đàn chuột tập kích. Bọn gặm nhấm đến, nhảy nhót, kêu chin chít, ào ra từ chỗ ẩn nấp với số lượng đông không thể tưởng, đến mức mặt đất trở thành một cái áo lông sống, lúc nhúc, không có hình dạng, kêu rin rít, đó đây nổi lên một cái hàm nhỏ rắn chắc hay một cái mắt vàng như axít thấm đẫm căm thù, một tấm thảm bóng láng và chuyển động phăng hết trên đường đi của mình tất cả những cái gì ăn được, bánh mì, túi, đồ hộp, nội tạng hoặc chân, tay rơi rụng của các tử thi. Cánh lính càng ghét cay ghét đắng bọn chuột còn vì biết rằng khi bị thương chí mạng, những con vật ăn xác này sẽ là những gã phường đòn đầu tiên của họ và sẽ lao vào xé xác họ với bộ răng của chúng.

Vậy là lúc rảnh rỗi ngoài giờ làm liên lạc, Hitler và Foxl dành thời gian săn chuột, mỗi kẻ làm theo cách của mình. Foxl dùng các kỹ thuật cổ điển của giống chó phốc sục hang, Hitler thì dùng đến những kỹ thuật tinh xảo. Hắn để một mẩu bánh mì làm mồi rồi ngồi không xa đó, dùng báng súng đập và giã nát con vật khi nó đến gần bẫy. Cái làm hắn sung sướng hơn nữa là chiến thuật số hai theo đó hắn rải thuốc súng quanh miếng mồi, lấy từ những quả đạn cối tịt, và châm lửa đốt khi các con vật đến gần: khi đó hắn được hưởng cảm giác được nhìn chúng bị thiêu sống. Từ một trò tiêu khiển đơn giản, săn chuột đã trở thành một nỗi ám ảnh và Hitler tự hứa với mình sẽ hết sức kiên trì để bằng mọi giá, đạt đến giải pháp cuối cùng: tận diệt vĩnh viễn tất cả chuột trên chiến trường.

Hôm đó, Hitler đang sửa soạn làm nhiệm vụ. Hắn và Foxl, sau một cuộc săn thắng lợi vào buổi chiều, chạy trong chiến hào dẫn đến ban chỉ huy số 1, bỗng có tiếng vỏ đồ hộp leng keng, cả hai dừng lại.

Một con chuột nhảy lên từ bờ chiến hào, kéo theo nó là một cái bẫy thép, thứ đó chỉ làm nó bị thương mà không chết. Nó chạy về phía trận địa của đối phương gây ra tiếng ồn ĩ hoảng loạn. Foxl nhảy khỏi đường hầm và đuổi theo con mồi.

– Foxl, lại đây! Foxl quay lại!

Con chuột, điên dại đến mức không biết gì nữa và đau đớn, chạy lung tung kéo

theo Foxl trong cơn điên loạn.

– Foxl, quay lại! Foxl, lại đây!

Một tiếng súng vang lên. Foxl đột nhiên kêu ăng ẳng và ngã vật sang một bên.

Con chuột tiếp tục chạy cuống cuồng giữa hai chiến tuyến Pháp và Đức.

– Foxl!

Hitler thò đầu lên trên chiến hào để xem chuyện gì đã xảy ra với con chó của mình. Đúng lúc đó hai viên đạn bay đến bắn tung bao đất ngay cạnh hắn, chỉ cách đầu hắn trong gang tấc. Kẻ địch vừa bắn về phía hắn.

– Khốn kiếp! Khốn kiếp!

Hắn co quắp trong hào. Hắn nghe thấy tiếng con chó đang rên. Foxl đã bị thương. Không thể chịu được. Cần phải làm một cái gì đó. Nhưng làm gì đây? Đêm xuống. Hắn treo cái mũ lên trên khẩu súng dò xem kẻ địch có còn rình rập không và thò nó lên trên hào. Chỉ nháy mắt, một viên đạn đã bay đến găm vào chiếc mũ kim loại.

– Khốn kiếp!

Trời tối đen. Quả pháo sáng đầu tiên đã tỏa sáng trên trời và cái dù bằng lụa của nó phát ra một thứ ánh sáng xanh lục, dấu hiệu cho thấy cuộc chiến lại tiếp tục.

Bom đạn bắt đầu trút xuống.

Màn đêm đen ngòm trở nên điên loạn. Một sự bùng vỡ. Một sự nhiệt cuồng.

Hitler không cử động.

Tất cả pháo binh Đức đã triển khai quanh hắn. Kẻ bắn. Kẻ quạt liên thanh. Kẻ rú hét. Kẻ ngã xuống. Hitler cảm thấy mình không thể quay lại công sự của mình được nữa. Những khi ngơi tiếng súng, hắn nghe thấy tiếng rên của Foxl. Hắn tê tái trước sự đau đớn mà con chó đang phải chịu.

– Khốn kiếp, lũ khốn kiếp, hắn rít lên qua kẽ răng.

Đến nửa đêm, tiếng kêu của Foxl thay đổi. Nó tru lên hấp hối. Nó hiểu rằng mình sắp chết, một mình, vào đêm nay, dưới bầu trời bị thép và lửa xé rách tơi tả.

Hitler khóc. Hắn thậm chí không dám gọi con chó của mình, hắn muốn Foxl nghĩ rằng nó đang ở một mình, hắn thà để cho con chó không biết là chủ nó, bất lực, đang ở cách nó có vài mét, dán mình dưới một cái hố.

Buổi sáng, tiếng rên nghe mảnh hơn, chói hơn, xót xa hơn. Foxl sắp chết đến nơi nhưng vẫn tiếp tục gọi. Hitler lấy hai tay bịt tai lại.

Khốn kiếp! Không được giết động vật! Chúng mày muốn giết bao nhiêu người tùy ý nhưng không được giết động vật!

Khi tiếng súng ngưng hẳn vào sáng sớm, hắn còn nghe thấy con chó thở thoi thóp. Xung quanh hắn, những người tải thương đang chạy đi chạy lại mang theo hàng đống người chết và bị thương.

Hắn gượng đứng dậy được, cầm súng, thò đầu khỏi hố để tìm Foxl và bắn.

Cuối cùng tiếng rên cũng im bặt. Foxl đã chết. Lòng căm thù bùng phát trong

Hitler thế chỗ sự ảo não. Hắn tuôn ra hàng tràng chửi rủa kẻ thù:

Lũ khốn kiếp! Chúng mày sẽ không bao giờ thắng được, chúng mày nghe rõ chứ, không bao giờ! NướcĐức sẽ đến uống máu chúng mày, chúng mày sẽ quỳ gối trước nước Đức, chúng mày sẽ trở thành nô lệ củachúng tao, Paris sẽ thuộc về nước Đức! Tao căm thù chúng mày! Tao căm thù chúng mày. Tao sẽ trả thù và không gì đủ mạnh để thỏa mối thù này. Tao căm thù chúng mày! Lũ khốn kiếp!

Rồi hắn quay súng bắn bừa bãi về phía quân Pháp, hy vọng sẽ trúng kẻ đã giết Foxl, không nghĩ ngợi một giây rằng hắn đã có thể chết rồi.

Phải bốn người y tá mới giữ được hắn và bác sĩ trưởng phải cho hắn một mũi an thần.

***

Bernstein, Neumann và Adolf ngồi sưởi dưới ánh mặt trời uể oải cạnh lán tham mưu. Không gian bốc mùi nhựa đường, mùi giấc ngủ trưa và mồ hôi chân.

Chúng ta sẽ thua.

Neumann vừa đọc tất cả các tờ báo tìm được trong sọt rác của những sĩ quan.

Chúng ta ư? Bernstein kêu lên. Tớ không còn thuộc về bất cứ cái “chúng ta” nào khác ngoài ”ba chúng ta”. Với tớ, còn sống sau cuộc chiến đã có nghĩa là chiến thắng. Nếu tớ sống sót trở về từ chiến trường thì tớ cũng báo luôn cho các cậu biết là tớ sẽ không còn là công dân Áo, thậm chí không còn là công dân của bất cứ đất nước nào. Là một người vô quốc tịch và yêu hòa bình, sau cuộc chiến tớ sẽ trở về thế đấy.

Cũng còn phải giữ được mạng trong mấy tuần nữa, Adolf thêm vào, vẻ lo lắng. Từ khi quay lại chiến trường và được hưởng niềm vui gặp lại bạn bè và họ vẫn

còn sống, không giây phút nào Adolf không sợ một điều gì đó xảy ra với họ. Nhóm của họ đã tái hợp, gắn bó hơn vì đã trải qua biết bao nguy hiểm cùng nhau, họ vẫn không bao giờ nói gì về những tình cảm gắn kết họ lại với nhau, mảnh nhân tính duy nhất còn lại trong cái thế giới đã mất đi trái tim và lý trí này.

Cuộc chiến này không còn là của con người, Adolf tiếp tục nói. Đó là cuộc chiến của kim loại, của hơi ngạt và thép, một cuộc chiến của những nhà hóa học và những tay thợ rèn, một cuộc chiến của những nhà công nghiệp, cuộc chiến trong đó chúng ta, những đống thịt tội nghiệp không còn được dùng để chiến đấu mà dùng để kiểm tra xem sản phẩm của chúng giết người có hiệu quả không.

Cậu có lý, Bernstein nói. Đó là cuộc chiến của các nhà máy, không còn là cuộc chiến của con người. Người chiến thắng sẽ là người khạc ra nhiều sắt thép nhất. Còn chúng ta, chúng ta chẳng có ý nghĩa gì. Khi tớ nhìn thấy những chiếc xe tăng đầu tiên đến, cái đống thép nặng hàng tấn ấy tung hoành khắp nơi và nghiến nát mọi thứ, tớ đã hiểu ra rằng chúng ta chẳng để làm gì cả. Dũng cảm và khéo léo để làm gì trước một cái máy mà trong mọi trường hợp cậu chẳng thể làm gì được nó và bị nó tiêu diệt?

Các cậu nói cái gì vậy? Neumann thốt lên. Nghe các cậu nói thì các cậu chỉ tham

gia chiến tranh khi được giết nhau sát sạt, mặt đối mặt, phải vậy không?

Đúng vậy.

Riêng tớ, tớ sung sướng vì không biết mình bắn vào cái gì, quét liên thanh vào cái xa xa, ném lựu đạn về hướng người ta chỉ. Nếu có người trước mặt tớ, tớ không biết mình có thể làm được những việc đó hay không.

Nói gì đi nữa, Bernstein nói, tớ không muốn chiến tranh. Tớ không còn muốn mình thuộc về bất cứ quốc gia nào nữa.

Nhưng cậu cũng cần phải sống ở đâu đó chứ, Adolf phản đối.

Ở đâu đó, đúng vậy, nhưng là ở trong một đất nước chứ không phải trong một quốc gia.

Có gì khác nhau?

Một đất nước trở thành một quốc gia khi nó ghét tất cả các nước khác. Chính hận thù là cơ sở tạo nên một quốc gia.

Tớ không đồng ý, Neumann nói. Một quốc gia, đó là một đất nước được tổ chức để đảm bảo cho cậu sống trong hòa bình.

Thế à? Liệu có chiến tranh không nếu không có các quốc gia? Chúng ta đang làm gì ở đây nào? Chỉ vì một tay người Serbia đã giết một tay người Áo, người Đức và người Áo đã gây chiến tranh với người Pháp, người Anh, người Ý, người Mỹ, người Nga. Cậu có thể giải thích điều đó bằng một lô gích khác ngoài lô gích hận thù được không? Chủ nghĩa quốc gia là một chứng loạn thần kinh nguy hiểm chết người, Neumann thân mến của tôi ạ, và nói như bác sĩ Freud thì nó trở thành chứng loạn tâm thần không thể đảo ngược khi được biến thành lòng yêu nước. Nếu cậu thừa nhận nguyên tắc quốc gia có nghĩa là cậu thừa nhận nguyên tắc của tình trạng chiến tranh thường trực.

Họ lắng nghe tiếng gầm gừ của chiến trường từ xa vẳng lại. Cảnh vật xung quanh như rình rập. Như thường lệ, sắt thép sẽ phát cuồng lên vào ban đêm.

Sau chiến tranh, tớ sẽ đến sống ở Paris, Bernstein tuyên bố.

Paris à? Tại sao?

Vì chính là ở đó mà người ta sáng tạo hội họa hiện đại từ ba mươi năm nay.

Ở khu Montmartre á?

Không. Chỗ đó xưa rồi. Ở Montparnasse cơ. Tớ sẽ thuê một cái xưởng thật lớn ở phố Campagne-Première và lập nghiệp ở đó.

Nói xem nào, cậu có vẻ biết rõ tất cả những cái đó nhỉ.

Tớ có người quen ở đó.

Bernstein im lặng một cách bí hiểm. Adolf và Neumann không nài hỏi vì biết bạn mình hay e thẹn quá đáng khi nói đến quan hệ yêu đương của mình.

Bernstein ngẩng đầu lên và nhe răng cười.

– Ai yêu tớ thì theo tớ! Đến ở Montparnasse nhé?

Ở Montparnasse!

Ở Montparnasse!

Và ba người bạn cùng cười, hạnh phúc với ý nghĩ tươi đẹp rằng tương lai của họ đã được hoàn trả cho họ.

“Trong lúc chờ đợi còn phải giữ được mạng sống cái đã,” Adolf thầm nghĩ, lòng bất ổn.

***

– Lùi lại phía sau nhanh!

Cả đơn vị lùi lại. Quân Anh đã xâm nhập vào hai đầu chiến hào, quân Đức quyết định không cố thủ và chạy sang trú trong những nhánh hào bên cạnh.

Bên trái! Cái này cũng bị chiếm rồi. Bên trái! Nhanh! Họ lại chạy sang bên trái.

Trong đêm tháng Mười năm 1918 này, trung đoàn của lính liên lạc Hitler lại ở trên

vùng đất đầy bùn này lần thứ ba kể từ năm 1914. Sau khi trở thành nơi nghỉ mát cho họ, ngôi làng Comines đã trở thành trận địa. Quân Anh tiến lên, giành giật từng thước đất.

Trừ Hitler, mọi người đều biết rằng chiến tranh, sau bốn năm mang bệnh kinh niên, đang tiến gần đến những ngày cuối cùng. Nước Đức đang lùi bước. Trong vòng vài tháng, nó vừa mất đi một triệu người, dốc cạn dự trữ lương thực, đạn dược và tinh thần của mình.

Hitler nhất định không tính đến khả năng nước Đức bị thất bại vì hắn đã nhập mình vào nước Đức. Hắn, Hitler, người bất khả chiến bại, quả cảm, kiên cường, luôn được phép màu bảo vệ không bao giờ ngã xuống, nước Đức sẽ chiến thắng. Để nhận định tình hình, hắn chỉ giữ lại những tin tức giúp củng cố niềm tin của mình: chiến trường Nga sụp đổ, thất bại của người Ý và cuối cùng là huân chương Thập tự sắt hạng nhất, do trung úy Hugo Gutmann trao ngày 4 tháng Tám vừa rồi, một tặng thưởng đặc cách cho một viên hạ sĩ quèn. Vậy thì sao? Đó chẳng phải là bằng chứng rằng chiến tranh đang tiến triển theo chiều hướng tốt hay sao?

– Chạy vào bụi cây, nhanh! Nấp đi!

Hắn bắt đầu thấy việc mình chỉ là một trong số tám triệu người là chuyện bất bình thường. Hắn có ở đúng chỗ của mình không? Liệu có công bằng không khi hắn, người có thể làm được chừng ấy việc cho Tổ quốc, chỉ là một tay hạ sĩ quèn trên chiến trường, bị trưng ra trước hành động ngẫu nhiên của bất cứ một gã nào đối diện?

– Bò ra phía bìa rừng! Nhanh!

Hắn không định thay Foxl bằng một con chó khác vì không muốn lại trao cho kẻ thù cơ hội để hành hạ hắn nhiều như lần trước.

– Cẩn thận: khí độc!

Báo động có khí độc truyền từ người lính này sang người lính khác. Khí độc. Khí

độc. Khí độc. Mỗi người đều có một cái mặt nạ để bảo vệ mình.

Số lượng những cuộc tấn công bằng khí độc đang gia tăng. Trong quân đội Đức, người ta nói rằng quân Anh cho vào trong đạn cối một loại sản phẩm mới, hơi mù tạt, một loại hóa chất tác động ngầm, có độ phát tác tùy theo từng nạn nhân. Mỗi người chỉ biết được tác động của loại chất độc này vào cơ thể mình như thế nào khi bị nó hành hạ. Một vũ khí tinh vi gây khiếp sợ.

Hitler thấy khó thở trong chỗ phình chật hẹp của cái mặt nạ. Hắn thấy khó thở và phát ốm khi nghĩ đến việc mình chỉ có lượng dự trữ không khí đủ cho hơn mười phút.

Phía trước, Hugo Gutmann, nhân cơ hội có pháo sáng, ra hiệu cho quân của mình giữ nguyên mặt nạ.

Họ bị vây trong một cơn mưa đạn cối chứa đầy khí độc, trời lặng không một chút gió, làn khí độc cứ luẩn quẩn không chịu tan đi. Những cái mũ nhọn nổi lên trên đại dương khói nhờ nhờ trắng trông như những con cá đang bay.

Hitler không chịu được nữa. Ngay cả khi ép mình thở tằn tiện nhất có thể được, hắn vẫn thấy cơ thể mình thiếu ô xy và yếu đi một cách nguy hiểm. Hắn có thể làm gì đây? Giờ hắn có hai lựa chọn: hoặc là chết ngạt trong cái mặt nạ của mình hoặc chết vì nhiễm khí độc.

Trước mặt hắn, nhiều người đã đứng lên và giật mặt nạ bảo hộ ra.

– Chạy thôi! Trốn khí độc đi! Nhanh!

Hugo Gutmann, khi thấy đồng đội đang trở nên hoảng loạn, cũng bỏ mặt nạ của mình ra để ra lệnh cho họ chạy khỏi vùng đất chết người này.

Hitler bắt đầu lao mình về phía trước, vẫn đeo nguyên mặt nạ, khi cảm thấy ngạt thở, hắn quẳng nó đi và rảo cẳng chạy nhanh hơn nữa.

Ta là người vô địch. Ta thoát khỏi đạn lửa. Khỏi đạn cối. Khỏi khí độc. Ta thoát khỏi mọi thứ. Sao hộ mệnh của ta tiếp tục bảo vệ ta ngang với tầm vóc của ta. Ta sẽ thoát khỏi chuyện này.

Chạy nhanh khoảng vài trăm mét và thấy nhiều người ngã xuống quanh mình, thêm một lần nữa hắn kết luận rằng tấm giáp vô địch của hắn đã làm tròn vai trò của mình.

Cuối cùng hắn cũng đến được chỗ trung úy Gutmann trong một cái hố được pháo binh của họ bảo vệ.

Anh sao rồi, hạ sĩ Hitler?

Rất khỏe, thưa trung úy.

Thoắt một cái Hitler đã thoát xuống phía hậu cứ, tránh xa nơi bom đạn đang điên cuồng trút xuống.

Sáu giờ sáng, hắn thấy mắt mình nóng lên.

Sáu giờ ba mươi, mắt bỏng rát.

Bảy giờ, mắt hắn nóng như than cháy rực.

Bảy giờ ba mươi, Hitler nghi là mình có thể đã hít phải khí độc.

Tám giờ, trời sáng bảnh nhưng bao quanh Adolf Hitler là một màn đêm đen kịt.

Hắn hiểu rằng mình đã bị mù.

Hắn ngã phệt tại chỗ. Ở đâu đây? Hắn không còn nhìn thấy gì nữa và kêu gào:

– Mắt của tôi! Khí độc! Mắt của tôi!

Hốc mắt hắn như có lửa đốt trong khi cả phần còn lại của cơ thể như tê liệt trong băng giá. Người hắn vừa sốt cao vừa run lên bần bật. Hắn thấy mình được đưa lên một cái cáng.

Một bàn tay nắm lấy tay hắn.

Tôi nghĩ là chiến tranh đã chấm dứt với anh, Hitler ạ. Hắn nhận ra giọng nói của trung úy Gutmann.

Câu nói này làm hắn tê liệt; chiến tranh kết thúc với hắn rồi ư? Cuộc chiến sẽ thế

nào nếu không có hắn? Và chiến trường không có hỏa lực của hắn sẽ như thế nào? Và nước Đức sẽ ra sao không có niềm tin của hắn? Hắn muốn phản đối, phủ nhận sự mù lòa của mình, yêu cầu người ta để hắn ở đó, nhưng sức mạnh của hắn đã không trả lời hắn.

“Người sẽ chết ở nơi người mắc tội…”

Vượt lên trên những cái xóc của chiếc xe cam nhông nhỏ, những tiếng rít của tàu hỏa, câu nói mà hắn đã nghe khi còn nhỏ vẳng bên tai hắn cùng những cơn sốt tăng và giảm liên tục.

“Người sẽ chết ở nơi người mắc tội.”

Hắn là một họa sĩ. Hắn vừa mất đi đôi mắt của mình. Hắn không vẽ nữa và sự tàn tật loại hắn ra khỏi chiến trường. Nếu không chết đi thì hắn sẽ trở thành cái gì?

***

Adolf H., Neumann và Bernstein biết chắc rằng họ đang chiến đấu trận cuối cùng. Họ chiến đấu mà không chiến đấu, bắn cầm chừng cho có, như trong một buổi tập chứ không phải là đêm diễn thật sự.

Có lẽ họ muốn chiến đấu cầm chừng nhưng hỏa lực mãnh liệt của quân địch không cho phép họ làm thế. Có lẽ họ chỉ muốn tự bảo vệ mình nhưng bạo lực đã cuốn họ đi và buộc họ phải chiến đấu. Có lẽ họ muốn được coi là bệnh binh nhưng, như những kẻ tôn sùng cái đẹp, họ đã bị sự huy hoàng vô ích của trận chiến cuối cùng thu hút một lần cuối.

Đêm nay trăng tròn nên máy bay hoạt động dễ dàng hơn. Đạn pháo rơi ào ạt như mưa, mỗi lần lại chứng tỏ sức mạnh khí tài vượt trội của quân địch.

– Giữ cho đến sáng, Adolf lẩm bẩm.

Bộ binh Pháp tràn đến từ khắp nơi. Phải rút lui. Ba người bạn bị tách ra theo mệnh lệnh của cấp trên và theo hoàn cảnh.

Adolf đi qua đêm nay như kẻ mộng du. Là chiến binh lão luyện, hắn có những

động tác thuần thục, những phản xạ tuyệt vời, nhưng tâm trí hắn đã để ở nơi khác, ở ngày mai, ở ngày kia, ở hòa bình.

– Giữ cho đến sáng.

Đã nhiều lần, hắn thờ ơ nhận thấy mình suýt chết. Những viên đạn bắn sát người hắn. Những quả đạnghém xả khói vào người hắn. Hắn coi thường chuyện đó.

– Giữ cho đến sáng.

Hắn sợ rằng việc mình sớm tách khỏi đội hình sẽ đem lại điều không may. Hắn cố ép mình sợ hãi. Vô ích.

– Giữ cho đến sáng.

Bình minh rốt cuộc cũng đến, đầy hứa hẹn. Tiếng súng đạn thưa dần, trời cũng sáng dần lên.

Adolf đi bộ rất lâu để đến được lán tham mưu cuối cùng ở hậu cứ.

Khi đến gần, nhìn vẻ mặt xám xịt của các sĩ quan, hắn biết mình đã đoán đúng.

Người ta vừa thông báo chính thức: nước Đức đã thua trận.

Hắn ngồi lên một chiếc ghế băng bằng gỗ và thả mình vào ánh sáng mặt trời. Hắn tắm nắng. Những ngọn lửa nhợt nhạt của mùa đông chầm chậm sưởi ấm, làm cho hắn thư giãn như được tắm một lúc lâu, gột rửa hắn khỏi bốn năm đầy mồ hôi, canh cánh, khỏi những nỗi sợ chết người. Cuối cùng, bình minh hôm nay đã là một bình minh thực sự, bình minh quyết định một ngày mới bắt đầu. Cuộc sống và tương lai đã được trả lại cho hắn.

Neumann nhanh chóng gặp lại Adolf. Anh ngồi xuống không nói một lời. Một sức mạnh duy nhất truyền qua người họ. Họ biết rằng mình đang hạnh phúc.

Những người bị thương trong đêm đang được chuyển đến.

Những người lành lặn giúp những người liệt bại. Hai người tải thương khiêng đến một đống thịt đang rên rỉ trên cáng.

– Tiêm, người y tá hét lên hãi hùng.

Bác sĩ tiến lại gần và thoáng chững lại trước cảnh tượng ghê rợn. Ông ta quay mặt đi, cầm tay người đàn ông bị thương và tiêm thuốc giảm đau. Adolf và Neumann tiến lại gần. Mặt người lính ấy đã bị lột da. Anh ta không còn mắt, không còn mũi, không còn miệng. Ấy thế mà anh vẫn còn sống. Trong cái đống thịt bầy nhầy, máu chảy ròng ròng, vẫn còn một cái miệng muốn nói, một cái cằm động đậy theo thói quen, một chàng trai tìm cách gọi đồng đội, nhưng từ cái đống thịt tơi tả ấy chỉ còn phát ra một mớ âm thanh hỗn độn, rời rạc.

– Nhìn tay kìa, Adolf nói.

Người lính ấy đeo một cái nhẫn bạc ở ngón đeo nhẫn. Đó chính là Bernstein.

***

– Anh bị nhiễm độc hơi ngạt. Dần dần anh sẽ lấy lại thị lực.

Bác sĩ Forster trấn an người bị thương trong phòng lớn giữa bệnh viện đầy ắp tiếng

rên la.

Trái với điều anh nghĩ, mắt anh không hề bị hỏng và anh không bị mù vĩnh viễn. Đó là một ca viêm kết mạc cấp cộng với việc mí mắt bị phồng lên.

Hitler nghe bác sĩ nói nhưng thấy khó mà tin vào những gì anh ta nói. Hắn vẫn bị đóng đinh vào bóng tối. Hắn biết rằng mình đang ở bệnh viện Pasewalk nhưng hắn không nhìn thấy gì xung quanh, hắn biết rằng bác sĩ Forster đang chữa trị cho mình nhưng không thể nói anh ta tóc màu nâu, vàng hoe hay hung đỏ, hắn biết tất cả những người cùng phòng qua tên, qua giọng nói và những câu chuyện của họ và với hắn, việc nằm giữa chừng ấy thân thể và khuôn mặt không quen biết là một sự thân mật không thể tha thứ được.

Có thể giờ đây anh đã lấy lại thị lực rồi. Thậm chí điều này là chắc chắn. Song để cẩn thận, tôi vẫn buộc anh phải đeo băng kín mắt.

Nhưng còn tay tôi thưa bác sĩ, tại sao anh lại buộc tay tôi vào giường thế này?

Tôi không muốn anh dụi mắt. Nếu làm vậy anh có nguy cơ làm viêm nhãn cầu và mi mắt đến mức làm anh mù thực sự.

Tôi thề với bác sĩ là…

Đó là để tốt cho anh thôi, hạ sĩ Hitler ạ. Anh nghĩ là tôi muốn còng tay một người anh hùng đã được tặng thưởng huân chương Thập tự sắt hạng nhất hay sao? Tôi muốn chữa khỏi cho anh vì anh xứng đáng với điều ấy.

Hitler im lặng và đồng ý. Bác sĩ Forster biết rằng Hitler sẽ ngoan ngoãn nghe lời khi người ta nịnh hắn một cách hợp lý. “Một con người kỳ lạ, anh nghĩ, có thể chịu đựng tất cả nếu người ta thừa nhận anh ta là một người xuất sắc. Một sự dũng cảm lạ thường dựa trên sự tự đánh giá cao một cách lệch lạc về mình. Hiếm khi gặp một người có cái Tôi mạnh như vậy và yếu như vậy. Mạnh vì anh ta cho rằng mình là trung tâm tuyệt đối của thế giới, một cái đầu nhồi nhét đầy những điều chắc chắn không gì lay chuyển nổi, tin chắc rằng mình luôn luôn nghĩ đúng. Yếu vì anh ta có một nhu cầu ghê gớm được người khác công nhận chiến công của mình, được người khác trấn an rằng mình là người có giá trị. Đó làcái vòng luẩn quẩn của những người có thói coi mình là trung tâm: cái Tôi của họ đòi hỏi nhiều đến mức cuối cùng họ bao giờ cũng cần đến người khác. Điều này có lẽ sẽ làm cho người ta kiệt sức mất. Chỉ là một người ích kỷ bình thường có lẽ sẽ tốt hơn.“

Bác sĩ Forster rời phòng bệnh để đến gặp ê kíp bác sĩ mà anh đang cố thuyết phục mọi người chuyển sang áp dụng những phương pháp nghiên cứu chữa trị mới mà bác sĩ Freud ở Viên đưa ra.

Bên cạnh Hitler, một tay Bruch nào đó nói giọng the thé:

Không may rồi anh bạn ơi! Nếu anh được chữa khỏi, anh sẽ thậm chí không được nhận trợ cấp thương tật. Tiếc quá! Với một họa sĩ, lại bị mù nữa, thì đó có thể là một chút tiền bỏ ống nho nhỏ đến cuối đời.

Hitler không trả lời. Hắn không biết cái gì làm hắn chán nản nhất vào lúc này: mất thị lực hay phải nghe những ý nghĩ của đám thỏ đế đục nước béo cò này.

– Các đồng chí ơi, cách mạng sắp đến rồi, Goldschmidt bắt đầu nói.

Hitler thở dài, sốt ruột. Goldschmidt Đỏ sẽ làm ô nhiễm cả buổi chiều nay với cái mớ diễn văn mác xít của hắn. Tất cả sẽ được kể ra trong bài nói ấy: thắng lợi của cuộc cách mạng Nga, kỷ nguyên mới của tự do và bình đẳng, sự năng động của người lao động cuối cùng cũng được nắm vận mệnh của mình trong tay, tố cáo bọn tư bản, những kẻ giết người và làm người khác chết đói… Hitler có những tình cảm mơ hồ đối với ý thức hệ mới này; hắn còn chưa quyết định ngả theo hướng nào vì thiếu một bản tổng hợp. Một vài điểm làm hắn thích, một vài điểm khác thì không. Hắn đánh giá cao việc tố cáo giới tư sản ở các thành phố, những lời lẽ chống lại bọn cơ hội, thị trường chứng khoán, nền tài chính thế giới. Nhưng hắn đã bị sốc vì cuộc đình công cung cấp đạn dược cho mặt trận do các nghiệp đoàn khởi phát để có hòa bình sớm hơn và hắn quyết liệt chống chủ nghĩa quốc tế. Cái học thuyết gốc Do Thái và Slavơ này muốn xóa bỏ sự khác biệt giữa các quốc gia và thành lập một trật tự thượng đẳng không đếm xỉa đến khái niệm Tổ quốc nữa. Vậy thì, Hitler nghĩ, cuộc chiến này có ích gì? Vậy thì việc là người Đức không còn là một sự ưu việt ư? Người ta có bỏ chế độ quân chủ đi không? Hai hay ba lần, hắn đã muốn tham gia vào cuộc tranh luận cuốn hút tất cả thương binh ở Pasewalk nhưng vẫn như mọi khi, vụng về, lộn xộn, không có uy, hắn không làm cho người khác phải chú ý nghe mình được và nhanh chóng chọn việc bó mình lại trong sự im lặng.

Ngày hôm sau, hắn thấy ai đó nhẹ nhàng ấn lên tay hắn.

Hạ sĩ Hitler, chúng tôi sẽ kiểm tra xem thị lực của anh phục hồi chưa. Tôi sẽ bỏ băng ra cho anh. Chú ý, nghiến răng vào, có thể sẽ đau đấy.

Hitler sợ kết quả đến mức hắn suýt yêu cầu người ta để nguyên gạc và vải băng cho hắn. Nhỡ đâu hắn không nhìn thấy gì nữa thì sao?

Nhưng khuôn mặt của bác sĩ Forster hiện lên trong một thế giới mờ đục đầy chấm đỏ. Khuôn mặt của người bác sĩ to một cách lạ kỳ, trẻ và hồng hồng; anh ta để một vòng râu cằm và đeo kính vào để trông già hơn nhưng những sợi râu tơ màu hung và cặp kính tròn một cách đáng ngạc nhiên lại góp phần làm anh ta trẻ đi, cho anh ta dáng vẻ của một đứa trẻ sơ sinh hóa trang thành sinh viên.

Tôi nhìn thấy rồi, Adolf nói.

Tôi có bao nhiêu ngón tay đây? Bác sĩ Forster hỏi và chìa ba ngón ra.

Ba ngón, Hitler thì thầm và nghĩ rằng người ta đang thực sự coi mình là một thằng ngốc.

Nhìn theo ngón trỏ của tôi đây.

Hitler nhìn theo bàn tay đang di chuyển từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Điều này làm mặt hắn cau lại vì đau. Hắn nhăn mặt lại.

Dần dần rồi mọi chuyện sẽ ổn, anh đừng lo lắng gì.

Liệu tôi được phát báo không?

Được, nhưng tôi không nghĩ là anh có thể đọc được.

Tôi cần phải có báo. Ở đây, rặt toàn tin vô căn cứ về tình hình của nước Đức. Tôi cần phải có thông tin.

Bác sĩ Forster đặt hai tờ nhật báo lên giường hắn rồi đi ra xa. Hitler cay đắng nhìn những dòng chữ tạo thành một đường liền, chữ nọ dính vào chữ kia mà hắn không tài nào giải mã được. Hắn thở dài ngao ngán.

Các đồng chí ơi, Goldschmidt hét tướng lên, những người cách mạng vừa đến bệnh viện này. Đó là những người lính thủy đã nổi dậy. Chúng ta cần phải thể hiện sự ủng hộ của mình với họ.

Hitler nhìn những người cùng phòng đang sôi sục sau những câu nói của Goldschmidt. Xem nào, trước đó, hắn chưa từng chú ý tới vẻ ngoài của Goldschmidt, Bruch và cái gã gầy nhẳng ở kia, ba người lãnh đạo đỏ trong phòng, họ đều là người Do Thái. Điều này có ý nghĩa gì không?

Một mục sư bước vào và căn phòng trở nên im lặng. Khuôn mặt ông ta rầu rĩ báo hiệu tin tức chẳng lành.

Các con! Ông nói giọng run run, nước Đức đã đầu hàng. Chúng ta đã thua.

Một sự yên lặng kéo dài sau những lời nói này. Mỗi thương binh đều tự nhủ rằng mình đã đau đớn và chiến đấu chẳng vì cái gì cả.

Vậy là số phận chúng ta hoàn toàn nằm trong tay kẻ chiến thắng và chúng ta cần phải cầu Chúa để trông mong vào sự hào hiệp của họ.

Điều đó còn nghiệt ngã hơn nữa: thua trận là một chuyện nhưng phục tùng kẻ thù lại là chuyện khác. Số phận nô lệ đang chờ đợi nước Đức.

Đó chưa phải là tất cả, vị mục sư nói thêm. Nền quân chủ đã không còn. Hoàng đế Đức đã thoái vị. Nước Đức từ nay sẽ là một nước cộng hòa.

Hu ra! Goldschmidt hô vang.

Hu ra! Bruch phụ họa theo.

Câm mồm đi! Một người cụt hét lên.

Nếu vị mục sư muốn nói thêm thì ông ta cũng không làm nổi vì căn phòng đã biến thành chốn nghị trường nơi các nghị viên đang chửi bới nhau thậm tệ.

Hitler, mắt giàn giụa nước, nghĩ rằng hắn sẽ chết ngay lập tức. Hắn xoay người, vùi đầu trên gối và khóc nhiều như ngày mẹ mất hay khi Foxl hấp hối. Nước Đức không thể rơi từ trên cao đến thế. Ta cũng không thể vậy.

Đột nhiên, bóng tối lại bao bọc lấy hắn. Hắn đưa tay lên trước mắt và huơ huơ, hắn không nhìn thấy gì nữa. Đó là một bóng tối màu nâu sẫm, giống như cái nền đất sét nơi hắn đã ngủ trong suốt bốn năm, đã bảo vệ trong suốt bốn năm, đã ôm mỗi khi bom đạn trút xuống. Hắn đã trở thành đất, được trả về với đất. Chắc chắn rồi, hắn

phải chết.

Mắt tôi! Mắt tôi! Hắn hét toáng lên.
Những người y tá lao đến để ngăn hắn không tự đập vào hốc mắt. Bác sĩ Forster

chạy đến tiêm cho hắn một mũi an thần và yêu cầu đưa hắn vào một phòng nhỏ cách ly.

Hitler chìm trong một trạng thái phi lý, một cơn phẫn nộ bị gián đoạn bởi những đợt hôn mê. Hắn nghe thấy, từ xa vẳng lại nhưng không hiểu gì, cuộc tranh luận của bác sĩ trẻ Forster và ông Steiner, viện trưởng bệnh viện quân sự ở Pasewalk.

Tôi đã nói với viện trưởng rằng đó là một phản ứng tâm lý.

Anh thôi ngay cái việc lúc nào cũng trương tâm lý học ra đi, Forster. Xem tình trạng viêm kết niêm mạc vừa rồi của anh ta nặng thế nào thì biết, chỉ cần một cơn rối loạn nước mắt là đủ để bệnh tái phát. Đây là cùng một dạng mù giống lần trước.

Tôi đảm bảo với ông là không. Lần này, đây là một dạng mù lòa khác hẳn. Bệnh nhân từ chối nhìn thấy mọi vật. Anh ta muốn phủ nhận rằng chúng ta đã thua trong cuộc chiến. Đó là một ca mù có nguồn gốc từ chứng hysteria. Giáo sư Steiner, tôi đề nghị ông cho phép tôi thôi miên bệnh nhân này.

Tôi cấm anh.

Nhưng tại sao?

Tôi không tin vào những phương pháp lang băm của anh.

Nếu ông không tin có nghĩa ông coi chúng là vô hại. Vậy hãy cứ để tôi thử xem.

Không. Bệnh viện của tôi không bao giờ biến thành ổ chứa lũ thầy bói, lang băm. Anh hãy để bệnh nhân tự tìm lại thị lực.

Giáo sư Steiner sập cửa đi ra, tin chắc rằng lời nói của mình sẽ được tuân theo.

Lão già ngu ngốc, Forster thì thầm qua kẽ răng.

Với bác sĩ Forster, đó là một cuộc xung đột giữa các thế hệ: thế hệ bác sĩ già không chịu đựng được những tiến bộ công nghệ và thẳng thừng từ chối tất cả. Anh ta tiến đến gần Hitler đang rên rỉ, tay đập đập xuống giường.

– Quá thú vị.

Đúng vậy, thực vậy, ai có thể ngăn anh ta làm cái mà anh ta muốn với người bệnh nhân này? Chắn chắnkhông phải cái lão rậm râu hủ lậu Steiner, giờ này hẳn đã về nhà và đang nhấm nháp cốc rượu mạnh của lão, để anh ta phụ trách toàn bộ bệnh viện, như mọi đêm.

Mặc kệ. Ta cứ làm. Một ngày nào đó, ông ta sẽ buộc lòng phải công nhận rằng ta đã đúng.

Bác sĩ Forster rút quyển sổ tay có ghi chép bí mật số lượng những bệnh nhân mà anh ta đã chữa trị theo phương pháp của mình là thôi miên ám thị. Trong bốn năm chiến tranh, có ba mươi lăm ca được anh ta ghi nhận, cho là đã được chữa khỏi bằng

phương pháp này. Hạ sĩ Hitler chắc chắn sẽ là người cuối cùng trước khi bác sĩ Forster mở phòng mạch riêng tại Berlin.

Bác sĩ Forster khóa trái cửa rồi cúi xuống hỏi Hitler. Thực hiện thôi miên một bệnh nhân mù không phải dễ. Forster gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng, sau hai mươi phút, anh ta cảm thấy mình đã thu hút được sự chú ý của bệnh nhân và người này bắt đầu nghe lệnh anh ta.

Giơ tay trái lên. Hitler giơ tay trái lên.
Xoa tai phải.

Rất tốt. Bây giờ, anh hãy ghi khắc vào trí nhớ của mình tất cả những gì tôi nói. Đây sẽ là Thánh kinh(16)của anh trong những năm tới. Nếu anh đồng ý, hãy gật nhẹ đầu.

Hitler gật đầu. Forster cảm nhận thấy mối liên hệ thôi miên đã được thành lập.

Adolf Hitler, nước Đức cần đến anh. Nước Đức đang bị ốm, cũng như anh. Nó cần được chữa khỏi, cũng như anh. Anh không nên giấu mình sự thật nữa, anh không nên làm mờ mắt mình nữa, anh phải trở nên minh mẫn. Hãy tin vào số mệnh của mình, Adolf Hitler, hãy thôi làm kẻ mù lòa và anh sẽ lấy lại thị lực. Hãy tìm lại lòng tin, Adolf Hitler, hãy tin ở chính mình. Những điều trọng đại đang chờ anh, một thế giới cần xây dựng lại, một cuộc sống cần hoàn thành. Đừng bao giờ do dự nữa. Đừng bao giờ để mình lung lay vì các sự kiện. Hãy đi theo con đường của anh. Không nghi ngờ gì cả. Tương lai thuộc về anh. Sáng mai, tôi muốn khi tỉnh giấc, anh sẽ nhìn lại được như xưa. Nước Đức muốn điều đó. Anh phải làm điều đó vì nước Đức.

Bác sĩ Forster cúi xuống gần người thương binh.

Hãy ra hiệu cho tôi rằng anh đã hiểu. Hãy ngẩng đầu lên.

Tôi để anh nghỉ, Adolf Hitler. Tôi sẽ quay lại kiểm tra vào buổi sáng xem anh có nghe lời tôi không.
Anh ta mở cửa và để bệnh nhân lại trong bóng tối.

Sau nửa giờ, Hitler đột nhiên tỉnh giấc trên giường. Hắn cứ ngồi, choáng ngợp bởi sức mạnh của những suy nghĩ trong đầu. Các ý nghĩ xáo trộn dập dồn trong tâm trí hắn nhưng dòng thác ấy làm hắn cảm thấy thoải mái; hắn có cảm giác rằng mọi việc đột nhiên trở nên sáng tỏ.

Gutmann, Bruch, Goldschmidt… tất cả đều là người Do Thái. Chúng ta đã thua trận vì lũ người Do Thái. Làm thế nào mà ta không nhận ra điều ấy sớm hơn nhỉ? A, Gutmann, ta nhìn thấy lại vẻ lúng túng của ngươi khi ta nhặt cái mũ kippa rơi ra từ túi áo ngươi; và ta, một thằng ngốc, đã không hiểu sự phản trắc của ngươi. Chúng ta đã thua trận vì trong ban tham mưu có đầy người Do Thái như ngươi và người ta không

thể nào vừa là người Đức vừa là người Do Thái. Chúng ta đã bị một lũ phản trắc chỉ huy. Chúng có mặt ở tất cả các bên, ở tất cả các nước, chúng không tin vào gì cả vì chúng là Do Thái. Máng nào chúng cũng ăn vì chúng là người Do Thái. Chúng làm nhiễm trùng máu và quốc tịch của chúng ta. Những tên Do Thái ở chiến trường, ở hậu phương – tấn công vào khu vực hành chính và chính trị, tổ chức những cuộc đình công để ngưng cung cấp đạn dược. Thế ngành tài chính, rồi nền kinh tế chẳng phải nằm trong tay bọn Do Thái ư? Có đất đai trong tay mới là cao quý. Thế mà chúng đã thay thế bằng thị trường chứng khoán và các nhóm cổ đông. Ngoạn mục làm sao! Chúng đã ngấm ngầm phá hoại và gặm nhấm thế giới của chúng ta mà chúng ta không biết. Bậc thầy giả tạo. Những kẻ đóng kịch bậc thầy. Ôi Schopenhauer, thứ lỗi cho tôi. Tôi đã không hiểu vì sao ngài viết rằng đám Do Thái là “những bậc thầy về nói dối“. Chúng là quân hai mặt, bề ngoài là người Đức, bên trong là Do Thái. Xin lỗi Nietzsche, xin lỗi Wagner! Tôi đã không nắm bắt được tầm vóc sự minh mẫn của các vị… Các vị đã có thể khai sáng cho tôi bằng quan điểm bài Do Thái của các vị. Thay vào đó, tôi đã lảng tránh lòng hận thù của các vị, tôi thấy nó lủng củng. Xin thứ lỗi! Chính bản thân tôi đã bị nhiễm văn hóa Do Thái, nhiễm tình cảm thế giới đại đồng, nhiễm thói quen nhìn nhận mọi chuyện với tinh thần phê phán. Chúng đã làm mất đi sinh lực của trí tuệ Đức bằng cách biến dân tộc chúng ta thành những vị giáo sư tỉ mẩn, những nhà thông thái mà người ta thờ phụng khắp thế giới. Giả tạo làm sao! Cái bẫy mới tinh vi làm sao! Sự giáo dục thực sự phải là giáo dục của sức mạnh và ý chí! A, đại tá Repington, ngươi là một sĩ quan Anh cũng chẳng sao, ngươi đã không sai khi tuyên bố trên báo chí: “Cứ ba người Đức có một kẻ phản bội”. Ngươi đã có lý. Một tên phản bội và hai thằng ngu. Một tên Do Thái và hai kẻ ngây thơ bị lợi dụng, lừa bịp, bị phết văn hóa Do Thái đến tận mõm. Nhưng từ nay đã có ta. Ta tin ở ta. Ta sẽ chỉ ra conđường. Ta sẽ giương cao ngọn đuốc của ta trong các chiến hào lúc nhúc chuột, ta sẽ chỉ ra hệ thống ngầm sẽ nuốt chửng chúng ta nếu chúng ta không hành động. Dù gì, thất bại này sẽ là một điều tốt cho nước Đức. Một cuộc khủng hoảng thực sự sẽ bóc trần ra ánh sáng con vi rút cho đến nay vẫn còn chưa lộ diện. Xin lỗi Nietzsche! Xin lỗi Wagner! Xin lỗi Schopenhauer! Các vị đã nói với ta cả trăm lần cái điều mà ta tiếp nhận tối nay như một sự giác ngộ. Một sự thần khải. Các bác sĩ cứ dự báo trước chẳng ích gì, người ta sợ dịch hạch hơn sợ bệnh lao. Bởi dịch hạch làm người ta choáng ngợp, tàn phá nhanh chóng trong khi bệnh lao lại âm thầm và dai dẳng. Do đó, con người chế ngự bệnh dịch hạch nhưng bệnh lao lại chế ngự con người. Thảm kịch này cần cho chúng ta. Nay các con vi trùng đã lộ mặt. Cần phải tổ chức chữa chạy. Ta sẽ là bác sĩ của nước Đức. Ta sẽ tận diệt loài Do Thái. Ta sẽ tố cáo chúng, ngăn cản chúng sinh sản và sẽ đưa chúng đi chỗ khác. Chúng cứ việc làm ô uế những gì không phải là nước Đức. Ta sẽ không yếu lòng. Ta tin vào sứ mệnh của mình. Kể từ tối nay, ta vĩnh biệt với sự bàng quan. Bàng quan, kiềm chế, đó là những

trò bịp của bọn Do Thái. Ta sẽ làm một cách có hệ thống, trên diện rộng và không khoan nhượng. Hãy nhìn vũ trụ xem: liệu ở đó có chỗ cho tinh thần phê phán không? Không. Tất cả đều được chi phối bởi sức mạnh. Mặt trăng quay quanh trái đất vì trái đất là mạnh nhất. Trái đất quay quanh mặt trời vì mặt trời là mạnh nhất. Lực hấp dẫn, đó chính là sức mạnh đang ngự trị. Con người không thể tách rời khỏi vũ trụ. Ta sẽ thẳng tiến và không thất bại. Ta đã hiểu sứ mệnh của mình rồi.

Tám giờ, bác sĩ Forster bước vào phòng, kéo ri đô ra và đánh thức người đang ngủ. Hitler mở mắt. Hắn nhìn theo những tia nắng mặt trời đang chảy tràn qua cửa sổ mái xuống giường. Hắn mỉm cười với bác sĩ Forster. Hắn đã nhìn thấy.

Vị bác sĩ ra khỏi phòng, tựa lưng vào tường hành lang, rút quyển sổ bí mật của mình ra và hài lòng viết bốn chữ nhỏ sau: “Adolf Hitler: khỏi bệnh.”

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.