Nửa Kia Của Hitler
6.
Hitler ngạc nhiên tột độ.
Từ nhiều tuần nay, cứ vào tám giờ ngày thứ Tư, Fritz Walter, mặc áo măng tô astrakan, đi găng da cừu màu đen, má căng bóng nhưng vẫn còn những vết đỏ vì mới cạo râu xong, thoang thoảng mùi hoa violet pha oải hương, mốt mới nhất mà những người thợ cạo vừa tung ra, đến gõ cửa rồi sải bước vào nhà với dáng vẻ giàu có của một nhà buôn tranh. Walter bình phẩm các tác phẩm Hitler đã vẽ trong tuần, trả tiền bán tranh tuần trước rồi mang tranh mới đi.
– Ta chia năm mươi – năm mươi, anh bạn nhỉ?
Hitler gật đầu đồng ý. Hắn không định phản bác lại ý kiến của nhà mỹ học này, người mỗi thứ Tư mang tới cho hắn tiền bạc và hơn nữa là lời khẳng định hắn là một họa sĩ thực thụ. Số tiền Fritz Walter trả không cao nhưng ông ta biết giải thích rõ lý do.
Khách hàng của tôi rất ngạc nhiên khi tôi nói rằng cậu mới mười bảy tuổi…
Hai mươi chứ.
A, thật thế sao? Vậy là họ rất ấn tượng khi tôi tiết lộ rằng cậu còn rất trẻ. Nhưng cùng lúc, họ cũng hưởng lợi nhiều từ việc ấy. Đó là điều chính yếu. Họ nói với tôi: “Này ông Fritz, mấy năm nữa ông cứ việc bán cho chúng tôi tranh của cậu Adolf Hitler theo cái giá mà ông muốn, nhưng hiện thời, xin ông để cho chúng tôi làm ăn với!” Đó là điều hết sức bình thường. Mọi chuyện luôn diễn ra như vậy. Việc của tôi là tạo ra một sự ham muốn, sau đó là một sự chờ đợi. Nhưng khách hàng tin tôi, họ biết rằng tôi sẽ không lừa họ. Tôi bắt đầu với Klimt và Moser cũng giống hệt như thế này. Và bây giờngười ta tranh nhau các bức vẽ của họ với giá hàng triệu mác. Thế đấy, cần phải biết kiên nhẫn. Cái này đẹp đấy chàng trai ạ, nhưng tôi thích cậu vẽ các công trình nổi tiếng của thành phố hơn. Khách hàng họ chuộng loại tranh đó hơn. Đừng sợ gì cả. Cái độc đáo ở cậu không phải là chủ đề mà là cách vẽ của cậu. Đừng ghìm mình lại. Đúng vậy, hãy vẽ những công trình nổi tiếng của Viên. Hãy nhìn Klimt xem, lúc
nào cũng là những chủ đề cổ điển thế nhưng tranh thì lại không vậy. Ôi, Klimt, tôi lại nhìn thấy hình ảnh của Klimt. Ông ấy cũng từng như cậu, ngập ngừng, nhìn tôi vẻ ngờ vực và nghĩ rằng tôi chỉ khoác lác vì tôi tin vào tài năng của ông ta. Ôi tuổi trẻ! Tuổi trẻ tươi đẹp! Sáu bức đúng không? Tám thì tuyệt hơn. Hoặc cậu vẽ tranh khổ nhỏ, vẽ nhiều vào. Sau này, khi đã nổi tiếng rồi, cậu hãy chuyển sang vẽ tranh khổ lớn. Như Klimt ấy. Lúc nào cũng như Klimt. Ôi, cậu làm tôi nhớ lại buổi đầu với Klimt làm sao!
Khi Fritz Walter rời phòng với đống tranh dưới nách, Hitler vẫn còn ngây ngất hồi lâu. Hỉ hả vì được khen, người căng tràn năng lượng và những cái bong bóng hy vọng nổ lốp bốp trong đầu. Một ngày nào đó hắn sẽ giàu có. Một ngày nào đó, hắn sẽ là Klimt. Không biết nhiều về các tác phẩm của danh họa này và ban đầu thậm chí còn ghét những bức tranh ít ỏi đã từng xem, nay hắn đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về người sáng lập ra trường phái Ly khai: không, người ta không thể nào phủ nhận được việc Gustav Klimt là một thiên tài. Một thiên tài chưa chắc được công nhận, hẳn rồi, như mọi thiên tài khác, nhưng chắc chắn là một thiên tài. Cũng hơi quá hiện đại nữa. Đôi khi, hơi quá đồi bại. Hơi quá… nhưng là một thiên tài. Đúng rồi. Không tranh cãi gì nữa, đó là một thiên tài. Vả lại, Hitler cảm thấy mình rất gần tới mức ấy.
Mấy giờ sau đó, trong trạng thái say sưa, ngất ngây được là chính mình, Hitler lao vào công việc. Nào, bắt tay cho ra đời kiệt tác!
Khoảng đến giữa trưa, hắn hoàn toàn trở lại bình thường. Công việc can bưu ảnh, tô đi tô lại các đường nét một cách đơn điệu kéo hắn dần trở lại thực tại. Tối đến, hắn đã đầu đau miệng nhạt.
May mắn thay vào bữa tối, Wetti đã cho hắn cơ hội được sống lại niềm sung sướng ấy. Ban đầu, hắn kể lại chính xác lời nói của nhà buôn tranh, sau đó tự do thêu dệt về điểm giống nhau giữa hắn và Klimt theo lời Walter. Hắn tự tán dương mình không mệt mỏi. Đó là phần mà hắn yêu thích trong công việc của nghệ sĩ.
Dolferl à, anh có biết là chiều Chủ nhật vừa rồi, Werner đã đảm bảo với em rằng gallery Walter là một trong những gallery nổi tiếng nhất ở Viên không?
Anh biết chứ, Hitler kiêu hãnh đáp.
Đó thực sự là gallery lớn nhất. Anh ấy rất ấn tượng khi biết tranh của anh được treo ở đó. Rất, rất ấn tượng.
Trên thực tế, Wetti không dám nói rằng Werner thậm chí không hề tin vào những gì Wetti nói.
Hitler chấp nhận lời khen ngay cả khi đó là lời khen của Werner, tên pê đê kinh khủng đã cả gan coi hắn là người đồng tính.
Tất nhiên rồi, gallery Walter là nơi tốt nhất trong thành phố. Fritz Walter đã phát hiện ra Klimt và Moser. Vả lại, một ngày nào đó anh cũng phải đến đó xem họ treo tranh của mình ra sao.
Em có thể đi với anh không? Em sẽ hạnh phúc biết bao khi làm việc đó. Van anh
đấy.
– Để xem đã.
Hitler còn chưa đến chỗ gallery vì nó nằm ở tận đầu kia thành phố và chủ yếu là vì Fritz Walter đã cấm hắn đến đó.
Gallery ư? Đó là chỗ của tranh chứ không phải của họa sĩ. Anh ấy à, anh cần phải ở lại đây làm việc. Làm việc. Lúc nào cũng làm việc. Ấy là cái nghiệp của thiên tài. Hãy để tôi lo việc bán tranh cho anh. Cái công việc bạc bẽo và thô tục ấy xin hãy dành cho tôi. Chàng trai à, tôi cấm anh đến chỗ gallery. Nếu không, quan hệ của chúng ta sẽ chấm dứt.
Những lời đe dọa này đã giữ chân Hitler, dẫu rằng, với bản tính ái kỷ của mình, hắn sẽ lấy làm thích thú được đi đến đó để thấy tác phẩm của mình được treo bên cạnh những Gustav Klimt, Joseph Hoffman và Koloman Moser như thế nào.
Tuy nhiên, một ngày thứ Tư nọ, Fritz Walter không đến.
Hitler đợi cả ngày, xuống phố đợi ông ta đến cả mười lăm lần, không ăn uống gì đến tận bữa tối. Lấy cớ món xúp nấm có quá nhiều hạt tiêu, hắn đã gây sự với Wetti một trận ra trò.
Ngày hôm sau, hắn lấy cớ bị cảm lạnh để không ra ga – với Wetti là trường Mỹ thuật – và tiếp tục đợi.
Thứ Sáu, hắn quyết định đợi đến thứ Tư tuần sau. Thứ Bảy, hắn làm việc tập trung cao độ, hì hụi làm tranh khổ nhỏ, nhiều đến mức đáng sợ, đến tận ngày thứ Ba, hy vọng vào một sự màu nhiệm rằng sự hăng say sẽ làm nhà buôn tranh quay trở lại.
Thứ Tư tiếp theo. Fritz Walter vẫn biệt tăm, vẫn một sự đợi chờ vô ích. Hitler không làm gì nữa. Hắn cố gượng sống sót đến thứ Tư sau.
Thứ Tư sau, Fritz Walter vẫn không thấy đâu.
Có thể ông ta đã ra nước ngoài? Có thể ông ta đang giới thiệu anh ở Berlin? ở Paris? Ai mà biết được?
Wetti vắt óc để chiết ra được vài giả thiết có thể làm yên lòng Hitler. Lo lắng cho sức khỏe của Hitler hơn là những lý do mà nhà buôn tranh không đến, Wetti tìm cả nghìn lẻ một cách để dụ Hitler ăn uống. Hitler, vẫn trong trạng thái quá khích, đã ngừng ăn và uống; hắn để mặc mình kiệt sức. Sự ngưỡng mộ của Fritz Walter đã trở thành nguồn sống của hắn; không có cái nhìn ấy, hắn không còn cảm giác là mình đang tồn tại. Hắn thậm chí không còn muốn cầm cọ nữa.
Một buổi sáng, Wetti, đeo găng, đi giày, đội mũ trang trọng như đi dự đám cưới, gõ cửa phòng Hitler và nói giọng cả quyết:
Không thể để như thế này mãi được. Em sẽ đến chỗ gallery Walter để hỏi cho ra
nhẽ.
Thoạt tiên, hắn nghe lơ mơ, rồi khi hiểu được lời của người mà hắn tưởng là trai giả gái to cao, ăn vận bảnh bao đang đứng ở cửa phòng mình, hắn nắm lấy tay Wetti
giữ lại.
Không, để anh đi một mình.
Thôi nào Dolferl. Anh biết rất rõ là Fritz Walter không muốn nhìn thấy anh ở gallery. Đó gần như là một điều khoản trong hợp đồng giữa hai người rồi còn gì.
Anh cho rằng ông ta đã không tôn trọng hợp đồng khi không trở lại đây, vì thế anh có thể lãnh lấy nguy cơ này.
Hitler có vẻ sung sướng với cách lập luận như vậy đến nỗi Wetti đành phải nhượng bộ. Sau đó, họ cùng đi đến chỗ gallery Walter. Wetti thậm chí còn dụ Hitler ăn được một chút trước khi lên đường.
Đôi tình nhân đi xuyên thành phố trên xe điện. Hitler bơi trong bộ complet đuôi tôm cha hắn để lại. Bộ quần áo cũ đến mức sờn bóng lên, lộ cả sợi vải ở chỗ khuỷu tay, mông và đầu gối. Nhưng Wetti đã đeo cho hắn một chiếc cà vạt của thị bằng vải lụa sặc sỡ và khác người. Sự kỳ lạ ấy cộng với sắc màu nhợt nhạt như người chết của cặp má làm Hitler trông giống một nghệ sĩ bị nguyền rủa, ít nhiều cũng thuyết phục được người khác. Dù gì đi nữa thì việc Wetti khoác cả tá quần áo, trang sức như một con ngựa của hoàng gia cũng làm cho đôi tình nhân khiến người khác phải tôn trọng vài phần.
Đến cửa gallery Walter, hai người dừng lại, choáng ngợp. Chữ trên biển hiệu làm bằng vàng, mặt tiền gỗ mun đen bóng, ri đô nhung nặng trĩu sau tấm cửa kính làm chùn chân khách qua đường tầm thường, ngay cả một cái góc hở ra cũng hé lộ một phần kho báu bên trong, tất cả đều khiến người ta phải vì nể. Một khách hàng đi ra với điều xì gà to khủng khiếp trên môi và vợ của ông ta, bồng bềnh trong chiếc áo lông chồn, đồ trang sức lấp lánh trên người, làm hai người bọn họ càng hoảng thêm: gallery Walter không phải là nơi mà những người bình thường như họ dám đặt chân vào khi không có việc gì.
Dù gì thì đây cũng là gallery của ta. Tranh của ta được trưng bày trong đó, Hitler tự nói với mình như vậy để tăng phần can đảm.
Họ hít sâu một hơi rồi leo lên cầu thang và đẩy chiếc cửa nặng nề ra. Một âm thanh trong như pha lê, lanh lảnh cất lên như thể đang hét vào mặt họ rằng họ đã phạm phải sai lầm khi bước vào gallery.
Một nhân viên tiến về phía họ. Anh ta cười giả lả để che giấu sự ngạc nhiên cực độ trước cặp khách kỳ lạ.
Chúng tôi đến xem tranh, Wetti nói bằng cái giọng mà thị vẫn thường nạt những người giao hàng chậm.
Đương nhiên rồi, xin ông bà cứ tự nhiên. Ông bà đã chọn đúng địa chỉ rồi đấy ạ, anh chàng nhân viên nghiêng người lịch sự nói.
Hitler khấp khởi mừng thầm với ý nghĩ sắp được nhìn thấy tác phẩm của mình treo trên tường.
Wetti và hắn chẳng thấy bức tranh nào của hắn trong những phòng trưng bày đầu tiên, dù cả hai đã xem đi xem lại mấy lần.
– Hay là họ bày ở trên tầng? Wetti thì thầm chỉ tay về phía cầu thang.
Có thể Wetti có lý khi nói vậy. Các họa sĩ trẻ thường được bày trên gác. Mấy cái tranh khổ nhỏ treo ngay ở thềm nghỉ dường như đã khẳng định giả thiết của họ. Họ đi khắp tầng này và hy vọng sau mỗi khúc quanh gặp được một sự ngạc nhiên kỳ diệu. Nhưng hoài công vô ích, họ chẳng thấy gì cả. Hitler toát mồ hôi.
– Chắc chắn là họ bán hết rồi.
Như thường lệ, Wetti đã tìm ra được lời giải đáp. Hitler cười với thị còn thị thì vỗ nhẹ vào tay hắn như mẹ vỗ con. Không muốn dừng lại ở niềm vui này, cả hai đi đến hỏi tin tức của Fritz Walter.
Họ tìm thấy người nhân viên ở chân cầu thang.
Xin hỏi ông Walter có ở đây không? Adolf ung dung hỏi vì tin rằng tranh của mình đã được bán hết sạch.
Ông Walter hiện đang ở ngoại quốc.
Anh thấy chưa! Wetti sung sướng kêu và huých khuỷu tay vào Hitler ý nói mình đã đúng, một cử chỉ rất khác lạ so với phong thái cao quý thường thấy ở thị.
Hitler bơi trong hạnh phúc.
Thế bao giờ ông ấy về?
Tuần tới thưa ông.
Vậy thì phiền anh hãy nói với ông Fritz Walter rằng Adolf Hitler đã qua đây và tôi đợi ông ấy như thường lệ vào sáng thứ Tư, lúc tám giờ.
Ở số 22 phố Felber, Wetti đỏ mặt thêm vào, xúc động vì được nêu tên quán trọ của mình trong khung cảnh vàng son đầy danh tiếng này.
Anh nhân viên lộ vẻ bối rối.
Ông đã nói với tôi cái tên Fritz Walter đúng không ạ?
Đúng vậy.
Xin ông bà thứ lỗi, nhưng chủ của gallery này là Gerhard Walter.
Thế không phải là Fritz Walter làm chủ gallery này ư?
Không thưa ông. Mà là ông Gerhard Walter.
Vậy thì hẳn đó là con trai ông ta!
Anh nhân viên đỏ bừng mặt như thể vừa nghe thấy chuyện tục tĩu.
Không hề. Tôi có thể khẳng định với ông là ông Gerhard Walter không có người con nào cả.
Thế là thế nào, Hitler nổi giận, thứ Tư nào tôi chả gặp ông Fritz Walter ở nhà tôi sau đó ông ấy mang tranh của tôi đến bán ở đây.
Thế tên của ông là gì?
Là Adolf Hitler, hắn giận điên tiết nhắc lại tên mình cho người nhân viên vốn từ
nãy đến giờ không chịu nghe hắn nói.
Người bán hàng không nao núng.
Tôi e là ông đã nhầm, thưa ông… Hitler. Tôi không nghi ngờ về chất lượng tác phẩm của ông nhưng tôi có thể đảm bảo với ông rằng gallery Walter chưa bao giờ trưng bày tác phẩm của ông cả. Và không đợi Hitler phản ứng, anh ta xoay người lấy quyển sổ bán hàng rồi đàng hoàng đưa cho Hitler.
Đây là danh mục của hai năm gần đây và như ông thấy đấy…
Anh nói lung tung thế nào ấy chứ anh bạn à. Chính mắt tôi nhìn thấy ông Fritz Walter đứng ở thềm nghỉ nhà tôi vào mỗi thứ Tư mà.
Trên thềm nghỉ nhà bà ư? Anh nhân viên nhắc lại mỉa mai và đưa mắt nhìn mớ quần áo lố lăng của Wetti, từ cái mũ cắm quá nhiều lông chim đến đôi ủng có khuy.
Đi thôi Wetti, không ở lại đây nữa.
Họ bước qua cửa với điệu cười chế giễu của cái âm thanh lanh lảnh trong như pha lê ở cửa ra vào.
Một sự im lặng bối rối làm bước chân họ nặng trĩu.
Họ bước đi vô định, theo chân những người qua đường. Hitler thích im lặng hơn là giải thích điều bí ẩn này. Hắn chịu đựng toàn bộ điều ấy. Hắn tiến bước, đờ đẫn, choáng váng. Khi trí óc hắn bắt đầu đưa ra những giả thiết khác nhau, xác định rõ vụ lừa đảo mà hắn là nạn nhân, hắn bắt đầu chịu đau khổ nhiều đến mức ngừng suy nghĩ lại ngay lập tức. Hắn thích một sự ngỡ ngàng tổng thể còn hơn mọi vết châm đau đớn của việc kiếm tìm một lời giải thích.
Họ đi về phía Prater.
Wetti than mỏi chân và muốn ngồi nghỉ trong một quán cà phê. Hitler sợ rằng khi ngồi xuống rồi, họ sẽ phải bắt buộc phải nói về chuyện ấy.
Đột nhiên, hắn thoáng nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc. Hắn chớp chớp mắt để chắc chắn mình khôngnằm mơ. Không, đây là sự thực. Cách đại lộ chừng năm mươi mét, Fritz Walter, vẫn bận cái áo măng tô astrakan cố hữu, đang chào mời người qua đường mua những bức tranh mà gã bày trên một băng ghế. Theo phản xạ, hắn nắm lấy tay Wetti, xoay người thị và kéo thốc vào quán cà phê đầu tiên mà họ gặp. Bằng mọi giá không được để Wetti nhìn thấy cảnh ấy.
Trước mặt họ là hai cốc sôcôla nóng bốc khói nghi ngút, hắn giải thích với Wetti rằng thị không thể để nhà trọ không có ai coi sóc lâu như vậy được; còn hắn, hắn còn cần phải suy nghĩ, hắn sẽ về gặp thị sau. Hắn dẫn Wetti ra đến tận ga xe điện – gần như là lôi xềnh xệch thị ra khỏi quán – rồi tiến về phía Fritz Walter.
Gã này vẫn mồm mép như thường. Người mà trong phòng Hitler có dáng vẻ hùng biện của một nhà bảo trợnghệ thuật thì nay đang ba hoa thô tục như một tay diễn viên xiếc rong. Gã không ngần ngại ăn nói cộc lốc với những người đi dạo trên phố, thậm
chí nắm cả tay người ta kéo lại.
Hitler đứng đợi sau một cái cây. Đợi đến tối hắn mới ra hỏi chuyện. Hắn không hề muốn gây tai tiếng chỗ đông người. Hắn không chắc là mình sẽ giữ được bình tĩnh, và nhất là có thể lên giọng với kẻ béo lùn, to khỏe như Fritz Walter.
Khi màn đêm buông xuống mặt đường và người đi lại thưa thớt, Hitler rời chỗ nấp và tiến lại gần Fritz.
Theo phản xạ, Fritz Walter cất tiếng mời chào rồi dừng lại giữa chừng khi nhận ra Hitler.
– A, cậu Hitler đấy à…
Fritz để Hitler tiến lại gần để tùy theo phản ứng trên mặt Hitler mà chọn cách tự vệ tốt nhất.
Đồ dối trá, Hitler hét lên. Dối trá và ăn cắp.
Ăn cắp ư? Không hề! Tôi lúc nào cũng mang tiền lại cho cậu.
Anh đã làm tôi tin anh là chủ gallery Walter.
Fritz Walter phá lên cười, một điệu cười đáng ghét, như tát vào mặt người ta.
Nếu cậu ngốc đến nỗi tin vào những gì tôi nói thì đó là việc của cậu. Nếu cậu thực sự nghĩ là gallery Walter chấp nhận trưng bày mấy cái hình can trẻ con ấy, mà không, nhưng cậu tin thật vào điều đó à, cậu nghiêm túc đấy chứ? Ngay cả bán cho khách du lịch còn khó nữa là.
Hitler tê liệt cả người. Hắn không ngờ tới điều này: thay vì tự vệ thì Fritz Walter lại tấn công và gã cắn khá đau.
Adolf tội nghiệp của tôi, ai đó phải tự phụ ghê gớm đến như cậu thì mới có thể tin nửa giây vào những gì tôi nói. Mỗi lần, tôi đều thấy nghi ngờ thêm một chút và tự nhủ mình rằng: không, lần này thì cậu ta sẽ nhận ra mình bốc phét, lần này, cậu ta sẽ cười vào mũi mình. Vậy mà không có điều gì xảy ra cả! Không một lần nào! Cậu nhắm mắt nhắm mũi nuốt tất cả! Klimt! Moser! Cậu không cãi lại tôi bao giờ, cậu lại còn đòi hỏi thêm, miệng thì há hốc như cái mồm cậu bây giờ và đợi tôi mớm tiếp cho cậu!
Hitler đứng như trời trồng, tay thẳng đuột ép chặt vào người. Phản ứng duy nhất của hắn là để nước mắt tuôn trào.
Có vấn đề gì không thưa ông?
Một viên cảnh sát tiến lại gần Hitler. Fritz Walter trở nên nghiêm chỉnh hẳn.
Tay này đang làm phiền ông có phải không? Hắn định lừa ông phải không? Hắn không muốn trả lại tiền cho ông à?
Viên cảnh sát xoắn xuýt để làm vừa lòng Hitler. Rõ ràng họ muốn tóm cổ tay buôn tranh vỉa hè này.
Không, Hitler yếu ớt trả lời.
Thế à, viên cảnh sát hỏi giọng thất vọng. Nhưng nếu hắn làm phiền ông thì ông
phải báo cho chúng tôi ngay. Chúng tôi biết rõ tay lưu manh này. Đây không phải là lần đầu tiên hắn xộ khám. Có lẽ hắn thích như thế thì phải, đúng không Hanisch?
Fritz Walter cúi gằm mặt vẻ cam chịu, đợi cho viên cảnh sát nói hết. Ông này còn đi xung quanh và nhìn gã vẻ nghi ngờ, tìm trong đống tranh bày trên ghế băng xem có cái gì để nạt hay phạt được không. Sau rồi vì không tìm được cái xương nào để gặm, ông ta đành bỏ đi. Fritz Walter không diễn kịch nữa, thở phào nhẹ nhõm. Lúc nãy, gã sợ thực sự. Gần như rụt rè, mặt cúi gằm, hắn cảm ơn Hitler vì đã giữ yên lặng.
Cảm ơn vì đã không nói gì. Hitler thấy tê tái.
Hanisch là cái gì?
Đấy là tên thật của tôi. Reinhold Hanisch. Tôi lấy cái tên Fritz Walter bởi vì từ nhiều năm nay tôi bị cảnh sát bám đít. Mà toàn là mấy vụ vớ vẩn, nhưng cuối cùng…
Thế tháng vừa rồi anh ở đâu?
Ở tù, vì một chuyện vặt vãnh từ lâu rồi. Chuyện nhỏ ấy mà.
Hitler muốn mình chỉ mới lên năm để giậm chân đập tay, đòi người ta phải trả lại cho hắn những ảo tưởng bấy lâu nay: hắn đã mong đợi ở Fritz Walter, ông chủ gallery nổi tiếng, người đã tin vào thiên tài của hắn suốt một tháng trời chứ không phải gã Reinhold Hanisch bị bỏ tù vì tội trộm vặt.
Thôi nào, ta đi uống chút gì chứ? Hanisch đập tay vào vai Hitler hỏi.
***
Adolf H. và cô người mẫu đi về khách sạn Stella. Cầu thang hẹp, ngoằn ngoèo,
rung rinh, chỉ nhìn đã đủ thấy đây hẳn phải là một nơi hỗn tạp. Hành lang được phủ thảm hồng và đỏ nhờ nhờ, như một cái lưỡi dài trên đó ngổn ngang đủ thứ hết trọn một tầng lầu. Căn phòng số 66 nhưng đọc thành 99 vì tấm bảng tráng men bị tróc đã tuột xuống do thiếu một cái đinh. Cái giường khung sắt trong phòng có vẻ hơi thấp quá. Ga phủ giường bằng vải tạp nham do một người thợ bị mù màu may. Tường màu đỏ tía, tróc lở vì mốc. Không có gì gợi lên ham muốn nhục dục cả, ấy vậy mà Adolf, quá kích động, vẫn hùng hục lao vào cô gái. Nàng chẳng dạy hắn cái gì cả, để mặc hắn hành động. Hắn làm đến kiệt sức trên người nàng. Nàng nhìn hắn không lạnh lùng, không hồ hởi, dường như nàng đang quan sát một sinh vật kỳ lạ. Hắn nghĩ rằng mình đã làm nàng kinh ngạc vì số lần đi sâu vào người nàng. Hắn đã sướng tới năm lần.
Thế còn em?
Không một lần nào.
Ngày hôm sau, hắn lập lại kỷ lục ấy. Vô ích.
Nàng giải thích cho hắn ý nghĩa của từ lãnh đạm tình dục ở người phụ nữ và nói rằng hắn có thể yên tâm, nàng không hề như vậy, vấn đề chỉ ở chỗ hắn mà thôi. Ngày hôm sau nữa, hắn hạn chế sức lực hơn một chút. Hắn dành thời gian nghiên cứu kỹ
hơn cơ thể nàng và tập trung kích thích lên mọi núm và ngõng thịt trên người nơi thường làm cho người đàn bà sung sướng. Cuối buổi, nàng phải xuống nước, chứng tỏ mình là người chơi đẹp:
– Dù sao thì cố gắng làm khác đi cũng không phải là sai lầm.
Những ngày sau đó, hắn tiếp tục áp dụng phương pháp ấy. Hắn sướng ít hơn. Nàng không nhiều hơn.
Hắn bắt đầu nổi đóa.
Nhưng em chẳng dạy tôi cái gì cả! Em đã hứa dạy tôi cách làm cho một người đàn bà sướng vậy mà em chẳng dạy gì cả.
Có đấy chứ, tôi đã dạy anh là tôi tồn tại.
Hai ngày tiếp tục trôi qua, hình ảnh nàng lởn vởn trong đầu hắn nhiều hơn là hắn nghĩ. Vì nàng từ chối nói tên thật cho hắn, hắn gọi nàng là Stella, tên của khách sạn nơi họ gặp nhau. Hắn nghĩ đến bản phác họa nụ cười của nàng, bờ môi run rẩy của nàng, đến cái màu đỏ thoáng hiện trên ngực nàng vào một lúc nào đấy. Hắn nhớ đến cơn cực khoái thoáng qua, một thoáng ưu tư mơ mộng thấm ướt cái nhìn của Stella. Hắn bám vào đó như những dấu hiệu tốt; một hôm, hắn đã làm được cho nàng cảm thấy một cái gì đó. Lúng túng, hắn nghĩ đến sự không cân xứng trong thời gian họ trải qua bên nhau. Với hắn, đó luôn là những giây phút khoái lạc, còn với nàng thì không. Hắn mơ màng nghĩ về sự khác nhau giữa hai giới, giống đực thì quá dễ dãi và quá thường xuyên đạt được cơn cực khoái, đàn bà thì quá hiếm hoivà quá thất thường; giống đực thì hoang phí nhưng mệt lử, đàn bà hà tiện mà không bao giờ kiệt quệ. Hắn không hiểu tại sao ham muốn của hắn, hiển hiện là thế, mạnh mẽ là thế lại không thể truyền từ cái bộ phận ấy của hắn sang cái của nàng. Hắn bắt đầu nghi ngờ rằng không có bất kỳ phương cách cơ học nào, mơn trớn, đâm thọc, cọ xát, giã liên hồi hay ngâm tôm có thể truyền được cảm giác khoái lạc. Vậy là phải có một con đường khác, nhưng đường nào đây?
***
Khi đồng hồ điểm nửa đêm thì Hitler, sặc sụa hơi men, chia tay Reinhold Hanisch – tức Fritz Walter – và tự hỏi mình cái gì đã lăng nhục hắn nhiều nhất. Không đủ khả năng để giáng một quả đấm vào mõm gã? Chấp nhận uống rồi buộc phải cảm ơn gã vì đã trả tiền bia? Hay đúng hơn là chấp thuận để hình thành giữa họ một thứ tình đồng tâm giữa bọn lừa đảo? Theo những gì Hanisch nói thì hai người không nên đánh nhau mà phải dựa vào nhau, bởi nếu Hanisch là một chủ gallery giả thì Hitler cũng là một họa sĩ giả. Kẻ kia mướp đắng thì người này mạt cưa. Cả hai đều sử dụng mánh lới và lòe bịp để kiếm sống; ngược lại, họ luôn luôn tỏ ra trung thực với nhau vì họ đã chia tiền sòng phẳng đến từng heller nhỏ.
Hitler đi bộ rất lâu trên đường phố thành Viên để gió, đêm và sự mệt mỏi gột rửa mình.
Cái mà hắn tiếc trong vụ phiêu lưu này với Hanisch là ảo tưởng đã mất. Suốt mấy tuần liền, Hanisch mang đến cho hắn ảo tưởng là tài năng của mình được công nhận, ảo tưởng về một tương lai rạng rỡ, ảo tưởng về việc hắn sắp trở nên giàu có. Trong suốt nhiều tuần, say sưa, bị đầu độc, đầu óc hắn u mê, đôi chân chỉ chạm mớm vào cái mặt đất thô tục của thực tế. Giờ hắn đang tiếc nuối những điều hư ảo ấy. Hắn sẽ không bao giờ tha thứ cho Hanisch việc gã trao cho hắn niềm hạnh phúc lớn nhất bằng một sự dối trá vô sỉ.
Cả thành phố, từ lòng đường đến cái mặt tiền, dường như đang chảy ra trong một thứ nhựa đường láng bóng. Vài tia sáng vàng vàng le lói, lóe lên từ một cánh cửa sổ cô độc hoặc từ cột đèn đường, nhanh chóng bị bóng tối dày đặc nuốt chửng, tan đi trong màn đêm, bị những bức tường lỗ chỗ hút mất, nhảy nhót yếu ớt trên vỉa hè nhăn nhúm ngang dọc trước khi chết đi trong rãnh lề đường xanh rêu.
Đi đến phố Felber hắn đã sắp xếp lại câu chuyện của mình trong đầu. Hắn chuẩn bị điều đó cho Wetti.Không phải vì muốn làm thị an lòng và tránh cho thị phải đau khổ mà là để giữ thể diện cho mình, giữ giấc mơ mà cả thị và hắn cùng ấp ủ. Hắn bịa ra rằng đã gặp bạn cùng lớp trong một quán bia. Hitler mới được biết rằng ngoài hắn ra, Fritz Walter còn có hai nạn nhân nữa, đương nhiên cũng là những họa sĩ có triển vọng nhất. Thủ đoạn của Fritz Walter với cả ba người cũng giống hệt nhau. Hình như Fritz Walter đã trốn sang Pháp với những bức tranh mà hắn bán được với một mức giá cao ngất ngưởng, thật đấy, thật đấy. Thậm chí, hình như cả ba người hiện nay đều rất nổi tiếng, đúng vậy, được đánh giá rất cao ở khu Montparnasse, vấn đề duy nhất là họ sẽ chẳng bao giờ được sờ vào một đồng xu nào. Ngay chiều nay, họ định phát đơn kiện còn ông hiệu trưởng đang đi vận động gây sức ép với Đại sứ quán Pháp.
Đương nhiên, Wetti tin vào chuyện này. Nhưng không nhiều bằng Hitler. Hắn chẳng bao giờ nghĩ cho người khác, hắn nói dối trước hết là với chính mình.
Hắn tin chắc rằng mình nổi tiếng ở Pháp đến mức trong những ngày sau, hễ cứ có nữ hành khách xinh đẹp nào xuống ga mà tiếng nói vừa dịu, vừa trong cho biết họ là dân Paris chính cống là hắn lại chực buột miệng khoe điều đó.
Thất vọng, ngồi trên ke, hắn lại bắt tay vào vẽ những công trình nổi tiếng hàng giờ liền. Hắn thích cái sự lặp đi lặp lại ngớ ngẩn của những công đoạn nối tiếp nhau của việc làm tranh, sự tập trung khi vẽ những nét can, sức mạnh kiêu hãnh của những đường nét tô bằng mực tàu, sự kiên nhẫn thiển cận của việc tô màu.
Hôm đó, trời nắng đẹp làm ấm lòng người, có bốn chuyến tàu quan trọng sẽ đến trong ngày và Hitler, lần đầu tiên trong đời, lao vào việc tái hiện một bức tranh khổ lớn, một bức ảnh cắt trong báo, hình khu điều dưỡng cho bệnh nhân lao phổi Pinkensdorf do Joseph Hoffman thiết kế, một khối nhà hình hộp không quá khó vẽ. Hitler bận túi bụi vì phải vừa vẽ vừa phục vụ các nữ hành khách đến mức không nhìn thấy một cái bóng đứng bất động cách đó ba đường tàu dõi theo hắn từ sáng đến tối.
Chỉ đến bảy giờ tối thì cái bóng mới lại gần Hitler. Hắn ngầng đầu lên và nhận ra Wetti.
Wetti giận run người. Trong suốt một ngày, thị đã có thời gian để trải qua mọi trạng thái từ ngạc nhiên đến hoài nghi, rồi bực tức, thất vọng, xấu hổ, phẫn nộ… đến bảy giờ, thị nổi giận và cũng chính vì lý do này mà thị xông tới trút hết lên người hắn.
Kể từ tối nay, tôi không muốn nhìn thấy anh trong phòng khách nhà tôi nữa và kể từ cuối tuần này, hãy cuốn xéo khỏi nhà tôi.
Thật khủng khiếp khi nhận thấy Wetti đã trở nên thực dụng như thế nào. Điều đó quá khác biệt so với tính cách mơ mộng thường ngày của thị và cho thấy cú sốc lớn thế nào.
Tôi báo cho anh biết là anh vẫn nợ tôi một tháng rưỡi tiền nhà.
Miệng méo xẹo, thị nổi cáu và run lên trước nỗi đau phải chịu đựng.
May cho anh là tôi không tính tiền ăn uống, giặt là, may vá, tất cả những điều ngu ngốc mà tôi đã làm cho anh chỉ vì tôi cứ tưởng rằng… chỉ vì tôi cứ tưởng…
Tấm thân nặng nề của thị rung lên bởi những cơn co giật làm chảy nước mắt, nhưng thị vẫn cố kiềm chế.
Chỉ vì tôi cứ tưởng…
Hitler tê liệt cả người, e sợ cái từ thị sẽ thốt lên.
– Chỉ vì tôi cứ tưởng… chỉ vì tôi cứ tưởng…
Ngôn từ điên cuồng nhảy nhót trong đầu Hitler. Một vài từ chuyển tải theo mình câu trả lời, một vài từ khác thì không. “Tôi cứ tưởng rằng anh yêu tôi” thì dễ chịu hơn cả. “Tôi cứ tưởng anh học trường Mỹ thuật” có thể chữa được bằng một lời nói dối. “Tôi cứ tưởng là khi anh nổi tiếng, anh sẽ cưới tôi…” câu này tế nhị hơn.
Bởi vì tôi cứ tưởng rằng anh là một họa sĩ, cuối cùng thì Wetti cũng bật ra. Không! Đừng nói như thế. Đừng, đừng ngay đến cả Wetti cũng nói thế. Không còn
gì để trả lời nữa. Ta là một họa sĩ. Và trong giây phút này, ta đang làm gì đây các người không thấy sao? Chính lúc ấy, Wetti đưa mắt nhìn tấm ảnh trên báo và tờ giấy can cáughét.
– Anh thật là… lố bịch.
Thị quay gót và chạy trốn về phía ga. Thị đã kìm mình không khóc. Sự khinh bỉ đã giữ nước mắt lại. Thị đã biết cắt đứt mối quan hệ bằng sự khinh bỉ, không hề thống thiết. Chính hắn mới là kẻ nực cười. Tim đập thình thịch, tựa cả người vào một cái cột, nhẹ nhõm, thị khóc tức tưởi, mặt gục trong một chiếc mùi soa đẹp được thêu quá cầu kỳ.
Hitler vẫn ngồi bệt dưới đất, đồ nghề vẫn để giữa hai chân, nhợt nhạt. Để không nghĩ đến cái điều khủng khiếp mà thị đã thốt lên: “Tôi cứ tưởng rằng anh là họa sĩ”, hắn chửi rủa liên hồi cái con gà phục phịch ấy, thân xác sồ sề, không đọc nổi một quyển sách, chỉ giao du với lũ đồng tính, cái mụ chủ quán chưng hửng, thậm chí còn
không biết Gustav Klimt là ai nếu hắn không nói cho biết, thế mà giờ đây mụ cho phép mình đưa ra những nhận xét về mặt thẩm mỹ nữa cơ đấy. Hắn nợ mụ một tháng rưỡi tiền nhà ư? Tiếc là hắn không nợ nhiều hơn nữa. Bởi hắn sẽ đi ngay tối nay mà không trả tiền mụ.
Hitler đã hoàn toàn hồi phục. Đừng vội ảo tưởng: hắn sẽ chính là người khởi xướng một giải pháp để đặt dấu chấm hết cho cái tình trạng không thể chấp nhận được này! Hắn sẽ cắt đứt!
Hai mươi hai giờ ba mươi, hắn đã gói ghém đồ đạc xong xuôi. Hắn thận trọng đi xuống cầu thang tầng trệt, trước cửa phòng Wetti. Dù bức ri đô đã che kín những cái ô trên cánh cửa đúp, người ta vẫn có thể thấy đèn trong phòng khách bật sáng. Hitler nghe thấy tiếng rên rỉ:
Thất vọng quá… quá thất vọng… Wetti lẩm bẩm, giọng ướt nhoèn, đặc lại.
Thôi nào Wetti, tôi đã cảnh báo chị trước rồi mà, chị đã không nghe tôi… để bây giờ, chị đau đớn quá độ.
Ôi Werner ơi!
Bị chạm nọc, Hitler đứng thẳng người lên. Hóa ra chính cái đồ bẩn thỉu Werner này đã làm cho Wetti nghi ngờ.
Wetti à, tôi đã hỏi ngay anh chàng ấy… mà đúng ra là… người bạn ấy, chị biết đấy… người là sinh viên thật ở trường Mỹ thuật xem anh ta có người bạn nào tên là Adolf Hitler không. Anh ta cả quyết là không.
Hitler phẫn nộ. Hóa ra đây là cái mà Werner tập trung làm từ khi Hitler cự tuyệt những lời tán tỉnh nhảm nhí của gã. Gã ta đã huyên thuyên với một gã biến thái khác để phá hoại thanh danh của hắn. Một bọn ăn chơi đàng điếm. Thật tình. Chẳng hợp với ta chút nào. Xin cảm ơn. Các người cứ vui thú với nhau vậy.
Và Hitler rời ngôi nhà số 22 phố Felber, tuy có nép sát vào tường để đi nhưng trong lòng, hắn vẫn nghĩ mình ra đi đường hoàng. Hắn khinh bỉ những cái hắn bỏ lại sau lưng. Trong hắn chỉ còn cảm giác khinh bỉ mụ đàn bà tiểu tư sản quá ục ịch và quá keo kiệt đang được một tên thích làm tình qua hậu môn an ủi.
“Reinhold Hanisch, phải rồi, ta phải tìm được Reinhold Hanisch. Anh ta sẽ cho mình ở nhờ.”
Hắn đi đến cái quán rượu nơi hai gã đã ngồi uống với nhau. Reinhold Hanisch đang ở đó, mặt đỏ bừng vì được sưởi ấm, mắt căng lên vì bia.
Úi trời, Gustav Klimt, gã kêu lên khi nhìn thấy Adolf Hitler đi đến.
Hitler không trả lời. Hắn quá sung sướng khi đã tìm được Hanisch.
Anh phải cho tôi ở nhờ. Anh biết không, tôi có trục trặc với một người đàn bà…
và tôi phải ra đi.
Không vấn đề gì anh bạn ạ. Nhà tôi luôn rộng cửa với cậu. Cậu sẽ ngủ ở phòng dành cho khách. Cậu muốn uống một cốc không?
Yên tâm, Hitler đồng ý uống. Đành là có cái gì đó thô tục trong cái vẻ vui tươi của Hanisch, trong nhiệt tình dành cho bia của gã, trong những cái đập thân mật vào vai và lưng, nhưng nếu đó là cái giá phải trả để có một đêm yên ổn thì… Đến một giờ sáng, Hitler, mệt lả, u mê vì uống nhiều như vậy mà không ăn gì, đòi Hanisch dẫn về nhà.
Hanisch khoác cái túi to đùng sau quầy rượu và dẫn Hitler đi. Gã bước qua hàng rào trong một công viên công cộng tối thui rồi ngả lưng xuống giữa những lùm cây đen xì.
Chào mừng đến với cung điện của tôi. Tôi ngủ ở đây đây.
Cái gì? Anh thậm chí không có nổi một chỗ ngủ? Hanisch đập đập vào mặt trên cái túi của mình làm gối.
Thế cậu tưởng sao, Gustav Klimt? Cậu tưởng là với mấy bức vẽ của cậu thì tôi có đủ tiền để thuê phòng nghỉ à?
***
Bên dưới Adolf, Stella đang rên lên vì sung sướng. Sau mỗi cử động của hắn, nàng trả lời bằng một tiếng rên hay co người lại. Thứ nhạc cụ xác thịt ấy nặng trĩu trên tay nhưng cuối cùng Adolf cũng tìm ra cách chơi và tạo ra tiếng nhạc như ý.
Miễn là ta giữ được.
Thay vì thưởng thức màn trình diễn trong đó Stella gầm gừ và được giải thoát, hắn ép mình phải nghĩ đến một cái khác; để nàng sướng nhiều và lâu, hắn phải tự mình tước đi sự sung sướng ấy và trở thành một cái lò xo thuần túy, một cái máy. Nhất quyết không được nghĩ đến cái phần cơ thể mình đang tiếp xúc với nàng. Phải nghĩ đến chuyện khác. Nhanh lên.
Hắn phải tự kìm sự sung sướng của mình lại, chăm chắm nhìn vào một cái vết trên tường và vừa chuyểnđộng hông lên xuống vừa tập trung tự hỏi xem cái vết này ở đâu ra. Một vết mỡ? Một vết cháy? Một con gián bị giẫm bẹp? Nhiều cách lý giải bẩn thỉu huyên náo trong đầu óc hắn rồi hắn quên đi cảm giác của cơ thể mình vào lúc này. Hiệu nghiệm thật. Đúng rồi, một con gián. Một con gián khổng lồ bị một gã người Séc giẫm bẹp gí, trong khách sạn này đầy người Séc. Ai đó đã đến ngủ trong phòng này, không phải để làm cái hắn đang làm với Stella hiện nay, Stella oằn oại dưới hắn chừng nào hắn còn…
Ôi không…
Quá muộn. Cơn khoái cảm đổ ập xuống hắn, dữ dội, choáng ngợp. Hắn rũ ra trên người Stella.
Nàng còn cựa quậy vài cái rồi cũng nằm yên giống hắn, toàn thân thả lỏng, nghỉ ngơi.
Thắng rồi.
Sự im lặng làm cho niềm vui của hắn càng chắc chắn hơn nữa.
Stella chầm chậm đẩy hắn ra rồi đứng dậy, vẻ xa cách, câm nín. Nàng khinh khỉnh nhìn hắn dữ dội hơn thường lệ. Adolf cảm thấy rằng hắn sẽ nhanh chóng phải chịu đựng đây. Hắn nhìn nàng, dò xét, cầu khẩn, một cái nhìn mà người ta còn có thể có ngay trước khi tuyệt vọng.
Nàng cười độc ác.
– Anh tin là tôi đã sướng à?
Nàng xỏ quần vào. Chính vào lúc làm cái công việc tỉ mỉ này mà nàng thường bật ra những câu nói độc địanhất.
Tính tự phụ của anh thật là vô bờ. Tôi đã giả vờ sướng đấy.
Tốt thôi, tôi sẽ dừng lại. Adolf H. hét lên.
Có gì khác đâu? Anh có thể dừng lại, thực ra anh chưa bao giờ bắt đầu cả.
Lần này tôi sẽ dừng hẳn. Dừng vĩnh viễn.
Hắn tìm cách tự thuyết phục mình. Đã bao nhiêu lần hắn tuyên bố là tất cả đã hết, rằng hắn sẽ bỏ cuộc chơi xuẩn ngốc này, rằng hắn toàn toàn không quan tâm đến đến việc có làm cho một người đàn bà sướng hay không? Vấn đề ở chỗ, Stella, thay vì cự nự, lý luận, thuyết phục hắn thay đổi ý kiến, lại đồng ý với hắn. Những lúc đó, hắn thấy mình còn thảm hại hơn, để lấy lại một chút tự tôn hắn lại đến vào ngày hôm sau.
Vậy là, Adolf lại đến vào ngày hôm sau. Lần này, Stella không giả vờ nữa. Và lịch sử dài dặc các cuộc thất bại của Adolf lại dài thêm hai tiếng.
Hắn cứng đầu một cách không thể hiểu nổi. Đó không còn là một thách thức như ngày đầu tiên, cũng không phải là một cuộc cá cược như hắn đã tin sau đó, thậm chí cũng không phải là một sự ám ảnh, dù rằng hắn có bị thân thể của Stella làm cho vương vấn. Bây giờ, sự việc trở thành một thứ cảm xúc câm nín và sâu thẳm, một cái gì đó như tôn giáo. Làm cho đàn bà sướng trở thành cái đích mà hắn kiếm tìm, Stella là ngôi đền thiêng, đàn bà trở thành Định mệnh, sự im lặng lớn lao này luôn bám riết lấy tâm trí hắn. Như một người theo đạo đang quỳ xuống, hắn làm việc với cả một sự sùng đạo để được ban ơn.
Hắn ngày đêm nghĩ tới niềm hoan lạc. Làm thế nào để cảm nhận được nó thì hắn đã biết. Nhưng chia sẻ nó cho người khác thì làm như thế nào? Hình như khoái lạc là cái không truyền nhiễm.
Một hôm, trong giờ học, hắn bỗng tỉnh ngộ. Stella cần phải cảm thấy ham muốn để đạt tới cực khoái. Khoái cảm của nàng không phải là cái gì xác thịt, nó không còn thuộc về loài nữa. Adolf cần phải làm Stella thèm muốn hắn.
Adolf đột nhiên hiểu ra cần phải tạo hiệu ứng gì ở Stella: hắn sẽ làm một con cua nằm ườn trên người nàng, trong một trạng thái kích động ngu ngốc, co giật, khua càng trong không khí, một con cua không ham muốn nàng.
Thứ Hai sau đó, hắn đề nghị Stella không về khách sạn nữa mà đi uống một cốc sôcôla cùng nhau. Hắn ngạc nhiên khi thấy nàng chấp nhận không chần chừ gì cả. Họ
chuyện trò vui vẻ, chẳng còn cái cảnh vợ chồng phường chèo như thường ngày, thậm chí họ còn cảm thấy vui thích nữa. Thứ Ba, hắn đề nghị đi xem hòa nhạc; Stella cũng chấp nhận. Thứ Tư, hắn mời nàng đi dạo sở thú; một lần nữa, nàng đồng ý nhưng đã có thoáng chút lo ngại dâng lên trong mắt nàng. Sau chuyến đi chơi, nàng hỏi hắn khi hai người chia tay:
– Chúng ta không về khách sạn nữa à?
Lần đầu tiên, nàng dám bộc lộ điểm yếu của mình: nàng sợ Adolf không còn ham muốn nàng nữa.
Có chứ, hơn bao giờ hết, Adolf trả lời mắt đầy vẻ chờ đợi. Yên tâm, nàng lấy lại bộ mặt mỉa mai.
Thứ Năm, Adolf tuân thủ cặn kẽ kế hoạch đã đề ra. Hắn dậy từ sáng sớm, thủ dâm
cật lực rồi đi bộ cả ngày, đến mức mà buổi tối, khi gặp Stella trong phòng khách sạn, quá mệt mỏi, hắn không thể đạt đến được hiệu suất như mọi khi.
Xin lỗi em, không biết hôm nay anh bị làm sao ấy. Adolf nói để nàng hoàn toàn mất phương hướng.
Anh mệt à?
Không. Không mệt hơn mọi hôm.
Thứ Sáu, Stella và hắn hẹn gặp nhau lúc năm giờ. Đến giờ hẹn, hắn trốn trong quán cà phê đối diện chỗ hẹn, đợi Stella vào hẳn trong khách sạn và để cho nàng đợi. Sáu rưỡi tối, hắn chạy một vòng quanh cả khu nhà và cố tình hít thở không hợp lý để khi leo lên phòng Stella hắn đã hụt hơi.
Stella giật nảy mình khi nhìn thấy hắn.
– Anh ở đâu em đang l…
Nàng kìm mình không để lộ sự lo lắng; không còn lý do gì để lo nữa bởi hắn đang đứng trước mặt nàng vào lúcnày.
Anh bị kẹt ở trường. Ông hiệu trưởng giữ lại. Nhưng không có chuyện gì nghiêm trọng cả. Anh muốn báo cho em mà không được… anh xin lỗi nhé.
Không, không sao cả, nàng đáp khô khốc.
Hết lo lắng, giờ đây sự tức giận làm nàng sôi máu. Nàng giận bản thân vì phát hiện ra mình lại ủy mị đến vậy.
Em thật tốt biết bao khi đã đợi anh như vậy. Anh sẽ trả tiền hai giờ thuê phòng
này.
Đúng vậy đấy, nàng cắt ngang.
Chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn vào tuần sau.
Gì cơ? Anh phải đi à?
Anh không còn muốn nữa phải không?
Không, anh vẫn thế.
Chứng minh đi.
Nhưng Stella ơi, chỉ nửa tiếng thôi, chỉ nửa tiếng thôi, không đủ được.
Ai bảo anh thế?
Ồ, nửa tiếng với anh thì đủ nhưng với Stella thì…
Em không phải tên là Stella mà là Ariane.
Thế rồi nàng bắt đầu cởi quần áo hắn.
Vài giây sau, Adolf muốn cười phá lên, như một khán giả thấy cảnh mình mong đợi từ đầu buổi diễn đang được trình bày trên sân khấu, nhưng cảm giác ham muốn dữ dội của Stella làm hắn đảo lộn. Lần đầu tiên, một sức mạnh đổ ập lên người hắn, nàng chiếm đoạt hắn, sở hữu hắn. Hắn có cảm giác chính mình đang trở thành một người đàn bà.
Mọi chuyện trở nên nghiêm túc giữa họ. Tồi tệ hơn. Thê thảm. Một cái gì đó vĩ đại đang vực họ dậy. Họ diễn một màn chính. Thân thể họ phản ứng với nhau. Từng cơn đam mê đột ngột chạy từ cơ thể này sang cơ thể kia. Khoái cảm tột độ làm da họ sởn lên, như thể có một sự thông giao, liên tục không ngừng nghỉ, liên tục được làm lại, truyền điện đam mê từ người nọ sang người kia. Những tia lửa của sự hòa cảm. Mỗi người đều muốn sở hữu cái bộ phận sinh dục vốn không được biết đến và bị khinh rẻ của bên kia. Họ lại gần nhau mà không giao nhau. Quyện mà không tan vào nhau. Ariane-Stella run lên, rồi rùng mình khủng khiếp. Adolf dìm mắt mình vào mắt nàng và chính trong lúc ấy, trong mắt nàng, trong ánh phản chiếu của con ngươi nàng, bên trong cái đồng tử đang giãn nở của nàng, hắn thấy khoái cảm của nàng và hắn đang dần dần dâng lên.
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.