Nửa Kia Của Hitler
8.
Gì cơ? Bà không có bức nào của Adolf H. hả? Tôi ấy à, tôi có những ba bức trong phòng khách.
Ở Paris, giờ người ta chỉ nói đến cái ông Adolf H. này thôi.
Hôm nọ, nhà Rothschild thậm chí đã tổ chức một dạ hội dành cho ông ta.
Nhà Weil cũng sẽ làm như vậy vào tháng tới.
Ừ, đó là họa sĩ đang mốt mà.
Ông ta còn hơn cả mốt nữa, bà bạn thân mến ạ, bởi mốt thì sẽ hết thời. Còn ông ta thì ông ta có phong cách.
Chồng tôi vừa mua một bức khổ lớn của ông ta cho ngôi nhà của chúng tôi ở Normandie. Chúng tôi thật may mắn vì ông ta rất ít vẽ tranh khổ lớn. Chúng tôi chẳng bao giờ biết phải treo cái gì trên cầu thang của căn nhà rộng thênh thang ấy.
Nếu không có gì bí mật thì ông bà đã trả bao nhiêu?
Cho cái gì? Ngôi nhà ấy hả? Đó là của thừa kế.
Tôi nói đến bức tranh cơ.
Bốn trăm nghìn phrăng. Nhưng nó đáng giá ấy. Tin tôi đi. Đắt nhưng nó đáng giá
ấy.
Dù sao thì… cách đây ba tháng, giá bức tranh ấy chỉ bằng một nửa.
Nó sẽ tăng gấp đôi trong ba tháng nữa. Giá tranh của Adolf H. đang tăng vọt. Tranh vừa đẹp, vừa dễ thở, không quằn quại quá lại vừa là một khoản đầu tư.
À mà cái tên này, Adolf H., là tên người Đức hay là người Do Thái nhỉ?
Cả hai, bà bạn thân mến ạ.
Số lượng những họa sĩ người Do Thái và Đức đang tung hoành trong hội họa
hiện nay thật không thể tin nổi phải không? Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Do Thái-Đức.
Bà bạn ơi, không chỉ có hội họa đâu, còn âm nhạc nữa. Những Schônberg, Weill, Hindemith. Và những nhạc trưởng nổi tiếng nhất nữa chứ: Bruno Walter, Otto Klemperer, Furtwngler.
Furtwngler là người Do Thái? Bà chắc chứ?
Ồ, chắc chắn là như vậy.
Dù gì thì chắc chắn Adolf H. là người Do Thái. Bố vợ ông ta không phải ai khác chính là Joseph Rubinstein, một trong các trụ cột của chủ nghĩa phục quốc ở Đức.
Thảo nào!
Thảo nào gì?
Tôi nói thảo nào.
Đúng vậy nhưng cách nói của bà có ám chỉ điều gì đó.
Tôi nói thảo nào vì bây giờ tôi đã hiểu mối liên hệ với nhà Rothschild.
Không. Họ yêu các nghệ sĩ, vậy thôi. Nói như vậy thì Picasso cũng là người Do Thái luôn.
Gì cơ, thế Picasso không phải người Do Thái à?
Thế hôm nhà Rothschild mở tiệc bà có ở đó không?
Tất nhiên rồi.
Thế trông cái tay Adolf H. này như thế nào?
Mắt đẹp lắm. Một đôi mắt thôi miên. Còn lại thì không có gì đặc biệt. Thậm chí tầm thường nữa là khác. Nhưng đôi mắt thì…
Ông ta đi với ai?
Với một cậu thanh niên, đẹp vô cùng, mặt như một thiên thần. Ông ta đã giới thiệu đó là học trò kiêm thư ký của mình.
Sao qua nổi mắt tôi! Đó là tình nhân của ông ta đấy, rõ quá rồi còn gì.
Tại sao bà nói vậy?
Bởi vì tất cả các nghệ sĩ đều… như thế cả. Tôi chưa thấy họa sĩ nào lại có một cuộc sống bình thường cả.
Không hề, bà nói lung tung rồi! Nói như thế chẳng nhẽ Picasso cũng là người đồng tính chắc.
Sao, thế Picasso lại không phải là người đồng tính à?
***
Thưa Quốc trưởng, ngài cần phải xuất hiện trước công chúng.
Không.
Nhân dân cần sự hiện diện của ngài.
Không. Ta chỉ xuất hiện sau khi chúng ta đã chiến thắng. Không chiến thắng thì ta chẳng muốn nói gì cả. Vì sự bất tài của các tướng lĩnh mà ta cũng chẳng còn cơ hội
để làm điều ấy nữa. Không và không.
Thưa Quốc trưởng, với tư cách bộ trưởng Bộ tuyên truyền, tôi cần đến sự hiện diện không gì so sánh được của ngài. Chúng ta cần phải quay phim, chụp ảnh. Ví dụ như cảnh ngài đến thăm các thành phố và vùng bị không quân địch oanh tạc.
Gì cơ? Ông định ghi hình ta giữa đống đổ nát vĩnh viễn vào các cuộn phim hay sao? Rằng ta thừa nhận các thiệt hại ư? Ông có điên không đấy?
Dân chúng thích điều đó, họ sẽ có cảm giác rằng ngài chia sẻ nỗi đau với họ. Ngài cũng có thể đến thăm các thương binh. Tất cả những điều đó cho thấy ngài có lòng thương xót đến người khác.
Lòng cảm thương? Đừng nực cười như thế.
Không thể lơi là việc quan tâm đến dân chúng quá lâu. Dù gì thì họ cũng là nòng cốt trong các nỗ lực chiến tranh của chúng ta.
Thôi nào, chính ta mới đang làm tất cả. Ta tàn phá sức khỏe của mình để giữ vững mục tiêu của chúng ta. Mỗi đêm ta chỉ ngủ chưa đầy ba tiếng.
Người hoạt khẩu như Goebbels cũng không thể nói lại Hitler ở điểm này: trông Hitler giờ thật khó coi. Cứng đờ, tím tái, tóc lốm đốm sợi bạc, mắt sưng húp, lưng còng, đôi khi hắn khó nhọc tìm một từ để diễn đạt trong khi tay trái run run không kiểm soát được. Hắn đã bỏ lối sống tài tử trước kia với những đêm dài, những giấc ngủ trưa, những buổi thư giãn hàng ngày khi xem phim chiếu riêng cho mình, tán chuyện về nghệ thuật và những giây phút hứng khởi mơ màng bên ma két các công trình kiến trúc. Từ khi cuộc chiến bị sa lầy và từ khi hắn quyết định sẽ tự mình chỉ huy tất cả các trận đánh, hắn ôm hết mọi việc vào người và do đó, trở nên không hiệu quả. Trong núi ý tưởng lộn xộn ấy, chẳng có cái gì ra hồn cả. Sức ép thần kinh liên tục này làm hắn suy sụp ngay cả khi hắn không muốn thừa nhận điều ấy. Hitler không muốn biết đến giới hạn khả năng của mình là hắn chỉ xuất sắc khi đứng trên diễn đàn và chỉ hiệu quả khi tấn công. Nghiệp dư và phá hoại. Không chuyên nghiệp cũng không biết tự vệ.
Nhân dân Đức cần những tín hiệu từ phía ngài, thưa Quốc trưởng. Nhân dân Đức nhớ ngài.
Đủ rồi! Nhân dân Đức làm ta bực mình. Họ không ngang tầm với tình hình. Ta thậm chí còn tự hỏi họ có xứng đáng với ta không.
Cần phải hiểu rằng…
Không! Bí mật của thành công nằm trong ý chí. Ý chí của ta sẽ không bao giờ khuất phục. Ta biết rằng một vài người Đức muốn thỏa thuận hòa bình. Không bao giờ. Chiến tranh hết mức! Chiến tranh tổng lực! Không đầu hàng! Một vài người Đức còn chưa hiểu sự bất khoan dung có giá trị tới mức nào. Nhưng họ hãy nhìn vào thiên nhiên xem! Không có chút khoan dung nào trong thế giới động vật và thực vật: thiên nhiên hủy diệt tất cả những gì không sống được. Chúng ta cần trụ vững không nao
núng. Hoặc chiến thắng hoặc bị hủy diệt. Hoặc là tất cả hoặc là không gì cả. Trong đời mình, ta chưa bao giờ đầu hàng. Ta làm nên mình từ hai bàn tay trắng, anh nghe rõ chưa, một mình ta từ hai bàn tay trắng. Với ta, tình hình của chúng ta hiện nay không có gì mới mẻ cả. Ta đã trải qua những thứ còn tệ hơn kia. Ta theo đuổi mục tiêu của mình một cách cuồng tín bởi anh là người biết rất rõ, Goebbels thân mến ạ, chỉ có sự cuồng tín mới là quan trọng, chỉ có sự cuồng tín mới có sức mạnh cứu rỗi. Không có cuồng tín thì không có gì vĩ đại diễn ra trên trái đất này.
Tất nhiên, thưa Quốc trưởng, nhưng…
Nghe ta nói đây này, Goebbels: nếu dân tộc Đức yếu ớt, họ không xứng với số phận nào khác ngoài bị tiêu diệt bởi một dân tộc khác mạnh hơn. Khi đó, người ta không thể thương hại họ được, trong mọi trường hợp, ta sẽ không thương hại.
Hitler ra hiệu cho Goebbels nhỏ bé và lịch lãm ra về. Khi Goebbels ra đến cửa, Hitler gọi giật lại hỏi thăm con cái của Goebbels. Goebbels nói vắn tắt rằng sáu đứa con của mình vẫn khỏe. Đột nhiên, Hitler tỏ ra dễ chịu, hỏi thêm chi tiết về mỗi đứa. Trong suốt hai mươi phút, Goebbels thao thao kể về những đứa con của mình, dường như có làm Hitler vui lên, rồi Goebbels ra về, nhẹ nhõm, sung sướng vì Quốc trưởng trìu mến đến nhường ấy với mình trong giờ phút khó khăn này.
Hitler quay lại với con chó cái của mình, Blondi, đang rối rít chồm lên người hắn và Hitler kể cho con chó nghe chuyện con cái nhà Goebbels. Hắn rất quý những đứa trẻ này và khi nói chuyện với Blondi, hắn gọi chúng là “những chữ H nhỏ”, coi chúng gần như những bộ phận bổ sung cho mình. Do quá ngưỡng mộ thần tượng, Goebbels đã đặt tên con là Helga, Hilde, Hellmut, Holde, Hedda và Heide, như thế hắn có thể tô điểm tới sáu lần chữ cái đầu của Quốc trưởng tôn kính.
Sau đó, Hitler tiếp Himmler, vừa được phong là bộ trưởng Nội vụ của Đế chế, một nhiệm vụ mà con sênđảm nhiệm rất hiệu quả. Hắn nhận thấy Himmler đã tỉa bớt bộ ria thành hai đường dọc nhưng vẫn chưa cạo hết hẳn. Dù gì, biết đâu làm như thế có thể sẽ giữ vững được vẻ oai phong, thậm chí là cả quyền uy của Himmler đối với thủ hạ, cho dù hắn chỉ có một cái bóng của bộ ria kiểu Hitler?
Himmler, nước Đức làm tôi lo lắng. Tinh thần của nhân dân Đức đang xuống thấp và quả nho khô Goebbels ở Bộ tuyên truyền dường như đang bất lực trong việc cải thiện tình hình. Chính anh là người sẽ cứu vãn được tình thế.
Cần phải làm gì, thưa Quốc trưởng?
Những ngày sau đó, Himmler triệu tập tất cả các lãnh đạo SS tại Posen rồi đến các nhân vật cao cấp của Đế chế. Hắn phổ biến một cách thẳng thừng tất cả mọi chuyện về các chuyến tàu chở nghẹt người Do Thái khi đi và trở về trống rỗng. Hắn thừa nhận về hoạt động thực sự của các trại tập trung, chết chóc.
Với chương trình hủy diệt bọn Do Thái ở châu Âu này, chúng ta vừa thực hiện một trang chói lọi trong lịch sử của chúng ta, cái chưa bao giờ được lưu thành văn bản
và cũng sẽ không bao giờ như vậy. Chúng ta có quyền tinh thần và hơn hết, có nghĩa vụ đối với dân tộc là phải hủy diệt chủng tộc đang muốn hủy diệt dân tộc ta. Chúng ta sẽ tận diệt vi khuẩn Do Thái, cái có thể làm ta ngã bệnh hay giết chết chúng ta. Hitler sẽ được ghi tên trong lịch sử như Robert Koch, người đã tận diệt bệnh lao và chúng ta tự hào vì tất cả chúng ta đã là những y tá của loài người.
Hitler xoa xoa tay sau bản báo cáo của Himmler.
Vậy đó. Bây giờ tất cả bọn họ đều liên lụy. Họ đã biết khá đủ về điều này nên sẽ không muốn biết nhiều hơn về nó nữa.
Hắn lại gần cửa sổ nơi hoàng hôn nhuốm màu đỏ rực.
Bây giờ, tất cả các lãnh đạo Đức đều đã nhúng chàm. Họ đã bị trúng bẫy. Từ nay, họ sẽ không chỉ ngậm miệng lại mà hơn nữa lại còn phải theo lao.
Im lặng bao trùm căn phòng được sưởi ấm không đủ.
Rất bình thản, Hitler thêm vào một câu nhận xét lần đầu tiên không hề đao to búa lớn:
Từ nay, sau lưng chúng ta, mọi cây cầu đã bị chặt đứt.
***
– Vui lòng cho về khách sạn Ritz.
Adolf H. chui tuột vào trong chiếc taxi. Đúng ra thì hắn đổ người vào đó bởi hắn đã quá say.
Paris đãi tiệc mừng hắn. Người ta yêu tranh của hắn một cách cuồng nhiệt và cảm thấy rất vinh hạnh vì hắn đã từng sống ở Pháp. Một sự quay ngoắt kỳ lạ. Giới nhà báo và thượng lưu tìm hiểu từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong thời gian hắn sống ở Paris những năm hai mươi – phố nào, căn hộ nào, quán ăn nào, nhà hàng nào, cứ như đó là điều thú vị lắm – trong khi vào thời hắn sống ở đó, người ta quay lưng lại với hắn và hắn, một người ngoại quốc không có thu nhập ổn định, phải khó nhọc lắm mới kiếm được một nơi ở hay được ông chủ quán cho chịu vài đồng. Tối nay cũng vậy, hắn về khách sạn Ritz nơi chủ gallery đã thuê cho hắn một phòng suite thêm một tuần nữa để cảm ơn hắn vì giá tranh tăng vọt.
Khách sạn Ritz… khi hắn đến Paris năm 1919 hắn đã ở trong một khách sạn tồi tàn, cao và hẹp, khách sạn Tia chớp gần nhà ga phía Đông; ở đó, nhà vệ sinh trên tầng hắn ở bị vỡ kính, gió lạnh lùa vào làm tê cóng cả mông, gái điếm và khách làng chơi đi lại nườm nượp trên cái cầu thang kẽo kẹt, những tấm thảm cả đời không ai giặt mốc xanh mốc đỏ, hắn đã ở chung với Neumann trong một căn phòng bé xíu; và hồi đó, hắn rất hạnh phúc. Giờ đây, hắn cho Heinrich và Sophie đi theo hắn và ở một phòng suite; mọi thứ đều dát vàng, đồ dùng pha lê, rượu sâm banh và tràng kỷ rộng, êm và tiện nghi, hắn nhìn thấy bộ mặt giàu có của thành phố và hắn cũng hạnh phúc.
Có điều, hạnh phúc ấy không giống trước.
Hắn cảm nhận vị cay đắng của thời gian đã qua. Adolf H. đã chinh phục Paris một
thời gian ngắn trước khi Mười-một chết và trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế hoành hành; hắn chinh phục nó một lần nữa và điều đó chẳng mang lại cho hắn điều gì lớn lao cả trừ việc cảm thấy mình đã già và thấy những người cách đây mười năm lờ hắn đi, nay lại tôn hắn là thiên tài chỉ là những cái chong chóng, phát ra những lời nhận xét vô bổ và tự hạ mình xuống thành những tiếng xì xào mà chính họ phát ra. Tất cả đều ngắn ngủi, phù phiếm. Cái say khi uống một loại rượu vang ngon. Không hơn. Hắn đã tỏ ra nghiêm khắc với những người ca tụng mình đến mức cảm thấy mình có lỗi. Để chuộc lỗi, hắn dành trọn thời gian của mình ở đây để gây dựng danh tiếng cho Heinrich. Hắn đồng ý đến những cuộc hẹn vô bổ để nói đến Heinrich, hắn đi gặp các chủ gallery để họ quan tâm đến Heinrich, hắn vào thành phố chỉ để giới thiệuHeinrich, biết rằng các vị khách mời sẽ bị vẻ đẹp và sức quyến rũ của Heinrich thuyết phục hơn là những cái nhìn lướt qua dành cho tranh của anh, những tác phẩm mà dù sao họ cũng chẳng nhìn ra cái gì.
Heinrich sung sướng khi ở Paris và Adolf vui vì điều ấy. Hắn có cảm giác đang tặng cả thành phố này cho Heinrich để chúc mừng anh tròn hai mươi lăm tuổi. Những mối liên hệ nghiêm túc với giới nghệ thuật nay đã được thiết lập. Heinrich chỉ còn mỗi việc là vẽ. Đó gần như là con ta, Heinrich, con trai trong hội họa của ta bởi Rembrandt lại được trời phú cho khả năng học toán và Sophie vẫn đang tiếp tục tìm kiếm lối đi cho riêng mình. Ta sẽ là người cha hội họa của Heinrich.Sự hào phóng này của Adolf cũng là phương tiện để vượt qua nỗi đau mà mọi nghệ sĩ phải chịu khi nhìn thấy một thiên tài rất trẻ xuất hiện. Adolf cảm thấy mình bị những khả năng thiên bẩm của Heinrich bỏ xa đến mức hắn hài lòng coi mình là thầy và người đỡ đầu cho nghệ sĩ vĩ đại nhất của nửa sau thế kỷ này.
– Bốn mươi phrăng đây, thưa hoàng tử của tôi.
Adolf không mặc cả dù giá tay lái xe đưa ra cao ngất bởi hắn cảm thấy xấu hổ khi kỳ kèo bốn mươi phrăng trước mặt những người gác cổng của khách sạn Ritz.
Hắn trả tiền và lên phòng. Hắn ở phòng chính rộng nhất, Sophie ở phòng thứ hai và một phòng phía trên cầu thang rất đẹp cho Heinrich.
Adolf cởi quần áo, đứng dưới vòi nước ấm thật lâu để gột hết cơn say rồi khoác chiếc pyjama bằng lụa vào.
Khi đi ngang phòng Sophie, hắn nhìn thấy một tia sáng lọt qua và thấy bực tức theo phản xạ của một người cha tằn tiện nghĩ rằng con mình lại để quên đèn khi ngủ.
Hắn đẩy cửa và thấy trên cái giường nhàu nhĩ, lộn xộn, Heinrich đang trần truồng ôm lấy Sophie, cũng không mảnh vải trên người.
Cả hai mở mắt khi nghe tiếng cửa mở và hoảng sợ nhìn Adolf.
***
Hai nhà độc tài ngồi giữa đống đổ nát đang còn bốc khói.
Giữa đống mảnh vụn, Hitler đã tìm thấy một cái hòm chưa bị vụ nổ thổi bay đi.
Mussolini tựa vào một cái xà trơ trọi, phần sót lại cuối cùng của khung nhà.
Tro than còn bay vẩn vơ trong không khí, ngơ ngác, rời rạc giữa tòa nhà bị xé toang và Paul Schmidt, người phiên dịch, đang kinh sợ kiểm tra xem giữa đống bàn ghế nát vụn, những mảnh vỡ cửa kính và tường, những mảnh quần áo rách nát loang lổ máu, có cái gì nguy hiểm nữa không.
Quanh họ, cánh rừng thê thảm của vùng đất biên cương đang phả ra từng cơn, từng cơn hơi thở giá băng của nó.
Tóc cháy khét, tay buộc khăn thả trước ngực, Hitler bình tĩnh, mỉm cười khi chỉ cho mọi người xem những thứ còn lại của phòng họp trước kia của hắn.
Vậy đó. Khi nãy, ta đang ở đó, cúi xuống bàn để xem xét tấm bản đồ không quân thì nhìn thấy, trong một phần tư giây, một ngọn lửa vàng xanh. Sau đó là một tiếng nổ khủng khiếp. Ta chìm trong một đám khói đen, dày đặc, xoáy tròn. Sau đó, một trận mưa mảnh kính và mảnh gỗ rơi xuống người ta. Các mảnh vỡ rơi lạch cạch khắp nơi. Lúc đó có hai mươi tư người trong phòng. Khi màn khói tan đi, ta nhìn thấy những bóng người động đậy, đầu tóc, quần áo bắt lửa. Khi đó ta kiểm tra và nhận thấy mình còn nguyên vẹn và có thể cử động. Một vài mảnh vỡ găm vào tay và đùi, ngoài ra không sao hết. Khi bước về phía có ánh sáng, ta vấp phải một xác chết. Một vài thuộc cấp đã chết, một số bị thương nặng. Khi ta bước chân ra ngoài, tướng Keitel tốt bụng đã lao về phía ta, ôm ta và hét lên “Quốc trưởng ơi, ngài còn sống, ngài còn sống!” Ông ấy đã bật khóc, cái ông Keitel trung hậu này.
Nói đến đó Hitler dừng lại nhỏ vài giọt nước mắt, cảm động vì tình cảm của vị tướng hơn là việc mình đã may mắn thoát chết. Mussolini nghe câu chuyện chậm hơn vì còn phải đợi người dịch, cuối cùng cũng làm ra được một vẻ mặt thương cảm.
Schmidt, bao nhiêu người bị thương nặng? Hitler hỏi to.
Thưa Quốc trưởng, mười một người.
Sao cơ? Hitler gầm lên.
Mười một người.
Ông thấy đấy Mussolini: mười một người bị thương nặng, rất nặng, chắc chắn họ sẽ chết trong vài giờ tới.
Hắn tuyên bố điều ấy một cách tự hào như thể người ta nói đến một thắng lợi cá nhân.
Thưa Quốc trưởng, nhân viên tốc ký của người, anh Berger, đã chết trong xe cứu thương. Anh ấy bị đứt lìa hai chân…
Ai cơ?
Berger ạ.
A, ông thấy đấy, Hitler đắc thắng quay sang Mussolini nói như quát.
Đại tá Brandt chỉ còn sống được vài tiếng, người phiên dịch nói gần như hết hơi.
A!
Hitler vui sướng. Hậu quả của cuộc ám sát càng lớn, hắn càng kiêu hãnh vì mình vẫn còn sống; vụ thảm sát càng nhấn mạnh rằng hắn là người ngoại lệ.
Mussolini, già nua, sức khỏe sa sút, từng trải, kiệt sức, không còn biết mình đang ở đây làm gì. Bị người dân Ý lật đổ, bị cầm tù, được Hitler giải thoát, được người Đức dùng sức mạnh dựng lên làm người đứng đầu nước cộng hòa Salo bé nhỏ ở phía Bắc nước Ý, ông ta hỏi người phiên dịch tại sao Hitler lại gào lên như vậy.
Quốc trưởng bị thủng màng nhĩ vì vụ nổ.
Ông ấy có biết không?
Không ai dám nói với ông cả.
Mussolini lắc đầu. Ông ta cũng chẳng dại gì chuốc lấy nguy hiểm để nói với Hitler điều ấy.
Hitler nhìn thấy miệng Mussolini và Schmidt mấp máy nên biết là họ đang nói chuyện.
Thế nào Schmidt, anh bị làm sao vậy? Anh dám nói chuyện riêng với ngài Công tước à!
Tôi đang cho ngài Công tước biết những tin tức tốt lành về sức khỏe của ngài, thưa Quốc trưởng, Schmidt hét tướng lên.
Ta rất khỏe, khỏe vô cùng, chỉ sây sát đôi chút.
Hắn đứng dậy và kiêu hãnh quay một vòng để chứng tỏ mình còn khỏe. Trông cứ như hắn vừa sáng tạo ra chính mình.
Khi ấy, Mussolini nhận ra rằng mắt Hitler lệch về bên phải. Vả lại, cả người hắn cũng nghiêng về cùng bên ấy.
Chắc chắn là thủng màng nhĩ rồi, Mussolini nói với Schmidt, vẻ tư lự.
Nói gì cơ?
Ngài khỏe lắm ạ!
Công tước thân mến, vụ ám sát này đã làm tôi trẻ lại. Nó chứng minh rằng Định mệnh che chở và bảo vệ tôi cho đến khi tôi hoàn thành sứ mệnh của mình. Chúng ta phải vững tâm bất chấp những thử thách tạm thời gặp phải. Phe Đồng minh bị chia rẽ nhiều hơn lời người ta nói và tôi không nghĩ là chúng có thể hòa hợp với nhau lâu nữa đâu. Làm thế nào mà Anh và Mỹ còn đoàn kết với Liên Xô được? Người theo chủ nghĩa tự do với người Bôn sê vich? Chúng sẽ sớm hiểu ra thôi.
Mussolini suýt buột miệng nói rằng Hitler, chính hắn đã là đồng minh của Stalin trong nhiều tháng. Nhưng rồi, ông ta lại yên lặng.
Nước Đức vừa gặp phải một số khó khăn ở mặt trận miền Đông, người Mỹ đã đổ bộ vào Pháp nhưng chúng tôi sẽ trụ được. Các tướng lĩnh và chỉ huy, những người không xứng đáng với chức vụ được giữ, chẳng giúp tôi được bao nhiêu nhưng tôi đang tự mình nắm lại mọi việc trong tay. Bằng chứng đây! Ông có biết tôi nghi ai
trong vụ ám sát này không? Đại tá Claus Schenk, Grafvon Stauffenberg: hắn ta đã rời bàn họp nửa tiếng trước vụ nổ và trốn chạy bằng ô tô. Quân đội đó! Lại là quân đội! Tôi toàn phải chịu khó khăn từ đám nhà binh ăn hại và phản bội. Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn vào tương lai. À mà ông đã nhìn thấy quần của tôi chưa?
Gì cơ?
Schmidt, hãy cho Công tước xem quần của ta.
Paul Schmidt ngượng ngùng rút khỏi túi xách cái quần rách bươm mà Hitler mặc vào thời điểm vụ ám sát. Anh ta lần mở từng nếp gấp, trải chiếc quần trước mắt Công tước, người sẽ phải trầm trồ mỗi khi nhìn thấy một lỗ thủng, một vết rách. – Thật đáng ngưỡng mộ phải không? Hitler rống vào tai Mussolini.
Tay người Ý gật gù tỏ vẻ hiểu biết như thể đang xem xét một loại vũ khí mới.
– Ông có muốn xem quần áo lót của tôi không? Hitler gào tướng lên.
Hắn cầm tay Mussolini kéo về phía boong ke. Bùn đất dính cả vào giày bốt, Mussolini phải đỡ Hitler đang tì cả người lên ông ta mà không biết.
Đúng vậy, Công tước thân mến, chúng ta vừa trải qua vài thử thách đối với ý chí nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Tôi trông đợi rất nhiều vào các loại vũ khí thần kỳ sắp xuất xưởng tại các nhà máy của mình. Giáo sư Willy Messerschmitt đã chế tạo được một loại máy bay phản lực có thể đạt tới vận tốc tám trăm ki lô mét giờ và phá tan máy bay địch. Nhưng vũ khí thú vị nhất sẽ là tên lửa A4, một loại tên lửa tầm xa do nhà sáng chế đại tài von Braun chế tạo, nó có thể cho phép chúng ta hủy diệt toàn bộ Luân Đôn với chương trình Kuschkern. Ông nói gì cơ?
Không gì cả.
Gì cơ?
Thật tuyệt vời!
Đúng, thật tuyệt vời. Đáng ngạc nhiên. Mang tính quyết định. Churchill sắp bị nướng như một con gà rô ti.
Mussolini thở dài, không còn kiên nhẫn được nữa, mệt lử vì sức nặng của người đồng hành, choáng váng vì những lời gào thét của ông ta.
Tôi rất yêu ông, Mussolini ạ, và tôi ngưỡng mộ ông. Không có ông làm mẫu, có thể tôi đã không dám làm vụ tấn công nước Đức vào thời điểm ấy. Không có Mussolini sẽ không có Hitler.
Và rồi, không có Hitler sẽ không có Mussolini, Công tước hét lên, rầu rầu nghĩ đến cái quyền lực cỏn con của mình đang được quân đội Đức duy trì một cách tạm bợ.
Ra thế sao, khôi hài thật. Thật quá sức khôi hài. Thế mà tôi không biết đấy nhé. Quả là quá sức khôi hài. Xem này, nó làm tôi nghĩ đến chuyện vào năm 31 ở Munich…
Mussolini không bao giờ biết cái mà Hitler nghĩ đến. Ông ta để mặc Hitler gào
tướng lên đến nổ cả tĩnh mạch cổ mà không buồn đáp lại một câu. Họ còn lảo đảo cả mười lăm lần nữa trước khi đi đến chỗ ô tô.
Ân cần, thao thao bất tuyệt, Hitler tiễn ông ta ra tận ga, đến tận ke, tận cửa toa xe. Là người tin vào số mệnh, Mussolini nghĩ đến cô bồ của mình, tới những cái sẽ được ăn trên tàu tối nay. Ông ta không còn chú ý đến người đồng nhiệm độc tài của mình nữa. Xét cho cùng, Hitler chẳng bao giờ cần người khác phải nghe mình nói và hắn đã bị điếc từ nhiều năm nay rồi.
***
“Xơ Lucie thân mến,
Sự phản bội là một thứ ánh sáng thô mộc mang thực tế đến với mọi thứ mà nó soi rọi. Có thể đó là thứ ánh sáng trung thực duy nhất… Từ khi phát hiện vào cái đêm ghê rợn ấy rằng Heinrich ngủ với con gái mới mười ba tuổi của tôi, tôi đã nhìn rõ chân tướng của nó. Không tài nào chịu nổi.
Hôm đó, khi đã trấn tĩnh lại, tôi đã kéo Heinrich, trần truồng, ra phòng khách.
– Mặc quần áo vào và hãy giải thích cho tôi xem.
Hắn quơ lấy một cái khăn choàng buộc ngang hông rồi nhìn tôi, cười ngạo nghễ.
Chẳng có gì để nói cả.
Giải thích cho tôi xem! Làm sao mà cậu lại làm như thế với Sophie được? Hắn cười phá lên.
Dễ như lấy đồ trong túi.
Nó mới mười ba tuổi.
Thế thì sao? Không ai ép cô ấy cả. Cô ấy yêu tôi.
Không thể như thế được.
Thế thầy nghĩ là thế nào? Thầy hỏi cô ấy thì biết. Tôi không hề cưỡng ép cô ấy. Không một phút giây nào. Tôi thậm chí còn mất một thời gian mới nhượng bộ. Thầy cứ hỏi đi thì biết.
Không thể như thế được.
Tại sao không? Thế thầy thích một vụ cưỡng bức hơn à?
Hắn nhảy lên nằm dài trên tràng kỷ, dửng dưng, lãnh đạm, mỉa mai. Hắn thậm chí còn không hiểu sự đổ vỡ trong lòng tôi.
Nhưng Heinrich, làm sao cậu có thể làm như thế với tôi? Với tôi đây?
Thầy và cô ấy là hai người khác nhau. Tôi không thấy chuyện này có liên hệ gì.
Đó là con gái tôi, Heinrich, tôi có trách nhiệm với nó, tôi phải bảo vệ nó. Thế còn cậu, cậu gần như là con trai tôi và tôi cứ ngỡ cậu là bạn tôi và cậu cũng bảo vệ nó.
Tôi chờ đợi. Tôi để hắn có thời gian suy nghĩ để nhận ra vấn đề, để xấu hổ, hối tiếc, xin lỗi. Sau mười phút, hắn đứng bật dậy, nhìn tôi sốt ruột nếu không muốn nói là khó chịu, và hỏi cộc lốc:
Thế nào, đã xong chưa? Tôi ghét cay ghét đắng những cảnh kiểu như thế này.
Tôi lên phòng đi tắm đây.
Nói rồi hắn bỏ đi.
Chỉ khi ấy, thực sự là như vậy, tôi mới hiểu ra.
Heinrich không hề có chút ý thức đạo đức hay tình cảm nào cả. Hắn đã ngủ với một con bé con bởi hắn có nhu cầu và con bé muốn như thế. Với hắn, câu chuyện chỉ có vậy.
Tôi quay về phòng Sophie nơi con bé đang khóc trên giường. Tôi muốn ôm nó vào lòng để vỗ về, an ủi rằng tôi vẫn thương nó nhưng nó cứng đờ người và lùi về phía cuối giường. Nó chỉ còn chịu được vòng tay ôm ấp của Heinrich!
Tôi cố thử nói chuyện với nó và phát hiện ra sự tàn phá mà con quỷ ấy đã gây ra. Đúng, nó yêu hắn. Vả lại, cả gia đình tôi yêu quý hắn và cả tôi nữa, bố của nó là người đầu tiên, và đã buộc mọi người phải theo mình. Con bé làm thế thì sai ở đâu? Heinrich đẹp trai và chính tôi, tôi cũng nói, rằng hắn là một thiên tài. Thế thì còn nói được gì?
Cái nhìn của con và hắn không giống nhau, con gái ạ. Con yêu hắn còn hắn thì không.
Làm sao bố có thể nói như vậy được? Con là đứa không ai thèm yêu có phải không?
Ồ có chứ, con là người đáng yêu. Và bố rất yêu con, và mẹ con nữa và anh Rembrandt nữa, cả xơ Lucie và biết bao người khác và trong tương lai sẽ còn nhiều người yêu con nữa, nhưng trong đó không có Heinrich.
Tại sao?
Vì Heinrich là một con quái vật. Một con thú tham lam, chỉ nghe theo tiếng gọi của những ham muốn trong mình, không có một hàng rào đạo đức hay ý thức về tình bạn nào cả, nó không thể yêu ai.
Con ghét bố. Bố nói vậy vì bố ghen với anh ấy.
Xơ Lucie thân mến, tôi không kể với xơ những gì xảy ra sau đó trong đêm ấy. Sophie một mực giữ lấy hình ảnh Heinrich là một chàng hoàng tử quyến rũ, còn tôi, người đã hết mực tin vào điều đó, làm sao tôi có thể thuyết phục nó tin vào điều ngược lại?
Heinrich biến mất vào sáng hôm sau. Không một dòng chữ, không một lời giải thích. Trong số các món quà của hắn, sự đường đột này là món quà tôi thích nhất vì nó cho phép tôi thuyết phục được Sophie rằng tôi đã đúng. Từ đó, nó cứ bỏ nhà đi lang thang.
Sau đó, chúng tôi biết rằng Heinrich ở nhiều nhà – một bà tỷ phú người Mỹ động lòng trước vẻ đẹp như một đồng nam Hy Lạp của hắn, một ông chủ gallery già, độc thân cũng rung động như thế, một cặp vợ chồng nhà báo trẻ của tờ Figaro muốn lăng xê hắn, v.v… – rồi hắn đến tất cả những nơi tôi giới thiệu hắn để nói những điều rác
rưởi về tôi. Theo những gì hắn nói, hắn đã phải bỏ đi bởi tôi không chịu được khi bị lu mờ trước tài năng xuất chúng của hắn, rằng tôi đã hiểu ra là vì hắn mà tôi chỉ còn là một tay họa sĩ siêu thực hạng ba. Để đòi tiền dạy và đỡ đầu hắn, tôi muốn hắn trả giá cao, ép hắn lấy con gái mình. Tôi sẽ không nhắc lại với xơ rằng hắn dám nói xấu Sophie trong câu chuyện của hắn ra sao bởi đó là điều quá ghê tởm đến mức mỗi lần nghĩ đến điều đó là tôi lại muốn phang cho thằng đó một trận.
Xơ Lucie, xơ giải thích sao về hành động của Cain? Và nụ hôn của Judas? Tên phản bội làm tôi bối rối và hụt hẫng. Từ khi bị giày vò không dứt bởi sự việc này, tôi cố tìm xem lý do nào làm Heinrich cư xử như vậy. Hiểu không phải để cho đó là chính đáng. Hiểu không phải để thôi lên án nó. Hiểu để bớt đau đớn hơn. Cái ác là một sự bí hiểm sâu xa hơn cái thiện bởi trong cái thiện có một luồng sáng, một động lực, một sự khẳng định về cuộc sống. Làm sao người ta có thể chọn sự u tối nhỉ?
Adolf H. tận tụy và rối bời của xơ.”
***
Giờ đây, quân Nga đã tiến sát cửa ngõ Berlin.
Từ Dinh quốc trưởng của Đế chế, người ta đã nghe thấy tiếng đạn gầm liên hồi. Máy bay Anh oanh tạc thành phố không ngừng nghỉ. Khi được trả về với ánh sáng
mặt trời và sự yên lặng, thành phố thủ đô chỉ còn giống như một cái kho cũ kỹ đựng đồ trang trí sân khấu cho một đoàn opera tỉnh lẻ; những tòa nhà cao và kiêu hãnh xưa kia nay chỉ còn là một mảng tường, một mặt tiền hoặc một bức tường phủ đầy mỗi tầng mỗi loại thảm khác nhau, không một cái sàn nào còn lại; những mảnh vụn của cuộc sống riêng tư treo lủng lẳng đây đó, lơ lửng trong khoảng không, một cái bồn rửa mặt, một cái mắc áo, một cái bàn trang điểm bấu víu vào mấy chiếc vít còn sót lại, một bức tranh tổ tiên nay không còn người nối dõi. Phía trên đống đổ nát và các mảnh vụn, chỉ còn thấy những phần thứ yếu của những cuộc sống bị đứt đoạn ấy. Bom đạn dường như đã làm công việc bẻ khóa, trộm cắp và để lại một thứ mùi cổ điển của các cuộc cướp phá và cưỡng dâm tập thể.
Hitler chỉ sống dưới mặt đất.
Quay trở lại Berlin – hắn còn có thể đi đâu nữa khi gọng kìm đang siết chặt? Quân Nga tiến từ phía Đông và quân Đồng minh tiến công từ phía Tây – hắn chỉ còn thấy những đống đổ nát của cung điện kiểu tân Ba-rốc đã được dùng làm Dinh quốc trưởng từ thời Bismarck và chỉ còn vài bức tường của Dinh quốc trưởng mới do Speer thiết kế, các căn hộ của hắn xưa kia đã bị bom xăng phá nát. Do đó, hắn đã quay lại boong ke, một nơi trú ẩn chống bom, xây năm 1943 trong vườn, một mê cung ngột ngạt làm bằng bê tông thô với lối vào là một loạt cầu thang dài lê thê, một thứ hang chuột chũi được chiếu sáng một cách sang trọng và chập chờn nhờ một máy phát điện diesel làm sặc mùi dãy hành lang lạnh lẽo, thiếu khí, một thứ hầm mộ mà Quốc trưởng bước vào khi vẫn còn sống.
Không giải pháp chính trị, không đàm phán, ta sẽ không đầu hàng. Ta sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng. Khi người lính cuối cùng bỏ ta đi, ta sẽ bắn một viên đạn vào đầu mình. Đích thân ta đã cứu nước Đức khỏi một cuộc đình chiến ô nhục. Đích thân ta tránh cho nước Đức khỏi rơi vào thảm họa.
Phần lớn người Đức lại nghĩ ngược lại: Đích thân Hitler đã kéo họ vào ngày tận thế. Một nhà lãnh đạo biết lo lắng cho vận mệnh dân tộc mình, cho thành phố và các công trình công nghiệp, trong trường hợp này sẽ đàm phán để ngăn cuộc hủy diệt lại; lẽ ra ông ta nhận phần xấu hổ ấy về mình và tránh được việc có thêm hàng nghìn dân thường và binh lính phải hy sinh.
Còn hắn, Hitler, hắn đã ra lệnh cho Speer phá hủy các cây cầu, các con đường xa lộ và các tổ hợp công nghiệp: kẻ thù sẽ chỉ chiếm được những vùng đất chìm trong lửa. Lần đầu tiên trong đời, Speer không tuân lệnh Hitler để hy vọng nước Đức sẽ nhanh chóng ngẩng đầu lên được sau chiến bại và ngay từ lúc này, Speer đã tham vọng nghĩ đến tương lai của mình trong Đế chế sau thời đại của Quốc trưởng.
Khi được thông báo về những thỏa thuận khủng khiếp tại hội nghị Yalta nơi Churchill, Roosevelt và Stalin đã tuyên bố cách xử lý nước Đức bại trận, Hitler tỏ ra bình tĩnh, điều làm cho thủ hạ của hắn cảm thấy tê tái.
Các vị thấy đấy, ta đã nói rồi mà.
Nhưng thưa Quốc trưởng, đó sẽ là điều khủng khiếp: chặt đất nước ra làm hai và giải trừ quân bị, đảng Quốc xã sẽ bị cấm, công nghiệp bị kiểm soát, phải trả tiền bồi thường chiến tranh và rồi những “tội phạm chiến tranh” sẽ bị đưa ra xét xử.
Đó là cái mà ta đã nói với các vị từ lâu: đàm phán chẳng ích gì. Cần phải chống cự, chống cự cho đến lúc lật ngược được tình thế. Hay chống cự đến lúc chúng ta biến mất khỏi cõi đời này.
Nhân dân yêu cầu phải đình chiến càng nhanh càng tốt.
Đừng tính đến nhân dân làm gì. Họ yếu ớt và muốn tiết kiệm. Còn ta, ta có tiết kiệm không? Ta sẽ chiến đấu đến cùng và khi không còn sức nữa, ta sẽ tự bắn một viên đạn vào đầu. Thực ra cũng không có gì phức tạp, phải không?
Như thường lệ, cơ thể của Hitler chỉ còn là một triệu chứng bằng xương thịt: nó thể hiện tình trạng của nước Đức. Lòng khòng, run lẩy bẩy vì bệnh Parkinson, tay mềm oặt, vẻ ngơ ngác, da mặt bềnh bệch, Quốc trưởng nói một cách khó nhọc để mặc dãi nhỏ rệu hai bên mép. Mỗi lần cử động là một lần đau ghê gớm và đôi tai mưng mủ không ngừng chảy nước.
Ta sẽ chiến đấu tới cùng.
Hắn không chiến đấu nhưng bản thân việc sống trong đống hoang tàn này đã là một cuộc chiến.
Ông bác sĩ Morell, tròn trịa, da vàng và mặt như bôi kem lúc nào cũng tung tẩy trong boong ke để chăm sóc Hitler: thuốc an thần để ngủ, thuốc kích thích để dậy
được, thuốc nước để tiêu hóa, viên nén để phân rắn, thuốc nhuận tràng để đi ngoài được, giờ đây, ngay cả hoạt động sống nhỏ nhất của hắn cũng cần được hỗ trợ. Dùng ma túy, bị nhiễm độc, trở nên nghiện, cái thân hình da bọc xương của Hitler giờ trở thành một cửa hàng thuốc nghiến ngấu những stricnin và cà dược để chống đầy hơi, thuốc phiện để làm dịu những rối loạn đường ruột, cocain trong thuốc nhỏ mắt và amphêtamin để chống mệt mỏi. Các chuyên gia ăn uống chuẩn bị tỉ mỉ các món ăn trong khi hắn không buồn động vào vì sợ bị đầu độc và bác sĩ Morell phải lập luận hàng giờ để thuyết phục rằng hắn đã không bị một vài nhiễm trùng thể hiếm mà hắn còn chưa mắc phải. Do số người chết trận quá nhiều, Hitler không quan tâm đến các căn bệnh không nguy hiểm ngay tức khắc như ung thư hay yếu tim như trước và chỉ yêu cầu tìm các bệnh nguy hiểm có thể làm chết người ngay. Nỗi ám ảnh bệnh tật và sức khỏe của hắn đã thích nghi với hoàn cảnh thời chiến.
Hắn đọc lại lịch sử cuộc đời Frédéric Đại đế, có tấm chân dung hắn đã cho đặt trong văn phòng dưới mặt đất của mình, và tiếp tục nghĩ rằng sự kiên định của mình sẽ giúp giải quyết được mọi chuyện. Khi người ta thông báo cho hắn rằng tổng thống Mỹ Roosevelt đã chết, hắn cho rằng đó là một dấu hiệu mang tính quyết định mà Định mệnh gửi đến. Roosevelt chết khi cuộc chiến đang hồi ác liệt như nữ hoàng Nga Elisabeth trong cuộc chiến với Frédéric Đại đế! Điều đó có nghĩa là tình thế sắp đảo ngược.
Như trong Chiến tranh Bảy năm. Với chúng ta, thời hạn đó chỉ là năm năm. Chúng ta không có quyền phàn nàn!
Hôm ấy, hắn chơi nhiều giờ liền với con Loup, con của Blondi. Tương lai xán lạn lại lóe rạng nơi chân trời.
Trong thời gian ấy, các vị trí quan sát đặt trong vườn thú đã khẳng định rằng pháo binh Nga đang tiến vào Berlin.
Thời điểm ấy đã đến, khi Hồng quân chỉ còn cách boong ke của Hitler có vài trăm mét.
Hitler chửi bới om sòm trong suốt một giờ.
Cái tay Gôring ngu xuẩn này chưa bao giờ có khả năng trợ giúp ta, đó là một thằng nghiện moóc phin, một thằng biến chất, một đống thịt lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc cứu cái thân mình và kho tàng chiến lợi phẩm của mình. Các người tưởng ta không nhận ra rằng hắn đã trang điểm hay sao, rằng hắn đã đánh phấn để đẹp hơn trên ảnh hay sao? Các người tưởng ta chưa bao giờ chú ý đến cách ăn mặc phô trương của hắn sao, những bộ quần áo dạ hội bằng lụa màu ghi bồ câu và những cái áo ngủ như một thầy tu Ấn Độ của hắn hay sao? Các người tưởng ta không biết rằng hắn đã cướp bóc tất cả các bảo tàng trong các nước chúng ta chiếm đóng để làm đầy cái kho của hắn sao? Ta biết tất cả những điều đó nhưng ta đã bỏ qua vì nghĩ rằng hắn trung thành với ta! Và cả con giòi Himmler nữa, một con sên có ria, cácngười tưởng ta
không biết hắn đang cố gắng dùng bọn Do Thái trong các trại tập trung để đàm phán vớiBernadotte của Thụy Điển ư! Dùng bọn Do Thái còn lại như một thứ con tin để đàm phán đình chiến thay vì tiêu diệt bọn chúng! Các người tưởng ta không biết rằng hắn đang cố gắng chuẩn bị tương lai của mình với bọn Đồng minh sao! Xử bắn! Ta muốn mang chúng ra bắn hết! Ta đã bị phản bội! Đám tướng lĩnh đã phản bội ta. Lục quân đã phản bội ta! SS đã phản bội ta! Không quân đã phản bội ta! Công nghiệp đã phản bội ta! Xung quanh ta rặt một lũ phản bội hay những kẻ chẳng ra gì! Chết đi! Chết đi!
Đột nhiên hắn ngừng sủa. Giọng hắn vỡ tan. Chính hắn cũng không đứng được nữa. Hắn đổ vật xuống bàn và thều thào, mặt tái nhợt:
– Cuộc chiến đã thất bại.
Bác sĩ Morell muốn tiêm cho hắn một mũi glucoza.
Hitler đứng bật dậy và hãi hùng nhìn ông ta.
Ông muốn tiêm ma túy cho ta. Ông muốn ngăn ta thoát khỏi vũng lầy này. Ta sẽ mang ông đi xử bắn.
Nhưng thưa Quốc trưởng, đây chỉ là glucoza thôi.
Xử bắn! Đồ đầu độc! Bắn ngay tại trận!
Bác sĩ Morell lúc túc chạy ra ngoài và dán mình vào phòng giặt để đợi cơn dông qua.
Hitler căm thù nhìn những người quanh mình.
Ta sẽ tự tử.
Nhưng thưa Quốc trưởng…
Đó là cơ hội duy nhất để khôi phục danh tiếng cá nhân của ta. Nếu ta rời sân khấu thế gian này một cách ô nhục thì đời ta vô nghĩa. Ra ngoài! Ra ngoài hết!
Hắn chợt thấy lòng se lại: cả đời mình, hắn đã nói đến tự tử; những tháng gần đây, hắn thậm chí đã nói đến chuyện đó nhiều hơn bao giờ hết nhưng lúc nào giọng hắn cũng vui vẻ, như một biểu hiện của nam tính, một sự dí dỏm, một sự khẳng định mình, một dấu hiệu của sức khỏe tốt; ngày hôm nay, lần đầu tiên hắn nghĩ đó là chuyện nghiêm túc và biết rằng mình sẽ làm điều ấy. Điều này tạo ra một hiệu ứng khác hẳn.
Hắn đứng dậy, thấy mình loạng choạng và nhìn mình trong chiếc gương trong phòng tắm.
Hắn kinh hoàng khi nhìn vào tấm gương. Hình trong gương không phải hắn mà là dì Johanna, em của mẹhắn. Những lớp thịt xệ xuống, những nếp nhăn, chỗ dưới mắt sưng phồng và vằn máu, những sợi bạc trong mái tóc xơ xác, tất cả thuộc về dì Johanna như lần cuối cùng hắn gặp bà chứ không phải thuộc về hắn, Adolf Hitler. Nhầm rồi! Hắn thấy chán chường, trong chiếc gương phía trên bồn rửa tay, hắn cũ nát như khuôn mặt của dì Johanna.
Quay lại phòng làm việc, hắn thả người xuống chiếc tràng kỷ. Phải quen. Ta cần phải có vài ngày để quen. Ta luôn biết rằng mình sẽ chết đứng nhưng điều đó có vẻ quá xa vời với ta… Hắn nhìn chân dung Frédéric Đại đế treo ở phía trên để lấy lại dũng khí nhưng vị vua chẳng phản ứng gì. Hy sinh là một cảnh tượng đẹp. Dù gì, không được để cho bọn Nga bắt sống mình, nếu không… Đúng vậy, một vụ xử, chúng hoàn toàn có thể xét xử ta. Như một tội phạm chiến tranh. Thật nực cười. Chính bọn Do Thái, Bôn sê vich, Anh, Mỹ là người khởi xướng cuộc chiến tranh đầy tội ác này, thế mà chúng lại coi ta, chính ta, là “tội phạm chiến tranh”. Mọi thứ đảo lộn cả. Rời bỏ thế giới đang điên loạn này. Và chúng sẽ xử bắn ta. Ta, Adolf Hitler, bị một nhóm sát thủ cộng sản bắt tựa lưng vào tường, không bao giờ! Đương nhiên, ta còn có thể trụ thêm vài ngày ở Bavaria. Nhưng để làm gì cơ chứ? Nhà độc tài Hitler không quyền lực lẩn lút trong dãy Alpe? Như một vai phụ? Còn lâu, ta sẽ không thành kẻ tị nạn ở Berchtesgaden. Chúng sẽ nhanh chóng tìm ra ta. Sống thêm vài ngày nữa, nhưng mất thể diện. Không, cần phải chết ở đây. Giữa lòng Đế chế. Bị phản bội và bị bao vây. Nhưng vẫn đường hoàng. Một tấm gương tuyệt vời làm sao cho các thế hệ mai sau. Hitler, người anh hùng. Hitler, biểu trưng của một sự phản kháng đến cùng. Năm năm nữa, cả châu Âu sẽ trở thành Bôn sê vich, chủ nghĩa quốc xã sẽ là một huyền thoại và ta sẽ trở thành thần thoại. Người ta sẽ nghĩ đến ta như nghĩ đến Socrates hay Jesus. Siegfried. Rienzi. Nhân vật của Wagner đến đúng lúc để chuyển hắn từ trạng thái khởi động sang phấn khích. Rienzi, người La Mã quả cảm bị bọn dân đen bạc bẽo bỏ rơi, những kẻ đang bị ngọn lửa quảng trường Capitole thiêu đốt. Cảm ơn Wagner. Cảm ơn Định mệnh đã gửi đến cho ta, từ hồi ta còn rất trẻ, điềm báo cho vận mệnh của ta. Rienzi. Đúng vậy. Rienzi.
Do đó, hắn tiến về phía máy quay đĩa và bật phần mở đầu của vở Rienzi. Giọng hát hào hùng, trầm ấm, kiêu hãnh, đầy nam tính đưa giấc mơ của hắn mở rộng đến tầm vũ trụ khiến hắn cảm thấy cực kỳ sảng khoái.
Nằm dài, mắt nhắm, gáy tựa lên gối, hắn say sưa với những hình ảnh trong tương lai, cảnh người ta thờ phụng hắn, những đám rước linh đình nhân ngày giỗ và ngày sinh của hắn, những cây cờ đỏ và đen mang hình chữ thập ngoặc, những đám đông đứng tưởng niệm, hài hòa và thống nhất như một dàn hợp xướng trong nhà hát, cả bộ mặt đẹp đẽ của hắn trên những bức ảnh dài mười mét, rộng mười mét, với cặp mắt sáng bao dung nhìn vào các thế hệ mai sau. Hắn nghĩ đến niềm xúc động của các em nhỏ người Đức khi lần đầu tiên trong đời, trong một không gian thơm mùi mực viết và hồ dán hương hạnh nhân, được nghe thầy cô kể câu chuyện hấp dẫn về cuộc đời của Hitler, hắn thấy mình sống trong trái tim thuần khiết và dễ xúc động của các em. Hắn thoáng thấy cái sức mạnh mà những thanh niên mới lớn có thể trích ra được trong hàng thế kỷ sau, từ ý chí sắt đá của hắn, từ cuộc đời của một con người được căng lên như cánh cung từ ngày đầu đến ngày cuối cùng. Đúng vậy, cuộc đời hắn cần phải
được kết thúc bằng một cuộc tự sát, một cái chết tự hắn quyết định, bởi trong cuộc đời mình, tất cả những gì hắn có là do ý chí của hắn mà ra. Ý chí! Ý chí! Cả cái chết cũng vậy!
Khi cái đĩa ngừng quay, Hitler đã quá yêu cái chết của mình rồi.
Eva Braun phủ phục dưới chân hắn, van lơn.
– Em ở lại đây. Em muốn được chết bên anh.
Phản ứng đầu tiên của Hitler là từ chối. Không, ngươi không định đánh cắp cái chết của ta đấy chứ. Một lối thoát đẹp đẽ ta đang chuẩn bị, thế mà ngươi, ngươi đã muốn thó các mảnh vụn của nó ngay từ bây giờ sao?
Hắn nghiêng người và phát hiện ra hôm ấy Eva đẹp, trẻ trung, rạng ngời. Hôm đó, tóc của cô màu nâu bởi ngành công nghiệp khó khăn của thời chiến không sản xuất đủ thuốc nhuộm tóc vàng cho cô. Cô mỉm cười với hắn, rùng mình.
– Adolf, em muốn chết bên anh.
Hình ảnh đi vào đầu Hitler như một tia chớp: cặp nhân tình nằm chết bên nhau, Tristan và Iseult. Đúng vậy. Một lớp vàng son mới cho truyền thuyết về hắn. Adolf và Eva, những người tình anh hùng và vĩnh cửu. Adolf và Eva như Romeo và Juliette hay Tristan và Iseult.
Được. Em sẽ chết bên ta. Cảm ơn Wagner.
Em hạnh phúc quá, Adolf. Anh chưa bao giờ làm em sung sướng đến vậy.
Hitler nhăn mặt. Hắn thích không nghĩ gì về quá khứ nữa, những cảnh chờ đợi dai dẳng, những lời nhiếc móc, những sự sỉ nhục mà hắn đã bắt cô phải chịu đựng. Tất cả bắt đầu lại từ số 0. Xét cho cùng, với hắn, câu chuyện giữa họ mới bắt đầu vào ngày hôm nay. Đúng vậy. Hắn chưa bao giờ để công chúng biết đến Eva Braun, hắn đã giấu kỹ cô nhưng hắn sắp chính thức hóa quan hệ giữa họ. Quốc trưởng bước vào sự tĩnh mịch của cái chết với một con người xinh đẹp, yêu hắn, ở bên. Thật tuyệt vời.
Em có muốn lấy ta không? Eva Braun ngỡ mình nghe nhầm.
Eva, ta hỏi em có muốn lấy ta không? Hitler hét lên, hắn vẫn rống lên như thế từ hồi bị thủng màng nhĩ.
Mắt Eva rơm rớm: cuối cùng hắn cũng đưa ra lời đề nghị mà cô đã đòi hỏi cả trăm lần và cũng là lời đề nghị gây ra mọi cuộc cãi vã giữa họ. Cô nằm sõng soài dưới đất và khóc nức nở.
Eva, ta hỏi em câu hỏi mà đời ta chưa đặt ra với ai bao giờ. Ta muốn có câu trả
lời.
Eva ôm chầm lấy Hitler hôn lấy hôn để.
Đương nhiên rồi, tình yêu của em. Tất nhiên là có chứ. Đó là giấc mơ tuyệt vời nhất của em. Em đã yêu cầu anh điều ấy từ bao lâu nay.
Cô hôn khắp người Hitler làm hắn buồn nôn nhưng trong tình thế này, hắn ghìm mình không đẩy Eva ra.
Em có hạnh phúc không?
Đây là ngày đẹp nhất của đời em.
Rất tốt. Vậy thì chúng ta sẽ làm lễ cưới tối nay và ngày mai chúng ta sẽ tự tử. Hắn đứng dậy để chặn lại cơn cuồng nhiệt của Eva và đi về phía két sắt.
Ta phải thiêu hủy tài liệu.
Vâng, tình yêu của em.
Vậy hãy gọi thư ký của ta và chuẩn bị tổ chức buổi lễ tối nay cùng với họ. Eva vẫn chưa tin được sự thay đổi đột ngột này.
Adolf, dù sao em cũng muốn biết…
Sao cơ? Hitler gầm lên vì không nghe thấy gì.
Em muốn biết…
Gì?
Sao lại là bây giờ? Tại sao giờ đây anh lại trao cho em… niềm vinh dự lớn lao mà trước đây anh một mực từchối?
Để đảm bảo tính nhất quán.
Để gì cơ?
Để đảm bảo tính nhất quán. Ta luôn nhắc lại rằng: chừng nào tương lai chính trị của ta còn, ta sẽ loại trừ đám cưới. Giờ ta không còn tương lai chính trị vậy nên ta cưới em.
Eva tần ngần vài giây, không biết mình nên đón nhận lời cầu hôn kỳ quặc này như thế nào, nhưng vì chưa bao giờ có lời đề nghị nào khác, Eva quyết định mình sẽ là người đàn bà hạnh phúc nhất trên đời.
Khi nhìn thấy những chồng tài liệu lấy từ két sắt ra cháy bừng bừng, những tài liệu về tài sản riêng của hắn, về việc tổ chức chương trình diệt chủng, phá hủy các nhà thờ Cơ đốc giáo và một vài bản phác thảo kiến trúc cũ, Hitler mơ màng nghĩ về sự đặc sắc của mình.
“Ta mới khác biệt làm sao. Quanh ta, tất cả đều chỉ nghĩ đến việc cứu bản thân và tài sản của mình. Ta thì khác, ta đốt hết. Thanh bạch làm sao! Cao quý làm sao! Tất cả đều cao quý. Và cao quý đến phút cuối. Thực ra, ta phải quyết định như thế nào về mồ mả của mình đây nhỉ?“
Christa! Johanna!
Nào, đừng buồn như thế. Ra đi như thế tốt hơn là chấp nhận sự sỉ nhục.
Thưa Quốc trưởng, chúng ta vừa nhận được một bức điện liên quan đến Mussolini.
Thế nào?
Ông ta đã chết.
À…
Hitler đã quá bận tâm đến mình để có thể cảm thấy một chút thương cảm nào đó. Hắn muốn chấm dứt cuộc đối thoại này và khỏi phải nhìn thấy vẻ mặt u sầu của các thư ký.
Vì sao chết?
Ông ấy và người tình của mình, Clara Petacci, bị treo cổ một cách rùng rợn, đầu chúc xuống dưới, và đám dân đen đã ném đá vào người họ.
Hitler rùng mình. Thế nếu quân Nga cũng làm như vậy với xác hắn thì sao nhỉ? Hắn cần phải thận trọng. Hắn giải thích cho hai người thư ký đang khiếp sợ rằng sau khi hắn và Eva Braun chết thì xác của họ phải được đốt ngay lập tức. Sau đó phải cẩn trọng lấy lại tro xác để đặt trong lăng mộ khổng lồ mà sau này hậu thế sẽ chắc chắn dành cho họ. Điều quan trọng là phải thiêu càng nhanh càng tốt. Thi thể để trong sân, rưới xăng lên, rồi que diêm là xong! Hắn không chịu được hình ảnh người ta lấy xác hắn ra làm trò tiêu khiển! Không bao giờ bắt được ta, sống hay chết. Không ai bắt được gì ở ta.
Lễ cưới diễn ra trong boong ke vào lúc nửa đêm. Xúc động vì niềm vui của Eva khi thông báo với mọi người rằng cuối cùng cô cũng có được đêm tân hôn, nữ thư ký Christa đã tặng Eva lọ thuốc nhuộm cuối cùng để Eva có mái tóc vàng bạch kim trong bộ váy xinh xắn màu xanh da trời.
Eva sung sướng khôn cùng. Cô lúc nào cũng yêu Hitler nhưng chưa bao giờ chắc chắn rằng hắn yêu cô. Với cô, đám cưới hôm nay là một bằng chứng của tình yêu ấy.
Trong căn hầm trú ẩn chốc chốc lại rung lên sau những tiếng nổ, trước một ủy viên Hội đồng thành phố mặc đồng phục quốc xã tên là Wagner, Adolf và Eva Braun thề chung thủy với nhau suốt đời. Rồi cử tọa chúc mừng cặp vợ chồng mới cưới, sâm banh nổ lốp bốp và có cả bánh ga tô nhỏ nữa.
Goebbels đến vào lúc bốn giờ sáng, rất xúc động, nước mắt chảy ròng trên má và thông báo rằng vợ và các con của hắn đến ở trong boong ke và sẽ chết theo họ.
Hitler rất cảm kích vì nghĩa cử này.
Hắn hôn sáu “chữ H nhỏ”, Helga, Hilde, Hellmut, Holde, Hedda và Heide, đang vô tư không chút nghingờ và mừng đến không tin nổi rằng mình còn bé thế, mới từ bốn đến mười hai tuổi, mà lại được thức đêm cùng với người lớn. Hitler chơi đùa với chúng một lát rồi về nghỉ. Khi về đến phòng hợp hôn, hắn nghĩ rằng kết cục của hắn một mình thì giống Rienzi, có thêm Eva thì giống Tristan và Isolde, và khi có cả sáu “chữ H nhỏ”, thì lại giống vở Hoàng hôn của các vị thần(42).
Eva và hắn làm những tư thế mà sự mệt mỏi và đêm tân hôn còn cho phép. Lần đầu tiên, Hitler ngủ mà không cần thuốc an thần.
Bảy giờ sáng, hắn bị đánh thức bởi một sự nghi ngờ. Nếu ống thuốc độc là giả thì
sao nhỉ? Một âm mưu chẳng hạn?
Hắn đánh thức Eva dậy.
Eva, ta cần kiểm tra xem ống thuốc mà em sẽ nuốt có tác dụng hay không. Ví thử như…
Eva không tài nào hiểu được còn có thể tưởng tượng ra cái gì tệ hơn thế, nhưng vẫn cố thử trấn an chồng.
Eva, em không hiểu đâu. Ai cũng nói dối. Ai cũng lừa gạt. Ai cũng phản bội. Cái gì đảm bảo cho ta rằng những ống axít xianhidric(43) của bác sĩ Stumpfegger, cái tay phản trắc ấy, lại có tác dụng? Blondi! Phải rồi! Ta phải thử trên Blondi.
Hắn gọi con chó cưng của mình đến, chắc chắn đó là sinh vật mà hắn âu yếm nhất trên trái đất này, rồi cho người giữ chặt con chó, gang mồm nó ra rồi đập vỡ cái lọ thủy tinh chứa axít xianhidric vào mõm nó.
Ngay lập tức con chó lăn ra đất chết.
Loup, con của Blondi, đến bên ngửi ngửi cái xác của mẹ, không hiểu tại sao mẹ không cựa quậy nữa. Một mùi hạnh nhân nồng nặc, mùi đặc trưng của loại thuốc độc này, bốc lên từ xác con vật. Điều này làm con Sói nhỏ hoảng hốt lùi lại và kêu ăng ẳng chạy biến đi.
Hitler nhìn cảnh tượng không nói một câu rồi nhốt mình trong văn phòng. Hắn không muốn người ta nhìn thấy hắn khóc.
Hắn quyết định cho mình thêm một ngày nữa. Dù gì, có thể Hồng quân sẽ lùi bước chăng? Có thể…
Thuộc cấp đến báo cáo tình hình với hắn: thất bại nặng nề đến mức Hitler không còn gì để nói. Hắn đi ngủ và thì thầm với Eva:
Ta đã cho chúng ta thêm một ngày để làm chồng em ít nhất hai mươi tư giờ nữa. Eva Braun bật khóc nức nở, bình thường trông cô vui tươi đến thế nên Hitler ngạc
nhiên khi thấy cô nước mắt đầm đìa như vậy.
Ngày hôm sau, Hitler được báo qua điện thoại rằng lính Xô Viết có thể tiến vào khu vườn bất cứ lúc nào.
Hitler vận đồng phục, Eva mặc chiếc váy màu xanh hôm cưới và hắn thông báo rằng họ sẽ tự tử ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Hitler vẫn giữ bữa ăn trưa vào mười ba giờ như thường lệ bởi hắn thấy đói. Vào giờ ăn sa lát, hắn chợt nhớ ra Georg Elser, kẻ mưu sát, phiên bản của hắn, người Đức trung lưu mà hắn cho giam giữ; hắn gọi điện sai người hành quyết anh ta. Xong việc, hắn ăn ngon miệng hơn.
Bữa ăn tráng miệng của hắn bị làm phiền bởi Magda Goebbels, hết sức bấn loạn, đến van vỉ Quốc trưởng miễn cho bọn trẻ chết chung và thuyết phục chồng bà ta thay đổi ý kiến.
– Thưa bà, cái gì đã nói ra thì không thay đổi được.
Hắn gạt bà ta sang một bên và rút về phòng làm việc của mình. Eva Braun cũng đi theo hắn ngay lập tức.
Mọi người đợi sau cánh cửa. Goebbels, Bormann, Axmann, người hầu phòng và những thành viên khác trong boong ke căng tai lên nghe ngóng. Vô ích. Át hết tất cả là tiếng máy diesel ồn ồn và tiếng cười đùa ồn ĩ của bọn trẻ nhà Goebbels, không hề biết mình đã ăn bữa ăn cuối đời mình với các cô thư ký.
Khoảng mười phút sau, người hầu phòng quyết định mở cửa.
Eva Braun, ngã gục phía bên trái, người bốc lên mùi thạch tín khủng khiếp.
Máu Hitler nhỏ ròng ròng, bất động, khẩu súng rơi dưới chân.
Lúc ấy là mười lăm giờ hai mươi chín phút.
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.