Nửa Kia Của Hitler

9.



“Adolf H. thân mến,

Tôi đã rất hạnh phúc khi cuối cùng cũng được gặp lại Adolf và Sophie vào cuối ngày Chủ nhật vừa rồi, sau chuyến dông tố ở Paris. Nổi bật hơn tất cả là sự âu yếm mà Sophie dành cho anh, điều đó cho thấy con bé đã vượt qua được thử thách này và đã trưởng thành hơn, từ nay có lẽ con bé sẽ đánh giá một người đàn ông qua cả những phẩm chất đạo đức và vẻ bên ngoài trước khi tính đến chuyện đi xa hơn trong mối quan hệ. Thực ra, đó chính là những gì mà bà xơ già Lucie của anh hy vọng. Về phần Rembrandt và Sarah, tốt hơn hết là họ hãy tiếp tục tin rằng sự tuyệt giao-phản bội của Heinrich chỉ dừng lại ở anh mà thôi. Sự thật sẽ được sáng tỏ khi thời điểm đến; với anh, người không có sự lựa chọn nào, sự thật ấy đến sớm dưới dạng một cuộc khủng hoảng; với họ, nó sẽ đến muộn hơn, vào một tối mùa hè, một tối dành cho tâm sự, như một món quà có được sau một buổi ngồi cùng nhau.

Trong không khí của cuộc hội ngộ, chúng ta chưa có dịp để nói về Heinrich.

Theo tôi, Cain, Judas hay tay Heinrich của Adolf không phải là những kẻ phản bội. Mà họ trước hết là những con quái vật, sự phản bội chỉ là một phần nhỏ trong sự gớm ghiếc của chúng.

Thế nào là một con quái vật? Đó là một người liên tục làm điều ác.

Hắn có ý thức được rằng mình đang làm điều ác không? Trong phần lớn trường hợp là không. Cũng có khi hắn biết, nhưng sự ý thức này không làm hắn thay đổi. Bởi con quái vật cho là nó làm đúng khi nói rằng nó chẳng bao giờ muốn điều ác cả. Đó chỉ đơn thuần là một tai nạn nhỏ mà thôi.

Trong khi bao điều ác đang xảy ra trên thế giới này thì không kẻ nào bảo rằng hắn mong muốn làm điều ác. Không có ai độc ác một cách cố ý cả, ngay cả người thất hứa nhiều nhất, tên sát nhân tồi tệ nhất hay tên độc tài khát máu nhất. Ai cũng nghĩ là mình hành động đúng, hoặc ít ra là đúng theo cái mà hắn gọi là tốt, và nếu cái tốt ấy không phải là cái tốt với những người khác, nếu nó gây ra đau đớn, muộn phiền, đổ nát, đó chỉ là một hậu quả mang tính dây chuyền, người tạo ra nó không cố ý làm vậy.

Thằng khốn nạn nào cũng nói tay mình sạch sẽ. Tôi, người làm nhiệm vụ của một xơ

thăm tù trong các trại giam khắp nước Phổ, tôi có thể khẳng định điều này với Adolf: tên khốn nạn thanh thản nhìn mình trong gương, hắn yêu mình, hắn tự chiêm ngưỡng mình, hắn tự bào chữa cho hành động của mình, hắn có cảm giác – chừng nào hắn chưa thất bại – rằng mình đã vượt qua những thử thách làm chùn bướcnhững kẻ khác; hắn không xa việc tự coi mình là anh hùng là mấy.

Heinrich cũng thế. Nó chỉ nghĩ đến quyền lợi và khoái lạc của mình – nó gọi đó là cái thiện – và không gì, trừ một thất bại, có thể ngăn bước chân của nó lại. Nó sẽ còn làm rất nhiều điều ác và vẽ được rất nhiều bức tranh đẹp.

Nhưng Heinrich chỉ là một tên vô lại tầm thường. Còn có những tên tồi tệ hơn.

Tôi nghĩ là có hai loại quái vật trên cõi đời này: những kẻ chỉ nghĩ đến mình và những kẻ chỉ nghĩ đến người khác. Nói khác đi những kẻ khốn nạn vị kỷ và những kẻ khốn nạn vị tha. Heinrich thuộc loại thứ nhất bởi nó đặt sự sung sướng và thành công của mình lên trên tất cả. Tuy vậy, dù có gây hại đến đâu, nó cũng không bao giờ gây nhiều hậu quả như những kẻ thuộc nhóm thứ hai.

Những kẻ khốn nạn vị tha gây nên những thiệt hại nghiêm trọng hơn bởi không gì có thể làm chúng dừng lại được, cả lạc thú, cả sự no nê, cả tiền bạc lẫn danh vọng. Tại sao vậy? Bởi vì những kẻ khốn nạn vị thachỉ nghĩ đến người khác, chúng vượt khỏi ranh giới của cái khốn nạn riêng mình, chúng có thành công lớn về mặt chính trị. Mussolini, Franco hay Stalin cảm thấy mình có một sứ mệnh, trong đầu họ, tất cả những gì họ làm là để tốt cho lợi ích chung, họ tin chắc mình làm đúng khi bãi bỏ tự do, bỏ tù thậm chí là xử bắn những người chống đối. Họ không thấy phần của kẻ khác. Họ chùi bàn tay nhuốm máu vào cái giẻ lý tưởng của họ, họ chăm chăm nhìn về phía chân trời tương lai, không có khả năng nhìn con người ở vị thế một con người, họ nói với dân chúng của mình rằng thời đại huy hoàng sẽ đến trong khi bắt những người ấy phải sống trong những điều kiện tồi tệ nhất. Và không gì, không bao giờ có bấtcứ cái gì đi ngược lại cái họ nói. Bởi họ có lý trước kia mà. Họ biết vậy. Không phải quan điểm của họ làm người ta chết mà là mối quan hệ giữa họ với những quan điểm ấy: một sự tin chắc.

Một kẻ tin chắc là một người được vũ trang. Một kẻ tin chắc bị người khác phủ nhận thì trong chớp mắt sẽ biến thành kẻ giết người. Hắn ta giết sự nghi ngờ. Sự chắc chắn cho hắn quyền lực để phủ nhận mà không tranh luận hay hối tiếc gì cả. Hắn suy nghĩ với một khẩu súng phun lửa trên tay. Hắn khẳng định bằng đại bác.

Vì thế, mối nguy hại lớn nhất không liên quan đến mức độ thông minh hay ngu dốt. Một kẻ đần biết nghi ngờ còn ít nguy hiểm hơn một thằng ngu tin chắc mình đúng. Ai cũng có thể nhầm, thiên tài hay một kẻ thiểu năng trí tuệ, sai lầm không phải là điều nguy hiểm mà chính sự cuồng tín của kẻ tin rằng mình không nhầm mới nguy hiểm. Những kẻ khốn nạn vị tha có một luận thuyết, một hệ thống những lời giải thích

hoặc một lòng tin rằng chính mình có thể mang cả nhân loại tiến thật xa trong sự cuồng tín vào khái niệm thuần túy của mình. Ai muốn làm thiên thần thì cũng làm thú vật. Tôi sợ Adolf ạ, tôi sợ vì thế chưa phải đã hết, tôi sợ những cái ngày nay họ có thể làm được với những tiến bộ trong sản xuất vũ khí và tiến bộ trong kỹ thuật truyền thông. Tôi e rằng sẽ có những thảm họa triệt để, không thể sửa chữa được, những đống xác người, những đổ nát hoang tàn…

Adolf không tin vào Chúa phải không, Adolf thương mến của tôi? Tôi thì tôi không tin vào quỷ dữ! Bởi tôi không thể tưởng tượng được một con quỷ muốn làm điều ác chỉ vì cái ác. Ý định thâm hiểm thuần túy không tồn tại. Ai cũng tự cho là mình làm đúng. Quỷ dữ lúc nào cũng cho mình là thiên thần. Và chính vì thế tôi sợ đến vậy. Có thể một ngày nào đó sẽ có một kẻ khốn khổ, bất đắc chí, do đó mà quẫn trí, một kẻ tội nghiệp muốn làm tốt như Chúa, thậm chí tốt hơn, một người cải cách đầy kích động, trở thành quỷ dữ chỉ vì muốn thách thức Chúa, trở thành quỷ vì ghen tị với Chúa, trở thành quỷ vì tự phụ, một sự bắt chước lố bịch, một thằng hề.

Nhưng tôi không biết tại sao mình lại nổi nóng đến vậy. Như mẹ tôi đã nói, trí tưởng tượng của tôi đi nhanh như sữa sủi khi bị đun và đôi khi tôi đi lang thang trong những thế giới chắc là hẳn không có thực. Có thể chính vì thế mà tôi cũng tin vào Chúa. Đó là cái bễ thổi lửa cho trí tưởng tượng của tôi…

Trong khi nóng lòng được gặp anh Chủ nhật tới, vẫn xin gửi tới những lời trìu mến.

Xơ Lucie.

TB: Tôi rất lo cho sức khỏe của bố vợ anh, Joseph Rubinstein. Hãy sớm báo tin để tôi được yên lòng.”

***

Ngày 6 tháng Tám năm 1945. Người Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima.

Ngày 9 tháng Tám năm 1945. Quả bom thứ hai được thả xuống Nagasaki, thành phố bị hủy diệt hoàn toàn trong lưới lửa hạt nhân.

Những tuần sau đó, các trận đánh chấm dứt.

Người ta đã thống kê. Ngoài hai cái xác cháy thành tro của Adolf và Eva Braun vụn ra vì bom trong sân Dinh quốc trưởng, người ta còn tính rằng cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của năm mươi lăm triệu người, trong đó có tám triệu người Đức và hai mươi mốt triệu người Nga: cần thêm vào bản tổng kết này ba mươi lăm triệu người bị thương và ba triệu người mất tích.

***

Sophie và Rembrandt, hai đứa trẻ sinh đôi, tiếp tục đứng canh thi thể của ông ngoại mình trong căn phòng được che bằng những tấm ri đô dày kéo căng. Một hàng dài những người mặc quần áo màu đen, lặng lẽ đứng đợi trước cánh cổng xe nhà

Joseph Rubinstein để tưởng niệm bạn của họ lần cuối.

Adolf H. và Sarah trốn trong chỗ tối nhất của căn nhà, trong cái gác xép sát mái mà người ta gọi là phòng chơi, nơi nhiều thế hệ trẻ con nhà Rubinstein đã cất album ảnh, sách được thưởng, búp bê, ngựa bập bênh, con rối và hàng loạt cô tiên nữa. Trên bàn bi a, Adolf làm tình với Sarah.

Đó là tất cả những gì hắn làm được khi Sarah, rối bời, chạy ra khỏi căn phòng nơi cha nàng đang hấp hối. Ban đầu, hắn đã khóc với nàng rồi khi hôn lên má nàng và cọ mũi mình vào mái tóc nàng mang màu sắc và hương thơm của mọi loại mật ngọt trên đời, khi cảm thấy nàng tựa cả thân hình mềm mại và mạnh mẽ lên người mình, hắn đã hôn nàng đến ngập miệng rồi thì thầm vào tai nàng “lại đây em”.

Nàng đã hiểu ngay lập tức cái hắn muốn và cách hắn muốn đưa nàng lại với sự sống như thế nào: nàng trao cả cho hắn, bụng sát bụng, vẫn khóc, một vài giọt nước mắt cho người cha đã bỏ nàng đi, vài giọt cho người chồng yêu nàng vô cùng, giữa đau buồn và ngây ngất, nàng cảm thấy sự sống trong mình vô cùng mãnh liệt.

Joseph Rubinstein bị thương trong chuyến đi Palestine. Trong một cuộc cãi vã kịch liệt giữa những người chủ trang trại Do Thái và các chủ trại người Ả Rập, ông đã bị một viên đá ném vào đầu. Nhưng vết thương này che giấu một vết thương khác, sâu hơn: ở đó, ông đã hiểu ra rằng giấc mơ của ông sẽ không bao giờ thực hiện được. Israel giữa đất Palestine, thành lập một nhà nước Do Thái, sự nghiệp mà ông đã cống hiến sức lực của mình suốt sáu mươi năm nay chỉ còn là một cái u trong hộp sọ đau nhức của ông. Người Anh, những người được ủy quyền quản lý Palestine, đã định ra hạn ngạch người Do Thái nhập cư do chịu sức ép của các nước Ả Rập, vốn không muốn nhường thêm đất cho người Do Thái. Người Ba Lan và người Nga thậm chí vừa bị đẩy ra khỏi biên giới. Trái với mọi hy vọng, bất chấp các hoạt độngchính trị của phong trào sionist, bất chấp các khoản tiền do một vài nhà mạnh thường quân như Rothschild rót xuống, tình hình giậm chân tại chỗ và người ta có thể đưa ý tưởng này vào nghĩa trang của những điều không tưởng ngay từ bây giờ.

Khi họ về tới Berlin, Myriam Rubinstein còn chưa hiểu được tính chất nghiêm trọng của cú đòn giáng vào chồng mình. Bà chỉ biết đắp cho chồng vài miếng gạc và thở dài với một sự chân thành ngây thơ.

Em mới hạnh phúc làm sao khi chúng ta lại được ở Berlin. Palestine mới ủ ê làm

sao.

Ông Joseph qua đời và bà Myriam, choáng váng vì nỗi đau buồn và vì những viên thuốc an thần mà bác sĩ Wiezmann cho, đã tìm cách trốn vào giấc ngủ.

Sarah và Adolf sướng cùng lúc. Họ lăn trên lớp dạ màu xanh lục bốc mùi ẩm mốc.

Đừng xa em, Sarah nói, đó là tất cả những gì em yêu cầu anh: đừng xa em.

Một tuần nữa, xơ Lucie sẽ đi Jerusalem với một cái lọ trong hành lý. Lucie đã hứa với Sarah sẽ rải tro của cha nàng trên mảnh đất quê hương mà ông hằng mơ ước.

***

Các tờ báo phát hành số lượng lớn trên toàn thế giới đăng tải những bức ảnh bóc trần sự thật ở các trại tập trung: Auschwitz, Dachau, Buchenwald. Công luận sôi sục. Người ta thống kê có tới sáu triệu người Do Thái đã bị giết trong các trại tập trung.

Sự phẫn nộ trước cuộc đại đồ sát lớn đến mức mọi chính sách bài Do Thái trở thành điều không thể chấp nhận được. Người ta muốn giúp đỡ những người sống sót. Liên hợp quốc, tổ chức mới được thành lập để duy trì hòa bình trên thế giới, lắng nghe những lời yêu cầu của các nhà hoạt động sionist và đề nghị chia sẻ vùng đất Palestine.

Ngày 14 tháng Năm năm 1948, Israel, nhà nước Do Thái mới ra đời.

***

Sâm banh. Kêu hét. Đèn chớp. Tiếng tung hô. Chạm cốc. Nhảy múa. Phát biểu.

Những cặp mắt rưng rưng.Tung hô. Những bài hát.

Hai lễ cưới được cử hành cùng lúc. Hai người con sinh đôi đã sắp xếp để hai hôn lễ được cử hành cùng ngày. Rembrandt cưới một nhà vật lý đồng nghiệp, quen nhau từ hồi còn ở trường Đại học Berlin. Sophie cưới một người Mỹ làm trợ lý đạo diễn cho các trường quay ở Babelsberg.

– Cuộc sống trở nên ngày càng tầm thường.

Neumann đã thì thầm như thế bằng một giọng uể oải khi nhìn hàng núi bánh được bê đi bê lại tấp nập, giống với tất cả mọi núi bánh mà tất cả những người thợ làm bánh làm cho tất cả các đám cưới trên khắp nước Đức.

Adolf mỉm cười với bạn mình.

– Càng tốt.

Neumann đáng lẽ đã là một ông già đẹp lão nếu không có cái gì đó đổ vỡ trong ông. Ông trở về từ nước Nga và không bao giờ quay lại đấy nữa. Vào thời kỳ đầu những năm sáu mươi này, chế độ cộng sản ở đó đã sụp đổ vì sự bất bình của dân chúng vốn đã tuyệt vọng bởi những thiếu thốn vật chất và sự thiếu tự do. Tất nhiên, sự hỗn loạn đã thế chỗ cho trật tự – dù là trật tự chuyên chế – nhưng thất bại của chủ nghĩa Bôn sê vich lại rất rõ ràng. Neumann, giờ trở thành một nhà chính trị không có lý tưởng, đã thất bại trong cuộc sống như một chiếc thuyền buồm mất buồm.

Càng tốt, Adolf lại nói. Sự tầm thường muôn năm!

Ôi, tôi xin ông. Dù sao cũng đừng bắt tôi tin rằng ông là kẻ tầm thường, Adolf H. à, Neumann bực tức kêu lên.

Không. Nhưng tôi đã chọn sự tầm thường.

Neumann nhún vai. Trong thời gian nghỉ dưỡng sức về ý thức hệ, ông không còn lòng dạ nào để tranh luận nữa.

Ông sẽ sống bằng gì bây giờ? Adolf hỏi.

Tôi có tiền lương hưu dành cho thành viên của Đảng. Đảng Cộng sản Đức tiếp tục tồn tại; sẽ rất hữu ích cho cái nước Đức liên tục thuộc về cánh hữu này.

Ồ, ông nói quá đấy thôi. Chúng ta đang sống trong một chế độ dân chủ thực sự.

Đúng, nhưng là một nền dân chủ do phe hữu lãnh đạo với những trù hoạch của cánh hữu. Nước Đức sẽ không bao giờ là gì khác cả, Adolf thân mến ạ.

Đừng bao giờ nói không bao giờ, Adolf chỉ trả lời như vậy.

Rembrandt và vợ tiến lại chạm cốc. Khi họ đã đi xa, Neumann còn nhìn hồi lâu vào phần sau nở nang của cô dâu.

Cô bé chuyên gia vật lý này cũng không đến nỗi nào, Neumann thì thầm. Thế ông có thích thú với ý tưởng được làm tình với một người có cùng trình độ tri thức với mình không?

Theo tôi, bao nhiêu người đàn ông đã trải qua điều này mà thậm chí còn không

biết.

Thực tình, cậu có biết chúng nói gì với tôi không, thằng Rembrandt của cậu và con bé học toán cùng nó ấy? Rằng các nghiên cứu mà chúng đang tiến hành với Bohr và Heisenberg tiến triển tốt và một quả bom nguyên tử có thể hủy diệt sự sống trong bán kính hàng chục ki lô mét sắp trở thành hiện thực. Họ lẽ ra đã hoàn thành nó nếu nhận được nhiều ngân sách từ nhà nước hơn.

Tôi hiểu! Chúng cần một cuộc chiến ra trò để tạo động lực phải không?

Đúng vậy. Nền hòa bình mà chúng ta đang sống từ sau cuộc chiến chớp nhoáng với Ba Lan không thuận lợi gì cho các nghiên cứu vũ khí mới. Tất cả các nhà bác học đang hy vọng sẽ có xung đột xảy ra…

Tôi hy vọng mình chết trước khi có điều đó, Adolf thở dài nói.

***

Chiến tranh lạnh. Bất chấp những thiệt hại dân sự và quân sự trong cuộc chiến, Liên bang Xô Viết trở thành một cường quốc trên thế giới và đòi Mỹ để họ quản lý toàn bộ khối Đông Âu. Trung Quốc trở thành một nước cộng sản và nhiều nước Trung Âu đã biến thành vệ tinh Bôn sê vich.

Từ đó, Mỹ chống chủ nghĩa cộng sản trên quy mô toàn thế giới và ủng hộ các chế độ độc tài.

Nước Đức bị xẻ làm hai, phía Tây theo mô hình dân chủ tư bản, phía Đông theo mô hình dân chủ cộng sản. Thủ đô cũ, Berlin, bị cắt đôi với những hàng rào dây thép và khu vực quân sự. Từ thời Hitler, ý thức Đức chỉ còn là một vết thương lẫn lộn giữa sự xấu hổ và tâm thần bất ổn.

***

Giờ đây, cuộc sống diễn ra quá gấp gáp với hắn.

Berlin rạn vỡ trước tám triệu dân, ồn ĩ tiếng ô tô và những hồi còi, Berlin ban tặng ánh sáng của những biển hiệu thắp sáng suốt đêm cho những người khách du lịch sửng sốt đến từ khắp nơi trên thế giới để thăm thủ đô của châu Âu. Berlin rực rỡ vượt Paris và Luân Đôn. Mỗi tháng một cuộc cách mạng nghệ thuật. Mỗi tuần một mốt

mới. Những căn hầm lúc nào cũng chật ních những khán giả tò mò trước nghệ thuật tiền phong trong khi các rạp hát, khán phòng cũng chật kín với các vở diễn cổ điển. Nền điện ảnh Đức cạnh tranh với điện ảnh Mỹ, đưa ra những thần tượng khổng lồ là hai ngôi sao đang cạnh tranh nhau, cô đào tóc nâu Zarah Leander và cô đào tóc vàng Marlene Dietrich. Các khu phố đèn đỏ chào mời khách với những cô gái đủ mọi màu da đứng sau cửa kính. Những người lái taxi trong thành phố nóitiếng Nga hoặc tiếng Phần Lan. Người ta có thể ăn kiểu Tàu, kiểu Nhật, kiểu Ý, Pháp, Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ tùy thích. Thậm chí còn có thể không ăn gì, như nhiều tay bụi đời không nhà cửa không được hưởng lợi từ sự giàu có của nước Đức nhưng vẫn đến sưởi ấm sự nghèo khốn của mình dưới ánh đèn nê ông của thành phố Berlin.

Adolf H. không tìm được chỗ của mình nữa.

Sarah đã bỏ hắn. Một căn bệnh ung thư đến như sét giáng, chắc hẳn là do những hóa chất mà nàng đã hít cả đời trong phòng thí nghiệm nước hoa.

Adolf H. lần thứ hai mất đi một người vợ trẻ tuổi hơn mình.

Hắn không yêu ai nữa. Yêu làm người ta đau. Hắn chấp nhận để mình già đi. Trong cái thế giới acrylic và đầy công nghệ này, hắn nhận ra rằng mình đã thuộc

về thế kỷ trước. Tranh của hắn không làm ai quan tâm nữa. Hội họa biểu hình đã chết. Nhiều thể loại trừu tượng đang chia nhau thị trường, trào lưu thời thượng hiện là “trừu tượng duy vật” mà Heinrich là chủ soái. Gã xuất hiện tràn lan trên các mặt báo khắp thế giới, liên tục phát ngôn những câu khẳng định chắc nịch, hăm dọa, câu sau ngu ngốc và cực đoan hơn câu trước, có khi tự mâu thuẫn, nhưng dường như không ai nhận ra điều ấy. Tất nhiên, Heinrich đã ném vào nghĩa trang tất cả dòng hội họa biểu hiện, trong đó trào lưu siêu thực theo gã đã hấp hối và gã cũng đã tìm ra phương tiện để khạc nhổ vào người thầy và bạn cũ khi rêu rao định nghĩa: “Adolf H., họa sĩ siêu thực số một và họa sĩ hạng bét”. Tương tự, gã nói rằng tranh của Adolf H. chẳng có giá trị gì, có chăng chỉ làm cho vài người hâm mộ hiếm hoi, vẫn cố đấm ăn xôi trưng bày chúng, bị coi là cổ lỗ và bị sỉ vả.

Adolf bỏ ngoài tai những chuyện ấy. Cuộc đời hắn đủ dài để nghe thấy nhiều lần mọi chuyện và những điều trái ngược hoàn toàn. Hắn chưa bao giờ cho rằng mình đã làm nên những kiệt tác và dù sao đi nữa, từ sau khi Sarah chết, hắn đã vĩnh viễn buông cọ.

Hôm ấy, hắn gửi điện cho Sophie nói rằng hắn đồng ý nhận lời mời của cô sang sống ở Mỹ.

Cũng ngày hôm ấy, người Đức phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo quanh trái đất và Adolf thậm chí không gọi được cho Rembrandt vì anh đang tham gia vào dự án này.

***

Trong nửa sau thế kỷ hai mươi, năm mươi phần trăm các giải Nobel khoa học

thuộc về nước Mỹ, các trường đại học của Mỹ đã là nơi trú ẩn cho các nhà bác học, nhà nghiên cứu và giáo sư đã trốn thoát khỏi sự truy bức của chế độ Hitler.

***

Sống ở Mỹ như sống ở nông thôn. Già rồi ai cũng muốn về tỉnh lẻ sống. Vì thế ông thấy ở đây rất thoải mái.

Adolf thử khiêu khích các cháu ngoại của mình một chút bằng câu đó nhưng mũi tiêm không có tác động vì bọn trẻ người California này chưa bao giờ rời Los Angeles cả.

Hơi thở mằn mặn của biển làm mặt lão nóng lên. Lão khoan khoái thu người trong chiếc ghế dài và tưởng tượng mình là một con thằn lằn. Lão yêu thích sự đơn sơ điền viên của thiên nhiên và con người nơi đây: biển xanh như màu xanh của bụng sóng, cát màu be như cát, chân trời xa như mọi chân trời, người bán sữa vui vẻ như một người bán sữa, người làm vườn đẹp như một người làm vườn, cô giúp việc người Mê hi cô má phính lông tơ như một cô nàng Maria, lão nghỉ ngơi trong thế giới toàn khuôn sáo này. Ngay cả những đứa cháu của lão, ba đứa con trai của John và Sophie, cũng cho lão cảm tưởng đó là những đứa trẻ chụp trong album, khỏe mạnh, hoạt bát, có giáo dục. Chúng ngưỡng mộ ông mình vì ở Santa Monica, người ta bán trên vỉa hè những bức tranh thạch bản theo các bức tranh xưa của ông chúng. Lão nghi con rể mình đã đầu tư tiền trong vụ này và phản ứng một cách cay độc khi người ta nói với lão điều ấy.

Không đời nào như thế bố ơi, Sophie đã thề với lão như thế. Một nhà xuất bản ở New York làm chuyện ấy. Và tranh bán chạy lắm đấy.

Phải, phải, bố nên cười khoái chí mới đúng. Thế tất cả những quý bà Do Thái ở New York và Los Angeles đều muốn có một bức tranh của Adolf H. để treo trên tràng kỷ nhà mình hay sao?

Đúng vậy ạ. Và đó sẽ là hiệu ứng đòn bẩy. Con chắc là điều đó sẽ đẩy giá tranh gốc lên cao.

Dù gì, bố cũng mặc kệ chuyện đó.

Ngược lại, khi Bob đứa cháu nhỏ nhất mang cho lão xem một bức tranh thạch bản hình Mười-một-giờ-rưỡi, bức Chân dung ngoại cỡ của lão, tấm thân già nua của lão rung lên nức nở.

Bố đang làm gì đây? Lão nói với Sophie đang tìm cách an ủi mình. Tại sao bố còn sống vất vưởng thế này? Nếu chuyện người ta gặp lại nhau sau khi chết là đúng…

Có thể đấy bố ạ, có thể.

Lão mỉm cười và hỉ mũi. Những con mòng biển xa xa giống như những chấm trắng mà lão vừa thêm vào toan vẽ. Lucie cũng ở xa, tận châu Phi. Lão thích nhất là những bóng ma.

– Nhưng dù gì, ta đã đến quá muộn. Trên đó, cả mẹ con, cả cô Mười-một đều

không để mắt đến một con ngựa già như ta.

***

Bán đấu giá bí mật ở Nuremberg. Một bức tranh màu nước ký tên “Adolf Hitler 1913” vẽ phong cảnh xứ Bavaria đã đạt mức giá kỷ lục tám trăm nghìn mác. Tác phẩm là những lớp màu chồng vụng về lên nhau và nhà sưu tập không muốn công khai danh tính.

***

Ngày 21 tháng Sáu năm 1970, mười lăm giờ hai mươi chín, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là một người Đức. Nhà du hành Kurt Makart đã nhảy từ tàu vũ trụ Siegfried xuống và tung tẩy trên những miệng núi lửa. Các đài truyền hình trên toàn thế giới truyền đi những hình ảnh lịch sử này. Chúng chứng minh những tiến bộ kỹ thuật mà nhân loại đã đạt được ở thế kỷ hai mươi cũng như sức mạnh của nước Đức, đất nước giàu nhất thế giới. Nước Đức đã có một chiến thắng mới, một chiến thắng hòa bình, một chiến thắng không cướp đi cái gì từ các nước khác.

Ngày 21 tháng Sáu năm 1970, Adolf H. qua đời tại Santa Monica, Los Angeles, ở nhà con gái và trong vòng tay của gia đình. Trong lúc dõi theo cuộc chinh phục không gian qua màn ảnh nhỏ, lão bị co thắt cơ tim. Sophie viết cho Rembrandt rằng cô tin chắc khi ấy cha đã biết mình sắp chết: ông quay đầu về phía bầu trời trong xanh, không gợn một chút mây và trong đôi mắt xanh phớt hồng của ông có một tia bồn chồn ánh lên, sự bồn chồn của một người đàn ông muốn nhanh chóng gặp lại những người phụ nữ mình yêu mến trong một cuộc hẹn rất gần.

Tháng Sáu năm 1970. Một đứa trẻ được cha mẹ dẫn đi xem chiếu bóng. Như thường lệ, nó đợi được xem những con thú biết nói, những bông hoa biết hát hay một điệu nhảy của những con hà mã và đà điểu.Nhưng người ta không cho nó xem bộ phim hoạt hình quen thuộc chiếu từ mười năm nay; thay vào đó, trên màn ảnh hiện lên những hình ảnh đen trắng, những hình ảnh nhiễu và rung, âm thanh rất tồi, tồi hơn cả những thước phim gia đình quay trong kỳ nghỉ. Thằng bé không hiểu. Một người đàn ông có ria và cái nhìn chằm chằm hét lên bằng một thứ tiếng giống như tiếng của bà thằng bé là người Alsace, đúng vậy,cùng một thứ tiếng, có khác là kém dịu dàng và độc đoán hơn, nó khiến người ta muốn đứng dậy và nghe lời. Thằng bé vẫn chưa hiểu. Rồi hình ảnh những trận càn, những đám cháy, những đoàn tàu nơi ngườibị lèn chặt như những con vật. Đứa trẻ lại càng không hiểu. Cuối cùng, sau những trái bom mà máy bay trên trời rặn ra, những tiếng nổ ngày càng to, pháo hoa, đến lúc đẹp nhất, một cây nấm khổng lồ từ khói bụi hạt nhân hiện ra. Đứa bé sợ, nó tụt người xuống dưới ghế để khỏi phải nhìn thấy màn ảnh. Nhưng những hình ảnh lại tiếp tục, dồn dập, những trại rào dây thép gai xung quanh, những người còn sống nhưng trông như những bộ xương với cặp mắt đen, những căn phòng hơi ngạt, rồi những thi thể trần truồng, chất đống, vừa cứng đỏ vừa mềm oặt bị những chiếc xe ủi

đẩy xuống đất hay ngược lại, đứa bé không biết nữa, nó ngạt thở, nó muốn đi ra ngoài, nó không muốn biết đó là thế giới thật hay không nữa, nó không muốn lớn lên, nó muốn chết.

Bên ngoài, nó ngạc nhiên vì mặt trời vẫn tỏa sáng, người qua đường vẫn đi lại và các cô gái vẫn tươi cười. Họ làm thế nào mà vẫn vui tươi được nhỉ?

Mắt đỏ hoe, cha mẹ nó giải thích nhẹ nhàng rằng họ biết là bộ phim sẽ rất khó chịu nhưng họ vẫn muốn cho nó xem.

– Điều đó đã thực sự xảy ra. Đó là lịch sử chính trị của chúng ta.

“Vậy ra, chính trị là thế sao, đứa trẻ nghĩ, quyền lực mà người ta có để tự làm ra chừng ấy điều xấu?”

Nhưng cái ông Hitler này, ông ấy bị điên có phải không ạ?

Không. Không điên hơn con hay ba…

Thế còn những người Đức, ở đằng sau ấy, họ cũng không điên chứ ạ?

Đó là những người y như con với ba.

Tin mới tốt lành làm sao! Vậy ra làm người là một trò khốn nạn khó chịu.

Con người là gì? Người cha nói. Con người được hình thành từ một loạt chọn lựa và hoàn cảnh. Không ai có quyền thay đổi hoàn cảnh, nhưng ai cũng có quyền chọn lựa.

Từ hôm đó, giấc ngủ đêm của cậu bé trở nên khó khăn và ban ngày còn khó hơn. Nó muốn hiểu. Hiểu rằng con quái vật không phải là một sinh vật khác nó hay không thuộc về loài người, mà con quái vật là một sinh vật như nó nhưng đưa ra những lựa chọn khác nó. Từ hôm ấy, đứa trẻ sợ chính mình, nó biết rằng nó đang sống chung với một con thú hung bạo và khát máu, nó mong giam con vật ấy trong lồng suốt đời.

Đứa trẻ ấy là tác giả của quyển sách này.

Tôi không phải là người Do Thái, không phải là người Đức, không phải là người Nhật và tôi sinh ra muộn hơn thời điểm đó; nhưng Auschwitz, sự hủy diệt Berlin, ngọn lửa ở Hiroshima từ nay đã trở thành một phần của đời tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.