Nửa Kia Của Hitler

Gã độc tài đồng trinh 1.



“Tôi từ chức. Các vị đã đi ngược lại ước nguyện của các đảng viên bằng cách đặt sinh mệnh của Đảng Công nhân Quốc gia-Xã hội vào tay một người có quan điểm không phù hợp. Tôi không thể đứng trong một phong trào như vậy lâu hơn nữa. Việc tôi ra đi là không thể thay đổi được.

Adolf Hitler.”

Các ủy viên Ban chấp hành nhìn nhau chán nản.

Lại thế rồi, ngôi sao lại lên cơn tiếp.

Minh tinh Hitler làm chúng ta kiệt sức.

Mà ông ta đã từ chức bao nhiêu lần rồi nhỉ?

Mà thôi, mặc kệ, ông ta cứ đi đi! Đảng đã tồn tại khi không có ông ta thì cũng sẽ tồn tại sau khi ông ta đi.

Một sự im lặng đầy nghi ngờ bao trùm lên cử tọa sau câu nói ấy. Mỗi người cố gắng tự thuyết phục rằng điều đó có thể là hiện thực. Nhưng họ có nhà hùng biện nào khác trong tay đây? Ai có khả năng biến một cuộc hội họp dù nhỏ nhất thành một chương trình xiếc đầy hào hứng? Ai có thể khơi dậy những tràng pháo tay không dứt? Ai có thể làm cho nhiều người đột nhiên đăng ký gia nhập Đảng? Ai làm được việc huy động tài chính cho Đảng? Ai là người được trưng ra để nhử mồi công chúng?

Tôi biết các vị nghĩ gì nhưng xin đừng thổi phồng tầm quan trọng của ông ta. Hitler chỉ là một cái trống.

Đúng, nhưng là một cái trống rất vang! Chúng ta không có cái nào vang hơn thế.

Dù gì chúng ta cũng sẽ không trao quyền lãnh đạo Đảng cho một cái trống.

Tôi xin nhắc quý vị là chúng ta đã từng làm điều đó. Chúng ta đã đề nghị ông ta hai lần.

Và lần nào, ông ta cũng từ chối.

Tại sao?

Tại sao cái gì? Tại sao chúng ta lại đề nghị với ông ta điều đó? Hay tại sao ông ta đã từ chối?

Một lần nữa, cử tọa lại im lặng. Hitler đã từ chối hai lần chức lãnh đạo Đảng với lý do mình không có chút tài năng nào về mặt tổ chức. Ban chấp hành Đảng đánh giá đó là một thái độ trung thực. Giờ đây, các ủy viên tự hỏi liệu có phải Hitler hành động như vậy để được nhiều hơn.

Ông ta bị điên. Ông ta có hiểu rằng mình sẽ phải đối đầu với những gì nếu chúng ta chấp nhận đơn từ chức không?

Nhưng chúng ta chấp nhận thực mà.

Các ông câm đi! Trong trường hợp ấy, ông ta sẽ đơn độc và buộc phải thành lập

một đảng mới.

Thế thì sao? Đó là chuyện của ông ta.
Như thường lệ, ông ta chơi bài được ăn cả ngã về không. Không có thỏa hiệp

đâu.

Chúng ta cũng vậy, sẽ không có thỏa hiệp. Ông ta đi thì cứ đi. Rảnh nợ. Vĩnh

biệt.

Chắc rồi, nhưng hãy tưởng tượng khi ông ta thành lập phong trào của riêng mình mà xem. Ông ta sẽ thành công. Phần lớn các đảng viên của chúng ta sẽ theo ông ta. Nhất là khi ông ta chơi bài tử vì đạo, cái màn ông ta diễn rất xuất sắc…

Vậy thì sao! Ông đề nghị gì đây? Dù gì chúng ta cũng không tới quỳ mọp dưới chân ông ta chứ!

Vài ngày sau, ngày 29 tháng Bảy năm 1921, Hitler trở thành lãnh tụ duy nhất của đảng Quốc gia-Xã hội.

Hitler đứng nhìn đám đông đang hoan hô mình, hắn thả mình trọn vẹn theo tiếng hò reo, sự cuồng nhiệt, sự vuốt ve của đám đông. Hắn nghĩ tới con đường đã trải qua trong ba năm, từ vị trí tuyên truyền viên trong quân đội đến các diễn đàn chính trị, từ một nhóm chính trị tí hon tập họp trong những căn phòng tồi tàn phía sau các quán cà phê, không thẻ đảng viên, không con dấu, không tài liệu in, không áp phích, cái nhúm người hoạt động theo cơ chế dân chủ mà vào thời điểm ấy có bao nhiêu đảng viên thì có bấy nhiêu ủy viên Ban chấp hành, cho đến đám đông này, những người đã bầu hắn với số phiếu áp đảo tuyệt đối, thừa nhận vị thế lãnh đạo của hắn, được một đội tự vệ mạnh ngang quân đội giữ trậttự và đang giương cao những cây cờ hiệu của mình. Hitler đặc biệt tự hào về biểu tượng quốc xã, cố gắng nghệ thuật cuối cùng của hắn: một chữ thập ngoặc đen nổi bật giữa một vòng tròn trắng, đặt trên nền đỏ để thu hút những người cánh tả.

Heil Hitler! Hoan hô lãnh tụ của chúng ta!

Hắn biết tất cả những lời mà đám chính trị gia và cánh nhà báo bôi xấu hắn: một kẻ sách động quần chúng, một cái đầu bốc cháy, một ngôi sao tỉnh lẻ ngắn ngày, một hạ sĩ thô tục không hề có dáng vẻ của một nguyên thủ quốc gia. Ban đầu, hắn, kẻ lúc nào cũng chực lăng mạ các vị thủ hiến và bộ trưởng, kẻ mà cái lưỡi rắn độc đã giết chết nhiều nhân vật có vai vế trong chính quyền bằng các bài diễn thuyết của mình, cảm thấy khó chịu khi bị xếp vào cùng hạng với những nhân vật đó. Những lời chỉ trích đã gây thương tích cho phần da thịt trong cái Tôi của hắn, tuy mới được sinh ra nhưng đã to lớn quá khổ. Hắn thấy việc những “người quan trọng” không cúi đầu quỳ gối trước hắn như đám đông là không phải phép, những lời giễu cợt tỷ lệ thuận với thành công của hắn là một sự bất công. Sau đó, hắn đãrút ra được điều có lợi cho mình khi bị đả kích như vậy: do không nhìn ra việc hắn đang nổi lên người ta sẽ không đủ cảnh giác với hắn. Những người cánh trung và cánh hữu kiểu cũ tưởng rằng

đã vứt bỏ được ta khi coi ta là kẻ cực đoan; nhưng ta không cực đoan; ngược lại, họ nghĩ vậy càng tốt cho ta. Cán bộ trong phong trào của ta cho rằng ta mềm yếu và đôi khi không quyết đoán; đây chính là cái cho phép ta khích bọn chúng đấu đá nhau mà không biết. Tất cả bọn không chính kiến này tin vào tầm quan trọng của mình đến mức chúng không nghi ngờ một giây nào rằng ta đang điều khiển chúng như những con rối. Ta hiểu sự đam mê thấp hèn nào làm tất cả bọn chúng đều rực cả lên. Chơi bẩn lại là hay.

Hitler cũng hiểu được một điều mà hắn không bao giờ tiết lộ với ai: hắn chỉ đánh trúng những tình cảm tiêu cực của đám đông. Hắn khơi dậy sự giận dữ, căm thù, hằn học, thất vọng, nhục nhã của họ. Thật dễ dàng, vì hắn tìm thấy tất cả những tình cảm ấy trước hết là trong bản thân hắn. Người ta thần tượng hắn là vì hắn nói bằng trái tim, nhưng họ không nhận ra rằng đó chỉ là mặt tối của trái tim.

Bí mật này, Hitler đã phát hiện ra gần như trong những hoàn cảnh bất lợi cho mình.

Lần đầu, đó là lễ thành hôn của hai bạn trẻ đang sung sướng. Hitler không chuẩn bị gì cả, như thường lệ, tin tưởng vào tài năng ứng khẩu của mình; bên bàn cưới, hắn nâng cốc chúc mừng và lúng búng vài câu. Biết khoa ăn nói của mình cần có thời gian để hâm nóng, hắn không thấy lo lắng. Nhưng sau vài phút, không có gì diễn ra cả ngoại trừ việc không khí trở nên nặng nề, khó chịu đi đôi với cảm giác bị lừa. Hắn rút lui bằng cách bắt nhịp một bài hát của thành Viên mà khó nhọc lắm hắn mới làm cử tọa đang thất vọng tiếp lời. Hắn ngồi xuống, ê chề. Hắn đã mất khả năng trời phú rồi ư? Ngày hôm sau, trong cuộc họp ban lãnh đạo, lo lắng, hắn bám lấy một cái cớ không đâu vào đâu để phát biểu và lao vào đả kích một hồi lâu. Phù, tất cả đã quay lại. Chuyện hôm nọ chỉ là một trục trặc nhất thời.

Sự việc thứ hai làm hắn hiểu điều gì đã xảy ra. Người ta mời hắn đọc một bài điếu văn đầy những lời lẽ ca ngợi; kẻ quá cố là một người dũng cảm mà người ta chỉ có thể nói tốt mà thôi, điều này làm Hitler một lần nữa không nói lên lời; hắn giả vờ bị mệt để trốn tránh nhiệm vụ. Như vậy, tài ăn nói của hắn chỉ được phát huy khi có những tình cảm hung bạo.

Dù là người hay nổi nóng, Hitler đã tự quan sát mình một cách lạnh lùng. Qua kinh nghiệm riêng, hắn biết cách làm thế nào để phát huy hấp lực của mình: gãi vào những hận thù, gỡ lớp da non, chọc vào các vết sẹo, làm nó chảy máu thật nhiều để sau đó đưa ra những giải pháp hết sức sơ đẳng, tính chất đơn giản của giải pháp cần phải tỷ lệ với sự đau đớn đã gây ra. Không cần hoa mỹ. Cần phải chỉ ra. Chỉ tay vào những kẻ bung xung: người Do Thái, nước Pháp, nước Anh, nền cộng hòa, chủ nghĩa Bôn sê vich. Đôi khi, có thể hòa hai kẻ bung xung làm một để có hiệu ứng lớn hơn: chẳng hạn việc trộn lẫn hai khái niệm người Do Thái với người Bôn sê vich, thành Do Thái-Bôn sê vich, đảm bảo rằng đám đông sẽ tung hô diễn giả sau buổi mít tinh, cực

điểm của việc này sẽ là bộ ba hỗn hợp Do Thái-Bôn sê vich-cộng hòa. Tất nhiên, vào phút cuối, cần phải thay vào chỗ những hận thù này một giá trị rực rỡ để những người tham gia bị hớp hồn và lan tỏa một cách nghĩ lạc quan; khi đó, Hitler quay lại với nước Đức, chủ đề mà hắn đã dùng để bắt đầu và cũng là chủ đề để kết thúc bài diễn thuyết, làm như thế, hắn đã tạo ra cảm giác là mình chưa bao giờ nói về một chủ đề nào khác cả.

Heil Hitler! Hoan hô! Hắn rời bục diễn thuyết trước khi tiếng vỗ tay giảm dần, khoác áo măng tô, nhận lời chúcmừng của những người dưới quyền, vội vã đi ra bằng cửa dành cho nghệ sĩ và chui nhanh vào ô tô, ra hiệu cho tài xế nổ máy.

Vẻ lơ đãng, hắn nhìn Munich và tự hỏi không biết tiếng vỗ tay có còn vang lên trong phòng diễn thuyết hy vọng hắn trở lại sân khấu không. Hắn thở dài, u hoài. Bao giờ cũng nên biến mất trong lúc cử tọa vẫn thòm thèm, đó chính là nguyên lý của sự quyến rũ. Việc xuất hiện muộn rồi về sớm vừa củng cố cho những huyền thoại quanh con người hắn vừa tăng sức mạnh cho các bài diễn văn của hắn.

– Paul, đi đến nhà bà Hofmann.

Hắn có quyền nghỉ ngơi đôi chút sau những biến động trong những ngày qua. Lại một lần nữa, hắn có bằng chứng về việc Định mệnh che chở cho mình. Các sự kiện đều diễn ra theo hướng có lợi cho hắn; những cơn giận dữ, dằn dỗi và sự từ chức của hắn đã cho hắn chức vị chủ tịch Đảng với mọi quyền lực trong tay. Đành rằng hắn đã mong nhưng không hề trù liệu điều đó; đúng ra, hắn đã làm điều đó vì thất vọng, theo kiểu được ăn cả ngã về không. Kẻ thù của hắn tin rằng hắn là một nhà chiến lược đại tài. Từ nay, hắn biết rằng trong bất cứ trường hợp nào hắn cũng cần phải làm theo bản năng, kể cả khi nó dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Có cái gì đó trên trời đền đáp cho hắn và khẳng định vị thế là đứa con được Định mệnh yêu quý nhất.

Bánh xe lạo xạo trên con đường rải sỏi. Hitler bấm chuông ngôi nhà tư sản rộng mênh mông với những ô cửa sổ trên đó những chậu hoa được bày như kiểu nhà binh.

– Dolfi! Tôi không dám tin nữa!

Hitler cúi xuống hôn tay Carola Hofmann, một nhiệm vụ nguy hiểm vì cần phải khéo léo nhắm vào chỗ da duy nhất không có những chiếc nhẫn sắc nhọn tua tủa hay những chiếc vòng đeo tay quá rộng mà lại quá nặng.

– Tôi đã chuẩn bị bánh rồi đấy.

Carola Hofmann ríu rít và rạng rỡ khi nhìn thấy người mình che chở. Từ khi bước vào làm chính trị, Hitler có nhiều “bà mẹ”, những người đàn bà lớn tuổi ngưỡng mộ và giúp đỡ hắn về mặt tài chính, xúc động vì sự tương phản giữa một diễn giả đầy uy lực và một người nhút nhát, vụng về khi không đứng trước công chúng, một cung cách lịch sự thiếu tự nhiên, quá kiểu cách theo lối thành Viên. Bà nào cũng nghĩ là mình làm anh ta bối rối và coi con người trẻ tuổi và đầy triển vọng này như một người tình trong trắng lý tưởng, thèm khát có phụ nữ ở bên. Không ai ngờ rằng cái hắn tìm

kiếm ở mình là hìnhảnh một người mẹ nhiều hơn hình ảnh người tình. Trong số tất cả những người bao bọc Hitler, Carola Hofmann, vợ góa của một ông hiệu trưởng, là người hắn quý nhất. Bà ta cho Đảng mượn nhà để họp, và đặc biệt, trong những lúc riêng tư, bà ta làm bánh strudel(18) táo-nho-mận nhiều hương va ni nhất và phủ nhiều caramel nhất xứ Bavaria.

Thế nào, anh đã trị được họ cả rồi chứ, cái đám thanh niên hư đốn ấy? Carola hỏi với cái giọng ân cần của một giáo viên mà bà giữ được của người chồng.

Toàn bộ quyền lực, Hitler nhồm nhoàm nói.

Carola tán thành như thể Hitler vừa đưa cho bà ta xem một cuốn sổ điểm xuất sắc. Cái cổ già nua của bà ta oằn xuống một cách nguy hiểm bởi sức nặng của cái đầu và nhất là bởi cái búi tóc to như bình tiểu đêm, bồng lên, vuốt keo, chải bóng, như một cái mũ cứng thường trực trên đầu làm người ta khiếp sợ mà kiêng nể.

Thế còn giai đoạn tiếp theo sẽ là thế nào? Được, được, anh cứ ăn tiếp đi, tôi làm riêng cho anh mà, Dolfi thân mến. Vậy giai đoạn sau sẽ là gì?

Biến Ban thể thao thành Ban đột kích. Chúng ta cần phải có một tổ chức bán vũ trang.

Rất tốt. Vậy là cần phải dùng tới tay Rôhm xấu xa này rồi.

Carola Hofmann chỉ gọi đại úy Rôhm là “Rôhm xấu xa” vì bộ mặt bị mảnh pháo làm cho biến dạng của anh ta. Như thường lệ, tới chỗ này, Hitler lên tiếng phản đối:

Carola, anh ta đã bị thương trên chiến trường khi đang phục vụ nước Đức!

Đúng, tôi biết, nhưng tôi không thể nào ngăn mình nghĩ là hắn ta vẫn sẽ xấu ngay cả khi không có những vết thương trên mặt.

Đó là một người yêu nước quả cảm.

Đúng, đúng… nhưng có cái gì đó mà tôi không ưa được ở tay này…

Hitler tấn công miếng bánh thứ ba, nghĩ rằng mình bảo vệ Rôhm thế là đủ. Hắn hoàn toàn hiểu rằng cái làm Carola không thích ở Rôhm, đó là việc anh ta dị ứng với đàn bà. Trong nỗi hoài niệm về chiến trường, sự tôn thờ chủ nghĩa anh hùng, tình yêu lớn lao với cộng đồng nam giới, Rôhm đã tìm ra phương cách thể hiện ham muốn lệch lạc của mình với đàn ông. Từ khi phát hiện ra điều này, Hitler đã quyết định sử dụng không ngượng ngùng gã to mồm này, người đang sở hữu nhiều vũ khí dự trữ và biết chỉ huy các nhóm vũ trang bởi từ khi biết bí mật của Rôhm, Hitler tin rằng mình đã nắm được thóp của gã.

– Anh định bao giờ làm cú putsch đấy?

“Putsch” – đảo chính – đã trở thành cụm từ yêu thích của Carola bất chấp việc phát âm gây ra những khó khăn hết sức nan giải với bộ răng giả của bà ta bởi mỗi khi nói từ này, bộ răng giả của Carola chỉ chực tuột ra; nhưng hình như sự nguy hiểm lại hấp dẫn bà già gan góc này vì bà ta nhiều lần tìm cách sử dụng cụm từ với những phụ âm nổ này.

Càng sớm càng tốt, Carola ạ. Tôi đang sốt ruột. Sốt ruột cho nước Đức.

Chàng trai ngoan lắm, chàng trai ngoan lắm, bà ta gừ gừ trong cổ họng.

Trong cùng thời gian này, các đảng viên đảng Quốc xã vừa tản ra khắp Munich, chớm hồi tỉnh sau bài diễn văn nảy lửa của thủ lĩnh, vừa tự hỏi ông ta đang ôm cái tài năng kiệt xuất của mình về nghỉ ngơi ở đâu.

Nhà hùng biện tấn công miếng bánh strudel thứ năm trước mặt bà Carola Hofmann đang cảm động đến trào nước mắt.

Thêm một chút kem nữa nhé?

***

Xin chào. Em tên là Mười-một-giờ-rưỡi.

Cô gái ngồi ngược, tì hai tay lên lưng ghế, mở to cặp mắt tròn nhìn đăm đăm vào hai người đàn ông. Cô cong môi thổi lọn tóc đen phá đám xõa xuống che mất mắt phải, che mất tầm nhìn của cô. Lọn tóc bay lên, nhẹ bẫng, thoáng tỏa ra thành những sợi tóc nhỏ rồi lại rơi xuống đúng chỗ cũ. Mười-một-giờ-rưỡi khẽ bĩu môi như muốn nói “các anh thấy đấy, em đã cố xử lý nó rồi đấy nhé” rồi mỉm cười để lộ hàm răng chắc khỏe và trắng như ngọc.

Em đã quan sát các anh một năm rồi và em muốn nói chuyện với các anh.

Thế à?

Adolf H. và Neumann ngạc nhiên vì đã không để ý tới cô gái sớm hơn. Cô gái trông quen quen mà họ không biết gì về cô cả.

Em thường xuyên đến quán Rotonde hả?

Giá mà được thế! Từ mười lăm tháng nay em làm việc ở nhà bếp. Hôm qua, em xin thôi và đã bỏ chỗ làm rồi. Em sẽ không bao giờ đi làm con hầu nữa.

Mười lăm tháng hả? Neumann lịch sự hỏi.

Vâng, mười lăm tháng. Người ta muốn em chạy bàn nhưng em trốn biệt ở dưới nhà bếp và tự nhủ rằng có thể mình sẽ lớn lên.

Adolf và Neumann nhận thấy rõ ràng cô gái quả là tí hon. Xinh xắn, tròn trĩnh, cân đối nhưng tí hon.

Vâng, cô gái tiếp tục, cho đến hôm qua em vẫn hy vọng mình sẽ lớn vổng lên vì em chán ngấy việc cứ phải nhìn vào lỗ mũi người ta rồi.

Cô gái thổi lọn tóc bay lên nhưng ngay lập tức nó lại rơi về chỗ cũ.

Bó tay thôi. Em muốn làm một con ngựa cái nhưng rốt cuộc sẽ chỉ là một con chim cút nhỏ.

Đáng yêu lắm mà, Adolf cười và nói một cách chân thành.

Vâng, đáng yêu lắm… Em xinh xắn, ngon lành, đâu ra đấy và chỗ nào cũng ổn, hết chê, nhưng vấn đề là những cái đó không hợp với tính em! Đúng vậy, em cứ muốn mình cao lớn để làm một cô gái lạnh lùng, kiêu sa, tự phụ, kiểu con gái làm bọn đàn ông đần cả ra mà chẳng cần phải nói một câu nào. Nhìn dáng em thế này, em cần

phải quyết tâm tỏ ra vui vẻ, hồn nhiên, rạng rỡ, kiểu một con bé nhà lành! Làm như thế đỡ mệt hơn làm một con điếm. Có điều, cũng phải có một cơ thể tương xứng.

Hai người đàn ông phá lên cười.

Thật đấy, cái cô Greta Garbo chẳng hạn, Mười-một-giờ-rưỡi tiếp tục, giọng nóng nảy, có thể cô ta ngu như bò, có thể cô ta ngủ mà mắt vẫn mở trừng trừng khi các anh nghĩ là cô ta đang nhìn các anh, có thể cô ta ngáp nhiều hơn cười, nhưng chẳng ai quan tâm đến điều đó! Không. Người ta tin cô ta vì cô ta cao lớn. Em là đứa lười, nếu em là một cô gái khổng lồ thì mọi chuyện đã tốt hơn. Vì thế hôm qua em mới tự nhủ “cô gái ơi, không phải đến lúc hai mươi tuổi thì cô sẽ cao thêm năm mươi xăng ti mét đâu. Nếu cô tiếp tục ngồi bên mấy cái bếp nấu mà hy vọng điều đó thì không những cô vẫn cứ sẽ bé như vậy mà còn trở thành con ngốc nữa. Cô cần phải nói chuyện với hai anh Boche.”

Adolf và Neumann nhìn nhau, nửa tò mò, nửa buồn cười. Họ không tưởng tượng được vai trò mình sẽ đóng trong cái đầu của…

À mà cô tên gì ấy nhỉ?

Mười-một-giờ-rưỡi. À em hiểu rồi: các anh khó chịu vì em đã gọi các anh là Boche phải không? Tuy nhiên, từ miệng em thì từ đó không có gì là xấu đâu. Chỉ vì từ trước đến nay em toàn nói thế. “Bô-sơ”, nói vậy cho nhanh, như tên một con chó, có thể rất trìu mến, không cần phải ngoác mồm ra để nói “A-lơ-măng”(19). Thực tình là em nghĩ thế đấy.

Rõ ràng, chỉ có điều đó là quan trọng đối với cô gái. Cô gái coi như hai người kia đã bỏ qua cho mình và giơ tay lên.

Bồi!

Người hầu bàn của quán Rotonde tiến lại gần, vẻ nghi ngại.

– Bồi, cho một ly chambéry-fraisette.

Anh này lẩm bẩm cái gì đó không rõ và biến mất. Mười-một-giờ-rưỡi phì cười.

Hắn ta điên lên vì em ra lệnh cho hắn, hắn là người đã quát tháo em trong suốt mấy tháng liền. À mà các anh đãi em cốc chambéry-fraisette nhé? Bởi vì em không mang tiền theo.

Adolf chớp mắt đồng ý. Hắn bị sự vô tư vui vẻ của cô gái hấp dẫn và hắn khó có thể rời mắt khỏi ngực nàng vì nếu như cái gì ở Mười-một-giờ-rưỡi cũng bé bỏng thì ngực nàng lại không. Hai bầu vú tuyệt đẹp, cao, căng tròn, trông sẽ đặc biệt khêu gợi nếu chúng không tròn đến thế, dường như đang vươn về phía tay Adolf. Mười-một-giờ-rưỡi nhận ra Adolf đang nhìn mê đắm và khẽ nháy mắt để hắn hiểu là nàng thích cái nhìn ấy.

Cô là ai? Neumann hỏi.

Anh gọi em là “cô” à? Như một tay cớm hả?

Nàng bật dậy, tự ái. Xưng hô “cô” “tôi” là một lời sỉ nhục với nàng; nó có nghĩa là

gạt bỏ nàng hoặc bảo nàng xấu xí.

Thế em là ai? Neumann nói lại, giọng nhẹ nhàng.

Em là bạn gái mới của bọn anh.

Anh không biết là bọn anh có bạn gái mới.

Chính vì thế em mới nói với bọn anh.

Hai người đàn ông phá lên cười. Mười-một-giờ-rưỡi áp đặt sự hiện diện của mình theo cách không gì cưỡng lại được.

Đồng ý, Adolf nói.

Đồng ý, Neumann nói.

Đấy, các anh thấy chưa! Nào, chúng ta cụng ly! Họ chạm cốc và uống một hơi dài.

Em là bạn mới của bọn anh và là gì khác nữa? Adolf hỏi Mười-một-giờ-rưỡi trong lúc cố không nhìn vào ngực nàng.

Em còn là người đàn bà của đời anh nữa.

Một sự sững sờ ngọt ngào làm Adolf đờ người ra. Cô gái nói ra điều hệ trọng ấy với một sự hiển nhiên lớn đến mức hắn cảm thấy nàng nói đúng. Đường đột và bất thường, câu nói ấy đầy uy lực, một ánh sáng được thắp lên trong phòng tối; nó hé lộ một sự gần gũi vừa trong quá khứ vừa trong tương lai, một cái gì đó chỉ cần được nói ra là sẽ hiện hữu, và từ nay nó là một sự hiện hữu mang tính tàn phá, một cái đà.

Adolf phản đối lấy lệ:

Nhưng… nhưng… chúng ta không biết nhau.

Còn hơn thế nữa: chúng ta nhận ra nhau.

Lời nói quá đúng lại làm Adolf rùng mình, cơn rùng mình từ vai chạy lên gáy.

Hắn nhìn Mười-một-giờ-rưỡi. Nàng cũng nhìn hắn. Trời hôm ấy trong và xanh, mặt trời phun nắng tung tóe lên vỉa hè nơi những người qua đường đang bước vội để tránh nắng, không khí dường như đứng im, bất động, như một thứ thạch anh khô, người ta hít thở thoải mái.

Adolf và Mười-một-giờ-rưỡi không rời mắt khỏi nhau nữa. Lần đầu tiên trong đời, Adolf có cảm giác đang ở trung tâm vũ trụ. Đất đai, con người, mây, xe điện, những ngôi sao, tất cả những thứ đó đang quay quanh hắn.

Thật khó tin phải không, Mười-một-giờ-rưỡi nói.

Gì cơ? Adolf hỏi, đột nhiên cảm thấy lo lắng.

Cảm nhận cái mà anh và em vừa cảm nhận ấy. Phải vậy không?

Đúng vậy.

Như vậy là hắn không điên. Nàng cảm nhận thấy cái mà hắn cảm nhận. Hay cả hai người bọn họ đều bị một sự điên cuồng xâm chiếm. Trong trường hợp ấy, sự điên cuồng này trở thành quy tắc và việc những người khác nghĩ gì không mấy quan trọng! Hắn ngửa hai bàn tay rồi đặt lên trên bàn. Hai bàn tay bé nhỏ đậu lên trên ấy một

cách thật tự nhiên. Thật vừa vặn. Những ngón tay của hắn nắm lấy nàng đến tận cái cổ tay mũm mĩm. Linh tính mách bảo hắn họ sẽ hợp với nhau như thế nào trên giường…

Nàng mở hé đôi môi và chính lúc ấy hắn cũng vậy, như thể họ hôn nhau. Nàng rùng mình.

Trong khóe mắt hắn nhận ra vẻ mặt mỉa mai của Neumann. Ngại ngùng, hắn ép mình rơi xuống lãnh thổnặng nề của sự tầm thường.

Xem nào… xem nào… chắc chắn chúng ta sẽ làm cái gì đó cùng nhau nhưng đừng vội.

Mím chặt môi, hắn giận mình đã nói câu ấy. Hắn sắp làm hỏng mọi chuyện. Bình thường hóa tức là phá hỏng. Tại sao hắn không thể ngăn mình làm điều ấy?

Mười-một-giờ-rưỡi quay sang Neumann.

Anh có phải bạn em không?

Có.

Vậy nếu anh là bạn em anh có sẵn lòng để em một mình với anh Adolf một chút không?

Nhưng…

Anh không thấy những gì đang xảy ra vượt quá mọi tưởng tượng của anh ấy ư? Anh không thấy anh ấy đang phải giữ kẽ vì anh ở đây à? Anh không thấy bị coi thường hay sao khi là người bạn thân nhất của em và của Aldolf mà lại phải ngồi trơ như phỗng ở đây? Anh không đáng phải chịu điều đó.

Bẽ bàng, bối rối, bị thao túng, cảm thấy thân thể và sự có mặt của mình chướng quá, Neumann lùi bước về phía cuối quán cà phê, trả tiền rồi ra về.

Mười-một-giờ-rưỡi quay lại phía Adolf, thổi lọn tóc của mình bay lên để rồi nó lại rơi về chỗ cũ, nhún vai rồicười.

Anh có hiểu được em phải cố đến thế nào để làm việc này không? Cả em nữa, em cũng sợ sự lố bịch. Em đã mất một năm mới quyết định đi qua suốt quán cà phê này để nói với anh điều mà em biết.

Cái mà em biết?

Rằng anh với em sẽ là một cặp ra trò.

Theo phản xạ Adolf muốn phản đối tiếp nhưng một lần nữa hắn lại thôi trước sự hiển nhiên của câu nói ấy.

Hắn có cảm giác mình đã biết Mười-một-giờ-rưỡi từ nhiều năm rồi, rằng hắn đã làm tình với nàng, rằng họ có với nhau cả trăm kỷ niệm rồi.

Lạ thật, hắn nói, anh nhìn em bây giờ với cái nhìn mà anh sẽ có về em trong mười năm nữa. Em là ký ức của tương lai anh.

Thật không thể tin nổi, phải không? Với em cũng vậy. Chó chết, em đã làm vỡ không biết bao nhiêu bát đĩa sau cánh cửa, đằng kia kìa, khi nghĩ đến anh.

Adolf nhìn nàng và cố định hình nàng, lấy một cái nhìn khách quan, nhốt nàng

vào trong khung của một bức tranh: hắn không tài nào làm được việc ấy. Nàng vuột khỏi cố gắng của hắn.

Mình đi chứ? nàng hỏi.

Đi đâu?

Em không biết.

Đồng ý.

Họ đứng dậy. Bàn tay Adolf vừa in bờ vai Mười-một-giờ-rưỡi, ngay lập tức đặt ở độ cao hợp lý, không căng thẳng cũng chẳng gượng ép; một sự tiền định.

– Anh không biết mình đi đâu, hắn thì thầm, nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ

đi.

Nàng rùng mình và họ lao nhanh ra phố như người ta lao mình xuống nước.

Mặt tiền bằng thạch cao của các ngôi nhà trên đại lộ Montparnasse và cây bên đường đứng nghiêm, ưỡnngực trước đôi tình nhân như hai hàng quân danh dự. Phấn hoa tung bay trên đầu đoàn rước như những chiếc chuông đứt dây, Paris đang chơi ngẫu hứng một bản nhạc hội và những đứa trẻ nhảy múa tung tăng bên những chiếc ghế băng.

Sẽ tốt hơn nếu chúng ta không ngủ với nhau ngay lập tức, Mười-một-giờ-rưỡi nói, như thế chúng ta có thể nhớ rằng đã có một khoảng thời gian “trước khi…”.

Ừ, như thế sẽ tốt đấy.

Chúng ta có thể đợi một hay hai tiếng chứ?

Ừ, tất nhiên rồi, Adolf tán thành nhưng đột nhiên, một hoặc hai giờ bỗng trở nên một khoảng thời gian dài vô tận với hắn.

Mười-một-giờ-rưỡi khẽ thở phào, gần như là trẻ con, một hành động hoàn toàn đáng ngạc nhiên ở một cô gái có vẻ từng trải đến thế. Adolf kết luận rằng chắc nàng muốn chuyện tình của nàng với hắn không giống những mối tình khác.

Em người ở đâu? Ở Paris?

Gần như thế. Em ở Lisieux.

Adolf mỉm cười khi nghĩ rằng Mười-một-giờ-rưỡi, tóc cắt khum khum, đầu trần, mặc váy mềm để lộ cặp chân, trông như dân Paris chính cống chính bởi vì nàng không phải là dân Paris; nàng khoác trên mình bộ đồng phục của dân Paris.

Lisieux là ở đâu?

Một ngôi làng ở Normandie. Ở đấy người ta làm bơ, pho mát và các cô gái già nữa. Nói như vậy để thấy là em chẳng có gì để làm ở đó cả. Em lên Paris năm mười bốn tuổi.

Hắn trìu mến nhìn nàng: người ta có thể tin là nàng mới mười bốn tuổi vì làn da của nàng tươi trẻ như mới được tạo sinh đêm qua và chỉ mới được căng lên vào đúng sáng nay.

Em làm nhiều việc linh tinh. Công việc lâu nhất là làm người cứu rỗi linh hồn.

– Người cứu rỗi linh hồn?

Adolf dừng lại. Hắn không thể tưởng tượng Mười-một-giờ-rưỡi trong dáng vẻ một bà xơ, đang tất bật cứu rỗi các linh hồn.

Anh không hiểu. Em có dáng vẻ của một người làm vãi linh hồn hơn là cứu rỗi linh hồn.

Mười-một-giờ-rưỡi ngửa cổ ra sau cười ha hả, mồm ngoác to, như thể nàng vừa nuốt một thanh kiếm vừavặn vẹo người. Adolf nhìn nàng, phân vân giữa ham muốn được cắn nàng vì nàng đang chế nhạo hắn, vừamuốn làm tình với nàng vì điệu cười vô duyên ấy làm nàng càng gợi tình hơn.

Nàng dựa người vào hắn để lấy lại hơi.

Cứu rỗi linh hồn, đó là nghề làm giày, anh chàng Boche lớn xác của em ạ. Linh hồn là từ để chỉ phần đế giày người ta có thể tận dụng để làm đế cho một đôi giày khác.

Nàng nhìn hắn từ dưới lên trên.

Đúng là cần phải vừa là người nghèo vừa là người Pháp mới có thể biết được điều ấy.

Đúng vậy, Adolf đáp, còn anh là một tay người Đức nghèo.

Không sao, không sao. Dù gì thì em cũng không phải là tỷ phú Rothschild. Có điều, em đã tìm thấy một thứ sẽ làm em trở nên giàu có.

Thế à? Cái… cái gì vậy?

Anh không định tin là em cứ thế tiết lộ hết bí mật của em đấy chứ? Anh sẽ được biết nếu anh xứng đáng.

Thế còn các chàng trai thì sao?

Các chàng trai làm sao?

Em đã yêu nhiều chưa từ hồi lên Paris?

Từ bao nhiêu người trở xuống thì anh sẽ chấp nhận em?

Dù thế nào anh cũng sẽ chấp nhận em.

Hai? Ba? Mười? Hai mươi? Hắn nài hỏi.

Em không phải là người giỏi tính nhẩm.

Thế em có yêu thường xuyên không?

Ôi không, cái đó thì quá lắm! Không bao giờ!

Nàng phẫn nộ, bị xúc phạm khi bị coi là người dễ dãi trong chuyện đó. Adolf không thể ngăn mình ngạc nhiên vì đức hạnh khác thường này, một thứ được xác định bằng trái tim chứ không phải là tình dục.

Em nóng lòng được xem tranh của anh, nàng nói. Từ một năm nay, em có nghe một số khách hàng nói về tranh của anh.

Người ta nói nhiều hơn người ta mua em ạ.

Không quan trọng, bắt đầu là thế. Mười năm nữa, tranh của anh sẽ đắt gấp hai mươi lần.
Adolf muốn nói “làm sao em biết được mà nói thế?” nhưng lại thôi, vì hiển nhiên là nàng biết điều ấy. Khi đó, hắn nghi ngờ là nàng đã làm việc với các họa sĩ.

Em đã bao giờ ngồi mẫu chưa?

Em ấy à? Không. Tại sao?

Em xinh và lại làm việc ở Montparnasse nữa. Tất cả các họa sĩ đều đến quán Rotonde.

Đúng, nhưng từ đó cho đến chỗ họ để ý tới em thì… trước đây anh có bao giờ chú ý đến em không, anh ấy? Anh có hỏi em làm mẫu cho anh vẽ không?

Adolf cúi đầu, hắn giận mình sao không nhìn ra Mười-một-giờ-rưỡi sớm hơn.

Dù gì, nàng vui vẻ thêm vào, em không hề muốn người ta vẽ em tí xíu, em muốn người ta vẽ em cao lớn cơ, như một cô khổng lồ. Như vậy, vì phần lớn các họa sĩ vẽ em như họ nhìn thấy em ngoài đời mà không phải là em như em nghĩ, nên chẳng cần vẽ em làm gì.

Nghe em nói, anh có cảm giác như em biết ít nhiều về giới nghệ thuật đấy nhỉ.

Đương nhiên! Em có học mà. Em vẽ.

Adolf phá lên cười. Người ta không thể tưởng tượng cái mẩu phụ nữ bé tí xíu này đứng bên giá vẽ và đang làm cái thứ nghệ thuật bạc bẽo này.

Mười-một-giờ-rưỡi nhìn hắn kinh khiếp. Ngay khi nhận thấy bộ mặt thiểu não của nàng hắn câm bặt tiếng cười.

Nhợt nhạt, Mười-một-giờ-rưỡi nắm chặt tay lại để ngăn mình không đánh hắn.

Đồ ngốc! Đồ thảm hại kiêu căng! Tôi nói cho anh biết tôi là họa sĩ và điều đó làm anh thấy nực cười. Khi thấy ngón tay anh đầy màu và tóc anh dính dầu tôi có cười nhạo không?

Không, không, em bình tĩnh đi. Anh… anh… ý anh là… anh ngạc nhiên… anh có quen vài nữ họa sĩ nhưng không ai xinh bằng em.

Đúng, đúng. Xinh có nghĩa là ngu. Thông minh có nghĩa là xấu.

Anh xin lỗi. Ý anh không phải vậy. Anh tiếc là đã cười như vậy. Anh thật ngu ngốc khi đã làm thế.

Cái đó, để làm kẻ ngu ngốc thì đúng là ngu ngốc rồi đấy. Dù gì, ai cũng biết tỏng đi là không cần phải rất thông minh mới trở thành họa sĩ.

Adolf cứng lưỡi. Chưa bao giờ một người đàn bà tỏ ra xấc xược với hắn đến thế và thay vì làm hắn bực tức, điều đó kích thích hắn… hắn không thấy buồn chán khi ở bên Mười-một-giờ-rưỡi.

Tại sao em tên là Mười-một-giờ-rưỡi?

Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn! Adolf, anh hạ thấp mình, không ngóc đầu lên được, anh bị thiểu năng trí tuệ rồi! Hít thở đi, lấy lại độ cao đi, anh chàng ơi. Em có

hỏi anh tại sao anh tên là Adolf không? Không.

Anh tên là Adolf vì mẹ anh đặt thế.

Còn em, em tự đặt tên cho mình là Mười-một-giờ-rưỡi. Em là mẹ của tên em.

Thế trước đó?

Tên đầu tiên của em ấy à? Nếu em muốn người ta biết đến cái tên ấy thì em đã giữ nó lại.

Tại sao lại là Mười-một-giờ-rưỡi?

Sau này anh sẽ biết tại sao.

Em xin anh. Chúng ta đã nói là sẽ dành cho nhau một, hai giờ. Hai giờ mà Adolf và Mười-một-giờ-rưỡi yêu nhau nhưng vẫn còn chưa làm tình với nhau.
Đi xem tranh của anh đi.

Hắn cầm tay nàng và kéo về phía xưởng mình. Chợt Adolf dừng lại.

Hay chúng ta đi xem các tác phẩm của em đi.

Các tác phẩm của em hả? Mười-một-giờ-rưỡi ấp úng.

Ừ. Cho anh xem đi.

Quá đáng quá đấy! Cách đây một phút ai đó còn không tin người ta là họa sĩ thế mà bây giờ lại muốn xem tác phẩm của người ta! Anh trở mặt quá nhanh anh chàng ạ, em đâu phải là đứa dễ dãi. Em còn chưa có thời gian để quên sự xúc phạm ban nãy.

Sau đó nàng nói, giọng lí nhí:

Thực ra em mới tập vẽ, em có ý tưởng nhưng hiện em gần như chưa có gì cho anh xem.

Adolf hôn lên hai má nàng. Nàng lẩm bẩm cho chính mình:

Đúng quá rồi còn gì, em mới hai mươi tuổi mà.

À mà anh bao nhiêu tuổi rồi? Đã nhiều tháng nay em tự hỏi mình điều ấy.

Ba mươi mốt tuổi.

Ba mươi mốt tuổi. Thật là tuyệt phải không! Vậy thì nếu em xoay xở tốt thì em còn có anh trong vòng tay em đến khi anh bốn mươi tuổi, phải không?
Hiện tại, anh vẫn chưa ở trong vòng tay em.

Thong thả nào! Vậy là em cũng sẽ có anh đến năm bốn mươi tuổi. Không, điều đó hết sức quan trọng, anh có hiểu không, bởi vì với em bốn mươi tuổi là lúc một người đàn ông đẹp nhất.

Em biết gì về chuyện đó?

Em biết, thế thôi, nàng cắt ngang, giọng khô khốc. Và anh đừng kêu ca vì những

nghĩ ngông nghênh của em vì, anh biết không, em có những cô bạn gái cùng tuổi

thấy anh hơi quá già đối với bọn họ. Già và nẫu rồi.

Nẫu?

Tức là hỏng rồi. Như quả chín quá rơi xuống gốc cây. Thậm chí nhặt về cũng chẳng để làm gì.

Nàng tư lự, thổi lọn tóc tung lên rồi nó lại ngay lập tức rơi xuống che mất mắt.

Tại sao em không cắt lọn tóc đó đi?

Có chuyện gì à? Anh không thích nó sao?

Có chứ, có chứ. Anh… thích em như em hiện nay. Nhưng cái lọn tóc này có vẻ như làm em không nhìn được về bên phải.

Ai bảo anh vậy? Và tại sao anh lại nghĩ là em muốn nhìn về bên phải?

Chẳng có gì cả. Nhưng lúc nào em cũng phải thổi nó đi.

Thế tại sao em không được thích thổi như thế hơn là phải nhìn? Anh thực sự là một tay người Đức kỳ quặc.

Nàng chăm chú nhìn hắn.

Lỗ mũi anh đẹp quá. Mình đi xem tranh của anh bây giờ nhé?

Khi đi lên cầu thang về xưởng, Adolf hy vọng là Neumann biết ý để xưởng lại cho họ để đi ngủ ở chỗ khác.

Quả vậy, dưới đất, trước cửa ra vào, Neumann đã để lại mẩu giấy nhắn tối nay anh sẽ ở lại nhà Brigitte, bồ hiện nay của anh, người cách đây mấy ngày là bồ của Adolf vì, thường xuyên là như vậy, các cuộc chinh phục của Adolf đều kết thúc trong vòng tay của Neumann, người đẹp trai hơn Adolf nhiều nhưng lại không biết tán tỉnh.

Mười-một-giờ-rưỡi nhận ra ngay lập tức giữa đống tranh dựa ngổn ngang vào tường, bức nào là của Adolf. Nàng căng đôi mắt tròn nhỏ, chăm chú nhìn hồi lâu. Hắn thích sự im lặng của nàng. Với hắn, không gì chán bằng những lời khen ngay lập tức. Hắn có niềm tự kiêu là vẽ ra những tác phẩm mà cần phải có thời gian để nó tác động đến tâm lý người xem, hắn không nghĩ mình xứng với những câu đại loại như “Vui mắt quá! Thú vị quá! Đẹp làm sao!” những tính ngữ phiến diện này được những người trong giới thượng lưu ban phát khi bước sầm sập qua hành lang của một cuộc triển lãm chó.

Không những Mười-một-giờ-rưỡi không nói gì mà còn không thỏa mãn một cách nhanh chóng cái thú quan sát kỹ của mình. Sau một tiếng rưỡi ngồi xổm trước những vì sao, không nói năng gì, nàng quay lại phía Adolf và nói mỗi một câu:

– Em rất hạnh phúc vì đã được xem chúng.

Nàng tiến đến gần hắn và nhìn hắn với một sự ngưỡng mộ còn lớn hơn với các tác phẩm.

Nếu bây giờ anh đưa em một cái ghế đẩu, em sẽ bảo mình hôn anh.

Anh cũng có thể ngồi thấp xuống giống em chứ!

Vâng, nếu điều đó không phải là đòi hỏi anh quá nhiều.

Quanh bờ môi nóng bỏng của nàng, hắn có cảm giác đang uống cả một dòng thác.

Hạ ri đô xuống đi anh.

Nhà không có ri đô.

Vậy thì khép cửa chớp lại, Adolf, làm cái gì đó đi. Tối nay bọn mình học điêu khắc. Bọn mình dùng tay, không dùng mắt.

Nhưng anh muốn nhìn thấy em.

Anh thiếu kiên nhẫn quá đấy! Thế còn ngày mai? Ngày kia? Thế nào, điêu khắc

chứ?

Đồng ý. Điêu khắc.

Đêm trôi trong một sự ngây ngất vô tận. Có cái gì đó pha trộn giữa táo bạo và rụt rè ở Mười-một-giờ-rưỡi làm Adolf hết táo bạo lại đến rụt rè. Không giống những người đàn bà khác đã qua đêm trên cái giường này, Mười-một-giờ-rưỡi không rên lên. Khi cởi bỏ quần áo, nàng đã không sắm vai một nhân tình đã sẵn sàng để thỏa mãn. Khi những chuyển động lên xuống của Adolf làm nàng khó chịu hoặc thậm chí làm nàng đau, nàng không ngần ngại nói với Adolf và như thế, hắn, được sự thẳng thắn lạ đời dẫn dắt, biết nhiều lần tìm ra con đường để thỏa mãn cả hai.

Buổi sáng, Adolf nhìn nàng ngủ, co mình áp sát vào hắn, như một đứa trẻ trong bào thai; hắn thấy mềm lòng trước người thiếu nữ tươi trẻ ấy, giấc ngủ đã trả nàng lại về tuổi thơ mà nàng không hay: cặp má tròn, đôi môi hờn dỗi, mi mắt không một nếp nhăn.

Những tia nắng đầu tiên trong ngày đậu lên họ và hắn thấy rõ ràng làn da trắng muốt của nàng, trong cái tranh tối tranh sáng màu xanh như nước biển đêm, hiện lên trong mắt hắn như ngọc như ngà, sống động và ấm nóng.

Hắn không muốn ôm chặt lấy nàng để đánh thức nàng dậy mà lại muốn nhìn trọn vẹn thân hình nàng. Muốn sở hữu nàng bằng cái nhìn mà nàng không hay biết. Một sự cưỡng bức ngọt ngào và thuần khiết bằng thị giác. Sự cưỡng bức của một họa sĩ. Đó sẽ là phần thưởng bình minh dành cho hắn.

Hắn nhấc tấm chăn lên mà nàng không biết vì ngủ say quá. Cái mà hắn phát hiện dưới chăn làm hắn sững người.

Hắn đứng dậy, cảm thấy mình sắp hét lên, mắt nhòe đi.

Hắn chạy vào phòng vệ sinh bé xíu và ngồi xuống, đầu tiên là để kiềm chế cảm xúc sau là để tận hưởng nó.

Hắn chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy.

Trên tấm ga trải giường, máu loang lổ. Mười-một-giờ-rưỡi đã tặng trinh tiết của mình cho hắn.

***

Ngày cuối tuần đến gần và Hitler vẫn giữ nguyên ý kiến của mình từ ban đầu là phải làm đảo chính vào một ngày thứ Bảy, khi tất cả các cơ quan hành chính đóng

cửa. Vài người khác đề nghị tiếp tục đợi. Hitler từ chối. Tiếp tục đợi đồng nghĩa với bỏ cuộc.

Các anh là loại người vặn ngược kim đồng hồ lại mỗi khi đồng hồ chỉ đến mười hai giờ kém năm, thật không thể tha thứ được! Nước Đức không thể chờ đợi được nữa!

Từ vài tuần nay, hắn có thói quen thể hiện tình cảm của mình bằng cách giương cả quốc gia lên: câu “nước Đức đang mệt mỏi” có nghĩa là Hitler muốn đổi chủ đề; “nước Đức đang đói” cho thấy Hitler sắp ăn món tráng miệng. Nếu có người cảm thấy sự hoang tưởng tự đại này nực cười thì họ sẽ phải từ bỏ ý nghĩ ấy vì, từ bây giờ, thái độ sùng bái lãnh tụ vô điều kiện lớn đến mức kẻ báng bổ sẽ ngay lập tức bị đàn áp.

Hitler để mặc cho xu hướng sùng bái cá nhân mình tự do hình thành. Vì vừa chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt chế độ quân chủ, làm quen một cách không hào hứng với chế độ cộng hòa mờ nhạt, thời đại hắn đang sống cần một con người mạnh mẽ, một Cesar đến từ dân chúng. Mussolini, Công tước Ý, từ khi đội quân Sơ mi đen của ông ta diễu hành trên đường phố Roma và cướp lấy chính quyền, đã trở thành hình mẫu không giấu giếm của Hitler. Trong các bài diễn văn của mình, hắn chúc cho một người nhà trời vĩ đại giống như vậy, người sẽ cứu nước Đức xuất hiện. Đám đông tiếp nhận lời chúc ấy say sưa đến mức hắn tin rằng đó là một ý tưởng hay. Thế nào là một ý tưởng hay đối với Hitler? Đó là một ý tưởng gây hiệu ứng. Ý tưởng ấy lần nào cũng phải dấy lên một làn sóng hoan lạc. Thực ra, đó là chuyện bình thường. Đám đông – dù gồm toàn đàn ông – là một người đàn bà; lời hứa gả chồng sẽ có tác dụng làm hưng phấn tột độ. Trong lời khấn của mình, hắn cầu nguyện vĩ nhân mà hắn không nêu tên cụ thể này, hắndường như cũng mơ về người đó, hắn đóng vai người báo tin, nhà tiên tri, thánh Jean Tẩy Giả người đứng trong thung lũng Jourdain loan tin Đấng cứu thế sẽ đến và bền bỉ đợi Người.

Như hắn đã dự tính, một vài đảng viên trẻ đã đến thổ lộ riêng với hắn niềm tin của họ: Hitler chính là Vị cứu tinh mà hắn đã loan tin. Hắn không phải là thánh Jean Tẩy Giả mà chính là Jesus. Hắn đã cố giấu niềm vui của mình để phản bác. Điều đó không vỗ về được những người trẻ đang hưng phấn, những người muốn mình có lý bằng mọi giá. Khi đó, Hitler chọn những người tin mãnh liệt nhất vào điều đó nắm giữ những vị trí chủ chốt trong Đảng. Nhờ cách đó, hắn chọn được Rudolf Hess, một người tư sản, khẳng khiu, râu tóc rậm rạp, xuất thân từ một gia đình vừa phá sản, đang khó nhọc tìm một chỗ đứng trong xã hội sau chiến tranh; là thành viên của giáo phái bí mật Thulé, anh ta đã theo học môn địachính trị ở trường đại học và luôn khẳng định một cách hùng hồn rằng Hitler là nhà độc tài mà thời đại đang chờ đợi và gọi hắn là “Người” hay thậm chí là “Quốc trưởng”. Hitler giao cho Hermann Gôring, tay đại úy phi công điển trai, kiểu cách lịch lãm, với đôi mắt hớp hồn màu xanh lơ nhạt và đi tất lụa màu đỏ, phụ trách Ban đột kích, nhóm thể thao trước đây được chuyển thành

nhóm vũ trang nhỏ, chuyên tấn công nhanh.

Từ nay, hắn tăng cường sử dụng cách nói như một Đấng cứu thế và biết rằng trong đám đông những thanh niên này sẽ lẩm nhẩm tên hắn.

– Mussolini của Đức tên là Adolf Hitler.

Hắn còn giả vờ phẫn nộ khi nhìn thấy những tấm biển mà hắn trông đợi biết bao xuất hiện, chúng khẳng định chiến thuật của hắn đã phát huy tác dụng.

Giờ đây hắn có thể tin tưởng dựa vào sự trung thành vô điều kiện của những người rất khác nhau mà hắn giao du một cách riêng biệt, cho phép hắn dùng người này để chống lại người kia trong những trường hợp cần thiết nhờ vào những mối liên hệ duy nhất với mỗi cá nhân ấy.

Đừng đợi thêm nữa! Hành động! Nước Đức không thể nhuộm màu đỏ được. Sáng hôm ấy Hitler run lên vì sung sướng. Cuộc đời hắn đã trở thành một vở

opera, hắn bước đến ngày đăng quang của mình, hắn sẽ là một Siegfried(20) của thời hiện đại, cuộc đảo chính sẽ mang lại quyền lực cho hắn.

Ngày 8 tháng Mười một năm 1923 khoảng mười tám giờ, Hitler, Gôring và một nhúm người có vũ trang đột nhập vào quán bia Bürgerbru nơi chính quyền xứ Bavaria đang tổ chức một cuộc mít tinh.

Hitler trèo lên một chiếc ghế. Cử tọa gồm những người tư sản xì xào bực tức khi thấy một kẻ quấy rối dám ngắt lời Kahr(21).

Hitler rút súng và bắn một phát lên trần nhà.

Cử tọa im phăng phắc.

Hắn bước sang một chiếc bàn. Rồi từ bàn bước lên bục phát biểu. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một vài người tưởng hắn là một tay bồi bàn kỳ quặc; một vài người khác, khi nhìn thấy huân chương Thập tự sắt trên chiếc áo vest đen của hắn, lại ngỡ đó là một cựu chiến binh đang sắp buộc họ phải chịu trận ngồi nghe câu chuyện của anh ta trong chiến tranh; vài người khác đã nhận ra tay quấy rối thuộc phe cực hữu.

Hitler đứng thẳng trước đám đông, kiêu hãnh nhìn họ, cố gắng giảm bớt nhịp đập loạn xạ của tim mình rồi nói như hét bằng cái giọng khàn khàn của mình, xúc động đến nỗi suýt bị hụt hơi:

– Cách mạng quốc gia đã bùng nổ.

Hắn đợi một phản ứng. Hắn nhận ra rằng cử tọa, đang sững sờ, không hiểu hắn đang nói đến cái gì. Điều đó làm hắn nổi đóa.

Hiện nay, có sáu trăm tay súng đang phong tỏa chỗ này, không ai được phép ra ngoài.

Hắn nhìn thấy vẻ sợ hãi trên khuôn mặt một số người. Điều đó làm hắn vững tâm.

Hãy nhìn xem! Khẩu liên thanh ở hành lang lầu một sẽ làm quý vị từ bỏ mọi hành động chống cự vô ích.

Hắn mỉm cười với Gôring, đứng giữa một toán SA, đang chĩa súng vào cử tọa. Một người đàn bà lăn rangất. Người ta bắt đầu xem những cái hắn nói là nghiêm túc.

Tôi tuyên bố giải tán chính phủ xứ Bavaria. Và tôi tuyên bố giải tán Đế chế. Kể từ giờ phút này chúng tôi sẽ thành lập một chính phủ lâm thời. Tôi thông báo với các vị là hiện nay chúng tôi đã kiểm soát các đơn vị quân đội và cảnh sát, thành viên các đơn vị này đã tự phát đi theo lá cờ chữ thập ngoặc.

Hắn quay về phía các thành viên chính phủ.

Bây giờ, xin mời các vị sang phòng bên để phân công nhiệm vụ. Cảm ơn.

Hắn để gã điển trai Gôring diễn thuyết với đám đông đang hoang mang.

Nhốt mình trong phòng với bộ ba lãnh đạo chính phủ, Hitler đề nghị họ chấp thuận những điểm sau: Kahr, người mà hắn đã cắt lời, được bổ nhiệm làm Nhiếp chính xứ Bavaria, hai người kia, Lossow và Seisser, sẽ có quyền lực ở cấp quốc gia, Lossow sẽ là bộ trưởng Quốc phòng và người kia, Seisser, sẽ là bộ trưởng Công an; điều kiện cho tất cả những cái đó là họ đề cử Hitler làm ứng cử viên chức Thủ tướng Đức.

Cần phải vượt sông Rubicon(22),_ thưa các ngài. Tôi biết bước đi này không dễ với những người làm chính trị hơi quá tính toán và không đủ quyết tâm hành động như các ngài. Nhưng chúng tôi sẽ giúp các ngài vượt sông. Chúng tôi thậm chí có thể đẩy các ngài nếu các ngài dùng dằng không nhảy xuống.

Nếu tôi hiểu đúng, ông yêu cầu chúng tôi đồng lõa với cuộc đảo chính của ông? Kahr nói.

Chính xác. Hoặc là đồng lõa hoặc là nạn nhân của tôi. Các ngài không thấy đó là một sự chọn lựa thực sự hay sao?

Thế ai sẽ lãnh đạo quân đội Bavaria?

Ludendorff(23).

Ông ấy… đứng về phía ông sao?

Ông ấy sẽ làm thế. Chúng tôi đã đi tìm ông ấy.

Nếu Ludendorff đồng ý, chúng tôi sẽ đồng ý.

Khi đó, người ta dẫn vị tướng già đến, anh hùng trong chiến tranh, được dân chúng yêu quý, người cánh hữu, ông cũng ngạc nhiên không kém ba vị lãnh đạo chính phủ bang. Cuối cùng ông cũng chấp nhận, kéo theo sự đồng thuận của ba người kia. Hitler nói rõ:

Tôi cảnh báo các ngài phải trung thành với tôi. Tôi có bốn viên đạn trong súng, mỗi người một viên nếu các ngài phản tôi, và viên cuối cùng dành cho tôi. Các ngài cần phải đấu tranh cùng tôi, chiến thắng cùng tôi. Nếu không thì chết cùng tôi.

Hắn đi vào phòng lớn để giải thích cho công chúng việc gì sẽ đến, cái mà nước Đức sẽ có được trong cuộc cách mạng quốc gia này. Không rõ là nhờ sự đe dọa từ những khẩu súng liên thanh, sự có mặt đông đảo của đám SA hay nhờ vào tài hùng

biện của Hitler mà cử tọa trở mặt như chong chóng và quay sang hò hét hào hứng, tung khăn mùi soa và mũ lên trời chúc mừng thủ tướng tương lai.

Rõ ràng, cuộc cách mạng đã khởi đầu thuận lợi.

Trong lúc ấy, Rudolf Hess, với sự trợ giúp của vài thành viên SA đã bắt giữ những thành viên khác của chính phủ mà Hitler không hoan nghênh. Rôhm khẳng định với hắn rằng nhìn chung lực lượng cảnh sát ủng hộ quân đảo chính.

Hitler vui sướng cực điểm. Hắn tưới đẫm đoạn kết bài diễn văn của mình với những giọt nước mắt thực sự.

Giờ đây, tôi sẽ hoàn thành điều mà tôi đã thề với chính mình cách đây năm năm, năm 1918, khi tôi đang mù lòa tàn tật trong quân y viện: hạ gục những tên tội phạm làm ra cuộc đình chiến và bằng cách nào đó, từ đống đổ nát thương tâm của Tổ quốc chúng ta, nước Đức hùng mạnh, tự do và rạng rỡ sẽ đứng dậy. Amen.

Amen, cử tọa đáp lại.

Sau đó, Hitler đi đến Munich để thị sát tình hình đảo chính trong các doanh trại. Quá nửa đêm, Hitler quay về căn phòng nhỏ và xúc động về chính mình. Hắn đưa

mắt nhìn quanh. Khungcảnh đạm bạc, một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, năm mười quyển vở và hắn lấy làm mừng vì đãthanh bạch như thế. Đó chắc chắn là cái đã giúp hắn thành công.

Năm giờ sáng, người ta đánh thức Hitler dậy để thông báo tin bộ ba lãnh đạo Kahr, Lossow, Seisser đã phản bội hắn. Chính ba người này đã cử đại tá Leupold đến thông báo với Hitler.

Tướng von Kahr, tướng von Lossow, đại tá von Seisser lên án vụ đảo chính của Hitler. Những cam kết có được bằng sức ép vũ lực tại nhà hàng Bürgerbru không có giá trị.

Hắn phải mất hơn mười phút mới tin nổi thông báo ấy: hắn đã tính đến tất cả các phương án, trừ việc người ta phản bội hắn.

Hitler đến gặp ông già Ludendorff và những người mưu phản thuộc đảng Quốc xã. Họ phẫn nộ. Họ quyết định giữ nguyên cuộc diễu hành như dự kiến. Như thế họ sẽ có được sự ủng hộ của dân chúng. Họ sẽ làm các đối thủ phải kinh sợ.

Hãy tuần hành! Ludendorff hét lên. Chưa biết ai được ai thua đâu.

Hitler chấp nhận vì nghĩ rằng cả quân đội và cảnh sát đều sẽ không dám bắn vào ông già Ludendorff. Hắn hứa sẽ bước cạnh ông ta và yêu cầu tất cả những người diễu hành bước đi, tay khoác vào nhau.

Đi sau hai người cầm cờ là Hitler, Ludendorff, Scheubner-Richter, Gôring, tiếp đến là các thành viên SA xếp hàng dọc. Đến quảng trường Marie, họ đượcđám đông tán thưởng nhiệt liệt. Hitler lấy lại hy vọng. Việc tiếp tục tiến bước gặp nhiều khó khăn hơn. Hàng rào cảnh sát đã ngăn cản họ vào trung tâm thành phố.

Một tiếng súng vang lên.

Từ đâu? Từ phía họ? Từ phía cảnh sát?

Súng nổ liên hồi. Cuộc chiến bắt đầu.

Scheubner-Richter bị tử thương ngã xuống. Ông ta kéo Hitler ngã theo.

Viên vệ sĩ nằm đè lên Hitler để bảo vệ hắn khỏi những viên đạn sắp găm vào đùi Gôring. Tiếng rú. CảLudendorff cũng nằm bẹp xuống đất. Tiếng kêu. Hỗn loạn. Đạn bắn. Những cú đánh. Bỏ chạy.

Hitler lê được đến tận ô tô nơi bác sĩ Schultz chăm sóc cho hắn.

– Ngài chỉ bị sai khớp vai và đầu gối thôi.

Hắn cho xe nổ máy. Chạy trốn. Để cuộc chiến lại sau lưng. Đến trú ẩn tại một biệt thự rộng lớn ở Uffing. Giam mình trong một căn phòng.

Không, hắn không phải là kẻ hèn nhát. Không, hắn đã không bỏ chạy. Hắn đến để tự tử đấy chứ. Bằng chứng ư? Hắn đang cầm trong tay một khẩu súng lục.

Hắn tiến đến gần một cái gương lớn hoen lỗ chỗ và nhìn mình, người bó trong một chiếc áo măng tô, chiếc mũ nhung ụp trên đầu, trông kỳ quặc với bộ ria mà hắn không bao giờ biết phải tỉa như thế nào. Lịch sử sẽ kết thúc ở đây.

Rienzi… Hắn nghĩ đến vở opera đã nâng hắn lên ở Viên, tới cảnh tự tử của Rienzi trên quảng trường Capitole rực lửa. Cuộc đời dữ dội và đúng đắn của hắn kết thúc như số phận của người anh hùng ấy. Hắn sẽ đứng thẳng mà chết. Hắn sẽ tự giết mình.

Hắn nhìn mình từ dưới lên trên. Cảnh tượng chẳng hề giống với cái hắn hình dung. Hắn hầu như không nghe thấy tiếng vĩ cầm. Hắn không chắc là tiếng vỗ tay sẽ òa ra từ công chúng. Thực chất, hắn nhớ Wagner và không chắc mình đang ở vị trí của ông ấy.

Chợt một tia tỉnh táo lóe lên trong đầu hắn: hắn không chết vì chủ nghĩa anh hùng mà chết để thoát khỏi lời đàm tiếu; hắn chỉ là một thằng hề thảm hại, kẻ đã cướp chính quyền khi chưa chuẩn bị kỹ kế hoạch của mình. Người ta sẽ cười vào mặt hắn và người ta có lý để làm như thế.

Mắt hắn nhòe đi.

Khẩu súng tuột khỏi tay. Theo phản xạ, hắn nhảy sang một bên; nhưng không có tiếng súng nào vang lên, khẩu súng rơi êm xuống tấm thảm có diềm. Hitler kịp nhìn thấy bóng mình nhảy lên sợ hãi trong gương và điều đó chấm dứt việc hắn tự đánh giá thấp mình. Hắn ngỡ mình đang ở trong một vở opera của Wagner, hắn đang nhại lại Offenbach.

Hắn nhặt súng lên và kề vào thái dương. Hắn phải chấm dứt nỗi đau không thể chịu đựng được này: hắn không yêu mình nữa. Ngón trỏ của hắn vuốt ve cò súng bằng thép với một cảm giác được giải thoát. Hắn bóp cò trong trí tưởng tượng của mình, chưa gì đã khoan khoái vì được hưởng sự an nghỉ thiên thu. Mọi thứ trở nên dễ dàng làm sao…

Nhưng một ý nghĩ đã ngăn hắn lại và đẩy lui khẩu súng: hắn tự tử để thoát khỏi nỗi ô nhục. Hắn thiếu dũng cảm. Hắn sẽ rời bỏ thế giới này mà chưa cứu được nước

Đức vì đã thối chí sau thất bại đầu tiên. Hắn chỉ là một Đấng cứu thế tập sự.

Hắn đặt khẩu súng lên bàn ngủ và quyết định đợi cảnh sát đến: hắn sẽ chỉ tự tử mãi sau này khi cuộc đời đã đạt tới tột đỉnh vinh quang.

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.