Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 6



“Cậu cảm thấy thế nào? Khá hơn chưa?” Jeannette hỏi tôi. Khuôn mặt cô đã ở gần mặt tôi hơn cả lúc trước.

“Cậu có muốn ta ra ngoài đi dạo cho thoáng khí không?”

Chưa từng bao giờ với tôi phố lại hoang vắng và im lìm đến như vậy. Nó được chiếu sáng bởi những ngọn đèn của một thời nào khác. Thế nhưng cũng chỉ cần leo hết dốc là thấy lại được ở cách đó vài trăm mét đám đông các buổi tối thứ Bảy, những biển hiệu sáng đèn thông báo “Những bức tranh khỏa thân đẹp nhất thế giới” và những xe chở khách du lịch đỗ trước Moulin-Rouge… Tôi sợ toàn bộ sự náo nhiệt ấy. Tôi nói với Jeannette:

“Ta có thể dừng lại ở lưng dốc…”

Chúng tôi bước đi đến nơi bắt đầu các quầng sáng, giao lộ đầu phố Notre-Dame-de-Lorette. Nhưng chúng tôi quay trở ngược con dốc. Tôi cảm thấy dần dà nhẹ nhõm hơn khi đi xuôi xuống cái dốc ấy, ở bên phía bóng tối. Chỉ cần cứ thế mà đi thôi. Jeannette siết chặt lấy cánh tay tôi. Chúng tôi xuống gần hết dốc, điểm giao Tour-des-Dames. Cô bảo tôi:

“Cậu có muốn ta dùng ít tuyết không?”

Tôi không hiểu được nghĩa chính xác của câu nói này, nhưng từ “tuyết” đã làm tôi choáng váng. Tôi có cảm giác bất cứ lúc nào cô cũng chực ngã xuống và làm cho sự im lặng quanh chúng tôi còn trở nên sâu thẳm hơn. Sẽ chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân chúng tôi nghiến trên tuyết. Một cái đồng hồ đổ chuông đâu đó và, cũng chẳng biết tại sao nữa, tôi nghĩ nó báo lễ mixa nửa đêm. Jeannette dẫn đường cho tôi. Tôi để mặc cô dẫn dắt. Chúng tôi theo phố Aumale, ở đó mọi tòa nhà đều u tối. Cứ như thể chúng cùng nhau tạo thành một mặt tiền tối đen duy nhất ở mỗi bên và từ đầu phố kéo đến tận cuối phố.

“Về phòng tớ đi… ta sẽ dùng ít tuyết…”

Ngay khi tới nơi, tôi sẽ hỏi cô: dùng một ít tuyết nghĩa là sao. Trời lạnh thêm bởi những mặt tiền màu đen ấy. Liệu có phải là tôi đang ở trong một giấc mơ vì tôi nghe rõ đến vậy tiếng vọng những bước chân của chúng tôi?

Sau này, tôi thường xuyên đi theo cùng con đường đó, một mình hoặc với cô. Tôi đến tìm cô trong phòng vào ban ngày hoặc qua đêm ở đó những hôm chúng tôi nán lại quán Le Canter quá muộn. Đó là một khách sạn nằm trên phố La Ferrière, con phố có một khúc ngoặt và là nơi ta cảm thấy mình tách biệt với mọi thứ, trong địa phận những đoạn dốc đầu tiên. Một thang máy với cánh cửa lưới sắt. Nó leo lên chậm chạp. Cô sống ở tầng trên cùng, hoặc còn cao hơn thế. Như thể thang máy sẽ không dừng lại. Cô thì thầm vào tai tôi:

“Cậu sẽ thấy… sẽ rất tuyệt… ta sẽ dùng ít tuyết…”

Hai bàn tay cô run rẩy. Trong nhập nhoạng hành lang, cô bồn chồn đến mức không sao nhét được chìa khóa vào ổ.

“Nào… thử đi… Tớ không làm nổi…”

Giọng cô mỗi lúc một hào hển hơn. Cô để rơi chìa khóa. Tôi cúi xuống mò mẫm nhặt. Tôi nhét được nó vào trong ổ. Đèn bật, một thứ ánh sáng màu vàng tỏa xuống từ cái bóng đèn gắn trên trần nhà. Giường chưa dọn, các ri đô đều buông. Cô ngồi ở thành giường lục tìm trong ngăn kéo bàn ngủ. Cô rút từ đó ra một cái hộp kim loại nhỏ. Cô bảo tôi ngửi thứ bột màu trắng mà cô gọi là “tuyết” ấy. Sau một lúc, cái đó khiến tôi có cảm giác thật tươi trẻ và nhẹ nhõm. Tôi chắc chắn rằng nỗi hoang mang và cảm giác trống rỗng ụp xuống tôi ở trên phố sẽ không bao giờ còn quay trở lại. Kể từ khi người chủ hiệu thuốc ở quảng trường Blanche nói với tôi về chuyện tụt huyết áp, tôi cứ nghĩ mình sẽ phải cứng rắn lên, phải chiến đấu chống lại chính mình, cố sức tự kiểm soát. Ta không thể làm được gì trong chuyện này, ta được nuôi dạy thật khắc nghiệt. Bước đi hoặc chết. Nếu tôi ngã, những người khác sẽ vẫn tiếp tục bước đi trên đại lộ Clichy. Tôi không được phép tự gây ảo tưởng. Nhưng, kể từ nay, chuyện ấy sẽ thay đổi. Vả lại, các phố và những ranh giới của khu với tôi đột nhiên có vẻ quá sức chật chội.

Một cửa hàng bán sách và các loại giấy vở trên đại lộ Clichy vẫn còn mở cửa cho tới một giờ sáng. Mattei. Mộc cái tên đơn giản ghi phía trước. Có phải tên của người chủ? Tôi chưa bao giờ dám đem điều đó hỏi người đàn ông tóc nâu có ria mép và mặc áo vest vải ca rô, lúc nào cũng ngồi đằng sau bàn của mình đọc sách. Lần nào khách vào mua bưu thiếp hay một xấp giấy viết thư họ cũng cắt ngang mạch đọc của ông ta. Vào cái giờ tôi đến, gần như không có người khách nào, trừ thảng hoặc vài người đi ra từ quán Le Minuit Chansons ở bên cạnh. Thường thường, chỉ có chúng tôi trong hiệu sách, ông ta và tôi. Ở mặt tiền vẫn luôn bày cùng những quyển sách mà tôi rất nhanh chóng biết là tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Ông ta khuyên tôi đọc chúng. Tôi còn nhớ nhan đề vài cuốn trong số đó: Một viên sỏi trên bầu trời. Nữ hành khách bí mật. Những con tàu của hư vô. Tôi chỉ còn giữ lại một quyển duy nhất: Pha lê mơ mộng.

Bên tay phải, trên các ngăn gần cửa kính, là những quyển sách cũ về chủ đề thiên văn học. Tôi từng để ý tới một quyển có bìa màu cam rách mất một nửa: Du hành vào chốn vô định. Cả quyển này tôi vẫn còn giữ. Vào buổi tối thứ Bảy tôi muốn mua nó, tôi là người khách duy nhất trong hiệu sách và chỉ còn mơ hồ nghe thấy tiếng ồn ngoài đại lộ. Đằng sau cửa kính, có thể nhìn rõ vài biển hiệu sáng đèn và thậm chí cái biển hiệu hai màu trắng xanh ghi “Những bức tranh khỏa thân đẹp nhất thế giới”, nhưng chúng có vẻ thật xa xôi… Tôi không dám làm phiền người đàn ông đang đọc sách kia, ngồi đó, đầu cúi xuống. Qua chừng chục phút tôi im lặng đứng đó ông ta mới quay đầu về phía tôi. Tôi chìa quyển sách cho ông. Ông mỉm cười: “Hay lắm đấy, quyển này. Hay lắm đấy… Du hành vào chốn vô định…” Tôi chực lấy tiền trả cho ông thì ông giơ tay lên: “Không… không… Tôi tặng cô đấy… Và tôi chúc cô lên đường may mắn…”

Phải, cái hiệu sách ấy không chỉ đơn thuần là một nơi trú ẩn mà còn là một quãng đời tôi. Tôi thường ở đó cho đến tận giờ đóng cửa. Một cái ghế được đặt gần các ngăn giá hay đúng hơn là một cái thang rộng bản. Tôi ngồi đó lật giở các cuốn sách và những tập tranh. Tôi tự hỏi liệu ông ta có để ý thấy sự hiện diện của tôi hay không. Sau vài ngày, vẫn không ngừng đọc, ông ta nói với tôi một câu, luôn luôn vẫn là câu ấy: “Sao, cô đã tìm được hạnh phúc cho mình chưa?” Sau này, ai đó từng tuyên bố với tôi với vẻ hết sức tự tin rằng điều duy nhất mà người ta không thể nhớ nổi là âm sắc các giọng nói. Thế nhưng, đến tận bây giờ, trong những đêm trằn trọc, tôi vẫn thường xuyên nghe thấy giọng nói kiểu Paris – giọng của những phố dốc – bảo tôi: “Sao, cô đã tìm được hạnh phúc cho mình chưa?” Và câu nói ấy chưa hề mất đi chút gì từ sự dịu êm và vẻ bí ẩn của nó.

Tối đến, lúc ra khỏi hiệu sách, tôi ngạc nhiên thấy mình lại ở trên đại lộ Clichy. Tôi không muốn đi xuôi xuống đến quán Le Canter cho lắm. Những bước chân tôi lôi kéo tôi về phía trên cao. Giờ đây tôi thấy khoái cảm vì được trèo lên những dốc hoặc những cầu thang. Tôi đếm từng bước chân. Đến con số 30, tôi biết rằng mình đã thoát. Rất lâu sau này, Guy de Vere bảo tôi đọc Những chân trời đã mất, câu chuyện kể về những người leo lên các ngọn núi Tây Tạng hướng đến thiền viện Shangri-La để học những bí mật của cuộc sống và sự minh triết. Nhưng chẳng việc gì phải đi xa đến thế. Tôi nhớ lại những cuộc dạo chơi ban đêm của mình. Với tôi, Montmartre chính là Tây Tạng. Tôi chỉ cần con dốc phố Caulaincourt là đủ. Trên đó, trước lâu đài Sương Mù, lần đầu tiên trong đời tôi được hít thở. Một hôm, lúc rạng sáng, tôi thoát ra khỏi Le Canter nơi tôi đã ở cùng Jeannette hồi trước. Chúng tôi đợi Accad và Mario Bay, họ muốn dẫn chúng tôi tới Cabassud, cùng đi có cả Godinger và một cô gái khác. Tôi ngộp thở. Tôi bịa ra một cái cớ để đi ra ngoài hít thở không khí. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy. Trên quảng trường, mọi biển hiệu nhấp nháy đều đã tắt, ngay cả biển hiệu của Moulin-Rouge. Tôi để mặc cho mình bị xâm chiếm bởi một cơn say mà rượu hay tuyết hẳn sẽ không bao giờ tạo ra được cho tôi. Tôi trèo dốc lên tới lâu đài Sương Mù. Tôi đã rất cả quyết mình sẽ không bao giờ gặp lại cái băng ở quán Le Canter nữa. Sau này, tôi cảm thấy cùng cơn say ấy mỗi lần cắt cầu với ai đó. Tôi chỉ thực sự là mình kể từ lúc khởi sự trốn chạy. Tôi chỉ có những kỷ niệm tốt đẹp là những kỷ niệm về trốn chạy hoặc bỏ nhà ra đi. Nhưng cuộc sống vẫn luôn luôn giành phần thắng. Khi đến được lối đi của Sương Mù, tôi chắc chắn có ai đó đã hẹn gặp tôi tại nơi đây và với tôi đó sẽ là một khởi hành mới. Có một phố, cao hơn một chút nữa, nơi tôi rất muốn quay trở lại một ngày nào đó. Tôi đi theo nó vào buổi sáng hôm ấy. Chính tại đó lẽ ra đã phải có cuộc hẹn. Nhưng tôi không biết số nhà. Mà quan trọng gì đâu. Tôi đợi một dấu hiệu sẽ chỉ lối cho tôi. Nơi ấy, phố dẫn thẳng tới bầu trời, như thể dẫn tới rìa một vách đá. Tôi đi tiếp với cảm giác nhẹ bỗng ấy, thứ đôi khi vẫn chiếm lấy bạn trong các giấc mơ. Bạn không e ngại gì nữa, mọi mối nguy đều thật nực cười. Nếu chuyện thực sự xoay sang chiều hướng xấu, thì chỉ cần bạn thức dậy là xong. Bạn bất khả chiến bại. Tôi bước đi, sốt ruột đến được đích, nơi sẽ chỉ còn lại bầu trời xanh và khoảng không. Từ nào có thể diễn đạt nổi trạng thái tinh thần của tôi đây? Tôi chỉ có được trong tay một vốn từ vựng rất nghèo nàn. Cơn say? Xuất thần? Rạng rỡ? Dù có là thế nào, phố này thật thân thuộc với tôi. Tôi thấy như thể mình đã đi trên nó trước đây. Rồi tôi sẽ sớm tới được rìa vách đá và tôi sẽ gieo mình vào khoảng không. Hạnh phúc sao khi được bồng bềnh trong không trung và rốt cuộc cũng biết được cảm giác phi trọng lực mà tôi vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. Tôi còn nhớ vô cùng rõ cái buổi sáng hôm ấy, con phố ấy và bầu trời ngay ở cuối đường kia…

Và rồi cuộc sống đã tiếp diễn, với đủ thăng rồi trầm. Một ngày buồn nản, trên bìa quyển sách mà Guy de Vere cho tôi mượn ghi dòng nhan đề: Louise của Hư Vô, tôi đã dùng bút bi sửa tên thành tên tôi. Jacqueline của Hư Vô.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.