Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 7



Tối hôm ấy, cứ như thể chúng tôi xoay tròn những cái bàn. Chúng tôi tụ tập trong phòng làm việc của Guy de Vere và ông đã tắt đèn đi. Hoặc giả, chỉ đơn giản là bị mất điện. Chúng tôi nghe giọng ông nói trong bóng tối. Ông đọc thuộc lòng cho chúng tôi nghe một văn bản mà lẽ ra ông sẽ cầm sách đọc nếu có ánh sáng. Nhưng không, tôi thật bất công, Guy de Vere hẳn sẽ rất choáng nếu nghe tôi nói về “những cái bàn xoay” khi nhắc đến ông. Ông đáng giá hơn thế. Hẳn ông sẽ nhẹ nhàng trách cứ tôi: “Xem nào, Roland…”

Ông thắp các ngọn nến cắm vào một cái giá nằm trên lò sưởi, rồi ông lại ngồi xuống đằng sau bàn làm việc của mình. Chúng tôi ngồi ở những cái ghế đặt đối diện với ông, cô gái ấy, tôi và một cặp trạc tứ tuần, cả hai đều ăn vận rất chỉn chu và có dáng vẻ tư sản, mà tôi gặp ở đây lần đầu tiên.

Tôi ngoái đầu về phía cô và cái nhìn của chúng tôi giao nhau. Guy de Vere vẫn đang nói, nửa thân người trên hơi nghiêng xuống nhưng vẻ thật tự nhiên, gần như là với giọng trò chuyện thông thường. Ở mỗi cuộc họp, ông lại đọc một văn bản mà sau này ông sẽ phát cho chúng tôi bản sao. Tôi có giữ lại bản sao văn bản của tối hôm đó. Tôi có một điểm mốc. Cô cho tôi số điện thoại và tôi đã viết nó ở phía dưới tờ giấy, bằng bút bi màu đỏ.

“Sự tập trung cao độ nhất đạt được trong khi nằm, hai mắt nhắm. Lãng trí và lơ đãng sẽ xuất hiện khi có bất kỳ biểu hiện nào ở bên ngoài. Lúc đứng, hai chân phải chịu lực. Hai mắt mở làm giảm mức độ tập trung…”

Phải gắng lắm tôi mới kìm được một trận cười điên đảo và tôi nhớ rất rõ chuyện đó bởi cho tới khi ấy chưa bao giờ tôi cảm thấy như vậy. Nhưng ánh sáng những ngọn nến khiến cho buổi đọc này trở nên quá sức trang trọng. Tôi liên tục bắt gặp ánh mắt của cô. Cơ hồ cô không muốn cười. Ngược lại, cô có vẻ hết sức thành kính, thậm chí lo lắng vì không hiểu được nghĩa các từ. Sự nghiêm túc này, rốt cuộc cô cũng truyền được sang cho tôi. Tôi gần như thấy xấu hổ vì phản ứng ban đầu của mình. Tôi còn chẳng dám nghĩ đến sự náo loạn hẳn mình sẽ gây ra nếu phá lên cười. Và trong ánh mắt cô, tôi tin mình thấy được một dạng lời kêu cứu, một tra vấn. Tôi có xứng đáng ở đây với các anh không? Guy de Vere đã đan những ngón tay lại. Giọng ông trầm xuống hơn và ông nhìn chăm chăm vào cô như thể chỉ đang nói với một mình cô. Cô cứng đờ người vì thế. Có lẽ cô sợ bị ông đặt một câu hỏi ngẫu hứng, kiểu như: “Thế còn cô thì sao, tôi rất muốn biết ý kiến của cô về vấn đề này.”

Có điện trở lại. Chúng tôi còn ngồi thêm một lúc trong phòng làm việc, một điều không thường thấy. Các cuộc họp vẫn luôn luôn diễn ra trong phòng khách và tập hợp chừng chục người. Tối hôm ấy, chúng tôi chỉ có bốn người và hẳn de Vere thích tiếp đón chúng tôi trong phòng làm việc chính bởi số lượng nhỏ bé đó. Và lần này chỉ với một lời hẹn đơn giản, chứ không phải qua tờ giấy mời quen thuộc mà bạn nhận được ở nhà mình hoặc được người ta đưa cho ở hiệu sách Véga, nếu như bạn là khách quen ở đó. Cùng một số văn bản sao chụp, tôi còn giữ được vài tờ giấy mời ấy, và hôm qua chợt tìm lại được một trong số chúng:

Roland thân mến của tôi,

Guy de Vere rất lấy làm hân hạnh được đón tiếp bạn vào thứ Năm 16 tháng Giêng, lúc 20 giờ 5, quảng trường Lowendal (quận XV) tòa nhà thứ 2 bên trái tầng 4 bên trái

Giấy briscol màu trắng, lúc nào cũng cùng kích cỡ, và những ký tự in chìm cũng có thể dùng để thông báo về một cuộc họp xã giao, tiệc cocktail hoặc sinh nhật.

Tối hôm ấy ông tiễn chúng tôi ra tận cửa căn hộ. Guy de Vere và cặp lần đầu tiên tới đây hơn chúng tôi chừng hai mươi tuổi. Vì thang máy quá nhỏ cho cả bốn người, cô và tôi đi xuống bằng đường cầu thang.

Có một lối đi riêng men theo các tòa nhà giống hệt nhau với mặt tiền màu be và phớt đỏ. Những cánh cửa sắt rèn y đúc bên dưới một ngọn đèn. Những hàng cửa sổ y đúc. Đi qua cửa sắt, chúng tôi đứng trước quảng trường nhỏ trên phố Alexandre-Cabanel. Tôi muốn nhất thiết viết cái tên này ra, bởi chính tại đó con đường của chúng tôi đã giao nhau. Chúng tôi đứng im một lúc ngay giữa quảng trường ấy, tìm lời để nói. Tôi là người phá vỡ sự im lặng.

“Cô sống ở khu phố này à?”

“Không, bên Étoile cơ.”

Tôi tìm một cái cớ để không phải rời khỏi cô ngay lập tức. “Ta có thể đi cùng nhau một đoạn.”

Chúng tôi bước đi dưới cây cầu cạn chạy suốt đại lộ Grenelle. Cô đề nghị tôi đi bộ theo đường tàu điện ngầm trên không dẫn tới Étoile này. Nếu thấy mệt, lúc nào cô cũng có thể dùng tàu điện ngầm đi nốt chặng đường còn lại. Đó hẳn phải là một tối Chủ nhật hoặc một ngày lễ. Không có người đi lại, mọi quán cà phê đều đóng cửa. Dẫu có thế nào, trong trí nhớ tôi, đêm hôm ấy chúng tôi đã ở trong một thành phố hoang vắng. Cuộc gặp của chúng tôi, giờ đây khi tôi nghĩ lại, như thể là cuộc gặp của hai con người không có nổi một chỗ neo đậu trong đời. Tôi tin cả hai chúng tôi đều cô độc trong thế giới.

“Cô quen Guy de Vere từ lâu chưa?” tôi hỏi cô.

“Chưa, tôi quen ông ấy hồi đầu năm qua một người bạn. Còn anh?”

“Tôi thì biết qua hiệu sách Véga.”

Cô không hề biết gì về hiệu sách trên đại lộ Saint-Germain này, nơi ấy có cửa kính bên trên ghi dòng chữ màu xanh: Đông phương học và các tôn giáo đối chiếu. Chính tại đó tôi đã lần đầu nghe nói tới Guy de Vere. Một tối, người chủ hiệu sách đưa cho tôi một tờ giấy mời bằng giấy bristol và bảo rằng tôi có thể dự cuộc họp. “Hoàn toàn là để cho những người như anh đấy.” Tôi những muốn hỏi ý ông là gì khi nói “những người như anh”. Ông nhìn tôi thoáng chút thân tình và hẳn không có ý xấu. Thậm chí ông còn tự đề nghị “tiến cử” tôi cho cái người mang tên Guy de Vere đó.

“Nó có ra gì không, hiệu sách Véga ấy?”

Cô hỏi tôi bằng giọng châm chọc. Nhưng cũng có thể âm sắc Paris của cô khiến tôi có cảm giác đó.

“Ở đó có hàng đống sách thú vị. Tôi sẽ dẫn cô tới đó.”

Tôi muốn biết cô đọc gì và điều gì đã lôi cuốn cô đến các cuộc họp của Guy de Vere. Cuốn sách đầu tiên mà de Vere khuyên cô đọc là Những chân trời đã mất. Cô đã đọc nó hết sức chăm chú. Ở cuộc họp lần trước, cô đến sớm hơn những người khác, và de Vere đã mời cô vào phòng làm việc. Ông tìm kiếm trên các giá cái tủ sách chiếm toàn bộ hai bức tường một quyển sách khác cho cô mượn. Sau một lúc, như thể có một ý nghĩ đột nhiên hiện ra trong óc, ông tiến về phía bàn làm việc và cầm lên một quyển sách nằm đó giữa hàng chồng tài liệu và thư từ lộn xộn. Ông bảo cô: “Cô có thể đọc quyển này. Tôi rất tò mò biết xem cô sẽ nghĩ gì về nó.” Cô đã rất hoảng hốt. De Vere luôn luôn nói với những người khác như thể họ cũng thông minh và giàu hiểu biết như ông vậy. Cho tới chừng nào? Hẳn rốt cuộc rồi ông cũng sẽ nhận ra người ta không ngang tầm với mình. Quyển sách mà ông cho cô mượn tối hôm ấy có nhan đề: Louise của Hư Vô. Không, tôi không biết nó. Đó là câu chuyện đời Louise của Hư Vô, một nữ tu, với tất cả những bức thư mà bà đã viết. Cô không đọc nó theo đúng trình tự, mà mở ngẫu nhiên các trang. Một số trang đã gây ấn tượng rất mạnh lên cô. Còn hơn cả Những chân trời đã mất. Trước khi quen de Vere, cô đã đọc những cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng như Pha lê mơ mộng. Và những tác phẩm thiên văn học.

Trùng hợp làm sao… Tôi cũng rất thích thiên văn học.

Tại bến Bir-Hakeim, tôi tự hỏi không biết cô sẽ lấy tàu điện ngầm hay muốn đi bộ tiếp, ngang qua sông Seine. Bên trên chúng tôi, cách từng quãng đều đặn, là tiếng khua ồn ã của các toa tàu. Chúng tôi đã lên đến trên cầu.

“Tôi cũng thế,” tôi nói với cô, “tôi cũng sống phía Étoile. Có lẽ là không xa nhà cô lắm.”

Cô ngần ngừ. Hẳn cô muốn nói với tôi điều gì đó đang làm cô thấy phiền lòng.

“Thật ra thì tôi đã lấy chồng… Tôi sống cùng chồng ở Neuilly…”

Nghe như thể cô vừa thú nhận với tôi một tội ác.

“Cô lấy chồng từ lâu chưa?”

“Chưa. Chưa lâu lắm… từ tháng Tư hồi năm vừa rồi…”

Chúng tôi lại bước đi. Chúng tôi đến giữa cầu, ngang đoạn cầu thang dẫn xuống lối đi Thiên Nga. Cô đi vào cầu thang và tôi đi theo sau cô. Cô bước xuống bằng những bước chân đầy tự tin, như thể đang tới một cuộc hẹn. Và cô nói với tôi mỗi lúc một nhanh hơn.

“Đến một lúc, tôi đi tìm việc… Tôi bắt gặp một thông báo tuyển người… Đó là một công việc thư ký tạm thời…”

Bên dưới, chúng tôi đi theo lối đi Thiên Nga. Cả hai bên đều là sông Seine và những ngọn đèn trên ke sông. Tôi có cảm giác mình đang ở trên boong dạo chơi của một con tàu đắm giữa đêm khuya.

“Ở chỗ làm, một người phụ trách giao việc cho tôi… Anh ta tỏ ra dễ mến với tôi… Anh ta nhiều tuổi hơn… Sau một thời gian, anh ta muốn cưới tôi…”

Nghe như cô đang tìm cách tự biện minh trước một người bạn thời thơ ấu đã từ lâu cô không biết tin tức và cô vừa tình cờ gặp trên phố.

“Nhưng còn cô, lấy chồng cô có thích không?”

Cô nhún vai, như thể tôi vừa nói ra một điều gì thật phi lý. Lúc nào tôi cũng trông chờ cô nói: “Nhưng xem kìa, anh biết rõ tôi đến thế…”

Sau rốt, hẳn tôi đã quen biết cô trong một cuộc đời trước.

“Anh ta vẫn luôn luôn nói với tôi rằng anh ta muốn điều tốt cho tôi… Đúng thế thật… Anh ta muốn điều tốt cho tôi… Anh ta có chút tự coi mình là bố tôi…”

Tôi nghĩ cô đợi từ tôi một lời khuyên. Hẳn cô không có thói quen tâm sự. “Thế anh ấy không bao giờ đi cùng cô đến chỗ những cuộc họp à?” “Không. Anh ấy nhiều việc quá.”

Cô đã gặp de Vere qua một người bạn thời trẻ của chồng cô. Anh ta đã dẫn de Vere tới ăn tối cùng họ ở Neuilly. Cô nói cho tôi mọi chi tiết đó, mày nhíu lại, như thể sợ quên đi mất một điều gì, ngay cả chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Chúng tôi đang ở cuối lối đi, trước bức tượng Nữ thần Tự do. Một cái ghế băng bên tay phải. Tôi khồông biết cô hay tôi ngồi xuống đó trước, hoặc giả hai chúng tôi nảy ra ý nghĩ ấy cùng một lúc. Tôi hỏi cô không phải về nhà à. Đây là lần thứ ba hoặc thứ tư cô dự những cuộc họp của Guy de Vere, và quãng mười một giờ tối cô sẽ ở trước cầu thang của bến tàu điện ngầm Cambronne. Và lần nào cũng vậy, trước viễn cảnh phải quay về Neuilly, cô lại mơ hồ cảm thấy nản lòng. Thế là kể từ nay cô đã bị kết án phải luôn luôn đi tuyến tàu điện ngầm đó. Đổi đường ở Étoile. Xuống ở Sablons…

Tôi cảm thấy bờ vai cô chạm vào vai tôi. Cô nói với tôi rằng sau cái bữa tối gặp gỡ với Guy de Vere lần đầu tiên ấy ông đã mời cô đến nghe ông giảng bài tại một gian phòng nhỏ gần Odéon. Hôm đó, chủ đề là “Buổi trưa tối tăm” và “Ánh sáng xanh lục”. Ra khỏi phòng, cô bước đi vô định trong khu phố. Cô trôi nổi trong làn ánh sáng xanh lục và trong vắt mà Guy de Vere nói đến. Năm giờ chiều. Trên đại lộ rất nhộn nhịp và, ở giao lộ Odéon, người ta xô đẩy cô vì cô đi ngược chiều và không muốn cùng họ bước xuống các bậc cầu thang của bến tàu điện ngầm. Một phố vắng hoe thoai thoải dẫn lên phía vườn Luxembourg. Và ở đó, ngay giữa dốc, cô bước vào một quán cà phê nằm tại góc một tòa nhà: Le Condé. “Anh có biết quán Le Condé không?” Đột nhiên cô chuyển qua xưnghô thân mật với tôi. Không, tôi không biết quán Le Condé. Nói thật lòng, tôi không thích cái khu Écoles ấy. Nó gợi tôi nhớ đến tuổi thơ tôi, ký túc xá một trường trung học từng đuổi cổ tôi và một quán ăn sinh viên đại học bên phố Dauphine, nơi tôi buộc phải đến với một tấm thẻ sinh viên giả. Tôi chết mất vì đói. Kể từ đó, cô thường xuyên trú mình ở quán Le Condé. Cô nhanh chóng làm quen với phần lớn khách quen, đặc biệt là hai nhà văn: một người tên Maurice Raphaël, và Arthur Adamov. Tôi từng nghe nói đến họ chưa? Rồi. Tôi biết Adamov là ai. Thậm chí tôi từng nhìn thấy ông, nhiều lần, ở gần Saint-Julien-le-Pauvre. Một cái nhìn lo lắng. Thậm chí tôi còn có thể nói: hoảng sợ. Ông đi xăng đan, chân không tất. Cô chưa từng đọc cuốn sách nào của Adamov. Tại quán Le Condé, thỉnh thoảng ông nhờ cô đưa ông về khách sạn của mình, vì ông sợ phải đi bộ một mình vào ban đêm. Kể từ khi cô hay đến Le Condé, người ta đã đặt cho cô một biệt danh. Cô tên Jacqueline, nhưng họ gọi cô là Louki. Nếu tôi muốn, cô sẽ giới thiệu Adamov và những người khác cho tôi. Và cả Jimmy Campbell, một ca sĩ người Anh. Và một người bạn Tunisia, Ali Cherif. Chúng tôi có thể gặp lại nhau ở quán Le Condé vào ban ngày. Cô cũng tới đó vào buổi tối, những khi chồng cô đi vắng. Thường thì anh ta đi làm về rất muộn. Cô ngẩng đầu về phía tôi và, sau một lúc do dự, cô bảo tôi rằng mỗi lần quay về nhà chồng mình ở Neuilly cô lại thấy khó khăn hơn một chút. Cô có vẻ lo sợ và không nói thêm một lời nào nữa.

Đã đến giờ chuyến tàu điện ngầm cuối cùng. Chỉ có chúng tôi trong toa.

Trước khi chuyển tàu ở Étoile, cô cho tôi số điện thoại.

***

Cả đến giờ, tôi vẫn còn nghe thấy, vào buổi tối, một giọng nói gọi tôi bằng tên, trên phố. Một giọng khàn. Hơi kéo dài một chút ở các nguyên âm và tôi nhận ra nó ngay lập tức: giọng của Louki. Tôi ngoảnh đầu lại, nhưng không có ai. Không chỉ là buổi tối, mà cả vào quãng hoang vu những chiều hè lúc bạn không còn biết rõ mình đang sống ở năm nào. Mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại giống như trước. Cùng những ngày ấy, cùng những đêm ấy, cùng những địa điểm ấy, cùng những cuộc gặp ấy. Quy hồi Vĩnh cửu.

Thường xuyên tôi nghe thấy giọng nói trong những giấc mơ. Mọi thứ thật cụ thể – đến tận từng chi tiết nhỏ nhất – đến nỗi tôi tự hỏi, khi tỉnh dậy, làm sao mà lại có thể như vậy được. Đêm hôm trước, tôi mơ mình ra khỏi tòa nhà của Guy de Vere, vào đúng cái giờ chúng tôi ra khỏi đó, Louki và tôi, lần đầu tiên ấy. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay. Mười một giờ. Có dây thường xuân ở một trong những cửa sổ tầng trệt. Tôi đi qua cửa sắt và đang bước ngang quảng trường nhỏ Cambronne theo hướng đường tàu điện ngầm trên không thì nghe thấy giọng Louki. Cô gọi tôi: “Roland…” Hai lần. Tôi cảm thấy sự châm chọc trong giọng nói của cô. Cô chế giễu cái tên tôi, lúc đầu, một cái tên không phải là tên tôi. Tôi đã chọn nó để đơn giản hóa mọi chuyện, một cái tên ở đâu cũng phù hợp, mà cũng có thể dùng làm họ luôn được. Rất tiện, Roland. Và rất Pháp, nhất là vậy. Tên thật của tôi mang quá nhiều hương vị nước ngoài. Vào thời ấy, tôi tránh lôi kéo sự chú ý về phía mình. “Roland…” Tôi ngoảnh đầu lại. Không có ai. Tôi đang ở giữa quảng trường, cũng như lần đầu tiên khi chúng tôi không biết phải nói gì. Lúc tỉnh dậy, tôi quyết định đi đến địa chỉ cũ của Guy de Vere để kiểm tra xem quả thật có dây thường xuân ở cửa sổ tầng trệt hay không. Tôi đi tàu điện ngầm tới Cambronne. Đó là tuyến tàu của Louki khi cô còn quay trở về nhà chồng ở Neuilly. Tôi đi cùng cô và chúng tôi thường xuống bến Argentine, gần khách sạn nơi tôi sống. Lần nào cô cũng sẵn sàng ở lại suốt đêm trong phòng tôi, nhưng cô gắng nỗ lực hết mình để quay về Neuilly… Và rồi, một đêm, cô đã ở lại với tôi, ở Argentine.

Tôi thấy mình có một cảm giác thật kỳ cục khi bước đi trên quảng trường Cambronne vào buổi sáng, vì chúng tôi luôn luôn đến nhà Guy de Vere buổi tối. Tôi đẩy cánh cửa và tự nhủ mình chẳng có cơ may nào gặp ông sau chừng ấy thời gian. Không còn hiệu sách Véga trên đại lộ Saint-Germain và không còn Guy de Vere ở Paris nữa. Và cũng không còn Louki. Nhưng ở cửa sổ tầng trệt thì dây thường xuân vẫn đó, đúng như trong giấc mơ của tôi. Điều này khiến tôi thấy bối rối thậm tệ. Đêm hôm trước có thực là một giấc mơ hay không? Tôi đứng im lìm mất một lúc trước ô cửa sổ. Tôi hy vọng nghe thấy giọng của Louki. Cô sẽ gọi tôi thêm một lần nữa. Không. Không có gì. Im lìm. Nhưng tôi hoàn toàn không có cảm giác gì về chuyện thời gian trôi đi kể từ thời kỳ Guy de Vere. Ngược lại, nó đã dừng sững trong một dạng thức của vĩnh cửu. Tôi còn nhớ văn bản mà mình thử viết khi quen Louki. Tôi đã đặt tên nó là Các vùng trung tính, các no man’s land nơi người ta ở bên rìa tất thảy, ở chế độ trung chuyển, hoặc thậm chí ở trạng thái treo lơ lửng. Ở đó người ta được hưởng một thứ quyền miễn trừ nào đấy. Tôi cũng có thể gọi chúng là các vùng hoang, nhưng các vùng trung tính thì chính xác hơn. Một tối, ở quán Le Condé, tôi hỏi ý kiến Maurice Raphaël bởi ông là nhà văn. Ông đã nhún vai và lẳng cho tôi một nụ cười ranh mãnh: “Anh phải tự biết thôi, anh bạn… Tôi không hiểu rõ lắm anh muốn đi tới đâu… Cứ nói là ‘trung tính’ đi và thôi đừng nhắc đến nữa…” Quảng rrường Cambronne và khu phố nằm giữa Ségur và Dupleix, mọi đường phố dẫn ra các cây cầu nhỏ nối với đường tàu điện ngầm trên không đều thuộc một vùng trung tính, và không hề tình cờ nếu ở đó tôi đã gặp Louki.

Văn bản đó, tôi đã đánh mất. Năm trang tôi gõ bằng cái máy chữ mà Zacharias, một người khách của quán Le Condé, cho mượn. Tôi đã viết ở chỗ để tặng: Cho Louki của những vùng trung tính. Tôi không biết cô đã nghĩ gì về tác phẩm này. Tôi không nghĩ cô đọc hết nó. Đó là một văn bản hơi khó đọc, một dạng liệt kê theo từng quận với tên các phố định ra ranh giới những vùng trung tính đó. Đôi khi, một khối nhà, hoặc một diện tích rộng hơn nhiều. Một buổi chiều hai chúng tôi cùng ở Le Condé, cô vừa đọc xong lời đề tặng và bảo tôi: “Anh biết không, Roland, ta có thể đến sống một tuần ở mỗi khu phố mà anh nhắc đến…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.