Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 8



Phố Argentine nơi tôi thuê một căn phòng khách sạn quả đúng nằm trong một vùng trung tính. Có ai đến đó tìm tôi được chăng? Những người hiếm hoi mà tôi bắt gặp ở đó hẳn đều đã chết đối với sổ sách hành chính. Một hôm, trong lúc lật giở một tờ nhật báo, tôi đọc được ở mục “thông tin tư pháp” một mẩu tin ngắn với tiêu đề “Tuyên bố vắng mặt”. Một người tên là Tarride không trở về nhà mà cũng không có tin tức gì suốt từ ba mươi năm, và tòa đại hình đã tuyên bố ông ta “vắng mặt”. Tôi chìa cho Louki xem thông báo này. Chúng tôi đang ở phòng tôi, trên phố Argentine. Tôi bảo cô rằng chắc chắn ông ta sống trên phố này, cùng hàng chục người nữa cũng đã bị tuyên bố “vắng mặt”. Vả lại, các tòa nhà lân cận khách sạn của tôi đều mang dòng chữ “căn hộ có đồ đạc”. Những nơi trú chân không yêu cầu khai báo nhân thân và là nơi có thể ẩn trốn. Hôm ấy, chúng tôi cùng những người khác, ở quán Le Condé, ăn mừng sinh nhật La Houpa. Họ mời chúng tôi uống rượu. Về đến phòng, chúng tôi đã hơi say. Tôi mở cửa sổ. Tôi gào tướng lên: “Tarride! Tarride!..” Phố vắng tanh và cái tên vang vọng thật kỳ cục. Thậm chí tôi còn có cảm giác tiếng vọng dội vào người ông ta. Louki đến bên tôi, và cô cũng hét: “Tarride!… Tarride!…” Một trò đùa trẻ con làm chúng tôi cười phá. Nhưng sau rốt tôi tin người đàn ông ấy sẽ hiện ra và chúng tôi sẽ làm phục sinh tất cả những người vắng mặt lẩn quất trên phố này. Sau một lúc, người gác đêm của khách sạn tới gõ cửa phòng chúng côi. Anh ta nói bằng giọng âm u mồ mả: “Làm ơn giữ trật tự.” Chúng tôi nghe tiếng anh ta nặng nhọc bước xuống cầu thang. Thế là, tôi căn cứ vào đó để kết luận rằng bản thân anh ta cũng là một người vắng mặt giống như cái người tên là Tarride kia và tất cả những ai trốn trong các căn hộ có sẵn đồ đạc của phố Argentine.

Tôi nghĩ đến điều đó mỗi lần xuôi phố về căn phòng của mình. Louki từng bảo tôi rằng cả cô, trước khi lấy chồng, cũng từng sống ở hai khách sạn khu này, ngay chếch lên phía Bắc một chút, phố Armaillé, rồi phố Étoile. Vào thời kỳ ấy, hẳn chúng tôi đã đi ngang qua mà không nhìn thấy nhau.

***

Tôi còn nhớ cái buổi tối cô quyết định không trở về nhà chồng nữa. Ở quán Le Condé, hôm đó, cô giới thiệu Adamov và Ali Cherif với tôi. Tôi mang về cái máy chữ mà Zacharias cho mượn. Tôi những muốn bắt tay vào viết Các vùng trung tính.

Tôi đặt máy chữ xuống cái bàn nhỏ bằng gỗ thông nhiều vân của căn phòng. Trong đầu tôi đã có sẵn câu đầu tiên: “Các vùng trung tính sở hữu ít nhất cái lợi thế này: chúng chỉ là điểm xuất phát và rồi đến một ngày ta sẽ rời khỏi đó.” Tôi biết rằng khi ngồi trước máy chữ, mọi thứ sẽ không còn đơn giản như thế. Hẳn là phải gạch câu mở đầu này đi. Và câu tiếp theo. Thế nhưng, tôi cảm thấy lòng can đảm tràn ngập trong mình.

Cô phải về nhà để ăn tối ở Neuilly, nhưng đến tám giờ cô vẫn nằm dài trên giường. Cô không bật đèn đầu giường lên. Rốt cuộc tôi phải nhắc cô rằng đã đến giờ rồi.

“Đến giờ làm gì?”

Nghe giọng cô, tôi hiểu ra rằng cô sẽ không còn bao giờ đi tàu điện ngầm để xuống bến Sablons nữa. Một quãng im lặng kéo dài giữa chúng tôi. Tôi ngồi trước máy chữ gõ lên các phím.

“Ta có thể đi xem phim,” cô nói với tôi. “Sẽ giết được thời gian.”

Chỉ cần đi ngang qua đại lộ Grande-Armée là đến được Studio Obligado. Tối hôm ấy, cả hai chúng tôi đều không hề chú ý tới bộ phim. Tôi nghĩ trong phòng có rất ít người. Vài người đã bị một tòa án tuyên là “vắng mặt” từ lâu? Và cả chúng tôi nữa, chúng tôi là ai? Chốc chốc tôi lại ngoảnh sang cô. Cô không nhìn lên màn ảnh, đầu cô nghiêng sang một bên và có vẻ chìm đắm trong suy nghĩ. Tôi e cô sẽ đứng dậy quay trở về Neuilly. Nhưng không. Cô ở lại đến tận khi hết phim.

Ra khỏi Studio Obligado, cô có vẻ nhẹ nhõm. Cô nói với tôi rằng, kể từ giờ, với cô đã là quá muộn để quay về nhà chồng. Hôm ấy anh ta mời mấy người bạn của mình tới ăn tối. Thế đấy, hết rồi. Sẽ chẳng bao giờ còn có bữa tối nào ở Neuilly nữa.

Chúng tôi không về phòng ngay, chúng tôi đi dạo rất lâu trong cái vùng trung tính ấy, nơi cả hai chúng tôi từng trú ẩn vào những thời kỳ khác nhau. Cô những muốn chỉ cho tôi thấy các khách sạn cô từng ở, trên phố Armaillé và trên phố Étoile. Tôi cố nhớ đêm hôm đó cô đã nói gì với tôi. Thật mù mờ. Chỉ là những mẩu những đoạn. Giờ đã quá muộn để tìm lại những chi tiết bị thiếu hoặc những chi tiết mà có lẽ tôi đã quên. Khi còn rất trẻ, cô rời khỏi nhà mẹ và khu phố nơi cô sống cùng mẹ. Mẹ cô đã mất. Cô còn lại một người bạn gái từ thời ấy, mà thỉnh thoảng cô gặp lại, một cô gái tên là Jeannette Gaul. Hai hay ba lần, chúng tôi ăn tối cùng Jeannette Gaul ở phố Argentine, tại quán ăn xập xệ cạnh khách sạn của tôi. Một cô gái tóc vàng mắt xanh lục. Louki từng bảo tôi người ta gọi cô ấy là Đầu Lâu vì khuôn mặt cô ấy xương xương tương phản hẳn với một cơ thể có các đường cong đẫy đà. Sau này, Jeannette Gaul đến thăm cô ở khách sạn phố Cels và lẽ ra tôi phải tự đặt cho mình những câu hỏi vào cái ngày tôi bắt gặp họ trong căn phòng bồng bềnh mùi ether. Và rồi một buổi chiều gió nhẹ trời tỏa nắng trên các ke sông, đối diện nhà thờ Đức Bà… tôi săm soi sách trong những cái hòm sách cũ đợi họ. Jeannette Gaul đã nói cô có hẹn ở phố Grands-Degrés với ai đó mang đến cho cô ấy “một ít tuyết”… Từ “tuyết” làm cô mỉm cười, trong khi lúc đó đang là tháng Bảy… Trong một cái hòm màu xanh lục đựng sách cũ, tôi nhìn thấy một quyển sách khổ nhỏ mang nhan đề Mùa hè tươi đẹp. Phải, đó là một mùa hè tươi đẹp bởi tôi thấy nó như thể là vĩnh cửu. Rồi đột nhiên tôi trông thấy họ ở vỉa hè bên kia ke sông. Họ từ phố Grands-Degrés đi tới. Louki giơ tay ra hiệu với tôi. Họ bước về phía tôi trong nắng và sự im lặng, chính bằng cách này mà họ thường xuyên hiện ra trong những giấc mơ của tôi, cả hai về phía Saint-Julien-le-Pauvre… Tôi tin mình đã hạnh phúc, cái buổi chiều hôm đó.

Tôi không hiểu tại sao người ta lại đặt cho Jeannette Gaul biệt danh Đầu Lâu. Có phải vì hai gò má cô cao và hai mắt cô xếch? Thế nhưng, không gì trên khuôn mặt cô gợi đến cái chết. Cô vẫn còn ở vào thời điểm khi tuổi trẻ mạnh hơn tất thảy. Không gì – cả những đêm mất ngủ, cả tuyết, như cô vẫn gọi – hằn lên cô bất kỳ dấu vết nào. Trong bao lâu? Lẽ ra tôi phải ngờ vực cô ấy. Louki không dẫn cô ấy đến quán Le Condé cũng như những cuộc họp của Guy de Vere, cứ như thể cô gái ấy là phần tối tăm của cô vậy. Tôi chỉ nghe thấy họ nói chuyện một lần, khi có mặt tôi, về quá khứ chung của họ, nhưng theo lối ám chỉ. Tôi có cảm giác họ chia sẻ các bí mật với nhau. Một hôm khi tôi cùng Louki từ bến tàu điện ngầm Mabillon đi ra – một ngày tháng Mười một vào quãng sáu giờ chiều, bóng tối đã buông – cô nhận ra ai đó ngồi ở một cái bàn đằng sau ô cửa kính lớn của quán La Pergola. Cô thoáng giật mình bước lui lại. Một người đàn ông chừng năm mươi tuổi, khuôn mặt nghiêm khắc và tóc nâu láng mượt. Ông ta gần như ở ngay đối diện chúng tôi và hẳn cả ông ta cũng có thể nhìn thấy chúng tôi. Nhưng tôi tin ông ta đang nói chuyện với ai đó ngồi bên cạnh. Cô đã bíu lấy cánh tay tôi và kéo tôi đi sang vỉa hè bên kia của phố Four. Cô bảo cô từng quen gã đó hai năm trước với Jeannette Gaul và rằng gã trông coi một quán ăn ở quận IX. Cô hoàn toàn không trông đợi gặp lại gã ở đây, bên tả ngạn. Cô có vẻ lo lắng. Cô đã dùng từ “tả ngạn” như thể sông Seine là đường ranh giới chia cắt hai thành phố xa lạ khỏi nhau, giống như một bức màn sắt. Và gã đàn ông ở quán La Pergola đã vượt qua được biên giới ấy. Sự hiện diện của gã tại nơi này, giao lộ Mabillon, thực sự khiến cô phải bận tâm. Tôi hỏi cô gã tên là gì. Mocellini. Và tại sao cô lại muốn tránh mặt gã. Cô không trả lời tôi thật rõ ràng. Chỉ đơn giản, gã ấy nhắc cô nhớ tới những kỷ niệm tồi tệ. Khi cô tuyệt giao với người khác, thì điều đó là chung quyết, với cô họ đã chết. Nếu gã đàn ông này vẫn còn sống và cô có nguy cơ gặp phải gã, thì tốt hơn hết là nên đổi sang khu phố khác.

Tôi trấn an cô. La Pergola không phải một quán cà phê như những quán khác, đám khách khứa hơi có chút mờ ám của nó hoàn toàn không ăn nhập với khu phố chuyên cần và lưu đãng nơi chúng tôi đang bước đi đây. Có phải cô đã bảo tôi rằng gã Mocellini này, cô đã quen biết ở quận IX? Thì đúng thế mà, La Pergola chính là một dạng khu phụ của Pigalle nhưng nằm bên Saint-Germain-des-Prés [13], ta cũng không biết rõ lắm tại sao lại vậy nữa. Chỉ cần chọn vỉa hè phía bên kia và tránh La Pergola ra thôi. Chẳng việc gì phải đổi sang khu phố khác.

[13] Khu Pigalle nằm ở hữu ngạn còn khu Saint-Germain-des-Prés thì ở tả ngạn sông Seine.

Lẽ ra tôi phải cố nài cô kể thêm cho tôi, nhưng tôi gần như đã biết trước cô sẽ trả lời ra sao, đấy là giả dụ trong trường hợp cô muốn trả lời… trong suốt tuổi thơ và tuổi niên thiếu tôi đã kề cận với quá nhiều Mocellini, những kẻ sau này ta sẽ tự hỏi không biết bọn họ làm những trò buôn lậu nào…

Không phải là tôi đã thường xuyên thấy bố tôi giao hảo với những kẻ ấy ư? Sau chừng đó năm tháng, tôi hoàn toàn có thể điều tra về cái kẻ mang tên Mocellini. Nhưng để làm gì đây? Tôi sẽ chẳng biết thêm được gì hơn nữa về Louki ngoài những điều tôi đã biết hoặc đã đoán ra. Liệu chúng ta có thực sự phải chịu trách nhiệm về các vai phụ mà ta không hề lựa chọn nhưng lại gặp phải ở chặng đầu đời? Liệu tôi có phải chịu trách nhiệm về bố tôi và tất cả những cái bóng thì thụt chuyện trò với ông trong các sảnh khách sạn hoặc phòng hậu quán cà phê, những người mang đống va li mà tôi sẽ mãi không biết được bên trong đựng gì? Tối hôm ấy, sau cuộc gặp đen đủi đó, chúng tôi đi dọc theo đại lộ Saint-Germain. Khi chúng tôi bước vào hiệu sách Véga, cô có vẻ đã nhẹ nhõm trở lại. Cô có một danh mục vài cuốn sách được Guy de Vere khuyên đọc. Danh mục ấy, tôi vẫn còn giữ. Ông đưa nó cho bất kỳ ai đến dự các cuộc họp. “Các bạn không bắt buộc phải đọc toàn bộ trong một lúc, ông thường có thói quen nói vậy. Tốt hơn hết là hãy chọn một cuốn duy nhất và đọc trong đó một trang mỗi tối, trước khi ngủ.”

Thế thân thần thánh

Bạn của Chúa ở Oberland

Tiếng ca của ngọc

Cột chống rạng đông

Mười hai vị cứu tinh của kho báu ánh sáng

Các bộ phận hay trung tâm vi tế

Vườn hồng bí ẩn

Thung lũng thứ bảy

Những tập sách mỏng, bìa xanh lợt. Thoạt tiên, trong phòng tôi ở phố Argentine, có những lúc chúng tôi, Louki và tôi, đọc to chúng lên. Đó là một kiểu nề nếp, được thực hiện khi tinh thần chúng tôi chùng xuống, tôi tin chúng tôi không đọc các tác phẩm ấy theo cùng một cách. Cô hy vọng khám phá ở đó một ý nghĩa cho cuộc đời, trong khi tôi bị thu hút bởi âm vang các từ và nhạc tính các câu. Tối hôm đó, ở hiệu sách Véga, tôi thấy như thể cô đã quên đi cái gã tên Mocellini kia và tất cả những kỷ niệm tồi tệ mà gã gợi về. Giờ đây tôi mới nhận ra rằng cô không chỉ tìm kiếm một lối hành xử khi đọc những tập sách mỏng màu xanh lợt ấy, cũng như tiểu sử Louise của Hư Vô. Mà cô muốn đào thoát, trốn đi mỗi lúc một xa hơn, đoạn tuyệt thật phũ phàng với đời thường, để được hít thở không khí tự do. Và rồi cũng có nỗi sợ bồn chồn đó, thỉnh thoảng, trước viễn cảnh các vai phụ mà ta để lại sau lưng có thể tìm thấy ta mà đòi tính sổ. Cần phải ẩn trốn để thoát khỏi những kẻ tống tình đó, hy vọng rồi một ngày bạn sẽ ra được hẳn ngoài tầm với của bọn họ. Trên kia, trong làn không khí của những đỉnh cao. Hay không khí ngoài khơi xa. Tôi hiểu rất rõ điều này. Cả tôi nữa, tôi vẫn còn kéo lê những kỷ niệm tồi tệ và những bóng ma trong ác mộng tuổi thơ, những gì tôi tính sẽ rũ bỏ một lần cho xong.

Tôi bảo cô rằng thật ngốc khi chuyển vỉa hè. Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được cô. Kể từ đó, ở lối ra của bến tàu điện ngầm Mabillon, chúng tôi không còn vòng tránh quán La Pergola nữa. Một tối, thậm chí tôi còn kéo cô vào trong quán. Chúng tôi đứng trước quầy kiên định chờ Mocellini. Và tất cả những bóng ma khác của quá khứ. Với tôi, cô không phải e ngại điều gì. Không còn cách nào tốt hơn là nhìn thẳng vào mắt lũ ma để làm chúng tan biến. Tôi tin cô đã lấy lại được lòng tin và thậm chí cô hẳn sẽ chẳng xao động mảy may nếu Mocellini có xuất hiện. Tôi đã khuyên cô nói bằng giọng thật đanh thép cái câu vốn rất thân thuộc với tôi trong dạng tình huống này: Không mà, thưa ông… Không phải tôi đâu… Tôi rất tiếc… Ông nhầm rồi…”

Tối đó chúng tôi đã đợi Mocellini mà không thấy gã đến. Và không bao giờ chúng tôi còn nhìn thấy gã đằng sau ô cửa kính nữa.

***

Cái tháng Hai mà cô thôi về nhà chồng ấy, tuyết rơi rất nhiều và chúng tôi có cảm giác, ở phố Argentine, bị lạc vào mộc khách sạn trên núi cao. Tôi nhận ra thật khó sống ở một vùng trung tính. Thực sự, tốt hơn hết là xích lại gần trung tâm. Điều kỳ khôi nhất ở cái phố Argentine này – nhưng tôi cũng đã kiểm kê được vài phố khác của Paris giống nó – là nó không ăn nhập với cái quận mà nó thuộc về. Nó không ăn nhập với gì hết, nó tách biệt khỏi mọi thứ. Với lớp tuyết đó, ở cả hai phía nó đều dẫn tới hư vô. Tôi sẽ phải tìm lại danh sách các phố không chỉ là những vùng trung tính mà còn là các hố đen ở Paris. Hay nói đúng hơn là những ánh lóe của thứ vật chất tối được bàn đến trong thiên văn học đó, một chất làm cho mọi thứ trở nên vô hình và kháng cự lại được cả các tia cực tím, hồng ngoại và tia X. Phải, xét về lâu về dài, chúng tôi có nguy cơ bị chất tối nuốt trọn.

Cô không muốn ở lâu trong một khu phố quá gần nhà chồng. Chỉ cách có hai bến tàu điện ngầm. Cô tìm kiếm bên tả ngạn một khách sạn quanh quán Le Condé hoặc quanh căn hộ của Guy de Vere. Như thế, cô có thể đi bộ. Còn tôi thì sợ phải qua sông Seine quay lại bên kia, về quận VI của tuổi thơ tôi. Ngần ấy kỷ niệm đau thương… Nhưng ích gì khi nói chuyện đó bởi quận này giờ đây chỉ còn tồn tại với những người mở các cửa hiệu bán đồ xa xỉ và người nước ngoài giàu có mua căn hộ ở đó… Thời ấy, tôi vẫn còn thấy tại đây những tàn tích từ tuổi thơ tôi: các khách sạn xập xệ phố Dauphine, ngôi trường dạy giáo lý đơn sơ, quán cà phê ở giao lộ Odéon nơi vài kẻ đào ngũ từ các căn cứ quân sự Mỹ lẻn ra buôn lậu hàng cấm, cầu thang tối bên quảng trường Vert-Galant, và dòng chữ trên bức tường nhớp nhúa của phố Mazarine, mà tôi đọc mỗi lần đi học: ĐỪNG BAO GIỜ LÀM VIỆC.

Khi cô thuê một căn phòng xa hơn một chút về phía Nam, quãng Montparnasse, tôi vẫn ở lại quanh khu Étoile. Bên tả ngạn, tôi muốn tránh gặp phải những bóng ma. Trừ ở quán Le Condé và hiệu sách Véga, còn thì tôi không muốn nấn ná làm gì tại khu phố cũ của mình.

***

Và rồi còn phải kiếm tiền nữa. Cô đã bán một chiếc áo khoác lông thú hẳn là quà tặng của chồng. Cô chỉ còn lại một cái áo gió quá mỏng để chống chọi lại mùa đông. Cô đọc các thông báo tìm người giống như cô từng làm ngay trước khi lấy chồng. Và thỉnh thoảng, cô đến Auteuil gặp chủ một xưởng ô tô, một người bạn cũ của mẹ cô, người vẫn giúp đỡ cô. Tôi gần như chẳng dám thú nhận về phần mình tôi đang làm loại công việc gì. Nhưng tại sao lại phải che giấu sự thật nhỉ?

Một gã tên là Béraud-Bedoin sống cùng khối nhà có khách sạn của tôi. Chính xác là ở số 8 phố Saïgon. Một căn hộ có sẵn đồ đạc. Tôi thường xuyên giáp mặt gã và không còn nhớ được lần đầu tiên chúng tôi bắt chuyện với nhau là khi nào. Một tay thuộc dạng xảo trá với mái tóc bồng bềnh, ăn vận lúc nào cũng chăm chút đáng kể và vờ vịt một dáng vẻ thư thái thượng lưu. Tôi ngồi đối diện với gã, ở một cái bàn trong quán cà phê kiêm quán ăn trên phố Argentine, một buổi chiều của mùa đông năm ấy, khi ở Paris tuyết đang rơi. Tôi bảo gã rằng tôi muốn “viết” lúc gã đặt cho tôi câu hỏi chường lệ: “Còn anh, anh làm công việc gì?” Về phần gã, Béraud-Bedoin, thì tôi không hiểu được thật rõ việc làm của gã. Tôi đã đi theo gã, cái buổi chiều ấy, tới “văn phòng” của gã – “ngay gần đây thôi”, gã bảo tôi thế. Bước chân chúng tôi để lại vệt trên tuyết. Chỉ cần đi thẳng một mạch đến phố Chalgrin. Tôi đã tra một cuốn danh bạ cũ của năm đó để biết chính xác xem cái gã Béraud-Bedoin ấy “làm việc” ở đâu. Đôi khi, chúng ta nhớ lại được vài đoạn đời mình và ta cần bằng chứng để chắc chắn mình đã không nằm mơ. 14, phố Chalgrin, “Nhà xuất bản thương mại Pháp”. Chắc hẳn là đó. Giờ đây, tôi thấy mình không có đủ can đảm đến tân nơi để nhận mặt tòa nhà. Tôi già quá mất rồi. Hôm ấy, gã không dẫn tôi lên văn phòng của gã, nhưng hôm sau chúng tôi gặp lại nhau cùng giờ đó, ở cùng quán cà phê đó. Gã đề nghị với tôi một việc. Đó là viết những quyển sách nhỏ giới thiệu các công ty hoặc tổ chức nơi gã làm công việc tương tự người chào hàng hay nhân viên quảng cáo, và sẽ do nhà xuất bản của gã ấn hành. Gã sẽ trả cho tôi năm nghìn franc của thời ấy. Gã sẽ ký tên những gì tôi viết ra. Tôi làm ne cho gã. Gã sẽ cung cấp mọi tài liệu cho tôi. Chính bằng cách đó mà tôi đã viết ra khoảng một chục cuốn sách nhỏ, Nước khoáng La Bourboule, Du lịch ở Côte d’Émeraude, Lịch sử các khách sạn và sòng bạc ở Bagnoles-de-l’Orne, cũng như các chuyên luận cho các ngân hàng Jordaan, Seligmann, Mirabaud và Demachy. Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc, tôi lại sợ mình sẽ lăn ra ngủ vì buồn chán. Nhưng công việc khá đơn giản, chỉ cần tạo hình dạng cho các ghi chép của Béraud-Bedoin. Tôi đã rất kinh ngạc vào cái lần đầu tiên gã dẫn tôi tới trụ sở Nhà xuất bản thương mại Pháp: đó là một phòng ở tầng trệt không cửa sổ, nhưng vào tuổi tôi lúc ấy, người ta không tự đặt cho mình nhiều câu hỏi. Người ta đặt lòng tin vào cuộc đời. Hai hay ba tháng sau đó, tôi không hề nhận được tin tức gì từ nhà xuất bản của tôi. Gã mới đưa cho tôi một nửa số tiền đã hứa và với tôi như thế là quá đủ rồi. Đến một ngày – tại sao lại không phải ngay ngày mai nếu tôi đủ sức – có lẽ tôi sẽ phải hành hương tới phố Saïgon và Chalgrin, một vùng trung tính nơi Béraud-Bedoin và Nhà xuất bản thương mại Pháp đã bốc hơi cùng tuyết mùa đông năm ấy. Nhưng không, sau khi nghĩ kỹ, tôi thực sự không đủ can đảm làm việc đó. Thậm chí tôi còn tự hỏi không biết những phố ấy có còn tồn tại hay không và chẳng biết chừng chúng đã bị chất tối nuốt chửng một lần cho mãi mãi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.