Phân Tâm Học Nhập Môn
Chương 2 – Phần 10
4. Chúng ta đã có dịp nói đến những giấc mơ tầm thường, không có gì vô lý và kỳ lạ hết, nhưng đối với các giấc mơ đó người ta đã đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại mơ những sự tầm thường, vô nghĩa lý như thế?
Tôi kể cho các bạn nghe những giấc mơ loại này: ba giấc mơ của người con gái trong một đêm.
a. Cô gái đi trong phòng khách và đụng đầu vào một cái đèn treo trên trần nhà, gây nên một vết thương chảy máu.
Không có một sự việc gì xẩy ra trong ngày có thể làm nhớ lại sự việc đó cả. Những điều cô gái cho chúng ta biết lại theo một hướng khác: “Tóc tôi rụng nhiều quá nên hôm qua má bảo là nếu tóc cứ rụng mãi như thế thì chẳng mấy chốc đầu tôi sẽ nhẵn nhụi như mông đít.” Cái đầu xuất hiện để tượng trưng cho phần trái lại trong thân thể. Cái đèn treo có tính cách tượng trưng rõ ràng: tất cả những thứ gì dài đều tượng trưng cho dương vật đàn ông. Vậy vết thương là do một dương vật gây ra trong phần trong của thân thể. Điều này có thể có nhiều nghĩa; nhưng điều khác do chính người nằm mơ cho biết chứng tỏ rằng, những cô gái chưa đến tuổi thường cho rằng sở dĩ có kinh nguyệt là vì có giao hợp với đàn ông.
b. Cô ta trông thấy trong vườn nho một cái hố sâu do cây bị đào lên gây ra. Cô ta còn nhận ra rằng cái cây không còn ở đó. Cô ta tưởng là đã nhìn thấy cái cây trong giấc mơ nhưng thực ra câu nói của cô chỉ cốt diễn tả một ý khác ý nghĩa tượng trưng. Giấc mơ này gắn liền vào với lòng tin tưởng của nhiều cô gái bé rằng lúc đầu cơ quan sinh dục của con gái cũng giống như của con trai, nhưng vì sau này bị thiến đi (cái cây bị nhổ đi) nên mới có hình thức hiện thời.
c. Cô gái đứng trước một ngăn kéo trong đựng những đồ dùng quen thuộc đến nỗi có một bàn tay khác nào sờ vào là cô ta biết ngay. Cái ngăn kéo giấy, cũng như mọi ngăn kéo khác, rương hay hộp là tượng trưng cho cơ quan sinh dục của đàn bà. Cô gái biết là những dấu vết do sự giao cấu để lại (hay do sự sờ mó) đều rất dễ nhận ra và từ lâu sợ có sự đó xảy ra. Tôi cho rằng ba giấc mơ này đáng cho chúng ta chú ý ở chỗ cô gái hiểu biết nhiều: cô ta nhớ lại những kết luận thơ ấu về sự bí mật của đời sống tình dục và nhưng kết luận đã tìm ra được thường làm cho cô thấy tự hào.
5. Thêm một chút tượng trưng nữa. Nhưng lần này tôi phải trình bày vắn tắt về đời sống tinh thần. Một ông vừa qua một đêm với một bà, nói về bà này như những người mẹ mà tình ái chỉ dựa trên căn bản lòng ham muốn có một đứa con. Nhưng trong sự giao hợp, vì tình trạng đặc biệt nào đó, hai người phải tìm cách ngăn cản sự thụ thai bằng cách không cho tinh khí chảy vào trong âm hộ. Sau khi giao hợp xong rồi ngủ, lúc thức dậy bà tự kể lại giấc mơ như sau:
Một sĩ quan mặc áo tơi đỏ đuổi theo bà ta trên đường phố. Bà ta bỏ chạy, trèo bậc thang nhà mình nhưng ông kia vẫn đuổi. Thở không ra hơi, bà ta chạy vào phòng, rồi khóa cửa lại. Ông kia đứng ngoài cửa và nhìn vào cửa sổ, bà ta thấy ông ngồi lên một cái ghế dài và khóc.
Tất nhiên sự đuổi nhau trong phố và trèo bậc thang tượng trưng cho sự giao cấu. Việc người đàn bà chạy vào phòng khóa cửa lại để khỏi bị bắt hình dung sự đảo ngược thường thấy trong giấc mơ: ám chỉ sự giao cấu chưa được thỏa mãn. Bà ta cũng di chuyển lòng buồn rầu bằng cách gán cho ông kia: trong giấc mơ bà thấy ông khóc, điều đó ám chỉ sự xuất tinh.
Chắc các bạn cũng nói rằng trong môn phân tâm học, mọi giấc mơ đều có một ý nghĩa về tình dục. Nhưng bây giờ các bạn hẳn thấy rõ là lời phán đoán đó sai lầm. Các bạn đã biết có những giấc mơ là sự thực hiện những sự ham muốn, trong đó có sự thực hiện những nhu cầu chính yếu của con người như đói khát, được tự do, có những giấc mơ về sự tiện lợi, hay sự hấp tấp, những giấc mơ về sự hà tiện, ích kỷ. Nhưng những giấc mơ đều bị biến dạng nhiều (không phải là tất cả) đều diễn tả những sự ham muốn về tình dục.
6. Ngoài ra tôi còn có một lý do đặc biệt để áp dụng sự tượng trưng trong giấc mơ. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ tôi đã cho các bạn biết trong việc giảng dạy môn phân tâm học thực khó có thể đưa ra được những bằng chứng về những điều mình nói để gây cho sinh viên niềm tin tưởng. Hẳn đã nhiều lần các bạn thấy tôi nói đúng. Nhưng giữa những đề luận và những điều khẳng định trong môn này có những dây liên lạc chặt chẽ đến nỗi một điều đúng ở một phần nào đó cũng có thể đúng với một phần khác hay đúng với toàn thể vấn đề. Nói về môn này người ta thường cho rằng chỉ cần giơ một ngón tay ra là đủ cho môn đó nắm lấy cả bàn tay. Bạn nào đã hiểu và chấp nhận những điều giải thích về những hành vi sai lạc, muốn hợp lý với chính mình phải chấp nhận tất cả những điều giải thích khác. Vậy mà tính cách tượng trưng cho giấc mơ khiến cho chúng ta một điểm khác cũng dễ lĩnh hội như thế. Tôi kể cho các bạn nghe một giấc mơ của một người đàn bà, vợ một cảnh sát viên, chắc chắn chưa bao giờ được nghe nói đến môn phân tâm học và tính chất tượng trưng trong giấc mơ. Các bạn sẽ có dịp tự mình phán đoán xem cách giải thích bằng những ký hiệu tượng trưng cho tình dục có võ đoán hay gượng ép hay không.
“… Có người lọt vào trong nhà, bà nằm mơ lo sợ liền gọi cảnh sát. Những cảnh sát viên này, hội ý cùng hai tên trộm khác, vào trong một nhà thờ có một quả núi bên trên có rừng rậm bao phủ. Cảnh sát viên đội cái mũ, đeo một cái cổ cồn và mặc một cái áo tơi. Bộ râu đen ngòm. Hai thằng trộm đi cùng với cảnh sát viên quấn cái tạp dề theo hình cái bao. Giữa nhà thờ và quả núi có một con đường. Hai bên đường có nhiều cỏ và bụi rậm càng lên cao càng dầy và đến đỉnh núi thì thành cả một khu rừng.”
Các bạn hẳn nhận thấy dễ dàng những ký hiệu tưởng tượng đem dùng. Ba người cùng đi tượng trưng cho cơ quan sinh dục đàn ông. Còn phong cảnh, nhà thờ quả núi tượng trưng cho cơ quan sinh dục đàn bà. Những bậc thang tượng trưng cho sự giao cấu. Quả núi trong giấc mơ cùng một tên với tên trong môn phẫu cơ thể học: núi Vénus.
7. Thêm một giấc mơ nữa cần được giải thích bằng tượng trưng nhưng lần này do chính người nằm mơ giải thích bằng mọi ký hiệu tuy không biết gì về công việc giải thích giấc mơ hết, đây là một trường hợp đặc biệt không biết đã xảy ra trong những điều kiện nào.
“Anh ta đi chơi với cha trong một nơi chắc chắn là công viên thì có trông thấy nhà thuỷ tạ với một trái bóng đã hết hơi đằng trước cửa. Cha anh hỏi trái bóng dùng làm gì: anh hơi ngạc nhiên về câu hỏi đó nhưng cũng trả lời. Hai người đi tới một cái sân to bên trên có trải một tấm tôn lớn. Người cha muốn lấy một miếng tôn nhưng còn nhìn xung quanh xem có ai thấy không. Anh bảo cha là chỉ cần cho người gác biết là muốn lấy bao nhiêu tôn đi cũng được. Từ sân đến một cái hố có bọc da như một ghế bành, gần đó có một cái cầu thang. Đầu hố có một nền đất rộng rồi lại đến một cái hố nữa.”
Chính người nằm mơ giải thích: “Nhà thuỷ tạ chính là cơ quan sinh dục của tôi. Trái bóng bị buộc chặt trước cửa là dương vật của tôi, dương vật này ít lâu nay không cương cứng lên nhanh như trước nữa. Nói cho rõ ràng hơn: nhà Thuỷ tạ chính là cái mông đít mà chú bé cho là thuộc bộ phận sinh dục. Chỗ phồng ra trước nhà Thuỷ tạ chính là hai bìu dái.”
Trong giấc mơ người cha hỏi những thứ đó dùng làm gì, nghĩa là những bộ phận sinh dục dùng làm gì. Chúng ta có thể đảo ngược lại tình thế mà không sợ bị lầm lẫn, nghĩa là trong giấc mơ chính đứa bé đã hỏi cha, vì trong đời thực ít khi người lớn hỏi như thế. Do đó chúng ta phải coi như câu hỏi có ý nghĩa là: “Nếu tôi hỏi cha tôi về bộ phận sinh dục thì…” Trong nhưng dòng sau chúng ta sẽ nói tiếp về giấc mơ này.
Cái sân có trải tấm tôn phải có một ý nghĩa tượng trưng: sân đó ở trong nhà người cha, nơi ông dùng làm chỗ buôn bán. Muốn kín đáo hơn tôi đã thay hàng hóa trong công việc buôn bán bằng miếng tôn, ngoài ra không thay đổi gì những điều người nằm mơ đã nói. Người nằm mơ giúp cha trong việc buôn bán đã tỏ ra khó chịu về lối kiếm lời của cha. Vì thế nên chúng ta phải hiểu câu nói trên như sau: “Nếu tôi hỏi cha tôi về cơ quan sinh dục thì ông sẽ lừa đối tôi như đã lừa dối khách hàng.” Người cha muốn lấy đi một ít tôn, điều này biểu hiện một ý định bất lương, nhưng người nằm mơ lại gán cho hành vi đó một ý nghĩa khác: đó là sự thủ dâm. Điều này cho biết rồi, nhưng cách giải thích này cũng phù hợp với sự kiện là sự thủ dâm thường được diễn tả bằng điều trái lại (con bảo cha là nếu muốn lấy một miếng tôn thì phải xin phép đàng hoàng người gác). Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi người con gán cho cha những hành vi thủ dâm cũng như đã gán cho cha những câu hỏi về cơ quan sinh dục lúc đầu. Còn cái hố thì chính là âm hộ. Còn xuống thang cũng như lên thang tượng trưng cho sự giao cấu.
Người nằm mơ kể lại là có một cái hố rồi đến một nền rộng, rồi đến một cái hố nữa: những chi tiết này thuộc riêng về người nằm mơ. Sau khi đã giao cấu nhiều lần anh ta lúc này thấy khó chịu khi phải tiếp tục giao cấu và hy vọng là có thể dùng thuốc chữa chạy lấy lại được sinh lực hồi xưa.
8. Hai giấc mơ sau đây của một người ngoại quốc rất muốn theo thuyết đa thê. Tôi lại để chứng tỏ các bạn là luôn luôn cái “Tôi” của người nằm mơ xuất hiện trong giấc mơ dù có khi được ngụy trang. Những chiếc rương tượng trưng cho đàn bà.
a. Anh ta đi du lịch, hành lý đem theo trong một chiếc xe. Trong hành lý có nhiều rương, có hai rương đỏ và đen vào loại rương biếu trong việc quảng cáo. Anh ta nói để tự an ủi: “Những chiếc rương này chỉ đi tới ga thôi.”
Thực tế anh ta đi du lịch với nhiều hành lý nhưng trong khi chữa bệnh, kể lại nhiều chuyện đàn bà. Hai chiếc rương đen chính là hình ảnh của hai người đàn bà tóc đen giữ một vai trò quan trọng trong đời anh. Một trong hai người muốn đi theo anh tới Viên, tôi khuyên anh không nên để cho bà ta đi.
b. Một quang cảnh khu Thuế quan: một người bạn đồng hành với anh ta mở rương ra và vừa nói, vừa hút thuốc là: Bên trong không có gì hết. Nhân viên Thuế quan làm ra vẻ tin anh, nhưng vẫn khám và tìm thấy một thứ đồ cấm. Anh ta liền nói: “Chả còn làm gì được.” Chính người nằm mơ là khách du lịch, tôi là nhân viên Thuế quan. Tuy thường thường thành thực trong khi nói chuyện với tôi, lần này anh không muốn cho tôi biết là anh vừa giao du với một bà có lẽ vì cho rằng tôi biết bà này. Anh ta gán cho người bạn tình trạng khó chịu của một người bị bắt chợt đã nói dối, và chính lý do đó anh không có mặt trong giấc mơ.
9. Đây là một ký hiệu tương trưng mà tôi chưa nói đến:
Anh ta gặp cô em gái đi cùng với hai người bạn là chị em ruột. Anh chìa tay bắt tay hai cô bạn nhưng không bắt tay em gái.
Giấc mơ này không liên can gì đến một biến cố nào cả. Anh ta nhớ lại một thời xa xưa khi hai người bạn của cô em gái chưa có bộ ngực đồ sộ. Vậy hai người bạn của cô em chính là hai cái vú mà anh muốn bóp quý hồ không phải là vú của em anh.
10. Đây là một ví dụ về cái chết trong giấc mơ.
Anh ta đi trên một chiếc cầu ao, dốc, cùng với hai người quen, nhưng khi thức dậy không còn nhớ tên nữa. Đột nhiên hai người này biến mất nhường chỗ cho một người gầy như một bộ xương, đội một cái mũ, mặc bộ quần áo bằng vải. Anh hỏi người đó có phải là điện tín viên không? Không! Có phải là người đánh xe không? Cũng không. Anh tiếp tục đi, trong lòng lo sợ phập phồng, và ngay khi thức dậy rồi anh vẫn có cảm giác là chiếc cầu sẽ sụp đổ và anh bị lao xuống vực.
Những người mà ta cho là không biết hay quên tên thường là những người rất thân. Người nằm mơ có một em trai và một em gái; nếu anh mong cho họ chết tất nhiên anh lo sợ phập phồng. Về người mang điện tín anh cho rằng những người đó luôn luôn mang đến những tin tức xấu. Theo đồng phục thì người đó cũng có thể là người đi thắp đèn ngoài phố, nhưng những người này vừa đi thắp đèn vừa đi tắt đèn y như tử thần tắt ngọn lửa của cuộc sống. Về người đánh xe, anh nghĩ đến một bài thơ của Uhland về cuộc du hành trên mặt biển của vua Charles anh nhớ lại cuộc du hành nguy hiểm trên mặt biển với hai người bạn trong đó anh đóng vai vua Charles trong bài thơ. Về cây cầu, anh nhớ lại một tai nạn quan trọng xảy ra trước đó, nhớ lại luôn câu ngạn ngữ tối nghĩa: đời sống là một cây cầu treo.
11. Một thí dụ khác về hình dung tượng trưng của cái chết, có một người đến thăm anh và để lại một tấm danh thiếp có viền đen.
12. Giấc mơ sau đây có dính dáng đến bệnh thần kinh, sẽ được các bạn chú ý đến theo nhiều phương diện.
Anh ta du lịch bằng xe lửa. Xe dừng lại giữa đồng. Anh tưởng là một tai nạn, phải tìm cách tự cứu, đi khắp mọi toa tàu và giết hết những người mình gặp: người lái xe, người đốt than, v.v…
Giấc mơ này liên quan đến câu chuyện của một người bạn. Trên một toa xe lửa bên Ý có một người điên được chở đi trong một toa riêng, nhưng người ta vô ý đã để cho một người khách vào trong toa đó. Người điên giết người hành khách. Người nằm mơ tưởng mình là người điên và chứng minh hành vi chính đáng của mình bằng ý nghĩ anh ta phải giết tất cả những nhân chứng. Nhưng sau đó anh ta tìm được một lý do khác để cắt nghĩa đoạn đầu giấc mơ. Hôm trước, trong rạp hát, anh có gặp lại người yêu rồi bỏ vì ghen. Vì lòng ghen lên quá cao nên anh cho là nếu lấy nàng có lẽ anh sẽ trở thành điên mất. Điều đó có nghĩa: anh cho rằng nàng sẽ lẳng lơ đến nỗi anh phải giết hết những người nào mình gặp trên đường mình đi vì ghen với hết mọi người. Chúng ta đã biết là việc đi hết phòng này qua phòng khác trong giấc mơ tượng trưng cho đám cưới.
Về việc toa tàu ngừng lại giữa đồng, và về ý nghĩ sợ rằng có một tai nạn xảy ra, anh ta kể lại là một hôm đi xe lửa, xe này quả có dừng lại ở giữa hai ga thực. Một bà ngồi bên cạnh bảo anh là ngừng lại như thế, thế nào cũng xảy ra chuyện hai xe đâm nhau và trong trường hợp đó, muốn cho chắc chỉ có một việc giơ hai chân lên trời. Những cái chân giơ lên trời này cũng giữ một vai trò trong nhiều cuộc đi chơi về đồng quê với bạn gái trong lúc đầu yêu nhau. Đó là một bằng chứng khác để tỏ rằng anh phải điên lắm mới làm lễ thành hôn với nàng. Vậy mà theo những điều tôi biết về tình trạng anh ta thì tôi có thể quả quyết rằng ngay trong lúc này ý định làm điều điên rồ là thành hôn với người con gái đó vẫn còn lởn vởn trong đầu anh.
Những điểm cổ lỗ, tính cách ấu trĩ trong giấc mơ
Chúng ta hãy quay trở lại kết quả theo dõi, chịu ảnh hưởng của sự kiểm duyệt, công việc xây dựng đưa cho những ý tưởng tiềm tàng một phương sách diễn tả mới. Những ý tưởng tiềm tàng chỉ là những ý tưởng hữu thức của chúng ta khi thức dậy, những ý tưởng mà ta biết rõ. Phương sách diễn tả mới có nhiều điểm không hiểu. Chúng ta đã nói rằng, phương sách đó quay trở lại những tình trạng có từ lâu, ngày nay không còn nữa, của sự mở mang trí thức, của tiếng nói biểu diễn, của những liên quan có tính cách tượng trưng, có thể của những điều kiện có từ trước khi ngôn ngữ của chúng ta được mở mang. Chính vì thế nên chúng ta gọi phương sách diễn tả này là phương sách cổ lỗ, đi thụt lùi.
Từ nhận xét này, các bạn có rút ra kết luận nếu chúng ta khảo sát công việc xây dựng này, chúng ta có thể biết được những dữ kiện quý báu về những buổi đầu của sự mở mang trí thức của con người. Tôi cũng hy vọng thế, nhưng công việc này chưa ai làm cả. Thời tiền sử mà công việc xây dựng giấc mơ đưa chúng ta quay về có hai mặt: trước hết có thời tiền sử cá nhân, thời thơ ấu; sau đó là thời tiền sử của sự tiến hóa của sự mở mang các cơ quan trong người. Biết đâu một ngày kia người ta lại chẳng minh định được rõ ràng xem trong sự hoạt động của tinh thần tiềm tàng có những phần nào thuộc về thời tiền sử của sự mở mang các cơ quan trong thân thể, đó là một điều không phải là không làm được. Ví dụ như chính vì thế cho nên chúng ta mới được quyền coi sự tượng trưng hóa như một gia tài của môn khảo cứu về sự mở mang của các cơ quan trong thân thể.
Nhưng đó không phải là tính cách độc nhất cổ lỗ của giấc mơ. Kinh nghiệm hẳn đã cho các bạn biết về chứng mất trí nhớ trong thời thơ ấu. Tôi muốn nói là những năm đầu tiên trong đời sống, vào khoảng năm, sáu, hay tám tuổi gì đó thường không để lại dấu vết trong trí nhớ của mình. Có nhiều người cho rằng mình nhớ được hết mọi sự từ đầu đến cuối trong đời mình, những trường hợp không nhớ được gì cả bao giờ cũng nhiều hơn. Sự kiện này đáng lẽ phải làm cho mình ngạc nhiên mới phải. Năm hai tuổi đứa bé biết nói; chẳng mấy lúc nó biết hướng về trạng thái tinh thần phức tạp, biết diễn tả tình cảm bằng những cử chỉ và lời nói mà sau này nó sẽ quên đi và được người ta nhắc lại cho biết. Trí nhớ của đứa bé trong những năm đầu tiên tất nhiên đỡ nặng nề, mềm mỏng, bén nhạy hơn trong những năm sau đó, ví dụ như năm thứ tám chẳng hạn, và do đó nhớ những cảm giác và sự việc hơn. Vả lại không có gì cho phép ta nghĩ rằng công việc của trí nhớ là một công việc cao cả và khó khăn. Nhiều khi có những người có một trình độ trí thức thấp nhưng lại có trí nhớ rất tốt.
Thêm một điểm đặc biệt nữa: đời sống trí nhớ trong những năm đầu tiên của thời thơ ấu không đầy đủ: có những kỷ niệm nổi bật lên trên, những kỷ niệm tương ứng với những cảm giác cụ thể, không cần nhớ lại lâu. Những kỷ niệm về những biến cố sau đó được lựa chọn trong trí nhớ: điều gì quan trọng được giữ lại, điều gì không quan trọng bị bỏ đi. Đối với những kỷ niệm trong thời thơ ấu thì không thể. Chúng không tương ứng với những biến cố quan trọng trong cuộc đời, dù theo quan niệm của đứa trẻ. Những biến cố đó tầm thường vô nghĩa lý đến nỗi nhiều khi ta tự hỏi tại sao ta lại không quên đi nhỉ? Tôi đã khảo cứu nhiều về sự mất trí nhớ trong thời thơ ấu và sự việc tại sao lại có nhiều kỷ niệm còn được giữ lại trong thời đó, mặc dầu đứa bé quên hết những điều khác. Tôi đi đến kết luận là ngay cả đối với trẻ con, chỉ những kỷ niệm quan trọng mới không bị mất đi thôi. Chỉ có điều là những sự hoạt động tinh thần như sự cô đọng, sự di chuyển mà điều quan trọng được thay thế bằng những yếu tố kém quan trọng hơn trong trí nhớ. Vì sự kiện đó tôi gọi những kỷ niệm trong thời thơ ấu là những kỷ niệm bao bọc bề ngoài, chỉ cần phân tích kỹ lưỡng là chúng ta lôi được nhưng cái gì che giấu dưới cái bao đó ra.
Trong việc trị bệnh bằng phân tâm học, chúng ta luôn luôn phải lấp những chỗ trống trong các kỷ niệm về thời thơ ấu. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đã được những kết quả khả quan, nghĩa là gợi lại được những điều xảy ra trong thời thơ ấu đã bị quên đi. Những cảm giác gợi lại được đó không bao giờ bị quên nữa, mà chỉ lùi dần vào trong phạm vi của vô thức, lúc nào cũng tiềm tàng trong đó, rất khó nhận biết. Nhưng cũng có khi chúng bất thần từ trong vô thức hiện ra, nhất là trong giấc mơ. Do đó, đời sống giấc mơ tìm được cách lọt vào trong vô thức để thấy lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. Chúng ta có nhiều ví dụ rất hay trong văn chương, chính tôi cũng có thể hiến cho các bạn một thí dụ như thế. Đêm nọ tôi nằm mơ thấy một người nào đó giúp cho tôi một việc gì, tôi thấy người đó rõ ràng trước mắt. Đó là một người thấp, béo, mắt chột hai vai to, đầu rụt. Tôi cho rằng đó là một ông thầy thuốc. Dạo đó mẹ tôi còn sống, tôi hỏi mẹ tôi xem ông bác sĩ trong thành phố quê hương của tôi mà tôi rời bỏ khi mới có ba tuổi ra sao thì mẹ tôi cho biết rằng ông ta người thấp, béo, cổ rụt, vai so, mắt chột. Mẹ tôi cũng nói cho tôi biết ông thầy thuốc đã chăm sóc cho tôi trong trường hợp nào. Việc tìm lại những vật liệu bị quên lãng trong những năm đầu tiên của thời thơ ấu chính là một đặc điểm của tính cách cổ lỗ của giấc mơ.
Chúng ta cũng có thể giải thích như trên đối với một trong các điều bí ẩn khác mà từ trước tới nay chúng ta chưa giải thích được. Tôi đã trình bày cùng các bạn rằng, giấc mơ thường bị kích động bởi những sự ham muốn tình dục xấu xa, nhiều khi không thể kìm hãm được, đến nỗi giấc mơ phải chịu sự kiểm duyệt và biến dạng đi. Khi chúng ta giải thích những giấc mơ đó lại cho người nằm mơ nghe thì người này ầm ầm phản đối; ngay cả khi họ chấp nhận sự giải thích của chúng ta, họ cũng tự hỏi không hiểu sao lại có thể có sự ham muốn như thế, thực trái hẳn với tính tình, khuynh hướng và tình cảm thường ngày của họ. Chúng ta phải lập tức cho họ biết ngay nguồn gốc của những sự ham muốn đó. Những sự ham muốn xấu xa như thế thường bắt nguồn từ trong dĩ vãng, nhiều khi rất gần. Chúng ta có thể chứng minh được rằng ngày xưa những ham muốn đó có được người nằm mơ biết đến. Chúng ta cắt nghĩa cho một bà nghe giấc mơ của bà ta có nghĩa là bà mong muốn cho cô con gái 17 tuổi của bà chết đi, và bà công nhận rằng quả có một thời bà muốn như thế. Đứa bé được sinh ra sau một sự thành hôn gượng ép và đã đi đến sự tan vỡ. Trong lúc có mang đứa bé, trong một cuộc cãi lộn với chồng, bà ta đã lấy tay đấm thùm thụp vào bụng hy vọng là sẽ làm cho cái bào thai bị chết. Có biết bao nhiêu người mẹ bây giờ yêu con như điên, nhưng ngày xưa đã có một thời không hề mong muốn có con, mong cho đứa con chết trước khi sinh, biết bao nhiêu bà đã bắt đầu có những hành động tội ác nhưng may mắn không xảy ra sự gì. Vì thế lòng ham muốn một người mình yêu quý chết đi thường bắt nguồn từ buổi đầu gặp gỡ với người đó.
Chúng ta giải thích cho một người cha biết rằng giấc mơ của ông có nghĩa là ông mong muốn đứa con trai cả mà ông yêu quý chết đi, ông ta công nhận là có một thời quả ông có mong muốn như thế thực. Trong lúc đứa bé còn bú, ông không hài lòng về cuộc hôn nhân, thường tự nhủ là nếu đứa bé chết đi ông sẽ tự do hơn và lợi dụng được sự tự do đó một cách dễ chịu hơn. Trong nhiều trường hợp thù ghét người ta cũng tìm thấy nguyên do tương tự. Những kỷ niệm này có liên can đến những sự kiện thuộc về dĩ vãng, đã từng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, đã từng được ý thức bởi đương sự. Các bạn sẽ nói rằng, khi thái độ của chúng ta đối với một người nào đó không thay đổi hay tỏ ra luôn tốt đẹp thì những sự ham muốn và những giấc mơ nói trên không thể có được. Tôi chấp nhận ý kiến đó, nhưng nhắc các bạn rằng các bạn cần để ý đến ý nghĩa của giấc mơ do sự giải thích đưa ra chứ không nên để ý đến sự biểu thị bằng lời nói của người nằm mơ. Có thể trong giấc mơ rõ ràng cái chết của một người thân hiện ra dưới một hình thức ghê sợ, nhưng trong thực tế lại có một ý nghĩa khác hẳn hay chỉ dùng người mình yêu quý để thay thế cho một người khác thôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.