Phân Tâm Học Nhập Môn
Chương 2 – Phần 3
Kỹ thuật này quả thực rất giản dị nhưng tôi sợ các bạn lại phản đối. Và các bạn sẽ bảo: “Đó là một điều giả dụ mới.” Điều giả dụ thứ ba và điều này còn không đáng tin hơn hai điều kia nữa. Thế nào? Ông bảo người nằm mơ nói cho ông những điều anh ta nhớ lại về giấc mơ rồi ông ta coi luôn câu trả lời đầu tiên của anh ta như là một lời giải thích sao? Nhưng thực sự thì có thể là anh ta không nhớ lại hết và chỉ có trời mới biết anh ta nhớ lại điều gì. Chúng tôi không hiểu ông định chờ gì ở chúng tôi. Đáng lẽ phải vận dụng trí óc phê bình thì ở đây ông lại đòi hỏi chúng tôi tin tưởng ông quá đáng. Vả lại một giấc mơ không thể so sánh với sự lỡ lời vì trong giấc mơ có nhiều thứ lắm, mình phải chú ý đến những điều nào trong những điều người ta nhớ lại.
Các bạn nói đúng. Một giấc mơ khác một sự lỡ lời ở chỗ có nhiều yếu tố và chúng ta phải coi sự khác biệt này là quan trọng khi khảo sát. Vì thế tôi đề nghị chia giấc mơ ra thành nhiều yếu tố và xét từng yếu tố riêng biệt một, như thế chúng ta sẽ có một sự giống nhau với sự lỡ lời. Bạn cũng có lý khi cho rằng khi hỏi về từng yếu tố một trong giấc mơ cũng có thể là người nằm mơ sẽ trả lời anh ta không nhớ gì hết. Sau này bạn sẽ thấy là có những trường hợp một câu trả lời như thế chúng ta cũng dùng được, và điều kỳ lạ là đó lại chính là những trường hợp giúp cho chúng ta có được những ý tưởng vững chắc. Nhưng thường thường khi người ta nằm mơ trả lời là không nhớ gì cả, chúng ta sẽ vặn vẹo anh ta, hỏi đi hỏi lại, bảo cho anh ta biết là anh ta phải có một ý gì và sau cùng chúng ta sẽ thành công. Anh ta sẽ cho chúng ta một ý kiến bất cứ ý kiến nào cũng được, không quan hệ gì, anh ta sẽ cho chúng ta rất dễ dàng những ý kiến mà anh ta gọi là ý kiến lịch sử. Anh ta sẽ nói: “Sự việc xảy ra chiều hôm qua” hay “ Điều này làm tôi nhớ lại việc mới xảy ra gần đây.” Làm như thế dần dần chúng ta sẽ thấy là những giấc mơ thường gắn liền với những cảm tưởng nhận được trong ngày gần đó và sự việc này xảy ra luôn luôn hơn là chúng ta tưởng lúc đầu. Sau cùng, đi từ giấc mơ anh chàng đó sẽ bắt đầu nhớ lại những điều rất xa xôi, nhiều khi xa xôi lắm.
Tuy nhiên nếu về những ý kiến phụ bạn có lý thì về điểm cần thiết bạn lại không có lý. Bạn tưởng rằng tôi đã hành động võ đoán khi coi câu trả lời đầu tiên của người nằm mơ là một lời giải thích, một điều đem lại cho tôi điều tôi muốn tìm hay chỉ vẽ cho tôi con đường phải theo; bạn không có lý khi cho rằng câu trả lời của người nằm mơ sẽ không liên quan gì đến những điều tôi đang tìm và nếu tôi đang chờ đợi có một điểm gì tức là tôi đang tin tưởng quá đáng. Có lần tôi đã trách các bạn về điểm quá tin tưởng vào sự tự do và tính cách tự nhiên về phương diện tâm lý, tôi đã có dịp nói rằng một sự tin tưởng như thế là phản khoa học, không thể đứng vững được trước sự đòi hỏi của thuyết định mệnh tinh thần. Khi người ta được hỏi đưa ra một ý kiến, chúng ta đứng trước một sự kiện mà chúng ta phải chấp nhận. Nói như thế chúng tôi không muốn đưa ra một ý kiến này để phản đối một ý khác. Người ta có thể chứng tỏ được rằng ý kiến đó người được hỏi đưa ra không phải là không liên quan gì đến điều chúng ta tìm. Tôi vừa được tin là môn tâm lý học thực nghiệm cũng vừa cho chúng ta những bằng chứng như thế tuy tôi cũng không tin tưởng quá đáng vào sự việc đó.
Vì là vấn đề quan trọng, tôi yêu cầu các bạn chú ý đặc biệt. Khi đòi hỏi một người nào đó cho tôi biết ý nghĩ gì đã đến trong đầu óc anh ta về một điểm nhất định nào đó trong giấc mơ tôi yêu cầu, người đó cứ để cho ý kiến tự nhiên liên tưởng với nhau khi đi từ một ý kiến nguyên thủy. Điều này cần một sự chú ý đặc biệt, một chiều hướng khác hẳn chiều hướng của sự suy nghĩ. Có nhiều người tìm thấy chiều hướng đó dễ dàng, nhiều người khác lại gặp phải khó khăn trong vấn đề này. Vậy mà sự tự do liên tưởng có một giá trị rất cao: ví dụ khi tôi bỏ rơi sự hình dung nguyên thủy mà chỉ để ý đến tính chất của ý kiến đó thôi, ví dụ như yêu cầu đương sự tự do nghĩ đến một tên riêng hay một con số nào đó. Một ý tưởng như thế còn võ đoán không lường được hơn là ý kiến dùng trong kỹ thuật của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể chứng tỏ rằng, trong trường hợp nào ý kiến này cũng được quy định bằng những sự việc nội thể. Những sự việc nội thể này khi có tác dụng, chúng ta không biết gì hơn là những khuynh hướng gây rối trong những hành vi sai lạc hay những khuynh hướng gây ra những hành vi bất chợt.
Tôi đã làm nhiều cuộc thí nghiệm như thế về những tên riêng và những con số đến tự nhiên trong óc. Nhiều người khác cũng làm như tôi, và nhiều công trình khảo cứu đã được in lên thành sách. Người ta dựa vào tên riêng vừa nghĩ đến để đề nghị những liên tưởng có tính cách liên tục, không phải là hoàn toàn tự do nhưng gắn liền ý nọ vào ý kia như những ý tưởng được gợi ra cho từng yếu tố một trong giấc mơ. Người ta cứ thế tiếp tục cho tới khi không còn gợi được thêm một ý nào nữa. Khi thí nghiệm chấm dứt người ta đứng trước một sự giải thích cho biết những lý do tại sao ý đó lại được hiện ra trong óc người được hỏi tên riêng đó gây nên, và cho chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của cái tên đó đối với người được hỏi. Những thí nghiệm bao giờ cũng đưa đến những kết quả như nhau, được làm với nhiều trường hợp khác nhau và cần phát triển thêm nhiều trường hợp khác nữa. Những sự liên tưởng do những con số gây nên còn có giá trị hơn nữa: những liên tưởng này tuôn ra nhanh và hướng về một mục đích còn được che giấu dưới một sự chắc chắn khó hiểu đến nỗi chúng ta đâm ra hoang mang khi nhìn chúng diễu qua. Tôi kể cho các bạn nghe một thí dụ thôi, một thí dụ đặc biệt có lợi vì có thể được trình bày mà không cần dài dòng lắm.
Một hôm, nói chuyện với một thân chủ, tôi cho người này biết rằng, mặc dầu với tính cách võ đoán bề ngoài của nó, mỗi khi người ta tự do nghĩ đến một cái tên riêng nào đó, tên đó thế nào cũng chịu ảnh hưởng của những chi tiết rất gần người đang nghĩ đến nó, của những điểm đặc biệt cùng tình trạng hiện thời của những người chịu thí nghiệm. Người đó có vẻ không tin tôi, đề nghị thử ngay. Biết anh chàng rất thích chạy quanh đàn bà, tôi nghĩ rằng khi bảo anh chọn tên một người đàn bà thế nào anh cũng tỏ vẻ lúng túng không biết chọn tên nào. Anh cũng công nhận điều đó. Nhưng tôi cũng như anh đều ngạc nhiên xiết bao khi thấy anh ngồi im một lúc, rồi nói ra mọi tên hiện ra trong đầu anh: Albine. Tôi bảo: “Lạ nhỉ. Trong đầu anh có gì dính dáng đến cái tên đó? Có bao nhiêu người đàn bà có tên đó trong số những người anh quen biết?” Không, anh không biết người đàn bà nào có cái tên như thế cả và trong óc anh không có gì dính dáng đến cái tên đó. Thế là hỏng chứ gì? Sự thực thì như thế là xong rồi, không cần phải có một ý nào mới có thể cắt nghĩa sự việc đó. Anh chàng trẻ tuổi này tóc rất vàng và trong khi thí nghiệm tôi luôn luôn gọi đùa anh là albinos (bạch tạng). Vả lại trong lúc đang thí nghiệm, tôi và anh ta đang xét về việc anh ta trông có vẻ con gái quá. Do đó, ta thấy Albine không ai khác hơn là anh ta, một người con gái mà anh ta để ý đến nhiều nhất.
Cũng như thế khi phân tích những bản đàn hiện ra trong đầu chúng ta, chúng ta thấy là sự xuất hiện của những bản đàn đó tùy thuộc vào một số ý kiến trong đầu chúng ta mà chúng ta có quyền để ý đến tuy không biết chúng hoạt động ra sao. Chúng ta có thể dễ dàng chứng tỏ rằng sở dĩ bản đàn đó có vẻ vô tình hiện ra những thực ra chính bởi vì bản văn của bản đàn đó hay nguồn gốc của nó. Tôi không nói đến những nhạc sĩ chính cống vì trong trường hợp những người này, sự xuất hiện của một bản đàn tự nó đã cắt nghĩa nhiều rồi. Nhưng có một anh chàng trong một thời gian rất lâu luôn luôn bị ám ảnh bởi bản đàn của Paris trong vở “Người đẹp Hèlène”. Sau khi phân tích người ta nhận ra rằng trong đầu anh ta luôn luôn có sự giằng co giữa hai người đẹp Ida và Hèlène.
Nếu những ý tưởng tự do xuất hiện, không bị ép buộc hay bị cố gắng nào chèn ép cũng được giải thích là có liên quan đến những trường hợp sẵn có trong chúng ta thì chúng ta có thể kết luận bằng những ý tưởng chỉ gắn liền vào một hình dung lúc đầu thôi cũng có thể quy định được. Phân tích cho thấy rằng, ngoài những liên quan gắn liền với hình dung nguyên thủy, những ý đó còn phụ thuộc vào những ý tưởng tình cảm, những mặc cảm, nghĩa là vô thức, trong lúc phát sinh.
Những ý tưởng phụ thuộc đó cũng đã được đem ra thí nghiệm rất hiệu quả và đã giữ trong môn phân tâm học một vai trò quan. Trường phái Wundt đề nghị thí nghiệm gọi là thí nghiệm về liên tưởng trong đó người chịu trách nhiệm sẽ trả lời rất nhanh bằng một phản ứng rất nhiều câu hỏi được coi như những sự kích động. Người ta cũng có thể khảo sát khoảng thời gian giữa sự kích động và phản ứng, tính chất của câu trả lời được coi như phản ứng, những sự lầm lẫn được coi như xảy ra nếu những thí nghiệm đó được làm đi làm lại nhiều lần v v… Dưới quyền điều khiển của Bleuler và Jung, trường phái Zurich đã cắt nghĩa được những phản ứng trong thí nghiệm nói rõ về những phản ứng của họ trong trường hợp những phản ứng này không rõ rệt bằng cách đặt các câu hỏi phụ. Lúc ấy người ta thấy rằng những phản ứng ít bộc lộ kỳ khôi đó có thể được quy định rất rõ ràng bằng những mặc cảm của người chịu thí nghiệm. Bằng nhận xét đó Bleuler và Jung đã bắc được một cây cầu giữa môn Tâm lý học thực nghiệm và môn phân tâm học.
Sau những điều trình bày này các bạn có thể bảo tôi là: “Chúng tôi công nhận rằng những ý tưởng được tự do suy nghĩ quả là có chịu ảnh hưởng nào đó chứ không phải chỉ là võ đoán như trước kia chúng tôi từng tưởng. Chúng tôi cũng công nhận rằng những ý đó có ảnh hưởng đến các giấc mơ. Nhưng đó không phải là điều chúng tôi chú ý đến. Ông nói rằng một ý tưởng phát sinh ra từ một yếu tố của một giấc mơ được quy định bằng đời sống tinh thần tiềm tàng đằng sau yếu tố đó và đời sống tinh thần đó chưa được tìm hiểu. Vậy mà điều đó chúng tôi thấy là chưa hề được chứng minh. Chúng tôi thấy trước rằng một ý tưởng phát sinh ra so với một yếu tố của một giấc mơ thế nào cũng phụ thuộc vào những phức thể của người nằm mơ. Những nhận xét này có lợi ích gì? Đáng lẽ phải giúp cho chúng ta hiểu rõ giấc mơ nó chỉ cho chúng ta biết là có những phức thể đó thôi. Mà mặc cảm này thì có liên lạc gì với những giấc mơ?”
Các bạn nói đúng, nhưng không trông thấy một điều và điều đó chính là lý do tại sao không lấy thí nghiệm về sự liên tưởng làm điểm khởi đầu trong cuộc khảo sát này. Trong cuộc thí nghiệm này chúng ta võ đoán một trong các yếu tố quan trọng của phản ứng: đó là tiếng được dùng làm vật kích động. Lúc đó tiếng này trở thành một cái móc trung gian giữa tiếng kích động và mặc cảm do tiếng này gợi ra cho người chịu thí nghiệm. Trong giấc mơ tiếng kích động được thay thế bằng một điều gì trong đời sống tinh thần của người nằm mơ. Điều này bắt nguồn ở đâu không ai biết và cũng có thể kết quả của một phức thể. Vì thế cho nên quả thực không phải là một sự quá đáng khi công nhận rằng, những ý tưởng về sau này gắn liền vào những yếu tố của một giấc mơ cũng phụ thuộc vào phức thể của yếu tố này và tất nhiên có thể giúp cho chúng ta tìm ra phức thể đó.
Các bạn hãy cho phép tôi trình bày một thí dụ khác để chứng tỏ rằng sự việc xảy ra đúng như chúng ta mong đợi. Sự quên lãng các tên riêng cũng gồm có nhiều diễn biến giống như những diễn biến trong giấc mơ, chỉ có khác một điều là trong quên lãng mọi sự diễn biến đều tiến hành trong một người thôi, trong khi với sự giải thích giấc mơ chúng ta phải chia đôi cho hai người. Mỗi khi tôi quên hẳn một tiên riêng, tôi dù sao cũng biết chắc rằng mình biết tên đó. Muốn cho người nằm mơ cũng có sự chắc chắn này chúng tôi phải dùng thí nghiệm của Bernheim. Chỉ có điều là tôi không làm sao biết được cái tên quên đó là gì. Tôi cứ việc cố gắng để gợi lại trong óc người nằm mơ: chẳng mấy lúc mà tôi sẽ thấy những cố gắng này không đi đến đâu cả. Tuy nhiên tôi có thể gợi ra thực nhiều tên để thay thế vào những cái tên bị quên lãng. Mỗi khi một cái tên bị thay thế đó hiện ra trong óc tôi thì tôi với người nằm mơ ở vào tình trạng hoàn toàn giống nhau. Yếu tố của giấc mơ không phải là một cái gì có thực: nó chỉ có nhiệm vụ thay thế một cái gì mà tôi không biết và phân tích sẽ làm cho biết. Sự khác biệt duy nhất giữa hai tình trạng đó là ở chỗ trong việc quên tôi nhận ra ngay là một tên nào đó gợi lên chỉ là một cái tên dùng để thay thế trong khi trường hợp yếu tố của một giấc mơ thì chúng ta chỉ có thể đạt được đến chỗ đó sau bao nhiêu công trình khảo cứu lâu dài và khó nhọc. Nhưng ngay trong trường hợp quên tên chúng ta có cách để tìm lại tên thực khi tên này bị chìm trong vô thức. Khi tập trung tất cả tư tưởng vào việc tìm các tên thay thế, mỗi khi bất thần đưa ra một cái tên thay thế chúng ta cũng có thể sau bao nhiêu lần dò hỏi, ngoằn nghèo tiến tới cái tên bị quên và nhận thấy rằng những cái tên thay thế đột nhiên hiện ra cũng như các tên do chúng ta gợi lên đều có liên lạc chặt chẽ với cái tên bị quên và phụ thuộc vào nó.
Vả lại đây là một sự phân tích thuộc loại đó: một hôm tôi thấy rằng mình quên tên xứ Riviera trong đó tên Monte-Carlo là một thành phố được biết đến nhiều nhất. Bực quá, nhưng sự thực là như thế. Tôi duyệt lại tất cả những điều mình biết về xứ đó, nghĩ đến ông hoàng Albert, đến tòa Matignon-Grimaldi, đến đám cưới của ông hoàng, đến sự ham mê thám hiểm dưới biển của ông ta, đến nhiều liên can đến xứ đó lắm nhưng không ăn thua gì. Tôi thôi không tìm nữa và cho những tên thay thế hiện ra cạnh cái tên bị quên: nào Monte-Carlo, nào Pirémant, nào Albanie, Montevideo, Colico. Trong những tên đó tên Albanie được tôi chú ý đến nhưng được thay bằng Montenegro vì sự phản trí giữa đen và trắng. Tôi nhận thấy rằng trong những tên đó có bốn tên có chữ Mon, thế là tôi nhớ ra và kêu lên: Monaco. Vậy là những tiếng thay thế thực sự đều xuất phát từ tên bị quên, bốn tên thứ nhất có vần đầu Mon, tên cuối cùng có những vần sau và nhất là vần cuối. Tôi cũng tìm ra luôn lý do làm cho tôi quên tên Monaco: Chính chữ Munchen tên Đức của Monaco đã là cho tôi quên hẳn chữ đó.
Thí dụ vừa kể chắc chắn tốt đẹp nhưng quá đơn giản. Trong trường hợp khác chúng ta phải tập trung nhiều tên hơn nữa mới có thể làm cho giống những sự xảy ra trong giấc mơ. Tôi đã làm các cuộc thí nghiệm như thế. Một hôm có một người lạ mặt mời tôi uống rượu vang Ý. Nhưng khi vào đến tiệm rượu anh ta không làm sao nhớ lại được cái tên thứ rượu mà anh ta rất thích nên mới mời tôi uống. Sau khi đưa ra rất nhiều tên để thay thế vào cái tên bị quên, tôi đi đến kết luận rằng sự quên lãng này là hậu quả của một sự cấm đoán nào đó có dính dáng đến cái tên Hedwige. Tôi nói cho anh bạn mới nghe, không những anh nhận rằng quả có một lần anh uống thứ rượu này với một người đàn bà tên là Hedwige mà anh ta còn nhớ được cái tên đã bị quên nữa. Dạo đó anh ta có vợ và đang sống yên ấm trong gia đình nên không muốn nhớ lại cái tên Hedwige của một thời xa xưa.
Tất cả những gì giúp cho chúng ta tìm lại được một cái tên bị quên lãng chắc cũng sẽ giúp được chúng ta trong việc giải thích một giấc mơ: chắc chắn chúng ta tìm hiểu được những yếu tố còn ẩn náu, chưa được biết đến bằng cách đưa ra nhiều sự liên tưởng ức đoán để thay thế những yếu tố nào đó mà chúng ta dùng làm khởi điểm. Theo như thí dụ trong việc quên tên chúng ta phải cho rằng những liên tưởng có dính dáng đến một yếu tố đó trong giấc mơ cũng có thể tìm ra được nhờ chính yếu tố đó và bức bình phong vô thức đằng sau. Nếu những điều giả dụ của tôi đúng thì kỹ thuật của chúng ta sẽ được chứng minh luôn.
Nội dung rõ ràng là những ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ
Các bạn hẳn đã thấy sự khảo sát của chúng ta về những hành vi sai lạc đã không vô ích. Nhờ những cố gắng trên phương diện này chúng ta đã đạt được hai kết quả: một quan niệm về yếu tố của giấc mơ và một kỹ thuật giải thích giấc mơ. Về yếu tố của giấc mơ chúng ta biết là nó không xác thực, nó chỉ dùng để thay thế vào điều mà người nằm mơ không biết cũng như chúng ta không biết gì về khuynh hướng trong những hành vi sai lạc của chúng ta, chỉ có khác là người nằm mơ có sẵn trong đầu mình yếu tố đó nhưng không biết được. Chúng ta hy vọng có thể mở rộng quan niệm này ra đối với toàn thể giấc mơ, nghĩa là coi giấc mơ như là nhiều yếu tố tạo thành. Kỹ thuật của chúng ta là để sự liên tưởng này để rồi tìm ra xem nội dung vô thức của giấc mơ như thế nào.
Bây giờ tôi đề nghị thay đổi một chút về những danh từ đang dùng để cho sự hoạt động được tự do hơn. Đáng lẽ nói: ẩn náu, không biết được, không xác thực, chúng ta sẽ nói: vô thức hay không vào được trong tri thức của người nằm mơ. Cũng giống như trong những trường hợp quên tên hay những khuynh hướng phát sinh ra một hành vi sai lạc, trong giấc mơ chỉ có những cái gì không được ý thức trong một thời gian. Đối lập với tính cách vô thức giới hạn trong thời gian này những yếu tố của những giấc mơ và những hình dung dùng thay thế cho sự liên tưởng đạt được sẽ gọi là hữu thức. Danh từ này thực ra chưa ngụ ý rằng chúng ta đã có một hành động kỹ thuật nào đối với nó. Người ta quả không thể chê trách gì chúng ta khi chúng ta dùng chữ vô thức để diễn tả cho thực dụng và cho dễ hiểu.
Nếu chúng ta mở rộng quan niệm này từ một yếu tố đơn độc của toàn thể giấc mơ đến toàn giấc mơ, chúng ta sẽ thấy giấc mơ là một hình thức đã được sửa đổi của một biến cố vô thức và sự giải thích giấc mơ có mục đích tìm ra cái vô thức này. Từ nhận xét này, chúng ta có thể rút ra ba nguyên tắc mà chúng ta phải theo trong công việc giải thích:
1. Vấn đề tìm hiểu xem giấc mơ khác có nghĩa lý gì đối với chúng ta không có gì quan trọng. ý nghĩa này có thể rõ ràng hay khó hiểu, dễ hiểu hay mập mờ, cũng chẳng có gì quan hệ bởi lẽ ý nghĩa đó chẳng hình dung gì được cái vô thức mà chúng ta đang tìm (tuy nhiên sau này chúng ta sẽ thấy là nguyên tắc này cũng là ngoại lệ).
2. Công việc của chúng ta là gợi nhớ ra những hình dung có thể thay thế được chung quanh các yếu tố của giấc mơ mà không cần suy nghĩ, không cần tìm hiểu xem những hình dung này có chứa đựng cái gì đúng hay không, không cần tìm cách hiểu xem những hình dung này có đưa ta đi xa các yếu tố trong giấc mơ hay không và nếu có thì trong giới hạn nào.
3. Chúng ta hãy chờ cho tới khi nào vô thức đang ẩn náu, đang tìm đột nhiên xuất hiện giống như trong trường hợp chữ Monaco ở trên.
Bây giờ hẳn là chúng ta hiểu rằng chúng ta không hề cần biết người nằm mơ có thể nhớ lại giấc mơ đến giới hạn nào, đúng hay sai tới mức nào, bởi lẽ giấc mơ mà người ta nhớ lại không phải là điều chúng ta cần tìm. Nó chỉ là một hình thức thay thế được sửa đổi của cái mà chúng ta đang tìm nghĩa là dùng những hình thức thay thế khác do chúng ta gợi ra để làm cho cái vô thức trở thành hữu thức, tức là điều nhớ lại bị biến dạng một lần nữa và lần này tất cũng phải có nguyên do.
Công việc giải thích này chúng ta có thể làm đối với chính các giấc mơ của chúng ta cũng như đối với giấc mơ của người khác. Nhưng đối với giấc mơ của chính chúng ta thì chúng ta sẽ học được nhiều hơn bởi lẽ trong trường hợp này sự giải thích dễ chứng minh hơn. Ngay khi bắt đầu làm công việc này chúng ta đã gặp trở ngại. Chúng ta có thực nhiều ý kiến nhưng những ý kiến này hiện ra không rõ rệt. Chúng ta phải thử thách và lựa chọn. Đối với một ý tưởng chúng ta bảo: không được, ý này không phù hợp với giấc mơ, không dùng được; đối với một ý khác: khó hiểu quá đối với một ý thứ ba: chỉ có tính cách thứ yếu. Rồi ta nhận thấy rằng theo lối đó các ý tưởng hoặc sẽ bị bóp nghẹt hoặc là bị sa thải trước khi nó có thể trở nên rõ ràng. Vì thế cho nên một đằng người ta để ý quá nhiều đến sự hình dung đầu tiên, đến yếu tố của giấc mơ, một đằng người ta làm cho kết quả của sự liên tưởng rối bung lên vì có thành kiến về lựa chọn. Khi người ta để cho người khác giải thích giấc mơ của chúng ta thay vì tự làm lấy, quả là một lý do mới đã xuất hiện trong việc lựa chọn người giải thích. Có khi người ta tự nhủ: không, ý này khó chịu quá, tôi không muốn xét đến.
Tất nhiên những sự bài bác đó gây trở ngại cho công việc của chúng ta. Chúng ta phải đề phòng chống lại chúng: khi chúng ta tự giải thích, chúng ta phải cương quyết chống lại chúng, nhất định không nhượng bộ: khi giải thích hộ người khác, chúng ta bắt buộc họ phải theo một điều kiện thực chặt chẽ là không bỏ qua ý tưởng nào hiện ra trong đầu họ mà họ không nói ra cho ta biết dù rằng người kia cho rằng ý đó không liên hệ, khó hiểu, không liên quan gì đến các giấc mơ hay khó chịu không muốn nói ra. Người kia phải hứa là theo đúng quy tắc đó, những chúng ta cũng không nên nổi giận khi họ không giữ lời hứa. Có người cho rằng dù làm thế nào chúng ta cũng không thể thuyết phục đương sự, rằng họ phải để cho sự liên tưởng được tự do tung hoành, rằng muốn thuyết phục được họ chúng ta phải giảng giải lâu dài bằng cách chúng ta cho họ đọc thật nhiều sách vở hay tham dự các buổi nói chuyện. Làm như thế chúng ta sẽ vấp phải một sai lầm nghiêm trọng, và muốn tránh khỏi sai lầm này chỉ cần tự chủ là ngay cả khi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào điều chúng ta nghĩ, chúng ta vẫn thấy nẩy ra những ý tưởng phê bình chỉ trích, và những sự phê bình này chỉ được gạt ra ngoài một thời gian sau đó thôi.
Thay vì bực tức trước sự khó bảo của đương sự, chúng ta có thể lợi dụng những cuộc thí nghiệm để tìm ra những bài học mới. Những bài học này càng quan trọng hơn lên khi chúng ta càng ít chờ đợi chúng. Công việc giải thích phải tiến hành mặc dù có những trở ngại và sự trở ngại này chính là những ý tưởng chống đối nói trên. Sự chống đối này không hề phụ thuộc vào quan niệm lý thuyết của người nằm mơ. Chúng ta còn học thêm được điều này nữa, đó là những ý tưởng chống đối không bao giờ đúng cả. Trái lại, những ý tưởng mà mình muốn kìm hãm bao giờ cũng là những ý tưởng quan trọng nhất, có tính cách quyết định nhất trong công việc đi tìm vô thức. Một sự chống đối loại đó chính là đặc điểm của một ý tưởng đi kèm.
Sự chống đối đó là điều mới lạ mà chúng ta tìm ra được những giả thuyết đưa ra không phụ thuộc gì vào những giả thuyết đó. Yếu tố mới này cho bài toán một sự ngạc nhiên không thể nói là dễ chịu. Chúng ta có cảm tưởng là nó phát hiện không phải làm dễ dàng công việc của chúng ta, có thể làm tê liệt những cố gắng của chúng ta để giải quyết vấn đề giấc mơ. Khảo sát một công việc rất ít quan trọng như giấc mơ, mà lại vấp phải những trở ngại lớn lao về kỹ thuật đến như thế. Nhưng trái lại những khó khăn đó khuyến khích chúng ta và cho ta thấy sự cố gắng không phải là vô ích. Bao giờ chúng ta cũng gặp khó khăn khi muốn từ những hình dung thay thế cho các yếu tố trong giấc mơ để đi sâu vào cái vô thức đang ẩn náu. Vì vậy chúng ta có quyền cho rằng đằng sau cái hình dung thay thế đó phải có một cái gì quan trọng. Vậy những khó khăn này có lợi ích gì nếu chúng ta tiếp tục giam hãm cái điều gì đang ẩn náu đó? Khi một đứa bé nhất định không mở bàn tay ra xem bên trong có gì thì nhất định là bên trong bàn tay đó có cái gì mà nó không có quyền giấu giếm.
Ngay lúc chúng ta đưa ra cái quan niệm về sự chống đối, chúng ta phải báo trước đó chỉ là một yếu tố luôn luôn thay đổi về số lượng. Sự chống đối có thể to hay nhỏ, nó sẽ luôn luôn ngăn cản công việc của chúng ta. Chúng ta có thể gắn liền sự kiện này vào những thí nghiệm đã làm trong việc giải thích giấc mơ. Vì thế có nhiều trường hợp chúng ta chỉ cần có một ý tưởng hay một số ít ý tưởng là cũng đủ đi từ một yếu tố của giấc mơ đến cái vô thức, nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng ta lại phải dùng không biết bao nhiêu ý tưởng và phải bác bỏ những ý kiến chống đối. Chúng ta có thể có lý khi cho rằng những sự khác biệt này là do sự chống đối mạnh hay yếu. Khi sự chống đối yếu ớt thì khoảng cách giữa các yếu tố giấc mơ và cái vô thức là rất ít; nhưng khi chống đối mạnh thì lập tức phát sinh ra những biến dạng của vô thức làm cho khoảng cách càng xa hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.