Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 2 – Phần 4



Có lẽ đã đến lúc đem kỹ thuật này áp dụng vào một giấc mơ để xem những điều chúng ta chờ đợi vào kỹ thuật đó có đúng không? Được lắm, nhưng dùng giấc mơ nào bây giờ? Các bạn không thể nào tưởng tượng rằng sự lựa chọn đối với tôi lại khó khăn như thế. Tất nhiên là thế nào chẳng có những giấc mơ không bị biến dạng nhiều, có lẽ nên bắt đầu bằng những giấc mơ đó thì hơn. Nhưng những giấc mơ ít bị biến dạng nhất là những giấc mơ nào? Có phải là những giấc mơ hữu ý không lơ mơ như trong hai thí dụ đã nói cho các bạn nghe không? Không đâu. Phân tích ra người ta sẽ thấy là những giấc mơ đó biến dạng ghê gớm. Nếu bây giờ tôi chọn bất cứ giấc mơ nào thì các bạn lại thất vọng. Bởi vì có thể chúng ta sẽ nhận ra nhiều yếu tố khác nhau khiến cho công việc trở thành phức tạp quá không làm được. Nếu chép lại giấc mơ, ghi lại hết những điều xuất hiện dần dần thì bao nhiêu pho sách cũng chả đủ. Vì thế có lẽ chúng ta nên chọn giấc mơ ngắn. Đó là điều mà chúng ta sẽ làm trừ phi trong lúc làm việc chúng ta tìm được những giấc mơ ít bị biến dạng thì không kể.

Có một cách khác cũng có thể làm dễ dàng công việc của chúng ta. Thay vì khảo sát toàn thể giấc mơ, chúng ta chỉ xét từng phần nhỏ để xem sau khi áp dụng kỹ thuật của chúng ta vào những thí dụ sẽ đưa đến những kết quả gì?

a. Một bà kể lại rằng trong thời thơ ấu bà thường nằm mơ thấy là Đức Chúa trời đội một cái mũ ni nhọn bằng giấy. Làm sao hiểu được giấc mơ này nếu không có sự giúp đỡ của người nằm mơ? Có phải là thực chẳng có nghĩa gì không? Nhưng bà ta kể cho chúng ta nghe rằng hồi nhỏ trong bữa cơm bà ta thường bị bắt buộc phải đội cái mũ ni như thế để khỏi đưa mắt nhìn sang đĩa các anh chị xem bọn họ có được ăn nhiều hơn mình không? Như thế là giấc mơ hẳn không còn vô nghĩa lý nữa. Vậy cái mũ ni chính là dùng để che mắt khỏi nhìn ngang nhìn ngửa. Đó là một điểu chỉ có tính chất lịch sử được đưa ra một cách dễ dàng. Do đó sự giải thích trở nên rõ ràng. “Vì tôi tin rằng Đức chúa trời biết hết, nhìn thấy hết nên giấc mơ chỉ có nghĩa rằng dù đội mũ ni tôi vẫn biết hết nhìn thấy hết, người ta chẳng làm sao ngăn cản được.” Nhưng thí dụ này có lẽ quá đơn giản.

b. Một bà thân chủ bi quan kể chuyện lại rằng bà ta nằm mơ thấy có một vài người nói chuyện với bà không ngớt khen ngợi cuốn sách của tôi về “Những tiếng nhanh trí” (Witz). Rồi bà ta nói đến một “con sông đào” có thể là một cuốn sách nói đến sông đào hay một cái gì dính dáng đến sông đào.. bà ta không biết rõ.. loạn cả lên.

Có lẽ các bạn cho rằng yếu tố “con sông đào” từ trên trời rơi xuống như thế sẽ rất khó giải thích. Tất nhiên là khó rồi nhưng không phải là không rõ ràng: trái lại không rõ ràng hay không giải thích được cũng đều do một nguyên nhân cả. Người nằm mơ không có ý niệm về con sông đào cả, tất nhiên về phần tôi, tôi không thể có điều gì để nói được. Nhưng sau đó, thực ra là ngày hôm sau, bà ta có một ý có lẽ đó dính dáng đến con sông đào. Thì ra đó là một gạch trí khôn mà ta đã được nghe. Trên chuyến tàu biển chạy đường Calais-Douvres một nhà văn nổi tiếng nói chuyện với một người Anh, người này nhắc lại câu: “Từ chỗ trác tuyệt đến chỗ lố bịch chỉ có một đường thôi.” Nhà văn trả lời: “Đúng rồi, đó là bước Calais.” Ý nhà văn muốn nói là theo ý của ông ta thì nước Pháp trác tuyệt còn nước Anh thì lố bịch. Nhưng bước Calais là một con sông đào trên bờ biển Manche. Các bạn sắp hỏi tôi có thấy gì liên quan đến ý này và giấc mơ không? Nhất định rồi và chính ý này đã cho chúng ta giải đáp bài toán. Có khi bạn ngờ rằng cái gạch trí khôn từ đó đã có từ lâu trước khi xảy ra giấc mơ. Ý này chứng tỏ sự bi quan của bà kia và sự bi quan này lại nấp sau một sự ngạc nhiên hết sức vô tình, do đó người ta mới hiểu tại sao ý tưởng đó lại xuất hiện chậm như thế và tại sao giấc mơ lại khó hiểu như thế. Liên quan giữa yếu tố của giấc mơ và nền tảng vô thức của yếu tố đó: yếu tố chỉ là một phần nhỏ vô thức, y như một ảo ảnh thôi, chính vì được tách rời ra khỏi tảng vô thức mà yếu tố giấc mơ trở thành không thể thiếu được.

c. Một người bệnh nằm mơ một giấc mơ khá dài: nhiều người trong gia đình ngồi chung quanh một cái bàn có một hình thù đặc biệt. Về cái bàn này anh ta nhớ lại là có lần đã trông thấy một cái bàn như thế tại nhà một người quen. Rồi những ý tưởng của anh cứ nối đuôi nhau mà ra; trong gia đình có hai cha con không hợp nhau lắm; anh thêm luôn rằng chính anh và ba anh cũng không hòa nhau như thế. Chính vì muốn chứng tỏ sự giống nhau này mà cái bàn hình thù đặc biệt xuất hiện trong giấc mơ.

Anh chàng này vốn quen với những sự đòi hỏi trong sự giải thích giấc mơ. Một người chưa quen sẽ ngạc nhiên khi thấy người ta để ý đến một chi tiết nhỏ nhặt như hình thù một cái bàn. Thực tế đối với chúng ta chẳng có chi tiết nào là nhỏ nhặt hay không quan trọng, chính nhờ sự tìm hiểu những chi tiết nhỏ nhặt đó mà chúng ta tìm được giải pháp cho các bài toán trong giấc mơ. Điều làm cho các bạn ngạc nhiên có lẽ là điều này: Tại sao người ta lại chọn cái bàn có hình thù đặc biệt để diễn tả ý tưởng: “Trong nhà chúng ta sự việc cũng xảy ra giống như ở nhà kia.” Nhưng bạn sẽ cắt nghĩa được ngay khi tôi cho bạn biết rằng cái gia đình đó là gia đình Tisbler (nghĩa là cái bàn). Khi cho các người thân trong gia đình ngồi xung quanh cái bàn, người nằm mơ đã xử sự như người trong chính gia đình này cũng tên là Tisbleer. Các bạn nên để ý là trong khi muốn giải thích một vài điểm trong giấc mơ nhiều khi mình cũng phải nói đến một vài điều có tính cách riêng tư. Đó chính là sự khó khăn lựa chọn. Đáng lẽ tôi phải thay giấc mơ này bằng một giấc mơ khác nhưng biết đâu trong thí dụ này tôi lại chẳng gặp một cái riêng tư hơn nữa.

Đến đây tôi phải đưa ra một ít danh từ nữa mà đáng lẽ mình phải dùng đến từ lâu rồi. Chúng ta sẽ gọi là nội dung rõ ràng của giấc mơ những điều người ta kể cho ta nghe về giấc mơ, và gợi lại những ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ những điều người ta giấu không nói đến hay ẩn náu trong giấc mơ, những ý tưởng mà người ta muốn tìm hiểu khi phân tích những ý tưởng gặp trong đó. Chúng ta hãy xét đến những liên quan giữa nội dung và ý tưởng tiềm tàng của giấc mơ. Những liên quan đó có thể có nhiều loại. Trong các thí dụ a và b nói trên nội dung cũng nằm trong thành phần của những ý tưởng tiềm tàng nhưng chỉ ít thôi. Một phần lớn tinh thần do các ý tưởng vô thức trong giấc mơ hợp thành đã in sâu vào trong nội dung giấc mơ với tính cách hoặc là những phần nhỏ, hoặc bằng cách ám chỉ, hoặc là những biểu ngữ có tính cách tượng trưng, những chữ vắn tắt dùng trong điện tín. Công việc giải thích là bổ túc những mảnh nhỏ, những ám chỉ đó như chúng ta đã thành công trong thí dụ b. Vậy sự thay thế bằng một mảnh nhỏ hay một ẩn ngữ trong giấc mơ chính là một trong các hình thức thay đổi của giấc mơ. Ngoài ra trong thí dụ chúng ta thấy xuất hiện một trường hợp tìm lại được hết sức rõ ràng trong những thí dụ sau đây.

d. Người nằm mơ kéo ra sau giường một bà mà anh quen biết. Ý tưởng đầu tiên đến trong đầu làm cho anh ta hiểu hết ý nghĩa của giấc mơ: anh thích người đó hơn các người khác (trong tiếng Đức chữ kéo theo sau hervorziehen với chữ thích hơn Vorzug cùng một gốc zug và ziehen).

e. Một người khác nằm mơ thấy em bị nhốt trong cái rương. Ý tưởng đầu tiên thay cái rương bằng một cái tủ và ý sau cho biết ý nghĩa của giấc mơ: em anh ta muốn giảm bớt chi tiêu (Schranktsich ein: nghĩa từng chữ là tự nhốt vào trong tủ).

f. Người nằm mơ thấy mình trèo lên một ngọn núi và tìm ra một phong cảnh rộng mênh mông. Chả còn gì tự nhiên hơn, có vẻ như không cần giải thích nữa, chỉ cần tìm xem một kỷ niệm nào liên quan đến giấc mơ và lý do nào đã làm cho kỷ niệm đó sống lại. Sai rồi. Giấc mơ này cũng cần được giải thích như bất cứ giấc mơ nào khác vì thực ra nó cũng rắc rối lắm. Người nằm mơ không hề nhớ đến một cuộc trèo núi, anh chỉ nghĩ đến người bạn cho anh xuất bản tờ tạp chí (Revue tiếng Đức là Rundschau: nhìn quanh) nói về những sự liên lạc của chúng ta với những miền xa xôi khác trên trái đất. Vậy trong trường hợp này ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ chính là sự đồng hóa người nằm mơ với người đã nhìn chung quanh mình và duyệt lại không gian đó (Rundschuer).

Ở đây chúng ta tìm ra một liên quan mới giữa nội dung rõ ràng của giấc mơ và những ý tưởng tiềm tàng trong đó. Nội dung không phải là một hình thức bị biến dạng của ý thức tiềm tàng nhưng là một hình dung của nó, hình dung nổi bật lên, cụ thể bắt nguồn từ thế giới của từ ngữ. Thực ra cũng là một sự biến dạng vì khi chúng ta nói lên một tiếng nào đó, chúng ta quên hẳn hình dung cụ thể phát sinh ra tiếng đó, thành ra khi nó được thay thế bằng một hình ảnh mới thì chúng ta không nhận ra nữa. Vì các giấc mơ thường gồm những hình ảnh thị giác là những ý tưởng hay tiếng nói nên chúng ta phải dành cho những liên quan mới này một vai trò quan trọng trong việc giải thích. Các bạn thấy ngay rằng trong giấc mơ rõ ràng ta có thể tạo ra một số hình ảnh dùng để thay thế những tư tưởng trừu tượng, và những hình ảnh này không hề phản trái với những ý tưởng tiềm tàng trong đó. Đó là kỹ thuật của chúng ta trong việc tìm ra giải đáp cho các bài toán về tính chất bí ẩn của những hình ảnh. Nhưng do đâu mà có sự liên kết giữa hình ảnh này? Đó là một vấn đề khác mà chúng ta không cần xét đến.

Tôi sẽ bỏ qua một lối thứ tư về sự liên quan giữa nội dung rõ ràng của giấc mơ và những ý tưởng tiềm tàng trong đó. Tôi sẽ nói đến khi nó tự xuất hiện trong kỹ thuật của chúng ta. Vì thế mà sự kê khai của chúng ta sẽ thiếu sót nhưng trong lúc này chúng ta không cần gì hơn.

Bây giờ bạn có can đảm tìm hiểu một giấc mơ hoàn toàn không? Chúng ta thử xem có đủ mọi thứ cần dùng trong công việc đó không? Tất nhiên chúng ta sẽ chọn một giấc mơ tuy không đến nỗi tăm tối lắm nhưng cũng sẽ có đủ mọi tính chất của một giấc mơ.

Vậy, một bà hãy còn trẻ, lấy chồng từ nhiều năm nay, nằm mơ như sau: bà ta cùng chồng đi xem hát, một phần rạp hát hãy còn trống. Chồng bà ta kể là Elise và vị hôn phu cũng muốn đi xem hát nhưng không tìm được chỗ tối, chỉ có những chỗ tối không nhận được (ba chỗ giá một florin và 50 kreuzer). Bà ra nghĩ rằng điều đó cũng chẳng có gì đáng tiếc hết.

Điều đầu tiên bà ta kể cho tôi nghe chứng tỏ rằng lý do của giấc mơ này nằm ngay trong nội dung rõ ràng rồi. Chồng bà ta quả thực có kể cho bà ta nghe là Elisa L., một người bạn cùng lứa tuổi vừa mới đính hôn xong. Vậy giấc mơ chính là một phản ứng đối với tin này. Chúng ta đã biết rằng trong nhiều trường hợp người ta rất dễ tìm thấy trong những biến cố xảy ra trong ngay lý do của giấc mơ, và lý do này dễ dàng được các người nằm mơ xác nhận. Bà nằm mơ này cũng hiến cho chúng ta những tin tức cùng loại để hiểu những yếu tố khác của giấc mơ. Do đâu mà có chi tiết về sự rạp hát vắng khách? Chi tiết này ám chỉ đến một sự việc có thực xảy ra ở tuần trước. Định đi xem một vở kịch bà ta mua vé trước rất lâu, lâu đến nỗi phải trả thêm tiền giữ chỗ. Nhưng khi đến rạp hát bà ta thấy rằng mình mua vé trước là một điều dại dột vì phần lớn rạp hát còn trống. Giá có đợi đến tận ngày trình chiếu mới mua vé cũng chẳng thiệt hại gì. Ông chồng bà ta cũng nói đùa với bà về sự hấp tấp quá lo xa đó. Thế còn đâu có chi tiết về số tiền 1fl 50kr? Chi tiết này cũng bắt nguồn ở một sự việc có thật xảy ra trước ngày nằm mơ tuy không dính dáng gì đến việc vừa kể ở trên. Người em gái chồng bà vừa được chồng bà cho một món tiền 150 fl, vội vàng đem ngay ra hiệu kim hoàn mua một món đồ nữ trang. Thế còn chi tiết về con số ba (3 chỗ ngồi trong rạp hát)? Về vấn đề này bà ta không biết giải thích ra sao, chỉ nói rằng có lẽ con số 3 là do việc người bạn bà ta chỉ kém bà ta có ba tháng mà mãi năm nay mới đính hôn trong khi bà ta đã lấy chồng mười năm rồi. Thế tại sao chỉ có hai người mà mua tận ba vé? Bà khách không nói cho biết và từ chối không chịu nhớ lại gì thêm.

Nhưng những điều bà ta cho chúng ta biết đủ để cho ta rõ đâu là những ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ, bà khách đã nhiều lần cho ta biết những chi tiết có liên quan đến nhiều sự việc cùng một lúc. Trước hết những chi tiết này có tính chất thời gian. Bà ta đã nghĩ đến việc mua vé quá sớm, đã mua vé trước quá sớm, và do đó phải trả đắt hơn thường lệ; người em chồng đã quá vội vàng trong việc đi mua nữ trang chỉ sợ không mua được thôi. Nếu bây giờ chúng ta thêm vào những sự việc quá sớm, quá vội vàng, những sự việc dính dáng đến người bạn gái chỉ kém mình ba tháng vừa đính hôn với một người rất khá, việc trách cô em chồng quá vội vàng, chúng ta có thể tìm ra những ý tưởng tiềm tàng sau đây trong giấc mơ trong khi nội dung giấc mơ chỉ là một sự biến dạng của những ý tưởng đó thôi.

“Tôi lấy chồng vội vàng quá là một điều vô tích sự. Cô bạn gái vừa đính hôn xong đã cho tôi thấy là giá mình có chờ đến tận ngày nay mới lấy chồng cũng chẳng thiệt thòi gì. (Sự vội vã được diễn tả trong giấc mơ bằng sự việc mua vé quá sớm, cô em chồng quá vội vã trong việc đi mua nữ trang. Còn việc lấy chồng thì được thay bằng việc cùng chồng đi xem hát). Ý chính của giấc mơ là như thế. Chúng ta có thể tiếp tục nhưng không được chắc chắn như trên, bởi vì những điều dưới đây không được chính miệng bà ta xác nhận: “Và với cùng một số tiền đáng lẽ tôi phải mua được một thứ gì đáng giá trăm lần hơn (150 fl bằng một trăm lần số tiền 1fl 50).” Nếu thay chữ tiền bằng chữ hồi môn ta sẽ hiểu là với số tiền hồi môn chúng ta có thể mua được một người chồng: món đồ nữ trang và những vé xem hát là những khái niệm thay thế khái niệm người chồng. Không biết có phải là con số 3 vé cũng dính dáng đến một người đàn ông nào không? Nhưng không có chi tiết nào cho phép chúng ta đi xa như thế. Chúng ta chỉ cần tìm thấy là giấc mơ chứng tỏ rằng bà khách này không yêu chồng và hối rằng đã lấy chồng quá sớm.

Theo tôi thì kết quả của sự giải thích này làm chúng ta ngạc nhiên bối rối hơn là thỏa mãn. Có nhiều điều xuất hiện ra quá khiến chúng ta không biết đường nào mà mò. Ngay từ lúc này chúng ta đã thấy là không thể nào hiểu được hết những quy tắc đó. Chúng ta hãy rút ra những dữ kiện mà ta cho là chắc chắn mới lạ:

Thứ nhất: Điều ngạc nhiên là ý tưởng quá vội vàng có trong các ý tưởng tiềm tàng mà không có nội dung rõ ràng của giấc mơ. Nếu không phân tích có lẽ chẳng bao giờ người ta ngờ là có yếu tố đó. Tức là có thể rằng, điểm chính trong một giấc mơ, trung tâm điểm của các ý tưởng vô thức, không hiện ra trong nội dung rõ ràng của các giấc mơ, và điều này thay đổi sâu rộng những cảm giác mà giấc mơ để lại trong tâm trí ta.

Thứ hai: Trong giấc mơ có điểm thực khó hiểu: tại sao ba vé mà chỉ có 1fl 50? Chúng ta tìm thấy trong những ý của giấc mơ lời giải thích: lấy chồng quá sớm là điều dại dột. Chúng ta có thể phủ nhận rằng ý kiến đó là điều dại dột được hình dung bằng cách đưa ra một sự dại dột vào trong giấc mơ không?

Thứ ba: Chỉ cần nhìn sơ qua chúng ta cũng thấy rằng những liên quan giữa những yếu tố tiềm tàng và nội dung giấc mơ không đơn giản tí nào: dù sao thì cũng không phải lúc nào một yếu tố rõ ràng cũng thay thế một yếu tố tiềm tàng. Có thể là giữa hai thứ đó có những liên quan về toàn thể, một yếu tố rõ ràng và có thể thay thế nhiều yếu tố rõ ràng.

Chúng ta cũng có nhiều điều đáng ngạc nhiên về ý nghĩa của giấc mơ và về thái độ của người nằm mơ đối với giấc mơ. Bà khách quả có giúp đỡ chúng ta trong công việc giải thích nhưng không khỏi ngạc nhiên. Bà ta không biết là đối với chồng bà, bà lại có ý tưởng không kính trọng như thế: bà ta cũng không biết những lý do đã làm cho bà ta coi thường chồng như thế. Còn có nhiều điểm không hiểu được. Tôi cho rằng chúng ta chưa đủ trang bị để giải thích các giấc mơ, chúng ta còn cần nhiều chỉ dẫn và còn cần chuẩn bị nhiều nữa.

Những giấc mơ của trẻ con

Chúng ta có cảm tưởng là đã đi quá nhanh. Hãy lùi lại đằng sau một chút. Trước khi dùng kỹ thuật của chúng ta vượt qua được những khó khăn bắt nguồn từ sự thay hình đổi dạng của các yếu tố trong giấc mơ, chúng ta hãy tự nhủ là nên xoay quanh các khó khăn đó thì hơn, bằng cách hãy xét các giấc mơ có rất ít biến dạng hay nếu có thì những sự biến dạng đó cũng chẳng có gì quan trọng. Phương sách này trái lại với lịch sử phát triển của sự khảo sát của chúng ta, vì sự thực chính vì đã áp dụng kỹ thuật giải thích vào các giấc mơ bị biến dạng, chính vì đã phân tích rất kỹ lưỡng và đầy đủ những giấc mơ như thế mà chúng ta mới để ý đến sự có mặt của những giấc mơ không biến dạng.

Những giấc mơ chúng ta tìm trong lúc này là những giấc mơ trẻ con, những giấc mơ ngắn ngủi, rõ ràng, có đầu cuối, dễ hiểu, không làm cho hiểu lầm, những giấc mơ thực sự. Ngay cả trong những giấc mơ này cũng có nhiều điều thay đổi, ngay cả những đứa còn ít tuổi mà đã có những giấc mơ người lớn. Nhưng nếu chúng ta giới hạn vào khoảng tuổi mới bắt đầu có những hoạt động tinh thần là bốn hay năm tuổi thì những giấc mơ của những đứa trẻ này có đặc tính của những giấc mơ có thể gọi là giấc mơ trẻ con. Những giấc mơ này cũng có khi thấy ở những đứa trẻ lớn tuổi hơn và ngay cả ở những người lớn nữa.

Phân tích những giấc mơ trẻ con này, chúng ta biết được rất nhiều điều về tính chất giấc mơ nói chung một cách dễ dàng chắc chắn, có tính quyết định và có giá trị phổ thông.

1/ Để hiểu những giấc mơ này chúng ta không cần phân tích mà cũng chẳng cần kỹ thuật gì cả. Chúng ta không nên hỏi trẻ em trong lúc nó kể lại giấc mơ. Nhưng chúng ta phải bổ túc những điểu nó nói bằng những tài liệu có dính dáng đến nó. Trong giấc mơ bao giờ cũng có một biến cố trong ngày can dự vào. Giấc mơ chính là phản ứng của giấc ngủ đối với những biến cố trong ngày.

Đây là vài thí dụ:

a. Một chú bé 22 tháng phải đem biếu một người quen một giỏ anh đào. Chú bé quả thực không muốn làm như thế chút nào tuy rằng người ta hứa sẽ cho chú một ít anh đào. Sáng hôm sau chú kể lại là chú nằm mơ thấy mình chén hết những quả anh đào đó.

b. Một em bé gái 3 năm 3 tháng lần đầu tiên đi tàu trên biển. Lúc đến bến em không muốn lên bờ và khóc nức nở. Em có cảm tưởng như cuộc du lịch kết thúc quá sớm. Sáng hôm sau em kể lại: “Đêm qua em được đi chơi trên biển.” Chúng ta cần bổ túc cho em thêm là cuộc đi chơi này lâu hơn ý em muốn nói.

c. Một em trai năm tuổi rưỡi được dẫn đi chơi ở Escherntal gần Hallsalt. Em đã nghe nói rằng Hallsalt ở gần chân núi Daschtein mà em rất thích. Từ trong nhà em ở Aussee em có thể trông thấy núi Daschtein và dùng một viễn kính nhìn thấy ngọn Symonyhutte. Chú bé đã nhiều lần thấy viễn kính ra xem nhưng không ai biết kết quả ra sao. Cuộc đi chơi vì thế đối với chú bé rất vui, lòng tò mò được kích thích. Một lần nhìn thấy một ngọn núi chú lại hỏi: “Có phải Daschtein đấy không?”. Một lần được trả lời là không phải chú càng im lặng hơn, sau cùng chú không hỏi nữa. Mọi người tưởng chú mệt nhưng sáng hôm sau chú vui vẻ kể lại: “Đêm qua em nằm mơ thấy đi chơi núi Simonyhutte.” Như thế tức là chú đã đi chơi núi chỉ cốt đi thăm Simonyhutte thôi. Về các chi tiết chú chỉ nói chú được nghe nói đến một cái lều trên ngọn núi và muốn đi lên đó phải trèo núi trong sáu giờ.

Ba giấc mơ này đủ cho chúng ta những chi tiết cần dùng:

2/ Như các bạn đã thấy: những giấc mơ trẻ con này không phải là không có nghĩa: đó là những hoạt động tinh thần, đầy đủ, dễ hiểu, các bạn hãy nhớ lại những điều tôi nói về những ý kiến của các vị bác sĩ đối với những giấc mơ, về sự so sánh với ngón tay mà nhạc sĩ chạy trên những phím đàn. Chắc các bạn cũng nhìn thấy rõ sự phản trái giữa những giấc mơ trẻ con với những quan niệm này. Nhưng điều ngạc nhiên là những đứa bé cũng có những hoạt động tinh thần đầy đủ trong giấc ngủ, trong khi người lớn, cũng trong những điều kiện đó, lại có những phản ứng rất khác nhau. Chúng ta có đủ lý do để cho rằng giấc ngủ trẻ con ngon hơn và say hơn.

3/ Vì những giấc mơ trẻ con không bị biến dạng nên không cần giải thích. Nội dung và những ý tưởng tiềm tàng ở đây chỉ là một. Vậy sự biến dạng không phải là tính chất tự nhiên của giấc mơ. Tôi hy vọng là điều này sẽ cất khỏi ngực bạn một sức nặng. Nhưng tôi phải nói trước là dù vậy, khi suy nghĩ kỹ hơn chúng ta cũng có thấy một sự biến dạng rất nhỏ, một sự khác biệt nào đó giữa nội dung và ý tưởng tiềm tàng.

4/ Giấc mơ trẻ con là phản ứng của một biến cố trong ngày làm cho đứa bé có điều gì tiếc rẻ, buồn rầu, không thoải mái. Giấc mơ đem đến cho đứa bé sự thực hiện không cần giấu giếm ý muốn không được thỏa mãn trong ngày. Bây giờ các bạn hãy nhớ lại những điều chúng ta đã nói về vai trò của những sự kích động bên trong bên ngoài của thân thể được coi như hay làm rối loạn giấc ngủ và gây giấc mơ. Chúng ta đã học được nhiều sự kiện chắc chắn nhưng chỉ có ít sự kiện có thể được giải thích thôi. Trong giấc mơ trẻ con này không có gì chứng tỏ là đã có một sự kích động về cơ thể; về điểm này không còn gì là nghi ngờ nữa vì những giấc mơ này đều dễ hiểu, thoạt nhìn là hiểu ngay. Nhưng đó không phải là một lý do để bỏ rơi sự giải thích đầu tiên bằng những cách kích động. Chúng ta chỉ cần tự hỏi tại sao ngay từ lúc đầu chúng ta lại quên phắt đi rằng giấc ngủ có thể bị quấy rối bằng những sự kích động, không những về cơ thể mà còn về tinh thần nữa. Vậy mà chúng ta biết rõ là chính những sự kích động đó đã ngăn cản không cho họ thực hiện được điều kiện tinh thần của giấc ngủ, nghĩa là giúp họ quên được hết thế giới bên ngoài. Người lớn không đi ngủ vì do dự không muốn tạm ngừng cuộc đời hoạt động của mình, hay sự làm việc của mình với những gì mình thích. Đối với trẻ con thì điều làm cho nó ngủ không yên chính là ý muốn chưa được thỏa mãn, và giấc mơ là sự biểu lộ phản ứng của nó.

5/ Đi từ điểm đó, chúng ta chọn con đường ngắn nhất để đi đến những kết luận vô nhiệm vụ của giấc mơ. Với tính cách là sự phản ứng đối với những kích động về tinh thần, giấc mơ có nhiệm vụ gạt bỏ sự kích động này ra một bên để cho giấc ngủ được tiếp tục. Giấc mơ làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ đó? Đó là điều chúng ta không biết: nhưng chúng ta có thể nói rằng, từ bây giờ trở đi giấc mơ không hề quấy rối giấc ngủ như người ta thường tưởng, trái lại chính nó giữ gìn cho giấc ngủ được yên lành bằng cách gạt ra một bên những sự quấy rối giấc ngủ. Khi tưởng rằng nếu không có giấc mơ thì chúng ta không thể ngủ được tí nào. Chính nhờ những giấc mơ chúng ta ngủ ngon hơn, chúng ta đã nhầm: Sự thực là nếu không có giấc mơ thì chúng ta mới ngủ được chút ít. Giấc mơ đó không thể nào không làm rộn chúng ta chút ít y như người gác đêm bắt buộc phải hơi ầm ĩ một chút khi muốn đuổi những kẻ làm ầm ĩ trong lúc mọi người đang ngủ.

6/ Lòng ham muốn chính là sự kích động của giấc mơ: sự thực hiện lòng ham muốn này chính là nội dung giấc mơ: đó là một trong những tính chất cơ bản của giấc mơ. Một tính chất khác cũng bất biến như thế, làm cho giấc mơ không những chỉ diễn tả một tư tưởng không thôi mà còn thể hiện một sự ham muốn đã được thỏa mãn dưới hình thức một biến cố tinh thần thuộc về ảo giác. Tôi muốn đi du lịch trên biển: đó là lòng ham muốn kích động trong giấc mơ. Như vậy, ngay trong giấc mơ trẻ con rất giản dị cũng có sự khác biệt giữa một giấc mơ tiềm tàng và một giấc mơ rõ ràng, một sự biến dạng của tư tưởng tiềm tàng trong giấc mơ: đó chính là sự biến đổi của ý nghĩ thành một biến cố sống động. Trong khi giải thích chúng ta hãy bỏ qua những biến dạng nhỏ bé. Nếu thực ra đó là một trong các tính chất chung cho các giấc mơ thì trong một phần giấc mơ kể trên, câu “Tôi thấy em tôi bị nhốt trong cái rương” đáng lẽ đã được giải thích bằng câu “em tôi giảm bớt chi tiêu” thì phải được giải thích bằng câu “em tôi phải giảm bớt chi tiêu” hay “Tôi muốn em tôi phải giảm bớt chi tiêu.” Trong hai tính chất chung vừa kể, tính chất thứ hai có nhiều hy vọng được chấp nhận mà không bị phản đối hơn. Chỉ sau khi đã khảo sát sâu rộng với nhiều tài liệu, ta mới có thể chứng tỏ rằng các kẻ kích động giấc mơ bao giờ cũng là một ý muốn chứ không phải là một sự lo nghĩ, một điều dự tính hay một lời trách móc. Nhưng điều này vẫn giữ nguyên tính chất của các giấc mơ, tính chất này đáng lẽ lặp lại một cách đơn giản sự kích động, lại huỷ bỏ, gạt ra một bên hay tiêu diệt dần đi sự kích động đó bằng một sự đồng hoá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.