Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 3 – Phần 13



Điều biểu thị cho phân tâm học, về phương diện khoa học, không phải là vật chất mà khoa này nghiên cứu, chính là kỹ thuật đem dùng. Người ta có thể đem áp dụng nó vào lịch sử văn minh, khoa học tôn giáo và thần thoại học cũng như lý thuyết bệnh thần kinh. Mục tiêu và sự đóng góp duy nhất của nó là sự khám phá ra vô thức trong đời sống tinh thần. Những vấn đề liên quan đến bệnh thần kinh hiện tại với triệu chứng bắt nguồn ở những vết thương làm độc trực tiếp, không thuộc phạm vi phân tâm học. Môn này vì không thể cung cấp được một điều gì về vấn đề đành phải trông mong vào các công trình nghiên cứu của khoa sinh lý y học. Nếu tôi đã hứa với các bạn là sẽ có những bài học về “Thần kinh bệnh học nhập môn” đáng lẽ tôi phải bắt đầu bằng những hình thức giản dị nhất của bệnh thần kinh hiện tại, rồi mới nói đến thần kinh phức tạp hơn hậu quả của những sự rối loạn trong khát dục, và như thế c#787 vẻ tự nhiên hơn. Đối với bệnh thần kinh hiện tại đáng lẽ tôi phải trình bày tất cả những gì học tập được từ mọi phía hay tất cả những điều chúng ta tưởng là mình biết, và một khi đến bệnh thần kinh tâm lý, đáng lẽ tôi phải nói về phân tâm học như một phương tiện kỹ thuật phụ thuộc quan trọng nhất trong tất cả những phương tiện có trong tay chúng ta để hiểu rõ các trạng thái đó. Nhưng tôi chỉ muốn hiến các bạn những bài học về “phân tâm học nhập môn” tôi muốn cho các bạn có một ý niệm về phân tâm học hơn là bệnh thần kinh và điều này không bắt buộc tôi phải bắt đầu bằng bệnh thần kinh hiện tại, một đề tài vô tích sự đối với phân tâm học. Tôi cho rằng chọn lựa như thế có lợi cho các bạn hơn vì phân tâm học là môn đáng cho mọi người có học thức quan tâm đến vì những tiền đề sâu xa và liên quan muôn mặt của nó. Còn thuyết về bệnh thần kinh chỉ là một chương của y khoa giống như các chương khác.

Vậy mà các bạn có quyền chờ đợi chúng ta quan tâm một phần nào đến những bệnh thần kinh hiện tại. Chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến vì những liên quan chặt chẽ của bệnh này với bệnh thần kinh tâm lý. Vì thế nên tôi cho các bạn biết là chúng ta phân biệt ba hình thức thuần tuý của bệnh thần kinh hiện tại: thần kinh suy nhược, lo sợ và u uất. Sự phân chia này không phải là không bị chỉ trích. Danh từ thì ai cũng biết rồi. Có những bác sĩ nhất định phản đối mọi sự phân loại trong thế giới hỗn loạn của bệnh thần kinh, mọi sự đồng nhất hóa trong việc chuẩn bệnh, trong mọi cá nhân bệnh hoạn, không công nhận cả sự phân chia thành bệnh thần kinh hiện đại và tâm lý. Tôi cho rằng các vị bác sĩ này đi quá xa, không theo con đường dẫn tới mọi tiến bộ khoa học. Có khi bệnh thần kinh xuất hiện dưới hình thức thuần tuý, nhưng thường chúng liên kết với một vài hình thức khác hay với một bệnh thần kinh tâm lý. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể không chấp nhận sự phân chia nói trên. Các bạn hãy nghĩ đến sự khác biệt giữa các quặng và các sắc đá do khoáng vật đặt ra. Những quặng thường xuất hiện dưới hình thức cá nhân có lẽ vì chúng do các tinh thể hợp thành và tinh thể nào cũng tách riêng ra một chỗ không liên can gì đến tinh thể bên cạnh. Đá tảng do các khoáng chất hợp thành, chất khoáng này liên kết với nhau theo một hình thức nào đó lệ thuộc vào các điều kiện riêng của sự cấu tạo. Chúng ta biết quá ít về khởi điểm cũng như về quá trình phát triển của bệnh thần kinh để có thể thiết lập một lý thuyết tương tự với lý thuyết về đá tảng. Nhưng chúng ta nghĩ đúng khi cho rằng bệnh thần kinh cũng do những thực thể độc lập họp lại chẳng khác gì tinh thể trong quặng.

Giữa những triệu chứng của bênh tinh thần hiện đại và bệnh thần kinh tâm lý có một liên quan rất hay giúp cho chúng ta hiểu được sự thành lập của các triệu chứng trong bệnh thần kinh tâm lý: triệu chứng của bênh thần kinh hiện đại có thể coi như hạt nhân và giai đoạn đầu tiên của bênh thần kinh tâm lý. Liên quan này cũng có giữa bệnh suy nhược thần kinh và bệnh thần kinh hoán chuyển, giữa bệnh lo sợ và bệnh náo loạn thần kinh do sự lo sợ gây ra, giữa bệnh u uất và bệnh loạn thần kinh trẻ con. Chúng ta lấy thí dụ giữa bệnh đau đầu và chứng đau hông trong bệnh náo loạn thần kinh. Phân tích cho thấy rằng bằng sự cô đọng và di chuyển, những sự đau đớn này dược dùng như sự thỏa mãn thay thế của một sự kích động khát dục. Chúng ta không chủ trương rằng mọi triệu chứng loạn thần kinh nào đều có một hạt nhân như thế; dù trường hợp này đặc biệt xẩy ra luôn luôn, thường được bệnh náo loạn thần kinh, trong việc thành lập triệu chứng, thích dùng mọi ảnh hưởng, dù có tính cách bình thường hay bệnh hoạn mà sự kích động khát dục có thể có được trên cơ thể. Chúng giữ vai trò của những hạt cát bao trùm trên vỏ xà cừ của các con ốc. Bệnh thần kinh tâm lý cũng dùng những dấu hiệu tạm thời của sự kích động tình dục, thường đi cùng với sự giao hợp như những vật liệu tiện lợi nhất, thích hợp nhất thành lập triệu chứng.

Một sự diễn tiến cùng loại cũng có một điểm đáng quan tâm đặc biệt trong việc chuẩn bệnh và chữa bệnh. Có những người tuy không mắc một bệnh thần kinh nào rõ ràng cả nhưng đột nhiên mắc bệnh này chỉ vì có một sự thay đổi bệnh hoạn nào phát ra trong cơ thể, ví dụ như một vết thương hay một vết bỏng, làm cho công việc hoàn thành triệu chứng bị thức tỉnh làm cho triệu chứng do thực tế cung cấp trở thành đại diện của mọi trí tưởng tượng ngông cuồng vô thức chỉ chờ bất cứ một cơ hội nào để xuất hiện. Trong trường hợp này bác sĩ chữa chạy theo lối này hay lối khác: hoặc tìm cách huỷ bỏ căn bản cơ thể mà không để ý gì đến tòa lâu đài bệnh thần kinh đang hoành hành, hoặc tìm cách chữa bệnh thần kinh vừa tình cờ xuất hiện mà không để ý gì đến nguyên nhân do cơ thể đã gây ra bệnh đó. Chỉ cần nhìn vào kết quả thu lượm được là người ta thấy ngay phương pháp nào hiệu nghiệm nhưng muốn có một quy tắc chung cho những sự việc đó quả thực là khó.

Sự lo sợ phập phồng

Những điều tôi trình bày trong phần trên về tinh thần bất an chung cho mọi người có thể làm cho bài trình bày trở thành không đầy đủ. Tôi biết thế và điều làm bạn ngạc nhiên hẳn là việc tại sao tôi không nói một câu nào về vấn đề lo sợ phập phồng cả trong khi nó chính là một triệu chứng mà mọi người tinh thần bất an đều phàn nàn cả, có người còn cho là chính sự lo sợ đã làm cho họ đau khổ ghê gớm nhất, có người cho rằng chính nỗi lo sợ đã đạt tới một cường độ ghê gớm nhất thúc đẩy họ làm những hành vi vô lý nhất. Tôi không hề có ý muốn trốn tránh vấn đề, trái lại tôi lại muốn đem mổ xẻ vấn đề tới những chi tiết thực nhỏ.

Tôi không cần giới thiệu với các bạn về sự lo sợ; mỗi người các bạn ít nhất trong đời mình cũng đã một lần cảm thấy cái cảm giác đó hay nói đúng hơn trạng thái tình cảm đó. Có lẽ chưa ai tự hỏi tại sao chính những người tinh thần bất an lại là những người đau khổ vì lo sợ người khác? Người ta thấy sự đó hết sức tự nhiên, người ta chả đã lẫn lộn hai chữ “bất an” và “lo sợ” đấy sao? Có vẻ như hai thứ chỉ là một. Người ta lầm vì có nhiều người lo sợ mà tinh thần không bất an và những người tinh thần bất an có đủ mọi triệu chứng trừ triệu chứng lo sợ.

Dù sao thì vấn đề lo sợ cũng là nơi mà mọi vấn đề quan trọng nhất, linh tinh nhất đều hướng về, một điều bí ẩn nếu được giải ra sẽ đưa lại không biết bao nhiêu ánh sáng soi tỏ đời sống tinh thần. Tôi không bảo rằng tôi sẽ đem lại cho các bạn một giải pháp hoàn hảo, nhưng các bạn cũng thấy trước rằng phân tâm học sẽ nghiên cứu vấn đề đó bằng những phương pháp khác hẳn phương pháp y khoa cổ điển. Y khoa cổ điển quan tâm nhất đến vấn đề xem nỗi lo sợ có căn bản giải phẫu nào trong cơ thể không? Họ cho đó là một sự kích thích tuỷ hành và người bệnh được biết họ bị bệnh thần kinh của mơ hồ. Tuỷ hành hay tuỷ dài là một vấn đề rất đứng đắn, rất đẹp. Tôi nhớ lại là ngày xưa tôi đã tốn bao nhiêu thì giờ và khó nhọc để học cơ quan đó. Nhưng ngày nay tôi đã thú nhận trong sự việc nghiên cứu nỗi lo sợ chả có gì làm cho tôi lơ là hơn là sự tìm hiểu con đường mà sự kích động thần kinh đi từ tuỷ hành xuống theo.

Trước hết chúng ta có thể nói rất lâu đến sự lo sợ mà không cần nói đến bệnh thần kinh bất an nói chung. Các bạn sẽ hiểu mà không cần giải thích gì thêm khi thấy tôi gọi nỗi lo sợ thực sự ngược lại với nỗi lo trong bệnh thần kinh. Nỗi lo sợ thực sự là một cái gì dễ hiểu và hợp lẽ phải. Đó là phản ứng với ý nghĩ là mình sắp gặp một sự nguy hiểm từ bên ngoài, một sự nguy hiểm mà mình chờ đợi, biết trước, liên kết với ý tưởng bỏ trống phải được coi như sự phát triển của bản năng tự bảo vệ. Lo sợ thường xảy ra trước đối tượng và trong tình trạng nào? Điều đó phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và quyền lực của mình đối với thế giới bên ngoài. Người mọi rợ sợ một khẩu đại bác để trước mặt hay khi thấy có nhật thực, trong khi một người da trắng biết điều khiển đại bác và biết trước là có nhật thực sẽ không sợ hãi gì. Nhiều khi chính vì hiểu biết quá nhiều mà người ta lo sợ vì biết trước sự nguy hiểm quá sớm. Một người mọi rợ quen sống trong rừng trông thấy một con đường mòn mở ra trước mắt là sợ rồi vì biết đó là đường đi của một dã thú, trong khi người văn minh không quen sống trong rừng không sợ gì cả vì không rõ mình đang ở cạnh một con vật nguy hiểm. Một người thủy thủ đầy kinh nghiệm sợ hãi nhìn một làn mây nhỏ trên trời vì biết rằng đám mây đó báo trước một cơn giông tố sắp tới trong khi người đi trên tàu vẫn thản nhiên vì không biết điều đó.

Suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy là chúng ta cần xét lại ý kiến cho rằng nỗi lo sợ thực sự là điều hợp lẽ phải và thích ứng vào một mục đích nào đó. Thái độ hợp lẽ phải nhất khi mình đứng trước một mối nguy hiểm nào là liệu xem sức mình có thể chống lại sự nguy hiểm đó không, rồi sẽ quyết định xem nên chạy trốn, nên chống cự lại hay nên tấn công trước. Nhưng trong thái độ đó không có chỗ cho sự lo sợ: dù có lo sợ cũng không giải quyết được gì, sự gì đến vẫn đến và có khi không lo sợ sự việc sẽ tốt đẹp hơn chưa biết chừng. Như vậy khi nỗi lo sợ lên quá mạnh, nó sẽ làm tê liệt mọi hoạt động và có khi tê liệt cả ý muốn chạy trốn nữa. Thường thường phản ứng chống lại sự nguy hiểm là sự dung hòa lòng lo sợ với hành vi tự vệ. Khi một con vật lo sợ, bỏ chạy, chỉ có thái độ bỏ chạy mới hợp lý còn sự lo sợ không đáp ứng một mục tiêu nào cả.

Vì vậy, người ta có thể cho rằng sự lo sợ không bao giờ hợp lý hết. Nhưng chúng ta nên phân tích thực kỹ càng tình trạng do sự lo sợ tạo nên nếu chúng ta muốn có một ý niệm đúng đắn về điều đó. Trước hết đương sự đã sửa soạn đón nhận nguy hiểm vì thế nên mới tỏ ý lo ngại và tinh thần cùng cảm giác mới căng thẳng. Tình trạng chờ đợi và sửa soạn này là một tình trạng tốt vì nếu không đương sự sẽ gặp nhiều mối nguy hiểm to lớn. Do tình trạng đó mà có hành động cơ năng: hoặc chạy trốn hoặc tự bảo vệ tích cực; rồi sau đó mới có lo ngại. Sự lo sợ càng phát triển giới hạn bao nhiêu, càng tỏ ra là một dấu hiệu bấy nhiêu, và sự diễn tiến biến đổi tình trạng sửa soạn lo ngại phập phồng thành hành vi càng xảy ra càng nhanh và hợp lý bấy nhiêu. Vì thế cho nên trong sự lo sợ phập phồng chỉ có sự sửa soạn đón nhận nguy hiểm mới là yếu tố có ích, còn sự lo sợ có vẻ như trái với mục tiêu.

Tôi bỏ qua vấn đề xem xét trong tiếng nói thường này những chữ lo âu, sợ hãi, kinh hoàng có chỉ dùng một thứ hay nhiều thứ khác nhau không. Tôi cho rằng sự lo sợ đều có liên quan đến trạng thái con người chứ không liên can đến đối tượng trong khi trong sự sợ hãi, đương sự thường chú ý đến đối tượng gây sợ hãi hơn. Sự kinh hoàng đối với tôi có một ý nghĩa đặc biệt chỉ một hành vi chống lại một sự nguy hiểm mà người ta không chờ đợi và không được biết trước. Người ta có thể cho rằng người ta dùng lo sợ để chống lại sự kinh hoàng.

Dù sao các bạn cũng thấy rằng hai chữ lo sợ có rất nhiều nghĩa thành ra chẳng có nghĩa nào thực đúng và do đó hai chữ đó trở nên mơ hồ bất định. Luôn luôn người ta coi sự lo sợ như một trạng thái chủ quan do ý nghĩa lo sợ càng ngày càng tăng gây nên và người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tình cảm. Nhưng trạng thái tình cảm là gì về phương diện động lực? Đó là một cái gì rất phức tạp. Một trạng thái tình cảm trước hết gồm có một vài tác dụng thần kinh hay phóng động rồi mới đến một vài cảm giác, và cảm giác này gồm hai loại: một là sự ghi nhận những hành vi cơ năng đã xảy ra rồi đến cảm giác khó chịu hay dễ chịu. Chính cảm giác khó chịu hay dễ chịu cho ta biết rõ về tính cách cơ bản của trạng thái tình cảm nói trên. Tôi không tin rằng nói thế là đã nói hết những điều cần biết về trạng thái tình cảm. Trong một số trạng thái chúng ta có thể vượt qua những yếu tố nói trên và nhận ra rằng cái nhân của trạng thái này chính là sự lặp đi lặp lại nhiều lần của một vài biến cố quan trọng, có ý nghĩa mà đương sự đã sống. Biến cố này có thể chỉ là một cảm giác rất cũ kỹ, có tính cách rất tổng quát có khi thuộc về thời tiền sử không phải của cá nhân mà của nòi giống nữa. Muốn cho dễ hiểu hơn, trạng thái tình cảm cũng được cấu tạo chẳng khác gì bệnh náo loạn thần kinh, nghĩa là gồm có một kỷ niệm ghi vào trong tâm trí người bệnh từ lâu. Vậy cơn náo loạn thần kinh có thể đem so sánh với một trạng thái tình cảm vừa họp thành xong và trạng thái tình cảm có thể được coi như sự phát biểu một bệnh náo loạn thần kinh đã trở thành di truyền.

Các bạn đừng cho rằng điều tôi nói về trạng thái tình cảm đã được công nhận trong tâm lý học bình thường. Trái lại đó chỉ là mầm mống do phân tâm học tạo nên và chỉ đứng trong phạm vi trong phân tâm học thôi. Điều mà tâm lý học cho chúng ta biết về những trạng thái tình cảm như thuyết của Fames Lange chẳng hạn, chẳng làm sao hiểu được đối với những nhà phân tâm học chúng ta, và cũng chẳng thể đem ra thảo luận được. Nhưng chúng ta cũng không cho rằng ý kiến của chúng ta về trạng thái tình cảm đúng hoàn toàn; các bạn chỉ nên coi điều tôi sắp nói về vấn đề này như một bước đầu tiên tới môi trường tối tăm này. Tôi tiếp tục. Tôi tin rằng trạng thái tình cảm do sự lo sợ biểu thị chính là cảm giác thụt lùi mà sự lo sợ sống lại sau khi đã thấy đi, thấy lại nhiều lần. Đó có thể là một sự sinh đẻ, nghĩa là một hành vi có đủ một cảm giác đau buồn, mọi khuynh hướng phóng động, mọi cảm giác trong cơ thể tập trung vào ý tưởng sợ hãi đợi chờ một sự hiểm nguy sắp tới mà chúng ta đã được biết đến nhiều lần rồi, nghĩa là đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Chính vì máu trong huyết quản được thay thế quá nhanh làm tăng sự kích động lên nên chúng ta mới cảm thấy lo sợ phập phồng. Vậy sự lo sợ đâu tiên có tính chất nhiễm độc. Như chữ “lo sợ phập phồng” (angoisse gốc ở tiếng La Tinh angustiae có nghĩa là chật hẹp, tiếng Đức là augst) có nghĩa là người ta ngập ngừng khó thở khi đứng trước một tình trạng có thực và bây giờ lại sống lại trong trạng thái tình cảm. Chúng ta sẽ thấy là việc trạng thái lo sợ phập phồng khi lần đầu tiên đứa con phải sống xa người mẹ là một sự việc có ý nghĩa. Chúng tôi cho rằng chính nỗi lo đầu tiên này được sống đi sống lại nhiều lần trong tâm tưởng của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác đã in sâu vào tâm tưởng của con người đến nỗi không một cá nhân nào có thể thoát khỏi trạng thái tình cảm ngay cả khi người ta là Macduff, một con người ra đời một cách khác hơn là từ trong bụng mẹ chui ra. Chúng ta không biết đối với những giống vật khác không phải là loài vật có vú sự lo sợ đã xảy ra như thế nào. Vì thế chúng ta không biết sự lo sợ đó có giống sự lo sợ của chúng ta không?

Chắc các bạn tò mò muốn biết tại sao người ta lại có thể đạt tới cái ý niệm là chính sự sinh đẻ đã là nguồn gốc của trạng thái tình cảm mà sự lo sợ là biểu thị. Ý niệm này không lấy trong lý thuyết: tôi có ý đó sau khi nghĩ đến tư tưởng ngây thơ của đại chúng. Một hôm – từ lâu lắm rối mấy bác sĩ chúng tôi ngồi ăn cơm quanh một cái bàn trong một tiệm cơm. Một người trong bọn kể cho nghe một câu chuyện lý thú xảy ra trong kỳ thi nữ hộ sinh vừa qua. Người ta hỏi một nữ thí sinh tại sao trong nước đầu ối lại có cứt xu, thì cô ta trả lời “vì đứa bé lo sợ”. Các giám khảo cười ầm lên và đánh trượt cô thí sinh. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng là cô thí sinh đáng thương hại này đã có cảm giác mơ hồ về liên quan giữa hai sự việc nói trên và tôi đứng về phía cô ta.

Bây giờ chúng ta nói đến sự lo sợ của những người tinh thần bất an, sự phát hiện của chúng như thế nào? Chúng có liên quan gì mới không? Có nhiều điều phải nói lắm. Trước hết chúng ta có một trạng thái lo sợ tổng quát, bập bềnh lúc nào cũng sẵn sàng bấu víu vào bất kỳ một hình dung nào hiến được cho nó một nguyên cớ, ảnh hưởng tới sự phán đoán, sẵn sàng chờ đợi thực lâu để gặp được một cơ hội chứng minh hành vi của mìn. Trạng thái này chúng ta gọi là “Trạng thái lo sợ trong chờ đợi” hay “Trạng thái lo sợ phập phồng”. Những người lo sợ như thế này thường tiên liệu thấy những biến cố thực ghê gớm, trong biến cố tình cờ nào cũng như nhìn thấy báo trước một tai nạn, bao giờ cũng cho là mình sẽ gặp những điều xấu xa nhất khi thấy xảy ra một chuyện gì không rõ ràng. Khuynh hướng chờ đợi tai nạn này là một đặc tính có trong rất nhiều người mà ngoài lỗi lo sợ này ra không có vẻ gì là bị bệnh cả; người ta thường trách họ hay buồn rầu bi quan; nhưng sự lo sợ trong chờ đợi này cũng xảy ra với một mức độ mạnh hơn trong căn bệnh mà tôi gọi là “bệnh thần kinh lo sợ” được xếp vào loại bệnh thần kinh hiện đại.

Một hình thức lo sợ khác trái lại có tính cách tinh thần liên kết với những đối tượng và trạng thái: đó là “chứng sợ”. Nhà tâm lý học Mỹ nổi tiếng Stanley Halt đã đưa ra cả một lô chứng sợ đó với những danh từ Hy Lạp rất kêu. Những chứng sợ này giống như mười vết thương Ai Cập nhưng nhiều hơn nhiều. Các bạn hãy nghe đây tất cả cái gì có thể thành đối tượng của chứng sợ: sợ bóng tối, sợ ngời trời, khoảng không mở rộng, sợ mèo, nhện, sâu, rắn, chuột, giông tố, mũi nhọn, mấu, những chỗ đóng kín, đông người, cô độc, qua cầu, du lịch trên biển hay băng đường xe lửa, v.v… Công trình nghiên cứu đầu tiên phân biệt ba loại: một vài đối tượng hay trạng thái có một vẻ gì ghê sợ ngay cả những người bình thường, vì thế nên những chứng sợ này đối với chúng ta chẳng có gì khó hiểu tuy rằng cường độ sợ hãi hơi quá đáng. Ví dụ như sợ rắn, chứng sợ rắn là chung cho cả nhân loại. Chính Ch. Darwin đã tả cho chúng ta nghe ông ta sợ rắn như thế nào khi trước mặt ông ta có cả một chiếc đĩa bằng thủy tinh che chở. Trong loại thứ hai chúng ta xếp những trường hợp có liên quan đến một vài sự nguy hiểm nhưng mà đó là sự nguy hiểm mà chúng ta không để ý đến. Ví dụ như đi xe lửa có thể bị nguy hiểm hơn là ở nhà: bị xe đâm nhau chẳng hạn; đi tàu có thể bị đắm tàu và bị chết đuối; vậy mà chúng ta vẫn đi xe lửa và đi tàu điện mà không hề lo sợ, không nghĩ đến nguy hiểm. Đi qua cầu cũng có thể bị rơi xuống sông nếu cầu bị gãy, nhưng khi qua cầu chúng ta đâu có nghĩ đến điều đó. Sự cô độc cũng có thể mang lại một vài sự nguy hiểm, có khi chúng ta tìm cách tránh nó nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dám chịu đựng một vài lúc cô độc. Tất cả những điều giải thích trên cũng đúng với sự sợ những đám đông, sợ nơi bị đóng kín, sợ giông tố, v.v… Điều làm chúng ta thấy lạ là trong những chứng sợ hãi này không phải là nội dung mà là cường độ của sự sợ. Người ta sợ mà không có cái gì ngăn trở được. Có khi chúng ta có cảm tưởng rằng những người bệnh không sợ như chúng ta cũng sợ trước những trạng thái hay đối tượng mà họ gặp.

Loại thứ ba là những chứng sợ mà chúng ta không hiểu nổi. Khi thấy một người đàn ông khỏe mạnh, đứng tuổi, sợ hãi khi đi qua một con đường phố trong tỉnh nhà mà anh ta biết rất rõ. Hay một người đàn bà bề ngoài trông rất khỏe mạnh mà co rúm người lại khi có một con mèo đụng nhẹ vào áo hay một con chuột chạy qua phòng, làm sao chúng ta có thể biết giữa những cái sợ đó có thể có liên quan nào và thấy được sự nguy hiểm mà chỉ có người sợ mới tin là có thôi? Về chứng sợ giống vật ta thấy rõ đó chỉ là nhiều người quá ghét những giống vật đó thôi vì chúng ta có những bằng cớ trái lại mà có rất nhiều người lại không bao giờ đi qua một con mèo hay một con chó mà không vuốt ve chúng. Còn chuột mà rất nhiều bà sợ đã được dùng để gọi nhau rất âu yếm: có cô gái lấy làm thích thú khi được người yêu gọi là “con chuột nhắt của anh” lại hét lên ghê người khi thấy một con chuột chạy qua. Về những người sợ đường phố chúng ta chẳng còn cách nào khác để cắt nghĩa hơn là cho họ chỉ là những đứa bé con. Chính người lớn đã cho đứa bé biết rằng nếu đi vào chỗ đông người hay ra phố là có thể gặp hiểm nguy và anh chàng bị chứng sợ này hết sợ khi có người đi cùng.

Hai hình thức lo sợ nói trên, hình thức lo sợ trong chờ đợi và chứng sợ không liên quan gì đến nhau cả. Người ta không thể nói rằng sự sợ này là một giai đoạn tiền tiến của sự sợ kia và nếu có người nào có cả hai chứng đó cùng một lúc thì đó chỉ là tình cờ và rất ít khi xảy ra. Trạng thái lo sợ tổng quát nặng nhất cũng không thường kèm theo chứng sợ nói trên; có những người suốt đời sợ cái này đến cái nọ nhưng lại không mắc chứng sợ tổng quát, nguồn gốc của bi quan. Đã có bằng chứng chỉ ra rằng có nhiều chứng sợ như sợ không gian, xe lửa, chỉ xảy đến đối với những người đứng tuổi, còn những chứng khác như sợ bóng tối, giông tố loài vật có vẻ như đã xảy ra ngay trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Những bệnh trên có vẻ trở thành bệnh nặng, còn những chứng dưới thì có tính cách đặc biệt thôi. Khi một người bị những chứng sợ loại sau này, chúng ta có đủ lý lẽ để tin rằng họ còn sợ nhiều sự khác nữa, chúng ta xếp tất cả những chứng sợ này vào loại náo loạn thần kinh lo sợ. Nghĩa là coi chúng như một bệnh rất gần với chứng náo loạn thần kinh hoán chuyển (hystérie de conversion).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.