Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 3 – Phần 17



Rồi chúng ta lại có những sự kiện trong nhiều bệnh như bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ, bệnh bị ám ảnh, những tiền đề của chúng ta đã được chứng nghiệm. Bằng cách khảo cứu về sự dồn ép, khám phá ra sự đề kháng, tìm ra cái gì đã bị dồn ép, chúng ta đã giải quyết được vấn đề, thắng được sự đề kháng, huỷ diệt được sự dồn ép, biến vô thức thành hữu thức, chúng ta thấy rõ ràng mỗi khi cần thắng một đề kháng, trong tâm hồn người bệnh thường diễn ra một sự tranh đấu ghê gớm, một sự đấu tranh về tinh thần bình thường, trên phương diện tâm lý giữa những động lực trái ngược, một đằng muốn giữ cho sự phản công được tồn tại, một đằng muốn huỷ diệt nó. Những động lực trên là những động lực cũ kỹ gây ra sự dồn ép; những động lực dưới là những động lực đột nhiên xuất hiện mới đây có vẻ như phải quyết định cuộc xung đột theo ý chúng ta muốn vì thế chúng ta đã thành công trong việc đánh thức dậy cuộc xung đột cũ đã gây ra sự dồn ép và xét lại một vấn đề tranh chấp có vẻ như đã giải quyết xong từ lâu. Những sự kiện mới xuất hiện để bênh vực sự xét lại này là chúng ta nhắc cho người bệnh biết rằng trước khi đã có một quyết định nào đó làm cho bệnh phát ra, muốn khỏi bệnh cần có một quyết định khác và từ khi bệnh phát ra cho tới bây giờ, các điều kiện đã thay đổi rất nhiều. Vào thời kỳ bệnh phát ra cái tôi ốm yếu, ấu trĩ và đã có đủ lý do để từ khước những đòi hỏi của khát dục vì sợ xảy ra nguy hiểm. Ngày nay cái tôi khỏe hơn, có kinh nghiệm hơn và nhất là được bác sĩ hỗ trợ một cách trung thành và tận tâm. Vì thế cho nên chúng ta có quyền chờ đợi cuộc xung đột ngày xưa được đặt lại trên bàn mổ sẽ được giải quyết thỏa đáng hơn ngày xưa lúc mới phát sinh và gây ra sự dồn ép, những sự thành công của chúng ta trong lĩnh vực bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ và bệnh bị ám ảnh đã chứng minh sự chờ đợi của chúng ta.

Tuy nhiên có những bệnh tuy cũng có điều kiện giống như bệnh trên mà chúng ta chưa bao giờ thành công cả. Vậy mà trong đó cũng có một sự xung đột sơ khai giữa cái tôi và khát dục, cũng đưa đến một sự dồn ép, mặc dù bề ngoài ra sao chăng nữa; chúng ta cũng tìm thấy trong đời người bệnh những điểm phát khởi sự dồn ép y như trong bệnh khác; chúng ta cũng dùng phương pháp như nhau, cũng hứa hẹn người bệnh những hứa hẹn đó, cũng giúp đỡ họ như thế, nghĩa là cũng hướng dẫn họ bằng những hình dung chờ đợi, và giữa lúc sự dồn ép phát khởi và lúc này có một thời gian thuận tiện cho việc gạt ra ngoài một sự đề kháng cũng như huỷ diệt được sự dồn ép. Những người bệnh này, hoặc vọng tưởng, hoặc uất, hoặc điên sớm phát đều tỏ ra trơ như đá vững như đồng trước lối chữa chạy của phân tâm học. Lý do tại sao nhỉ? Tất nhiên không phải vì người bệnh kém thông minh. Chúng ta thường cho rằng người bệnh có một trình độ trí thức nào đó và trình độ này không phải là không có trong người bệnh vọng tưởng là những người rất khéo léo trong việc xếp đặt sự việc. Cũng không phải là thiếu một yếu tố nào đó. Trái lại với những người vọng tưởng, bọn người uất thường biết rằng mình bị bệnh và đau đớn rất nhiều, nhưng không phải vì thế mà họ có thể khỏi bệnh bằng phân tâm học được. Chúng ta đứng trước một sự kiện mà chúng ta không hiểu nổi, thành ra nhiều khi chúng ta tự hỏi không biết chúng ta đã biết rõ những điều kiện thành công trong những bệnh khác không?

Nếu chỉ kể đến những bệnh náo loạn thần kinh và lo sợ thôi, chúng ta cũng thấy hiện ra một sự kiện mới mà chúng ta không hề biết trước để chuẩn bị. Chỉ một ít lâu là chúng ta thấy những người bệnh này có thái độ rất kỳ lạ đối với chúng ta. Chúng ta tưởng đã duyệt lại hết mọi yếu tố cần thiết cho việc chữa chạy, tưởng đã làm cho lập trường của chúng ta đối với người bệnh thực rõ ràng như một con tính; nhưng không ngờ trong con tính đó nó len lỏi vào một yếu tố mà ta không để ý đến. Yếu tố bất ngờ này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nên tôi chỉ mô tả cho các bạn xem những hình thức đẽ hiểu nhất và xảy ra nhiều nhất.

Trước hết người bệnh thường là muốn chóng khỏi bệnh, tất nhiên quan tâm một cách đặc biệt đến ông bác sĩ. Tất cả những điều gì liên quan đến ông này đối với anh ta trở thành quan trọng hơn chính bệnh của anh ta và anh ta không để ý đến bệnh tật nữa. Vì thế nên trong lúc đầu giao thiệp giữa người bệnh và bác sĩ rất dễ chịu; người bệnh luôn luôn tỏ ra biết đón ý bác sĩ, tỏ lòng biết ơn bất cứ lúc nào có cơ hội, đưa ra ánh sáng những điểm tế nhị và những đức tính mà chúng ta không ngờ đến. Rút cục người bệnh làm cho ông bác sĩ có cảm tưởng tốt đối với mình, và ông này cảm ơn sự tình cờ đã đưa đến một cơ hội để giúp đỡ một con người đặc biệt dễ chịu. Rồi bà con của người bệnh sẽ cho ông bác sĩ biết rằng người bệnh mến ông thầy thuốc lắm, luôn luôn nói đến ông ta và càng ngày càng tìm ra những đức tính quý báu khác nơi ông thầy thuốc. “Cháu nó chỉ nghĩ đến ông thôi, tin tưởng nơi ông một cách mù quáng, mỗi lời ông nói nó đều coi như trích trong Thánh kinh. Nó nói đến ông nhiều quá làm chúng tôi nghe mãi chán cả tai.”

Người thầy thuốc tất nhiên cũng đủ khiêm tốn để thấy rằng những lời khen ngợi đó chỉ là sự phát biểu sự thỏa mãn của người bệnh trước những hy vọng khỏi bệnh mà ông thầy thuốc đã bày ra trước mắt người bệnh. Vì thế nên công việc chữa chạy tiến hành trong những điều kiện đặc biệt tốt đẹp; người bệnh hiểu những điều chỉ dẫn, đào sâu những vấn đề mới xuất hiện, ý tưởng và kỷ niệm hiện ra dồi dào, những lời phán đoán của người bệnh rất chính xác và chắc chắn đến nỗi làm ông thầy thuốc ngạc nhiên, ông này khoan khoái khi thấy người bệnh chấp nhận những điều tâm lý mới lạ thường gặp nhiều chống đối của những người khỏe mạnh bình thường. Kèm theo với thái độ dễ chịu của người bệnh, người ta cũng cảm nhận thấy có sự tiến bộ khách quan của trạng thái bệnh hoạn.

Những ngày tươi đẹp như thế thường không kéo dài, và đến một ngày nào đó tình thế sẽ xấu đi. Nhiều khó khăn xuất hiện, người bệnh cho rằng mình không nhớ gì nữa hết, không quan tâm đến công việc chữa chạy nữa và không cần để ý gì đến đề nghị phải nói hết những điều gì hiện ra trong đầu, không thèm để ý gì đến những lời khuyên răn hay phê bình. Người bệnh hành động như không hề có bệnh gì phải chữa chạy cả, và chưa từng ký kết gì với ông thầy thuốc hết; rõ ràng là anh ta đang bận tâm về một điều gì mà không muốn nói ra. Đó là một tình thế nguy hiểm cho việc chữa chạy. Có xảy ra một sự đề kháng mạnh mẽ, có sự gì đã xảy ra?

Nguyên nhân phải tìm trong tấm lòng âu yếm quá mức của người bệnh đối với ông bác sĩ, trong khi không có gì chứng minh được tình cảm đó. Hình thức và mục đích của lòng âu yếm đó tất nhiên phụ thuộc vào sự giao thiệp giữa hai người. Nếu ông bác sĩ là một người còn trẻ và người bệnh là một thiếu nữ thì người bệnh có yêu ông bác sĩ cũng là một sự tự nhiên vì người con gái thương yêu người luôn luôn ở bên cạnh mình nghe được nỗi lòng mình, lại có vẻ cao quý hơn mình, vì là người cứu mình ra khỏi bệnh tật; người ta quên rằng đối với một người bệnh thần kinh thì một tình cảm như thế hẳn là do một sự rối loạn nào đó của bản năng khát dục. Sự giao tiếp giữa người bệnh và ông thầy thuốc càng đi xa giả thuyết bao nhiêu thì chúng ta càng ngạc nhiên bấy nhiêu khi thấy lần nào cũng vậy, sự việc đó cũng diễn lại đúng tăm tắp. Không nói đến trường hợp một người đàn bà vì đau khổ trong gia đình nên đâm ra yêu ông thầy thuốc, bà ta tuyên bố sẵn sàng ly dị để lấy ông ta, và nếu có gặp gì trở ngại trong việc thực hiện ý định này thì cũng không ngập ngừng gì mà không trở thành tình nhân của ông ta. Sự việc đó xảy ra mà không cần có sự can thiệp của phân tâm học. Nhưng trong những trường hợp đang nghiên cứu, người đàn bà hay cô thiếu nữ tuyên bố những điều liên can đến cách chữa chạy: họ cho rằng bao giờ họ cũng biết chỉ có ái tình mới chữa khỏi bệnh họ thôi và ngay trong những buổi đầu chữa chạy họ đã biết rằng sự giao tiếp với ông bác sĩ sẽ đưa lại cho họ điều mà cuộc đời luôn luôn từ chối không đưa cho họ. Chính vì hy vọng như thế nên họ tỏ ra cố gắng và vượt qua được những khó khăn trong việc giãi bày tâm sự. Tôi thêm rằng chính vì hy vọng như thế nên họ mới hiểu được dễ dàng những điều mà người khác hiểu một cách khó khăn, Lời thú nhận như thế làm chúng ta chết đứng vì ngạc nhiên và phá bỏ mọi sự tính toán. Có thể nào là chúng ta đã bỏ qua một yếu tố quan trọng nhất không?

Càng nhiều kinh nghiệm bao nhiêu thì chúng ta càng thấy khó khăn mà chống lại một nhận xét nhục nhã cho những ý tưởng khoa học của chúng ta. Lúc đầu ai cũng cho rằng đó chỉ là một khó khăn nhất thời không liên can gì đến việc chữa chạy cả. Nhưng khi thấy lần nào sự việc cũng xảy ra. Nếu đều như thế ngay cả khi không có những điều kiện thuận tiện, ngay cả khi sự khác biệt giữa thầy thuốc và người bệnh trở nên kì cục, ví dụ như người bệnh là một ông già, và ông thầy thuốc là một người râu tóc bạc phơ, nghĩa là trong những trường hợp không thể có chuyện gì hấp dẫn thì người ta bắt buộc phải gạt bỏ ý kiến cho rằng sự việc xảy ra chỉ vì ngẫu nhiên và phải công nhận rằng đó là một hiện tượng có liên lạc chặt chẽ với thực chất của trạng thái bệnh hoạn.

Sự kiện mới này chẳng là gì khác hơn là sự hoán chuyển. Đó chỉ là một sự hoán chuyển tình cảm từ người bệnh sang ông thầy thuốc vì chúng ta không tin rằng công việc chữa chạy đã làm tình cảm đó nảy nở ra. Sự xảy ra nhanh chóng này hẳn phải có một nguyên nhân khác, và phải có sẵn trong người bệnh dưới trạng thái tiềm tàng và đã chuyển qua người thầy thuốc trong lúc chạy chữa. Sự chuyển hoán có thể phát hiện hoặc dưới hình thức của một sự đòi hỏi tình ái ầm ĩ, hoặc dưới những hình thức nhẹ nhàng hơn. Đứng trước ông thầy thuốc có tuổi, người thiếu nữ bị bệnh có thể nảy ra ý muốn không phải trở thành tình nhân của ông ta, nhưng trở thành con gái của ông ta mà ông ta yêu quí hơn và muốn trở thành một tình bạn lâu dài. Có một vài người đàn bà biết gán cho sự hoán chuyển một hình thức khác, nhào nặn làm cho nó trở thành sống được; người khác, trái lại, để cho nó phát hiện dưới hình thức nguyên trạng, phôi thai và không thể chịu nổi. Nhưng cả hai hình thức đều do một hiện tượng cùng một nguồn gốc.

Trước khi chúng ta tự hỏi nên đặt sự kiện mới này vào nơi nào, các bạn hãy cho phép tôi hoàn tất sự mô tả. Sự việc xảy ra như thế nào nếu người bệnh là đàn ông? Người đàn ông có thể thoát khỏi cái tình thế khó chịu bắt nguồn ở sự khác phái của ông thầy thuốc không? Không, họ cũng không thoát. Họ cũng yêu mến ông thầy như thế, cũng có ý tưởng quá đáng về đức tính của ông ta, cũng để ý đến những cái gì dính dáng đến ông ta và cũng ghen với những người đến gần ông ta chẳng khác gì bệnh nhân đàn bà. Những hình thức thay thế sự hoán chuyển xảy ra luôn luôn những sự đòi hỏi về tình dục trực tiếp ít hơn một khi sự đồng tính luyến ái giữ một vai trò không quan trọng bằng các yếu tố cấu thành bản năng. Trong người bệnh đàn ông, thầy thuốc thường nhận thấy có một sự hoán chuyển mà thoạt nhìn người ta có cảm tưởng trái ngược hẳn với tất cả những cái gì đã được mô tả từ trước tới nay: đó là sự hoán chuyển thù nghịch hay tiêu cực.

Trước hết chúng ta nghĩ rằng sự hoán chuyển phát hiện ra ngay từ lúc bắt đầu đi vào chữa chạy và trong một thời gian đã thành một đối tượng chắc chắn nhất trong công việc đó. Người ta không thấy nó và không chú trọng một khi công việc chữa chạy trôi chảy đều đều. Nhưng khi nó biến thành một sự đề kháng thì người ta phải chú trọng đến và sự liên quan của nó đối với cách chữa chạy có thể thay đổi ở hai điểm khác nhau trái ngược nhau: thứ nhất lòng âu yếm trở nên mạnh mẽ, sự đòi hỏi tình dục trở nên rõ ràng đến nỗi phát sinh ra một sự đề kháng bên trong; thứ hai, những tình cảm âu yếm có thể biến thành tình cảm thù nghịch. Nói chung thì những tình cảm thù nghịch bao giờ cũng nấp sau tình cảm âu yếm và xuất hiện sau nhiều; sự có mặt của hai loại tình cảm trái ngược như thế trong phân lớn sự giao thiệp của chúng ta với người khác. Cũng như những tình cảm âu yếm, những tình cảm thù nghịch cũng là dấu hiệu của một tình cảm yêu dấu y như sự thách thức và sự vâng lời cũng diễn tả một tình cảm lệ thuộc dù với dấu hiệu trái nhau. Tình cảm thù nghịch đối với ông thầy thuốc cũng là một “hoán chuyển” vì tình thế do sự chữa chạy gây nên không thể làm nảy nở được một tình cảm như thế; do đó chúng ta phải chấp nhận sự có mặt của sự hoán chuyển tiêu cực, điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã không lầm khi nói đến sự hoán chuyển tích cực hay những tình cảm yêu dấu.

Sự hoán chuyển từ đâu mà ra? Nó đã đưa cho chúng ta những khó khăn gì? Chúng ta làm sao để vượt qua những khó khăn đó? Chúng ta có lợi gì về những khó khăn đó không? Tất cả những vấn đề này chỉ có thể được nghiên cứu vào chi tiết trong một bài về kỹ thuật phân tâm học. Ở đây tôi nói qua cho các bạn nghe thôi. Tất nhiên chúng ta sẽ không nhượng bộ trước sự đòi hỏi của người bệnh do sự hoán chuyển gây nên; nhưng giận dữ gạt bỏ chúng đi là một điều không hợp lí. Chúng ta vượt qua được sự hoán chuyển bằng cách nói cho người bệnh biết là những tình cảm của anh ta không phải do sự giao thiệp với ông bác sĩ gây ra, mà chính là do một tình trạng xảy ra từ lâu nay lại sống lại trong người anh ta thôi. Chúng ta buộc người bệnh phải đi ngược trở lại từ lúc tình cảm này phát sinh ra đến lúc khởi thuỷ còn ghi lại kỉ niệm trong người bệnh. Khi đạt được kết quả này rồi thì sự hoán chuyển, dù âu yếm hay thù nghịch cũng đặt vào tay chúng ta cái chìa khóa để mở được tất cả các cửa thầm kín nhất trong đời sống tinh thần. Tôi muốn nói một vài điều để làm tan sự ngạc nhiên của các bạn về hiện tượng bất ngờ này. Các bạn đừng quên rằng căn bệnh đang nghiên cứu này không phải là hiện tượng đã hoàn tất, cứng rắn mà là hiện tượng luôn luôn phát triển và lớn mạnh như một sinh vật vậy. Lúc đầu việc chữa chạy không chấm dứt được sự phát triển đó, nhưng một khi người bệnh đã tìm hiểu thì những cứ điểm cấu thành mới của căn bệnh được tập trung lại ở một điểm duy nhất: sự giao thiệp giữa người bệnh và ông thầy thuốc. Sự hoán chuyển có thể được đem so sánh với những lớp giữa thân cây và vỏ cây, khởi điểm cho sự cấu thành mới của những mô mới làm cho thân cây ngày càng dầy hơn. Khi sự hoán chuyển trở nên khá quan trọng rồi thì công việc nghiên cứu các kỷ niệm của người bệnh bị chậm trễ rất nhiều. Người ta có thể nói rằng, người ta không phải đang chữa một căn bệnh xảy ra từ trước mà đang chữa một căn bệnh hoàn toàn mới, biến dạng hẳn, thay thế căn bệnh trước. Lớp mới đến thêm vào lớp cũ này chúng ta đã theo dõi ngay từ lúc đầu, đã trông thấy nó phát sinh ra và phát triển, vì chúng ta đứng ở trung tâm điểm nên chúng ta có thể tìm ra chiều hướng dễ dàng. Tất cả những triệu chứng đều mấy hết ý nghĩa lúc sơ khởi, có một ý nghĩa mới có liên quan với sự hoán chuyển. Hay chỉ còn những triệu chứng cũ chịu biến đổi với sự xuất hiện của hoán chuyển là còn lại thôi. Chế ngự được căn bệnh thần kinh nhân tạo này tức là huỷ bỏ được căn bệnh do sự chữa chạy gây nên. Hai kết quả này đi liền với nhau và khi đạt được thì công việc chữa chạy của chúng ta chấm dứt. Con người trong sự giao thiệp với ông thầy thuốc đã trở thành bình thường, thoát khỏi được các khuynh hướng bị dồn ép, cũng sẽ vẫn giữ được mức bình thường đó một khi ông thầy thuốc không có mặt nữa.

Chính trong bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ có bệnh ám ảnh mà sự hoán chuyển có tầm quan trọng đặc biệt kỳ lạ đó. Vì thế nên người ta có lý khi gọi những bệnh này là “bệnh thần kinh hoán chuyển”. Người nào khảo cứu về phân tâm học đã có một khái niệm khác đúng về thực chất của sự hoán chuyển hẳn biết rõ không còn gì hồ nghi nữa, rằng những khuynh hướng bị dồn ép và xuất hiện dưới hình thức triệu chứng bệnh thần kinh có đặc tính gì rồi, sẽ không còn đòi hỏi bằng chứng gì nữa về tính chất khát dục của các khuynh hướng đó. Chúng ta có thể nói rằng lòng tin tưởng của chúng về tầm quan trọng của các triệu chứng bắt nguồn ở sự thỏa mãn khát dục bằng cách thay thế chúng bằng cách khác chỉ được khẳng định hoàn toàn sau khi nghiên cứu về sự hoán chuyển này.

Và bây giờ chúng ta có hơn một lí do để hoàn bị hóa quan niệm trước đây của chúng ta về cách chữa khỏi bệnh, làm cho quan niệm này ăn khớp với quan niệm mới. Khi người bệnh bắt đầu chống lại sự đề kháng mà chúng ta đã cho anh ta biết rõ, anh ta cần một sự thúc đẩy thực mạnh mẽ để cho sự quyết định nghiêng về phía chúng ta muốn, nghĩa là về phía khỏi bệnh. Nếu không, sự quyết định có thể nghiêng về phía lập lại tình trạng trước và dồn ép trở lại những cái gì mà chúng ta đã được đến gần ý thức. Điều quyết định trong sự việc này không phải sự thông minh của người bệnh – trí thông minh này không đủ mạnh, không đủ tự do để làm việc đó – mà chính là thái độ của người bệnh đối với ông thầy thuốc. Nếu sự hoán chuyển có tính chất tích cực thì người thầy thuốc trở nên có uy tín thực tốt đẹp, biến đổi sự thông cảm thành lòng tin tưởng. Nếu không có sự hoán chuyển đó, hay sự hoán chuyển chỉ có tính cách tiêu cực thì người bệnh sẽ không thèm để ý gì đến lời thầy thuốc. Lòng tin tưởng trong dịp này lặp lại chính lịch sử phát sinh của mình: nó là con đẻ của tình ái và không cần đến lý lẽ nào khác lúc ban đầu. Chỉ mãi về sau này nó mới bị gán cho cái lý lẽ một tầm quan trọng đủ để đem ra nghiên cứu khi những lý lẽ đó do các người yêu dấu đưa ra, không có và không bao giờ có một tác dụng gì trong đời sống của phần lớn mọi người. Vì thế cho nên chúng ta chỉ có thể đánh vào khía cạnh trí thức của con người một khi con người có đủ khả năng tích luỹ được nhiều đối tượng khát dục, chúng ta có nhiều lý do để cho rằng phân tâm học chỉ có ảnh hưởng tới một mức độ nào đó đối với người bệnh và mức độ đó tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh nác-xít của người bệnh.

Người bình thường nào cũng có khả năng tích luỹ trong người mình một số sinh lực khát dục. Khuynh hướng hoán chuyển nói trên chỉ là sự quá độ kỳ lạ của khả năng tích luỹ này thôi. Có điều kỳ lạ là một đặc tính quan trọng và xảy ra rất nhiều như thế mà không được chú trọng cho đúng giá trị của nó. Vì thế nên nó không lọt qua mắt những nhà quan sát kỹ lưỡng. Vì thế nên Bernheim đã tỏ ra rất sâu sắc khi thành lập thuyết về hiện tượng thôi miên dựa trên đề luận là tất cả mọi người đều có thể “dễ bị ám thị”. Tính cách “dễ bị ám thị” này chẳng là gì khác hơn khuynh hướng hoán chuyển, hiểu theo nghĩa hẹp nghĩa là có hoán chuyển tiêu cực. Tuy nhiên Bernheim chứng minh cho chúng ta biết sự ám thị là một sự kiện cơ bản không cần biết rõ nguồn gốc. Ông ta không nhìn rõ dây liên lạc giữa sự “dễ bị ám thị” và tình dục hay sự hoạt động của khát dục. Chúng ta cần biết rằng nếu trong kỹ thuật của chúng ta, chúng ta đã bỏ rơi thôi miên chính là để lại tìm thấy sự ám thị dưới hình thức của sự hoán chuyển.

Nhưng tôi dừng lại ở đây và nhường lời cho các bạn. Tôi chợt thấy rằng các bạn có một lời bài bác mạnh đến nỗi nếu không cho các bạn nói ra các bạn sẽ không thể nào tiếp tục theo dõi bài trình bày của tôi được. Các bạn sẽ nói: “Vậy tức là rút cục giáo sư cũng công nhận rằng giáo sư đã làm việc với sự trợ giúp của sự ám thị chẳng khác gì các nhà thôi miên học. Chúng tôi chờ đợi điều đó từ lâu rồi. Nếu chỉ có sự ám thị mới là yếu tố duy nhất có hiệu quả thì tất cả những điều đã làm như gợi là kỷ niệm của dĩ vãng, khám phá ra vô thức, giải thích những sự biến dạng, mất bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu công của thời giờ dùng được vào việc gì đây? Tại sao ông lại không trực tiếp hoán vị các triệu chứng cũng như những nhà thôi miên học lương thiện khác. Nếu để bào chữa việc đi loanh quanh mãi, ông cho rằng ông đã khám phá ra nhiều điều về phương diện tâm lí quan trọng thì có cái gì đảm bảo giá trị cũng như sự khám phá đó? Nhưng sự khám phá đó không phải là kết quả của sự ám thị sao, những sự ám thị không có ý? Ông không thể dùng phương pháp của ông bắt buộc người bệnh phải theo những điều ông muốn và cho là đúng sao?

Điều các bạn nói đó thực hay và cần được trả lời. Nhưng vì không có thì giờ nên tôi không thể trả lời ngay được. Tôi sẽ chỉ chấm dứt những điều đã bắt đầu. Tôi đã hứa với các bạn là cho các bạn biết tại sao chúng ta lại thất bại trong việc chữa chạy bệnh thần kinh nác-xít.

Tôi chỉ cần nói vài điều thôi và các bạn sẽ thấy là những điều đó thực giản dị và phù hợp với mọi điều khác. Quan sát cho thấy rằng những người bệnh nác-xít không có khả năng chuyển hoán hay nếu có thì chỉ có rất ít, chẳng có nghĩa lý gì. Họ đẩy ông thầy thuốc ra không phải vì thù nghịch mà vì lơ là. Vì thế nên chúng ta không ảnh hưởng đến họ được: những điều ông thầy thuốc nói chẳng ăn thua gì với họ cả, họ tỏ vẻ lạnh lùng; vì thế cho nên công việc chữa chạy dựa trên việc làm sống lại sự xung đột gây bệnh, vượt qua được sự đề kháng của sự dồn ép, đã tỏ ra rất hiệu quả trong các bệnh khác lại tỏ ra chẳng ăn thua gì trong bệnh này. Người bệnh vẫn như cũ. Chính họ cũng đã cố gắng để lấy lại tình thế nhưng những cố gắng này chỉ đưa đến những hậu quả bệnh hoạn mà thôi. Chúng ta chẳng làm gì để thay đổi tình trạng đó được.

Dựa vào những dữ kiện bệnh lí chúng ta khẳng định rằng đối với người bệnh này khát dục đã tách rời khỏi các đối tượng và biến thành khát dục của cái tôi. Chúng ta tưởng có thể dùng đặc tính này để phân biệt bệnh thần kinh này với loại bệnh thần kinh đầu tiên (náo loạn thần kinh, lo sợ, ám ảnh). Vậy mà thái độ của bệnh này trong việc chữa chạy đã xác nhận quan điểm của chúng ta. Vì không có hiện tượng chuyển hóa nên những người bệnh này thoát khỏi ảnh hưởng của chúng ta và không thể khỏi bệnh bằng những phương sách hiện có của chúng ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.