Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 3 – Phần 9



Do sự so sánh này chúng ta nhận thấy là từ trước tới nay chúng ta đã dùng chữ thụt lùi không phải theo nghĩa được mọi người công nhận mà theo một nghĩa hết sức đặc biệt. Nếu chúng ta gán cho sự thụt lùi một ý nghĩa tổng quát như là một sự quay trở lại từ một giai đoạn phát triển cao hơn đến một giai đoạn thấp hơn thì sự dồn ép cũng có thể được coi như một sự thụt lùi, một sự quay trở về giai đoạn trước đó xa hơn trong sự phát triển về tinh thần. Chỉ có điều là khi nói đến sự dồn ép chúng ta không hề nghĩ đến sự thụt lùi mà chỉ nghĩ đến việc một hành vi tinh thần bị giữ lại trong một giai đoạn dưới vô thức. Sự dồn ép là một khái niệm có tính cách tổng quát và di động; sự thụt lùi chỉ có tính cách mô tả với sự định cư, chúng ta chỉ muốn nói đến sự quay trở về một giai đoạn trước đó trong phát triển của sự khát dục, nghĩa là một điều hoàn toàn khác biệt với sự dồn ép và không có liên quan gì với nó cả. Chúng ta cũng không thể khẳng định rằng sự thụt lùi của sự khát dục là một hoạt động có tính cách tâm lý thuần túy và cũng không thể đặt cho nó một nơi cư ngụ nào trong guồng máy tinh thần. Dù sự thụt lùi có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tinh thần, yếu tố cơ thể vẫn là yếu tố quan trọng nhất của nó.

Lý luận này đối với các bạn có vẻ khô khan, nhưng bệnh viện sẽ hiến cho chúng ta những điều áp dụng làm cho những lý luận đó trở thành rõ ràng hơn. Các bạn hẳn biết rằng bệnh náo loạn thần kinh và bệnh náo bị ám ảnh là hai đại diện chính của loại bệnh thần kinh hoán chuyển. Trong bệnh náo loạn thần kinh quả có sự thụt lùi của sự khát dục trở về với những đối tượng tình dục đầu tiên có tính cách loạn luân, có thể nhận thấy mọi trường hợp trong khi người ta không hề nhận thấy có sự thụt lùi nào về những giai đoạn đầu tiên của tổ chức tình dục. Trái lại, sự dồn ép giữ một vai trò quan trọng hàng đầu trong bệnh náo loạn thần kinh. Nếu tôi được quyền bổ túc những điều đã thu lượm được từ trước tới nay về bệnh náo loạn thần kinh tôi sẽ mô tả trạng thái đó như sau: việc các khuynh hướng lẻ tẻ quy tụ dưới sự ngự trị của cơ quan sinh dục đã hoàn tất, nhưng kết quả của sự quy tụ đó lại gặp sự chống đối của hệ thống tiền ý thức liên lạc chặt chẽ với ý thức cho nên mới có một quang cảnh gần giống như trạng thái trước khi có sự ngự trị của cơ quan sinh dục, nhưng sự thực lại khác hẳn. Trong hai tình trạng thụt lùi của sự khát dục, tình trạng quay về một giai đoạn trước tổ chức tình dục đáng chú ý hơn cả. Vì sự thụt lùi này vắng mặt trong bệnh náo loạn thần kinh đều chịu ảnh hưởng của sự khảo sát bệnh náo loạn thần kinh nên mãi về sau này chúng ta mới biết rõ về tầm quan trọng của sự thụt lùi, sự khát dục sau tầm quan trọng của sự dồn ép. Các bạn có chờ đợi rằng chúng ta sẽ phải thay đổi quan điểm của chúng ta khi ngoài bệnh náo loạn thần kinh và bệnh ám ảnh ra, chúng ta còn phải xét đến bệnh Narcissisme (nghĩa là bệnh mê say hình bóng của mình qua hình ảnh dưới nước) không?

Trong bệnh bị ám ảnh, trái lại sự thụt lùi của khát dục về giai đoạn đầu tiên của tổ chức sa – đọa – hậu – môn là một sự kiện đáng chú ý nhất và chính sự thụt lùi này đã in dấu vết mình trong mòi sự phát hiện của các triệu chứng. Sự thúc đẩy có tính chất ái tình lúc đó xuất hiện dưới hình thức của sa đọa. Hình dung gợi lên do câu: tôi muốn giết em, thực ra có nghĩa: tôi muốn vui vầy với em. Các bạn chỉ cần nghĩ đến những sự thụt lùi liên can đến đối tượng, nghĩa là đến những người thân cận nhất và mến yêu nhất, các bạn sẽ có một ý niệm về sự kinh hoàng ghê tởm và những hình dung ám ảnh này gợi lên trong ý thức người bệnh như một cái gì hết sức xa lạ. Nhưng sự dồn ép trong các chứng bệnh thần kinh này giữ một vai trò quan trọng rất khó định nghĩa trong một bài học nhập môn như bài này. Sự thụt lùi của khát dục khi không đi cùng với sự dồn ép thường chỉ dẫn đến sự sa dọa chứ không gây bệnh thần kinh bao giờ. Vậy sự dồn ép tức là một hoạt động đặc biệt dành cho các bệnh thần kinh và biểu thị đặc biệt nhất cho các bệnh này. Có lẽ tôi sẽ có dịp nói chuyện với các bạn nhiều hơn về sự sa đọa và lúc đó các bạn sẽ thấy rằng mọi việc xảy ra một cách đơn giản hơn mình tưởng.

Tôi mong rằng các bạn sẽ không khó chịu khi thấy tôi nói quá nhiều đến sự định cư và thụt lùi của khát dục, nếu các bạn hay rằng những lời nói đó chỉ có mục đích sửa soạn cho các bạn xét đến vấn đề căn bệnh của thần kinh. Về điểm này tôi mới chỉ đưa ra có một dữ kiện: đó là người ta chỉ mắc bệnh thần kinh khi bị kìm hãm không cho thỏa mãn tình dục, nghĩa là bị thiếu thốn, và những triệu chứng xuất hiện để thay thế cho sự đòi hỏi không được thỏa mãn. Nhưng không phải vì thế mà kết luận rằng mỗi khi có sự kìm hãm tình dục là có ngay bệnh thần kinh; tôi chỉ muốn nói là hình thức thiếu thốn xảy ra trong mọi bệnh thần kinh đã được phân tích, chứ không phải cứ có thiếu thốn là có bệnh. Đề luận của tôi không hề đưa ra ánh sáng mọi bí ẩn của bệnh thần kinh mà chỉ nói đến một trong các điều kiện quan trọng và cần thiết trong sự phát sinh ra các chứng bệnh đó thôi.

Chúng ta cũng chưa biết là trong cuộc thảo luận sau này về đề luận nói trên, chúng ta sẽ phải chú ý đến thực chất của sự thiếu thốn hay đến tính cách đặc biệt của người bệnh hơn. Lý do và sự thiếu thốn không bao giờ đầy đủ và tuyệt đối cả, muốn trở thành căn bệnh, sự thiếu thốn phải đạt mục tiêu trên sự thỏa mãn mà con bệnh đòi hỏi, sự thỏa mãn duy nhất mà anh ta có thể đòi hỏi được. Có nhiều cách chịu đựng sự thiếu thốn về tình dục mà không bị bệnh. Chúng ta biết có nhiều người chịu đựng được mà không thấy có hại gì, họ không sung sướng nhưng cũng không mắc bệnh. Vả lại những khuynh hướng tình dục thường có tính chất dẻo dai lạ lùng, có thể thay thế nhau rất dễ dàng. Một khuynh hướng này có thể thay thế cường độ của một khuynh hướng khác; một khi trong thực tế người ta không thỏa mãn được sự đòi hỏi này, người ta có thể thay thế bằng sự thỏa mãn một đòi hỏi khác. Những khuynh hướng này như một hệ thống sông đào đầy nước thông với nhau mặc dù đều chịu sự thống trị của cơ quan sinh dục: hai đặc tính thực khó dung hòa. Hơn nữa các khuynh hướng lẻ tẻ về tình dục cũng như bản năng tình dục đều có thể dễ dàng thay đổi mục tiêu, đổi lẫn cho nhau những đối tượng hợp cho mình hơn, và chính sự dễ dàng thay thế này gây nên một sự phản kháng rất mạnh đối với tác dụng gây bệnh của sự thiếu thốn. Trong những yếu tố chống đối này có một yếu tố có tầm quan trọng xã hội đặc biệt. Đó là việc các khuynh hướng vì không thể thỏa mãn được trong hành vi tình dục nên đã thay thế sự thỏa mãn này bằng một mục tiêu khác tuy cũng giống như mục tiêu trên nhưng không có tính tình dục nữa mà chỉ còn tính chất xã hội thôi. Chúng ta gọi sự hoạt động thay thế này là sự “hoán chuyển” và làm như thế chúng ta đứng về phía những người dành cho những mục đích xã hội một giá trị lớn hơn mục đích tình dục, mục đích này chỉ có tính cách vị kỷ. Sự hoán chuyển chỉ là một trường hợp đặc biệt của việc gắn liền những khuynh hướng tình dục vào những khuynh hướng khác không tình dục. Chúng ta sẽ có dịp quay trở lại vấn đề này trong dịp khác.

Chắc các bạn muốn tin rằng sau khi tìm ra được những phương sách để chịu đựng sự thiếu thốn thì sự thiếu thốn sẽ mất hẳn tầm quan trọng. Sự thực không phải thế. Sự thiếu thốn vẫn giữ nguyên tính cách phát bệnh của nó. Những phương tiện để chịu đựng thiếu thốn thường không đủ dùng. Sự chịu đựng của khát dục có giới hạn. Sự dẻo dai và linh động của khát dục không hoàn toàn đầy đủ đối với mọi người, sự hoán chuyển chỉ hủy bỏ được một phần khát dục nào đó thôi, đó là không nói đến việc nhiều người chỉ có một khả năng hoán chuyển rất giới hạn. Có nhiều người chỉ thỏa mãn được với một số đối tượng và mục tiêu rất ít. Các bạn nên nhớ rằng, khi khát dục phát triển không đầy đủ thì thường hay định cư lại tại những giai đoạn tiền tổ chức và những đối tượng trong quá khứ, cả hai loại giai đoạn và đối tượng này đều không có khả năng cung cấp sự thỏa mãn thực sự nữa. Như vậy tức là sau sự thiếu thốn, sự định cư là yếu tố mạnh nhất trong việc phát sinh ra bệnh thần kinh. Người ta có thể cho rằng trong căn bệnh thần kinh, sự định cư là yếu tố quyết định bên trong, trong khi sự thiếu thốn là yếu tố quyết định bên ngoài.

Tôi lợi dụng cơ hội này để yêu cầu các bạn đừng vội tỏ thái độ trong việc thảo luận vô ích. Trong thế giới khoa học, người ta hay thích chiếm lấy một phần sự thực rồi tuyên bố phần này là tất cả sự thực để phủ nhận giá trị của phần còn lại, trong khi phần còn lại này không phải là không đúng sự thực. Chính do phương sách này, nhiều phe phái đã rời bỏ môn phân tâm học, có phe phái chỉ công nhận những khuynh hướng vị kỷ mà phủ nhận những khuynh hướng tình dục, có phe phái chỉ công nhận ảnh hưởng của đời sống thực sự thôi chứ không công nhận ảnh hưởng của quá khứ cá nhân, v.v… Người ta cũng có thể đem sự định cư và sự thiếu thốn ra chống đối nhau và nêu ra một cuộc thảo luận bằng cách đặt câu hỏi: những bệnh thần kinh bắt nguồn từ bên trong cơ thể hay từ bên ngoài, nó là kết quả của một cách cấu tạo cơ thể nào đó hay chỉ do một vết thương từ bên ngoài vào? Những bệnh đó có phải do sự định cư khát dục gây ra (hay do những cách cấu tạo đặc biệt khác của tình dục) hay do áp lực của thiếu thốn gây ra? Nói thực ra hỏi thế cũng chẳng khác gì hỏi: đứa bé sinh ra là do người cha hay người mẹ? Các bạn sẽ trả lời đúng là cả hai điều kiện đều cần thiết. Sự việc xảy ra nếu không đúng hẳn thì cũng tương tự như đối với bệnh thần kinh. Về phương diện căn bệnh học, những chứng bệnh có thể được xếp thành một loại trong đó hai yếu tố: cấu tạo tình dục và ảnh hưởng bên ngoài, hay nếu các bạn thích hơn, sự định cư của phát dục và sự thiếu thốn được phát hiện theo đường hướng làm cho một trong hai yếu tố đó tăng lên thì yếu tố kia phải sút giảm. Ở một đầu kia trong loại xếp hạng là trường hợp tối đa: vì khát dục phát triển một cách rất bình thường nên những người này nhất định phải mắc bệnh thần kinh dầu ảnh hưởng bên ngoài ra sao mặc lòng. Đằng đầu đối nghịch là trường hợp những người chắc chắn thoát được bệnh thần kinh nếu họ không rơi vào tình trạng này hay tình trạng khác. Trong những trường hợp ở giữa hai đầu đó thì sự cấu tạo tình dục càng mạnh bao nhiêu thì sự ảnh hưởng bên ngoài càng ít bấy nhiêu, và trái lại. Trong trường hợp này sự cấu tạo tình dục đáng lẽ không phát sinh ra bệnh thần kinh nếu không có sự can thiệp tai hại từ bên ngoài vào và những ảnh hưởng này sẽ có kết quả gì nếu khát dục đã được cấu tạo một cách khác. Tôi có thể công nhận rằng những yếu tố cấu tạo quan trọng hơn ảnh hưởng bên ngoài, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào những giới hạn sự bất an của tinh thần.

Tôi đề nghị các bạn gọi loại này là lợi bổ túc, chúng ta sẽ có dịp nói tới nhiều loại khác nữa.

Việc khát dục cứ bám vào một hướng nào và một vài đối tượng nào đó là một yếu tố độc lập thay đổi từ người này qua người khác mà chúng ta chưa hề biết tại sao. Nếu chúng ta không nên đánh giá quá thấp vai trò của nó trong căn bệnh học thì chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao sự thân mật của nó trong sự liên quan đến căn bệnh học. Tính cách bám riết này của khát dục được nhận thấy trong nhiều trường hợp, trong những người hợp thành một loài trái hẳn với loại người tinh thần bất an: đó là loại người sa đọa. Trước khi phân tâm học xuất hiện. Binet đã tìm ra rằng, trong trí nhớ mất đi của người sa đọa nhiều khi có những dấu vết một chiều hướng nào đó của bản năng hay một đối tượng nào đó được lựa chọn một cách bất thường mà khát dục của người sa đọa thường ghi nhớ suốt đời. Nhiều khi chúng ta không thể biết cái gì đã làm cho dấu vết đó có đủ khả năng lôi cuốn được sự khát dục một cách mạnh mẽ như thế. Tôi kể cho các bạn nghe một trường hợp do chính tôi quan sát. Có một ông ngày nay không còn để ý đến cơ quan sinh dục cùng các vẻ đẹp khác của đàn bà nhưng mỗi khi nhìn thấy bàn chân của người đàn bà đi một đôi giầy kiểu nào đó thì tự nhiên thấy lòng dục nổi lên đùng đùng, nhớ lại một biến cố xảy ra hồi ông ta mới lên sáu giữa một vai trò quyết định sự định cư của khát dục. Cậu bé ngồi trên một cái ghế đẩu trước mặt người nhũ mẫu dạy cậu học tiếng Anh. Người nhũ mẫu, một người già xấu, mắt xanh, mũi hếch, hôm đó bị đau chân nên đi một đôi giầy dạ và gác chân lên một cái đệm. Chân bà ta được giấu kín rất đứng đắn. Sau này có một cái chân gầy guộc, đầy gân xanh giống như chân của người nhũ mẫu đã trở nên đối tượng duy nhất của tình dục của ông ta và mỗi lần trông thấy một cái chân như thế cùng với những đặc điểm khác của người nhũ mẫu, ông ta lại thấy lòng dục nổi lên. Việc định cư của khát dục đã làm cho ông ta trở thành một người sa đọa chứ không phải là một người bệnh thần kinh, chúng ta gọi loại người sa đọa này là loại người bị ám ảnh bởi một cái chân. Các bạn thấy không: sự định cư tuy là một căn nguyên của bệnh thần kinh, phát sinh ra rất sớm, hồi còn trẻ con, nhưng cũng có tác dụng rất xa ngoài bệnh thần kinh. Vì vậy sự định cư là một điều kiện không có tính chất quyết định như sự thiếu thốn đã nói trong phần trên.

Do đó vấn đề quy định những chứng bệnh thần kinh có vẻ trở thành rắc rối. Sự thực công trình khảo cứu phân tâm học đưa ra ánh sáng một yếu tố mới trước khi không có trong bản thống kê căn bệnh của chúng ta và xuất hiện rõ ràng trong người bình thường bị mắc bệnh thần kinh. Trong các người này người ta thường gặp những sự ham muốn trái ngược nhau, một sự xung đột tinh thần. Một phần của người bệnh tỏ ý ham muốn một sự này trong khi một phần kia chống lại. Nếu không có sự xung đột này thì làm gì có bệnh thần kinh. Điều này chẳng có gì khác lạ. Các bạn hẳn biết đời sống tinh thần của chúng ta luôn luôn bị rung động bởi những sự xung đột mà chúng ta phải tìm cách giải thích. Một sự xung đột như thế mà gây ra bệnh thần kinh tất nhiên phải có những điều kiện gì đặc biệt. Vì thế chúng ta cần hỏi xem những điều kiện đó là những điều kiện nào, những sự xung đột gây bệnh này hoạt động giữa những động lực tinh thần nào, liên quan giữa sự xung đột và các yếu tố quyết định khác ra sao?

Tôi hy vọng có thể đưa ra những câu trả lời có thể làm các bạn hài lòng tuy có hơi ngắn và vắn tắt quá. Sự xung đột do sự thiếu thốn gây ra, khát dục vì không được thỏa mãn đã tìm cách thỏa mãn bằng những đường lối và đối tượng khác. Những đường lối và đối tượng này không được một phần nào đó trong người chấp nhận, do đó sinh ra một sự cấm đoán làm cho khát dục không được thỏa mãn với phương tiện mới. Kể từ lúc đó các triệu chứng dần dần xuất hiện theo một con đường mà ta sẽ xét sau. Những khuynh hướng khát dục tìm cách phát hiện ra bằng đường lối quanh co khác tuy vẫn cố gắng chứng minh sự đòi hỏi của mình bằng nhiều sự biến dạng và giảm thiểu khác. Con đường quanh co này chính là con đường xuất hiện của các triệu chứng: những triệu chứng này chính là sự thỏa mãn mới mẻ hay dùng để thay thế sự thỏa mãn trước không đạt được do sự thiếu thốn gây nên.

Người ta có thể làm sáng tỏ hơn tầm quan trọng của sự xung đột tinh thần bằng cách nói rằng: “Một sự thiếu thốn bên ngoài muốn gây bệnh cần phải có một sự thiếu thốn bên trong.” Tất nhiên sự thiếu thốn bên ngoài cũng như bên trong đều đi theo những con đường và những đối tượng khác nhau. Sự thiếu thốn bên ngoài muốn gạt bỏ một sự thỏa mãn này trong khi sự thiếu thốn bên trong lại muốn gạt bỏ một sự thỏa mãn khác, do đó mà có xung đột. Tôi thích lối trình bày này hơn vì nó có nội dung rõ ràng. Điều này chứng tỏ rằng trong những thời kỳ sơ khai của sự phát triển con người, những sự thiếu sót bên trong được quy định bằng những chướng ngại vật bên ngoài.

Nhưng những động lực phát sinh ra sự bài bác chống khuynh hướng khát dục là những động lực nào và phần kia có sự mâu thuẫn trong việc gây bệnh là thế nào? Đó là những khuynh hướng không có tính cách tình dục. Chúng ta gọi những khuynh hướng này là “khuynh hướng của cái tôi”; vì sự phân tích chứng bệnh chuyển hoán không cung cấp cho ta một phương sách nào giúp cho ta mổ xẻ được chúng, nên ta chỉ biết chúng một phần nào bằng những sự chống đối ngăn trở không cho ta phân tích được. Sự xung đột gây bệnh chính là sự xung đột giữa những khuynh hướng của cái tôi và những khuynh hướng khát dục. Trong một vài trường hợp người ta có cảm tưởng rằng đó chỉ là mâu thuẫn giữa những khuynh hướng thuần túy tình dục; nhưng đó chỉ là bề ngoài vì trong hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau, thế nào cũng có một khuynh hướng thỏa mãn cái tôi trong khi khuynh hướng kia tìm cách bảo vệ cái tôi khỏi sự cám dỗ. Vậy tức là chỉ có sự xung đột giữa cái tôi và khát dục thôi.

Mỗi khi phân tâm học coi một biến cố nào đó là sản phẩm của những khuynh hướng tình dục người ta thường chỉ trích nói rằng con người không phải làm bằng tình dục, trong đời sống tinh thần còn có những khuynh hướng khác ngoài khuynh hướng và lợi ích tình dục và chúng ta không nên quy tụ hết mọi sự vào tình dục. Tôi không thấy gì khoan khoái hơn là được đồng ý với những người chống đối mình ít ra là một lần. Phân tâm học không bao giờ quên được rằng có những khuynh hướng phi tình dục, chính phân tâm học được xây dựng trên nền tảng của một sự phân biệt rõ ràng giữa những khuynh hướng của cái tôi và luôn luôn khẳng định rằng bệnh thần kinh không phải là sản phẩm của tình dục mà là sự mâu thuẫn giữa tình dục và cái tôi. Phân tâm học không thấy lý do nào vững chắc để phủ nhận sự có mặt hay tầm quan trọng của những khuynh hướng của cái tôi trong khi tìm cách phát hiện và định nghĩa vai trò của các khuynh hướng tình dục trong bệnh thần kinh và trong cuộc đời. Nếu phân tâm học đã nói đến các khuynh hướng tình dục chính là vì những bệnh thần kinh hoán chuyển đã làm nổi bật những khuynh hướng này lên và hiến cho phân tâm học một phạm vi nghiên cứu mà người khác không thèm để ý đến.

Vả lại, cho rằng phân tâm học không để ý đến khía cạnh phi tình dục của cá tính là một điều không đúng. Chính sự phân biệt giữa cái tôi và tình dục đã chứng tỏ một cách đặc biệt rõ ràng là những khuynh hướng của cái tôi cũng phát triển một cách có ý nghĩa và sự phát triển này không phải là không liên quan gì đến tình dục và không có phản ứng gì đối với tình dục. Sự thực là chúng ta biết đến sự phát triển của cái tôi không rõ ràng bằng sự phát triển tình dục, và lý do là chúng ta chỉ biết được cách cấu tạo của cái tôi sau khi nghiên cứu chứng bệnh Narcissisme. Dù sao chúng ta biết được một công trình rất hay về vấn đề này. Đó là công trình của M. Ferenczi, người đã tìm cách ấn định giai đoạn phát triển của cái tôi và ít nhất chúng ta có hai điểm tựa vững vàng để có một ý niệm về sự phát triển này. Không phải những lợi ích tình dục của một người ngay từ lúc đầu bắt buộc phải xung đột với những lợi ích từ bảo vệ; chúng ta có thể cho rằng cái tôi, trong mỗi giai đoạn phát triển đều tìm cách hòa nhịp cùng tổ chức tình dục, thích ứng với tổ chức này. Những giai đoạn nối tiếp nhau của sự phát triển của khát dục diễn ra theo một chương trình sắp sẵn từ trước; nhưng để chắc chắn là sự nối tiếp này chịu ảnh hưởng của cái tôi; giữa sự phát triển của cái tôi và sự phát triển của phát dục có hòa hợp nào đó và sự rối loạn trong sự hòa hợp này đã gây ra bệnh thần kinh. Có một điểm chúng ta cho là rất quan trọng là tự hỏi một khi khát dục đã định cư tại một giai đoạn nào trong sự phát triển thì thái độ của cái tôi ra sao? Cái tôi có thể cấu kết với sự định cư này và trong trường hợp đó nó trở thành sa đọa hay ấu trĩ. Nhưng cái tôi cũng có thể chống lại sự định cư đó và trong trường hợp này cái tôi bị dồn ép trong khi tình dục bị định cư.

Theo con đường này chúng ta thấy yếu tố thứ ba của căn bệnh thần kinh, cái khuynh hướng đưa đến sự xung đột cũng tùy thuộc vào sự phát triển của cái tôi cũng như của khát dục. Vì thế những ý kiến của chúng ta về sự quy định bệnh thần kinh được bổ túc. Thứ nhất chúng ta có điều kiện tổng quát nhất, đó là sự thiếu thốn, rồi đến sự định cư của tình dục đưa thiếu thốn hướng về một vài hướng nào đó và thứ ba là sự can thiệp của khuynh hướng mâu thuẫn gây ra do sự phát triển của cái tôi trong khi cái tôi chống lại những khuynh hướng khát dục. Vậy tình trạng cũng không đến nỗi phức tạp khó lĩnh hội như các bạn tưởng. Dù sao chúng ta cũng chưa nói hết những điều phải nói về vấn đề này. Chúng ta cần nói thêm một vài điều mới nữa và khảo sát kỹ càng hơn những điều đã nói rồi.

Để chứng tỏ rõ hơn ảnh hưởng của cái tôi đối với việc phát sinh ra mâu thuẫn, nghĩa là đối với sự quy định chứng bệnh thần kinh, tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện tuy chỉ có trong tưởng tượng nhưng không phải vì thế mà không có vẻ thực. Thí dụ này do vở kịch của Nestroy gợi ra cho tôi: “Ở tầng dưới và tầng lầu một.” Người gác cổng ở tầng dưới, người chủ nhà, một người giàu có được mọi người quý mến ở tầng trên. Cả hai đều có nhiều con, cô con gái của ông chủ nhà hoàn toàn tự do chơi với con người gác cổng. Có thể hai đứa bé chơi nhiều trò tục tĩu, ví dụ chơi trò bố mẹ, tìm cách nhòm ngó cơ quan sinh dục của nhau, tìm cách sờ soạng. Con gái ông chủ tuy mới có năm hay sáu tuổi nhưng đã có dịp quan sát một vài điều về tình dục người lớn, nên có thể đóng vai con người quyến rũ trai được. Dù không kéo dài bao lâu, nhưng trò chơi đó cũng đủ kích thích một vài khuynh hướng tình dục trong lòng hai đứa trẻ và sự kích thích này phát triển sau đó với hình thức thủ dâm. Lúc đầu tình trạng chung cho hai đứa trẻ, nhưng những cái gì xảy ra sau đó thì khác hẳn nhau. Cô con gái người gác cổng cứ tiếp tục thủ dâm như thế cho đến khi thấy kinh, rồi sau đó bỏ không thủ dâm, vài năm sau đó có thể có nhân tình, có con cái, làm nghề này nghề nọ, có thể trở thành một nghệ sĩ nổi danh và chấm dứt cuộc đời mình như một nhà quý tộc. Có thể đời sống của cô ta sẽ không huy hoàng như thế nhưng chắc chắn là cô ta sẽ sống trọn đời mình không thấy ảnh hưởng gì của những trò chơi dục tình thuở nhỏ, và không hề bị bệnh thần kinh. Cô con gái của ông chủ thì khác. Ngay từ lúc còn nhỏ cô bé đã tỏ ra hối hận rằng mình đã làm một việc gì xấu xa, cố gắng rất nhiều để không thủ dâm nữa nhưng vẫn không thể quên được những kỷ niệm đau buồn của tình dục hồi nhỏ. Lớn lên khi trực tiếp với những việc dính dáng đến thặng dư, cô ta sẽ quay mặt đi và tỏ vẻ không hề biết gì đến việc đó. Có thể là cô ta lại muốn thủ dâm trở lại nhưng không có can đảm than thở với ai cả. Khi đến tuổi lấy chồng, cô sẽ dễ dàng làm mồi cho bệnh thần kinh, sẽ cảm thấy thất vọng não nề khi nghĩ đến sự lấy chồng và nhìn cuộc đời bằng con mắt sầu thảm. Nếu đem phân tích, người ta sẽ thấy là cô gái có giáo dục, thông minh, đầy lý tưởng này đã hoàn toàn dồn ép các khuynh hướng tình dục của mình và các khuynh hướng này mà cô không hề biết đến, bắt nguồn từ những trò chơi trong thời thơ ấu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.