Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 2



Đối với tôi thật là một điều lạ lùng, khi nghĩ đến trong một cái ngăn kéo ở nhà, vẫn còn xếp đầy một đống thơ ca và đoạn đầu bản bi kịch của Xauyn. Tôi đã mất vào đấy bao nhiêu là buổi tối và hầu hết bọn chúng tôi, đứa nào chả làm như thế. Nhưng tất cả những cái đó, đối với tôi, đã trở nên mờ ảo đến nỗi tôi không thể nào hình dung ra được nữa.

Từ khi chúng tôi đến đây, cuộc sống cũ thế là bị cắt đứt hẳn, mặc dầu chúng tôi chẳng làm gì để cắt đứt nó cả. Nhiều lần, chúng tôi thử tìm nguyên nhân và cắt nghĩa tại sao, nhưng cũng không có kết quả mấy. Đối với bọn hai mươi tuổi chúng tôi, cái gì cũng rất là mơ hồ, với Cốp, Muynlơ, Lia và tôi, với tất cả bọn tôi mà lão Căngtôrec gọi là tuổi trẻ gang thép.

Bọn lính nhiều tuổi hơn còn gắn bó chặt chẽ với quá khứ. Họ có một cơ sở, họ có vợ, có con, có nghề nghiệp, có những sợi dây ràng buộc khá vững chắc mà chiến tranh cũng không cắt đứt nổi. Nhưng chúng tôi, với cái tuổi hai mươi, chúng tôi chỉ có cha mẹ và một vài đứa trong bọn, có người yêu. Chẳng có gì đáng kể. Dù cái tuổi chúng tôi, quyền lực của cha mẹ chẳng còn được là bao, mà phụ nữ cũng chưa chi phối được chúng tôi nữa. Ngoài cái đó ra, những cái khác chẳng có gì đáng kể. Một chút mơ mộng viễn vông, vài cái ngông rởm và nhà trường, cuộc sống của chúng tôi chưa đi đến đâu.

Và bây giờ chẳng còn lại cái gì của cuộc sống ấy nữa. Căngtôrec đã nói rằng chúng tôi đang bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Đúng là như vậy. Chúng tôi đã là bọn trên không chằng, dưới không rễ, chiến tranh như một con sông đã cuốn chúng tôi theo dòng của nó. Với những người nhiều tuổi hơn, chiến tranh chỉ là một sự gián đoạn. Họ có thể nghĩ đến một cái gì vượt ra ngoài phạm vi của nó.

Nhưng chúng tôi, chúng tôi đã bị chiến tranh tóm lấy và không biết về sau ra làm sao nữa. Hiện giờ, chúng tôi chỉ biết rằng mình đã trở nên cục súc một cách kì quái và đau đớn, dù rằng nhiều khi chúng tôi không còn đủ sức để cảm thấy buồn phiền nữa.

Tuy Muynlơ thèm muốn đôi ủng của Kemơrich, nhưng nó vẫn thương bạn, không kém gì một người khác mà cảnh đau xót có thể ngăn chặn những ý nghĩ tương tự. Có điều là nó biết nhận ra chỗ khác nhau.

Nếu đôi ủng ấy còn được đôi chút ích lợi cho Kemơnrich thì Muynlơ thà giẫm chân không lên dây thép gai còn hơn là nghĩ cách chiếm đoạt lấy nó. Đằng này đôi ủng chẳng còn dính dáng đến sức khỏe Kemơrich nữa, trong khi nó rất có thể được việc cho Muynlơ.

Kemơrich chết đến nơi, ai thừa hưởng đôi ủng ấy mà chả thế. Vậy tại sao Muynlơ lại không có thể lấm lét một tí. Hẳn là Muynlơ có quyền hơn một gã y tá chứ. Chờ đến lúc Kemơrich chết thì muộn quá. Chính vì vậy mà ngay từ lúc này, Muynlơ đã mở mắt thao láo ra mà theo dõi. Chúng tôi đã mất ý thức về mọi kiểu quan hệ khác vì chúng đều giả tạo, chỉ có thực tế mới đáng kể và có tầm quan trọng đối với chúng tôi. Và những đôi ủng tốt thì hiếm lắm.

Không phải một ngày mà đẻ ra điều đó. Khi đến sở mộ binh chúng tôi chỉ mới là một lớp học gồm hai mươi cậu trai trẻ, đầy hãnh diện, cùng đi cạo trọc đầu một loạt (với nhiều đứa, đó là lần đầu tiên) trước khi bước vào sân trại lính. Chúng tôi chưa đứa nào có dự định rõ ràng về tương lai cả, rất ít đứa có ý nghĩ hẳn hoi về nghề nghiệp làm ăn sinh sống sau này. Trái lại, đầu óc chúng tôi đầy những ý nghĩ lông bông, gán cho cuộc đời và cho cả chiến tranh nữa, một tính chất lí tưởng và gần như lãng mạn.

Thời gian luyện tập quân sự kéo dài mười tuần lễ và số ngày ấy đủ thay đổi chúng tôi một cách căn bản hơn là mười năm trên ghế nhà trường. Chúng tôi đã học được rằng một cái cúc áo đánh bóng cẩn thận còn quan trọng hơn là cả bốn tập sách Scôpenhacơ. Lúc đầu chúng tôi ngạc nhiên, rồi đến bực bội, sau cùng là mặc kệ, chúng tôi nhận thấy không phái trí tuệ có vẻ chiếm phần ưu thế, mà là cái bàn chải đánh xi, không phải tư tưởng mà là “quy tắc”, không phải sự tự do mà là cách luyện tập. Chúng tôi đã đi lính với tất cả lòng hào hứng và tự nguyện, nhưng người ta đã làm đủ thứ để chúng tôi chán ngán. Sau ba tuần lễ, chúng tôi đã hiểu rất rõ rằng một gã phu trạm đeo lon có uy quyền đối với chúng tôi hơn cả bố mẹ chúng tôi trước kia, hơn cả những người dạy dỗ chúng tôi, hơn tất cả những bậc thiên tài của nền văn hóa, từ Platông cho đến Gợt. Với những cặp mắt non trẻ và rất linh lợi, chúng tôi nhìn thấy cái khái niệm cổ điển về tổ quốc mà các thầy giáo trước kia nhồi cho chúng tôi, bây giờ tới đây đã đạt đến chỗ tước đoạt nhân cách mà người ta chẳng bao giờ dám làm đối với cả những người đầy tớ hèn hạ nhất.

Chào, đứng nghiêm, đi nghiêm, bồng súng, quay bên phải hoặc quay bên trái, đập gót chân, chịu đựng những lời sỉ vả, va vấp hàng nghìn chuyện, thật thế, trước đây chúng tôi đã nghĩ đến cái sứ mệnh của chúng tôi với một ý nghĩ khác hẳn, thế mà nay chúng tôi thấy người ta chuẩn bị cho chúng tôi trở nên những bậc anh hùng y như người ta tập ngựa trong rạp xiếc vậy.

Nhưng rồi cũng quen thôi. Thậm chí chúng tôi cũng biết rằng một phần của những cái đó là cần thiết, nhưng cái phần còn lại kia thì thật là thừa. Con nhà lính rất tinh đối với những chuyện như thế.

Lớp học của chúng tôi bị chia thành từng nhóm ba người, bốn người, đợi đưa vào các phân đội, chúng tôi cùng ở với những anh thuyền chài, những anh nông dân, những anh thợ nhà máy, những anh thợ thủ công người xứ Fridơ… và chúng tôi rất chóng thân nhau. Cốp, Muynlơ, Kemơrich và tôi được điều đến phân đội thứ chín, đứng đầu là Himmenxtôt.

Hắn nổi tiếng là tay “hắc xì dầu” đểu nhất trại và hắn lấy làm hãnh diện về cái đó. Một con người béo lùn, đi lính đã mười hai năm, râu mép đỏ hoe, cong vểnh lên, nguyên là phu trạm lúc còn ở ngoài.

Đối với Cốp, Jađơn, Vethut và tôi, hắn giám sát một cách đặc biệt vì hắn cảm thấy bọn tôi có vẻ bướng ngầm đối với hắn. Một buổi sáng, tôi phải dọn giường cho hắn đúng mười bốn lần, lần nào hắn cũng không vừa ý, rồi lại giũ tung ra. Trong hai mươi giờ liền tất nhiên cũng có những lúc nghỉ, tôi đã phải đánh mỡ một đôi ủng rắn như đá và đã làm cho nó mềm nhũn ra, đến nỗi chính Himmenxtôt không còn kêu vào đâu được nữa. Theo lệnh hắn, tôi phải kì cọ cả căn phòng cho sạch như mới, bằng một chiếc bàn chải đánh răng. Cốp và tôi bắt đầu chấp hành cái mệnh lệnh phải quét tuyết ngoài sân doanh trại bằng một cái bàn chải cầm tay và một cái cào. Nếu không có một viên trung uý tình cờ đi đến đuổi chúng tôi về và xạc cho Himmenxtôt một trận nên thân thì chúng tôi còn phải làm cho đến lúc chết cóng. Khốn nỗi, hậu quả của việc này là Himmenxtôt ngày càng hằn học đối với bọn tôi. Tôi phải nhận phiên gác bốn ngày chủ nhật liền và trong thời gian ấy cũng phải “cấm phòng” luôn. Với toàn bộ quân trang vũ khí, tôi đã phải tập những động tác sau đây trên một bãi đất hoang trơn nhảy và ướt át: “Nhảy”, “Nằm”, “Nhảy”, “Nằm!”, cho đến khi tôi biến thành một đống bùn nhoe nhoét và quỵ xuống vì kiệt sức. Bốn giờ sau tôi đã phải đến trình diện Himmenxtôt cùng với tất cả đồ lễ đã cọ rửa tinh tươm. Quả thực hai bàn tay tôi tóe máu vì phải kì cọ nhiều quá. Cùng với Cốp, Vethut và Jađơn, tôi đã phải đứng nghiêm trong mười lăm phút, không đeo bít tất tay giữa lúc trời rét khủng khiếp, ngón tay trần áp vào nòng súng. Trong khi ấy bọn Himmenxtôt đi bách bộ xung quanh bọn tôi mắt gườm gườm nhìn xem bọn tôi có cựa quậy tí nào không để bắt lỗi. Hai giờ đêm chỉ phong phanh cái áo lót mà tôi phải chạy liền tám lần, thật nhanh, từ tầng gác trên của doanh trại xuống tận dưới sân, chỉ vì tội để quần đùi chờm vài phân ra ngoài mặt ghế đẩu, nơi mọi người phải xếp gói quần áo của mình theo đúng quy cách. Thầy cai trực tuần -Himmenxtôt – vừa chạy đến bên vừa mắng nhiếc.

Trong buổi tập đâm lê, bao giờ tôi cũng phải đấu với Himmenxtôt, hắn bắt tôi cầm một cái gậy bắt nặng trình trịch, còn hắn chỉ cầm một cái gậy gỗ sử dụng thuận tiện, thành thử hắn có thể dễ dàng đâm vào cánh tay tôi làm cho tím bầm nhiều chỗ. Nói của đáng tội, một lần tôi nổi hung lên, nhắm mắt xông bừa vào hắn và thọc cho một cú vào bụng, mạnh đến nỗi hắn ngã quay lơ ra. Khi hắn định kiện thì viên chỉ huy đại đội lại chế giễu hắn và bảo từ nay phải cẩn thận hơn, thế thôi. Ông ta đã biết tỏng Himmenxtôt rồi và lấy làm thú vị về cái chuyện hắn bị một vố như vậy. Tôi đã trở nên một tay xuất sắc về môn leo xà ngang và dần dần tôi chẳng hãi một địch thủ nào trong môn co đầu gối. Nghe thấy tiếng Himmenxtôt là bọn tôi cung đủ phát run lên, nhưng cái con ngựa trạm đã thành man rợ ấy đừng hòng làm cho bọn tôi phải hạ cờ khuất phục.

Một ngày chủ nhật, Cốp và tôi, hai đứa cầm gậy kéo lê qua sân trại những thùng phân của nhà xí, đúng lúc ấy Himmenxtôt tạt qua đó, áo quần bảnh chọe, sắp sửa đi chơi. Hắn dừng lại trước mặt chúng tôi hỏi xem làm thế có thích không. Thế là mặc kệ, muốn ra sao thì ra, chúng tôi giả vờ trượt chân một cái hất cả thùng phân vào chân hắn, hắn phát điên phát cuồng lên, nhưng vố ấy thật là đích đáng.

– Phải cho chúng mày ra tòa án binh? – Hắn thét lên.

Cốp đã chán ngấy cái giọng ấy, trả lời:

– Nhưng trước hết sẽ có một cuộc thẩm vấn, khi ấy chúng tôi sẽ nói toạc móng heo…

– Chúng mày dám nói với thầy cai như thế hả? – Himmenxtôt gầm lên. – Chúng mày điên rồi hả? Đứng đấy tao hỏi đã. Chúng mày định làm gì hả?

– Chúng tôi sẽ nói toạc hết mọi chuyện về thầy cai, – Cốp trả lời, ngón tay đặt trên nẹp quần.

Himmenxtôt hiểu ngay tình thế, cút thẳng, chẳng ho he gì nữa.

Nói cho đúng thì lúc sắp đi, hắn cũng còn lầu bầu:

– Rồi chúng mày sẽ biết tay ông.

Nhưng thế là bao nhiêu uy tín của hắn đi đời nhà ma. Một lần khác hắn còn bắt chúng tôi tập ở bãi hoang, vẫn những động tác “Nằm”, “Nhảy”, “Nằm”, “Nhảy!” Thực tình, chúng tôi vẫn tuân theo, vì mệnh lệnh là mệnh lệnh, nhưng chúng tôi làm một cách chậm chạp đến nỗi Himmenxtôt phải tuyệt vọng.

Chúng tôi bình thản nhích đầu gối lên, rồi đến hai tay và cứ thế tiếp tục, trong lúc đó hắn phát khùng lên, đã ra một lệnh khác rồi. Trước khi chúng tôi toát mồ hôi, thì hắn đã khản đặc cả tiếng.

Sau đó, hắn để chúng tôi yên. Kể thì hắn vẫn xạc chúng tôi là “đồ lợn”, nhưng xem ý đã có vẻ nể.

Nhiều thầy cai khác tỏ ra đã biết điều hơn và rất phải chăng. Họ cũng là số đông nữa. Nhưng trước hết thầy nào cũng muốn giữ cái chân “dạy dỗ” ở hậu phương càng lâu càng hay, mà muốn thế thì phải hắc với lính mới.

Thực ra, chúng tôi đã hiểu một cái bãi tập của trại lính có thể lịch sự đến mức nào rồi và nhiều phen chúng tôi đã phải điên cuồng gào thét lên.

Nhiều đứa trong bọn tôi đã phát ốm, thậm chí thằng Vôn đã chết vì sưng phổi, nhưng nếu chúng tôi đầu hàng thì người ta sẽ cho chúng tôi là đám hèn.

Chúng tôi trở nên khắc khổ, đa nghi, tàn nhẫn, hay hằn thù, cục súc, mà như thế cũng tốt thôi vì chính chúng tôi đang thiếu những đức tính ấy. Giả dụ người ta điều ngay chúng tôi đến các chiến hào, mà không có thời kì huấn luyện ấy, chắc hẳn nhiều đứa trong bọn tôi sẽ phát điên.

Như thế chúng tôi đã được chuẩn bị cho những gì đang chờ đợi mình.

Chúng tôi không bị quật ngã. Trái lại chúng tôi thích ứng được với hoàn cảnh. Cái tuổi hai mươi của chúng tôi, tuy non nớt đối với nhiều việc khác, lại được cho chúng tôi về việc này. Nhưng điều quan trọng nhất là một tình cảm vững chắc về đoàn kết đã trỗi dậy trong chúng tôi, tình cảm đó ở ngoài mặt trận làm nảy nở cái quý nhất mà chiến tranh tạo nên, đó là tình đồng đội.

Tôi ngồi cạnh giường Kemơrich. Mỗi lúc nó thêm nguy ngập. Chung quanh chúng tôi, om sòm, rầu rĩ.

Một chuyến tàu y tế vừa mới đến và người ta lựa những thương binh còn có thể chuyên chở được. Người thầy thuốc đi qua giường Kemơrich, ông ta chẳng buồn nhìn nó nữa.

– Chắc là đến lượt sau. Phăng ạ. – Tôi nói với nó.

Nó chống khuỷu tay lên giữa những cái gối dựa.

– Họ đã cưa chân mình rồi. – Nó nói.

Thế là bây giờ nó đã biết. Tôi gật đầu và trả lời:

– Cậu nên mừng là được thoát như thế.

Nó im lặng.

Tôi lại tiếp:

– Đáng lẽ bị cả hai chân cơ, Phăng ạ.

Veghêlơ đã mất cánh tay phải. còn khổ hơn chứ. Mới lại cậu sẽ được về nhà cơ mà.

Nó nhìn tôi:

– Chắc không?

– Hẳn thế chứ lị.

Nó nhắc lại:

– Chắc không?

– Nhất định thế Phăng ạ. Có điều là sau khi giải phẫu, cậu cần phải lại sức đã.

Nó ra hiệu bảo tôi lại gần. Tôi cúi người sát vào nó và nó thì thầm:

– Mình không tin thế đâu.

– Phăng. Đừng có nói vớ vẩn, chỉ vài ngày là cậu sẽ biết thôi. Một một chân thì có sao đâu. Ở đây, người ta còn chữa được những ca nặng gấp mấy ấy chứ.

Nó giơ bàn tay lên:

– Cậu nhìn những ngón tay đây này.

– Do giải phẫu đấy thôi. Cố ăn uống đi, rồi cậu sẽ mau khỏi. Các cậu ăn uống có khá không?

Nó chỉ cho tôi cái mớ da còn lưng một nửa. Tôi gần như gắt lên:

– Phăng, cậu phải ăn đi chứ, ăn là chính đấy. Ở đây cũng khá đấy chứ.

Nó xua tay, không đồng ý với tôi. Một lúc sau, nó nói thong thả:

– Trước kia mình cũng muốn đi làm kiểm lâm.

– Thì cậu vẫn có thể đi làm chứ sao. – Tôi nói để an ủi nó. – Hiện nay có những loại chân tay giả tuyệt lắm, lắp vào chính cậu cũng không thấy là mình thiếu một chân cơ, ăn khớp với các bắp thịt ghê lắm. Lắm lúc một bàn tay giả, người ta có thể cử động cả ngón tay, có thể làm lụng viết lách được nữa kia. Mới lại, ngày càng có nhiều phát minh mới lạ chứ.

Nó im một lúc rồi nói:

– Cậu có thể lấy đôi ủng của mình cho thằng Muynlơ.

Tôi gật đầu và cố nghĩ xem có thể tìm được câu gì nữa để động viên nó không. Đôi môi của nó khuất đi, cái miệng trở nên rộng hơn, răng nhô ra hơn, trông như cục phấn, da thịt tiêu đi đâu cả, cái trán dô ra nhiều hơn, gò má lồi lên… Bộ xương đang hiện hình. Mắt đã trũng xuống. Chỉ vài giờ nữa là hết chuyện.

Không phải tôi trông thấy nó lần đầu, mà hai đứa đã cùng lớn lên với nhau. Thế mà bây giờ trông nó thật là khác hẳn. Tôi đã từng cóp bài của nó. Ở trường, nó thường mặc bộ quần áo màu hạt dẻ có thắt lưng, hai cái khuỷu tay bóng lên vì mài trên bàn. Ngoài ra, trong bọn tôi, chỉ có mình nó biết chơi quay thẳng tay trên xà đơn. Lúc ấy, tóc nó xõa xuống mặt trông như tơ vậy. Về chỗ này, lão Căngtôree lấy làm hãnh diện vì nó, nhưng lão ta lại không chịu được mùi thuốc lá. Da nó rất trắng. Trông nó có cái vẻ gì của con gái.

Tôi nhìn xuống đôi ủng của tôi, đôi ủng mới to và thô làm sao, cái quần nhét vào đấy phồng ra, khi đứng dậy, hai cái ống quần thùng thình trông người có vẻ đô lắm. Nhưng khi chúng tôi đi tắm, chân và vai đột nhiên lại còm nhom đi. Khi ấy chúng tôi không còn là lính nữa, mà hầu như là những thằng bé con, không ai tin là chúng tôi có thể đeo ba lô được. Lúc chúng tôi cởi trần, thật là ngộ nghĩnh, chúng tôi là những gã thường dân và chúng tôi cũng cảm thấy na ná như vậy.

Phăng Kemơrich lúc đi tắm, trông gầy bé như một đứa trẻ con, thế mà bây giờ nó nằm dài ở đây, tại sao lại thế nhỉ? Người ta cần phải dẫn tất cả nhân loại đến trước giường nó mà nói to lên rằng: “Này đây là Phăng Kemơrich, mười chín tuổi rưỡi, nó không muốn chết, xin đừng để nó phải chết.”

Những ý nghĩ của tôi trở nên lộn xộn. Cái không khí đầy mùi phê nôn và máu mủ hôi thối này làm tắt cả phổi, đó là một thứ hồ đặc quánh làm cho người ta ngạt thở.

Bóng tối tràn đến. Khuôn mặt Kemơrich xanh nhợt đi. Khuôn mặt nhô ra giữa hai cái tai và nhợt nhạt đến nỗi như nó lóe ra một ánh sáng yếu ớt. Cái miệng cử động nhè nhẹ. Tôi lại sát bên nó. Nó thì thầm: “Nếu cậu tìm thấy cái đồng hồ của mình, thì gửi về nhà hộ mình.”

Tôi không phản đối gì cả. Bây giờ thật vô ích.

Không còn cách nào làm cho nó yên tâm được nữa. Sự bất lực giày vò tôi.

Trời! Cái trán với hai thái dương lõm sâu vào kia, cái mũi đã teo đi kia! Lại còn bà cụ khóc lóc ở nhà, mà tôi phải viết thư về! Chao ôi, giá cái thư ấy đã viết rồi! Bọn y tá xách chai, xách thùng đi qua. Một người trong bọn bước lại, nhìn Kemơrich có vẻ thăm dò, rồi lảng ra, rõ ràng là hắn đợi. Chắc là hắn đang cần cái giường.

Tôi sát lại gần Phăng và nói với nó y như tôi có thể cứu sống được nó:

– Có lẽ người ta sẽ đưa cậu về an dưỡng đường Clôtecbe, chỗ có những biệt thự ấy, Phăng ạ. Ngồi bên cửa sổ cậu có thể nhìn tất cả vùng quê cho đến tận hai cái cây ở phía chân trời. Bây giờ đang là mùa đẹp nhất năm. Lúa sắp chín, buổi chiều, dưới ánh mặt trời cánh đồng chẳng khác gì xà cừ. Lại con đường trồng bạch dương dọc theo khu Clôtecbach mà bọn mình vẫn uống cà phê ngon tuyệt nữa chứ! Lúc ấy, cậu có thể bày một cái chậu thủy tinh và nuôi cá vàng, cậu có thể ra vào tùy ý, chẳng phải phép tắc gì cả, cậu lại có thể chơi đàn dương cầm nữa, nếu cậu thích.

Tôi cúi xuống khuôn mặt của nó đang chìm trong bóng tối. Nó còn thở thoi thóp. Mặt nó ướt đẫm, nó khỏe. Chao ôi, tôi ăn nói thật là vớ vẩn, chẳng ra làm sao!

Tôi quàng lấy vai nó và sát mặt tôi vào mặt nó.

– Bây giờ cậu có buồn ngủ không?

Nó không trả lời. Những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên má. Tôi muốn lau cho nó, nhưng cái khăn tay của tôi bẩn quá. Một giờ trôi qua, tôi vẫn ngồi đây, đầu óc căng thẳng và tôi chăm chú theo dõi xem nó có muốn dặn gì nữa không. Giá nó mở to miệng la được và kêu lên! Nhưng nó chỉ khóc, đầu ngoẹo sang một bên. Nó chẳng nhắc gì đến mẹ, đến các anh em, chị em, nó chẳng nói gì cả, có lẽ tất cả những cái đó đã xa xôi đối với nó rồi. Giờ đây nó chỉ còn một thân một mình với cuộc đời hèn mọn, mười chín tuổi, nó khóc vì cuộc đời ấy bỏ nó mà đi.

Đó là cái chết cảm động, đau đớn nhất mà tôi chưa từng thấy, dù rằng lúc trước Tétgien chết cũng buồn lắm, nó khỏe như một con gấu, thét lên gọi mẹ, mắt mở trừng trừng, tay cầm cái lưỡi lê, đầy vẻ hoảng hốt, xua đuổi thầy thuốc ra khỏi giường nó, mãi cho đến lúc nó chết.

Bỗng Kemơrich bắt đầu rền rĩ và thở dốc. Tôi vùng dậy, lảo đảo chạy ra ngoài và hỏi: “Bác sĩ đâu rồi? Bác sĩ đâu rồi?” Chợt thấy cái áo choàng trắng, tôi chặn lại:

– Ông đến ngay cho, nếu không Phăng Kemơrich chết mất.

Lão ta gỡ ra và hỏi người y tá đứng đấy:

– Cái gì thế?

Gã kia trả lời:

– Giường 26, cưa bắp đùi trên.

Lão thầy thuốc gắt lên:

– Làm thế nào mà hiểu được. Ngày hôm nay tôi cưa những năm cái chân.

Lão đẩy tôi ra và bảo người y tá:

– Đến xem sao! Rồi lão ta lại chạy đến phòng mổ.

Tôi giận điên lên, đi theo gã y tá. Hắn nhìn tôi và nói:

– Hết cưa lại đến cắt, suốt từ năm giờ sáng đến giờ đấy anh bạn ạ, mình nói thật cậu biết, riêng ngày hôm nay thêm mười sáu người chết. Cái thằng của cậu đây là thứ mười bảy. Nhất định là phải đến hai chục.

Tôi tưởng chừng quỵ xuống. Không còn sức đi nữa.

Tôi cũng không muốn nổi nóng nữa. Vô ích, tôi chỉ muốn ngã gục xuống và không bao giờ đứng dậy nữa.

Chúng tôi đến trước giường Kemơrich. Nó đã chết, mặt còn đẫm nước mắt. Mắt nửa nhắm nửa mở…

Gã y tá huých tôi một cái vào sườn:

– Có lấy đồ đạc không?

Tôi gật.

Hắn tiếp:

– Chúng tớ phải mang hắn đi ngay vì cần giường. Nhiều người khác còn nằm ngoài hành lang kia kìa.

Tôi nhặt nhạnh đồ lề và tháo cái biển căn cước của Kemơrich. Gã y tá hỏi quyển quân bạ.

– Không có đấy!Tôi nói có lẽ quân bạ ở văn phòng đại đội và tôi đi.

Đằng sau tôi, họ đã lôi Phăng vất lên một tấm vải bạt.

Bên ngoài bóng tối và gió như giải thoát cho tôi.

Tôi thở thật mạnh và cảm thấy không khí phớt qua da mặt, nóng ấm và êm dịu hơn bao giờ hết. Đột nhiên tôi nghĩ đến bọn con gái, đến những đồng cỏ nở hoa, đến những đám mây trắng. Đôi chân tôi cứ tự chúng bước trong những chiếc giày, tôi rảo bước, tôi chạy.

Những người lính đi qua bên tôi, những lời họ nói kích động tôi, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Mặt đất căng đầy sinh lực, xuyên qua bàn chân tràn ngập vào người tôi.

Đêm rung chuyển ngàn tia lửa điện. Đường hỏa tuyến vang động ào ào như một dàn trống hòa với nhau.

Chân tay tôi cử động nhanh nhẹn. Tôi thở và tôi vùng vẫy. Đêm khuya đang sống. Cả tôi nữa, tôi cũng đang sống. Tôi đói, một cái đói cồn cào ghê gớm hơn lúc chỉ đói từ trong bụng.

Muynlơ đứng trước lán. Nó đợi tôi. Tôi đưa đôi ủng của Kemơrich cho nó. Chúng tôi đi vào, nó xỏ thử đôi ủng, thật là vừa khít. Nó lục trong đống lương thực, biếu tôi một miếng xúc xích to. Ngoài ra, lại còn nước chè pha rượu rum, rất nóng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.