Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 4 – Phần 1



Khi người ta có đến hàng trăm con rận mà giết từng con một thì chẳng tiện tí nào. Những con vật ấy cũng khá cứng, nên cứ lấy móng tay mà giết mãi chúng thì cũng phiền. Bởi vậy Jađơn đã lấy dây thép buộc một cái nắp hộp xi, đặt lên trên một ngọn nến. Chỉ việc bỏ con rận vào cái chảo tí hon ấy. Chúng nổ lép bép, thế là xong.

Chúng tôi ngồi thành vòng tròn, áo sơ mi đặt lên đầu gối, mình để trần trong không khí nóng bức, hai tay bắt rận tíu tít. Rận của Hai thuộc một loại nhỏ đặc biệt. Chúng có một chữ thập đỏ ở trên đầu. Vì vậy Hai ta cho là đã chở chúng từ quân y viện thua rút về, ở đấy chúng là của riêng của viên bác sĩ quân y. Hai nói hắn còn muốn dùng chỗ mỡ đọng dần trong hộp sắt tây ấy để đánh xi đôi ủng nữa và nó cười sặc cười sụa đến nửa giờ đồng hồ vì câu khôi hài của nó.

Thế nhưng hôm nay nó không được mọi người chú ý đến mấy nữa, vì có một chuyện khác đã làm chúng tôi hết sức quan tâm.

Tin đồn đã thành sự thực: Himmenxtôt đến đây rồi. Hắn đến hôm qua; chúng tôi đã nghe thấy giọng nói quen thuộc của hắn. Hình như ở hậu phương hắn ta đã hành hạ quá đáng mấy anh lính mới tuyển ở những miền đồng hoang. Hắn không ngờ trong số đó lại có cậu ấm con quan quận trưởng. Thành ra hắn bị thất điên bát đảo vì cái chuyện ấy.

Chính hắn sẽ phải ngạc nhiên ở đây! Jađơn tranh luận hàng giờ về tất cả mọi cung cách mà nó có thể sẽ đối xử với hắn. Hai ngắm nghía hai bàn tay hộ pháp của mình một cách trầm ngâm và nháy nháy mắt nhìn tôi. Trận đòn giã cho Himmenxtôt quả là cái đỉnh cao nhất của đời nó. Nó có kể cho tôi nghe là thỉnh thoảng nó vẫn còn nằm mê thấy cái trận ấy.

Cốp và Muynlơ nói chuyện với nhau. Cốp là người duy nhất có cái ăn lúc này, một cà mên đậu, có lẽ nó đã xoáy được trong bếp của tụi công binh.

Muynlơ liếc nhìn món đậu, nhưng nó tự kìm được và nói:

– An be này, nếu bất chợt mà hòa bình lập lại bây giờ, thì cậu sẽ làm gì? Hòa bình à, chả có đâu? – An be tuyên bố gọn lỏn.

– Đành thế, nhưng nếu… – Muynlơ nhấn mạnh – Thì cậu sẽ làm gì?

– Tớ sẽ vất mẹ nó cả mọi cái đi. – Cốp lầu bầu.

– Rõ rồi. Nhưng sao nữa? Tớ sẽ say bí tỉ. – An be trả lời.

– Đừng nói vớ vẩn nữa, tớ nói chuyện đứng đắn cơ mà…

– Tớ cũng thế, – An be nói, – Cậu còn muốn tớ làm cái gì khác nữa? Cát chú ý đến câu chuyện. Anh ta xin Cốp một ít đậu và được ngay, anh nghĩ một lúc lâu rồi nói: – Phải, người ta có thể say bí tỉ, hoặc nếu không, thì lập tức chạy đến nhà ga gần nhất và một lèo thẳng về nhà. “HÒA BÌNH”, An be này, mẹ kiếp!

Anh ta tìm trong cái ví bằng vải sơn một tấm ảnh và giơ cho cả bọn xem một cách kiêu hãnh. – Mẹ tớ nhà mình đấy nhé. – Rồi anh ta vừa cất tấm ảnh đi vừa chửi rủa. – Cái chiến tranh đểu cáng khốn nạn này…

Cậu nói thì dễ, – Tôi nói, – Vì cậu có vợ có con.

– Đúng, – Anh ta tán đồng – Mình phải xoay xở cho vợ con có miếng mà ăn chứ.

Chúng tôi cười.

Không phải họ thiếu thốn những thứ ấy, Cát, nếu không thì cậu cứ yêu cầu.

Muynlơ đói và nó cũng chưa thỏa mãn. Nó lôi Hai Vethut ra khỏi cái giấc mơ đấm đá.

– Hai, nếu ngay bây giờ hòa bình trở lại, thì cậu sẽ làm gì?

– Thằng Hai nó phải đá đít cho cậu một trận kịch liệt về cái tội dám đả động đến chuyện như thế ở đây, – Tôi nói.

– Làm sao cậu lại có thể…?

– Làm sao mà cứt bò lại lên được mái nhà? – Muynlơ trả lời cộc lốc. Rồi nó lại hỏi Hai Vethut.

Một câu hỏi như thế có vẻ khó quá đối với Hai.

Nó lúc lắc cái đầu lấm tấm mụn đỏ.

– Cậu muốn nói, nếu chiến tranh chấm đứt phải không? Đúng đấy, nói gì cậu cũng hiểu ngay.

– Nếu vậy, lại có đàn bà phải không? – Vừa nói, Hai vừa liếm mép.

– Phải, có cả cái khoản ấy nữa…

– Tổ mẹ ơi! Hai nói, đồng thời mặt nó tươi hẳn lên. – Lúc ấy tớ sẽ ngoặc với một cô ả thật là chắc nịch, một con Mai to béo, cậu hiểu không? Làm sao cho cô nàng không thể chuồn ra được, rồi là tớ bế lên giường ngay tắp lự. Cậu thử tưởng tượng xem, một cái giường lót lông chim, thật êm có đệm lò xo. Các cậu ơi, tớ sẽ không mặc quần – trong tám ngày liền nhé!

Ai nấy đều nín thở. Cái hình ảnh đặc sắc quá. Da chúng tôi nổi gai ốc lên. Sau cùng, Muynlơ trấn tĩnh lại và nói.

– Rồi sao nữa?

Một lúc im lặng. Sau đó Hai nói, có vẻ hơi lúng túng:

– Nếu tớ đóng lon cai, tớ sẽ vẫn ở lại trong quân Phổ và… tớ sẽ tái ngũ…

– Hai, đằng ấy dở hơi à? – Tôi hỏi.

Nó hỏi vặn lại luôn:

– Cậu đã làm ở mỏ than bùn bao giờ chưa? Thử tí xem.

– Chắc cũng chưa tệ bằng những chiến hào ở Săngpanhơ đâu. – Tôi đáp.

Hai vừa nhai vừa cười khẩy:

– Nhưng nó kéo dài hơn nhiều, và cậu không thể nào ẩn nấp được…

– Thế nhưng về nhà thì vẫn hơn chứ, anh bạn? Cũng tàm tạm thôi. – Nó nói, mồm há hốc ra, có vẻ suy nghĩ.

Nhìn nét mặt nó, người ta biết nó đang nghĩ gì.

Nó nghĩ đến những cái lều thảm hại ở mỏ than bùn, nghĩ đến công việc nặng nề dưới sức nắng hầm hập ở mỏ than bùn, nghĩ đến công việc nặng nề dưới sức nắng hầm hập của những bó đuốc tẩm dầu, từ sáng sớm đến tận chiều tối, nó nghĩ đến đồng lương ít ỏi, đến bộ quần áo dị dạng đầy cáu ghét…

– Thời bình mà đi lính thì chẳng là cái cóc gì cả, – Cuối cùng nó nói. – Hàng ngày cậu đã có cái chén rồi nhé, nếu không cậu cứ la rầm lên. Cậu có giường ngủ, tám ngày một lần có quần áo sạch, chẳng khác gì một ông hoàng; cậu làm công việc của thầy cai, cậu có quần áo, tất… tối đến cậu hoàn toàn tự do và ra quán rượu.

Hai ta có vẻ đắc ý lạ lùng về cái ý kiến của mình.

Nó lấy thế làm thú vị: “Thế rồi sau mười hai năm, cậu sẽ được lĩnh hưu bổng và sẽ thành sen đầm. Suốt ngày cậu chỉ có việc đi rong.”

Lúc này, ý nghĩ về cái tương lai ấy làm cho nó nóng cả người lên.

– Cậu thử tưởng tượng xem, mọi người sẽ đối đãi với cậu như thế nào: chỗ này một cốc cô nhắc, chỗ kia nửa chai rượu. Ai mà chả muốn yên lành với ông sen đầm, phải không nào?

– Nhưng cậu chả bao giờ thành thầy cai được đâu Hai ạ! – Cát đâm ngay một câu.

Hai cụt hứng, nhìn Cát và im ngay. Chắc chắn giờ đây nó đang nghĩ đến buồi tối huy hoàng của mùa thu, đến những ngày chủ nhật nằm ườn dưới bụi thạch thảo, đến những hồi chuông của làng quê, đến những buổi chiều và những đêm nằm với gái, đến những cái bánh rán lúa mạch đen mà mỡ làm sùi lên những cái bướu lớn, đến những giờ chuyện gẫu vô tư lự ở quán rượu…

Nó cần có thì giờ để chui ra khỏi cái thế giới hình ảnh như thế. Vì vậy, nó chỉ còn biết cằn nhằn cau có.

– Các cậu hay hỏi vớ vẩn bỏ mẹ! – Nó chui đầu vào áo lót rồi cài khuy áo ngoài.

– Còn cậu, Jađơn, cậu sẽ làm gì hở? – Cát hỏi.

Jađơn chỉ biết có một việc.

– Tớ sẽ làm thế nào để thằng cha Him… m… menxtôt không thoát khỏi được tay tớ.

Có lẽ cái mộng của nó là nhốt thằng cha Himmenxtôt vào một cái chuồng rồi sáng sáng xông vào nện cho một chầu dùi cui. Nó phấn khởi nói với Cốp:

– Vào địa vị cậu, tớ sẽ cố trở thành trung uý. Lúc ấy cậu có thể rèn hắn kĩ cho hai cái mông đít của hắn phải lạy van lên mới thôi…

– Còn cậu, Đêtơrinh? – Muynlơ tiếp tục.

Với cái kiểu hỏi con nhà người ta như thế, nó có thể trở nên một thầy giáo chính cống. Đêtơrinh ít nói. Nhưng đối với vấn đề này, nó trả lởi hẳn hoi. Nó nhìn lên không và chỉ phát ra mỗi một câu:

– Mình về cũng còn kịp vụ gặt…

Nói xong nó đứng dậy và đi thẳng.

Nó đang có chuyện lo nghĩ. Vợ nó phải quán xuyến cả mảnh đất lính canh ấy. Thế mà người ta lại vừa tịch thu của hắn thêm hai con ngựa. Ngày nào nó cũng đọc những tờ báo vớ được, chỉ cất xem thời tiết ở xó nhà quê Ônđenbua của nó ra sao. Nếu ở đấy cũng mưa, chắc họ không thể đưa rơm về kịp.

Giữa lúc ấy, Himmenxtôt xuất hiện. Hắn đi thẳng về phía bọn chúng tôi. Mặt Jađơn đỏ lên, nó nằm thẳng băng trên cỏ và nhắm nghiền hai mắt lại, đủ biết nó đang bị kích thích đến mức nào.

Himmenxtôt có phần ngập ngừng. Hắn bước chậm lại. Nhưng rồi cuối cùng hắn cũng đi về phía chúng tôi.

Chẳng ai buồn nhúc nhích. Cốp chăm chú nhìn hắn.

Hắn đến trước mặt chúng tôi và đứng đợi. Chẳng ai nói; hắn đành buông ra một tiếng: “Thế nào?” Mấy giây trôi qua. Rõ ràng Himmenxtôt lúng túng không biết nên có thái độ như thế nào. Có lẽ lúc này hắn cũng muốn ra oai thật sự với chúng tôi. Nhưng, hình như hắn cũng đã biết mặt trận không phải là cái sân trại lính tập. Hắn thử một lần nữa và lần này, hắn không hỏi tất cả mọi người, mà hỏi riêng một người, như vậy chắc sẽ đắt lời hơn.

Cốp ngồi gần hắn hơn cả, vì vậy được hân hạnh hắn hỏi tới.

– Thế nào cũng ở đây à?

Nhưng An be có phải là bạn hắn đâu. Nó trả lời cộc lốc:

– Mình ở đây hình như cũng đã lâu hơn đằng ấy một ít đấy!

Bộ râu mép đỏ cạch run lên.

– Chắc các cậu không nhận ra mình phải không?

Jađơn lúc này mở mắt ra:

– Có chứ, nó nói.

Himmenxtôt quay về phía nó:

– À! Jađơn đấy phải không?

Jađơn ngóc đầu dậy và nói:

– Thế mày có biết mày là gì không?

Himmenxtôt ngạc nhiên:

– Mày tao với nhau từ bao giờ thế. Tôi với anh có cùng chăn lợn với nhau bao giờ đâu?

Hắn hoàn toàn không biết nên làm gì trong một trường hợp như thế này. Hắn không ngờ đến thái độ thù địch trắng trợn như vậy. Nhưng bây giờ hắn đâm ra khôn ngoan, chắc hẳn có người đã mách với hắn chuyện những phát súng được truyền tụng, bắn vào lưng cấp chỉ huy.

Cái câu cùng chăn lợn với nhau khiến Jađơn phát khùng lên đến mức nó trở thành hóm hỉnh:

– Không phải đâu, – Nó nói, có mình mày chăn lợn thôi chứ!

Bây giờ đến lượt Himmenxtôt cũng sôi lên.

Nhưng Jađơn không để hắn kịp mở mồm, nó phải nói cho ra nhẽ mới được.

– Mày muốn biết mày là cái đồ gì phải không? Đồ đểu cáng chứ còn gì nữa. Tao đã định báo cho mày biết từ lâu rồi kia!

Sự thỏa mãn từ bao lâu khao khát làm cho đôi mắt ti hí của nó sáng long lanh hắn lên, lúc nó thét lên cái tiếng “Đồ đểu cáng!” Himmenxtôt bừng bừng nổi giận.

– Mày muốn gì hả, đồ hốt phân, đồ mặc váy? Đứng! Nghiêm! Khi cấp trên nói!

Jađơn, với một cử chỉ đường bệ:

– Himmenxtôt, anh có thể đứng theo tư thế nghỉ. Giải tán.

Himmenxtôt trở nên hiện thân điên cuồng của quy tắc quân sự. Đến Hoàng đế của nước độc chắc cũng không thể bị xúc phạm hơn hắn. Nó gào lên:

– Jađơn, theo đúng cấp bậc nhà binh, tôi ra lệnh cho anh: Dừng!

– Rồi sao nữa! – Jađơn hỏi. – Anh có phục tùng mệnh lệnh của tôi không? Có hay không thì bảo?

Jađơn trả lời một cách bình tĩnh và cương quyết, xử dụng một cách không ngờ câu viện dẫn cổ điển thông thường nhất. Đồng thời nó chổng mông vào hắn.

Himmenxtôt vừa chạy vội, vừa gầm lên:

– Phải cho mày ra tòa án binh!

Chúng tôi thấy hắn chạy khuất về phía văn phòng đại đội. Hai và Jađơn khoái trá không thể tưởng tượng được. Hai cười lăn cười lộn đến nỗi sái cả quai hàm và đột nhiên mồm nó há hốc ra không cử động được nữa. An be phải tống cho nó một quả, mới làm quai hàm của nó vào khớp được.

Cát có vẻ lo lắng.

– Nếu hắn kiện cậu, thì cũng phiền đấy.

– Cậu tưởng hắn làm thật à? – Jađơn hỏi.

– Hẳn chứ! – Tôi nói.

– Ít ra cậu cũng phải năm ngày tù, – Cát tuyên bố.

Jađơn không mảy may xúc động.

– Năm ngày vào hộp, lại càng được nghỉ khỏe xác.

– Nếu họ tống cậu đi pháo đài thì sao?

Muynlơ hỏi và tính đến đủ mọi mặt của vấn đề. Nếu vậy, trong thời gian ấy, chiến tranh coi như chấm dứt đối với tớ.

Jađơn có số đỏ, nó chẳng phải lo lắng cái gì bao giờ cả. Nó đứng dậy, đi cùng với Hai và Lia để người ta khỏi thấy nó từ lúc bắt đầu giận dữ.

Muynlơ vẫn chưa chịu buông tha những câu lục vấn. Nó lại tóm lấy Cốp:

– An be này, nếu cậu được về nhà bây giờ, cậu sẽ làm gì?

Cốp bây giờ đã chén đầy tễ nên có vẻ cởi mở hơn.

– Lớp mình còn lại bao nhiêu đứa nhỉ?

Chúng tôi đếm, lớp chúng tôi có hai mươi học sinh, bảy đứa đã chết, bốn đứa bị thương, một đứa đi trại điên. Còn lại gặp nhau nhiều nhất là mười hai đứa.

– Ba đứa là trung uý. – Muynlơ nói. – Cậu có tin rằng chúng nó còn để cho lão Căngtôrec mắng mỏ nữa không?

– Chúng tôi không tin; cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng không thể để cho lão ta hành hạ được nữa.

– Tóm lại, trò thấy ba lần hành động của Ghiôm Ten như thế nào?

Đột nhiên Cốp luận lại và nó phá ra cười.

– Những mục đích của Hai bun ở thành Gớttinhgơn là gì? – Muynlơ cũng hỏi bằng cái giọng đột nhiên trở nên nghiêm nghị.

– Sáclơ Têmêre có bao nhiêu con? – Tôi cũng bình tĩnh vặn lại.

– Bao mơ, ra đời trò sẽ là một đứa vô tích sự, hiểu chưa? – Muynlơ cười khẩy.

– Trận Jama xảy ra bao giờ? – Cốp hỏi.

– Cốp, trò học thiếu nghiêm túc, ngồi xuống, trò sẽ được điểm trừ ba. – Tôi vừa nói vừa đưa bàn tay ra hiệu.

– Trò hãy nói những chức năng mà Liquyếcgơ cho là quan trọng hơn hết đối với nhà nước. – Muynlơ vừa thì thào vừa làm bộ lắp cái kính một mắt.

Thành phố Menluốc có bao nhiêu dân cư? – Muynlơ lại hỏi với cái giọng rì rầm.

– Nếu các trò không biết cái ấy thì các trò định đảm bảo đời sống bằng cách nào?

Tôi hỏi An be bằng một giọng cáu kỉnh.

– Sự ngưng tụ nghĩa là gì? – An be nói có vẻ đắc thắng…

Chúng tôi chẳng còn nhớ quái gì nữa về tất cả cái mớ tạp nham ấy. Nó chẳng giúp ích gì cho chúng tôi.

Ngược lại, ở nhà trường, chẳng có ai dạy chúng tôi châm thuốc lá khi trời mưa hoặc trời gió thế nào, nhóm bếp khi củi ướt ra làm sao, hoặc giả cái bụng là nơi đâm lưỡi lê vào tốt nhất, vì lưỡi lê không bị mắc vào như ở cạnh sườn.

Muynlơ nói có vẻ tư lự:

– Tất cả những cái ấy để làm gì? Ấy thế mà rồi chúng mình lại phải trở về ghế nhà trường đấy.

Tôi thấy khó lòng có chuyện ấy và tôi nói:

– Có lẽ sẽ có một kì thi riêng cho chúng mình chắc?

– Nhưng cậu cũng phải chuẩn bị chứ. Cho là cậu đỗ đi nữa, rồi sau ra sao? Là sinh viên cũng chẳng hơn gì mấy. Nếu không có tiền, cậu lại phải xoay đến bở hơi tai.

– Kể thì cũng có hơn tí chút đấy, nhưng dù sao, những cái người ta tọng cho mình vẫn chỉ là những cái lăng nhăng vớ vẩn thôi.

Cốp phát biểu ý kiến của chúng tôi một cách chững chạc:

– Khi cánh mình đang ở mặt trận, thì làm thế nào mà nghĩ hẳn hoi về chuyện ấy được.

– Nhưng dẫu sao, trò cũng phải có một nghề nghiệp chứ? – Muynlơ đâm ngang vào, y như nó là Căngtôrec.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.