Phía Tây Không Có Gì Lạ
Chương 3 – Phần 1
Chúng tôi nhận được viện binh. Người ta lấp các chỗ trống và những ổ rơm trong lán trú quân lại có người nằm. Một phần là lính cũ. Nhưng cũng có hai mươi lăm anh trẻ tuổi từ những trạm tân binh sau mặt trận gửi đến. Bọn này kém chúng tôi gần một năm. Cốp huých tôi:
– Cậu đã trông thấy lũ nhóc chưa?
Tôi gật. Mấy đứa chúng tôi vênh vênh váo váo, chúng tôi chúi đầu ở ngoài sân, chúng tôi thọc tay vào túi quần, chúng tôi ngắm nghía bọn lính mới và chúng tôi tự cho là những tay cựu trào.
Catdinxki đến nhập bọn với chúng tôi. Chúng tôi dạo qua những chuồng ngựa và đi tìm những tay mới đến mà người ta đang phát mặt nạ chống hơi độc và cà phê.
Cát hỏi một cậu trẻ nhất:
– Chừng đã lâu lắm đằng ấy chưa được đớp cái gì kha khá một tí phải không?
Thằng kia nhăn:
– Sáng bánh củ cải vàng, trưa củ cải vàng, tối sườn nấu củ cải vàng và xà lách củ cải vàng.
Catdinxki huýt sáo ra vẻ sành sỏi:
– Bánh củ cải vàng à? Còn là may đấy, bây giờ người ta đã đến chỗ làm bằng mùn cưa rồi. Thế còn cái món đậu trắng, cậu thấy cũng khá đấy chứ? Có muốn làm một miếng không?
Cu cậu đỏ mặt:
– Anh làm tôi thèm rỏ dãi ra làm gì?
Catdinxki chỉ nói như ra lệnh:
– Lấy cái cà mên ra đây.
Chúng tôi nhìn Cát đầy vẻ tò mò. Anh ta dẫn chúng tôi đến một cái thùng gỗ, gần ổ rơm của anh.
Rõ ràng, cái thùng đầy đến nửa toàn là đậu hầm với thịt bò. Catdinxki đứng ưỡn ngực trước cái thùng, y như ông tướng và nói:
– Mở mắt ra, thò tay vào, đó là khẩu lệnh của người Phôi.
Bọn tôi ngạc nhiên quá. Tôi hỏi anh ta:
– Chết cha! Cát, cậu làm thế nào mà xoáy được chỗ này thế?
– Thằng cà chua đồng ý cho bê tất cả, tớ cho nó ba cái dù lụa. Này, này, cái món đậu trắng mà ăn nguội thì tuyệt lắm đấy nhé.
Anh ta rộng rãi cho thằng nhóc một khẩu phần và nói:
– Lần sau mang cà mên đến đây, nhớ cầm ở tay kia một điếu xì gà hay một cuộn thuốc, hiểu chưa?
Rồi anh ta quay về phía chúng tôi:
– Tất nhiên, với các cậu thì được miễn khoản ấy.
Catdinxki là một người đáng quý vì anh ta có cái giác quan thứ sáu. Ở đâu cũng có những người như vậy nhưng thoạt đầu ít ai để ý. Đại đội nào cũng có một hai người như thế. Catdinxki là một con người tinh quái nhất xưa nay tôi chưa từng thấy. Anh ta xuất thân từ nghề đóng giầy thì phải, nhưng cái ấy không đáng kể, anh ta biết đủ mọi nghề. Đánh bạn với anh ta thú đáo để. Cốp và tôi được coi là bạn của anh ta và trong chừng mực nào đó, Hai Vethut cũng thế. Thật ra thằng này chỉ là tay sai của anh ta thôi, vì khi nào xoay xở món gì mà cần đến sức lực thì Cát gọi đến nó. Ngược lại, nó cũng được hưởng những ân huệ, gọi là để đền bù cho cái công khó nhọc.
Thí dụ có lần ban đêm chúng tôi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, một nơi vừa đặt chân đến đã biết ngay là chẳng nước non gì, chỉ trơ ra mấy bức tường.
Chỗ chúng tôi vừa thu vén xong là một cái xưởng máy nhỏ, tối mò. Có mấy cái giường – nói cho đúng là mấy cái dát giường, mấy thanh gỗ căng dây thép.
Dây thép thì gay lắm. Chúng tôi chẳng có cái gì rải lên vì chăn còn phải để đắp. Vải bạt thì mỏng quá.
Cát nhìn quanh quéo một tí rồi bảo Hai Vethut:
– Đi theo mình.
Họ đi vào xóm, một nơi hoàn toàn mới lạ đối với họ.
Nửa giờ sau, họ trở về, tay ôm đầy rơm. Cát đã lùng được một chuồng ngựa và bao nhiêu là rơm luôn thể.
Thế là, giá bây giờ không bị cái đói cồn cào nó hành thì chúng tôi có thể đánh một giấc say sưa ấm áp.
Cốp hỏi một anh pháo thủ đóng ở vùng này đã lâu:
– Có cái quán ăn nào quanh đây không?
Gã kia cười:
– Cậu tưởng, ở đây chẳng có cóc gì cả. Một mẩu bánh mì cũng đừng hòng.
– Thế không còn dân cư gì cả sao?
Gã kia khạc một cái:
– Có, có chứ, vài mống, nhưng chính họ cũng lượn quanh mấy cái nồi như bọn này thôi.
Thật là nẫu quá. Chúng tôi lại phải thít cái thắt lưng khốn khổ vào thêm một nấc nữa, đành đợi ngày mai xe chở thức ăn đến vậy.
Thế nhưng, tôi thấy Cát chụp cái mũ ca lô, tôi hỏi anh ta:
– Cậu đi đâu đấy, Cát?
– Xem tình hình một tí.
Anh ta uể oải bước ra, gã pháo thủ cười khẩy:
– Đằng ấy cứ đi mà xem tình hình. Nhưng đừng có ôm đồm lắm đấy nhé.
Chán nản, chúng tôi nằm ườn cả ra và tự hỏi có nên động đến lương thực dự trữ không. Làm thì liều quá, cho nên chúng tôi cố chợp mắt một tí.
Cốp cấu điếu thuốc, cho tôi một nửa. Jađơn nói về các món ăn ở vùng quê nó, đậu ván nấu thịt mỡ. Phải cho cả rau thơm vào, nhưng phải đun cùng một lúc, chứ không được (xin Chúa che chở cho chúng tôi) cho khoai tây đậu ván với thịt mỡ riêng rẽ. Một đứa gắt nhặng lên là nếu Jađơn không im ngay mồm đi, hắn sẽ nghiền nó ra làm đồ gia vị để rắc vào cái món đậu ván của nó.
Thế là im lặng trở lại cái phòng ngủ rộng rãi và ngẫu nhiên. Chỉ còn mấy ngọn nến lung linh trên miệng chai, và thỉnh thoảng gã pháo thủ lại khạc nhổ. Chúng tôi đang thiu thiu thì cửa kẹt mở và Cát xuất hiện. Tôi đương mê ngủ. Hắn cắp hai cái bánh ở một tay, tay kia xách cái bị rách vấy máu, trong đựng thịt ngựa.
Gã pháo thủ kinh ngạc để tẩu thuốc rơi khỏi miệng. Hắn nắn cái bánh: “Đúng, bánh thật, mà lại còn nóng!” Cát không dài dòng mất thì giờ. Hắn xoáy được bánh, thế là đủ. Tôi tin rằng giá đóng ở sa mạc, cũng chỉ một giờ sau hắn ta xoay xở được bữa chén có đủ thịt quay, chà là và rượu nho. Hắn bảo Hai bằng giọng cộc lốc: “Bổ củi.” Rồi hắn ta rút ở trong áo ra một cái chảo, móc ở túi ra một nắm muối và một khoanh mỡ. Cái gì hắn ta cũng đều nghĩ tới. Hai nhóm bếp ngay trên mặt đất.
Lửa kêu lách tách giữa cảnh trống trải của xưởng máy. Chúng tôi nhún tay nhảy xuống giường.
Gã pháo thủ ngập ngừng, không biết có nên tỏ lời khen ngợi không, biết đâu lại không được tí chút, nhưng Catdinxki chẳng để ý gì đến hắn, coi hắn như không có, thế là gã pháo thủ lủi mất, mồm lẩm bẩm văng tục.
Cát biết cách rán thịt ngựa sao cho thật mềm.
Không được bỏ ngay vào chảo như thế nó sẽ dai, trước hết phải cho vào ít nước chần qua đã. Chúng tôi ngồi xổm thành vòng tròn, tay cầm dao ăn rồi cứ việc tọng cho đầy dạ dày.
Đấy Cát là con người như thế. Giả dụ trong một vùng, quanh năm chỉ có cái gì ăn vào một giờ nào đó thôi, thì đúng cái giờ đấy, anh chàng Cát ta như có một linh tính báo trước sẽ chụp cái mũ ca lô đi ra và đến thẳng chỗ có cái món ấy, y như có la bàn dẫn đường và thế là anh ta chôm được.
Anh ta tìm ra được đủ thứ, khi trời rét thì những cái chảo con với củi, rơm rạ, bàn ghế, nhưng nhất là cái gì chén được. Thật là một sự bí hiểm. Người ta ngỡ những cái đó từ trên trời rơi xuống. Cái chuyến bở nhất của anh ta là bốn hộp tôm hùm. Nhưng của đáng tội, bọn tôi lại thích mỡ lợn rán hơn.
Chúng tôi lăn lộn trước lán trú quân về phía có nắng. Mùi hắc ín, mùi mùa hè và mùi mồ hôi chân nồng nặc.
Cát ngồi cạnh tôi, vì anh ta thích nói chuyện.
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi tập chào quân sự trong một giờ đồng hồ, chỉ vì Jađơn đã chào một cấp chỉ huy uể oải quá. Cát chỉ nghĩ về chuyện ấy, anh ta nói: “Rồi cậu xem, chúng ta sẽ thua trận chỉ vì chào kĩ quá thôi!” Cốp bước lại, chân đi không, quần xắn móng lợn.
Nó phơi đôi bít tất vừa giặt trên bãi cỏ. Cát nhìn trời, đánh một cái rắm thật lực, rồi nói bằng một giọng kiểu cách: “Bất kì hạt đậu nào, dù bé tẹo, cũng phát ra tí chút âm nhạc chứ!” Cốp và Cát bắt đầu tranh cãi với nhau. Đồng thời, hai người đánh cuộc một chai bia về trận không chiến đang diễn ra trên đầu chúng tôi. Cát không chịu bỏ ý kiến của mình, với tư cách là lính cựu trào: anh ta cố phát biểu cho thành thơ: “Nếu cùng hướng cùng chén như nhau.” Chiến tranh đã hết từ lâu còn gì. Còn Cốp thì lại là một nhà tư tưởng. Nó muốn nói rằng mỗi lần tuyên chiến sẽ là một thứ hội hè của dân chúng: “Có giấy vào cửa, có âm nhạc cẩn thận”, như trong những cuộc thi đấu bò mộng ấy. Rồi trên đấu trường. các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước, sẽ mặc quần đùi tắm và vũ trang bằng dùi cui, cứ việc xông vào mà nện nhau. Vị nào còn đứng vững được đến phút cuối cùng thì nước của vị ấy sẽ thắng trận. Lời đề nghị ấy được hoan nghênh và câu chuyện chuyển sang việc tập lính ở doanh trại.
Một hình ảnh hiện ra trong óc tôi. Mặt trời giữa trưa chiếu hầm hập trên sân trại lính. Cái nóng kinh người đè trĩu không gian im lặng. Các ngôi nhà im lìm như chết. Mọi vật đều ngủ. Người ta chỉ nghe thấy tiếng trống tập đánh. Họ ngồi ở quanh đâu đấy và tập đánh một cách vụng về, đều đều, ngớ ngẩn. Cả một sự hài hòa: cái nắng giữa trưa, cái sân trại lính và buổi tập đánh trống.
Những của sổ doanh trại đều trống hốc và tối om, ở vài cửa sổ, có vắt phơi mấy cái quần áo vải thô. Người ta nhìn vào bên trong có vẻ thèm thuồng. Những căn phòng thật là mát mẻ. Hỡi những căn phòng tối tăm có mùi mốc, với những dát giường bằng sắt, những tấm đệm vải kẻ ô vuông, những cái tủ đúng quy cách và những chiếc ghế đấu để trước mặt! Chính các ngươi, các ngươi có thể làm chúng ta ao ước. Ngồi đây nhìn các ngươi, các ngươi đối với chúng ta là cái phản ảnh thần kì của Tổ quốc, với cái mùi nồng nặc của thức ăn đã thiu, của giấc ngủ, của thuốc lá và của quần áo.
Catdinxki mô tả một cách rất hào hứng những căn phòng ấy với bao nhiêu là màu sắc rực rỡ. Chúng tôi còn ngần ngại gì mà không trở lại? Vì chúng tôi cũng chẳng đòi hỏi gì hơn.
Ôi! Những giờ huấn luyện quân sự trong buổi sáng tinh mơ. “Khẩu súng kiểu 98 gồm bao nhiêu bộ phận?” Ôi! Những giờ tập thể dục buổi chiều. “Những anh nào đánh dương cầm đi ra khỏi hàng, bên phải quay! Đến nhà bếp gọt khoai!” Kỉ niệm tràn ngập.
Tự nhiên Cốp bật cười và nói: “Đến Long, đổi tàu!”
Đó là cái trò ưa thích của thầy cai chúng tôi. Long là một nhà ga ở ngã ba. Để cho tụi đi phép không thể nhầm được, Himmenxtôt bắt chúng tôi tập ở trong buồng cái động tác đổi tàu. Hắn cho chúng tôi biết rằng đến Long, người ta sẽ đi qua một con đường hầm để sang chuyến tàu chở thư, con đường hầm ấy được tượng thành bằng những cái giường. Một mệnh lệnh phát ra: “Đến Long. Đổi tàu!” Thế là nhanh như chớp, tất cả bọn chúng tôi phải chui xuống gậm giường, rồi nhoai ra phía bên kia. Có mỗi một động tác ấy mà phải làm hàng giờ.
Trong lúc ấy chiếc máy bay Đức đã bị hại nặng.
Nó lao xuống không khác một ngôi sao chổi, kéo theo một đám khói như cái phiếu.
Thế là Cốp thua cuộc, mất chai bia, nó xỉa tiền ra nhăn nhó như bị.
– Himmenxtôt làm phu trạm thì chắc chắn là một con người chất phác. – Tôi nói khi An be đã bớt ỉu.
– Không hiểu sao khi đóng lon cai, hắn lại đểu cáng quá quắt đến thế?
Câu hỏi làm cho Cốp sôi nổi hẳn lên:
– Không phải chỉ riêng Himmenxtôt mới thế, nhiều người khác cũng thế. Khi họ vừa đeo cái lon hoặc thanh gươm vào là họ biến chất hoàn toàn, y như tọng xi măng cốt sắt vào người.
– Quân phục nó làm nên thế… – Tôi nói như một giả thuyết.
– Cũng gần đúng thế. – Cát vừa nói vừa chuẩn bị một bài diễn thuyết tràng giang đại hải. – Thế nhưng lí do chính lại khác. Cậu thấy đấy. Khi cậu luyện cho một con chó biết ăn khoai lang, rồi sau cậu chìa cho nó một miếng thịt: dẫu sao nó cũng vẫn nhảy xổ vào đớp miếng thịt, vì đó là bản chất của nó; nếu cậu cho con người một chút quyền hành, câu chuyện cũng thế thôi, hắn cũng nhảy xổ vào. Cái đó là lẽ tự nhiên, vì bản thân con người, nguồn gốc chỉ là một con vật bẩn thỉu, có lẽ chỉ mãi về sau này nó mới được quét lên một lớp lễ nghĩa, như một lát bánh có phết bơ lên vậy. Thế mà cuộc đời nhà binh lại là thằng nọ có quyền hơn thằng kia. Khổ một nỗi anh nào cũng có nhiều quyền quá: một thầy cai có thể hành chú lính trơn đến phát điên, cũng như ngài thiếu uý hành thầy cai, ngài đại uý hành ngài thiếu uý. Bởi anh nào cũng biết cái quyền của mình, nên họ quen lạm quyền. Lấy một thí dụ đơn giản: Chúng mình vừa đi tập về, mệt bở hơi tai. Thế mà họ ra lệnh hát. Kết cục là một điệu hát kém hào hứng, vì anh nào anh nấy chỉ còn đủ sức cõng cái ba lô. Thế là cả đại đội phải đằng sau quay, chịu phạt, tập thêm một giờ nữa. Khi trở về lại có lệnh hát, người ta phải cố hát cho ra hát. Như vậy có nghĩa lí gì. Viên chỉ huy đại đội cứ làm theo ý mình, vì ông ta có quyền. Không ai có thể chỉ trích ông ta được, trái lại ông ta lại được tiếng cương quyết là đằng khác.
Nhưng đó mới là chuyện vặt còn có những biện pháp hắc hơn nhiều, làm cho các cậu sùi bọt mép ra nữa kia. Bây giờ mình hỏi các cậu, có nghề gì cho một người thường dân làm, dù hắn là ông gì đi nữa, để hắn có thể giở những chuyện như vậy mà khỏi bị người ta đập cho vỡ mặt ra không chỉ trong cái nghề nhà binh mới có những chuyện như thế. Bây giờ, các cậu thấy cả đấy, cái uy quyền ấy bốc lên đầu con người ta. Hơn nữa, trong ngành dân sự thì họ không làm bộ được như thế.
– Như người ta thường nói, cần phải có kỉ luật. – Cốp nói một cách uể oải.
– Ôi dào, lí do thì thiếu gì. Cát lầu bầu. – Kể ra thì có lẽ cũng cần đấy nhưng đừng có cạn tàu ráo máng thôi. Cậu thử nói chuyện ấy với một anh chữa khóa, một anh lực điền, một anh thợ nào đó, cậu thử nói chuyện ấy với một anh lính khốn khổ nào đó, mà đa số chúng ta ở đây là thế. Anh ta chỉ thấy một cách đơn giản là người ta hành hạ mình trăm khoanh tứ đốm và anh ta, phải ra chỗ mũi tên hòn đạn, anh ta biết rõ cái gì cần, cái gì không cần chứ. Mình nói để các cậu biết rằng ở đây. Ở mặt trận, cái anh lính quèn là dũng cảm lắm nhé. Điều ấy không phải xoàng đâu nhé.
Ai cũng công nhận điều ấy, ai cũng biết rằng chỉ có ở chiến hào mới không tập quân sự nữa; nhưng vừa về cách mặt trận vài cây số, việc tập tành lại tiếp tục một cách ngu xuẩn với những động tác chào, đi nghiêm, bởi vì đó là một quy luật không thể tránh được, phải làm cho thằng lính không rỗi được một phút.
Vừa lúc ấy, Jađơn tới, mặt lấm tấm những mụn đỏ. Nó cảm động đến nỗi líu cả lưỡi. Nó hớn hở đánh vần từng tiếng câu nói sau đây: “Himmenxtôt đang trên đường ra mặt trận. Hắn sắp tới.”
Jađơn thâm thù Himmenxtôt đến tận xương tận tủy. Vì Himmenxtôt ở trại lính đã huấn luyện nó theo cái kiểu riêng của hắn. Jađơn hay đái dầm, ban đêm nó ngủ, cái chuyện ấy cứ tự nhiên xảy ra thôi.
Himmenxtôt gân cổ lên quyết đoán rằng đó chỉ do bệnh lười và hắn đã tìm được một phép không hổ danh thầy cai đề chữa cho Jađơn.
Hắn phát hiện ở lán bên cạnh cũng có một anh chàng đái dầm nữa tên là Kjnđecvatơ. Hắn bắt cậu này ngủ cùng phòng với Jađơn. Trong các lán của chúng tôi, người ta quen sắp đặt như thế này, hai giường chồng lên nhau, dát giường bằng dây thép ken lại. Thế là Himmenxtôt bố trí cho hai chàng nằm với nhau, lần lượt, anh này nằm giường trên thì anh kia nằm giường dưới.
Dĩ nhiên anh nằm dưới phải chịu đựng cảnh ngộ một cách ê chề. Nhưng ngày hôm sau họ lại đổi chỗ.
Anh nằm dưới lại lên nằm trên, để trả thù. Đó là phương pháp tự giáo dục do Himmenxtôt phát minh ra. Biện pháp thì khả ố. Nhưng ý kiến không phải là không có giá trị. Khốn nỗi, biện pháp ấy vô dụng và giả thuyết ấy của Himmenxtôt sai. Cả hai cu cậu đều không phải vì lười mà đái dầm. Chỉ nhìn nước da nhợt nhạt của hai người, là ai cũng nhận thấy thế.
Kết quả cuối cùng là một trong hai chàng từ đó phải nằm xuống đất, rất dễ bị cảm lạnh.
Giữa lúc ấy, Hai đến, ngồi xuống cạnh chúng tôi. Nó nháy tôi một cái, xoa xoa cái bàn tay hộ pháp, thực là chúng tôi đã sống với nhau cái ngày đẹp nhất của đời lính. Ấy là buổi tối trước khi lên đường ra mặt trận. Người ta đã ghép chúng tôi vào một trung đoàn vừa thành lập, nhưng trước đó người ta cho chúng tôi trở về chỗ trú quân để lĩnh quần áo, nói cho đúng không phải là về trại tân Dinh mà là về một trại lính khác. Sáng hôm sau chúng tôi phải lên đường. Buổi tối chúng tôi nghĩ cách thanh toán với thằng cha Himmenxtôt mới được.
Chúng tôi đã thề với nhau mấy tuần lễ trước.
Cốp đã định bụng, khi hòa bình lập lại, sẽ vào ngành bưu điện để làm cấp trên của Himmenxtôt, lúc ấy chắc hắn sẽ lại trở về làm phu trạm. Nó nghĩ đủ mọi cách để ăn miếng trả miếng cho bằng được.
Chính vì thế mà không bao giờ Himmenxtôt hòng khuất phục được bọn tôi. Chúng tôi định thế nào cũng có phen hắn vào tay chúng tôi, chậm nhất là khi hết chiến tranh. Trong khi chờ đợi, chúng tôi muốn giã cho hắn một trận nên thân. Nếu hắn không nhận ra được chúng tôi thì sợ quái gì, hơn nữa, sáng mai chúng tôi tếch cả rồi cơ mà! Chúng tôi đã nắm được buổi tối hắn hay đến quán nào. Muốn về trại, hắn buộc phải qua một phố tối và vắng. Chúng tôi rình hắn ở đấy, sau một đống đá.
Tôi mang một cái khăn trải giường. Chúng tôi lo không biết hắn có đi một mình không. Cuối cùng, chúng tôi nghe tiếng bước chân quen thuộc của hắn.
Chúng tôi nghe tiếng bước chân ấy đã quá quen, sáng nào cũng vậy, cái cửa bất thình lình mở tung và Himmenxtôt ngoạc mồm ra: “Dậy!”
– Có mình hắn? – Cốp thì thào.
– Phải, mỗi mình hắn.
Cùng với Jađơn, tôi bò len lén quanh đống đá.
Cái khóa thắt lưng cuả hắn đã lấp lánh kia rồi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.