Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 5 – Phần 3



Ngày mai, có lẽ chúng tôi sẽ đến thăm phong cảnh thời thơ ấu như những người du khách. Chúng tôi đã bị sự đời làm cho tiều tụy, chúng tôi biết phân biệt những chi tiết như những gã lái buôn và thấy được nhu cầu như những tay bán thịt. Chúng tôi không còn vô tư lự nữa, chúng tôi lạnh lùng một cách đáng sợ. Chúng tôi sẽ ở đây, nhưng có phải chúng tôi sống không?

Chúng tôi bơ vơ như những đứa trẻ và thạo đời như những cụ già; chúng tôi thô lỗ, u sầu và hời hợt, tôi cho rằng chúng tôi đã hỏng hết.

Bàn tay tôi lạnh toát và da nổi gai lên. Vậy mà, đêm vẫn nóng, chỉ có làn sương mù là lạnh lẽo, cái sương mù quái gở ấy bò xung quanh những người chết trước mặt chúng tôi và hút lấy giọt sống cuối cùng còn giấu kín. Ngày mai, họ sẽ nhợt nhạt, máu họ sẽ tím đen và đóng cục. Những pháo sáng vẫn bay lên trời và tỏa ánh sáng tàn nhẫn trên cái quang canh sững sờ đầy hố hình phễu, một ánh sáng lạnh lẽo như ánh trăng. Dòng máu chảy trong người tôi chứa đựng nỗi lo âu kinh hãi của những ý nghĩ yếu đuối và run rẩy; chúng đòi hỏi sức nóng và sự sống.

Chúng không thể cầm cự được nếu không có nguồn an ủi và ước mơ; chúng rối loạn trước hình ảnh trắng trợn của tuyệt vọng.

Nghe có tiếng xoong nồi lích kích, tôi thèm thức ăn nóng quá. Nó sẽ làm cho tôi dễ chịu và bình tĩnh lại. Tôi đành phải khổ tâm chờ đến lúc đổi gác.

Rồi tôi xuống hầm và thấy có một bát cháo bột để phần tôi. Có cả mỡ, ngon thật; tôi ăn thong thả. Nhưng tôi vẫn im lặng, mặc dầu những người khác có vẻ tươi hơn vì trận pháo kích đã ngớt.

Ngày lại ngày trôi qua và mỗi giờ trôi qua vừa khó hiểu lại vừa rõ ràng, minh bạch. Những đợt tấn công xen với những đợt phản công, xác chết chồng chất bên các hố đại bác giữa các tuyến. Thường thường chúng tôi có thể đi tìm những người bị thương nằm không xa quá, nhưng dù sao vẫn còn nhiều người phải nằm đó thật lâu và chúng tôi nghe thấy họ chết.

Có một người chúng tôi ra sức tìm đã hai ngày hôm nay. Có lẽ hắn ta nằm sấp và không trở mình được. Đó là nguyên nhân duy nhất khiến chúng tôi không tài nào tìm ra được chỗ hắn nằm, vì khi gọi mà mồm để sát đất, thì thật khó mà biết tiếng gọi từ đâu tới. Chắc hẳn hắn ta bị một vết thương nặng, một vết thương tai ác, không đến nỗi nặng quá để có thể đánh gục anh ngay và làm anh chết trong cơn mê sảng, nhưng lại quá nặng khiến anh không chịu nổi đau đớn và không mong gì chữa khỏi. Cát cho rằng hắn bị gẫy xương chậu hoặc bị một phát vào xương sống. Chắc không phải bị thương ở ngực; nếu bị, thì làm gì có nhiều hơi đến thế để kêu. Nếu vết thương ở chỗ khác, tất nhiên hắn đã phải trở mình.

Dần dần, tiếng kêu trở nên khàn khàn. Cái âm thanh phát ra oái oăm đến nỗi người ta tưởng nó từ cả bốn phương bay lại; họ tưởng đã tìm đúng hướng và họ bò về phía ấy, nhưng khi lắng tai, thì tiếng kêu lại từ phía khác vọng đến.

Họ tìm kiếm cho mãi đến sáng vẫn vô ích. Ban ngày, chúng tôi sục sạo địa thế bằng ống nhòm; nhưng không thấy gì hết. Ngày thứ hai, tiếng kêu của hắn, yếu hơn; chúng tôi biết là môi và miệng hắn đã khô rồi!

Viên chỉ huy đại đội chúng tôi hứa cho người nào tìm thấy hắn sẽ được nghỉ phép trước kì hạn, lại được thêm ba ngày nữa. Đó là nguồn động viên rất mạnh, nhưng dẫu chẳng có cái ấy, thì chúng tôi cũng vẫn cố hết sức tìm vì những tiếng kêu ấy nghe khiếp quá. Có một lần Cát và Cốp đang buổi chiều cũng ra đi tìm. An be bị một viên đạn xẻo mất một mẩu tai. Táo bạo vô ích, chúng nó cũng chẳng tha được hắn về. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hiểu rõ hắn kêu những gì.

Đầu tiên hắn không ngừng gọi người đến cứu; đêm thứ hai, có lẽ hắn hơi bị sốt; hắn nói với vợ và các con; chúng tôi luôn luôn nghe thấy tên Elidơ. Hôm nay, hắn chỉ khóc. Chiều nay, giọng hắn tắt đi và chỉ còn tiếng rên. Nhưng hắn vẫn còn than thở khe khẽ suốt cả đêm. Chúng tôi nghe thấy rất rõ, vì gió thổi về phía chiến hào chúng tôi. Sáng hôm sau, lúc chúng tôi tưởng hắn đã yên nghỉ từ lâu, thì một tiếng rên ú ứ trong cổ họng lại một lần nữa bay đến phía chúng tôi…

Ban ngày nóng bỏng, mà những người chết vẫn nằm kia, chi chít liền nhau. Chúng tôi không thể mang họ đi hết; chúng tôi cũng không biết làm thế nào với họ nữa. Chính những viên đạn trái phá sẽ chôn họ. Thỉnh thoảng, bụng họ trương lên như một quả bóng. Họ phì ra, oi lên và cựa quậy. Đó là những luồng hơi còn rậm rịch trong người họ.

Trời xanh, không một bóng mây. Buổi chiều nặng nề và hơi nóng từ mặt đất bốc lên. Khi thổi về phía chúng tôi, gió lại mang đến cho chúng tôi mùi máu, cái mùi nặng nề, nhạt nhẽo kinh tởm ấy, cái mùi chết chóc bốc lên từ những hố đại bác, giống như một thứ thuốc mê trộn lẫn với mùi thối rữa, làm cho chúng tôi khó chịu.

Nhiều đêm đã trở lại yên tĩnh, chúng tôi bắt đầu đi lùng những chiếc đai đồng của đạn trái phá và chúng chiếc dù lụa pháo sáng của quân Pháp. Thực ra, chẳng ai hiểu tại sao những chiếc đai đạn trái phá lại quý đến thế. Những tay sưu tầm chỉ quả quyết một điều là chúng có giá trị. Có những cậu khuân nhiều đến nỗi khi xuống hào, phải cúi gập cả người lại vì nặng quá.

Riêng Hai, ít ra nó cũng có một lí do: nó định gửi những chiếc đai đạn ấy về cho vợ chưa cưới của nó để làm nịt bít tất!

Nghe thấy vậy, tất nhiên mấy anh chàng quê xứ Phridơ cười như nắc nẻ; chúng nó vừa vỗ đùi vừa nói: “Đến chết cười chứ không phải. Lạy Chúa tôi, cái anh chàng Hai này thế mà dí dỏm quá quắt!” Nhất là Jađơn, nó không nhịn được, nó cầm cái đai đạn to nhất rồi luôn luôn cho chân vào để xem còn rộng bao nhiêu nữa. “Hai này, chắc rằng có những cái bắp chân… phải, những cái bắp chân phải nói rằng ý nghĩ của nó còn lên cao hơn cái điều ấy một chút – và chắc nàng cũng phải có những cái mông đít, phải, như… như một con voi!” Với cái đà vui nhộn ấy, nó còn đùa dai mãi, “ái chà, với cô nàng, tớ chỉ muốn chơi cái trò vỗ chân giò nhau thôi, thật đấy…” Hai ta phổng cả mũi. Vì không ngờ vợ chưa cưới của nó lại trội đến thế, và đắc ý nó nói gọn lỏn: “Gái ra gái nhé!” Những cái dù lụa có ích lợi thiết thực hơn. Tuỳ theo khổ người, ba hay bốn chiếc là được một cái áo khoác. Cốp và tôi lấy làm khăn tay. Những đứa khác thì gửi về nhà. Nếu các bà mà biết nỗi nguy hiểm thường xảy ra khi đi lùng những miếng giẻ rách mỏng mảnh này, chắc các bà ấy phải sợ run lên.

Cát bắt chợt gặp Jađơn đang thản nhiên đập một viên đạn trái phá khổng lồ để tháo lấy đai. Vào tay người khác, cái món ấy nhất định phải nổ rồi, nhưng Jađơn, bao giờ cũng có số may.

Hai con bướm vàng nhởn nhơ suốt buổi chiều trước chiến hào chúng tôi, cánh chúng lốm đốm đỏ. Cái gì đã lôi kéo chúng đến đây? Không có qua một cái cây, một bông hoa nào quanh vùng cả. Chúng đỗ xuống hàm răng một cái sọ người. Những con chim cũng vô tư lự như thế, từ lâu chúng nó đã quen với chiến tranh. Sáng sáng, những con chim sơn ca bay tít lên trời, giữa phòng tuyến địch. Một năm trước, chúng tôi đã thấy những con chim ấy đang ấp và chúng cũng nuôi được con nữa.

Trong chiến hào, lũ chuột đã để chúng tôi yên.

Chúng tôi biết tại sao chúng ở phía trước mặt. Lũ chuột béo múp ra. Thấy con nào là chúng tôi bắn ngay. Ban đêm chúng tôi lại nghe thấy tiếng ầm ĩ ở phía bên kia. Ban ngày, chỉ có những trận pháo kích bình thường, nên chúng tôi có thể sửa chữa lại chiến hào. Cũng có cả trò giải trí nữa. Tụi phi công đóng vai chính. Hàng ngày, những trận không chiến rất là đắt khách. Chúng tôi không bực mình lắm về những máy bay chiến đấu, nhưng chúng tôi ghét cay ghét đắng cái lũ máy bay thám thính, vì chúng chỉ điểm cho pháo binh. Chỉ vài phút sau khi chúng nó xuất hiện là y như có một trận mưa đạn sơrápnen (Shrapnel: một loại trái phá có nhiều đạn nhỏ ở trong) và trái phá.

Vì thế, chỉ trong một ngày chúng tôi thiệt mười một người, trong số đó có năm cứu thương. Hai người bị tan xác đến nỗi Jađơn nói rằng người ta có thể lấy thìa nạo những chỗ còn dính ở vách hầm, và dùng một cái nồi làm quan tài. Một người khác bị tiện văng mất cái bụng dưới và hai chân. Anh ta chết, nửa mình dựng đứng trong chiến hào, mặt màu vàng chanh và điếu thuốc vẫn lập lòe trong bộ râu; điếu thuốc còn đỏ cho đến khi chạm môi anh ta mới thôi. Chúng tôi tạm thời đặt những người chết vào một hố trái phá lớn. Cho đến bây giờ, đã có đến ba lượt chồng chất lên nhau rồi.

Đột nhiên, hỏa lực lại bắt đầu ầm ầm dữ dội. Thế là chẳng mấy chốc, chúng tôi lại rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu, chờ đợi một cách thụ động.

Tấn công, phản công, xung kích, phản kích, đó chỉ là những từ ngữ, nhưng chúng chứa đựng biết bao ý nghĩa nữa? Chúng tôi thiệt rất nhiều người, nhất là tân binh. Trong khu vực chúng tôi, những chỗ trống đã được viện binh lấp vào. Do đó, chúng tôi nhận được một trung đoàn trong số những trung đoàn vừa mới tổ chức, hầu như toàn bộ là những cậu trẻ măng thuộc các toán lính mới mộ. Trước khi ra trận, chúng nó chỉ được huấn luyện qua loa, chỉ mới biết những động tác cơ bản. Chắc chúng nó cũng hiểu thế nào là quả lựu đạn, nhưng chúng biết rất ít về cách ẩn nấp, nhất là thiếu sự tinh nhanh. Mặt đất phải gồ lên đến năm mươi phân, chúng nó mới nhận ra.

Dù rằng viện binh đối với chúng tôi là rất cần nhưng những cậu lính mới chỉ tổ làm bận chúng tôi hơn là giúp ích chúng tôi. Trong khu vực chiên đấu ác liệt này, chúng nó bị mất hết tinh thần, ngã như sung rụng (Nguyên văn bản tiếng Pháp: ngã như ruồi). Chiến tranh trận địa ngày nay đòi hỏi người lính phải có kiến thức và kinh nghiệm; phải nắm được địa hình, tai nghe phai biết phân biệt các loại đạn và biết tác hại của chúng; phải biết tính trước viên đạn sẽ rơi xuống đâu, phạm vi phá hoại của nó bao nhiêu và phải ẩn nấp ra sao.

Dĩ nhiên tất cả những cậu lính trẻ này hầu như chưa biết gì về những cái đó. Các cậu chết nhiều là vì chưa biết phân biệt đạn xì với đạn nổ; chúng nó chết như rạ là vì chúng hốt hoảng chăm chú nghe tiếng gầm của những “hòm than” vô hại và sẽ rơi rất xa còn cái tiếng rì rào, xì xì nhè nhẹ của những con quái vật nhỏ bé, nổ tung ngay sát mặt đất thì chúng nó lại không nghe thấy. Đáng lẽ phải tản ra thì chúng nó lại nép vào nhau như đàn cừu, cả đến những cậu đã bị thương rồi mà vẫn còn để cho tụi phi công bắn chết như bắn thỏ. Chao ôi! Những bộ mặt khờ dại xám ngoét ấy, những bàn tay co quắp đáng thương ấy, sự can trường thảm hại ấy của những con chó khốn khổ ấy bất chấp sự đời, vẫn xông lên và tấn công; những con chó khốn khổ ấy, những con chó can đảm ấy, bị đe dọa đến nỗi không dám kêu lên và mặc dầu chân, tay, ngực, bụng đã bị rách nát, cũng chỉ dám rên lên khe khẽ gọi mẹ, nhưng khi người ta vừa nhìn chúng thì chúng lại im ngay tức khắc. Những khuôn mặt của chúng nhọn hoắt, đầy lông to và chết cứng, thiếu một cách đáng sợ cái thần sắc của những xác trẻ con.

Chúng tôi nghẹn ngào khi nhìn thấy chúng nó chồm lên, chạy và ngã xuống. Chúng tôi muốn đánh cho chúng một trận vì chúng nó ngu quá, lại cũng muốn ôm chúng vào lòng và mang chúng đi khỏi cái nơi không phải là của chúng. Chúng nó mặc quần áo màu xám, đi ủng lính, nhưng với số đông thì bộ quân phục rộng quá, lật phật quanh tay chân, vai chúng nó gầy quá, mình chúng nhỏ quá, không có thứ quân phục nào vừa cỡ bọn trẻ con ấy cả.

Một anh lính cũ ngã xuống, thì cũng phải từ năm đến mười chú tân binh chết.

Một trận tấn công bất thình lình bằng hơi ngạt đã giết hại một số lớn. Thậm chí, chúng nó không biết cả đến sự nguy hiểm có thể xẩy ra nữa. Chúng tôi thấy một căn hầm đầy những cái đầu xám ngoét, những cặp môi tím đen lại. Trong một hố đại bác, chúng nó đã bỏ mặt nạ ra sớm quá. Chúng nó không biết rằng hơi ngạt đọng lại trong những chỗ trũng lâu hơn; khi thấy những người lính khác đứng phía trên không đeo mặt nạ, chúng nó đã vội bỏ mặt nạ ra và đã hít phải số lượng hơi ngạt đủ làm cháy phổi.

Tình trạng của chúng nó thật là tuyệt vọng; những bãi máu khạc ra như xé phổi và những cơn tức thở nhất định sẽ dẫn chúng nó đến chỗ chết.

Trong một đoạn chiến hào, đột nhiên tôi chạm trán Himmenxtôt. Hai người cùng nấp trong một cái hầm. Mọi người đều nằm xuống, thở hổn hển và chờ đợi lúc tiến đánh.

Lúc ra khỏi hầm, tuy tôi bị kích động, nhưng một ý nghĩ vẫn thoáng qua trong óc; tôi không trông thấy Himmenxtôt nữa? Tôi vội vàng lộn trở xuống và thấy hắn chui vào một xó; hắn chỉ hơi trầy da một chút, nhưng hắn làm ra bộ bị thương. Nhìn mặt hắn, người ta tưởng hắn vừa bị ai nện cho một trận. Hắn đang lên cơn sợ: phải nói rằng ở đây hắn là ma mới. Nhưng cái điều làm tôi tức điên lên là những tân binh đã ra ngoài cả rồi mà hắn lại nằm chúi ở đây cơ chứ!

Tôi điên tiết quát lên:

– Ra ngay!

Hắn không nhúc nhích, môi hắn run lên và bộ râu mép phập phồng.

– Ra ngay!

Hắn duỗi cứng chân ra, nép sát vào tường và nhe răng ra, y như một con chó.

Tôi tóm lấy tay hắn và định bắt hắn phải đứng dậy. Thế là hắn khóc. Tôi phát điên lên. Tôi nắm lấy cổ hắn, lắc như lắc bị, đến nỗi cái đầu hắn vật bên nọ sang bên kia. Tôi quát vào giữa mặt hắn.

– Đồ khốn nạn, mày có ra không thì bảo. Đồ chó, đồ bò cái, mày muốn trốn phải không?

Mắt hắn trở nên lờ đờ, tôi đập đầu hắn vào tường: “Đồ cứt!” Tôi đá cho hắn một cú vào cạnh sườn: “Đồ con lợn!” Tôi đùn hắn lên, đẩy đầu hắn ra trước.

Vừa vặn lúc ấy, một đợt các bạn tôi đi qua. Trong số đó có một trung uý; ông ta nhìn chúng tôi và hét:

– Tiến lên! Tiến lên! Dồn hàng lại! Dồn hàng lại!

Thật là những quả đấm của tôi đã không có hiệu lực bằng cái tiếng ấy. Himmenxtôt đã nghe thấy tiếng cấp trên của hắn; hắn nhìn quanh, như chợt tỉnh lại và chạy theo những người khác…

Tôi chạy theo hắn và thấy hắn chồm lên. Hắn đã trở lại cái gã Himmenxtôt sắc nhọn của sân trại. Hắn đã bắt kịp cả viên trung uý và đi ngay ở hàng đầu…

Bắn dồn, bắn rào, lưỡi lửa, mìn, hơi ngạt, xe tăng, súng máy, lựu đạn, đó chỉ là những từ ngữ, những từ ngữ, nhưng chúng chứa đựng tất cả sự khủng khiếp trên đời.

Mặt chúng tôi đóng vẩy dầy cộp; tư tưởng chúng tôi đã bị huỷ hoại; chúng tôi mệt chết đi được. Khi tấn công nổ ra, có nhiều đứa phải đấm cho một quả mới tỉnh lại và chạy theo được. Mắt đỏ ngầu, bàn tay rách nát, đầu gối rướm máu, khuỷu tay dập nát.

Có phải những tuần, những tháng, những năm đã trôi qua như thế chăng? Chỉ là những ngày mà thôi. Chúng tôi thấy thời gian trôi qua, bên chúng tôi trên khuôn mặt mất sắc của những kẻ hấp hối; thìa chúng tôi đổ thức ăn vào cơ thể của chúng tôi, chúng tôi chạy, chúng tôi ném lựu đạn, chúng tôi bắn súng, chúng tôi giết, chúng tôi bạ đâu nằm đấy, chúng tôi đã kiệt quệ và trở nên đần độn; chỉ có một điều an ủi chúng tôi: “Còn có những kẻ kiệt quệ hơn, đần độn hơn, huỷ hoại hơn, mắt mở thao láo nhìn chúng tôi như những vị thần, chúng tôi, những kẻ đôi khi có thể thoát chết.”

Trong những giờ nghỉ ngơi rất hiếm, chúng tôi lên lớp cho chúng nó: “Này, cậu nhìn cái nồi (tiếng lóng chỉ viên đạn đại bác rất to) đang lập lòe kia nhé? Ấy là một quả mìn sắp bay đến đấy. Cứ nằm im, nó sẽ rơi thật xa. Nhưng nếu nó như thế này này, thì phải cút ngay. Chạy thật mau có thể tránh kịp đấy!” Chúng tôi luyện cho tai chúng nó quen với tiếng rì rầm ác hại của những viên đạn cỡ nhỏ rất khó nghe thấy, cần phải cho chúng nó nhận ra cái tiếng muỗi vo vo của những viên đạn ấy giữa đám ầm ầm hỗn loạn; chúng tôi dạy cho chúng nó biết những viên đạn ấy nguy hiểm hơn những viên lớn mà người ta nghe thấy trước khá lâu. Chúng tôi chỉ dẫn cho chúng nó cách tránh con mắt tụi phi công, cách giả vờ chết, khi bọn xung kích vượt qua, cách đập kíp lựu đạn để cho nó nổ đúng nửa giây trước khi chạm đích.

Chúng tôi lại dạy chúng nó cách lao người thật nhanh xuống hố đại bác khi gặp loại đạn nổ bắn tới. Chúng tôi, bày cho chúng nó cách quét sạch một chiến hào bằng lựu đạn chùm; chúng tôi cắt nghĩa cho chúng nó hiểu lựu đạn địch khác lựu đạn ta về thời gian cháy mồi như thế nào; chúng tôi lưu ý chúng nó về tiếng nổ của lựu đạn hơi ngạt và chúng tôi giảng cho chúng nó tất cả những mánh khóe để có thể thoát chết được. Chúng lắng nghe bọn tôi, tỏ ra dễ dạy, nhưng khi trận đánh lại bắt đầu, chúng thường xúc động quá làm sai bét cả.

Hai Vethut bị gẫy xương sống, phải khiêng đi; mỗi lần nó thở, phổi nó lại phập phồng qua vết thương. Tôi vẫn còn bắt tay nó được. “Chết mất, Pôn ạ!” Nó vừa rên rỉ, vừa cắn vào cánh tay vì đau quá.

Chúng tôi thấy có những người đã bị mất sọ mà vẫn sống; chúng tôi thấy có những người lính đã bị đạn tiện đứt hai chân mà vẫn chạy; họ lảo đảo lết trên những khúc chân cụt rập nát cho đến cái hố trái phá gần đấy; một anh binh nhất bò bằng hai tay suốt hai cây số, lê theo cặp đầu gối vỡ toát; một anh khác, hai tay ôm bộ ruột lòng thòng, đi đến tận trạm cứu thương; chúng tôi thấy những người không có mồm, không có hàm dưới, không có mặt; chúng tôi đã gặp một anh lấy răng cắn thật chặt mạch máu ở cánh tay, trong hai giờ liền, để khỏi mất hết máu; mặt trời mọc, đêm tối đến, trái phá rít lên, sự sống ngừng lại.

Tuy vậy, cái mảnh đất rách nát mà chúng tôi đang ở, vẫn còn giữ vững được, mặc dầu trước những lực lượng trội hơn và chỉ phải hi sinh có một trăm thước đất thôi Nhưng mỗi thước đất là một mạng người.

Chúng tôi được thay phiên. Bánh xe lăn dưới chân chúng tôi, chở chúng tôi về hậu tuyến. Chúng tôi đứng trên xe y như người mất hồn; mỗi khi có tiếng “Chú ý, dây đấy!” Chúng tôi co gối lại, cúi thấp người xuống. Dạo trước, chúng tôi qua đây là mùa hạ; cây cối còn xanh; bây giờ, chúng nhuộm vẻ thu, trời đêm xám và ẩm. Đoàn xe đỗ lại, chúng tôi bước xuống, một nhúm người bị ném ra một cách lộn xộn, phần sót lại của bao nhiêu tên người. Hai bên đường, trong bóng tối, người ta gọi số hiệu các trung đoàn và các đại đội. Sau mỗi tiếng gọi, một tốp nhỏ tách ra khỏi đám người, một nhúm lính bẩn thỉu, nhợt nhạt, một con số đã bị giảm đi một cách kinh khủng, một cái cặn còn lại vô cùng ít ỏi. Này đây, có người hô to số hiệu chúng tôi; chúng tôi nhận ra tiếng viên chỉ huy đại đội. Thế là ông ta đã trở về. Chúng tôi đi lại phía ông ta và tôi nhận ra Cát và An be. Chúng tôi đứng sát bên nhau, chúng tôi tựa vào nhau và chúng tôi nhìn nhau. Và lại một lần nữa, lại một lần nữa người ta gọi số hiệu chúng tôi. Người ta có thể gọi thật lâu; trong những trạm cứu thương, trong những hố trái phá nữa, không ai nghe thấy gì cả.

Lại một lần nữa: “Đại đội hai, lại đây!” Rồi thấp giọng hơn: “Đại đội hai không còn ai nữa à?” – Ông ta im lặng. Giọng ông hơi lạc đi, khi ông ta hỏi: “Đủ rồi chứ?” Và ông ta ra lệnh: “Điểm số.”

Buổi sáng xám đục; khi chúng tôi ra đi, còn là mùa hè và có một trăm năm mươi người. Bây giờ chúng tôi cảm thấy lạnh – chứng mùa thu; lá cây rì rào, những giọng mệt mỏi cất lên: “Một, hai, ba, bốn…” Sau con số ba mươi hai, là im bặt…

Yên lặng một lúc lâu, rồi một giọng cất lên: “Còn ai nữa không?” Đợi một lúc, rồi cũng cái giọng ấy nói khẽ: “Đi từng tổ!” Thế nhưng, cái giọng ấy ngừng đi và nói hết câu một cách khó nhọc: “Đại đội hai… Đại đội hai, đi thường, bước!”

Một dòng người, một dòng người ngắn ngủi lần bước trong buổi trời mai.

Ba mươi hai người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.