Phong thần diễn nghĩa

Hồi 14: Na Tra nhờ thầy cứu nhập xác bông sen



Hồn Na Tra phưởng phất bay về núi Càn Nguyên, Kim Hà đồng tử trông thấy vào thưa với Thái Ất:

– Không hiễu anh tôi vì sao hồn phách dật dờ bay về đây.

Thái Ất đã biết trước việc ấy, liền ra trước động nói với Na Tra:

– Chốn nầy không phải chỗ ngươi nương thân. Hãy về mách bảo với mẹ ngươi đến ải Túy Bình, cách ải Trần Ðường bốn mươi dặm lập một cái miếu cho ngươi ở. Ngươi hưởng được ba năm hương lửa tự nhiên trở lại hình người. Ngày sau cứu nước phò vua, danh vang bốn biển. Hãy nghe lời ta chớ chậm trễ.

Na Tra nghe lời thầy dạy, liền trở về ải Trần Ðường, nhân lúc canh khuya vào phòng ứng mộng.

Ðêm ấy, Ân phu nhân đang ngủ, bỗng thấy Na Tra đứng trước mặt kêu nói:

– Thưa mẹ, con là Na Tra, vì chết oan uổng nên vong hồn không siêu thoát, vậy xin mẹ lập miễu tại núi Túy Bình, để con nhờ hương khói siêu rỗi linh hồn. Nếu được vậy ơn đức mẹ tày trời, con mang ơn tợ biển.

Ân phu nhân thức dậy, thương nhớ Na Tra, khóc mãi không thôi.

Lý Tịnh thấy vậy hỏi đuyên cớ. Phu nhân thuật lại câu chuyện trong mộng vừa rồi.

Lý Tịnh nói:

– Bởi phu nhân lòng thương con nên sanh ra chiêm bao mộng mị như vậy. Ðừng khóc lóc nữa.

Ân phu nhân làm thinh, không dám cãi.

Ðêm sau, Ân phu nhân lại nằm mộng, và cũng thấy Na Tra kêu nói như vậy nữa. Rồi bảy đêm liền, không đêm nào không thấy Na Tra. Ân phu nhân sợ Lý Tịnh, không dám nói lại.

Còn Na Tra thấy mẹ mình bỏ qua, không kể lời mình, tức giận nói:

– Con năn nỉ với mẹ đã mấy đêm liền, nếu mẹ không thương tưởng đến con, lập miễu cho con ở, con sẽ phá nhà cho mẹ coi.

Na Tra lúc sống tánh hung hăng, lúc chết chắc cũng không vừa.

Phu nhân sợ hãi không dám bỏ qua nữa, lén sai người lên núi Túy Bình cất miễu, chạm cốt Na Tra bằng gỗ, như người sống. Chỉ trong mười bữa hoàn thành.

Na Tra từ lúc ấy linh thiêng, tiếng đồn dậy núi. Dân chúng bảo gì được nấy, trăm việc trăm thành. Vì hiển thánh như vậy nên bá tánh tự động góp tiền góp của, sửa sang miễu Na Tra rực rỡ, ngày ngày thường cúng tế, đêm đêm không ngớt hương đèn.

Bấy giờ Lý Tịnh nghe tin Ðậu Dung trấn ải Du Hồn cự không lại Khương Văn Hoàn, nên ngày đêm lo luyện tập binh mã ở núi Giả Mã để phòng giữ ải mình.

Ngày kia, Lý Tịnh kéo binh đi ngang qua núi Túy Bình, thấy thiên hạ dâng hương đông như hội liền hỏi quân sĩ:

– Thiên hạ đi đâu đông như vậy?

Quân lính thăm dò một lúc rồi trở về báo:

– Núi nầy có một cái miễu, trong miếu có vị thần linh lắm, hễ cầu phước thì được phước, cầu may thì được may, thiên hạ được khắp chốn, ai nấy lũ lượt đến đó dâng hương, lúc nào cũng đông như ngày hội.

Lý Tịnh hỏi:

– Ông thần đó thiên hạ gọi là thần gì?

Quân lính thưa:

– Họ gọi là Thần Na Tra.

Lý Tịnh nghe nói nỗi giận truyền quân đóng binh lại, rồi một mình cỡi ngựa lên núi xem thử.

Khách dâng hương thấy Lý Tịnh lên núi đều tránh đường cho Lý Tịnh để Lý Tịnh đến nơi, thấy có một cái miễu thắp nhang khói tỏa mịt mù, trước cửa có treo một tẩm biển đề bốn chữ lớn: “Na Tra hành cung “.

Bước vào trong, Lý Tịnh thấy trên bàn, một cốt tượng bằng gỗ, tạc hình giống Na Tra như lúc sống, hai bên lại có hai tên quỉ sứ đứng hầu, trông có vẻ oai nghi lắm.

Lý Tịnh lấy roi chỉ vào mặt Na Tra hét:

– Nghịch tử! Lúc sống mày báo mẹ báo cha, lúc chết lại làm quỉ gạt gẫm dân chúng, khuấy rối thiên hạ.

Mắng rồi vung roi đập nát pho tượng, nổi lửa đốt miễu cháy tan tành. Lại nói với đân chúng hành hương:

– Nó không phải thần thánh gì đâu, đừng cúng tế nữa. Nó là đứa con ngỗ nghịch, gạt gẫm đồng bào đấy.

Khách dâng hương thất kinh, tản ra về hết, vì ai cũng sợ Na Tra linh hiển, lụy đến thân mình.

Người sau có thơ rằng:

Binh mả ngang cảnh Túy Bình

Gặp dân dua cúng miễu anh linh

Roi đưa vun vút thần tan rã

Chân đá đùng đùng quỷ hãi kinh.

Lửa đốt miếu thiêng, trời đỏ mặt

Khói un cây cỏ núi đen mình

Vì hờn một chút gây nên chuyện

Khiến nổi cha con dứt nghĩa tình

Lý Tịnh kéo binh trở về đến ải Trần Ðường bố trí canh đâu đó xong xuôi, vào hậu đường nói với Ân phu nhân:

– Nghịch tử đã chết thì thôi, bày chuyện lập đền lập miếu thờ cúng làm gì cho sanh chuyện.

Ân phu nhân thuở nay vốn nể chồng không dám nói. Cực chẳng đã phải thở than:

– Dù sao nó cũng là con mình mang nặng đẻ đau. Nay nó liều chết để khỏi lụy đến mẹ cha cũng là chuyện hiếu. Tôi nằm rnộng thấy nó về gọi mãi, xin lập miễu để vong hồn nó an hưởng, lẽ nào nỡ bỏ qua.

Lý Tịnh nói:

– Lập mấy miễu cũng được, chuyện đó không ăn nhằm gì. Nhưng báo hại, dân chúng rủ nhau đến đó cúng tế dập dìu làm náo động cả một vùng Túy Bình, thật là điều bất tiện.

Ân phu nhân nói:

– Cúng tế là do lòng ngưỡng mộ của chúng dân, có can gì đến tướng quân.

Lý Tịnh thở dài:

– Sao lại không. Tôi thuở nay không ưa hối lộ với Vưu Hồn, Bí Trọng, chúng thường để ý bươi móc những sơ hở của tôi để sàm tấu. Nếu hai thằng nịnh ấy biết được việc nầy tất chúng tâu với Thiên tử, vu cho tôi tội mị đân. Như vậy mang tiếng với triều đình. Nay tôi đập pho tượng đốt miễu rồi, không để cho dân chúng tụ họp cúng tế nữa.

Ân phu nhân nghe nói buồn thiu, nhưng không dám cãi.

Bấy giờ, Na Tra đi chơi vắng, không có ở miễu, lúc trở về thấy miễu cháy tan hoang, tượng thần bể nát, hai tên quỷ sử khóc mếu máo, chạy ra nghênh đón.

Na Tra hỏi:

– Vì cớ sao miễu cháy tan tành như vậy?

Quỉ sứ thưa:

– Lý Tổng binh kéo quân đi ngang qua núi, chẳng biết vì sao lại đốt miễu, đập phá tan tành.

Na Tra nỗi giận nói:

– Xương thịt ta đã trả lại rồi, còn tình nghĩa cha con gì nữa. Nỡ nào đập tượng, đốt miễu, ta biết nương dựa vào đâu. Việc này ta phải trở về núi thưa lại với thầy ta kẻo oan ức quá.

Bấy giờ hồn Na Tra đã hưởng được nửa năm hương khói, nên có vẻ cứng cáp lắm rồi. Khi Na Tra bay về tới động, Kim Hà đồng tử trông thấy vội dắt vào yết kiến. Thái Ất hỏi:

– Sao ngươi không ở miễu, trở về động làm gì?

Na Tra thưa:

– Cha tôi kéo binh đến đập phá tượng cốt, đốt miễu tan tành, đệ tử không có chỗ nương thân nên phải về đây xin sư phụ chỉ dạy.

Thái Ất nghĩ thầm:.

– Việc này lỗi tại Lý Tịnh. Là tình cha con, việc gì lại khắc bạc đến thế. Nếu không nhờ hương lửa cho thành hình thì làm sao ra đời phò vua giúp nước? Vả lại lúc này Khương Tử Nha cũng gần ra mặt, mà Na Tra hiện hình chưa kịp thì biết làm sao tính chuyện chiến chinh? Thế nầy ta phải dùng cách khác cứu nó mới xong.

Nghĩ rồi liền truyền Kim Hà đồng tử đi hái hai cái bông sen và ba chiếc lá sen nguyên cọng.

Kim Hà đồng tử tuân lệnh hái bông lẫn sen đem về. Thái Ất bẻ ra làm ba trăm sáu mươi khúc (cọng sen), sắp cọng sen làm xương, lấy bông sen làm thit, đắp ba lá sen làm da, rồi để hột thuốc kim đơn vào giữa.

Sắp đặt xong xuôi, Thái Ất niệm chú, thâu hồn Na Tra xô nhập vào hình sen, hét lớn lên một tiếng:

– Hãy hoàn hồn nhập xác.

Bỗng nghe có tiếng ư, rồi một xác người ngồi dậy, mặt tợ dồi phấn, môi thể thoa son, hai con mắt sáng ngời, mình cao mười sáu thước, hình hài tuy cao lớn, nhưng không khác gì Na Tra trước kia mấy.

Thái Ất nói:

– Lý Tịnh đánh cốt đốt miễu là chuyện khắt khe, tuy nhiên đệ tử chớ lấy đó mà hận lòng.

Na Tra tánh hung hăng, nghĩ đến hành động Lý Tịnh đối xử với mình không sao dằn lòng được, nói lớn:

– Thân xác con đã trả lại cho cha mẹ con rồi, tình cha con không còn gì nữa, Thưa thầy hận cừu nầy không trả không thể an lòng được.

Thái Ất bảo:

– Thôi chuyện đã qua đừng nhắc đến làm gì. Hãy theo thầy ra vườn luyện tập võ nghệ.

Na Tra theo Thái Ất ra vườn. Thái Ất giao cho Na Tra một cây giáo dài, lưỡi có uốn khúc như lưỡi con rắn liu điu đỏ lòm như lửa gọi là Hỏa Tiên thương.

Na Tra rất thông minh chỉ học qua một lượt đã thuộc hết các phép. Thái Ất nói:

– Phép đánh giáo của con đã tinh thông, vậy thầy cho con thêm một bánh xe gió và một bánh xe lửa làm chân thế ngựa.

Nói rồi truyền mấy câu chú. Lại giao một túi da beo, có đựng các phép báu như: Càn Khôn Quyện, Hổn Thiên Lăng, và một cục Kim Chuyên.

Giao xong các báu vật, Thái Ất lại bảo:

– Thầy cho con xuống ải Trần Ðường ra mắt vợ chồng Lý Tịnh để cởi mở hận lòng.

Na Tra cầm giáo lên xe trở về ải Trần Ðường.

Thật ra đối với Lý Tịnh, Na Tra có cái hận trong lòng, nếu không cởi mở, Na Tra sẽ trở thành độc dữ hơn, vì vậy Thái Ất cũng muốn cho hận thù ấy kết toán.

Na Tra nghĩ mình đã lóc thịt xương trả lại công sanh thành nên không còn là con của Lý Tịnh nữa, vì vậy khi đến ải Trần Ðường, Na Tra đứng ngoài thành gọi lớn:

– Quân bay vào bảo Lý Tịnh ra ta nói chuyện.

Quân sĩ thấy Na Tra cầm giáo dài, mặt mày giận dữ, lại kêu tên Lý Tịnh mà nói như vậy thất kinh vào báo:

– Có đệ tam công tử trở về mời gia gia ra ngoài thành nói chuyện.

Lý Tịnh nạt:

– Bây chớ nói xàm. Ðời nào chết đi còn sống lại được!

Lý Tịnh nói vừa dứt tiếng đã có tên quân khác vào thưa:

– Xin chủ tướng ra mau kẻo công tử xông vào không ngăn kịp.

Lý Tịnh nói:

– Việc nầy rất lạ. Na Tra đã chết lẽ đâu còn trở lại hình người. Ðây chắc vong hồn nó hiện quỉ về phá rối chăng?

Nói rồi cầm kích lên ngựa ra trước ải, quả thấy Na Tra cao lớn hơn xưa, đang đứng trên hai bánh xe, tay chàng ngang ngọn giáo.

Lý Tịnh thất kinh hỏi:

– Nghịch tử! Khi sống làm yêu, lúc chết hiện quỉ, trở về đòi nợ hay sao?

Na Tra nói:

– Ta với ngươi không còn tình cha con gì nữa. Xác thịt ta đã trả lại công sanh thành rồi. Bây giờ ta với ngươi chỉ là hai kẻ thù. Tại sao ngươi đập tan cốt tượng, đốt miễu của ta. Thù nãy chưa trả ta quyết không đạp đất đội trời.

Vừa nói Na Tra vừa xông tới, dùng giáo dài đâm Lý Tịnh.

Lý Tịnh nổi giận cầm kích đỡ ra rồi chém lại. Hai đàng đánh nhau được hai mươi hiệp, chẳng ngờ Na Tra sức mạnh phi thường, càng đánh càng hăng, còn Lý Tịnh mồ hôi ướt giáp, hơi thở khò khè, tay chân run rẩy, liệu thế đánh không lại phải quày ngựa chạy dài.

Na Tra gọi lớn:

– Chạy đi đâư cho khỏi? Phen nầy ta quyết giết chết được ngươi mới nghe!

Vừa nói vừa rượt theo.

Lý Tịnh hoảng hốt độn thổ tức thì.

Na Tra cười lớn nói:

– Ðối với thế gian thì độn thổ là phép lạ còn đối với tiên gia, độn thổ là chuyện tầm thường, làm sao trốn được?

Nói rồi đạp hai bánh xe Phong Hỏa nghe gió dậy lửa hừng đi theo như mây bay gió táp.

Lý Tịnh chết điếng không biết liệu cách nào, than:

– Ta không ngờ sanh con lại tạo cho mình một nghiệp báo?

Giữa lúc đó bỗng có một người đi tới, miệng ca mấy câu:

Trăng chiếu lên khe nước bích

Gió đưa dựa cánh hoa dào

Ngàn dặm non xanh trải khắp

Một vầng mây bạc bay cao

Lý Tịnh thoáng thấy một tên đạo đồng, mình mặc áo tràng, đầu đội mũ đảnh. Nhìn kỹ thì đó là Mộc Tra, con trai của Lý Tịnh, học trò của ông Phổ Hiền ở động Bạch Hạc.

Lý Tịnh thấy Mộc Tra, lòng bớt sợ gọi lớn:

– Con ơi, cứu cha với.

Mộc Tra thưa:

– Cha đừng sợ, có con đến đây.

Bấy giờ Na Tra đã rượt theo kịp, thấy Lý Tịnh đang nói chuyện với tên Ðạo đồng, liền xốc đến làm dữ, Mộc Tra cản lại nạt lớn:

– Nghịch tử! Mầy dám làm chuyện vô đạo, rượt đánh cha, trời đất nào dung cho mày. Hãy xin lỗi thì ta dung thứ.

Na Tra hỏi:

– Mầy là ai mà phách lối như vậy?

Mộc Tra nói:

– Té ra mầy chưa biết tao sao? Ta là Mộc Tra, anh ruột của mầy mà. Lâu nay chưa lần nào gặp nhau nên mầy không biết cũng phải.

Na Tra nói:

– Anh Mộc Tra, anh chưa biết câu chuyện nầy. Ðể tôi nói lại cho anh nghe.

Ðoạn Na Tra kể lại các việc vừa xảy ra và nói:

– Tình cha con đã hết thì thù hận phải trả cho rành.

– Dù sao thiên hạ cũng nói mầy là con của Lý gia gia. Nếu mày hành động như vậy thì mang tiếng con nhà vô giáo dục.

Na Tra nói:

– Nhưng cha làm quấy tất nhiên con không thể kính vì.

Mộc Tra nói:

– Lẽ thường xưa nay, cha mẹ không làm quấy bao giờ.

Na Tra nói:

– Xương thịt đã trả lại rồi, không còn cha con gì nữa.

Mộc Tra giận quá, mắng lớn:

– Mày quả là đứa nghịch tử, không để làm chi.

Nói rồi chém Na Tra một gươm. Na Tra vung giáo đỡ, và nói:

– Tôi với anh không thù oán gì. Hãy tránh ra để tôi trả mối thù cùng Lý Tịnh.

Mộc Tra hét:

– Ðừng nói bậy. Hãy ngửa cổ chịu chết cho rồi.

Na Ta không nhịn, cầm giáo dài đâm Mộc Tra. Mộc Tra đỡ ra rồi rượt đánh. Hai anh em đánh với nhau lối ba mươi hiệp, Na Tra nóng lòng trả thù Lý Tịnh, sợ Lý Tịnh trốn mất, nên tính giải quyết với Mộc Tra cho sớm, liền lấy cục Kim Chuyên ném lên. Bửu bối nầy có hình như cái bánh ú, rơi nhằm lưng Mộc Tra làm cho Mộc Tra chống không lại, nhào lăn xuống đất.

Na Tra nói:

– Mầy muốn thế mạng cho Lý Tịnh đấy.

Nói rồi bỏ Mộc Tra nằm đấy, múa giáo đâm Lý Tịnh, Lý Tịnh sợ hãi cong lưng chạy riết.

Na Tra vừa cười vừa nói:

– Dù ngươi có chạy đến góc bể đầu non nào ta cũng quyết lấy thủ cấp cho được để trả thù việc đập cốt, đốt miễu ngày trước.

Lý Tịnh nghe Na Tra nói lại càng hoảng sợ, chạy trốn chẳng khác con chim bị ná, con cá vừa thoát lưới.

Ðàng sau, Na Tra đạp xe phong hỏa đuổi theo rất gấp.

Lý Tịnh than dài:

– Mình đầu thai lỡ kiếp, đi tu tiên không thành, trở về với công danh thì lại bị loài quỉ dữ vương nghiệp báo. Nhục nhã quá sống cũng chẳng làm chi, thà chết cho mát ruột.

Than rồi muốn dùng gươm đâm họng tự vận. Bỗng nghe có tiếng gọi:

– Lý Tướng quân chớ chạy, có bần đạo đến đây.

Lý Tịnh dừng chân, nghe người ấy ngâm bốn câu thơ:

Ngoài nội ngọn dông đưa liễu

Trong ao mặt nước trôi hoa

Hỏi thử: Non xanh phải động

Ðáp rằng: mây hạc là nhà

Người vừa ngâm bốn câu thơ là một đạo nhân, hiệu Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn thầy của Mộc Tra đó.

Văn Thù tay cầm phủ phất từ từ đi tới bảo Lý Tịnh:

– Tướng quân hãy vào động nghỉ, để ta xử trị với nó cho.

Lý Tịnh thấy Văn Thù Thiên Tôn, vội cầu cứu:

– Xin Ðạo sư ra ơn cứu tôi với.

Vừa nói vừa chạy tọt vào động.

Na Tra mặt hầm hầm, tay cầm giáo dài chân đạp hai bánh xe vừa đến nơi, không thấy Lý Tịnh đâu, chỉ thấy một ông đạo sĩ đầu chừa hai vá, mình mặc áo nịt một dây đang đứng bên bàn thạch, liền hỏi:

– Ông đạo có thấy một vị tướng vừa chạy qua đây không?

Văn Thù nói:

– Lý Tổng binh đã chạy vào động Vân Tiêu rồi, ngươi hỏi làm gì?

Na Tra nói:

– Ðạo sư chưa rõ, người ấy chính là thù nhân của tôi đấy.

Văn Thù cười lớn:

– Con mà gọi cha mẹ là thù nhân à?

Na Tra trợn mắt nói:

– Tại sao ông biết? Tôi đã lóc hết xương thịt trả lại rồi, còn cha con gì nữa?

Văn Thù nói:

– Lóc thịt xương chỉ mới là thể xác, còn tinh thần thì sao?

Na Tra hỏi:

– Tinh thần là cái gì?

Vản Thù đáp:

– Tinh thần là mối liên hệ giữa tình thương, là cái đạo của con người đối với con người.

Na Tra nóng lòng gắt:

– Tôi không muốn nghe những lời ấy. Nếu ông muốn yên ổn thì giao cừu nhân cho tôi, còn không tôi đâm ông ba giáo.

Văn Thù cười gằn:

– Mầy là giống gì mà phách lối như vậy? Ðừng khoác lác lỗ miệng mà hại đến thân.

Na Tra không biết Văn Thù là bậc Ðạo sư có địa vị khá cao, nên hùng hổ nói:

– Ta là Na Tra, học trò của ông Thái Ất chơn nhơn. Nếu người còn không biết điều, trẻ nít không giữ lễ.

Văn Thù nói:

– Ta không nghe Thái Ất có học trò là Na Tra. Mầy ngông cuồng như vậy ắt mang khốn. Ta sẽ bắt treo ngược lên không, đánh đòn ba trăm gậy.

Na Tra tánh ương ngạnh đã quen, không kể đến ai, liền vung giáo đâm Văn Thù.

Văn Thù giả thua bỏ chạy, Na Tra đắc ý đuổi theo, Văn Thù lấy Ðộn Long Thung (dây nọc cột rồng) trong túi quăng lên tức thì bốn bề nổi gió, tám hướng mịt mù, bụi đất tối trời. Na Tra mù mịt, không còn biết đâu là đâu nữa, mê man một lúc.

Khi tỉnh dậy thì thấy mình bị trói vào ba cái khoen bằng vàng, hai cái khoen niềng hai bắp vế, một cái khoen niềng ở cổ, buộc cứng vào một cái nọc.

Văn Thù mắng lớn:

– Mày quen thói ngang tàng, gặp ta, ta trị cho một bữa.

Nói rồi khiến Kim Tra đem gậy ra đánh Na Tra một chập. Na Tra bị trói trong cột, đau quá toát mồ hôi mặt đổ lửa, mũi ra hơi nóng.

Ðánh được vài trăm gậy, Văn Thù khiến Kim Tra thôi đánh, bỏ vào trong động.

Na Tra ngồi một mình tức bực khó chịu, đã không trả thù Lý Tịnh được, lại bị ông đạo sĩ nầy hành hình, rêm mình rêm mẩy.

(Nguyên vì Thái Ất chơn nhơn biết Na Tra tánh hung hăng nên gạt Na Tra đến động Vân Tiêu, nhờ tay Vân Thù trừng trị cho chừa tánh lỗ mãng).

Bởi vậy, trong lúc Na Tra đang hậm hực, mặt nhăn mằy nhó, ngồi ủ rũ nơi chiếc cột thì Thái Ất đi ngang qua.

Na Tra trông thấy vội kêu cứu.

Thái Ất không thèm ngó lại, cứ đi thẳng vào động.

Văn Thù mở cửa ra tiếp vừa cười vừa nói:

– Anh để học trò nghinh ngang quá, làm tôi nhọc công dạy dỗ.

Thái Ất nói:

– Tôi biết tánh nó hung lắm nên mượn tay anh răn dạy một lần.

Văn Thù liền khiến Kim Tra ra mở trói cho Na Tra.

Kim Tra tuân lệnh ra mở trói, và nói:

– Thầy dạy ngươi vào ra mắt.

Na Tra nói:

– Ta không ngờ thầy ta lại sợ cái lão sói đầu nầy, nếu biết trước ta không sanh sự với lão làm gì?

Kim Tra nói:

– Ngươi phải bỏ tánh hung hăng, nếu không thầy ta còn trừng trị nhiều cách khác nữa.

Na Tra lườm mặt:

– Ðã có thầy ta trong đó ta còn sợ gì lão sói.

Kim Tra dẫn Na Tra vào trong.

Na Tra thấy Văn Thù ngồi bên tả, Thái Ất ngồi bên hữu. Hai người có vẻ thân mật như anh em.

Thái Ất bảo Na Tra:

– Hãy ra mắt Bá Bá của mầy đi.

Na Tra không dám cãi lời, liền quỳ xuống ra mắt Văn Thù.

Thái Ất lại gọi Lý Tịnh ra.

Lý Tịnh bước đến lạy mừng hai vị Ðạo sư.

Thái Ất nói:

– Về sau, cha con phải thuận hòa, cha đừng khắc khe với con, con chớ vô lễ với cha nữa, được như vậy mới tốt đẹp.

Lý Tịnh tuân lời, lạy tạ lui ra. Na Tra vẻ mặt không vui, đôi mắt chứa đầy uất khí.

Thái Ất thấy vậy mỉm cười nói với Lý Tịnh:

– Thôi! Lý Tướng quân trở về ải an nghỉ.

Lý Tịnh cáo từ ra khỏi động, Na Tra đưa mắt nhìn theo với cử chỉ hậm hực.

Thái Ất nói:

– Ta bảo ngươi từ nay một lòng hòa thuận để giữ đạo làm người, tại sao ngươi không tuân?

Na Tra thưa:

– Không trả thù được, lòng đệ tử không an.

Thái Ất biết tánh Na Tra hung dữ, khó nguôi được liền bảo:

– Hãy trở về giữ động, để ta chơi với bác mày vài ván cờ rồi sẽ về sau.

Na Tra nghe nói mừng quýnh, vội cúi lạy, ra khỏi động Vân Tiêu, đạp hai bánh xe phong hỏa, đuổi theo Lý Tịnh tức khắc.

Lý Tịnh đang độn thổ trở về ải bỗng nghe có tiếng Na Tra gọi lớn:

– Lý Tịnh, trốn đi đâu cho khỏi, có ta theo lấy đầu ngươi, trả thù đây!

Lý Tịnh ngó ngoái lại thấy Na Tra trợn mắt đuổi theo gần kịp, kinh hãi, nghĩ thầm:

– Ông Thái Ất dạy học trò dữ đã không ráng dạy nó còn ngầm khiến nó theo hại ta nữa. Mới bảo ta trở về, lại sai học trò theo đánh. Ngoài mặt giả nhân giả nghĩa, trong lòng chứa đựng gươm đao. Thầy bất nhân, trò làm sao không thất đức?

Vừa nói, Lý Tịnh vừa chạy trối chết, Na Tra cứ đuổi theo mãi, Lý Tịnh không biết làm sao trốn thoát.

Trong cơn bối rối, bỗng thấy một đạo sĩ đứng dựa lưng bên cội tòng, hỏi:

– Phải Lý Tịnh chạy đó không?

Lý Tịnh đáp:

– Chính tôi là Lý Tịnh đây.

Ðạo sĩ nói:

– Việc gì mà chạy? Cứ bình tĩnh đi cho khoẻ.

Lý Tịnh nói:

– Na Tra rượt theo quyết giết tôi, xin đạo sĩ làm ơn cứu mạng.

Ðạo sĩ nói:

– Không hề gì đâu. Cứ núp sau lưng ta đây, nó không dám làm gì mà sợ.

Lý Tịnh vâng lời chạy đến núp sau lưng đạo sĩ, thở hào hển.

Na Tra rượt đến thấy vậy nhủ thầm:

– Tại sao mấy lão nầy cứ theo bênh vực cừu nhân của ta mãi. Chẳng lẽ lần này bị đòn nữa?

Liền xông đến bắt Lý Tịnh.

Ðạo sĩ cản lại hỏi:

– Vì cớ gì ngươi đuổi theo Lý Tịnh?

Na Tra kể lại câu chuyện thù hận của mình, đạo sĩ nói:

– Nơi núi Cửu Long ngươi đã bằng lòng thảo thuận với cha mẹ anh em, sao bây giờ ngươi không tôn trọng lời hứa?

Na Tra nói:

– Thầy tôi dạy bảo, tôi không dám không tuân, thật ra hận thù không thể quên được.

Ðạo sĩ nói với Lý Tịnh:

– Thằng nhỏ phách lối. Nó đã cố ăn thua với ngươi, ngươi sợ gì không đánh với nó ít hiệp cho nó kinh hoàng?

Lý Tịnh nói:

– Nó đã mạnh và hung hăng lắm, tôi đánh không lại.

Ðạo sĩ liền thổi vào mặt Lý Tịnh một hơi rồi đánh sau lưng một phát, nói:

– Cứ đánh nó đi, bề nào đã có ta đây! Ðừng sợ.

Lý Tịnh tuân lệnh cầm kích xông ra, Na Tra được dịp báo thù, mừng quýnh, cầm giáo dài đâm tới. Hai cha con đánh nhau một lúc, ước có hơn năm mươi hiệp. Na Tra đánh không lại, mệt thở khò khè, mồ hôi nhỏ giọt, mắt lòa đom đóm, nghĩ thầm:

– Trước đây lão thua mình, sao bây giờ lão mạnh dữ vậy? Hay lão nhờ đạo sĩ thổi một hơi, đập một cái sau lưng chăng? Chi bằng ta đuổi đạo sĩ này đi chỗ khác, rồi mới giết Lý Tịnh sau.

Nghĩ như vậy, Na Tra thôi đánh với Lý Tịnh, tiến đến truớc mặt đạo sĩ, xuất kỳ bất ý đâm một giáo. Chẳng ngờ đạo sĩ lanh lẹ phi thường, hả mồm phun ra một cái bông sen, cản mũi giáo của Na Tra lại.

Ðạo sĩ nói:

– Thằng quỉ! Mầy đánh với Lý Tịnh sao lại trở giáo đâm tao? Tao với mầy có thù oán gì đâu?

Na Tra nói:

– Lý Tịnh trước kia đánh với tôi thua liểng xiểng, bởi ông thổi một hơi, vỗ sau lưng một cái, làm tôi đánh không lại. Tôi thù ông lắm.

Ðạo sĩ cười lớn:

– Thằng con nít ăn nói hồ đồ. Mầy thử đâm tao một giáo nữa xem sao?

Na Tra vốn hung hăng, lỗ mãng đã quen, đâu còn kể gì, nghe đạo sĩ nói nổi xung, nhảy tới đâm thêm một giáo nữa.

Ðạo sĩ nhảy trái sang một bên, rũ tay áo một cái, tức thì môt luồng hào quang tung ra sáng chói nửa lừng. Hào quang hiện ra một cái tháp chụp Na Tra nhốt vào trong ấy. Ấy là đạo sĩ dùng Lung Linh Tháp, bắt Na Tra trị tội.

Ðạo sĩ đưa tay vỗ vào tháp một cái, Na Tra thấy bốn bề lửa dậy phừng phừng, nóng như muốn tiêu cả xương thịt.

Na Tra kêu lớn:

– Xin tha tội tôi lần thứ nhất.

Ðạo sĩ cười khúc khích hỏi:

– Mầy đã chịu nhìn cha mầy chưa?

Na Tra nói:

– Ông ơi! Tôi xin tuân lời. Xin thả tôi ra.

Ðạo sĩ nói:

– Ngươi đã có ý tốt, ta tha ngươi đó.

Nói rồi niệm chú, tháp Lung Linh tự động giở lên. Na Tra mừng quá nhảy ra, xem lại quần áo không cháy chút nào, nghĩ:

– Lạ lùng chưa! Nóng như cháy thịt, mà quần áo vẫn nguyên vẹn là thế nào?

Ðạo sĩ nói:

– Ngươi đã chịu nhìn cha sao không cúi lạy ra mắt?

Na Tra có ý giục giặc. Ðạo sĩ cầm tháp giơ lên, Na Tra hoảng hồn cúi lạy đỡ, chứ thực lòng không phục.

Ðạo sĩ thấy vậy, bảo:

– Ngươi đã lạy sao không xin lỗi?

Na Tra đứng nhăn mặt làm thinh. Ðạo sĩ nói:

– Nếu ngươi không gọi Lý Tịnh bằng cha và xin lỗi, ta đốt.

Na Tra sợ quá, phải cúi mình, nói:

– Xin cha tha lỗi, từ nay con không dám ngỗ nghịch với cha.

Tuy ngoài miệng nói vậy, song trong lòng Na Tra vẫn nghi lão nầy không lẽ theo mãi Lý Tịnh, bắt ta gọi bằng cha? Ta chịu đỡ cho qua cơn nguy, rồi sẽ bắt Lý Tịnh trả thù.

Chẳng ngờ Ðạo sĩ biết rõ ý định của Na Tra, liền bảo Lý Tịnh.

– Ngươi quỳ xuống đây ta truyền phép nầy cho. Nếu thằng con đó còn trở lòng, ngươi dùng phép nầy đốt xác.

Na Tra không còn dám hung hăng nữa, nghĩ đến phép lạ giật mình.

Ðạo sĩ nói:

– Từ nay con thảo cha lành, sau cũng tôi hiền, chúa thánh, đổ đồng làm quan một triều, đừng có chấp nhau nữa. Chuyện cũ bỏ qua, mưu đồ việc sắp tới.

Na Tra thấy Ðạo sĩ trao phép báu cho Lý Tịnh phải chịu phép, cúi đầu từ giã lui về động.

Lý Tịnh quì lạy thưa:

– Nhờ thầy ra ơn cứu mạng, xin thầy cho biết quí danh để đệ tử có dịp đền ơn.

Ðạo sĩ nói:

– Ta là Nhiên Ðăng ở núi Linh Tựu, động Nguyên Giác. Ngươi vốn tu hành chưa được, phải hưởng việc giàu sang. Nay vua Trụ bất nhân, cơ nghiệp Thành Thang sắp mất. Ngươi hãy từ quan về núi ẩn thân, lánh họa, đợi vua Võ nhà Châu ra đời ngươi sẽ theo phò, gắng sức lập công, hưởng công danh phú quí.

Lý Tịnh vâng lời, từ tạ. Nội ngày hôm ấy trở về ải Trần Ðường, làm sớ xin từ chức Tổng binh, dẫn vợ con lên non ẩn tích.

(Việc này do Thái Ất cậy Nhiên Ðăng đến đó trị Na Tra, làm cho Na Tra bỏ oán bỏ thù với Lý Tịnh, cha con hòa thuận nhau. Sau này Lý Tịnh cũng đi tu thành chánh quả và được trời phong chức Thác Tháp Thiên Vương).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.