Phong thần diễn nghĩa

Hồi 49: Trận Hồng Sa Võ Vương đành lâm nạn



Ðạo Ðức chơn quân vâng lệnh cầm gươm đến trước trận kêu lớn:

– Vương Diệc! Ngươi quen thói hung hăng, không thuận cơ trời. Mười trận đã bị phá hết tám rồi mà ngươi còn chưa chịu dẹp.

Vương Diệc nổi giận giơ gươm báu chém liền.

Ðạo Ðức chơn quân đưa gươm ra đỡ.

Vương Diệc đánh ít hiệp rồi chạy vào trận lên đài đổ bầu nước đỏ ra như cũ.

Ðạo Ðức chơn quân giơ tay áo phất một cái, hiện ra một cánh bèo sen rất lớn chẳng khác chiếc thuyền, rồi ngồi lên thuyền ấy lướt sóng xông tới.

Vương Diệc thấy vậy nổi giận, còn một bầu Hồng Thủy nữa vội trút hết ra.

Ðạo Ðức chân quân hiện vừng mây cản lại, đứng cả giờ trên chiếc thuyền sen.

Vương Diệc đã hết phép, không biết làm sao, tính trong ba mươi sáu chước không có chước nào hay hơn là đào tẩu, nên nhảy luồng đài.

Ðạo Ðức chơn quân sợ Vương Diệc túng thế hiềm ra kế hay, liền lấy cây quạt ngũ bảo thất cầm quạt Vương Diệc một cái.

Vương Diệc kêu lên một tiếng, té xuống tiêu thành tro, hồn phách bay về đài Phong Thần.

Có bài thơ rằng:

Khen cho quạt báu của tiên ông

Chẳng phải cầm tay lúc quạt nồng

Rực rỡ hào quang năm thứ lửa

Long lanh kết đủ bảy loài lông

Quạt lên một cái tiêu non núi

Phất xuống vài hồi cạn biển sông

Vương Diệc tuy là tiên hải đảo

Chịu hầu một quạt hóa tro hồng.

Ðạo Ðức nhơn quân phá trận Hồng Thủy rồi, bèn trở lại Lư Bồng với các tiên.

Bấy giờ Thái Sư đương buồn rầu về việc Triệu Công Minh bị trù yếm, nên không ra trận. Qua một lúc nghe quân vào báo:

– Trận Hồng Thủy bị phá, Vương Diệc tử nạn rồi.

Văn Thái Sư càng thêm buồn khổ. Vì hôm nay đã đến ngày thứ hai mươi, nếu không cách gì cứu nạn, Triệu Công Minh chắc phải chết

Hôm ấy Triệu Công Minh tỉnh lại, gọi Văn Thái Sư nói:

– Hôm nay tôi còn thấy mặt Văn huynh, nhưng qua giờ ngọ ngày mai chúng ta sẽ cách biệt mãi mãi.

Văn Thái Sư khóc ngất, nói:

– Tôi làm hại anh, chẳng biết lúc nào lòng tôi hết ân hận.

Trương Thiệu vào thăm, cũng khóc và nói:

– Giận kẻ bày ra việc trù yếm quá độc ác, nếu còn sống trên đời tôi chẳng quên thù nầy.

Còn Tử Nha làm phép đã hai mốt ngày, khi đến lúc giờ Tỵ thì có Võ Kiết vào báo:

– Lục Yểm lão gia đã đến dưới đài.

Tử Nha vội ra nghinh tiếp.

Lục Yểm nói:

– Chúng ta phá trận Hồng Thủy rồi, còn tánh mạng Triệu Công Minh thì giờ Ngọ nầy là hết.

Tử Nha bái một bái và nói:

– Triệu Công Minh phép thuật cao cường, hung hăng quá sức, nhờ đạo huynh thần thông quảng đại mới trừ được.

Lục Yểm vừa cười vừa thò tay vào giỏ hoa lấy ra một cái cung và ba mũi tên đưa cho Tử Nha dặn:

– Không cần phải bắn nhiều, chỉ nội ba mũi tên này cũng đủ kết thúc sinh mạng Triệu Công Minh rồi.

Giây phút tới giờ Ngọ, Tử Nha rửa tay thật sạch và cầm cung tên.

Lục Yểm nói:

– Trước nhất bắn vào con mắt bên tả của hình nhơn, rồi đến con mắt bên hữu, cuối cùng sẽ bắn vào trái tim.

Lúc ấy Triệu Công Minh đang nằm, vùng ré lên một tiếng. Nhắm một con mắt bên tả. Văn Thái Sư ôm Triệu Công Minh khóc tức tửi.

Triệu Công Minh lại ré lên một tiếng nữa, nhắm con mắt bên hữu, rồi sau đó tắt thở.

Có bài thơ than rằng:

Tu hành đừng nghĩ việc hồng trần

Nghĩ việc hồng trần lụy đến thân

Cái động La Phùng thôi vắng chủ

Thành tiên không được phải thành thần.

Văn Thái Sư ôm Triệu Công Minh khóc lóc một hồi, rồi tẩn liệm quàng sau trại.

Các tướng thấy Triệu Công Minh chết ai nấy đều nản lòng.

Vì vậy binh trại bên Thương không còn tề chỉnh như xưa.

Bấy giờ Tử Nha đi với Lục Yểm về đến Lư Bồng, mọi người đều khen nếu không có Lục đại huynh đến đây thì chẳng ai trừ Triệu Công Minh nổi.

Bỗng trong trận Hồng Sa chuông reo inh ỏi, Nhiên Ðăng nói với Tử Nha:

– Trận Hồng Sa lợi hại lắm nếu không dùng một người phước đức vào trận thì chúng ta không thể phá nổi

Tử Nha nói:

– Ðạo trưởng muốn đùng người nào?

Nhiên Ðăng nói:

– Phải dùng Võ vương mới phá trận này được. Vì Võ vương là kẻ có đức lớn.

Tử Nha nói:

– Thánh chúa là người hoàng tộc, không luyện võ nghệ, làm sao phá trận được?

Nhiên Ðăng nói:

– Việc ấy chẳng sao, chỉ cần người có đức mà thôi. Vậy hãy mau mời Võ vương đến, ta đã có sẵn phương pháp.

Tử Nha sai Võ Kiết vào thành triệu Võ vương.

Chẳng bao lâu Võ Vương đến nơi.

Tử Nha ra rước lên Lư Bồng, các tiên đều làm lễ.

Võ Vương hỏi:

– Chẳng hay quí vị mời trẫm đến đây dạy bảo việc chi?

Nhiên Ðăng nói:

– Nay mười trận đã phần hết chín, chi còn một trận Hồng Sa, nhưng trận nầy lợi hại lắm, phải nhờ đến phúc đức chí tôn, chúng tôi mới phá nổi, chẳng biết đại vương có thuận chăng?

– Quý vị vì ta mà đến, cứu dân trong lầm than. Nay việc đến ta, lẽ nào ta từ chối.

Nhiên Ðăng mừng rỡ mời Võ vương cởi áo cẩm bào, rồi dùng ngón tay giữa họa bùa trước mặt và sau lưng, lại giắt trên mão cửu long một lá bùa. Rồi sai Lôi Chấn Tử, Na Tra bảo vệ Võ vương vào trận.

Võ vương vừa xuống khỏi Lư Bồng, đã thấy trong trận Hồng Sa một đạo nhân đội mão đuôi cá, râu đỏ mặt xanh, cầm song kiếm, cỡi hươu, lướt tới ca:

Triệt giáo truyền ra phép nhiệm mầu

Càn khôn tại hóa một ta thâu.

Ðất trời rút lại trên năm ngón

Nhật nguyệt gồm vô đựng nửa bầu.

Trương Thiệu ca rồi kêu lớn:

– Ðệ tử Cung Ngọc Hư hãy ra mà phá trận.

Na Tra và Lôi Chấn Tử bảo vệ Võ vương xông ra.

Trương Thiệu hỏi:

– Ai ra trận đó?

Na Tra đáp:

– Chân chúa ta là Võ vương.

Võ Vương thấy Trương Thiệu hình dung cổ quái, mặt mày hung hãn, kinh hãi ngồi trên lưng ngựa không dám nói lời nào.

Trương Thiệu vung gươm chém đùa, Na Tra lướt tới đỡ gươm và đánh với Trương Thiệu được ít hiệp thì Trương Thiệu bỏ chạy vào trận.

Na Tra và Lôi Chấn Tử đồng bảo vệ Võ vương đuổi theo.

Trương Thiệu vãi một nắm Hồng Sa trúng nhằm ngực Võ vương, làm cho Võ vương cả người ngựa sa xuống hầm.

Na Tra cỡi xe phong hỏa bay thẳng lên cao, bị Trương Thiệu vãi hồng sa cũng phải nhào xuống.

Lôi Chấn Tử bay chưa khỏi trận, Hồng Sa ào tới liền nhào xuống nằm yên, thế là cả ba người đều mắc vào trong trận.

Tử Nha đứng bên ngoài thấy trong trận nổi lên một vùng khói đen liền hỏi Nhiên Ðăng:

– Ba người vào trận đạo trưởng liệu có bề gì không?

Nhiên Ðăng nói:

– Tuy bị mắc nạn nhưng không hề chi. Vì Võ vương là người có phước lớn.

Tử Nha hỏi:

– Chừng nào thì ba người mới ra được?

Nhiên Ðăng nói:

– Phải quá một trăm ngày.

Tử Nha buồn bã than:

– Võ vương là vua nhân đức, mình vàng trăm ngày sao nổi.

Nhiên Ðăng nói:

– Một vị chân chúa không bao giờ sợ phép tà. Ngươi đừng kinh hãi, hãy lui về an nghỉ.

Tử Nha sai người báo tin trong cung.

Thái Cơ và Thái Nhậm đều sai người đến hỏi thăm.

Tử Nha nói:

– Thánh chúa mắc nạn một trăm ngày, không hề chi mà sợ.

Nói rồi lên Lư Bồng cùng các vị đại tiên thương nghị.

Bấy giờ Trương Thiệu trở về dinh nói với Văn thái Sư:

– Võ Vương, Na Tra và Lôi Chấn Tử đều bị tôi cầm trong trận Hồng Sa.

Văn thái Sư tuy ngoài miệng vui mừng nhưng trong lòng đang buồn rầu việc Triệu Công Minh.

Trương Thiệu chiều ý, trở về trận mỗi ngày vãi hồng sa lên lưng Võ vương, đau đớn như dao cắt ruột nhưng nhờ có bùa phép, không đến nỗi nguy hiểm đến tánh mạng.

Ðây nhắc lại Thân Công Báo từ khi bất đồng ý kiến với Tử Nha, cố tình dạo khắp các non cao, rừng rậm, biểu dụ tín đồ Triệt giáo, gợi cho hai giáo phái có một ý thức mâu thuẩn sâu sắc, và cổ động Triệt giáo chống lại chủ trương của Xiển giáo.

Ngày kia, Thân Công Báo đứng trước cửa động gọi đồng nữ nhờ vào thưa lại.

Ba vị tiên cô hay tin Thân Công Báo đến thăm, liền ra khỏi động đón chào.

Vân Tiêu hỏi:

– Ðạo huynh ghé động chúng tôi có điều gì chỉ dạy chăng?

Thân Công Báo nói:

– Tôi đến đây cũng chỉ vì việc lệnh huynh.

Vân Tiên hỏi:

– Anh tôi cậy đạo huynh đến đây?

Thân Công Báo nói:

– Triệu đạo huynh bị Tử Nha đùng phép Ðinh Ðầu Thất Tiễn bắn chết tại Kỳ Sơn lẽ nào ba vị tiên cô không hay?

Huỳnh Tiêu và Bích Tiêu nghe nói giậm chân khóc rống lên:

– Không ngờ anh chúng tôi lại bị Khương Thượng sát hại tàn nhẫn như vậy! Uỗng công tu luyện bấy lâu nay, chúng tôi thật đau đớn.

Thân Công Báo nói

– Lịnh huynh mượn Kim Dao Tiển chưa lấy lại được Ðịnh Hải Châu, bị người ta hãm hại một cách hèn hạ như vậy, chúng tôi nghĩ tủi hờn.

Vân Tiêu hỏi:

– Ðạo huynh nghe tin ấy bao giờ?

Thân Công Báo nói:

– Tôi dạo khắp năm non bốn bể, việc gì cũng rõ hết. Triệu đạo huynh bị Tử Nha cất đài trên nói Kỳ Sơn trù yểm hai mươi mốt ngày rồi bắn chết. Trước khi chết, Triệu huynh có lấy một chiếc áo gói Kim Dao Tiển lại để gởi trả cho quí nương nương, và nói quí nương nương trông thấy áo ấy cũng như thấy anh. Hiện nay chiếc áo và báu vật còn để tại dinh Văn Thái Sư. Rất đổi chúng tôi tình bạn mà còn không chịu nổi, huống chi quí nương nương là tình ruột thịt, lẽ nào ngồi yên không báo thù.

Vân Tiêu nói:

– Giáo chủ chúng ta có lời truyền, cấm các đệ tử Triệt giáo không được đến Kỳ Sơn, trừ kẻ nào có tên trong bản Phong thần mới chống lại lời ấy. Nay anh tôi bị nạn, chắc là do số trời xui khiến.

Thân Công Báo cười lớn nói:

– Anh mình bị người ta giết chết mà cứ bảo là số mạng thì thật buồn cười. Số mạng là cái gì? Nó chỉ là một cái chiêu bài để che giấu tội ác của những kẻ có quyền thế tự cho mình nắm lấy vận mệnh các giáo hệ, muốn làm gì cũng được.

Huỳnh Tiêu và Bích Tiêu nghe Thân Công Báo nói như vậy cũng nổi nóng, nhìn Vân Tiêu nói:

– Chị thật vô tình, không tưởng gì đến cốt nhục. Triệu đại ca trước khi chết để áo lại tức là muốn bảo chị em ta trả thù đó. Nay hai chị em chúng tôi quyết xuống Tây Kỳ thăm hài cốt đại ca, như vậy chắc chị cũng tưởng rằng hai chị em chúng tôi có tên trong bản phong thần chớ gì?

Huỳnh Tiêu và Bích Tiêu nói dứt lời, người cỡi chim Hồng hộc. Kẻ cởi chim rằn bay ra khỏi động.

Vân Tiêu đứng nhìn theo và thầm nghĩ:

– Hai đứa nó xuống Tây Kỳ thể nào cũng dùng Hỗn nguyên đấu mà bắt đệ tử cung Ngọc Hư, làm lớn chuyện. Ta phải theo để điều khiển chúng nó mới được.

Nghĩ rồi truyền đồng tử giữ động, cỡi chim loa xanh bay theo gọi lớn:

– Hai em chậm lại, đợi chị đi với.

Huỳnh Tiêu và Bích Tiêu hỏi:

– Chị theo hai em để làm gì?

Vân Tiêu nói:

– Chị sợ hai em nóng nảy sanh chuyện khó lòng, nên phải theo hai em để dìu dắt.

Nói rồi giục thanh loan bay tới.

Xảy nghe phía sau có tiếng kêu lớn:

– Ba vị nương nương chậm lại đợi tôi với.

Vân Tiêu ngó lại thấy Hạm Chi tiên cô, liền hỏi:

– Hiền muội từ đâu đến?

Hạm Chi tiên cô nói:

– Em đi theo ba chị đồng xuống Tây Kỳ.

Cả bốn người cùng nhau họp đoàn.

Ði được một lúc, lại nghe có tiếng kêu lanh lảnh:

– Ðợi tôi theo với quí cô nương ơi.

Bốn người quay lại thì thấy Thể Vân tiên cô, liền hỏi:

– Thể Vân nương nương gọi tôi có việc gì:

Thể Vân hỏi:

– Vừa rồi tôi có gặp Thân Công Báo cho biết quí nương nương đồng xuống Tây Kỳ. Chúng mình là bạn thân với nhau, lẽ nào trong lúc nguy biến lại bỏ nhau.

Cả năm người cùng nhìn nhau trao đổi mối tình thắm thiết.

Khi năm vị tiên cô đến trước dinh Thương, quân sĩ trông thấy liền hỏi thăm tự sự, vào báo với Văn Trọng.

Văn Trọng lật đật ra ngoài đón rước vào đại điện trà nước.

Vân Tiêu hỏi:

– Ngày trước Thái Sư thỉnh anh tôi đến đây trợ lực, chẳng ngờ Tử Nha làm phép bắn chết anh tôi, vậy hài cốt anh tôi ở đâu xin cho chúng tôi mai táng.

Văn Trọng khóc lớn nói:

– Tôi mang ơn triều đình, hưởng giàu sang phú quí, đến lúc quốc biến gia vong, dầu chết đi đền nợ nước cũng đành. Còn Triệu đạo huynh chỉ vì tình bạn mà bỏ mạng thật lòng tôi đau đớn lắm. Vừa rồi Tử Nha làm phép trù yểm tại Kỳ Sơn, bắn chết lịnh huynh, xác lệnh huynh tôi còn quàng sau trại. Lịnh huynh trước khi chết cởi áo nói Kim Dao Tiển gởi lại cho ba vị tiên nương, và trối rằng:

– Ba vị tiên nương thấy áo cũng như thấy mặt anh.

Ba chị em Vân Tiêu nghe nói thảm thiết không cầm được giọt lệ, hai người bạn gái cũng che mặt khóc sụt sùi.

Văn Thái Sư lấy gói áo để ra trước bày ba chị em mở áo ra, trông thấy di vật, nhìn nhau khóc òa.

Bích Tiêu nóng lòng hỏi Văn Trọng:

– Thi hài anh tôi quàn nơi đâu?

Văn Thái Sư nói:

– Tôi quàng sau dinh để giao lại cho quí vị tiên cô theo lời trăn trối cửa Triệu đạo huynh.

Huỳnh Tiêu nói:

– Chúng ta ra sau dinh xem thi thể anh chúng ta ra thể nào?

Vân Tiêu nói:

– Ðại ca đã chết còn coi làm gì nữa chỉ thêm đau đớn.

Bích Tiêu nói:

– Ðã đến đây phải coi cho thấy mặt.

Hai chị em kéo nhau ra sau trại. Vân Tiêu túng thế phải theo sau.

Huỳnh Tiêu và Bích Tiêu giở nắp áo quan ra, thấy Triệu Công Minh bị chảy máu nơi tim, và hai con mắt.

Bích Tiêu nổi giận nói lớn:

– Ác nhân ác nghiệt! Giết người như vầy mà bảo là chính đạo?

Huỳnh Tiêu nói:

– Không cần giận dữ làm chi, chị em ta bắt chúng nó cũng bắn vào qua tim và hai con mắt để trả thù.

Vân Tiêu nói:

– Chúng ta không oán hận Tử Nha mà chỉ trả thù Lục Yểm, kẻ đã bày phép lạ, sát hại anh ta tàn nhẫn mà thôi.

Giữa lúc đó có vị đạo sĩ, chủ trận Hồng Sa bước vào chào hỏi.

Năm vì tiên cô cũng ôn tồn đáp lễ, và hỏi thăm mọi việc trong quân binh.

Văn Thái Sư truyền dọn tiệc đãi đằng.

Hôm sau, năm vị tiên cô đến trước Lư Bồng gọi Tử Nha ra nói chuyện.

Tử Nha liền dẫn bốn tướng đi theo lược trận.

Vân Tiêu cỡi Thanh loan đến trước nói lớn:

– Ta không cần nói với Tử Nha, hãy kêu Lục Yểm ra đây cho ta bảo.

Dương Tiên vội vào báo với Lục Yểm

Lục Yểm nói với Tử Nha:

– Cứ để bần đạo ra trận xem chúng nó làm trò gì cho biết.

Nói rồi cầm bửu kiếm xuống khỏi Lư Bồng.

Vân Tiêu thấy Lục Yểm người lùn tịt, đầu chừa hai vá, thì nói lớn:

– (bị mất câu này)

Lục Yểm nói:

– Ngươi chớ khinh ta lùn. Tuy lùn nhưng tài hơn ngươi tưởng.

Hãy nghe đây:

Thường nương mây bạc tụng huỳnh đình

Cửa động thường thường hứng gió thanh

Tiên cảnh thanh nhàn tìm thú vắng

Phồn hoa dù đẹp chẳng say tình

Càn khôn dồn cả vào tay áo

Nhựt nguyệt treo đầu một gậy linh

Uống thuốc kim đơn vài hột nhỏ

Cơ trời hiểu thấu mọi uy linh.

Lục Yểm ca rồi xá Vân Tiêu một cái.

Huỳnh Tiêu hỏi:

– Ngươi có phải là Lục Yểm đạo nhân không?

Lục Yểm đáp:

– Chính là ta.

Huỳnh Tiêu nói:

– Tại sao ngươi làm phép trù yểm, bắn chết anh ta?

Lục Yểm nói:

– Nếu ba vị tiên cô đồng ý cho tôi thanh minh việc sẽ nói rõ, bằng không muốn làm gì tôi mặc ý.

Vân Tiêu đáp:

– Ngươi cứ nói ra cho ta nghe thử.

Lục Yểm đáp:

– Người tu hành cần phải thuận thuận theo lẽ, chiều theo cơ mầu của tạo hóa. Cho nên người chánh thì được thành, kẻ tà thì phải đọa. Tôi học đạo từ thời Thiên Hoàng đến nay, thấy biết bao nhiêu chuyện cũ, hãy thuận thì còn, nghịch thì mất. Bởi Triệu Công Minh chẳng giữ bổn phận, giúp vua dữ hại dân lành, ỷ mình có phép thần thông không kể đến lẽ phải. Hễ nghịch trời thì mắc họa, nên trời sai tôi giết kẻ nghịch, há lại đổ lỗi cho tôi sao? Xét lại ba vị nương nương chớ nên chuốc lấy thù hận mà đến chỗ nầy. Nơi đây là biển lửa núi đao, không phải chổ an thân của người tu luyện. Nếu rủi ro bề nào ăn năn không kịp. Xin ba vị nương nương xét lại.

Vân Tiêu nghe nói làm thinh ngẫm nghĩ.

Huỳnh Tiêu nạt lớn:

– Yêu đạo! Ðừng đem ba tấc lưỡi mà gạt gẫm chúng ta. Kẻ giết người phải đền tội. Ngươi bắn chết anh ta, ta không thể để cho ngươi ung dung sống sống mãi. Nói rồi giơ bửu kiếm chém liền.

Lục Yểm đưa gươm ra đỡ. Hai người đánh được ít hiệp. Bích Tiêu lấy Hổn Nguyên Ðấu quăng lên, múc Lục Yểm đem về trước dinh, thì Lục Yểm đã hôn mê, không còn biết gì nữa.

Có bài thơ rằng:

Báu ấy từ hồi mới tạo tiên

Bích Du cung nọ để lưu truyền

Tam tài thâu hết không ai giỏi

Ðem xuống Tây Kỳ bắt các tiên.

Bích Tiêu trói Lục Yểm lại, vẽ bùa yếm tại cung Mê Hoàn, truyền quân treo lên cột cờ, rồi nói với Văn Thái Sư:

– Tôi lấy đầu nó không khó gì, song tôi muốn trả thù cho anh tôi. Ðể tôi bắn nó cho hả giận.

Liền truyền năm trăm quân xạ thủ trương cung bắn vãi vào mình Lục Yểm như mưa.

Bấy giờ Lục Yểm đã tỉnh lại liền làm phép che thân, bao nhiêu tên bắn đến mình đều hóa ra tro hết.

Quân xạ thủ thấy vậy thất kinh, Văn Thái Sư cũng hoảng vía.

Bích Tiêu nổi giận nói:

– Yêu đạo! Ngươi làm phép gì gạt ta đó?

Nói rồi quăng Kim Dao Tiển lên chém Lục Yểm.

Lục Yểm xem thấy nói lớn:

– Thôi, tôi xin kiếu ba vị nương nương.

Nói rồi hóa mống ba vị nương nương.

Các đạo hữu trông thấy mừng rỡ.

Nhiên Ðăng hỏi:

– Ðạo hữu bị Hổn Nguyên Ðấu bắt đi, làm sao mà về được?

Lục Yểm đáp:

– Nó không biết lý lịch tôi, nên mới dùng tên mà bắn để báo cừu cho anh nó. Cuối cùng nó lại quăng Kim Dao Tiển lên, tôi hóa mống bay về đây.

Nhiên Ðăng khen:

– Phép thuật của đạo hữu hay lắm!

Lục Yểm nói:

– Ngày nay bần đạo có việc, xin giã từ. Ít hôm sẽ trở lại.

Nói rồi đằng vân đi mất.

Hôm sau ba vị tiên cô lại đến khiêu chiến.

Tử Nha cởi Tứ Bất Tướng, dẫn các đệ tử ra khỏi Lư Bồng, thấy Vân Tiêu cởi thanh loan đứng trước, trên đấu chừa hai vá, mình mặc hồng bào.

Tử Nha thi lễ.

Vân Tiêu nói:

– Ta ở Tam Tiên Ðảo, ưa điều thanh tịnh, lánh việc thị phi. Song giận vì ngươi dùng Thất Tiên Thơ bắn anh ta chết. Anh ta thù oán gì mà ngươi nỡ ác tâm như vậy. Tuy Lục Yểm bày kế, song cũng do ngươi yểm đối. Lẽ thường, hễ giết người tất bị giết lại. Người tài cán bao nhiêu mà đám cả gan như vậy. Dầu cho Nhiên Ðăng cũng không thể khi dễ chị em ta.

Tử Nha nói:

– Nương nương nói sai rồi! Không phải chúng tôi tìm đến lệnh huynh mà gây oán, tại lịnh huynh đến đây gây sự, dấn thân vào chỗ hiểm sao tránh được tai ương.

Huỳnh Tiêu nổi giận nói:

– Người giết anh ruột ta, chúng ta phải báo thù. Dù là người giáo đạo nào cũng phải thừa nhận là lẽ phải.

Nói rồi chém xuống một gươm. Tử Nha đưa gươm ra đỡ.

Hoàng Thiên Hóa giục kỳ lân đến vung song chùy đánh tiếp với Tử Nha.

Dương Tiển giục ngựa kim, cầm thương bạc lướt tới trợ chiến.

Bên kia Bích Tiêu giục kim loan xông vào.

Thể Vân tiên cô tay một nắm Lục Mục Châu trong bầu phép vãi ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.