Phong thần diễn nghĩa

Hồi 81: Ải Ðồng Quan, họ Dư rải độc



Lữ Nhạc lên đài Bát Quái, lấy lọng Ôn Hoàng quăng xuống, Dương Nhậm quạt một cái, cây lọng cháy ra tro.

Lữ Nhạc nổi xung quăng tiếp hai mươi cây lọng nữa, cũng bị Dương Nhậm quạt cháy hết không còn sót một cây nào.

Lúc này Lý Bình còn ở trong trận, cũng bị Dương Nhậm quạt trúng, tiêu thành gió. Bởi Lý Bình có tên trong bảng Phong Thần, nay mới xui khiến đến đó chịu rủi ro như vậy. Về sau Lý Bình được phong là Ôn Hộ thần kỳ. Phải chi Lý Bình can Lữ Nhạc không được, bỏ đi thì làm gì mang họa.

Trần Canh thấy Dương Nhậm quạt cháy hết lọng, lại giết chết Lý Bình, nổi giận cầm gươm tới chém, Dương Nhậm quạt thêm vài quạt chẳng những Trần Canh cháy tiêu ra tro, mà mô đất làm đài Bát quái cũng bị nung đỏ.

Lữ Nhạc ở trên đài Bát quái, thấy việc không xong, liền niệm chú độn hỏa mà trốn. Chẳng ngờ quạt ấy luyện năm thứ lửa, không phải lửa thường.

Lữ Nhạc độn hỏa không được mà bị phỏng da cong lưng bỏ chạy.

Dương Nhậm quạt thêm ít quạt, bỗng Lữ Nhạc hóa khói bay lên đài Phong Thần.

Có bài thơ rằng:

Cho hay tướng dữ ít làm lành,

Lữ Nhạc tu lâu cũng chẳng thành

Không dập lòng lửa nay bị lửa,

Rõ ràng tam giáo quý vô tranh.

Dương Nhậm giết Lữ Nhạc và phá trận Ôn Hoàng xong, thấy Tử Nha nằm sấp trên lưng Tứ Bất Tướng, tay nắm Hạnh Huỳnh kỳ hào quang che phủ.

Các tướng liền áp lại đỡ dậy, mặt Tử Nha như tờ giấy vàng, không nói năng gì hết.

Võ Kiết kê vai cõng Tử Nha, còn Tứ Bất Tướng nhảy phóng về trại trước.

Võ Vương thấy Võ Kiết cõng Tử Nha về đến khóc lớn:

– Thượng phụ vì nước vì dân mà mang tai họa.

Vân Trung Tử đổ thuốc cho Tử Nha lần lần tỉnh dậy.

Tử Nha mở mắt, nói với Vân Trung Tử:

– Vì tôi mà nhọc lòng quý vị.

Võ Vương mừng rỡ nói:

– Xin Thượng phụ lo tịnh dưỡng, để các tướng được vui.

Tử Nha dưỡng bệnh vài ngày, thấy trong người đã bình phục.

Vân Trung Tử nói:

– Trận Ôn Hoàng đã phá xong, tôi xin về động, đợi đến trận Vạn Tiên sẽ hội kiến.

Tử Nha không dám giữ lại, tạ ơn rồi đưa ra khỏi cửa trại.

Vân Trung Tử đằng vân về núi.

Tử Nha trở lại trướng phủ, hội họp các tướng và nói:

– Ngày mai phải lo lấy ải.

Dương Nhậm thưa:

– Vừa rồi tôi có cứu bốn tướng, dặn ẩn mình trong xóm mà chờ nội công.

Tử Nha nghe nói hỏi hết các việc, Dương Nhậm thuật chuyện cướp tù xa tại ải Ðồng Quan cách đây ba mươi dặm.

Tử Nha mừng rỡ. Rạng ngày điểm tướng kéo đến ải Xuyên Vân.

Bấy giờ Từ Phương thấy Ôn Hoàng trận bị phá, Lữ Nhạc cháy ra tro, lại có quân giải tù xa về báo:

– Phương Nghĩa Chân bị một người đón đường giết chết rồi, còn bốn tướng trong tù xa đi đâu không biết.

Từ Phương kinh hãi, chưa biết liệu làm sao, bỗng nghe quân ó ngoài thành vang dậy, chiên trống rền trời.

Từ Phương lên mặt thành, xem thấy binh Châu lớp thì bắc thang vào thành, lớp thì dùng gươm đao chọt vách, còn Lôi Chấn Tử bay cao vòi vọi, đập bể nửa nóc lầu.

Từ Phương thất kinh chạy xuống, Lôi Chấn Tử đã chiếm cứ mặt thành, Na Tra giục xe bay vào, chặt ống khóa mở cửa ải. Binh Châu tràn vào như nước lũ.

Từ Phương liều mình xông ra hỗn chiến, bị các tướng vây phủ.

Lúc này, Hoàng Phi Hổ, Hồng Cẩm, Nam Cung Hoát, Từ Cái, bốn tướng nghe binh ó, và pháo nổ, biết binh Châu hãm thành, đồng đi bộ xách gươm tới ải, thấy Từ Phương chẳng khác nào như một cục đường đang bị kiến bu.

Hoàng Phi Hổ hét lên một tiếng, nói lớn:

– Từ Phương, có ta đến đây, đố ngươi chạy ngả nào cho khỏi?

Từ Phương đang mắc kẹt trong vòng vây, một mình với một cây thương đánh đỡ không hở, thấy bốn tướng xông vào lại càng quýnh quáng.

Hoàng Phi Hổ chém một gươm, Từ Phương tránh khỏi, nhưng lưỡi gươm chém trúng đầu ngựa làm Từ Phương sa xuống đất, bị quân sĩ bắt trói.

Quân trong thành hỗn loạn, thấy chủ tướng bị bắt đều xếp giáp đầu hàng.

Tử Nha lấy được thành rồi truyền treo bảng an dân.

Bốn tướng bị bắt vội vào ra mắt Tử Nha tạ tội.

Tử Nha nói:

– Bốn tướng bị lao khổ, nhờ trời phù hộ đổi họa ra phước, lòng ta không gì vui hơn.

Nói rồi truyền quân dẫn Từ Phương tới.

Từ Phương đứng sững không quỳ, Tử Nha mắng:

– Từ Phương, ngươi nỡ bắt anh ngươi mà lập công, thật lỗi đạo nhơn luân, dứt tình thủ túc. Còn ngươi làm tướng trấn ải, bất tài để cho mất thành trì, thật không phải anh hùng, sao còn chưa chịu phục?

Nói rồi sai tả hữu dẫn Từ Phương ra chém.

Tả hữu vâng lệnh dẫn Từ phương ra ngoài chém đầu bêu trước ải, còn Võ Vương truyền dọn tiệc thưởng tướng khao binh.

Ngày hôm sau Tử Nha cất binh đi tám mươi dặm, đến ải Ðồng Quan truyền đóng trại nghỉ ngơi, đợi bàn luận với các tướng rồi sẽ lo kế lấy ải.

Chủ tướng ải Ðồng Quan là Dư Hóa Long, có năm người con trai tên Dư Ðạt, Dư Triệu, Dư Quang, Dư Tiên và Dư Ðức.

Dư Ðức đi tu ngoài biển, chỉ còn năm cha con ở nhà trấn ải Ðồng Quan.

Khi ấy Dư Hóa Long nghe quân báo:

– Binh Châu kéo đến cắm trại ngoài ải.

Dư Hóa Long thất kinh nói với các con:

– Binh Châu nhiều tướng lấy thành như chẻ tre, chẳng phải giặc tầm thường, nay đến ải ta các con liệu thế nào cho tiện.

Bốn người con đồng thưa:

– Xin cha an lòng. Chẳng qua Khương Thượng cậy đông, kéo binh ồ ạt như vậy. Còn các ải trước binh la mã liệt không chống nổi. Chớ ải Ðồng Quan chúng ta Tử Nha tài gì đoại nổi.

Dư Hóa Long nói:

– Tuy vậy các con chớ nên khinh địch, phải hết lòng chiến thủ mới xong.

Hôm sau, Tử Nha thăng trướng, Thái Loan thưa:

– Hôm nay mạt tướng xin ra tài lập công đầu.

Tử Nha nhậm lời, Thái Loan dẫn binh mã kéo đến trước thành khiêu chiến.

Quân vào báo, Dư Hóa Long sai con lớn là Dư Ðạt giao binh.

Dư Ðạt vâng lệnh mở cửa ải dẫn binh ra trận.

Thái Loan thấy một cây cờ đề sáu chữ: “Ðồng Quan thủ tướng Dư Ðạt”, là một tướng nhỏ đầu đội kim khôi, giắt lông trĩ, mặt như dồi phấn, áo đỏ như son, cỡi ngựa Kim, cầm giáo bạc, liền hỏi lớn:

– Thằng nhỏ kia, tài cán chi ngươi, mà dám xưng là thủ tướng?

Dư Ðạt nói:

– Ta là con lớn của Dư Tổng binh, cầm đầu các tướng trong ải, sao không gọi là thủ tướng được?

Thái Loan nói:

– Nay binh trời đã đến đây, ngươi dám cản lại sao?

Dư Ðạt nói:

– Khương Thượng làm phản, Cơ Phát khi quân, dám đem thân đến ải này thì thật gan dạ. Ta sẽ bắt hết chúng bay, phá Tây Kỳ như bình địa thì tội chúng bay mới đáng.

Thái Loan nói:

– Nay tám trăm chư hầu đều hội nơi Mạnh Tân vấn tội, sớm muộn chúa tôi nhà ngươi không đất chôn thây, đã không biết phận mình còn nói dóc. Thôi hãy xuống ngựa hàng đầu ta dung tha tánh mạng.

Dư Ðạt nổi giận đâm một thương, Thái Loan đỡ ra chém lại.

Kẻ đao người giáo đánh đến ba mươi hiệp vẫn cầm đồng.

Dư Ðạt trá bại, Thái Loan thừa thắng đuổi theo, Dư Ðạt lấy Thiết tiên vụt nhằm mặt, Thái Loan sa xuống ngựa, bị Dư Ðạt quày ngựa lại đâm một giáo trúng yết hầu.

Dư Ðạt cắt thủ cấp đem về ải, Dư Hóa Long truyền bêu đầu làm hiệu lệnh.

Binh Châu bỏ chạy về ải báo tin.

Tử Nha nghe tin Thái Loan tử trận, lòng thương xót mười phần.

Hôm sau Tô Hộ xin xuất binh, Tử Nha nhậm lời.

Tô Hộ dẫn binh đến trước thành mắng chửi ầm ỉ.

Dư Hóa Long nổi giận sai đứa con thứ ba là Dư Triệu khai thành giao công.

Tô Hộ thấy tướng nhỏ liền hỏi:

– Ngươi tài cán gì mà dám ra đây?

Dư Triệu nói:

– Ta là con thứ của Dư Tổng binh, tên Dư Triệu. Còn ngươi là ai cho ta biết thử?

Tô Hộ nói:

– Ta là Ký Châu hầu Tô Hộ.

Dư Triệu thưa:

– Mạt tướng không biết lão tướng quân, xin hoàng thân miễn chấp. Lão tướng quân là Quốc thích, hưởng lộc Hoàng gia, lẽ phải giữ nước giữ thành, xin trả ơn vua đền nợ nước, sao lại quên đi hoàng hậu đang nương thân ở tiên phòng, trợ giặc làm phản quân vương. Thật tôi không phục lão tướng quân. Nếu Võ Vương sa cơ tướng quân bị bắt, thì không khỏi tiếng xấu muôn đời, ăn năn sao kịp? Xin tướng quân xét lại, trở về chúa cũ, cho thuận nhơn luân.

Tô Hộ nói:

– Thiên hạ về Châu hết tám chín phần, cơ nghiệp nhà Thương đã dứt. Trụ Vương độc ác như vậy, dù con gái ta làm hoàng hậu ta cũng không thể theo đứa bất nhơn, hưởng lộc triều đình. Còn ngươi là một đứa nhỏ tuổi, bản lãnh bao nhiêu mà dám ra chiến trường cho bỏ mạng. Thôi, ta tha mạng cho ngươi, hãy vào thành kêu Dư Hóa Long ra đánh với ta.

Dư Triệu nổi giận đâm một giáo, Tô Hộ đỡ ra đánh lại.

Hai bên đánh được ít hiệp, Dư Triệu xổ ngọn cờ vàng hào quang chói sáng, không còn thấy Dư Triệu đâu nữa.

Tô Hộ đưa mắt nhìn bốn phía, không thấy địch thủ đâu, thất kinh toan quày ngựa bỏ chạy, bị Dư Triệu đâm một giáo chết liền, hồn bay lên đài Phong Thần.

Dư Triệu cắt lấy thủ cấp đem vào thành.

Dư Hóa Long truyền bêu đầu làm lịnh, rồi dọn tiệc ăn mừng.

Tử Nha nghe tin Tô Hộ tử trận, ứa nước mắt than thầm.

Tô Toàn Trung khóc lớn, nói:

– Cừu cha chẳng đội trời chung, xin Nguyên soái cho tôi ra báo oán.

Tử Nha không cản được, đành phải cho đi.

Tô Toàn Trung đến ải Ðồng Quan khiêu chiến.

Quân vào báo lại, Dư Hóa Long sai đứa con thứ ba là Dư Quang ra trận.

Tô Toàn Trung thấy tướng mặt nhỏ, nghiến răng hỏi:

– Ngươi là Dư Triệu phải không? Hãy ra đây cho mau mà chịu chết.

Dư Quang nói:

– Không phải! Ta là Dư Quang, con thứ ba của Dư Tổng binh.

Tô Toàn Trung liền đâm một kích, Dư Quang đưa giáo ra đỡ.

Hai người đánh được hai mươi hiệp, Dư Quang bại tẩu.

Tô Toàn Trung nóng cừu cha, hét vang như sấm:

– Ta giết không đặng chúng bay thề không về ải.

Liền giục ngựa đuổi theo, Dư Quang lấy Ma hoa phiến đánh nhằm Tô Toàn Trung ba gậy gần nhào xuống ngựa, Tô Toàn Trung mới chịu ôm đầu chạy về dinh.

Dư Quang thu binh về ải thuật lại mọi điều, Dư Hóa Long nói:

– Ngày mai ta ra giáp trận với Khương Thượng xem thử thế nào cho biết.

Rạng ngày năm cha con Dư Hóa Long kéo binh ra thành khiêu chiến.

Quân vào báo lại, Tử Nha dẫn binh tướng ra ngoài.

Dư Hóa Long xem thấy binh Châu tề chỉnh khen:

– Người ta đồn Tử Nha dụng binh như thần, quả không sai.

Khen rồi giục ngựa tới hỏi:

– Tôi chào Khương Nguyên soái.

Tử Nha đáp lễ và nói:

– Tôi mang giáp trong mình, làm lễ không trọn. Tuy bất tài, song tôi vâng lệnh trời cứu dân phạt Trụ, vì vậy đến đâu cũng đều được thần tiên giúp sức. Nay tướng quân cũng nên thấy cơ nghiệp nhà Thương đã suy mà về Châu cho sớm, lẽ nào còn trợ kẻ ác, làm khổ muôn dân.

Dư Hóa Long nói:

– Bởi ngươi làm quan nhà Thương chưa được mấy ngày, nên không nghĩ đến ơn vua lộc nước chứ ta đây là rường cột của xã tắc lẽ đâu gặp nước loạn lại theo giặc bỏ vua. Dầu ta có chết cũng không thể bỏ thành này được.

Nói rồi quay qua hỏi các tướng:

– Có ai bắt Khương Thượng cho ta!

Bốn người con đồng xông ra một lượt.

Bên kia các tướng Châu cũng lướt ra ngăn cản.

Tô Toàn Trung đánh với Dư Ðạt, Võ Kiết cự với Dư Kiệt, Ðặng Tú hỗn chiến với Dư Quang, Hoàng Phi Hổ được đấu với Dư Tiên, còn Dư Hóa Long đứng thị chiến.

Tám tướng hỗn chiến với nhau một hồi bên nào cũng quyết thắng nhưng chưa bên nào thủ thắng được.

Dư Ðạt trá bại, Tô Toàn Trung thừa thắng đuổi theo bị Dư Ðạt vụt Thiết tiên, trúng nhằm kiếng hộ tâm bể nát.

Thấy Tô Toàn Trung sa xuống ngựa, Dư Ðạt lướt tới đâm, may nhờ Lôi Chấn Tử bay tới kịp đỡ thương.

Quân Châu cứu Tô Toàn Trung đem về dinh.

Dư Hóa Long thấy con mình thủ thắng, lập tức múa đao đến chém Tử Nha, Tử Nha đỡ ra đánh lại.

Hai bên giao đấu nghịt trời.

Bỗng Dương Tiễn giải lương về tới, thấy mười người giao đấu với nhau đồng sức, nghĩ thầm:

– Ðể ta thả chó cắn chúng cho bỏ ghét, và trợ lực với Nguyên soái.

Liền quăng con Hạo Thiên Khuyển lên. Con chó nhảy cắn vào cổ người này đến người khác, cha con Dư Hóa Long thất kinh, giục ngựa bại tẩu.

Na Tra quăng Càn Khôn Quyện, đánh nhằm vai Dư Quang, mấy cha con họ Dư vừa la vừa chạy vào ải.

Trận này quân Châu đại thắng, chém giết binh Thương vô số.

Tử Nha thu binh về, mở tiệc ăn mừng.

Trong lúc đó mấy cha con Dư Hóa Long bị chó cắn, ngày đêm rên nhức ăn ngủ không ngon.

Dư Hóa Long truyền lệnh đóng chặt mấy cửa thành, đợi dưỡng lành bệnh sẽ ra quân.

Thời may lúc này Dư Ðức trở về ải thăm cha vào giường thấy cha và các anh mình đang nằm rên rỉ, liền hỏi:

– Tại sao có chuyện lạ lùng?

Dư Hóa Long thuật lại mọi chuyện, Dư Ðức thưa:

– Chó cắn mà ăn nhằm gì, để con lấy thuốc xức thì hết.

Nói rồi mở bầu thuốc lấy mấy viên xức vào các vết thương, mấy cha con Dư Hóa Long đều lành mạnh như xưa. Cha con gặp nhau phỉ tình mừng rỡ mở tiệc ăn mừng, và tính mưu kế đánh Tử Nha.

Sáng hôm sau Dư Ðức dẫn binh đến trước dinh Châu, kêu Tử Nha ra nói chuyện.

Quân vào báo lại, Tử Nha dẫn binh tướng ra khỏi trại, thấy một đạo đồng đầu chừa hai vá, mình mặc áo đạo, chân đi giày rơm, liền hỏi:

– Ðạo đồng ở đâu đến đây?

Dư Ðức đáp:

– Ta là Dư Ðức, con út của Dư Tổng binh. Bởi Dương Tiễn thả chó cắn trộm cha và các anh ta, nên ta quyết đến đây bắt nó đánh vài gậy cho đã giận.

Dương Tiễn nghe nói đến tên mình, lướt tới nhe răng cười:

– Thằng nhỏ phách lối! Hãy trở về kẻo ta thả chó cắn chết.

Dư Ðức nổi giận liền lướt tới chém Dương Tiễn.

Dương Tiễn múa đao đánh lại. Na Tra hiện ba đầu tám tay xông vào trợ chiến.

Kim Tra, Mộc Tra, Lôi Chấn Tử, Vi Hộ đồng áp lại một lượt, vây Dư Ðức vào giữa, đánh đến nỗi Dư Ðức không rảnh tay mà dùng phép.

Còn Dương Tiễn thấy nơi mình Dư Ðức càng đánh càng có khói phảng phất bay lên, biết là người có phép tà đạo, liền quày ngựa ra ngoài, lấy viên đạn vàng bắn nhằm Dư Ðức.

Dư Ðức la lên một tiếng độn thổ trốn về thành.

Tử Nha thâu binh về thành, Dương Tiễn thưa:

– Dư Ðức là người có tà thuật, nên tà khí bốc đầy mình. Phải đề phòng kẻo mang họa.

Tử Nha than:

– Trước kia trong bài kệ thầy ta có dặn: “Phải phòng Ðạt, Triệu, Quang, Tiên, Ðức”. Nay gặp Dư Ðức chẳng biết phải nó không?

Hoàng Phi Hổ thưa:

– Ngày thứ nhất Dư Ðạt ra trận chém Thái Loan, ngày thứ nhì Dư Triệu hạ Tô hầu, ngày thứ ba Dư Quang đánh Tô Toàn Trung, sau đó năm cha con đều ra trận, nay lại có Dư Ðức là con út nữa, thế thì câu kệ ấy nhằm vào năm đứa con của nhà họ Dư rồi.

Tử Nha nghe nói kinh hãi, chau mày ủ mặt.

Còn Dư Ðức tuy bị thương bại tẩu, song chỉ uống một viên thuốc là lành bệnh ngay, liền nói với bốn người anh:

– Xin các anh tắm gội cho sạch sẽ, đặng làm phép với tôi. Chỉ trong bảy ngày binh tướng bên Châu sẽ chết hết.

Bốn người anh y lời, theo kế Dư Ðức mà làm.

Ðến đầu canh hai, Dư Ðức lấy năm cái khăn, chia làm năm sắc, trải dưới mặt đất, rồi đứng lên trên khăn ấy, bảo bốn người anh mỗi người đứng lên trên mỗi cái, xong lấy năm cái hủ nhỏ đựng năm sắc đậu, chia cho mỗi người cầm mỗi hủ, và dặn:

– Hễ tôi hô vãi thì phải hốt đậu mà vãi, tôi bảo trút thì hãy trút. Chúng ta không cần dùng đến binh tướng, mà địch quân vẫn phải thiệt mạng.

Dặn rồi làm phép, tức thí gió dậy đùng đùng. Những chiếc khăn đưa năm người bay bổng lên nửa lừng trời, chia ra làm năm hướng: Ðông, Tây, Nam, Bắc và trung ương, Dư Ðức truyền hốt đậu vãi xuống dinh Châu. Vãi được hai phần hủ thì truyền trút hết.

Năm người làm phép cho đến canh tư mới trở về thành.

Bấy giờ bên dinh Châu, binh tướng đều phát nóng lạnh, người nằm thiếp, ngóc đầu dậy không nổi.

Tử Nha cũng vậy, nằm im lìm. Sáu mươi vạn binh, kẻ trước người sau đồng một chứng bệnh.

Ðến ngày thứ ba, các đệ tử tiên gia cũng phát nóng, ai nấy mọc mụt đầy mình, nằm rên như sấm. Không còn một tên quân nào dậy được để nấu cơm hâm nước, trừ Na Tra là cốt bông sen, Dương Tiễn có huyền công biến hóa, nên không bị tà phép mà thôi.

Qua bữa sau, những mụt trong mình Tử Nha đều bầm đen, rồi binh tướng kẻ màu này người màu khác.

Na Tra nói với Dương Tiễn:

– Chuyện này xem giống như chuyện Lữ Nhạc trước kia.

Dương Tiễn nói:

– Khi trước Lữ Nhạc đánh Tây Kỳ, binh tướng cũng đau như vậy, nhưng nhờ có thành Tây Kỳ nương dựa. Nay đồn quân đóng trại giữa đồng, mà binh tướng nằm liệt, nếu cha con họ Dư thừa lúc này kéo binh đến đây, thì chúng ta không còn một người nào cầm thương chống lại nổi. Chắc chết hết cả lũ.

Hai người bàn luận, không biết tính sao.

Trong lúc cha con Dư Hóa Long lên mặt thành xem thử, thấy dinh Châu không có khói, cờ giáo ngã xiên ngã xó.

Dư Ðức cười lớn chỉ tay về phía dinh Châu, nói:

– Hiện giờ sáu mươi vạn binh tướng không còn đứa nào ngóc đầu dậy nổi.

Dư Ðạt nói:

– Nếu vậy chúng ta thừa dịp này đem binh đến giết hết cho rồi, để làm chi nữa!

Dư Ðức nói:

– Cần gì phải giết. Chỉ vài ngày nữa chúng nó chết đầy đồng, thây nằm chật đất. Như vậy thiên hạ mới thấy phép thần thông của chúng ta. Nếu kéo binh đến giết còn ai khen nữa?

Năm cha con đồng nghe lời Dư Ðức nên không khởi binh. Ấy cũng nhờ hồng phước của Võ Vương, nếu nghe theo kế Dư Ðạt thì binh tướng Tây Châu không còn một mạng.

Tuy vậy Dương Tiễn và Na Tra nơm nớp trong lòng, thức suốt đêm ngày, lo Dư Ðức kéo binh đến giết.

Thấy bịnh Tử Nha càng ngày càng nặng, Dương Tiễn nói:

– Sư thúc thở chẳng ra hơi, chúng ta biết tính làm sao.

Bỗng thấy Huỳnh Long chơn nhơn cỡi hạc bay xuống, Na Tra và Dương Tiễn vội ra tiếp đón, Huỳnh Long chơn nhơn hỏi:

– Dương Tiễn, thầy ngươi đã đến chưa?

Dương Tiễn thưa:

– Chưa thấy.

Huỳnh Long chơn nhơn nói:

– Lạ chưa! Ngọc Ðảnh chơn nhơn hứa với ta đến trước phá trận Vạn Tiên mà!

Nói chưa dứt lời, Ngọc Ðảnh chơn nhơn đến.

Dương Tiễn và Huỳnh Long chơn nhơn vội ra rước vào, Ngọc Ðảnh chơn nhơn đến xem bệnh Tử Nha, rồi nói với Dương Tiễn:

– Ngươi phải qua Hỏa Vong động cầu xin thuốc một lần nữa mới được.

Nói rồi viết một tờ sớ trao cho Dương Tiễn.

Dương Tiễn vâng lệnh độn thổ đến non tiên.

Vừa đến nơi, Dương Tiễn gặp Thủy hỏa đồng tử trước cửa động, liền bái dài và nói:

– Cảm phiền sư huynh vào tâu với lịnh Hoàng gia, có Dương Tiễn đến xin ra mắt.

Thủy Hỏa đồng tử đáp lễ và dặn:

– Sư huynh đứng đây chờ tôi một chút.

Nói rồi bước vào trước điện quỳ tâu:

– Có Dương Tiễn xin vào bái yết Hoàng gia.

Phục Hy Thánh đế phán:

– Hãy cho nó vào ra mắt.

Thủy Hỏa đồng tử truyền chỉ, Dương Tiễn bước vào quỳ lạy, rồi dâng sớ.

Lời sớ viết như sau:

“Ðệ tử là Huỳnh Long và Ngọc Ðảnh, cúi lạy Khai Thiên Tịch Ðịa Thái Hạo Hoàng thượng đế.

Ðệ tử noi theo tiên đạo, học phép trường sinh, nhằm giữ việc tu hành, dám đâu đèo bồng tâu cáo? Bởi chúng tôi lỗi đạo, phạm tột sát sanh, nên phải giúp thánh chúa, phạt người vô đạo, để lập công. Nay tới ải Ðồng Quan, bị Dư Ðức làm phép tà, binh tướng đều bị trúng độc, mê man bất tỉnh, hơi thở khò khè, cơm nước bỏ liều, mạng sống muốn dứt. Cực chẳng đã phải đến lạy trước bệ, xin Hoàng gia mở lượng hải hà, nhỏ đức từ bi hỉ xả”.

Phục Hy xem sớ rồi nói với Thần Nông.

– Nay Võ Vương thuận lòng phạt kẻ vô đạo, sáu mươi vạn binh rủi lâm chứng độc, ngự đệ cũng nên ra tay giải cứu.

Thần Nông tâu:

– Hoàng huynh nói phải lắm.

Liền lấy ba hoàn thuốc đưa cho Dương Tiễn và dặn:

– Ba hoàn thuốc này một viên cho Tử Nha, một viên cho Võ Vương uống, còn một viên hòa với nước rảy cho binh tướng, hơi độc tiêu thì bệnh lành.

Dương Tiễn quỳ lạy tâu:

– Chẳng hay bệnh ấy là bệnh gì mà độc hại như vậy?

Phục Hy phán:

– Ấy là chứng đậu chẩn, có tánh truyền nhiễm nhiều người. Nếu để trễ không toàn mạng.

Dương Tiễn lạy tâu:

– Nếu ngày sau thế gian bị bệnh ấy truyền nhiễm, thì lấy thuốc gì mà trị?

Thần Nông khiến Dương Tiễn theo mình, ra đến núi Tử Vân, nhổ một cây cỏ đưa cho Dương Tiễn và dặn:

– Ðây là vị thuốc trị bệnh đậu chẩn.

Dương Tiễn hai tay tiếp lấy cây cỏ, rồi quỳ tâu:

– Cỏ này tên gọi là gì xin cho trần gian biết.

Thần Nông phán:

– Ngươi hãy nhớ mấy câu này:

Nhành tía rẽ vàng tám cánh hoa,

Ấy là vị thuốc gọi Thăng ma,

Tánh hay giải độc trừ bông trái,

Trị đậu như thần mát thịt da.

Thần Nông lại phán:

– Nếu ai mới phát nóng, mau mau sắc cây cỏ này mà uống thì hết liền, còn để nóng lâu ngày sẽ bị thúi thịt.

Dương Tiễn từ tạ độn thổ về dinh thưa lại các việc, Huỳnh Long chơn nhơn tán thuốc hòa với nước đổ cho Võ Vương, Ngọc Ðảnh chơn nhơn đổ cho Tử Nha.

Dương Tiễn, Na Tra tán thuốc hòa với năm ba chậu nước, lấy cành dương rảy cho binh tướng. Hơi độc tan biến. Ai nấy đều lành bệnh. Tuy nhiên bệnh ấy sau này rải rác mãi truyền cho đến ngày nay.

Thấy mọi người lành bệnh, Tử Nha nói:

– Chúng ta phải ráng sức đánh Ðồng Quan mà báo thù.

Các tướng đều thưa:

– Chúng tôi xin quyết một trận thư hùng để rõ tài cao thấp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.