Phong thần diễn nghĩa
Hồi 87: Vợ chồng Thổ Hành Tôn tử trận
Tử Nha đương lúc thương nghị với các tướng, xảy có quân vào báo:
– Trương Khuê đến khiêu chiến.
Na Tra lãnh mạng ra đi, kéo quân đến trước dinh, hiện ra ba đầu tám tay, giục xe chống giáo, gọi Trương Khuê nói:
– Trương Khuê, nếu ngươi chẳng hàng đầu, ăn năn không kịp.
Trương Khuê trông thấy Na Tra làm dữ, nổi giận đánh một hồi.
Na Tra cự không lại, liền quăng Cửu long thần hỏa lên, chụp Trương Khuê vào chiếc nom lửa mà đốt.
Na Tra vỗ vào nom một cái, lửa dậy rần rần, chẳng ngờ Trương Khuê có phép địa hành, độn thổ trốn mất.
Na Tra giở nom ra, không thấy Trương Khuê, ngỡ Trương Khuê đã cháy thành tro rồi nên kéo binh về dinh, thuật lại với Tử Nha.
Tử Nha ngỡ Trương Khuê chết thiệt, mừng rỡ khôn cùng.
Còn Trương Khuê trốn về thành thuật chuyện với vợ.
Cao Lan Anh nói:
– Vậy thì đêm nay tướng quân lén vào dinh Châu giết Võ Vương và các khanh cần gì ra trận đấu thương cho mệt.
Trương Khuê nói:
– Bởi ta bị Dương Tiễn giết chết mẹ già nên lòng bối rối không tìm ra kế, phu nhơn nói rất phải, ta cần gì phải ra trận tranh hùng, cứ một phép địa hành của ta vào dinh địch giết mấy người không được.
Giữa lúc đó, bên trại Châu, Tử Nha ngỡ Trương Khuê đã bị nom thần đốt chết, nên truyền quân sĩ canh ba nấu cơm, canh tư ăn uống, canh năm hãm thành.
Qua căn hai, Trương Khuê độn thổ đến ngoài dinh, còn núp dưới đất chưa ló đầu lên, bỗng gặp Dương Nhậm đi tuần trại.
Bởi Dương Nhậm có con mắt mọc trong hai bàn tay nhỏ, nên trông thấy ngàn dặm, dù trên trời, dưới đất cũng trông thấy rõ được.
Dương Nhậm trông thấy Trương Khuê cầm kiếm, đi dưới đất liền nói:
– Trương Khuê, ta đã trông thấy ngươi rồi. Ðừng hòng làm lén.
Trương Khuê nghe Dương Nhậm nói thất kinh nghĩ thầm:
– Bên dinh Châu nhiều người thần thông, thấy cả trên trời dưới đất, ta biết làm sao hành thích được. Song ta đi dưới đất mau dù nó có chạy vào báo tin cũng không kịp. Ta giết Tử Nha rồi sẽ tính?
Dương Nhậm thấy Trương Khuê cắm đầu chạy vào trại như bay, liền vỗ đầu thú nhảy qua ba vòng binh khắc sanh hiệu la lớn:
– Có thích khách vào dinh, các tướng phải bảo vệ Chúa công và Nguyên soái.
Tử Nha nghe la truyền quân rút gươm khỏi vỏ, thắp thêm đèn lên cho sáng và hỏi:
– Thích khách đi ngõ nào? Nó làm sao vào trại được?
Dương Nhậm nói:
– Trương Khuê cầm đao đi dưới đất, nó đã đến trước cửa phủ của Nguyên soái.
Tử Nha kinh ngạc hỏi:
– Trương Khuê đã bị Na Tra đốt cháy bận chiều rồi sao bây giờ lại còn Trương Khuê nào đến đây thích khách?
Các tướng đều kinh hãi. Cả dinh náo động.
Dương Tiễn nói:
– Nếu quả vậy chúng ta chỉ nên canh phòng nghiêm ngặt đợi ngày mai sẽ tính.
Ðêm ấy dinh Châu không một tên quân nào dám ngủ, nơm nớp lo sợ Trương Khuê ám sát mình.
Còn Trương Khuê thấy dinh Châu đề phòng không làm gì được, cầm gươm lơ láo trở về.
Trương Khuê về đến thành, Cao Lan Anh hỏi:
– Ðêm nay tướng quân đi công việc thế nào?
Trương Khuê nói:
– Chẳng được việc gì, bên dinh Châu nhiều người tài phép quá, hèn chi đánh lấy năm ải như chẻ tre là phải.
Nói rồi thuật hết mọi việc cho vợ nghe.
Cao Lan Anh nói:
– Nếu vậy tướng quân phải viết sớ dâng về Triều Ca viện binh nếu để cái thành con này cô thế thì khó giữ.
Trương Khuê y lời viết sớ dâng về triều lập tức.
Rạng ngày Dương Tiễn đem binh đến khiêu chiến kêu tên Trương Khuê ra đối địch. Trương Khuê nai nịt ra khỏi thành trông thấy Dương Tiễn liền mắng lớn:
– Thất phu, ngươi giết mẹ ta, ta với ngươi quyết không chung đội trời.
Nói rồi cùng hỗn chiến với Dương Tiễn.
Ðánh được ít hiệp Dương Tiễn quăng Hạo Thiên Khuyển lên, Trương Khuê sợ chó cắn nhảy xuống ngựa độn thổ đi mất.
Dương Tiễn thâu binh về trại, Tử Nha hỏi:
– Bữa nay tướng quân ra trận thế nào?
Dương Tiễn thưa:
– Trương Khuê tài lắm, có phép địa hình còn hơn Thổ Hành Tôn nữa. Nếu đêm hôm không có Dương Nhậm thì chúng ta bị nguy với nó rồi.
Nói rồi thuật các chuyện vừa giao chiến. Tử Nha nói:
– Nếu vậy từ nay phải giao trách nhiệm tuần phòng cho Dương Nhậm.
Còn Trương Khuê bại tẩu về thành nói với vợ:
– Dương Tiễn tài cao phép lạ, vừa rồi thả chó cắn ta, ta phải dùng thuật địa hành về đây. Nhắm vợ chồng ta thủ thành này không nổi, chi bằng bỏ huyện Dẫn Trì chạy về Triều Ca sẽ tính kế.
Cao Lan Anh nói:
– Tướng quân tính như vậy không được đâu. Vợ chồng mình trấn ải này lâu lắm, nay lẽ nào bỏ mà đi, thiên hạ chê cười. Vả lại, thành này cũng như cái bình phong của triều ca, nếu bỏ thành này thì binh Châu tràn qua sông Huỳnh Hà không khó. Tướng quân an nghỉ, ngày mai thiếp ra quân một bữa xem sao.
Hôm sau Cao Lan Anh khai thành khiêu chiến, Tử Nha nghe báo hỏi các tướng:
– Ai dám ra binh cự với nữ tướng?
Ðặng Thiền Ngọc xin đi, Tử Nha dặn:
– Phải cẩn thận lắm mới được.
Ðặng Thiền Ngọc tuân lời, phát pháo kéo cờ, ra trước dinh hỏi lớn:
– Nữ tướng kia tên họ là chi?
Cao Lan Anh đáp:
– Ta là vợ của Trương tướng quân, trấn thành Dẫn Trì, gọi là Cao Lan Anh. Còn ngươi là ai?
Ðặng Thiền Ngọc nói:
– Ta là Ðặng Thiền Ngọc, vợ quan vận lương Thổ Hành Tôn.
Cao Lan Anh nghe nói nổi giận mắng:
– Ngươi là đứa khốn nạn! Cha ngươi vâng lệnh chinh Tây, lại đầu giặc. Còn ngươi lại lấy giặc làm chồng, nay còn mặt nào nhìn thấy quê hương?
Ðặng Thiền Ngọc vung đao hỗn chiến.
Cao Lan Anh mặc đồ trắng, Ðặng Thiền Ngọc mặc đồ hồng, hai nàng đánh với nhau như hai đóa hoa sen trắng hồng lẫn lộn.
Ðược vài mươi hiệp, Ðặng Thiền Ngọc trá bại, Cao Lan Anh đuổi theo, Ðặng Thiền Ngọc nghe tiếng lạc ngựa đến gần, liền quăng Ngũ quang thạch, trúng mặt Cao Lan Anh, miệng mũi sưng vù.
Cao Lan Anh giục ngựa chạy về thành.
Còn Ðặng Thiền Ngọc về báo tin thắng trận.
Tử Nha mừng rỡ ghi công.
Kế có quân vào báo:
– Thổ Hành Tôn vận lương về xin ra mắt.
Tử Nha đòi vào.
Thổ Hành Tôn đến làm lễ và thưa:
– Tôi vận lương đã đủ số, và mãn kỳ, xin nạp ấn lại.
Tử Nha nói:
– Ðây đã khỏi ngũ quan, lương thực có chư hầu trợ giúp. Từ nay việc vận lương không cần thiết nữa.
Thổ Hành Tôn thấy vắng Hoàng Phi Hổ liền hỏi thăm.
Na Tra nói:
– Cái huyện Dẫn Trì này nhỏ hơn hết, thế mà vừa đến nơi đã chết mất năm viên đại tướng là Hoàng Phi Hổ, Sùng Hắc Hổ, Văn Sính, Thôi Anh, Tưởng Hùng.
Thổ Hành Tôn hỏi:
– Tướng địch có tài gì mà hành động như vậy?
Na Tra nói:
– Ban đầu nó có con ngựa một sừng, đuổi địch như chớp nhoáng, năm tướng vì chạy không kịp nên bị nó giết.
Thổ Hành Tôn hỏi:
– Chúng ta không có cách nào trừ con ngựa một sừng sao?
Na Tra nói:
– Con quái thú đã bị Dương Tiễn giết mất rồi.
Thổ Hành Tôn vỗ đùi cười lớn:
– Thế thì nó còn gì nữa mà sợ nó? Sao không lấy thành cho sớm?
Na Tra nói:
– Hồi hôm thiếu chút nữa giết hết cả dinh chứ đừng nói chuyện lấy thành.
Thổ Hành Tôn trợn mắt hỏi:
– Sao lạ vậy?
Na Tra nói:
– Trương Khuê có phép địa hành còn hay hơn tướng quân nữa. Nó lén vào thích khách, may nhờ Dương Nhậm trông thấy. Suốt đêm binh tướng trong dinh không ai dám ngủ.
Thổ Hành Tôn nghĩ thầm:
– Trước kia thầy truyền phép ấy cho ta, nói là thiên hạ không ai biết địa hành cả, sao bây giờ có kẻ lại như mình? Ðể mai ra trận cho biết.
Nghĩ rồi vào phòng hỏi Ðặng Thiền Ngọc xem có quả thật như vậy không.
Ðặng Thiền Ngọc nói:
– Trương Khuê quả biết phép địa hành, không phải Na Tra nói dối đâu.
Thổ Hành Tôn lấy làm lạ, thao thức cả đêm, sáng ngày xin đi khiêu chiến.
Ðặng Thiền Ngọc, Dương Tiễn, Na Tra, cùng đi theo lượt trận.
Trương Khuê nghe quân báo, liền phát pháo khai thành, dẫn binh tướng ứng chiến.
Vừa ra đến nơi thấy một tướng lùn, liền hỏi:
– Ngươi là ai vậy?
Thổ Hành Tôn nói:
– Ta là Thổ Hành Tôn đây.
Vừa nói vừa vác gậy sắt đánh với Trương Khuê, Na Tra, Dương Tiễn đồng áp vào trợ lực.
Na Tra quăng Càn khôn quyện lên, Trương Khuê trông thấy nhào xuống đất độn thổ. Thổ Hành Tôn lập tức nhào theo.
Trương Khuê xem thấy kinh hãi nghĩ thầm:
– Nếu bên Châu có người biết địa hành như mình thì thật khó chịu lắm.
Chạy được một lúc, Trương Khuê trồi đầu lên giao chiến với Thổ Hành Tôn.
Hai bên đánh nhau ít hiệp, Trương Khuê bỏ chạy về thành.
Thổ Hành Tôn về thưa lại với Tử Nha:
– Phép địa hình của Trương Khuê hay lắm, tôi đuổi theo không kịp nên phải trở về. Nó giữ thành này thật khó mà phá.
Tử Nha nói:
– Lúc trước Cù đạo huynh dùng phép chỉ đất cứng mà bắt ngươi. Nay phải dùng phép ấy trị Trương Khuê mới được.
Thổ Hành Tôn thưa:
– Nếu vậy Nguyên soái viết thư đặng tôi đem về núi Hiệp Long cầu cứu thầy tôi mới được.
Tử Nha liền viết thơ thăm bạn, trao cho Thổ Hành Tôn.
Thổ Hành Tôn vào thành từ giã vợ, rồi độn thổ qua núi Hiệp Long.
Còn Trương Khuê trở về thành, tâm trí rối loạn, ngồi than với vợ:
– Bên Châu nhiều tướng kỳ dị, chúng ta đánh không lại đâu.
Cao Lan Anh hỏi:
– Tướng kỳ dị là ai?
Trương Khuê nói:
– Thổ Hành Tôn cũng biết địa hành như ta. Nếu có kẻ tài năng như mình thì thật khó hành động.
Cao Lan Anh thưa:
– Hay vợ chồng mình bế thành mà chịu, đợi binh triều tiếp viện sẽ hay.
Bỗng có một trận gió thổi hắt ngọn cờ trước dinh, Cao Lan Anh kinh hãi, nói với Trương Khuê:
– Ấy là điều bất lợi.
Nói rồi dọn bàn hương án, gieo quẻ rồi nói:
– Ðiềm ứng Thổ Hành Tôn qua núi Hiệp Long cầu cứu Cù Lưu Tôn, dùng phép chỉ đất cứng mà bắt tướng quân. Vậy chúng ta phải lo trước mới được.
Trương Khuê nghe nói kinh hãi, vội nai nịt chỉnh tề, cầm gươm độn thổ thẳng đến núi Hiệp Long đón đường Thổ Hành Tôn.
Thuật địa hành của Trương Khuê giỏi hơn nên đi sau mà đến trước. Khi đến núi Hiệp Long, Trương Khuê núp vào gành Mãnh thú, đợi Thổ Hành Tôn đến.
Còn Thổ Hành Tôn đến sau, chun lên khỏi đất thấy phong cảnh như cũ, chẳng có gì khác xưa, liền lên đến chân núi để vào động. Nhưng khi đi ngang gành Mãnh thú, Trương Khuê nhảy ra thộp được hét lớn:
– Thổ Hành Tôn, ngươi cố hại ta sao?
Dứt lời chém Thổ Hành Tôn một gươm rơi đầu.
Có bài thơ rằng:
Ðầu Châu thuở trước ít ai bì,
Nai ải vận lương chẳng trễ kỳ
Cướp trại cứu người đà lắm lúc,
Vào thành trộm báu cũng nhiều khi
Na Tra, Dương Tiễn đều yêu chuộng,
Nhuế Kiết, Ðặng Côn rất kính vì
Nay chết thình lình do tại số,
Uổng công trong sổ mấy lần ghi.
Trương Khuê xách thủ cấp Thổ Hành Tôn độn thổ về thành khoe với vợ rồi truyền bêu trước ải làm lịnh.
Binh Châu trông thấy vào báo với Tử Nha:
– Không rõ vì cớ nào trên thành Dẫn Trì lại có bêu thủ cấp Thổ Hành Tôn.
Tử Nha nghĩ thầm:
– Thổ Hành Tôn đi qua Hiệp Long sơn thỉnh phép, không phải ra trận giao chinh, tại sao bị giặc bêu đầu.
Nghĩ rồi đánh tay xem thử, vỗ án nói lớn:
– Thổ Hành Tôn chết thiệt rồi!
Ðặng Thiền Ngọc nghe tin chồng chết khóc òa và xin ra đánh báo thù.
Tử Nha nói:
– Chớ nên nóng lòng, phải thủng thỉnh tính kế mới được.
Thiền Ngọc không nghe giục ngựa đến trước thành khiêu chiến.
Cao Lan Anh nghe báo có nữ tướng cầm binh biết là Ðặng Thiền Ngọc nghĩ thầm:
– Ta ra giết ngươi đặng báo thù việc quăng đá hôm trước.
Nói rồi cầm đao lên ngựa xông ra.
Hai người đánh được ít hiệp, Cao Lan Anh trút bầu kim vãi lên Ðặng Thiền Ngọc bị đâm đui mắt không thấy gì cả bị Cao Lan Anh chém rụng đầu.
Quân binh Châu trông thấy về báo với Tử Nha.
Tử Nha chắt lưỡi nói với các tướng:
– Cao Lan Anh có binh khí bắn vào mắt người. Các ngươi ra trận phải đề phòng mới được.
Nam Cung Hoát thưa:
– Huyện Dẫn Trì rất nhỏ, thành Dẫn Trì là một thành rất sơ sài, nếu cứ giao tranh với Trương Khuê mãi biết chừng nào lấy được. Chi bằng dùng áp lực đem đại binh vây bốn phía giẫm nát bờ thành ào vô một lượt, Trương Khuê dù có tài cũng phải bỏ chạy, chứ làm sao giữ nổi.
Tử Nha cho đó là ý kiến hay.
Bấy giờ vợ chồng Trương Khuê ráng sức thủ thành nên binh Châu bốn phía phủ vây vẫn không sao xông vào được.
Qua hai ngày hỗn chiến, Tử Nha thấy phá không được thành, phải thu binh về trại.
Trương Khuê thấy trong thành binh sĩ ít oi liền viết sớ sai một tên quân đem về Triều Ca. Tên quân ấy qua khỏi sông Huỳnh Hà thấy bốn trăm chư hầu dồn binh tại Mạnh Tân chật ních liền lén lút qua khỏi Mạnh Tân, về đến Triều Ca dâng sớ.
Bữa ấy nhằm phiên Vi Tử thâu biểu.
Vi Tử xem xong đem đến Lộc đài dâng cho vua Trụ.
Trụ Vương hỏi:
– Hoàng bá dâng sớ gì vậy?
Vi Tử tâu:
– Võ Vương đánh thành Dẫn Trì, vợ chồng Trương Khuê cự không lại, nên dâng sớ xin cứu binh. Nếu không tiếp ứng để giữ thành Dẫn Trì thì vợ chồng Trương Khuê phải liều mình đền ơn chúa. Từ huyện Dẫn Trì đến thành đô chỉ có năm trăm dặm mà bệ hạ còn yến ẩm trên Lộc đài, không xem xã tắc mất còn. Vả lại bốn trăm chư hầu hiện đồn binh tại Mạnh Tân đợi binh Võ Vương tới, đồng kéo nhau về Triều Ca vấn tội. Việc chẳng khác chi lửa cháy, tôi nóng nảy vô cùng. Xin bệ hạ mau chọn hiền tài giúp nước ăn năn sửa mình, kẻo họa đến nơi rồi.
Vua Trụ xem sớ kinh hãi nói:
– Không dè Cơ Phát dẫn binh tới Dẫn Trì. Trẫm phải thân chinh mới được.
Quan đại phu Phi Liêm tâu:
– Không nên! Nay bốn trăm chư hầu đồn binh tại Mạnh Tân nếu bệ hạ thân chinh chư hầu sẽ mở vòng binh, chờ bệ hạ kéo quân qua khỏi sẽ chận ngõ về thì trước sau đều có giặc. Chi bằng bệ hạ phong bảng chiêu hiền cầu người tài giúp sức. Hễ trọng thưởng thì có người hiền tài ra giúp sức. Cần gì bệ hạ phải thân chinh.
Trụ Vương truyền ủy thác cho Phi Liêm thảo bảng cầu hiền treo khắp nơi. Nếu ai chịu đánh giặc thì phong quan trọng thưởng.
Bảng cầu hiền được dán khắp nơi. Cả Triều Ca đều nô nức.
Chẳng bao lâu có ba người đến lãnh bảng cầu hiền.
Quân lính đưa vào dinh ra mắt Phi Liêm.
Ba người ấy thưa:
– Chúng tôi biết mình tài non trí cạn, song Thiên Tử đã chiêu hiền giúp nước thì phải liều chết với non sông.
Phi Liêm thấy ba người mạnh bạo không phải kẻ tầm thường, liền trọng đãi và nói:
– Xin mời ba vị anh hùng ngồi đây đàm đạo.
Ba người thưa:
– Chúng tôi là dân dã, lẽ nào dám ngồi cùng với quan đại phu?
Phi Liêm nói:
– Nay Thiên Tử cầu anh hùng dẹp loạn, thỉnh hào kiệt cứu dân, không phải là việc nhỏ. Tôi tuy làm quan nhưng trong lúc ly loạn, không cứu dân cứu nước được, thì giá trị đâu bằng quý vị anh hùng? Xin quý vị chớ khiêm nhượng.
Ba người bái và ngồi xuống. Phi Liêm hỏi:
– Chẳng hay ba vị ở đâu, xin cho hạ quan biết danh hiệu.
Ba người đưa ba tấm thiệp ra. Phi Liêm xem thấy một người họ Viên tên Hồng, một người họ Ngô tên Long, một người họ Thường tên Hạo, cả ba đều ở núi Mai Sơn.
Phi Liêm liền dẫn ba người vào đền Hiển thánh.
Vua Trụ đang đánh cờ với Ác Lai, nghe báo có Phi Liêm hầu chỉ, thì truyền vào.
Phi Liêm quỳ tâu:
– Nay có ba người hào kiệt ở núi Mai Sơn, xin tình nguyện ra giúp nước, hiện còn đứng ngoài chờ lệnh.
Vua Trụ mừng rỡ đòi ba vị vào. Ba người lạy mừng xong đứng hầu hai bên. Vua Trụ phán:
– Ba khanh định dùng chước chi mà bắt Khương Thượng?
Viên Hồng tâu:
– Khương Thượng dùng mánh khóe hại người khiến chư hầu làm phản. Nay chỉ cần bắt Khương Thượng, rồi bệ hạ xuống chiếu tha tội tám trăm chư hầu, thì ai nấy cũng sẽ mang ơn bệ hạ, kéo binh về nước.
Trụ Vương nghe tâu đẹp lòng, phong Viên Hồng làm Nguyên soái, Ngô Long và Thường Hạo làm tả hữu tiên phuông, lại sai Ân Phá Bại làm tham quân, Lôi Khai làm đô đốc, Ân Thành Tú, Lôi Khôn, Lôi Bàng, Lỗ Nhân Kiệt làm bộ tướng tùy tùng, rồi truyền đãi yến tại đền Gia Khánh.
Trong số đó Lỗ Nhơn Kiệt là người tài trí, nhìn thấy Viên Hồng biết không phải là tướng tài, song cũng làm thinh để coi cho biết.
Rạng ngày Viên Hồng tập binh, Lỗ Nhơn Kiệt dòm ngó, thấy Viên Hồng còn lắm vụng về, biết không thể nào đánh lại Tử Nha được.
Hôm sau, Viên Hồng vào chầu, Trụ Vương phán:
– Nguyên soái mau đem binh ra thành Dẫn Trì giúp Trương Khuê đánh Khương Thượng.
Viên Hồng tâu:
– Tôi nhắm thế binh chẳng nên đi xa.
Vua Trụ hỏi:
– Vì cớ nào vậy?
Viên Hồng tâu:
– Nay tại Mạnh Tân có binh bốn trăm chư hầu đồn ở đó. Nếu tôi đem binh ra cứu Dẫn Trì thì bốn trăm chư hầu chận kín ngõ sau, không đường vận lương, trước sau đều có giặc, dù không ai đánh cũng phải chịu thua, bởi lương thực là việc quan hệ đứng đầu, thiếu một ngày cũng sanh loạn. Chi bằng đem hai mươi vạn binh mã cản đường Mạnh Tân, thì giặc vào triều ca không được. Nếu nó đánh thì nó sẽ thất bại, vì đồn quân lâu ngày thế phải hết lương. Ðợi chúng nó hết lương, ta phá một trận thì chư hầu chạy hết.
Vua Trụ phán:
– Nguyên soái luận phải lắm thật đáng tướng tài. Vậy tự ý khanh toan liệu.
Viên Hồng tạ ơn rồi dẫn binh tướng đi đón nơi Mạnh Tân.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.