Sống 365 Ngày Một Năm

CHƯƠNG III NHỮNG BỆNH DO XÚC ĐỘNG



Triệu chứng

Bệnh do xúc động có rất nhiều hình trạng không thể nào tả cho kỹ được. Nó không phải là bệnh tưởng tượng. Nó làm cho phát hiện nhiều triệu chứng trong cơ thể. Các bác sĩ đã ghi được khoảng trăm triệu chứng mà dưới đây tôi chép lại những triệu chứng thường xảy ra nhất. Con số bêntay mặt cho biết 100 lần, thì triệu chứng ở bên tay trái xảy ra bao nhiêu lần:
Đầy hơi, bụng trương lên (khí trướng) …………… 99,5 %
Nghẹn ở cuống họng………………………………. 90,
Mỏi mệt, rã rượi……………………………………… 90,
Chóng mặt……………………………………………. 80,
Nhức đầu………………………………………………. 80,
Đau, mỏi gáy……………………………………….. 75,
Bón…………………………………………………. 70,
Nóng, xót bao tử (bao tử lở)…………………….. 50,
Đau bụng, ở trái mật……………………………… 50,

Còn vô số triệu chứng khác nữa và một bác sĩ nói rằng: «Hầu hết những triệu chứng nào kỳ dị, làm cho y sĩ ngạc nhiên khó nghĩ, đều là những triệu chứng của loại bệnh do xúc động cả».[5]
Câu đó làm cho tôi nhớ lại một câu trong một bộ sách Đông y, bộ Y học toản yếu: «Quỷ sùng chi mạch, tả hữu bất tề, sạ đại sạ tiểu, sạ sác sạ tri», nghĩa là nếu mạch bên tay phải và tay trái không đều nhau, chợt lớn rồi lại chợt nhỏ, chợt nhanh rồi lại chợt chậm, thì đó là mạch bị ma làm. Mười mấy năm trước, đọc câu đó tôi không tin rằng có bịnh ma làm, cho đó chỉ là một lối giảng một điều mà đông y chưa hiểu, chưa khám phá ra được.

Bây giờ thì tôi đoán rằng triệu chứng lạ lùng, khó hiểu đó do xúc động gây ra và tôi khen một ông lang nọ gặp những trường hợp như vậy thường cho bệnh nhân thang Bát vị tiêu dao (nghĩa là tám vị làm cho con người thảnh thơi). Thang nầy gồm những vị sài hồ, đương quy, bạch thược, bạch truật, bạch phục linh, cam thảo, trần bì và sinh khương, có công dụng làm điều hòa khí huyết, gan và tì vị, mà bệnh nhân bớt được xúc động đi chăng?

Độc giả đã biết những triệu chứng thông thường của các bệnh do xúc động, dưới đây tôi xin kể những bệnh mà chúng ta thường mắc nhất, để độc giả đề phòng. Tôi sẽ dùng những nhận xét của hai ông John A. Schindler và Frank G. Slaughter mà vạch rõ cho độc giả thấy rằng những bệnh đó đều do xúc động gây ra cả.

Những bệnh bao tử

Cơ quan tiêu hóa là cơ quan xuất hiện sớm nhất ở các sinh vật vì sinh vật đơn giản nhất tức trùng a-míp (amibe), không có một bộ phận nào khác ngoài cái bao tử, thực ra, «trùng a-míp chỉ là một thứ bao tử». Nó là cơ quan hệ trọng nhất vì nhu cầu ăn uống là nhu cầu khẩn thiết hơn cả những nhu cầu khác (như nhu cầu tính dục chẳng hạn). Nó là một cơ quan chiếm nhiều chỗ nhất trong cơ thể vì nó gồm thực quản, bao tử, ruột non, ruột già. Nó có nhiều mạch máu và gân nhất, cho nên nó chịu ảnh hưởng nhiều nhất của xúc động và có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của ta.

Ta thường nói: «Hành động của kẻ đó làm cho tôi tởm». Tiếng «tởm» đó không dùng theo nghĩa bóng đâu. Đúng là những xúc động do kẻ đó gây nên đã ảnh hưởng đến bao tử của ta thật. Khi ta giận, chẳng phải chỉ có mặt ta đỏ lên mà thôi đâu, chính bao tử của ta cũng đỏ lên nữa, vì máu cũng dồn về bao tử. Từ những nỗi vui buồn đến thời tiết… cái gì cũng ảnh hưởng đến bao tử: giữa bữa ăn nhậu nhận được một điện tín báo rằng một ông bác mới mất, thế là nuốt không vô nữa; trời đương nắng mà bỗng nổi cơn dông, ăn cũng thấy kém, nhưng nếu được tin con thi đậu thì có thể bảo người ở chạy đi mua thêm một tô mì. Những điều đó, ai cũng nhận thấy hằng ngày.

Xúc động làm cho ta thấy nặng bao tử, có cái gì đè trong bao tử. Có khi bao tử thắt lại mạnh, làm cho ta phải ôm bụng, ợ hơi hoặc ợ chua.

Một bệnh nhân ợ hoài liên tiếp tám ngày, cứ trung bình nửa phút lại ợ một lần. Thuốc gì cũng vô hiệu. Một bác sĩ đã tính cắt những gân để cho hoành cách mô không cử động được nữa mà hết ợ. Cũng may bệnh nhân không chịu cắt. Rồi sau bệnh tự nhiên hết, nguyên do như vầy. Năm 1942, hồi mà đường, bột, mỡ phải «mua bông» vì khan hiếm, người đó bán trại ruộng đi, mở một tiệm bánh, tưởng là khá không ngờ bị công an dò xét, điều tra vì nghi ngờ là gian trá trong việc xin «bông». Đúng lúc đó, người con trai ông ta phải nhập ngũ. Thế là ông ta bắt đầu ợ, ợ hoài, đến mất ăn, mất ngủ, chỉ mấy ngày mà hom hem trông thấy. Một bác sĩ chuyên trị bệnh thần kinh đoán được nguyên nhân, khuyên ông ta bán cửa hàng bánh đi. Ông ta nghe lời: ký giấy đoạn mại xong thì mười hai giờ sau hết ợ.

Khi bạn đau ở dưới mỏ ác, bạn ngờ rằng lở bao tử, nhưng chưa chắc vì có tới trên 50 phần 100 trường hợp như vậy chỉ do xúc động chứ chưa phải là lở bao tử. Trường hợp vì xúc động mà thấy đau ở bao tử, và trường hợp vì lo mà đau, hai trường hợp đó rất dễ lầm với nhau, vì nếu có lở thì cũng không phải vết lở làm cho ta đau mà chính là những bắp thịt ở chung quanh vết lở nó thắt lại mà làm ta đau. Mà khi ta xúc động, chính những bắp thịt đó cũng thắt lại.

Đọc hai truyện dưới đây bạn sẽ tin chắc điều đó. Một người bán tạp hóa phàn nàn là đau bao tử. Công việc làm ăn không khá, phải lo lắng hoài, lại thêm bà vợ như bà la sát và cậu con vào hạng thanh niên cao bồi. Đi bác sĩ, ông thì bảo là lở bao tử, ông thì bảo không, làm người đó thêm hoang mang. Cứ mỗi năm hai kỳ, người đó về quê nghỉ nửa tháng, suốt ngày câu cá ở Wisconsin (Mỹ). Lạ quá, cứ đúng lúc xe tới Belleville, cách quê chừng bốn chục cây số thì bệnh bao tử biến mất; nửa tháng ở nhà quê, ông ta ăn mạnh khỏe như thường, rồi khi trở về gần với tỉnh, nhìn thấy thành phố là bệnh trở lại. Nhờ vậy mà ông ta mới biết rằng mình không lở bao tử.

Một y sĩ dưỡng đường Mayo cũng mắc bệnh như vậy.Ông lo lắng buồn chán hóa đau bao tử.Ông biết bệnh của mình, thỉnh thoảng đi nghỉ ngơi để dưỡng sức. Lần nào cũng vậy ra khỏi châu thành Rochester, tới giữa cầu trên sông Mississipi là tự nhiên bệnh hết; rồi khi trở về Rochester, cũng tới giữa cầu đó là bệnh trở lại. Nghiệm như vậy, ông để tâm suy xét thì thấy cầu đó ở trên ranh giới tiểu bang Minnesota và ông ghét tiểu bang này lắm. Ông di cư qua tiểu bang khác và bệnh ông hết luôn.

Nếu người bán tạp hóa và vị bác sĩ đó không tìm được nguyên nhân bệnh mình thì sớm muộn gì bệnh cũng hóa nặng, thành ra lở bao tử thật, rất khó chữa.

Khi đã lở bao tử rồi thì một xúc động mạnh có thể làm cho xuất huyết trong bao tử, nguy tới tánh mạng.

Có rất nhiều thuốc nhưng đều là để trị ngọn cả. Chỉ có cách ăn kiêng, đổi không khí, rán vui vẻ, đừng lo lắng, là bệnh mau đỡ thôi. Cho nên lính ngoài mặt trận mà bị bệnh đó thì vô phương chữa[6].

Những bệnh ở ruột

Theo John A. Schindler và Frank G. Slaughter thì ruột già còn dễ bị ảnh hưởng của xúc động hơn là bao tử. Bệnh sưng ruột già (colite) có thể sinh ra hai chứng: bón và tháo dạ, phân lỏng và sền sệt. Bảy chục phần trăm người bón là do xúc động chứ không phải do những bắp thịt ở ruột làm biếng như bác sĩ Victor Pauchet đã nói trong cuốn Le chemin du bonheur . Hồi đó bác sĩ Pauchet chưa biết ảnh hưởng của xúc động.

Dù bón hay tháo dạ do xúc động thì cũng chỉ có một cách hiệu nghiệm để trị là ăn kiêng, vận động, sống vui vẻ điều hòa. Đừng thấy táo bón mà dùng thuốc nhuận trường, chỉ hại chứ không ích.

Bệnh sình ruột một ngàn lần có tới chín trăm chín mươi bốn lần do xúc động gây ra. Khi bạn thấy soi bụng, bạn thường cho rằng do thức ăn không tiêu mà sinh ra hơi. Không. Sự tiêu hóa không khi nào sinh ra hơi cả. Hơi ở trong bao tử và bụng của ta đều là không khí mà ta nuốt vào cùng với thức ăn.

Khi thấy sình bụng, ùng ục trong bụng là có một khúc ruột non của ta thắt lại, nước và hơi trong bụng bị nghẽn, làm cho bụng sình lên. Rồi khi ruột hết thắt, nước và hơi thông được, và ta nghe thấy tiếng ùng ục trong bụng. Có khi ruột chỉ thắt lại trong năm ba phút, có khi nó thắt lại cả giờ. Có người ruột thắt lại một lúc 18, 20 chỗ, cực kỳ khó chịu.

Một người tội nhân sình ruột, phải mổ. Mổ ra thấy ruột bình thường, không có gì cả. Chỉ đánh thuốc mê ở bụng thôi, nên tội nhân vẫn tỉnh táo. Viên y sĩ biết hồ sơ của anh ta, hỏi: «Anh làm gì mà bị công an bắt đó?»Thế là chỉ một phút sau ruột anh thắt lại ở nhiều khúc. Y sĩ hỏi: «Anh thấy làm sao?» Tội nhân đáp: «Thấy ruột sình lên». Vậy thì rõ ràng là do xúc động gây nên chứ không phải do ăn không tiêu.

Nếu ruột già thắt mạnh quá ở bên tay mặt, dưới xương sườn, thì ta thấy đau ghê gớm, tưởng chừng như có sạn ở trong mật (calcul biliaire), làm cho y sĩ nào cũng có thể lầm được. Ông John A. Schindler kể trường hợp như sau. Một bà nọ có người con một được lệnh phải nhập ngũ. Hai hôm sau bà ta đau bụng dữ dội.Ông lại coi mạch, lầm là đau gan, mấy bạn đồng nghiệp của ông cũng lầm như vậy. Chích thuốc, bà ta đỡ. Ít bữa sau, người con trai bà ta vô trại. Con vô trại đượchai ngày thì mẹ ở nhà lại đau bụng. Lại chích ba mũi thuốc nữa.

Ba tháng sau, bà được tin con đã rời Nữu Ước tới một nơi mà cấp trên chưa cho biết là ở đâu. Bà lại nổi cơn đau bụng, lần này rất nặng. Chiếu điện, không thấy có sạn ở mật. Nhưng ông Schindler vẫn tin rằng có sạn mà chiếu không thấy; khuyên bà ta mổ. Thế là mổ.
Yên được ít tháng. Rồi lại đau, lần này thì không ở gan nữa, mà ở bên cạnh; lạ nhất là đau đúng hai ngày sau khi bà ta nhận được tin người con đổ bộ ở Tunisie, nơi quân đội Đồng minh đương chiến đấu với Đức. Lần thứ năm mà cũng là lần cuối cùng, bà ta lên cơn đau bụng khi hay tin con bị thương. Ít lâu sau, con được giải ngũ. Bà ta hết đau.

Nếu đau cũng ở bên mặt, nhưng phía dưới bụng, thì rất dễ lầm với bệnh ruột dư mà các bác sĩ rất giỏi cũng khó phân biệt được. Gặp trường hợp đó những y sĩ ít kinh nghiệm đè bệnh nhân ra mổ. Thói đó thực tai hại. Theo ông Slaughter thì sở dĩ người ta ham mổ một là vì được thù lao lớn, hai là vì ngu, không hiểu rằng 75% bệnh ở ruột là do xúc động. Các «bác sĩ mổ» thường tự bào chữa rằng:

— Nếu mình không mổ thì bác sĩ khác cũng sẽ mổ.

— Chỉ có cách mổ ra mới biết là trong ruột ra sao.

— Mổ ruột mà có làm chết ai bao giờ đâu?

Vì họ nghĩ vậy nên ngay ở Mỹ, cứ 100 lần mổ có tới 31 lần vô ích vì đoán lầm bệnh. Đó là xét chung các bệnh. Riêng về các bệnh đau bụng mà ngờ là đau ruột dư rồi mổ, theo bác sĩ Walter Alvarez ở dưỡng đường Mayo (Mỹ) thì 225 bệnh nhân bị mổ, chỉ có 2 trường hợp là đáng mổ thôi. Nhiều bác sĩthấy thân chủ đau ở bụng, bên phải, phía dưới, là đè ra mổ ruột dư, vì «không lẽ coi mạch, rọi kiếng mấy lần rồi lại tuyên bố với bệnh nhận rằng ông (hay bà) không đau gì cả ư? Nhất là vì mổ thì chỉ có lợi cho họ thôi mà[7]».

Thấy mối nguy đó, một trường hợp ở Mỹ đã ra lệnh rằng những y sĩ ít kinh nghiệm không được mổ bậy nữa; trước khi mổ phải hỏi ý kiến của nhiều nhà chuyên môn để khỏi làm phí tiền, hại sức khỏe, nguy tính mạng của bệnh nhân. Và vài trường

Đại học ở Mỹ đã bắt các ông «bác sĩ mổ» tương lai phải học khóa tâm thần bệnh học.

Ở nước ta cũng nên có những đạo luật như vậy.

Những bệnh tim và mạch máu

Khi vui ta thấy tim như nở ra, khi buồn thì thấy tim như thắt lại; đau khổ quá thì thấy tim như nát ngấu. Như vậy đủ biết rằng xúc động ảnh hưởng rất lớn đến tim; mà những bệnh về tim còn khó trị, nguy hiểm hơn những bệnh về bao tử.

Có lẽ các y sĩ ngày nay bận tâm nhất về bệnh áp huyết quá cao. Hồi xưa nhân loại gần như không biết bệnh đó, mới từ đầu thế kỉ này nó phát mỗi ngày mỗi mạnh và già nửa số người quá 50 tuổi chết vì một trạng thái của bệnh đó.

Xúc động kích thích những gân của bộ thần kinh giao cảm, rồi những gân đó làm cho những mạch máu nhỏ ở thận thu súc lại, rồi thận tiết ra một kích thích tố, chất rénine, chất này làm cho mạch máu thắt lại (spasme), do đó huyết áp tăng lên. Khi huyết áp lên cao quá, những gân máu ở óc có thể đứt, hậu quả là chết hoặc tê liệt nửa người.

Nếu những mạch máu ở gần tim bị một hòn máu (caillot) làm nghẹt, thì ta thấy đau kinh khủng ở tim, bệnh đó gọi là bệnh angine de poitrine.

Theo những bác sĩ ở dưỡng đường Mayo, thì bệnh nhức đầu do mạch máu ở óc căng ra, mà trước khi căng thì nó bị thu súc lại. Nguyên nhân 90 phần 100 là tại xúc động.Ông John A. Schindler kể chuyện một thân chủ của ông là một bà rất lo lắng việc nhà. Lâu lâu bà phải ra tỉnh mua bán một buổi. Bà cho đó là một đại sự, trước khi đi ba sắp đặt việc nhà đâu ra đó y như là sắp đi xa vậy, dặn dò con cái, người ở đủ mọi việc, và tính toán ra tỉnh phải làm những việc gì, gặp những ai. Vì lo lắng quá, lần nào mới bước chân ra khỏi trại, bà cũng bắt đầu nhức đầu; khi trở về thì nhức quá, chịu không nổi, phải nằm liệt nửa ngày. Nhiều bà nội trợ ở nước mình mỗi tháng nhức đầu đến ba bốn ngày cũng ở trong trường hợp tương tự như vậy.

Lo lắng quá còn làm cho ta thở hổn hển. Những thí sinh khi vào phòng thi, những người lần đầu lên diễn đàn thường biết trạng thái đó. Bình thường ta thở mười sáu tới mười tám lần một phút. Lúc xúc động mạnh, ta thở tới hai mươi ba lần mà không hay. Ngay cả trong giấc ngủ, ta cũng có thể bị xúc động nữa. Chỉ những người thật khỏe mạnh, vui vẻ mới thở đều đều trong giấc ngủ, còn phần đông giấc ngủ không được bình tĩnh. Có việc gì bất như ý xảy ra ban ngày, thì ban đêm ta trằn trọc, hồi hộp, hơi thở không đều, hổn hển một lát rồi có khi lại như nghẹt thở, đôi khi chân tay co rút lại.

Sở dĩ như vậy là vì khi ta hồi hộp, thở nhanh quá thì thán khí trong cơ thể tiết ra ngoài nhiều quá, mực độ acít carbonic trong máu hạ xuống, làm cho chân tay tê lại, co quắp, người lạnh ngắt, run rẩy rồi chóng mặt, có thể té xỉu.

Bệnh suyễn

Mới mười năm nay người ta biết rằng bệnh suyễn không phải chỉ do vi trùng sinh ra mà nhiều khi còn do xúc động nữa, như trường hợp dưới đây mà ông Schindler đã kể lại trong cuốn How to live 365 days a year.

Bà D đương sống vui vẻ, sung sướng: nhà cửa thịnh vượng, con cái ngoan ngoãn. Rồi bà gả một người con gái; vợ chồng không hòa thuận với nhau, bà sinh ra buồn rầu. Lại thêm ông chồng mê một ả nọ. Bà kiếm việc làm cho khuây khỏa, xin được một chân thư ký. Bà rất siêng năng đem việc hãng về nhà làm, nhưng vì vụng về, vẫn bị chủ hãng chê là vô tích sự. Bà chán nản quá, thế là lên cơn suyễn. Nằm nhà thương sáu tháng, bệnh chỉ tạm lui thôi, chứ không thể hết được vì bệnh do xúc động chứ không do vi trùng.

Có người hễ trông thấy màu hồng là nổi cơn suyễn; có người qua ở một tỉnh khác thì hết bệnh cho tới khi nhận được một bức thư nhắc lạiđời sống ở tỉnh cũ thì bệnh phát lại tức thì; lại có người mỗi khi trời nổi cơn dông là bắt đầu thở khò khè; rồi một lần chỉ trông thấy một bức họa về cơn dông mà bệnh suyễn cũng tái phát. Những trường hợp đó đều do xúc động gây nên cả.

Bệnh đau thắt ngang lưng (lumbago)

Các bà nội trợ thường bị bệnh này vì chán nản và lo lắng việc nhà. Để các bà đi coi các cửa hàng bán đồ trang sức hoặc lại thăm bạn bè nói chuyện phiếm thì bệnh sẽ bớt.

Bệnh phong thấp nhức ở các khớp xương tuy là do vi trùng nhưng xúc động cũng dự vào một phần lớn. Thế chiến thứ nhất, rất nhiều binh sĩ bị bệnh đó, người ta tưởng tại họ phải sống trong những hầm núp ẩm thấp mà sinh bệnh. Nhưng thế chiến vừa rồi người ta nhận thấy rằng những binh sĩ chiến đấu ở những miền khô ráo như sa mạc châu Phi mà cũng bị bệnh đó, và càng ra gần mặt trận thì bệnh của họ càng tăng lên. Rõ ràng là do xúc động.

Bệnh ngoài da

Khi xúc động làm cho những tia máu thu súc lại rất mạnh thì một chút huyết thanh (sérum) thấm ra ngoài tia máu, đọng lại ở thớ thịt, rồi hiện ở ngoài da: da bầm lại, ngứa, sưng, chảy nước, đóng vẩy. Có tới ba chục phần trăm bệnh ngoài da nguyên nhân là như vậy.

Một ông lão nọ từ nhỏ da vẫn nhẵn nhụi. Hồi 67 tuổi, ông góa vợ, năm sau tục huyền với một quả phụ trạc tuổi ông. Trong khi đi du lịch «tuần trăng mật», ông bỗng nổi bệnh ngoài da, về nhà phải đi nằm nhà thương. Bệnh bớt. Nhưng về tới nhà thì bệnh lại phát nặng, ngứa khắp người.

Ít lâu sau ông phải đi xa để tính việc làm ăn. Khi đi khỏi nhà thì bệnh hết, trở về nhà thì bệnh phát lại. Mấy lần sau cũng vậy. Người mình chắc đã tưởng là có ma làm mà cúng vái ông Tà, ông Táo rồi.

Sau cùng, người vợ đi thăm một người bà con; ông lão ở nhà một mình. Lạ thay, bệnh tự nhiên bớt, rồi khỏi hẳn.

Thì ra ông lão đau ngoài da chẳng phải tại vi trùng hay phong thấp gì cả, mà ông không chịu nổi tánh tình của bà vợ «la sát đó». Bà bắt chồng phải nhất nhất tuân ý bà, ông không dám cưỡng, chỉ ngấm ngầm bực mình đau khổ mà phát bệnh. Bác sĩ tìm được nguyên nhân rồi, thuyết bà lão để bà thay đổi thái độ đối với chồng và từ đó da ông lão nhẵn nhụi như trước.

Những mụn ở mặt thường cũng do xúc động mà phát. Thanh niên hay bị bệnh trứng cá, là tại các kích thích tố về tính dục tiết ra nhiều quá, mà có lẽ cũng tại họ phải nén tính dục của họ. Có rất nhiều thuốc chữa bệnh đó, nhưng không thuốc nào công hiệu. Thường thường thuốc chỉ làm cho bệnh giảm được ít lâu rồi lại tái phát.

Hình như những mụn cóc (hột cơm) cũng là một bệnh do xúc động nữa. Ở nước nào, dân quê cũng có những thuật kì dị để trị mụn cóc. Ở Mỹ người ta lấy một hột bắp đỏ chà vào mụn rồi ném cho gà ăn, hoặc lấy lông cổ một con lừa già mà cọ vào mụn.

Ở nước ta, người ta lượm những thỏi vàng giấy rải trên đường sau đám ma, đem về chà vào mụn. Hoặc trong khi dông tố người ta đợi cho trời nổi sấm chớp là vội vàng xoa vào mụn, vừa xoa vừa nói : «Trả ông sấm, bà sét» những cách đó đều là dùng tâm lí để trị bệnh, hễ tin tưởng mà vui lên thì bệnh hết cho nên ông Slaughter khuyên bác sĩ chuyên môn trị bệnh ngoài da nên tìm hiểu tâm lí của bệnh nhân và áp dụng môn tâm thần y học để cho những thuốc dán, thuốc xoa dễ công hiệu hơn.

Những bệnh về kinh nguyệt: kinh nguyệt không đều đau bụng, nhức đầu ngày sắp có kinh… nhiều khi cũng do xúc động. Nhất là những bệnh liệt dương, bại âm nguyên nhân chính thuộc về tâm lí chứ không phải là về bộ phận sinh dục. Nếu không chữa theo tâm lí mà dùng những thuốc kích thích một cách giả tạo thì chỉ thêm hại chứ không ích lợi gì cả.

Còn điều này nữa có lẽ cũng làm bạn ngạc nhiên: 83 phần 100 những tai nạn xảy ra không phải do máy móc mà do con người. Ở Âu, Mỹ người ta đã làm thống kê và nhận thấy rằng có những người rất dễ làm mồi cho tai nạn; các nhà bảo hiểm hiểu lẽ đó lắm nên thường chịu thiệt ít nhiều mà hủy bỏ giao kèo cho những người lái xe hơi đã bị tai nạn đến hai lần. Những người đó dù lái xe trên những con đường rất tốt, vắng mà cũng bị tai nạn, và hình như nguyên nhân lần trước ra sao thì lần sau cũng vậy, tại tay này hay tay nọ vụng, chậm. Đó thuộc về sinh lí hay tâm lí? Có lẽ cả hai.

Chắc bạn đã nhận thấy hôm nào mất ngủ, quạo quọ thì làm cái gì cũng hay đổ vỡ: khép cánh cửa thì vô ý để kẹp ngón tay; kéo cái hộc tủ thì kéo mạnh quá, hộc văng ra, rớt xuống chân; xuống cầu thang thì trượt chân té… Những xúc động khó chịu thực là tai hại!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.