Sống 365 Ngày Một Năm

CHƯƠNG V HỆ THỐNG GIAO CẢM VÀ NỘI TIẾT TUYẾN



Do hệ thống giao cảm hay nội tiết tuyến?

Chắc độc giả sẽ hỏi tôi: «Cảm xúc ảnh hưởng tới cơ thể, phải, nhưng ảnh hưởng tới những dây thần kinh ư, nghĩa là những dây thần kinh bị bệnh mà làm cho các cơ quan hóa đau ư?»

Thưa, hình như không phải vậy, trong các bệnh do xúc động gây ra, dây thần kinh không bị bệnh. Nó chỉ bị như kích thích thôi, rồi nó kích thích sự hoạt động của những nội tiết tuyến, gây một sự bất điều hòa trong cơ thể, một sự mất thăng bằng, và sự mất thăng bằng đó, ta gọi là bệnh.

Hiệnnay y khoa đoán như vậy chứ chưa biết chắc ra sao.

Cứ theo những sách phổ thông y học mà tôi đã được đọc thì hiện nay các nhà bác học nhận rằng bộ thần kinh và các hạch nội tiết tuyến đều có ảnh hưởng tới các thứ bệnh do xúc động. Nhưng người ta chưa biết cái nào ảnh hưởng tới trước; mà cũng chưa đồng ý với nhau về sức mạnh của ảnh hưởng. Theo Frank G. Slaughter thì hai ảnh hưởng song song với nhau ( les grandes endocrines ont une action souvent parallèle à celle du système nerveux végétatif ). Paul Chauchard cũng nghĩ rằng cả hai đều có thể tự động cả, không tùy thuộc nhau. Theo John A. Schindler thì ảnh hưởng của nội tiết tuyến mạnh hơn( dans l’ordre émotif les effets endocriniens dépassent de beaucoup, sous tous les rapports, les effets nerveux ). Ông Schindler còn bảo rằng xưa người ta cho tại thần kinh, có lẽ phải nói là tại các nội tiết tuyến thì đúng hơn. (Il serait plus juste de dire: «Ce sont mes glandes endocrines», plutôt que classiquement: «Ce sont mes nerfs » – Bản dịch của nhà Presses de la Cité – Paris).

Nhưng theo bác sĩ Paul Noël trong cuốn Fais ton chemin (J. Oliven – Paris) thì các nội tiết tuyến đều do bộ thần kinh chỉ huy cả. Bộ máy chia ra làm hai hệ thống:

1/ Hệ thống trung ương nó phân bố các dây thần kinh tới ngũ quan và các bắp thịt, làm cho ta cử động, suy nghĩ.

2/ Hệ thống giao cảm gồm nhiều thần kinh tiết ở dọc theo xương sống. Chức vụ của nó là điều khiển bộ tuần hoàn, ngũ tạng và các hạch. Nó hoạt động không theo ý muốn của ta, ta không kiểm soát được.

Vậy thì thuyết nào đúng?Tôi không được biết những phát minh mới nhất của y khoa đã giải quyết được vấn đề đó chưa? Hệ thống giao cảm là quan trọng hay chính các nội tiết tuyến mới là quan trọng? Hiện nay ta hãy tạm nhận rằng cả hai đều gây ra những bệnh do xúc động, nói cho đúng hơn là những xúc động khó chịu đều ảnh hưởng tới hệ thống giao cảm và các nội tiết tuyến, do đó sinh ra bệnh.

Hệ thống giao cảm

Trước hết chúng ta hãy xét hệ thống giao cảm. Nó gồm hai bộ phận:

— Orthosympathique(chân giao cảm).

— Parasympathique (phản giao cảm).

Gọi là chân và phản vì trước kia người ta tưởng hai bộ phận đó luôn luôn có tác động trái ngược nhau tới cơ thể; nhưng gần đây người ta thấy tác động của chúng chỉ phản nhau tới một mức nào thôi. Tác động đó có hai thứ; một thứ tích cực, kích động cho mạnh lên (activation); một thứ tiêu cực tiết chế, ngăn lại (inhibition). Cả hai bộ phận orthosympatique (viết tắt là O. S.) và parasympathique (viết tắt là P. S.) đều có hai tác động đó, tùy mỗi cơ quan chứ không phải O. S. chỉ kích động, mà P. S. chỉ tiết chế.

Dưới đây tôi chép lại hai tác động của hai bộ phận đó đối với mỗi cơ quan, theo tài liệu của Paul Chauchard trong cuốn L’équilibre sympathique. Presses Universitaires de France – Paris.

Cơ quan P. S. O. S.

Bộ tiêu hóa Kích động Tiết chế

Bàng quang Thun lại Dãn ra

Tim Đập chậm lại Đập mau hơn

Họng Hẹp lại Nở ra

Nước miếng Tiết ra nhiều đặc biệt Tiết ra một nước

Mọc da (formations cutanées) Không có tác động gì cả Kích động

Lá lách Không có tác động gì cả Thun lại

Mạch máu Nở ra Thun lại

Hạch thượng thận Không có tác động gì cả Tiết ra (glande médullosurrénale)

Ta thấy tác động của P. S. và O. S. tới một cơ quan nào đó như bộ tiêu hóa, bàng quang, tim, có thể phản nhau: nhưng tới một cơ quan khác như hạch tiết nước miếng thì chỉ khác nhau thôi chứ không phản nhau: P. S. làm cho tiết ra nhiều nước miếng, mà O. S. cũng làm cho tiết nước miếng, nhưng nước miếng đặc hơn.

Nếu hệ thống giao cảm hoạt động điều hòa, có sự thăng bằng giữa hoạt động của P. S. và O. S. thì ta không có bệnh; trái lại nếu P. S. hoạt động mạnh hơn, bộ tiêu hóa bị kích thích, ta thấy ợ nước chua rồi lâu sẽ sinh ra đau bao tử, lở bao tử; nếu O. S. hoạt động mạnh hơn thì tim đập mau hơn, ta hồi hộp, lâu thành bệnh đau tim.

Xét kỹ bảng đó ta còn rút được điều này nữa: những người đau bao tử thì ít khi bị đau tim, ngược lại cũng vậy. Tìm hiểu xem P. S. hay O. S. của ta có hoạt động mạnh quá hay không là một việc rất có ích cho sự giữ thăng bằng của cơ thể.

Nội tiết tuyến

Bây giờ chúng ta xét tới những nội tiết tuyến. Những hạch trong cơ thể ta chia làm hai loại: ngoại tiết tuyến (như hạch nước miếng, hạch mồ hôi) tiết ra những chất không vô mạch máu; và nội tiết tuyến (như gan, mật, thận…) tiết ra những chất để vô mạch máu mà kích thích mọi bộ phận trong cơ thể, do đó ta gọi những chất đó là kích thích tố (hormone).

Nội tiết tuyến quan trọng nhất là tùng quả tuyến (hypophyse hay glande pituitaire). Người ta mới nghiên cứu kỹ về nó từ vài ba chục năm nay. Nó là một hạch tròn, to bằng một hột đậu lớn, nằm ở trong sọ, dưới óc.

«Người ta có thể coi nó như một cái xưởng nhỏ, chạy suốt đêm ngày, một cách yên lặng mà đắc lực, để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh. Nói cách khác, nó mà hoạt động điều hòa thì cả cơ thể của ta được an khang» (Schindler). Nó kiểm soát đời sống sinh lí của ta, giúp cơ thể ta chống lại với vi trùng, với thời tiết (nóng quá hay lạnh quá), với sự nhọc mệt, với các chất độc…

Được vậy là nhờ nó tiết ra vô số kích thích tố mà hiện nay y khoa chưa tìm ra được hết, có nhiều chất người ta chỉ đoán được chứ chưa chứng thực được là có.

Hai chất có ảnh hưởng lớn nhất tới những bệnh do xúc động là chất STH và chất ACTH.

Chất STH (hormone somatotrophique) kích thích hạch thượng thận (một cái hạch úp lên trái thận: glande surrénale), làm cho hạch này tiết ra chất DOCA, giup cơ thể chống lại các vi trùng.

Điều đáng nhớ kỹ là những cảm xúc khó chịu như buồn, chán, lo lắng… làm cho chất STH tiết ra nhiều và khi nó tiết ra nhiều thì ta thấy khó chịu, trong người mỏi mệt, nhức đầu, mất ăn, đau lưng…

Nếu STH bị kích thích lâu quá, vì những cảm xúc khó chịu đó kéo dài hằng tuần, hằng tháng chẳng hạn, thì sẽ phát ra những bệnh như suyễn, phong thấp, nhức xương, huyết áp lên quá cao…

Chất ACTH (hormone adrénocorticotrophique) có tác dụng ngược lại với chấtSTH.

Trước hết nó ngăn cản tác động của STH. Chẳng hạn khi bị bệnh cúm, tùng quả tuyến tiết ra STH để chống lại vi trùng cúm, mà vì STH tiết ra nhiều cho nên ta thấy mỏi mệt, nhức đầu, đau lưng… chứ không phải những vi trùng cúm làm cho ta có những triệu chứng đó); nếu ta chích ACTH thì những triệu chứng đó biến mất hết, ta thấy dễ chịu trở lại; nhưng không phải như vậy là bệnh hết đâu, trái lại STH không còn tác động được nữa (bị ACTH làm cho vô hiệu mất rồi) mà không giúp cơ thể chống lại với vi trùng cúm nữa, bệnh có thể ngấm ngầm nặng lên mà ta không hay. Vì vậy những người trước bị bệnh lao thì y sĩ không dám cho chích ACTH.

Trái lại, những bệnh không do vi trùng sinh ra (như nhiều trường hợp bệnh phong thấp, suyễn) mà do chất STH gây ra, thì chích ACTH bệnh sẽ giảm liền, nhưng phải chích lâu, hễ ngưng chích thì bệnh trở lại, mà chích lâu thì có thể có hại.

Ta nên nhớ kĩ rằng những xúc động bất bình, giận dữ, gây gỗ… kích thích ACTH, thường gây ra những bệnh đau lở bao tử; một thứ bệnh nước tiểu có đường (đường xí), thiếu chất đản bạch tinh (protéine) trong máu. Những nhà kinh doanh, chịu nhiều trách nhiệm nặng, quạo quọ, bất bình về xã hội, về người chung quanh, dễ bị những bệnh đó.

Vậy ta thấy ảnh hưởng của hai kích thích tố STH và ACTH tới cơ thể ta cũng gần giống của hai hệ thống P. S. và O. S. Có sự liên quan gì với nhau không?Hình như các kích thích tố có tác động tới bộ thần kinh mà ảnh hưởng tới sự quân bình của hệ thống giao cảm; mà ngược lại, hệ thống giao cảm cũng có tác động lên các nội tiết tuyến nữa. (Paul Chauchard).

Ta chỉ biết chắc được điều này: cần có một sự quân bình giữa P. S. và O. S.[8] một sự hoạt động điều hòa của tùng quả tuyến thì cơ thể mới khỏe mạnh được. Mà sự quân bình, sự điều hòa đó rất khó giữ; không có một phép vệ sinh nào riêng cho hệ thống giao cảm và cho tùng quả tuyến; chỉ có cách sống một cách tự nhiên, điều hòa, vui vẻ (hoạt động ngoài trời, ngủ đủ, ăn uống đủ chất bổ, thắng những xúc động khó chịu, tránh dùng những chất độc, tránh mọi sự thái quá, hễ mệt nhọc thì nghỉ ngơi…) là hệ thống giao cảm và tùng quả tuyến mới hoạt động bình thường được. Điều quan trọng nhất vẫn là sống vui vẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.