Sống 365 Ngày Một Năm
CHƯƠNG VI NHỮNG XÚC ĐỘNG DỄ CHỊU
Những thí nghiệm của bác sĩ Serge và nhiều bác sĩ khác
Những xúc động khó chịu ảnh hưởng tai hại đến cơ thể ta ra sao thì những xúc động dễ chịu ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của ta như vậy. Xúc động dễ chịu là những thuốc thần, công hiệu ngang với những thuốc trụ sinh, ngang với ACTH mà lại không hại. Điều đó, loài người đã biết từ lâu, nên y sĩ xứ nào cũng khuyên bệnh nhân tin tưởng, vui vẻ, và khuyên những người săn sóc bệnh nhân phải chiều họ, đừng làm gì trái ý họ.
Nhưng y khoa mới nghiên cứu kỹ vấn đề đó từ vài chục năm nay – nghiên cứu một cách khoa học – và người ta thấy rằng những xúc động dễ chịu làm cho các kích thích tố tiết ra một cách điều hòa, nhờ đó cơ thể được quân bình mà không bị bệnh, lại còn tự lấy lại được sự quân bình mà tự nhiên hết bệnh nữa.
Bác sĩ Serge ở Montréal đã thí nghiệm với hai bọn trẻ: một bọn sinh trong những gia đình hòa thuận, vui vẻ; một bọn sinh trong những gia đình lục đục, buồn bực. Người ta cho chúng ăn những món như nhau do bác sĩ lựa chọn và kiểm soát. Ăn xong, chúng về nhà sống với gia đình. Sau một thời gian, những trẻ trong các gia đình vui vẻ lên cân rất nhiều, còn những trẻ kia thì cân nặng ở dưới mức trung bình. Xét ra thì thấy sở dĩ vậy là vì những trẻ khổ sở đó buồn rầu, nên tùng quả tuyến tiết ra nhiều ACTH quá, chất này kích thích chất cortisone, mà chất cortisone làm tiêu chất đản bạch tinh (protéine) do thức ăn đem lại cho cơ thể. Thành thử cơ thể chúng luôn luôn thiếu đản bạch tinh nên không mạnh.
Những thí nghiệm của Spite ở Nữu Ước, của Bowlby ở Luân Đôn, của bà Aubry ở Ba Lê cũng đem tới một kết quả tương tự: hễ trẻ được vui vẻ nhờ có tình yêu của người lớn thì dễ tiêu hóa các thức ăn, khỏe mạnh, và nhờ vậy người ta mới hiếu hiện tượng lạ lùng này là các trẻ dưỡng bệnh lâu trong các nhà thương, mặc dầu được đủ tiện nghi, đủ thuốc thang mà vẫn èo ọt, ốm yếu hơn những trẻ dưỡng bệnh tại nhà.
Trong một nhà hộ sinh kiểu mẫu nọ ở Mỹ, người ta nuôi một nhóm trẻ mới sanh với những điều kiện cực kì hoàn hảo, hợp qui tắc vệ sinh. Người ta cho chúng sống cách biệt nhau để tránh vi trùng. Các nữ điều dưỡng chỉ được rờ mó chúng khi cực cần thiết, như khi thay đồ, tắm rửa, cho bú. Thức ăn được tính toán kỹ lưỡng theo nhu cầu của mỗi trẻ, bệnh tật được đề phòng và điều trị bằng những phương pháp tối tân. Vậy mà những trẻ đó không lên cân nhiều, không mạnh khỏe bằng những trẻ ở ngoài, sống trong những gia đình thiếu thốn, tại những xóm tối tăm, bẩn thỉu. Xét ra chỉ tại trẻ trong nhà hộ sinh thiếu tình yêu, mặc dầu chúng còn nhỏ, chưa hiểu gì nhưng cảm thấy – bằng tất cả cơ thể của chúng – rằng chúng không được âu yếm mà hóa ủ rũ.
Ảnh hưởng phi thường của những xúc động dễ chịu
Ở một đoạn trên tôi đã kể những trường hợp để chứng thực ảnh hưởng tai hại của những xúc động khó chịu tới cơ thể. Ở đây tôi xin mượn những thí dụ của John Ạ. Schindler để độc giả thấy rõ ảnh hưởng tốt đẹp phi thường của những xúc động dễ chịu.
Trong tạp chí y khoa The Annals of Internal Medecine số tháng chạp năm 1951, bác sĩ White kể chuyện hồi mà ông và các đồng nghiệp của ông chưa biết gì về chất ACTH, ông có trị một thiếu phụ bị chứng phong thấp phát nóng, ba tháng mà không bớt. Thiếu phụ đó có hai đứa con, chồng vô tích sự mà lại nghiện rượu. Bệnh tình có mòi khó trị, các bác sĩ đoán rằng bệnh nhân chỉ sống được một năm nữa là cùng. (Ngày nay, chích ACTH thì bệnh sẽ bớt liền, nhưng thời đó chưa tìm ra được chất đó.)
Thiếu phụ tỏ vẻ chán nản, không muốn chống cự với bệnh, không muốn sống nữa.
Rồi thì có tin người chồng đã thu thập ít của cải còn lại trong nhà và trốn đi đâu biệt tích. Hay tin đó, thiếu phụ bỗng hăng hái, bảo bác sĩ:
— Xin bác sĩ cho tôi về nhà làm việc để nuôi hai cháu. Bác sĩ đáp:
— Tôi cũng muốn lắm, nhưng bà đau tim nặng, làm việc sao được?
Bác sĩ là một nhà chuyên trị tim, coi bệnh đâu có lầm được. Bà ta không nghe, cương quyết đòi về, và lạ lùng thay, bà đã chẳng chết, còn mạnh khỏe lên, làm việc nuôi được hai đứa con. Tại sao vậy? Tại trước kia bà buồn rầu về ông chồng mà sinh bệnh; nay ông chồng bỗng nhiên bỏ đi, bà nhẹ người được một phần, can đảm nuôi con và lòng hăng hái đó đã cứu bà.
Một bệnh nhân khác bị bệnh nặng, phải mổ. Mổ xong, bác sĩ lắc đầu bảo: «Khó thoát được lắm».
Nhưng bệnh nhân lại rất tự tin, tỉnh dậy là mỉm cười liền:
— Ít bữa nữa tôi sẽ về nhà được. Thấy dễ chịu lắm. Cám ơn bác sĩ.
Mắt bác ta sáng, giọng thành thực, mặt vui vẻ. Quả nhiên bác ta khỏi, làm cho bác sĩ phải ngạc nhiên.
Y sĩ nào cũng thường nhận thấy những trường hợp lạ lùng như vậy. Sức mạnh của tin tưởng ghê thật.
Mười năm trước, khi dịch cuốn How to stop Worrying and start Living của Dale Carnegie, tôi rất ngạc nhiên về câu chuyện dưới đây mà tác giả đã chép trong ChươngII:
«Một anh chàng ở Broken Bow nghĩ đến việc viết di chúc. Tên anh là Fail P. Haney. Anh bị ung thư ruột. Một bác sĩ chuyên môn đã cho rằng bệnh anh bất trị. Bác sĩ đó dặn anh ta kiêng thức này thức khác, và đừng lo lắng gì hết, phải hoàn toàn bình tĩnh. Họ cũng khuyên anh ta nên lập di chúc đi thì vừa.
«Bệnh anh bắt buộc anh phải bỏ một địa vị cao sang, đầy hứa hẹn cho tương lai.
Anh không còn việc gì làm nữa, chỉ còn chờ cái chết nó từ đâu tới.
«Bỗng anh nẩy ra một quyết định, một quyết định lạ lùng và đẹp đẽ. Anh nói: «Chẳng còn sống được bao lâu nữa thì tận hưởng thú đời đi. Từ trước tới nay ta vẫn ao ước đi du lịch thế giới trước khi chết. Giờ là lúc nên khởi hành đây.» Rồi anh ta mua giấy tàu.
«Các vị bác sĩ ngạc nhiên vô cùng. Họ biểu anh Haney: «Chúng tôi phải cho ông hay, nếu ông đi du lịch như vậy, người ta sẽ quăng thây ông xuống biển đa!»
«Anh đáp: Không đâu! Thân nhân tôi đã hứa chôn tôi trong một miếng đất nhà tại Broken Bow. Vậy tôi sẽ mua một quan tài và mang theo.»
«Anh ta mua một quan tài, chở xuống tàu rồi thương lượng với công ty để khi chết, xác được giữ trong phòng lạnh cho đến lúc tàu về đến bến. Rồi anh đi du lịch với tinh thần của ông già Omar[9] trong bốn câu thơ này:
«Trong khi du lịch anh ta luôn chén chú, chén anh, chẳng kiêng khem gì hết, uống huýt-ki xô-đa, hút xì gà, ăn cả những món đặc biệt, độc đến giết người của mỗi xứ lạ, rồi bài bạc, đàn hát tới nửa đêm. Rốt cuộc là khi về xứ thì cân thêm bốn, năm kí lô, vội vàng bán lại chiếc quan tài cho một nhà chuyên lo đám tang, và trở lại làm ăn như cũ. Từ đó anh ta không đau thêm một ngày nào nữa.»
Tất nhiên, câu chuyện đó có thực, nhưng hồi ấy tôi không hiểu được tại sao lòng vui vẻ, lại trị được bệnh một cách kì dị như vậy. Bây giờ thì tôi hiểu được rồi: những xúc động dễ chịu có công dụng điều hòa tùng quả tuyến và những kích thích tố của nội tiết tuyến đó đã tự trị bệnh cho cơ thể.
Cũng vào khoảng mươi năm trước tôi được đọc một cuốn sách nhan đề là Les Miracles de Lourdes của một tác giả mà tôi đã quên tên. Lourdes là một nơi hành hương ở miền Nam nước Pháp của giáo đồ Ki Tô, nổi tiếng là linh thiêng, nhiều người bị những bệnh rất khó trị, như tê liệt, ung thư, đau tim, đau ruột… các bác sĩ chạy hết, mà lại được đó, cầu nguyện rồi ngâm mình trong nước suối ở một cái hang, thì chỉ ít nhiều lần mà hết bệnh. Người ta đồn nhau là có phép màu và nhiều bác sĩ công nhận rằng đôi khi những biến chuyển trong cơ thể của các bệnh nhân đó lạ lùng như những phép màu thật. Có lẽ những phép màu đó cũng do lòng tin và lòng tin đã làm cho tác động của tùng quả tuyến điều hòa trở lại mà hết được bệnh chăng?
Đáng quí nhất là những xúc động dễ chịu mà lại thâm thúy, bền bĩ. Ai mà có được những xúc động đó thì hồn nhiên, vui vẻ, dễ tính, chẳng cần giàu có sang trọng mà cũng sung sướng nhất đời. Lúc nào cũng đỏ da thắm thịt, cả đời chỉ đau ốm vài lần, chẳng cần tẩm bổ gì mà cũng khỏe mạnh.
Người ta đã viết không biết bao nhiêu sách dạy cách luyện trí tuệ, luyện lí tính, luyện nghị lực… nhưng rất ít sách dạy cách luyện tinh thần hồn nhiên, vui vẻ, dễ tính, khoáng đạt đó. Mà tinh thần ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của cá nhân, của xã hội hơn tất cả những phát minh của khoa học. Đó chẳng phải là một nhược điểm của nền văn mình hiện nay ư? Ta cần phải bổ khuyết ngay chỗ đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.