Sống 365 Ngày Một Năm

CHƯƠNG VII PHÉP DƯỠNG SINH



Để giúp độc giả luyện được một tinh thần khoáng đạt, hầu tránh được những bệnh do xúc động mà sống vui vẻ, khỏe mạnh, chúng tôi gom lại trong chương này bảy lời khuyên chúng tôi đã thu thập trong tác phẩm của các tâm lí gia và y sĩ hiện đại. Những lời khuyên đó xét ra không khác gì những lời khuyên của cổ nhân, hầu hết chúng ta đều biết qua cả, nhưng ít ai chịu thực hành; cho nên đọc để nhớ kĩ vẫn chưa đủ, phải áp dụng hằng ngày cho thành một thói quen, thành một nếp sống thì những lời khuyên mới có ích.

1. Tự chủ

Lời khuyên thứ nhất: Tự chủ để làm chủ hoàn cảnh .

Muốn sống vui vẻ để sống khỏe mạnh thì ta phải hiểu điều này: hạnh phúc trước hết là vấn đề nội tâm. Tôi không bảo rằng ngoại giới không ảnh hưởng đến nội tâm(bom mà nổ ở trên đầu thì chỉ những kẻ điên mới cười được, hoặc người thân đau nặng mà vẫn vui vẻ thì kẻ đó đáng trách lắm); nhưng nếu nội tâm luôn luôn chỉ phản chiếu đúng hoàn cảnh ở ngoài thì cái nội tâm đó chẳng tốt đẹp gì cả.

Ta phải kiểm soát những tư tưởng của ta, khi thấy nó hiện ra mà không có lợi gì cho mình, cho người thì hãm nó lại, hướng nó về một phía khác.

Tết nhất gần tới rồi, vợ thì đau, con cái không có ai săn sóc mà sở lại mới cho hay là đầu năm tới, vì tình hình kinh tế, phải cho nghỉ việc. Tình cảnh đó tối tăm thật. Ai mà không lo, không buồn?Nhưng lo và buồn có thể cải thiện tình thế được không? Nếu không thì sao không rán bình tỉnh đi?

Nhiều sách đã khuyên ta cách tự kỉ ám thị, cứ tự nhủ – tin tưởng mà tự nhủ – «Tôi bình tỉnh» thì lần lần ta sẽ bình tỉnh thật. Cách đó có công hiệu mà không phải là khó lắm; dù có khó lắm thì cũng cứ rán theo, vì cái lợi của nó vô cùng.

Tự nhủ như vậy mà vẫn chưa bình tỉnh thì rán làm ra bộ bình tỉnh và vui vẻ. Có người mỗi khi gặp điều gì bất mãn thì huýt sáo, hoặc hát lên một điệu vui. Mới đầu có vẻ gượng gạo, nhưng chẳng bao lâu sẽ hóa ra tự nhiên và lúc đó, những xúc động khó chịu đã nhường chỗ cho những xúc động dễ chịu rồi.

Đó là bước đầu.

Bước thứ nhì: can đảm nhìn thẳng vào sự thực, chịu nhận tình thế đó đi : ừ thì vợ đau, ừ thì thiếu thốn, ừ thì sẽ thất nghiệp; nhưng nhiều người mà chính ta nữa trong hồi tản cư cũng đã gặp những tình thế bi đát hơn vậy nữa, người khác đã chịu được, ta trước kia cũng đã chịu được thì tại sao lần này lại không chịu được? Nào thử xem có chịu được không nào?

Mà tại sao lại không nhìn đời bằng cặp mắt của Tú Xương?Tinh thần trào phúng của nhà Nho đó thật đáng quí. Đau đớn đến nước:

Van nợ lắm khi tràn nước mắt,

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi!

mà cũng mỉa mai, đùa cợt được:

Biết thân thủa trước đi làm quách,

Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi.

Cảnh trẻ nheo nhóc, không ai săn sóc đã làm đầu đề cho nhiều câu chuyện trào phúng kia mà! Thế thì tìm nét trào phúng để mà cười đi, cho đỡ lo buồn mà sinh đau, vì nếu mình mà đau nữa thì tình cảnh chỉ bi đát thêm nhiều thôi.

Đã can đảm chịu nhận tình thế rồi, qua giai đoạn thứ ba là tìm cách cải thiện nó . Đặt vấn đề cho rành mạch rồi giải quyết. Vợ đau thì tìm thầy tìm thuốc. Chuyện đó là chuyện thường rồi. Ta làm bộ vui vẻ, tự tin thì vợ cũng đỡ buồn mà cơ thể dễ chống được với bệnh tật, thuốc sẽ công hiệu hơn. Con nheo nhóc thì tìm người thân, nhờ săn sóc giùm ít bữa; hoặc tổ chức lại việc nhà cho đứa lớn trông nom đứa nhỏ, như vậy chúng sẽ ngoan hơn, biết chia xẻ nỗi khó nhọc với cha mẹ; lợi cho cả gia đình. Vậy chỉ còn vấn đề sẽ bị thải mà thất nghiệp. Tất nhiên là phải chịu túng thiếu trong một thời gian, nhưng còn khỏe mạnh, còn hai bàn tay, có một bộ óc minh mẫn thì chẳng ai chết đói bao giờ. Trong thời tản cư, trăm người thì chín mười người thất nghiệp, vậy mà rồi vẫn kiếm ra được việc làm. Thời này dù sao cũng còn dễ dàng hơn thời đó. Thử tự xét xem mình có thể làm được những công việc gì; biết đâu chừng khi đổi hãng hay đổi nghề rồi, mình làm ăn lại chẳng phát đạt hơn? Nghịch cảnh luôn luôn kích thích những người có chí khí, nhờ nó kích thích mà khả năng của ta tăng tiến lên mà dễ thành công hơn. Phải chuyển bại thành thắng. Và ta sẽ chuyển bại thành thắng.

Khi tìm được giải pháp thì quyết định thực hành liền: tìm thầy thuốc cho vợ, tổ chức lại việc săn sóc con cái, kiếm một việc khác để làm. Đã quyết định thực hành rồi thì ta không có thì giờ để lo buồn nữa, mà những xúc động dễ chịu sẽ đẩy lui những xúc động khó chịu.

Tất nhiên, ở đời cũng vẫn có vấn đề không quả quyết được. Gặp trường hợp đó, khôn hơn hết là quên nó đi, nghĩ tới chuyện khác để «tốp lo» lại như Dale Carnegie đã nói.

Vậy lời khuyên thứ nhất: khi gặp nghịch cảnh, rán giữ tinh thần bình tĩnh, làm bộ vui vẻ; rồi can đảm nhìn thẳng vào sự thực, nếu có thể được, với một tinh thần trào phúng, rồi tìm cách cải thiện tình thế, chuyển bại thành thắng; tìm được rồi thì quyết định, thực hiện liền; nếu không có cách nào giải quyết được thì quên nó đi và tốp lo lại.

2. Tinh thần dễ dãi

Lời khuyên thứ nhì: Phải tập có một tinh thần dễ dãi, đừng đòi hỏi ở đời nhiều quá. Có những người không bao giờ thỏa mãn về đời của mình cả. Họ có công ăn việc làm, phong lưu, có chút vốn liếng, nhưng vẫn phàn nàn rằng «phải đổ mồ hôi mới kiếm được đồng tiền, chứ không được như người ta, ngồi mát mà ăn bát vàng, chỉ nói giúp một lời, kí một chữ là có kẻ đem dâng cả một chiếc xe hơi Huê Kì». Họ lại trách phận rằng tháng nào cũng mua số kiến thiết mà chẳng lần nào trúng và ghen với những người hàng xóm «trúng số liền liền», nhưng nếu họ xét kĩ người hàng xóm thì sẽ thấy người đó tuy có trúng số vài lần thật, tính lại thì vẫn còn lỗ.

Con họ ngoan ngoãn, dễ bảo nhưng họ cũng không mãn nguyện:

— Con người ta tuổi đó đã đậu tú tài rồi; con mình mới lên đệ nhị.

Có ai khen vườn mận của họ nhiều trái ư? Họ thở dài: «Nhiều mà đâu có được ăn; dơi nó phá hết».

Được mùa nhãn thì họ phàn nàn:

— Năm nay nước sẽ lớn, chuối, quít sẽ chết hết.

Mà nếu nước nhỏ, chuối, quít không bị ngập thì họ lại bảo:

— Cá, tôm năm nay tất đắt.

Rồi họ đổ cả tội lỗi cho ông Trời. Chỉ tại ông Trời bắt họ sinh vào cái tuổi con trâu, kéo thì kéo nặng mà ăn thì ăn cỏ. Nếu họ sinh vào tuổi con gà, thì họ lại bảo: «Gà phải bưới đất suốt ngày để kiếm sâu bọ, chứ được ở không đâu». Rồi họ đưa ranhững chứng cớ rằng hết thảy những người tuổi dậu mà họ quen thuộc, đều vất vả hết, người thì chồng không ra gì, kẻ thì con không nên thân, kẻ khác thì nghèo, kẻ khác nữa giàu có mà không con…

Gặp hạng người đó, ta nên tránh xa họ đi. Họ đòi hỏi ở đời nhiều quá, không thể nào sung sướng được và chắc chắn là bị những bệnh do xúc động như đau tim, đau bao tử, đau ruột, đau gan… để có thêm lí do mà phàn nàn về cái số «mạt» của họ.

Dale Carnegie khuyên ta nếu trời chỉ cho ta một trái chanh thì pha một ly đá chanh mà uống. Thái độ đó khôn hơn hết. Muốn pha một ly nước chanh thì phải có nước, có đường. Nếu không có nước, có đường nữa, thì như John A. Schindler đã nói, « phải tập thích những trái chua đi». Chua quá, ăn không được ư, thì vắt nó ra rửa mặt, cũng nhẹ nhõm tinh thần được một lát.

Tất nhiên ai cũng phải nghĩ đến tương lai, những lo lắng về tương lai thì thực là vô ích . Năm mười năm nữa, còn làm ăn phát đạt được như bây giờ không? Nếu không, lúc đó già yếu, lấy gì mà sống? Con cái lúc đó có nên người không? Chết đi, nó có giữ được gia sản không?Nó có cúng giỗ mình không?Tôi không nói đùa đâu. Tôi đã nghe một bà nọ khoảng năm chục tuổi kể lể với tôi như vậy. Nếu bạn có tánh đó thì tôi khuyên bạn điều này: Ghi hết thảy những lo lắng hiện thời của bạn, bất kì là việc gì, lo cho ngày mai, cho tuần sau, tháng sau…; ghi đủ vào một miếng giấy rồi cất đi, vài ba tháng sau mở ra coi lại xem mười điều lo xa như vậy, có được mấy điều xảy ra thực? Nhớ lại mấy chục năm nay, tôi đã lo cả chục lần về sự về trễ của một người thân: sao trẻ đi học giờ này vẫn chưa về? Sao cô ấy đi chợ mà lâu thế?… Nhưng chỉ có một tai nạn xảy ra thật. Đại loại những nỗi lo của con người, 10 lần thì 9 lần là hão. Mà nếu việc xảy ra thật thì lo hay chẳng lo, cũng thế thôi. Cho nên rốt cuộc lo bao giờ cũng thiệt.

Đừng lo trước, mà chỉ nên nghĩ tới hiện tại .

Chỉ có hiện tại mới đáng kể trong đời ta, vì ta chỉ có thể sống trong hiện tại. Nếu ta không sung sướng trong hiện tại thì không bao giờ ta sung sướng hết. Có muốn nghĩ tới tương lai thì nhất định chỉ nên tìm những cớ để hi vọng ở tương lai; mà hi vọng ở tương lai cũng chỉ là để cho hiện tại được vui. Bạn nghe John A. Schindler kể chuyện

Barney Olds, một người được bạn bè tặng cái mĩ hiệu là «vua trong đời». Tất nhiên là ông vua đó không có ngai vàng. Ông cũng chẳng giàu có sang trọng gì cả; trái lại đã thất bại nhiều lần, rồi đau nặng, nằm liệt giường ba tháng. Mới khỏi được ít lâu, bệnh lại tái phát, lần này phải nằm một năm. Nhưng không khi nào ông ta phàn nàn cả.

Bác sĩ hỏi ông:

— Nằm hoài như vậy, ông bực mình không? Barney mỉm cười:
— Không. Vì tôi ăn vẫn còn thấy ngon: đó là nửa đời sống rồi. Rồi tôi hút thuốc vẫn còn thấy thích: đó là nửa đời sống nữa.
Thành thử con người bệnh tật liệt giường đó lại được hưởng đời nhiều hơn là những kẻ khỏe mạnh đi nghỉ mát ở bờ biển hay trên núi. Ông ta có một cách tiêu khiển là du lịch bằng sách. Ông bảo các sở du lịch gởi cho ông tất cả những cuốn viết về Tây Tạng, Tasmanie, Ấn Độ, Nhật Bổn… và nằm ở giường ông đọc kĩ hết, có lẽ biết rõ về những xứ đó hơn là những kẻ đã đi du lịch thật sự nữa.

Vậy sống một cách dễ dãi là đừng đòi hỏi ở đời nhiều quá, được sao hay vậy, được một trái chanh thì pha thành ít nước chanh mà uống, nếu không có đường để pha thì vắt vào thau nước mà rửa mặt, chỉ hưởng cái hiện tại thôi, có nghĩ tới tương lai thì tìm những lí lẽ để hi vọng ở tương lai, dự bị cho tương lai, chứ đừng lo lắng về tương lại vì mười điều ta lo trước thường có tới chín điều không xảy ra.

3. Tinh thần giản dị

Lời khuyên thứ ba: Phải tập sống giản dị. Người nào có tinh thần lạc quan, biết sống một cách giản dị thì sẽ thấy cuộc đời lúc nào cũng đầy những thú vui.

Lúc này gió bấc hiu hiu, ngồi ở bàn viết, nhìn qua cửa sổ, tôi thấy một nền trời xanh và những đám mây trắng hiện lên sau một hàng phi lao lơ thơ. Đẹp tuyệt. Gòn đã ra hoa, tu hú sắp kêu, sắp tới Tết, mai vàng sắp đâm bông rồi đấy. Nhưng hết mùa nắng, tới mùa mưa, những cây me đâm lá non, xanh mướt, trông cũng thú lắm. Mùa đó, ngọc lan đầy hoa, nhiều con đường ở Sài Gòn ngào ngạt hương thơm. Tôi không thấy mùa nào không có cái thú của nó.

Nếu ta bỏ được cái thành kiến rằng phải có nhà lầu và xe hơi mới sung sướng, thì

ta sẽ sung sướng. Có biết bao thú vui không tốn tiền: nghe tiếng chim hót trên cành, đọc một trang sách hay, nhìn trẻ chơi ở trong sân, đi bộ vài cây số để cho đói bụng, đứng hóng mát ở bờ sông…

Đọc tiểu sử các danh nhân, tôi thấy thèm cuộc đời của Jean Henri Fabre. Ông chỉ là một thầy giáo làng, nghèo hơn phần đông chúng ta, mà đời ông thực là say mê. Ông bỏ ra nửa thế kỉ nghiên cứu về côn trùng. Nói là nghiên cứu nhưng thực sự là vui sống với côn trùng. Gặp ngay nghỉ là ông ra đồng ruộng, nằm rạp xuống bãi cỏ hay đống cát để nhận xét từng cử động của con sâu, cái kiến.

Có lần lính định bắt giam ông vì thấy ông ăn mặc lôi thôi, có vẻ du thủ du thực mà lại có hành vi khả nghi: trời nắng cháy da mà nằm bò trên đất hằng giờ dò xét cái gì không biết. Ông phải giảng giải đương tìm hiểu cách sống của loài ruồi.

Về tới nhà ông lại cặm cụi nhận xét những côn trùng nuôi trong những hộp sắt, hộp cây. Ông kiếm thức ăn cho chúng, tạo những điều kiện sinh sản cho chúng để tìm hiểu đời của chúng rồi chép lại thành một bộ Hồi kí gồm mười cuốn dày khoảng bốn ngàn trang, một công trình vĩ đại, có tính cách khoa học mà rất nên thơ, một bộ mà nhiều người đã khen là một «bản nhạc mênh mông», một «bản trường ca đủ giọng», một «bộ Iliade của côn trùng», một «bộ thánh kinh của tạo vật».

Ông không ham danh vọng, sống bình dị hơn một người dân quê mà thấy đời lúc nào cũng tươi, vũ trụ đầy những cảnh đẹp; cánh con bướm đã rực rỡ mà cánh con bọ hung cũng bóng bảy; tiếng chim sơn ca là thanh mà tiếng con ve sầu cũng thú. Ông sung sướng vì ông biết tìm cái vui trong vạn vật mà người khác không tìm thấy.

Trách chi ông chẳng thọ đến 92 tuổi!

4. Yêu công việc

Lời khuyên thứ tư là phải biết yêu công việc của mình. Ai cũng phải làm việc để sống. Phần đông phải làm việc tới tám giờ một ngày hoặc hơn nữa. Tám giờ mỗi ngày là một phần ba đời người rồi. Nếu không sung sướng trong phần ba đời người đó thì trong hai phần ba kia không thể nào sung sướng được.

Cho nên đã lỡ lựa một nghề mà mình không thích thì tìm cách đổi nghề đi, đổi không được thì phải rán yêu nó đi. Thực ra mỗi người có khả năng làm được nhiều nghề và nếu chăm chú làm cho cẩn thận công việc mình phải làm thì thế nào cũng thành công và thích nó được. Những kẻ chán nghề của mình phần nhiều chỉ là do làm biếng, giá có đổi nghề thì rồi chẳng bao lâu họ cũng chán ngay cái nghề mới đó.

Nếu quả thực nghề của ta đáng chán, ta phải miễn cưỡng làm để kiếm miếng ăn, không có cách nào đổi qua nghề khác, thì ta cũng rán làm cho tròn nhiệm vụ. Phải làm việc.Đừng ở không. Trong phòng khách một dưỡng đường danh tiếng nọ ở Nữu Ước chuyên trị bệnh thần kinh, có treo tấm bảng này:

«Bạn nghèo ư?Làm việc đi. Bạn giàu ư? Làm việc đi (…) Nếu bạn sung sướng, cũng tiếp tục làm việc đi; hễ ở không thì sinh ra nghi ngờ, lo lắng. Nếu bạn buồn rầu, nếu người thân thiết bỏ bạn thì cũng làm việc đi. Nếu bạn thất vọng, cũng cứ làm việc đi. Nếu bạn mất tin tưởng thì cũng cứ kiên nhẫn làm việc (…). Dù gặp nghịch cảnh ra sao thì cũng cứ làm việc. Tin tưởng mà làm, kiên nhẫn mà làm.Ở đời không có thuốc nào công hiệu hơn sự làm việc. Nó trị được cả những bệnh thể chất lẫn tinh thần.»

Làm cho tròn nhiệm vụ rồi tìm một cách tiêu khiển trong một hoạt động khác. Có nhiều công chức cạo giấy ở sở, về tới nhà là đóng bàn, sơn cửa, làm thơ, sưu tầm tem, bướm – có kẻ sưu tầm cả nút áo, hộp quẹt – khảo cứu về loài rùa, về giáo dục. Một số người nhờ hoạt động phụ đó mà kiếm ra được nghề, bỏ luôn nghề chính.

Nhưng tôi khuyên thêm bạn điều này: đừng quá hăm hở thành công như các nhà doanh nghiệp. Lúc nào họ cũng hấp tấp, lo nghĩ làm sao cho sản xuất thật nhiều, thật mau. Alexis Carrel đã khuyên họ phải coi chừng đấy, không thì mắc những bệnh do xúc động nhưng ít ai nghe lắm, cho nên ở Mỹ hiện nay, già nửa số giường ở các dưỡng đường dành cho những kẻ tinh thần suy nhược nhiều hay ít.

Có nhiều tiền thì sắm thêm được chiếc xe hơi nữa, tậu thêm được một ngôi nhà rộng hơn nữa, nhưng ngày nào cũng lo ngay ngáy về huyết áp của mình hoặc phải uống vài viên thuốc tiêu với vài viên thuốc ngủ, thì đời có vui không nhỉ?

Chính đời sống quay cuồng của thời đại kĩ nghệ này đã làm cho những bệnh do xúc động mỗi ngày một tăng; các bác sĩ đã phải hướng công việc nghiên cứu về những bệnh mới đó, nhưng dù có kiếm được cách trị khi bệnh đã phát ra rồi mà lối sống không thay đổi, thì nguyên nhân vẫn còn đó mà phương thuốc có thần hiệu tới đâu cũng chẳng qua chỉ là để trị ngọn.

5. Yêu người chung quanh

Lời khuyên thứ năm là vui vẻ với mọi người, yêu những người ở chung quanh ta. Ông John A. Schindler kể chuyện một thân chủ của ông làm phó giám đốc một kĩ

nghệ lớn dùng tới sáu nghìn nhân viên. Viên phó giám đốc đó bị một bệnh kì dị: chóng mặt, run lẩy bẩy, mửa, mỗi khi ông ta vô phòng giấy chung của ông và của một bạn đồng nghiệp, cũng phó giám đốc như ông. Hồi đầu, bệnh lâu lâu mới phát, sau phát ra rất thường… tới một thời kì, ông về nhà rồi mà hễ nghĩ tới việc sở là bệnh cũng phát lên nữa.Ông ta gầy trông thấy. Bà vợ lo rằng chồng bị ung thư, không sao sống lâu được.

Bác sĩ coi mạch, thấy cơ thể ông ta như thường, sau do xét tâm lí thì ra ông ta đau không phải vì bao tử hay tim suy nhược gì cả, mà chỉ vì ghét ông bạn phó giám đốc ngồi chung phòng với mình. Ông ta bảo:

— Mới thấy mặt thằng tướng đó lần đầu là tôi đã ghét rồi. Không sao chịu nổi nó. Cái lối chải tóc của nó chướng mắt quá. Rồi cái giọng huýt gió của nó nữa, mỗi lần nghe là tôi phải nghiến răng lại…

Bác sĩ dò xét thêm và thấy rằng ông ta không có cảm tình với ai hết. Tới vợ con trong nhà ông cũng không ưa. Nguyên nhân bệnh ông là ở đó. Ở sở về nhà, không lúc nào ông vui vẻ, mặt lúc nào cũng cau có, thì làm sao mà không đau? Bác sĩ thuyết phục ông, ông ta chịu nghe lời, rán tìm ở bạn đồng nghiệp một vài đức tốt để có thể chịu nổi bạn và rốt cuộc, hai người giao du với nhau và từ đó bệnh ông ta hết.

Chung quanh chúng ta có vô số người như viên phó giám đốc ấy. Nhà hàng xóm vặn máy thâu thanh lớn quá, họ bịt tai lại, nhăn mặt, chửi đổng. Thấy một cô hàng xóm bận cái áo eo quá, họ bĩu môi: «Rồi đây ruột õng ra, cho tha hồ mà eo!» Con cái bạn bè học giỏi, họ chê là «Đồ học gạo»; mà dở thì họ mỉa: «Cha mẹ nó như vậy, làm sao nó học hành gì được?»

Họ không ưa một ai cả, họ ích kỉ một cách rất con nít. Nếu họ đừng có thành kiến rằng chỉ có họ là hoàn toàn, mà chịu nhận xét người chung quanh thì sẽ thấy rằng không người nào không có một vài điểm tốt đáng cho họ quí mến. Hồi tản cư, có lần tôi phải ở sát vách một ông nọ nổi tiếng là quạu nhất trong phố. Người trong phố không ai dám giao thiệp với ông. Hơi làm cái gì trái ý ông – chẳng hạn để cho trẻ khóc trong giờ ông nghỉ, liệng rác trước cửa nhà ong… – là ông la, chửi thậm tệ. Ông không kiêng ai hết, và người hàng phố thì thầm rằng ông là một hạng điểm chỉ cao cấp gì đó. Thú thực là mới đầu vợ chồng tôi cũng ngán ông ghê lắm. Nhưng chúng tôi nghĩ họ hàng xa không bằng láng giềng gần, nên chịu nhịn nhục ông, làm quen với ông rồi thấy rằng ông là người rất ngay thẳng lại sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và bây giờ xa ông tôi vẫn còn nhớ ông.

Tôi không tin như Mảnh Tử rằng ai ai cũng có thể thành thánh hiền được, nhưng nếu hiểu cái thuyết tính thiện của ông là ai cũng có một chút lương thiện ở trong lòng, ai cũng «biết điều» nhiều hay ít, thì thuyết đó trăm lần đúng tới chín mươi chín lần.

Một ông bạn tôi, nổi tiếng là một giáo sư có tư cách nhưng rất nghiêm khắc. Ông rất đau khổ về tinh thần sa đọa của một số thanh niên hiện nay, rất chán về tình hình các tư thục, và rất can đảm trong việc trị hạng học sinh cao bồi. Vậy mà ông mới nói với tôi rằng các bạn đồng nghiệp của ông nhận xét ra sao không biết, chứ riêng ông thì thấy những thanh niên hư hỏng tới mấy, cũng vẫn có thể cảm hóa được. Ông kể cho tôi nghe chuyện những học sinh bận áo sơ mi đỏ như máu, quần tergal ống hẹp, một nách cắp áo bành tô, một tay cuộn một cuốn vở, vênh váo, cộp cộp bước vào lớp học để phá bạn và thầy. Ông giảng giải lẽ phải cho họ, một hai lần không nghe thì ông cương quyết đuổi ra khỏi lớp, và họ đã không thù oán ông mà còn đứng ở cửa lớp, đợi khi ông ra về là chạy lại vái ông, xin lỗi ông nữa. Sở dĩ vậy là nhờ ông đứng đắn, tận tâm dạy họ điều phải, chứ không thù oán riêng một trò nào, mà những thanh niên sa đọa tới mấy vẫn còn biết trọng giá trị tinh thần của những người như ông. Họ hư là vì hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội, nhưng cả những kẻ ngỗ nghịch nhất vẫn còn có chút lương tâm, và chút lương tâm đó đủ để cứu họ nếu gia đình và xã hội còn có những người đứng đắn.

Muốn dễ vui vẻ với mọi người, ta nên nhớ lời khuyên của Alain, ông bảo: «Người khác ra sao, nhận họ làm vậy; điều đó chưa đủ; họ ra sao, phải muốn họ làm vậy, như thế mới là chân tình».

Khi ta nhận một người nào – dù là một bạn trăm năm hay chỉ là một ông bạn nhậu, một người giúp việc, một ông hàng xóm – là nhận toàn thể cá tính người đó gồm cả những đức và tật, chứ không phải chỉ nhận riêng những cái hay của người đó vì cócái hay kia thì phải có tật nọ, mà nếu không có tật nọ thì làm sao có được cái hay kia.

Bạn cứ nghiệm thì thấy rõ chân lí ấy. Một ông cậu tôi có hai người con dâu: một người hiền lương nhưng không biết làm ăn; một người giỏi tính toán, tháo vát nhưng tính tình dữ tợn, đanh đá. Cả họ, nhất là bà mợ tôi, đều ghét nàng dâu thứ nhì mà thương người dâu thứ nhất. Riêng ông cậu tôi là khoan hòa với cả hai con dâu. Có lần ông bảo tôi: «Mợ cháu ghét con sáu (tức nàng dâu đanh đá), như vậy là vụng suy. Tính tình nó có hơi cay nghiệt như vậy thì nó mới biết làm ăn. Chồng nó đã mơ mộng, không biết lo việc nhà việc cửa thì phải có con vợ như vậy, gia đình nó mới khỏi thiếu thốn chứ».

Hồi đó, cách đây mười mấy năm, nghe câu ấy, tôi mỉm cười, cho rằng cậu tôi thiên vị, chứ cái vẻ cong cớn của cô ta, tôi trông thấy cũng ghét cay ghét đắng như mọi người khác trong họ. Bây giờ tôi phải công nhận rằng ông cậu tôi đã biết xét người. Người chồng cô đó mất trong chiến tranh vừa rồi, và cô ta ở vậy nuôi con, làm ăn phát đạt, con cái được học hành đàng hoàng, sung sướng hơn gia đình nàng dâu lớn rất nhiều.

Tôi lại biết một thiếu phụ nữa cũng rất đoảng, đúng với câu tục ngữ «việc nhà thì khác, việc chú bác thì siêng». Ở nhà thì cô ta chẳng mó vào một việc gì cả, nhưng hàng xóm cậy việc gì thì cô ta thực hết lòng. Cũng trong chiến tranh vừa rồi, chồng phải đi xa, cô ta ở nhà với mấy đứa con.

Ai cũng tưởng cô ta sẽ nghèo đói, khổ sở lắm. Nhưng không, hễ gặp cảnh khó khăn là luôn luôn cô ta được bạn bè, có khi cả người dưng nữa tận tâm giúp, thành thử lúc nào cũng đủ ăn mà vui vẻ.

Đừng bắt người khác phải giống ta, đừng đòi sửa đổi tính tình người khác, mà chỉ nên nghĩ tới việc tự sửa mình thôi, tìm cái hay ở người, đó là bài học khôn nhất mà đáng lí ra người nào cũng phải thuộc từ hồi hai mươi tuổi. Tôi bây giờ là năm chục tuổi mới hiểu được nó, tuy trễ nhưng cũng chưa đáng buồn; tôi chỉ buồn rằng mặc dầu hiểu nó kĩ mà lắm lúc, trong việc xử thế, lại quên nó đi, không biết đem ra áp dụng, hoặc không đủ nghị lực để áp dụng. Trí đã là «nan», mà hành lại càng «nan» gấp mấy nữa.

Tìm được điểm tốt của người khác rồi, ta nên tỏ ít lời vui vẻ với họ. Để cho họ vui mà đỡ được những bệnh do xúc động. Để cho ta cũng vui mà cũng đỡ được những bệnh do xúc động. Để cho chính phủ khỏi phải cất thêm nhà thương cho những kẻ đau vì xúc động. Lần sau, gặp người nàng dâu của ông cậu tôi, tôi sẽ kể cho cô ta nghe lời của ông cậu tôi hồi mười mấy năm trước và tôi sẽ khen cô ta một câu chẳng hạn: «Đàn bà góa mà được như cô thật là giỏi. Các cháu nó được nhờ cô nhiều lắm.»

Lời khen đó không phải là quá đáng. Và nếu tôi còn nhớ cái vẻ cong cớn của cô ta thì tôi sẽ tự nhủ như vầy: «Nhưng còn mình, mình không có tật nào ư?».

Đối với xã hội nên như vậy, mà đối với vạn vật cũng nên như vậy. Con mèo đốm của tôi bắt chuột rất dở, có lần nó trông thấy chuột mà chạy, nhưng trẻ đùa nó tha hồ, nó cứ ngoan ngoãn nằm yên cho mà kéo đuôi, ghì đầu, bóp cổ, không hề quào lại.

Và nếu sắp đi chơi mà bạn thấy trời mưa thì đừng càu nhàu: «Cứ nhè lúc mình bước ra cửa là trút xuống! Mưa gì mưa hoài vậy?», mà nên xoa tay mỉm cười: «Tốt quá! Hôm nay đỡ phải tưới cây!».

6. Đừng lo lắng quá về cơ thể của ta

Lời khuyên thứ sáu: Đừng quá lo lắng về cơ thể của ta.

Có những người buổi sáng mới bừng mắt dậy là tự hỏi: «Có bộ phận nào không êm không?» Và luôn luôn họ thấy một bộ phận nào đó không êm. «Miệng hôm nay sao đắng quá? Một bên mũi nghẹt này sao vậy? Ủa! Cánh tay phải hơi tê tê. Và tại sao da mặt lại sùi lên như vậy?…» Thế là họ lo lắng, gắt gỏng, chẳng buồn làm lụng gì cả.

Vì khi người ta rán tìm bệnh thì bao giờ người ta cũng thấy được một vài bệnh. Bạn thí nghiệm mà xem. Lúc nào không có việc gì làm, bạn chú hết tâm thần vào những cảm giác ở cuống họng của bạn, rán phân tích cảm giác đó thật tỉ mỉ, chẳng hạn thấy nó ngứa cổ hay khô cổ, ngứa, khô ở chỗ nào, nuốt nước miếng xem có bớt không, rồi đằng hắng xem sao… thì chỉ một giờ sau là cổ họng của bạn hóa ra đau thật, và bạn sẽ vội vàng mở cuốn Larousse médical ra coi, nếu bạn có sẵn ở trong nhà.

Một bà cô tôi hai mươi lăm năm trước hay hồi hộp, không biết nghe ai nói mà tin rằng tim mình lớn quá, vội vàng lên Sài Gòn khám bệnh. Cả chục bác sĩ Tây và ta coi tim của bà đều bảo rằng nó bình thường. Nhưng bà vẫn không tin, vẫn xin toa, vẫn uống thuốc, và mỗi năm, hễ bán lúa xong, có dư tiền là lại lên Sài Gòn đi thăm hết các bác sĩ một lượt. Rồi chiến tranh nổ, rồi tản cư, bà không được ngồi không nữa phải lo việc nhà việc cửa, làm ăn để mưu sinh, không còn thì giờ nghĩ đến trái tim của bà nữa và bà hết bệnh luôn cho tới ngày nay.

Người ta bảo bệnh đó là bệnh tưởng tượng. Nó chỉ là bệnh tưởng tượng ở điểm này: tim không lớn mà tưởng rồi tin rằng nó lớn. Nhưng ở điểm khác, điểm hồi hộp, thì bệnh của bà không phải là tưởng tượng. Vì bà hồi hộp thật, mạch chảy mau thật mà sở dĩ vậy không phải tại tim lớn, chỉ tại bà xúc động mà thôi.
Ông John A. Schindler kể chuyện một viên giám đốc nọ làm việc nhiều quá, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, thấy nhói ở ngực nhưng quen rồi, không để ý tới.

Rồi một hôm, nhân có một y sĩ tới khám bệnh cho nhân viên trong hãng, ông kể bệnh cho y sĩ nghe. Ông này gà mờ, bảo là đau tim. Thế là từ đó viên giám đốc mỗi lần thấy nhói ở ngực là run lên, tái mặt, tưởng sắp chết. Một năm trời như vậy, sau nhờ nhiều nhà chuyên môn về tim coi cho, đều không thấy gì, lúc đó ông mới tin rằng cảm giác nhói ở ngực là do mệt nhọc, chứ khôngdo tim.

Tôi nhớ mài mại một tạp chí ở Âu Mỹ, kể câu chuyện lạ lùng này. Một thiếu nữ nọ tắm ở sông bỗng có cảm giác là nuốt phải một vật gì. Cô ta vẫn tiếp tục tắm, về nhà, đêm nằm nhớ lại, thì cho rằng vật đó là một con rắn nước.Ít bữa sau cô thấy cái gì là lạ ở trong bụng, lại càng tin là rắn quậy trong đó. Đi bác sĩ, các bác sĩ đều giảng cho cô rằng không rắn nào sống nổi trong bụng người ta, nhưng cô vẫn không tin, càng lo lắng thêm, người mỗi ngày một hốc hác.

Sau cùng bác sĩ dùng tâm lí để chữa cô, bảo sẽ mổ bụng lấy con rắn ra.Ông ta chỉ đánh thuốc mê ở bụng rồi mổ, thình lình lôi ra một con rắn mà ông đã giấu sẵn, chìa cho cô coi. Cô tin rằng đã lấy được rắn ra và bệnh hết từ đó.

Vậy cứ tin là có bệnh thì sẽ có bệnh thật. Khôn hơn cả là mỗi khi nghi ngờ đau ở đâu thì kiếm một bác sĩ giỏi, có lương tâm nhờ khám rồi trị, nếu có bệnh thật. Nếu bác sĩ bảo là không có bệnh thì đừng nghĩ tới cơ thể của ta nữa.

Thời này có nhiều tạp chí và sách phổ biến y học.Đó là một tấn bộ giúp ta hiểu thêm cơ thể của mình mà đề phòng bệnh tật. Nhưng cũng có nhiều báo quảng cáo thuốc và đọc những quảng cáo đó mà không sáng suốt thì dễ hoang mang rồi tưởng mình có bệnh. Bạn cũng nên thận trọng về điểm đó nữa.

Ngay như bệnh già cũng không đáng cho ta lo. Vì càng lo càng mau suy nhược; mà tinh thần vui vẻ có thể làm cho ta trẻ lại được. Bác sĩ Schindler kể chuyện một ông già tám mươi ba tuổi tên là George để chứng minh điều đó.

Hồi trẻ ông George là một nhà dàn cảnh có tài ở Broadway. Năm bốn mươi tám tuổi góa vợ, rồi con trai ra ở riêng tại San Francisco. Ông không tục huyền, sống cô độc rồi gặp những nghịch cảnh trong nghề nghiệp, đâm ra chán nản, uống rượu để tiêu sầu, thành nghiện ngập, vì vậy mà mất việc ở Broadway, phải làm mướn nơi này ít tháng, nơi kia it tuần để kiếm ăn. Năm bảy mươi hai tuổi ông lâm vào cảnh cơ hàn, con trai ông đón ông về San Francisco để nuôi nấng. Nhưng tại tỉnh này, ông vẫn thấy cô đơn, không có bạn bè, nhất là phải xa hẳn cái thế giới ca nhạc trong đó ông đã sống trên bốn chục năm, ông thấy buồn lắm. Thêm nỗi bố chồng và nàng dâu không thuận nhau.Ông đau khổ, cho rằng bị hất hủi. Từ đó ông lâm bệnh nằm liệt giường. Vài ba bác sĩ tới coi mạch, bảo ông là bị bệnh già, huyết quản ngạnh hóa (artériosclérose), chỉ có cách tĩnh dưỡng chứ không có thuốc trị.

Rồi một hôm, do một sự ngẫu nhiên, một y sĩ chuyên về thần kinh, bác sĩ K. M.

Bowman, lại thăm ông, khám bệnh kĩ càng rồi bảo:

— Chúng tôi mới dựng một nhà hát cho những cụ già, chúng tôi cần một người dàn cảnh. Nghe tiếng cụ, chúng tôi muốn nhờ cụ tiếp tay, không biết cụ chịu nhận lời không?

Cụ già đáp:

— Tôi sẵn lòng, nhưng bệnh tật như vầy, làm gì được?

— Không sao, chúng tôi cần kinh nghiệm của cụ thôi, mọi việc đã có người làm. Thế là người tađặt ông già ngồi vào một chiếc xe, đẩy lại rạp hát để ông chỉ huy công việc. Nửa tháng sau ông George khỏi phải ngồi xe mà đi lại như thường. Rồi nửa tháng sau nữa, ông hoạt động như hồi 60 tuổi, nghĩa là trẻ đi được hai chục tuổi. Vậy bệnh suy nhược của ông phần lớn do buồn rầu mà sinh ra.

Bác sĩ Bowman còn kể cả chục trường hợp như vậy nữa. Đáng cho bạn tin chứ?

7. Tập cười

Sau cùng, lời khuyên thứ bảy: nên tập cười. Bác sĩ Pierre Vachet bảo một cái hại của nền văn minh cơ giới là con người thời nay sao buồn quá. Ông viết trong cuốnLes maladies de la vie moderne:

«Chúng ta ngày nay không biết cườinữa, gần như không biết mỉm cười nữa.» Trong một buổi diễn thuyết ở viện y học xã hội[10] tháng 4 năm 1959, giáo sư quá cố Pierre Delore trình bày về đời sống trong các đô thị, nói rằng: «Dân trong các châu thành không ca hát nữa.[11] Hầu hết đều mệt mỏi, suy nhược, u uất (…) ngày thì uống thuốc bổ, đêm thì uống thuốc chỉ thống (…). Họ không vui vẻ, mặt họ âu sầu.»

Rồi Pierre Vachet khuyên chúng ta phải tập cười: «Cười, cười, đó phải là hoàng kim qui tắc của chúng ta. Vì không có gì «xả hơi» công hiệu bằng cười.»

Nó làm cho các bắp thịt, nhất là những bắp thịt ở bụng, ở ngực, được duỗi ra, hết căng thẳng, vì khi bật cười, không khí trong phổi phì ra, hoành cách mô được nghỉ ngơi mà các dây thần kinh cũng vậy.

Hơn nữa, các hạch, (thận, gan, mật) hoạt động mạnh lên, ta tiêu hóa mau hơn, chất dơ trong cơ thể bài tiết ra ngoài dễ hơn, mà những chất kích thích tố (hormone), ngay cả hồng huyết cầu cũng tăng lên.

Về phương diện tâm lí, ảnh hưởng của sự vui vẻ cũng rất quan trọng, như một chương trên chúng tôi đã nói. Tâm hồn thấy nhẹ nhàng, bớt làm biếng, bớt ích kỉ, dễ khoan hồng, hiểu người, thương người; trí khôn minh mẫn hơn, sức tưởng tượng dồi dào hơn, nghị lực mạnh mẽ hơn.

Đáng quí nhất là cái cười rất dễ lây. Darwin đã nhận thấy rằng trong một đám đông đương sợ sệt, lo lắng vì một tai nạn có thể xảy ra, nếu một người nghĩ tới một khía cạnh hài hước của tình trạng, cười lên được thì những người khác cũng cười theo mà có thể quên được nỗinguy.

Vậy ta nên đọc những truyện hài hước có ý nhị (chẳng hạn những cuốn Treize à la douzaine, Six filles à marier của E. và F. Gilbreth, những hài kịch cổ kim, có giá trị như tác phẩm của Mark Twain…) và nhất là phải tập cười. Như Emerson đã nói, «Thế giới là một tấm gương; nếu ta nhăn mặt thì tấm gương đó sẽ phản chiếu cho ta sự buồn khổ».

Hể ta muốn cười, có cái tâm trạng vui vẻ, hài hước thì sẽ tìm được cách để cười.

Pierre Vachet kể hai trường hợp dưới đây để làm thí dụ:

Một lần muốn cho bệnh nhân vui lên một chút, ông bảo họ đọc danh từ Anh «cheese», nghĩa là phó mát. Ông yêu cầu họ đọc đúng giọng, hai hàm răng sát nhau, nhích môi ra, bắp thịt ở gò má co lại, rồi phát ra thanh âm này: «t’chi dờ», trong khi nhìn vào tấm gương. Họ làm như ông chỉ và mọi người đều phì cười. Bạn làm thử đi, xem có nín cười không, và có thấy dễ chịu trong tâm hồn không.

Trường hợp thứ nhì là một giai thoại về vua Christian IX. Trong các buổi dạ hội ở triều đình Copenhague, nhà vua thường quay lại nhìn Hoàng hậu, mỉm cười rồi nói: «Một, hai, ba, bốn, năm». Hoàng hậu mỉm cười lại, đếm tiếp: «Năm, sáu, bảy, tám, chín». Thế là bao nhiêu người có mặt đều cười rộ lên, không khí vui vẻ tới mãn buổi.

Một số người nghiêm khắc chắc sẽ bĩu môi chê vua Christian IX là một trò hề vô vị, vô nghĩa lí. Coi chừng đấy. Những vị đó mắc cái bệnh của thời đại rồi đấy. Đếm từ một đến năm, quả là một việc vô nghĩa thật; nhưng làm cho người khác cười để mình và họ vui lên một chút, thì lại là một hành động rất nhiều ý nghĩa, tỏ rằng chúng ta có một tâm hồn khoáng đạt, có lòng yêu người nữa.

Tóm tắt bảy lời khuyên về phép dưỡng sinh:

1. Tập tự chủ để làm chủ hoàn cảnh.

2. Tập tinh thần dễ dãi.

3. Tập tinh thần giản dị.

4. Tập yêu công việc.

5. Tập yêu người chung quanh.

6. Đừng quá lo lắng về cơ thể của ta.

7. Tập cười.

Theo đúng được bảy lời khuyên đó thì ta tránh được 75% bệnh tật của ta, sống vui vẻ, mạnh khỏe 365 ngày một năm như John A. Schindler nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.