Sống 365 Ngày Một Năm

CHƯƠNG VIII NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỂ TRỊ CÁC BỆNH DO XÚC ĐỘNG



Luyện một tinh thần khoán đạt, tập một nếp sống giản dị, là cách công hiệu nhất để tránh các bệnh do xúc động.

Nhưng một khi đã phát thành những chứng mất ngủ, lở bao tử, đau ruột, đau tim, hoặc nặng hơn nữa, như bệnh nặng óc… thì tất nhiên phải nhờ y sĩ trị theo phương pháp tâm thần. Dưới đây chúng tôi xin tóm tắt những cách trị theo phương pháp đó, để độc giả biết qua các đại cương vì hễ hiểu cách trị thì dễ tin y sĩ mà bệnh càng mau bớt.

Từ hai ngàn năm trước, Platon đã nói: «Thời này người ta mắc một lầm lẫn lớn trong cách trị bệnh, là tách rời linh hồn và cơ thể, mà chỉ trị có cơ thể thôi».

Sau Platon, thỉnh thoảng cũng có vài tiếng rời rạc nổi lên trong sa mạc, như Anton Mesmer, Jean Martin Charcot, Sigmund Freud.

Mesmer ở cuối thế kỉ 18 viết: «Bệnh có những nguyên nhân thể chất mà cũng có những nguyên nhân tinh thần: lòng kiêu căng, bủn xỉn, tham lam, tất cả những tà dục của tâm hồn con người đều sinh ra những bệnh có triệu chứng trông thấy được.» Ông cho rằng trong vũ trụ có một thứ «khí lưu động» (fluide mobile) nào đó nó giữ cho vạn vật được điều hòa và ông dùng «từ khí» (magnétisme) để trị bệnh: ông tạo khí đó bằng những mạt sắt trộn với mảnh vụn thủy tinh, bằng những ve đầy nước, những cây sắt uốn cong… rồi cho truyền thứ «từ khí» đó vô cơ thể bệnh nhân.

Charcot (1825 – 1893) không tin ở thuyết từ khí mà nghiên cứu hiện tượng thôi miên.

Freud (1856 – 1939) phát minh ra thuyết mặc cảm. Muốn trình bày cho tạm đủ thuyết của ông thì phải viết một cuốn độ một trăm trang[12], ở đây tôi chỉ nói qua rằng theo ông, con người có những ý nghĩ, những ý muốn bị dồn vào tiềm thức mà ta không biết, rồi phát ra những chứng bệnh về tinh thần. Muốn trị những bệnh đó, phải thôi miên bệnh nhân, để cho những ý nghĩ, ý muốn đó từ tiềm thức hiện lên trên, phát ra ngoài (trong khi bệnh nhân còn mê man vì bị thôi miên) mà khi nó phát ra được rồi thì tinh thần con người nhẹ đi, bệnh có thể hết.
Nhưng mãi đến gần đây (vào khoảng 1930 trở đi), các bác sĩ như Walter Cannon,

Franz Alexander, Helen Dunbar mới thật là bắt đầu nghiên cứu tinh thần và tâm lí bệnh nhân và ta có thể nói rằng tâm thần y khoa lúc đó mới xuất hiện.
Như tôi đã nói, khoa này không tách rời tâm thần và thân thể của bệnh nhân, mà cũng không tách rời các bộ phận ra nữa. Con người không phải là do nhiều bộ phận hợp lại mà thành, nó là một toàn thể không thể tách rời ra từng phần được. Hễ đau ở một bộ phận nào là toàn thể chịu ảnh hưởng. Chân lí đó không có gì mới mẻ, cách áp dụng nó mới đáng cho ta chú ý. Chính cách áp dụng nó đã làm thay đổi hẳn quan niệm về bệnh.

Trước kia người ta nghĩ rằng một tác nhân (agent) nào đó (chẳng hạn vi trùng) ở ngoài xâm nhập cơ thể, làm cho cơ thể đau và người ta bảo: «Bệnh sốt rét do vi trùng Laveran, bệnh ho lao là do vi trùng Koch gây ra».

Ngày nay người ta bảo: Không, không phải vi trùng gây ra bệnh, đừng đổ oan cho nó. Cơ thể người nào cũng bị vi trùng xâm nhập, nhưng có phải người nào cũng đau đâu. Vậy thì đau là tại cơ thể mình yếu, tại cái «tạng» của mình như Đông y nói, tại cái «terrain», cái cơ địa như Tây y nói. Vi trùng vô, nó tấn công cơ thể ta. Tất nhiên cơ thể ta chống cự lại. Nếu hai bên ngang sức nhau thì sự chiến đấu âm thầm mà không hiện ra một triệu chứng gì ở ngoài để cho ta hay cả.

Trái lại, nếu vi trùng thắng thì mất cái thế quân bình trong cơ thể, cơ thể phải vận dụng tất cả năng lực để chống cự, do đó mà phát ra những triệu chứng ta gọi là bệnh. Vậy bệnh chỉ là sự phản ứng của cơ thể. Vi trùng không gây ra bệnh; chính cơ thể gây ra bệnh để diệt vi trùng. Cho nên ta không nên nói: «Vi trùng Laveran gây ra bệnh sốt rét» mà phải nói «Bệnh sốt rét là một phản ứng của cơ thể để chống lại vi trùng Laveran».

Những bệnh thần kinh suy nhược (névrose) cũng vậy. Một người phải sống trong một hoàn cảnh không hợp với mình. Người đó phải thu mình lại (theo nghĩa bóng) như con ốc chui vào trong cái vỏ để có thể sống được một cách tạm yên ổn. Sự thu mình đó là một nhu cầu về tâm lí, nó là một phần ứng tự vệ; cũng như cơ thể phản ứng với vi trùng vậy. Chỉ khác là vi trùng tấn công trong ít ngày rồi hoặc là nó thắng hoặc là ta thắng, mà ta thắng thì hết bệnh; còn sự thu mình – tức sự phản ứng của tâm hồn ta với nghịch cảnh – thì còn hoài, cả khi mà hoàn cảnh thay đổi. Chẳng hạn, một đứa trẻ, vì sống với dì ghẻ, hóa ra buồn chán, phẫn uất, ít nói, lớn lên ra ở riêng, vẫn gìn giữ tánh đó. Tánh đó nhập vào tiềm thức nó rồi, chính nó cũng không ngờ, nói chi người ngoài. Vì vậy mà những bệnh về thần kinh rất khó mà tìm ra nguyên nhân, rất khó trị. Xin độc giả nhớ lại chuyện người bán đồ sắt ngầm ghét anh mà sinh ra bệnh tháo dạ tôi đã kể ở trên.

Tôi xin lấy một thí dụ khác. Ông X bị bệnh lở bao tử. Đây chỉ là một thí dụ thôi, không phải là ai lở bao tử cũng do nguyên nhân tôi sẽ kể.

Ông lở bao tử. Tại sao? Tai ông ợ nhiều nước chua trong bao tử. Nhưng tại sao nước chua trong bao tử lại làm lở bao tử ông? Tại cơ thể ông thiếu sự quân bình giữa sự tấn công của nước chua và sự tự vệ (do một kích thích tố chống sự lở loét (hormone anti-ulcéreuse). Mà thiếu sự quân bình đó là do bộ thần kinh mệt mỏi. Mà thần kinh mệt mỏi vì nó bị những xúc động khó chịu như lo, buồn, giận, bực tức… kích thích hoài.

Vậy thì lở bao tử chỉ là một triệu chứng. Trị cho lành vết lở chỉ là trị ngọn, không phải là trị gốc. Ông X đó đau về tâm lí rồi mới sinh ra đau về cơ thể. Phải trị tận gốc, trị tâm lí. Nếu không trị tâm lí thì có thể bệnh đó tuy hết mà biến ra chứng khác, như đau ruột, nổi mề đay…

Những phương pháp thường dùng từ xưa tới nay khi bệnh nhẹ

Để trị những bệnh do xúc động nếu là bệnh nhẹ, nghĩa là khi thần kinh chỉ suy nhược thôi, chưa đến thác loạn, người ta dùng những phép dưới đây:

— Phép châm cứu: phép này người Trung Hoa đã biết từ lâu, đôi khi thần hiệu nhưng không phải là trị được đủ các bệnh. Phải là những nhà chuyên môn rất nhiều kinh nghiệm, điểm đúng những huyệt ở ngoài da (mỗi huyệt ảnh hưởng tới một bộ phận nào đó trong cơ thể) thì mới có kết quả.

— Phép dĩ bệnh liệu bệnh (homéopathie): ví dụ muốn trị bệnh bón, người ta dùng thứ thuốc nào mà cho người mạnh uống thì người đó hóa bón; thứ thuốc đó người ta pha ra thật loãng rồi cho người bị bệnh uống. Phép đó đôi khi cũng công hiệu.

— Phép đấm bóp cũng được cổ nhân dùng rồi, ngày nay đang được nghiên cứu kỉ. Đấm bóp làm cho bắp thịt, gân, mạch máu được khỏe khoắn, hoạt động một cách điều hòa, cả thể chất lẫn tinh thần thấy nhẹ nhàng. Bác sĩ André Bonnet kể chuyện một kỉ nghệ gia nọ 51 tuổi, bận nhiều việc quá, hóa ra quạo quọ, nhân viên không ai chịu nổi, sau chỉ nhờ mỗi ngày đấm bóp mười lăm phút mà hết bệnh. Nhưng cũng cần có nhà chuyên môn vì khoa đó cần phải học lâu: cách đấm bóp thay đổi tùy bệnh nhân, gần thành một nghệ thuật.

— Những phép làm dịu thần kinh như:

— Dùng những thuốc an thần (tranquillisant), nhưng dùng lâu có hại;

— Tập thở: những tế bào thần kinh cần nhiều ốc-xy (dưỡng khí) gấp mười những tế bào khác theo thí nghiệm của giáo sư Klossowski;
— Nghỉ ngơi: nằm duỗi chân tay cho các bắp thịt dãn ra, người mềm ra, rồi tập đuổi hết ý tưởng ra khỏi óc, không nghĩ ngợi gì cả, nhắm mắt, thở đều đều.
— Đông miên nhân tạo cũng là một cách nghỉ ngơi. Ở gần Bắc cực và Nam cực, tới mùa đông có một số loài vật (như con cu-li) chui vào hang, ngủ một giấc hai ba tháng, tới mùa xuân tỉnh dậy mới đi kiếm ăn vì lúc đó mới có mồi. Trong khi ngủ, cơ thể chúng gần như ngưng hoạt động, tiêu rất ít chất ăn (lấy ở lớp mỡ của chúng), nhiệt độ xuống rất thấp. Hiện nay y khoa đã tìm được cách tạo sự đông miên cho bệnh nhân: làm cho nhiệt độ xuống chỉ còn 30 độ, rồi mê man ngủ luôn mấy ngày, nhờ vậy mà thần kinh dịu đi, bệnh mau hết.

Phương pháp của bác sĩ John A. Schindler

Nhưng phương pháp mới nhất trị tận gốc là phương pháp thuyết phục nghĩa là giảng cho bệnh nhân biết bệnh phát ra là do xúc động và muốn hết bệnh thì phải đổi lối suy nghĩ và cách sinh hoạt.

Chúng tôi viết tập này chính là để giới thiệu phương pháp đó mà chúng tôi tin rằng hợp lí, hiệu nghiệm hơn cả. Tài liệu chúng tôi dùng đa số là của bác sĩ John A. Schindler và chính ông đã tìm được một cách để có thể trị nhiều bệnh nhân mà không tốn thì giờ quá. Cách đó đại lược như vầy.

Bệnh thì có rất nhiều hình thức(đau bao tử, gan, ruột, tim, suyễn… do nhiều thứ xúc động: kẻ thì do giận dữ, kẻ thì do thất vọng, kẻ thì do lo lắng, oán hờn, ghen ghét…) nhưng xét chung thì bệnh nào cũng là do tinh thần không già giặn, không đạt quan, cho nên có thể giảng giải, thuyết phục một lần một số đông bệnh nhân được.

Tất nhiên mới đầu ông phải xét riêng từng bệnh nhân một đã để biết họ đau ở đâu và đời sống họ ra sao.

Rồi ông gom năm sáu chục bệnh nhân vào trong một phòng rộng, cho họ nghe những đĩa hát, coi chiếu những phim màu về nguyên nhân và sự phát triển của các thứ bệnh do xúc động gây ra. Trước khi vô phòng và sau khi ở phòng ra ông để ý xét mỗi bệnh nhân trong 5 phút, xem sự thuyết phục bằng đĩa hát và phim đó có ảnh hưởng gì tới tinh thần họ không.

Cứ mỗi tuần có một lần như vậy. Sau vài ba tháng, đa số có kết quả khả quan. Một số bệnh nhân thú với ông rằng: «Truyện ông X trong phim đó giống hệt tình cảnh của tôi. Chắc nguyên nhân bệnh của tôi cũng vậy. Thế mà từ trước không ai bảo cho tôi chứ». Nhưng nếu có bác sĩ nào bảo: «Ông ta đau bụng là vì ông ta ghét bà mẹ vợ của ông quá, mà cái ruột già của ông nó phản ứng lại bằng cách đó» hoặc «Bà thấy nghẹn ở cổ ư? Tại trong đời sống của bà có cái gì nó không xuôi đấy, ba ấm ức về cái gì đấy» thì bệnh nhân tất đã trừng mắt, cho bác sĩ là điên rồ: «Ruột già mà liên quan tới bà mẹ vợ?»«Cái không xuôi ở trong đời mà lại đóng cục lại ở cuống họng?»; phải cho họ thấy tận mắt những trường hợp giống hệt như họ thì họ mới tin được . Khi họ tin rồi thì là xong đoạn thứ nhất: giảng giải.

Qua giai đoạn thứ nhì: cởi mở . Họ cởi mở nỗi lòng của họ cho ông nghe. Mỗi tuần ông tiếp mỗi người một lần trong một giờ. Có người phân tích được lòng mình, chỉ vài tuần là cởi mở liền; có người phải vài tháng, vài năm.

Khi họ đã kể lể hết tâm sự với ông, thì ông bắt đầu bước qua giai đoạn thứ ba: huấn luyện. Ông bảo họ:
— Ông đã thấy nguyên nhân bệnh của ông rồi, nay ông thử tìm cách trị đi.

Ông để họ suy nghĩ lấy, tuần sau lại trả lời cho ông.Ông hướng dẫn họ, khuyến khích họ, nhưng để họ tìm lấy lối sống mới và quyết định lấy, rồi thực hành.

Ông theo dõi họ, nâng đỡ họ, an ủi họ cho tới khi họ hết bệnh hẳn mới thôi.

Luôn trong sáu năm, ông trị cả ngàn bệnh nhân như vậy mà đa số khỏi bệnh hoặc bớt được nhiều, sống vui vẻ lên mà khỏe mạnh trở lại.

Bao giờ ở nước ta mới có được một vài bác sĩ thử áp dụng phương pháp của Schindler?Trong khi chờ đợi, mà phải sống cái đời bấp bênh như hồi này, hạng người bị những bệnh do xúc động sẽ chiếm không biết mấy chục phần trăm số giường trong các dưỡng đường? Ta chỉ còn có cách tự lo cho ta, đọc kĩ và rán áp dụng những lời khuyên của Schindler để đề phòng những bệnh do xúc động, những lời khuyên mà tôi đã tóm tắt trong một chương trên.

Nếu là bệnh nặng

Nếu bệnh đã nặng, thần kinh thác loạn thì có những cách trị dưới đây:

— Gây một xúc động mãnh liệt : Bác sĩ André Bonnet trong cuốn Comment stabiliser votre équilibre psychique kể chuyện một ông già nọ bị tê liệt, không rời khỏi giường đã tám năm. Các bác sĩ đều bảo là vô phương trị, sống được lâu như vậy thì cũng là lạ. Rồi năm 1944, một phi cơ Anh liệng một trái bom ngay trước cửa nhà ông lão; ông kinh khủng, nhảy phắt xuống sân, chạy tung ra ngoài đường. Từ đó bệnh của ông hết luôn.

Dale Carnegie trong cuốn Quẳng gánh lo đi kể một chuyện tương tự: một bệnh nhân cũng nằm liệt ở giường rồi bom Nhật dội xuống Trân Châu Cảng, bà ta không nghĩ tới bệnh của mình nữa, hăng hái giúp các nạn nhân mà lần lần bệnh hết.

Sự thực, đó không phải là một cách trị bệnh, vì mặc dầu kết quả có thể phi thường, mà không bác sĩ nào dùng phương pháp đó cả. Ai mà dám dùng tới bom để trị bệnh?

— Người ta chỉ có thể dùng cách chạy điện (électrochoc) thôi. Cách này rất tàn nhẫn. Cho chạy một luồng điện từ 80 đến 150 volts vào óc bệnh nhân trong từ 1/10 đến 1 giây. Bệnh nhân trợn trừng, dẫy dụa, co quắp chân tay, mê man. Bộ thần kinh giao cảm kích thích rất mạnh, các kích thích tố cũng chịu ảnh hưởng rất lớn.Đôi khi kết quả khả quan (trường hợp những bệnh nhân buồn chán như mất hồn), nhưng phải thận trọng lắm, bất đắc dĩ mới phải dùng nó.

— Chích thật nhiều insulin (chất do lá lách tiết ra) để cho chất đường (glucose) trong máu giảm xuống. Chích xong, hai ba giờ sau bệnh nhân toát mồ hôi, chóng mặt, tim đập mạnh rồi lần lần mê man. Người ta để cho bệnh nhân mê man như vậy một hay hai giờ rồi cho uống đường, hoặc tiêm đường vào mạch máu, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy tức thì.

Phương pháp này cũng đôi khi có kết quả, nhưng vẫn nguy hiểm, không nên lạm dụng.
— Thôi miên . Ở Pháp người ta khinh thuật này cho nó là sặc mùi «thầy pháp», nhưng ở Anh người ta lại bắt đầu trọng nó, yêu cầu các trường y khoa dạy nó như những thuật khác. Nó có kết quả. Người ta có thể thôi miên bệnh nhân rồi mổ mà bệnh nhân không thấy đau.Ảnh hưởng của nó tới các bộ phận tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn rất mạnh. Lại có thể thôi miên bệnh nhân rồi bảo bệnh nhân kể hết những điều thầm kín trong đời tình cảm của mình: những điều mà bệnh nhân biết những lúc tỉnh thì không dám thú ra, và cả những điều ở trong tiềm thức nghĩa là bệnh nhân đã quên, không nghĩ tới nữa. Nhờ vậy y sĩ có thể biết được nguyên nhân những bệnh do mặc cảm gây ra mà tìm cách trị bệnh bằng cách ám thị hay bằng những cách thông thường.

Nhưng hình như chỉ có một số ít người (mười người chỉ có một) là có thể bị thôi miên và ám thị. Như vậy thì phương pháp đó chẳng thần hiệu gì mà những kẻ thiếu lương tâm có thể lạm dụng nó để làm bậy, cho nên người Pháp chưa đem dạy trong các trường cũng là phải.

Khoa tâm thần y học mới xuất hiện từ ba chục năm nay, rồi đây nó còn phát triển mạnh; nhờ những tấn bộ của khoa tâm lí, người ta sẽ phát minh được nhiều điều là làm cho phương pháp trị bệnh sẽ thay đổi hẳn mà đa số nỗi đau khổ của loài người có thể giảm được. Chúng ta chỉ mới đương được coi màn đầu của một cuộc cách mạng lớn lao trong y học thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.